Thứ ba tuần 4 mùa vọng.

Đăng lúc: Thứ ba - 23/12/2014 02:45 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 4 MÙA VỌNG.
"Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả".
 

LỜI CHÚA: Lc 1, 57-66
Khi đến ngày sinh, bà Isave hạ sinh một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: "Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan".
Họ bảo bà rằng: "Không ai trong họ hàng bà có tên đó". Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: "Tên nó là Gioan". Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa.
Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: "Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó".

 
Suy Niệm 1: Sinh Nhật Của Gioan Tẩy Giả

Vào thời quân chủ xưa, khi các vị vua muốn viếng thăm một nơi nào ngoài kinh đô, thì đầu tiên các sứ giả của triều đình được gửi đến đó để chuẩn bị nơi chỗ cho xứng đáng, đồng thời dạy dân chúng biết cách thức và nghi lễ khi đón tiếp vua. Vì có những nghi thức thật quái lạ mà bình thường con người ít khi nghĩ tới như: để tỏ lòng kính trọng khi vua đi ngang qua thì tất cả các thần dân phải sấp mình xuống đất không được nhìn lên dù chỉ là một cái liếc mắt, nếu bị gặp đều phải lãnh phạt, hình phạt có những lúc tới mức độ phải tử hình, do đó mà không thể thiếu việc các sứ giả được sai đi.
Trong bài đọc của phần Phụng Vụ hôm nay, ngôn sứ Malakia đã tiên báo về một sứ giả có nhiệm vụ dọn đường cho vị Vua trên hết các vua đến thăm Ngài. Sứ giả ấy là Elia: "Này đây, Ta sai tiên tri Elia đến cùng các ngươi trước ngày trọng đại kinh khủng của Ta, người sẽ hoán cải lòng cha ông về lại với con cháu và lòng con cháu trở về cùng cha ông". Về sau Chúa Giêsu sẽ tỏ lộ cho các môn đệ Ngài biết: "Elia chính là Gioan Tẩy Giả", và trong bài Tin Mừng thánh sử Luca đã nói gì với sứ giả Gioan này?
Anh chị em thân mến!
Chẳng khác gì người Việt Nam chúng ta, người Do Thái cũng sống tình bà con láng giềng rất thắm thiết. Nghe Elizabeth sinh hạ con trai, bà con láng giềng liền đến giúp đỡ và chia sẻ niềm vui cùng với gia đình Zacharia. Ðến ngày thứ tám, lúc làm lễ cắt bì và đặt tên cho con trẻ cũng có sự hiện diện của họ. Họ muốn lấy tên Zacharia mà đặt tên cho con trẻ chứ không phải là Gioan. Gioan hay Giokhanan tiếng Do Thái có nghĩa là "Thiên Chúa thương xót". Vì sự chào đời của Gioan là một biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, cách riêng cho Zacharia và Elizabeth, vì Thiên Chúa đã cất đi sự tủi nhục bấy lâu đè nặng trên người đàn bà son sẻ và cách chung cho toàn thể gia đình nhân loại. Vì hôm nay đã xuất hiện vị sứ giả để dọn đường cho vị Vua trên hết các vua đến thăm dân Ngài, một niềm vui mà đã mấy ngàn năm gia đình nhân loại ngóng chờ. Chắc chắn những người hiện diện đều biết chữ Gioan hay Giokhanan có nghĩa là "Thiên Chúa thương xót".
Tuy nhiên, họ lại không hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa nên đã từ chối không chịu nhận tên Gioan cho con trẻ. Họ không hiểu vì tâm trí của họ đang bị ràng buộc bởi những suy nghĩ của trần thế, quá lệ thuộc vào các tập quán cổ xưa. Vì thế, họ không còn cảm nhận được giá trị của lòng thương xót Thiên Chúa ban xuống cho con trẻ và gia đình: "Không ai trong họ hàng bà có tên này".
Con người cứ nhắm mắt đưa chân theo những vết xưa cũ ấy nên họ chẳng nhận ra được những thực tại trước mắt, không biểu lộ được ý nghĩa của công việc họ đang tham dự. Ðến chung vui vì Thiên Chúa đã xót thương, thế mà họ lại không chịu tuyên xưng lòng thương xót của Ngài.
Với Zacharia cũng thế, lý luận mang tính cách trần thế đã khiến ông không tin nhận lòng thương xót của Thiên Chúa đang được ban xuống cho gia đình ông. Vì thế mà ông đã phải lãnh nhận hình phạt là bị câm. Chỉ khi ông đã quyết định đặt tên cho con trẻ là Gioan, tức là khi ông tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa thì lúc đó ông mới được tha khỏi hình phạt, và cũng là lúc ông chúc tụng ngợi khen lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thật thế, trong cuộc đời có lẽ không có gì làm buồn lòng con người cho bằng đi làm ơn mà chỉ được lãnh nhận thái độ lãnh đạm, thờ ơ và cũng chẳng có gì đáng trách cho bằng thái độ vô ơn. Nếu trong dân gian có những câu nói diễn tả lòng dạ ác độc như cầm thú thì về phương diện biết ơn, thú vật đôi lúc lại được xếp hạng trên con người: "Cứu vật vật trả ơn. Cứu nhân nhân trả oán".
Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng để chuẩn bị mừng kính mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, một mầu nhiệm diễn tả lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại. Ước mong rằng mỗi người trong chúng ta kiểm điểm lại tâm tình biết ơn của mình. Có thể chúng ta không cố tình quên ơn nhưng trong thực tế chúng ta lại sống như những người vô ơn. Tuy nhiên, như những người láng giềng của gia đình Zacharia, thì qua cách suy nghĩ trần tục, các thành kiến hẹp hòi, các thói quen ích kỷ đã vây phủ lấy chúng ta, làm cho chúng ta bị mờ tối nên chẳng nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa hằng bao bọc chúng ta cũng như tình thương của người anh em đang tặng ban cho chúng ta. Nhưng khi nhận ra lòng thương xót ấy thì chúng ta cũng như Zacharia là thốt lên lời chúc tụng và ngợi khen.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
 
Suy Niệm 2: Thừa hưởng thánh ý Chúa
Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em, nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. (Lc. 1, 59-60)
Phụng vụ hôm nay giới thiệu cho chúng ta một chứng nhân khác theo hình ảnh Đức Maria, ông đã nhận được tin Thiên Chúa đoái thương, nhưng vì cứng lòng tin, ông đã bị câm.
Giờ đây ông tin lời thiên thần đã báo cho ông khi trước, dù phải trái với tục truyền về cách đặt tên cho con, Gia-ca-ri-a đã biết phải vâng theo thánh ý Chúa để đặt tên cho con là Gioan và chúc tụng Chúa. Trước sự kiện lạ đó, láng giềng bà con đã nhận ra bàn tay Thiên Chúa phù hộ.
Thường xuyên chúng ta cũng được mời gọi đón nhận thánh ý Chúa nhờ đức tin, mà chẳng biết tại sao xảy ra như vậy. Thí dụ: vợ được bài học qua cái chết của chồng hay tu sĩ khám phá ra một ơn gọi đặc biệt vượt quá sức mình. Có nhiều hoàn cảnh giúp chúng ta sống đức tin để trở nên người thừa hưởng thánh ý Thiên Chúa. Chính lúc đó người ta cảm thấy được can đảm cần có, được bình an nội tâm và nhận biết phải sống với Chúa bằng tình bạn chí thiết.
Đang sống giữa những tiếng ồn ào náo nhiệt chuẩn bị Noel, chúng ta có biết khám phá ra ý nghĩa của ngày đại lễ này không? Chúng ta có biết sống nhiệt tâm theo thánh ý Chúa hằng ngày để đón mừng Đấng Cứu thế đến không?
Dù những nghi nan như ông Gia-ca-ri-a, chúng ta biết chấp nhận ý Chúa trong đức tin, chúng ta sẽ được thừa hưởng ơn phúc của lời Chúa hứa ban như Chúa đã ban cho ông Gia-ca-ri-a.
A.N

 
 
SUY NIỆM 3:

Bài Tin Mừng của ngày 23 và 24 ngay trước lễ Giáng Sinh kể lại biến cố sinh ra của thánh Gioan Tẩy Giả và những gì diễn ra chung quanh biến cố này. Như thế, không chỉ cuộc đời và cái chết của thánh nhân loan báo Đức Ki-tô, nhưng cả quá trình được cưu mang và được sinh ra của ngài cũng loan báo Đức Ki-tô.

Trình thuật về biến cố sinh ra của Gio-an, theo thánh Luca, gồm có hai phần : Phần I bắt đầu với biến cố sinh ra của hài nhi, sau đó xoay quanh vấn đề tên gọi, và có điểm tới là lời chúc tụng của ông Dacaria cùng với những băn khoăn của mọi người về tương lai của hài nhi : “Đứa trẻ này rồi sẽ thế nào đây ?” (c. 66). Như thế, lời chúc tụng có tầm mức “sinh ra” ; bởi lẽ chúng ta phải được tái sinh bởi Lời hằng sống mạnh hơn sự chết, chúng ta mới có thể cất lời ca tụng Chúa được.

Phần II là lời ca tụng Benedictus bất hủ của ông Dacaria, vì sẽ trở thành lời ca tụng khởi đầu ngày sống của Giáo Hội và của từng người chúng ta. Bài ca Benedictus vừa mang lại nội dung cho lời chúc tụng Thiên Chúa của ông Dacaria lúc ông nói được, vừa giải đáp thắc mắc về căn tính và tương lai của hài nhi trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

 

1. Mầu nhiệm tên gọi

Tất cả chúng ta đều biết, Gioan là ơn huệ tuyệt đối do Thiên Chúa ban, khởi đi từ cung lòng hiếm muộn và già cỗi của bà Elizabeth, như chính ông Dacaria thú nhận : “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng cao niên” (Lc 1, 18) ; và chính sứ thần Gabrien loan báo cho Mẹ Maria : “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng” (c. 36). Ơn huệ tuyệt đối này phải được thể hiện ngang qua tên gọi Gioan, trong tiếng Do-thái, “Gioan” có nghĩa là “Thiên Chúa Thi Ân”. Chính vì thế mà, tất cả mọi người trong gia đình và họ hàng đều tham gia trực tiếp vào việc đặt tên. Và kết quả là làm vang lên và vang xa lời chúc tụng Thiên Chúa.

Sứ mạng của thánh Gioan Tẩy Giả là loan báo Đức Ki-tô và dọn đường cho Ngài, chính vì thế mà sau này, thánh Gioan nói với các môn đệ của mình : “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 30). Điều lạ lùng là, lòng ước ao này đã được thực hiện ngay từ lúc thánh Gioan được cưu mang, được sinh ra, và một cách đặc biệt ngay trong việc đặt tên rồi. Thật vậy, tên gọi “Gioan” có nghĩa là “Thiên Chúa thi ân”, trong khi tên gọi “Giê-su” nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”, Thiên Chúa cứu độ, là Ơn Huệ của mọi ơn huệ, là Ơn Huệ một lần cho tất cả, là Ơn Huệ mà mọi ân huệ khác hướng tới và chỉ là dấu chỉ. Như thế, Gioan không chỉ loan báo Đức Giê-su bằng cuộc đời và cái chết của mình, nhưng còn bằng chính biến cố sinh ra và tên gọi nữa.

Xin cho chúng ta cũng hướng về Đức Ki-tô như thánh Gioan, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, ngang qua tất cả những gì chúng ta là, được chất chứa trong “tên gọi” của chúng ta ; và xin cho Ngài nổi bật lên trong cuộc đời, ơn gọi và từng ngày sống của chúng ta.

2. Ông Dacaria : hành trình hướng tới lời ca tụng

Về chuyện ông Dacaria bị câm, nhưng ngay sau khi đặt tên cho con là Gioan, thì ông nói được, cũng rất có ý nghĩa. Sự kiện ông không nói được, là một dấu chỉ nhắc nhớ ông rằng, có một lúc ông đã không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể thi ân ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, có thể làm phát sinh sự sống nơi cung lòng hiếm hoi và già cỗi của bà Elizabeth. “Không nói được”, không chỉ là không nói được ngôn ngữ, nhưng nhất là không thể ca tụng Chúa được. Thật vậy, khi người ta không tin, không nhận ra ơn Chúa ban cho mình và người khác, thì không thể ca tụng Chúa được ; và khi ghen tị nhau và kêu trách Thiên Chúa, người ta càng không thể tạ ơn, chúc mừng và ca tụng Thiên Chúa.

Chính khi ông đặt tên cho con là Gioan, “Thiên Chúa Thi Ân”, thì ông “lưỡi ông lại mở ra, ông nói được” và lời nói đầu tiên là lời chúc tụng Thiên Chúa :

Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Israel,
đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.

Đó là lời tán tụng Benedictus bất hủ, vang lên mỗi ngày trong Giờ Kinh Sáng của chúng ta. Ước gì, khi đọc hay hát lời chúc tụng này, chúng ta mặc lấy tâm tình của ông Dacaria. Hình ảnh giấc ngủ còn dẫn chúng ta đi xa hơn, đó là lúc chúng ta nhắm mắt và câm lặng tuyệt đối trong sự chết, nhưng với niềm hi vọng lại được mở mắt và mở miệng chúc tụng Thiên Chúa trong niềm vui của Sáng Tạo Mới.

Xin cho chúng ta tin tưởng và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, để có thể cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa : “Lạy Chúa, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài”. Nếu không, dù chúng ta có nói bi bô suốt ngày, thì cũng như là “người câm” vậy thôi ! Nhưng chúng ta được mời gọi đi xa hơn, bằng cách định hướng đời mình và từng ngày sống theo năng động chúc tụng Thiên Chúa. Và để được như thế, chúng ta cần tín thác và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, cần đặt đời sống, ngày sống và hành động trên nền tảng tâm tình biết ơn.

Có lẽ chúng ta ít chú ý đến điều gì hay đúng hơn hành trình nào, đã dẫn ông Dacaria đến lời ca tụng Benedictus bất hủ này. Thực vậy, theo Tin Mừng của thánh Luca, bài ca này là điểm tới của cả một hành trình thật dài : khởi đi từ kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa, ngang qua biến cố gặp gỡ sứ thần Gabriel trong đền thờ, tiếp theo là thời gian hơn chín tháng thinh lặng, tương ứng với thời gian bé Gioan được cưu mang trong bụng mẹ, và kết thúc bằng biến cố đặt tên ; và từ đó trào vọt lời nói đầu tiên, là bài ca Benedictus, mãi mãi được hiện tại hóa nơi lời kinh hằng ngày và nơi cuộc đời của chúng ta.

Hơn chín tháng câm lặng về mặt thể lí, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đó một cuộc “tĩnh tâm” dài ; vì chắc chắn, đối với ông Dacaria, đó là thời gian suy niệm và chiêm niệm, để khám phá sự hiện diện và cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử thánh của Dân Chúa, trong đời mình và đặc biệt nơi hồng ân lạ lùng “Gioan”. Chín tháng thinh lặng phải là chín tháng cầu nguyện, để có thể hát lên lời ca tụng Thiên Chúa tuyệt vời như vậy, lời mà Giáo Hội đặt vào miệng chúng ta mỗi ngày trong Giờ Kinh Phụng Vụ. Hơn nữa, đó là lời được thốt ra bởi người “đầy Thánh Thần” (c. 67). Lời ca tụng như thế đã trở thành chính là Lời Chúa cho chúng ta. Rốt cuộc, đối với ông Dacaria, chín tháng mười ngày thinh lặng, chính là thời gian “cưu mang” Lời Chúa. Cũng cùng một thời gian đó, Gioan được cưu mang trong dạ mẹ cách lạ lùng.

 3.  “Chúc tụng Đức Chúa…”

Lời chúc tụng mở đầu bằng lời công bố lí do chúc tụng : Đức Chúa, là Thiên Chúa của Israel đã viếng thăm cứu chuộc dân Ngài, ngang qua sự xuất hiện của “Vị Cứu Tinh quyền thế” (c. 68-69). Xin cho chúng ta cảm nhận được hồng ân này và được tràn đầy niềm vui như ông Dacaria, mỗi khi chúng ta đọc hay hát bài ca Chúc Tụng này. Bởi vì, Chúa thực sự “viếng thăm cứu chuộc” chúng ta mỗi ngày nơi Đức Giê-su Ki-tô, “Vị Cứu Tinh quyền thế”, ngang qua bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành mỗi ngày.

Tuy nhiên, biến cố “Thiên Chúa viếng thăm cứu chuộc” không hoàn toàn xa lạ, những đến từ việc nhớ lại ơn huệ đã qua, nhớ lại lịch sử cứu độ và giao ước. Chính vì thế, trung tâm của bài ca Benedictus là việc “đọc lại” lịch sử cứu độ (c. 70-75), ngang qua các vị ngôn sứ và lên đến tận tổ phụ Abraham, và làm bật lên lời hứa giải thoát :

  • Cứu thoát khỏi địch thù và tay những người ghen ghét (c. 71).
  • Giải thoát khỏi tay địch thù (c. 73).

Việc đọc lại lịch sử mang lại niềm hi vọng vì nhận ra lời hứa giải thoát. Thực ra, lời hứa giải thoát đã chất chứa ngay trong ơn huệ sự sống rồi ; bởi lẽ, Chúa đã ban sự sống và duy trì sự sống, thì Chúa sẽ ban luôn mãi, vì Ngài là Đấng “trọn bề nhân nghĩa”, là Đấng “muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương” (Tv 136). Tuy nhiên, trong lời chúc tụng đầy Thánh Thần này, ơn giải thoát được hiểu một cách mới mẻ ; thay vì đó là ơn giải thoát khỏi tay kẻ thù bên ngoài, thì đó là ơn tha tội và ơn “soi sáng” chiếu rọi vào nơi tăm tối và bóng tử thần (c. 76-79). Và Tin Mừng này được loan báo bởi Gioan, vị “Ngôn Sứ của Đấng Tối Cao”.

*  *  *

Mục đích tận cùng của ơn giải thoát, là để “sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta” hay nói theo sách Linh Thao của thánh Inhaxiô, để “ca tụng, tôn kính và phục vụ Chúa” (LT 23). Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này, kẻ thù bên trong còn “lợi hại” hơn kẻ thù bên ngoài trong việc ngăn cản chúng ta ca tụng Chúa. Vì thế, kẻ thù bên trong, chuyên gieo nọc đọc quên ơn, nghi ngờ, ghen tị và ham muốn mới là kẻ thù đích thật. Và Kẻ Thù này đang hiện diện và hành động mạnh mẽ biết bao trong thế giới chúng ta đang sống. Vì thế, chúng ta thực sự cần ơn giải thoát biết bao.

Khi nhìn ngắm “Hài Nhi bọc tã, nằm trong máng cỏ” thật âm thầm, khiêm tốn và hiền lành, xin cho chúng ta nhận ra và kinh nghiệm trong nội tâm và trong đời mình sự khôn ngoan của Thiên Chúa và sức mạnh thần linh có khả năng giải thoát chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

họ hàng, bỡ ngỡ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận