Thứ Ba Tuần 3 MV

Đăng lúc: Thứ ba - 16/12/2014 02:50 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 3 MV

Bài đọc (Xp 3, 1-2. 9-13)
Chúa phán: Khốn cho thành phản nghịch và ô uế, cho thành làm sự hung bạo. Nókhông nghe lời, không chịu sửa dạy, không tin tưởng vào Thiên Chúa, không đến gần Chúa mình. Bấy giờ Ta sẽ cho dân Ta môi miệng thanh sạch để mọi người kêu cầu danh Chúa và nhất tâm phụng sự Người. Từ phía bên kia các sông xứ Ethiôpi, con cái những kẻ tha hương kêu cầu Ta, đem lễ vật đến dâng cho Ta. Ngày đó, ngươi sẽ không còn phải xấu hổ vì các lỗi lầm của ngươi đã phạm đến Ta. Vì Ta sẽ cất xa khỏi ngươi những kẻ chiến thắng kiêu căng và từ đây, ngươi sẽ mãi mãi được vinh quang trên núi thánh Ta. Ta sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo khó và thiếu thốn và họ sẽ tin tưởng vào danh Chúa. Những người Israel còn sót lại sẽ không làm điều gian ác, không nói dối, người ta không thấy chúng nói lời phỉnh gạt. Chúng sẽ như đàn chiên ăn cỏ và nghỉ ngơi, và sẽ không ai làm phiền chúng.

Tin Mừng (Mt 21, 28-32)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn cho cha!” Nó thưa lại rằng: “Con không đi”. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: “Thưa cha, vâng, con đi”. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đãlàm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước cácông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.


Suy niệm 1: ƠN CỨU ĐỘ ĐẾN VỚI NHỮNG NGƯỜI THIỆN TÂM

Ngày nay nhiều người Công Giáo vẫn có quan niệm gắn kết đời mình vào những chuyện sinh hoạt đoàn thể. Họ rất đề cao những tổ chức bề ngoài… Điều này không có nghĩa là xấu! Nó thực sự hữu ích. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, những việc bề ngoài đó sẽ dẫn đưa chúng ta đến tình trạng sống đạo hình thức, bề ngoài, trên môi miệng… Bởi thực tế cho thấy, rất nhiều người tỏ vẻ năng nổ trong các đoàn thể, lễ hội… Tuy nhiên, khi đối diện với những lựa chọn cốt lõi của Tin Mừng, họ thường là những người thua cuộc vì mọi chuyện của họ bị chi phối hoàn toàn thuần túy bởi việc giữ luật, mà không hề có khả năng đón nhận thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời của mình, nhất là khi gặp đau khổ, thử thách… Nguyên nhân chính là việc giữ đạo của họ không có chiều sâu. Lời Chúa không bén rễ trong tâm hồn của họ, vì thế, khi phong ba bão táp ập đến là họ sẵn sàng ngả theo chiều gió để cho nó cuốn đi. Sự kiêu ngạo đã là ông chủ ngự trị thường trực trong tâm hồn họ, vì thế, chúng ta không lạ gì khi đối diện với Lời Chúa, họ cảm thấy xa lạ và không thể chấp nhận để Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời mình.
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cảnh báo những Thượng Tế và Kỳ Lão trong dân về nguy cơ mất ơn cứu độ khi đang ở ngay trong “Nhà” của mình. Còn những người tội lỗi như thu thuế và gái điếm lại là những người được ơn cứu độ trước họ vì họ có lòng khiêm tốn và sẵn sàng để cho Lời Chúa cật vấn lương tâm, và khi nhận ra mình là người tội lỗi, họ đã khiêm tốn xin ơn tha thứ để được ơn cứu độ từ Thiên Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cẩn trọng trong lối giữ đạo. Không chừng chúng ta là những người miệng thì lâm râm kinh sách tối ngày, nhưng những việc như bác ái, yêu thương, khiêm tốn…thì lại quá xa với với chúng ta. Cũng có thể chúng ta làm nhiều việc thiện…, nhưng không phải do tình thương mà lại là do sự háo danh, mong được nhiều người biết đến… Hay đôi khi chúng ta chỉ giữ đạo trong nhà thờ, khi ra khỏi nhà thờ là chửi nhau, buôn gian bán lận, ăn chơi trác táng hạng sang…
Lạy Chúa Giêsu, trong tâm tình Mùa Vọng, xin Chúa ban cho mỗi chúng con biết nhìn lại lối sống đạo của mình. Biết đặt những giá trị tinh thần lên trên những chuyện hình thức bên ngoài. Luôn sống cốt lõi của luật hơn là vụ luật thuần túy. Amen.

Suy niệm 2

Cũng như một số tiên tri khác, sứ điệp của Xôphônia được tóm lại trong việc loan báo về“ngày của Thiên Chúa”, nhưng ngày đó là để trừng phạt Giuđa. Giuđa bị kết án vì những tội lỗi của họ xuất phát từ lòng kiêu căng và sự phản loạn: “Khốn cho thành phản loạn và ô uế, khốn cho thành tàn bạo không nghe tiếng kêu mời, chẳng tiếp thu lời sửa dạy, không cậy trông vào Đức Chúa, chẳng đến gần Thiên Chúa của mình”.
Đồng thời Thiên Chúa hướng ơn cứu độ của mình đến với những dân tộc khác: “Bấy giờ Ta sẽ làm cho môi miệng chư dân nên tinh sạch để tất cả đều kêu cầu danh Đức Chúa”.
“Ngày của Thiên Chúa” mà Xôphônia loan báo chính là sự xuất hiện của Đấng Messia. Khi Đấng Messia xuất hiện, dân của Ngài đã không đón nhận vì sự kiêu căng và phản loạn. Vì vậy mà ơn cứu độ đã dành cho một dân tộc khác, “một dân nghèo hèn và bé nhỏ”; dân này không có biên giới, không có lãnh thổ, kể cả những người ngoại cũng được kể vào dân này, nhưng với điều kiện là họ “sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt”.
Đến thời Tân ước, sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả là để dọn đường cho Đấng Cứu Thế, nhưng họ đã không tin ông. Thế nhưng “những người thu thuế và cô gái điếm lại tin”. Họ được mệnh danh là những kẻ tội lỗi công khai, nhưng lại được cứu độ nhờ đón nhận sứ điệp Gioan loan báo.
Thái độ kiêu căng, tự mãn sẽ làm cho chúng ta không thể đón nhận ơn cứu độ. Ngược lại lòng khiêm nhường, sám hối sẽ giúp chúng ta mở lòng ra để đón nhận ơn Chúa.
Lạy Chúa, trong khi mong chờ Chúa đến, xin cho chúng con luôn ý thức thân phận khốn cùng của mình để càng tha thiết chờ mong ơn Chúa hơn. Xin giúp con tránh xa thái độ tự mãn, bất cần đời, bất cần Chúa; nếu có thì xin cho con biết đón nhận lời kêu của Gioan để “dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.

Suy niệm 3: LỜI CẢNH CÁO GÂY “SỐC”

“Thật, Tôi bảo các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21,31)
Suy niệm: Với tuyên bố “cực sốc” này, Chúa Giê-su quyết liệt cảnh cáo các thượng tế và các kỳ mục vào thời của Ngài. Sau hai ngàn năm, lời cảnh cáo này vẫn còn nguyên các hàm ý của chúng, ấy là Nước Thiên Chúa dành cho những ai thành tâm thống hối, sống công chính, bình an, và hoan lạc trong Thánh Thần (Rm 14,17). Hôm nay Chúa Giê-su cũng vừa nhìn mỗi người chúng mình, vừa nói rõ từng lời trên của Ngài trong bối cảnh xã hội hôm nay: “Tôi bảo thật, những quan chức thuế vụ, những cảnh sát giao thông chuyên ăn hối lộ, những gái đứng đường, những má mì, bọn đầu trộm đuôi cướp… sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông các bà!” Vì sao? Bởi họ đã biết thống hối và từ bỏ những việc làm bất chính, những áp bức bất công. Nay họ sống công bằng, tuân theo tiếng lương tâm và vui sống trong sự thật dù thiếu thốn tiền của hơn. Lời cảnh cáo của Chúa không phải để loại trừ ai, nhưng nhắc nhở chúng ta nỗ lực sửa đổi đời sống hằng ngày cho xứng danh công dân Nước Thiên Chúa.
Mời Bạn: Chúng ta không khó lên danh sách những hạng người cần sám hối, cũng dễ dàng vạch rõ ai là người phải thay đổi. Nhưng hôm nay, Lời Chúa muốn ta chân thành nhìn nhận rằng tôi, chính tôi là kẻ tội lỗi cần sám hối trước bất cứ ai khác.
Chia sẻ: Bạn cảm nghĩ gì khi nghe lời cảnh cáo của Chúa Giê-su hôm nay?
Sống Lời Chúa: Ta thường xuyên xét mình hằng ngày để ý thức mình là tội nhân cần ơn Chúa tha thứ. Đồng thời ta tập khám phá những điểm tốt nơi anh chị em xung quanh.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Ăn năn tội.”
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa đã từ trời xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha. Cả cuộc đời của Chúa luôn làm vinh danh Chúa Cha. Chúa đã thi hành ý Chúa Cha trong lời xin vâng trọn vẹn qua cái chết cứu độ trần gian. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể nâng đỡ và giúp chúng con biết làm cho Nước Chúa Cha mau trị đến qua đời sống lắng nghe và thực thi lời Chúa của chúng con.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ở đời nói thì dễ mà làm lại khó. Thưa vâng với Chúa thì dễ nhưng làm theo ý Chúa là một chặng dài đầy gian nan. Có bao lần chúng con đã hứa với Chúa nhưng rồi lại thất trung, thất tín với Chúa. Có bao lần chúng con muốn cho danh Chúa cả sáng nhưng đời sống chúng con lại trì trệ, tội lỗi và bê tha. Xin tha thứ cho những yếu đuối của chúng con. Xin nâng đỡ đức tin còn yếu kém của chúng con. Xin cho chúng con nghị lực kiên cường để chu toàn bổn phận với Chúa. Xin đừng để tính lường biếng, thói hưởng thụ làm tê liệt những ý chí vươn lên của chúng con.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhanh nhẹn thực thi Lời Chúa. Xin giúp chúng con yêu Chúa trên hết mọi sự và chỉ mong tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong suốt cuộc đời chúng con. Amen.
 
Suy Niệm 4: Ví dụ hai người con

Mùa đông năm 1982, một phản lực cơ Hoa kỳ bi chết máy đã đâm nhào xuống một dòng sông. Nhiều hành khách sống sót chơi vơi giữa đòng sông giá lạnh. Giữa những người bộ hành chứng kiến, một thanh niên bất chấp dòng nước lạnh đã phóng người xuống sông cứu vớt một thiếu phụ đang chới với trên sóng nước. Hành động này khiến Tổng thống Reagan tuyên dương anh là anh hùng dân tộc. Khi được hỏi lý do việc liều mạng sống, anh trả lời: “tôi đã làm điều tôi phải làm”.
“Tôi đã làm điều tôi phải làm”, lời giải thích trên cũng có thể là lời tuyên tín sống động của những người không hề mang danh hiệu Kitô, nhưng có lẽ lại sống tinh thần Kitô một  cách sâu xa hơn những người vỗ ngực xưng mình là môn đệ Đức Kitô, nhưng cuộc sống lại hoàn toàn là một phản chứng.
Trong Tin mừng, Chúa Giêsu có lẽ muốn đề cao những tín hữu vô danh ấy. Họ có thể là người chưa một lần nghe nói đến tên Chúa. Chưa hề được chịu phép rửa, chưa hề đặt chân đến Nhà thờ; họ cũng có thể là người ngoại đạo, vô thần, nguội lạnh, chống đạo, nhưng đời sống của họ được dệt bằng những hy sinh, quên mình, phục vụ, tử tế, công bình; tôn giáo của họ, nói như Đức Đạt lai Lạt Ma, chính là lòng tử tế.
Lời Chúa hôn nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống mình: có lẽ chúng ta cũng giống như người con thứ hai: miệng thưa vâng, nhưng tay chân chúng ta không muốn thực thi ý Chúa, miệng chúng ta cầu kinh, nhưng lòng trí và cuộc sống lại xa  Chúa.
Thiên Chúa đang đến trong từng phút giây cuộc sống, đó phải là xác tín của chúng ta trong Mùa Vọng này. Và bởi vì Thiên Chúa là Đấng đang có mặt và đang đến, cho nên mỗi phút giây, mỗi biến cố, mỗi gặp gỡ đều phải dẫn tới mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Và như thế cả cuộc sống chúng ta sẽ là lời kinh triền miên dâng lên Chúa.
Hãy để cho lời kinh chúng ta biến thành hành động của phục vụ, hy sinh, liên đới, chia sẻ, và lúc đó trọn cuộc sống chúng ta sẽ là tiếng xin vâng bất tận dâng lên Chúa.

SUY NIỆM 5:
1. Ngôn ngữ “dụ ngôn”
Đức Giêsu nói chuyện với các thượng tế và kì mục. Vị thượng tế thuộc hàng giáo sĩ và là vị đứng đầu Do Thái giáo; họ được vua bổ nhiệm hoặc truất phế. Các kì mục thuộc giới lãnh đạo trong dân, họ là các trưởng thôn làng hay là những người giàu có. Như vậy, các thượng tế là những người lãnh đạo tôn giáo, còn các kì mục là những người lãnh đạo dân sự; cả hai đều có điểm chung là có quyền bình và đi đôi với quyền bính là quyền lợi.
Quyền bính và quyền lợi, dưới mọi hình thức, là những “giá trị” quyến rũ mọi người thuộc mọi thời, trong đạo cũng như ngoài đời. Nhưng như mọi người đều có kinh nghiệm, chúng thường làm tổn hại đến tương quan giữa con người với nhau. Thực vậy, thánh sử Mát-thêu đã kể lại chuyện hai tông đồ Gioan và Giacôbê nhờ mẹ của mình đến xin Đức Giê-su chia sẻ quyền bính trong Nước của Người, và “Khi nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó” (Mt 20, 24). Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu sẽ làm bật lên một sự thật khác nữa, đó quyền bính và quyền lợi còn là những vật cản trở để đón nhận Tin Mừng Ngài loan báo.
Và để giúp các thượng tế và kì mục nhận ra sự thật về mình, Đức Giêsu kể một câu chuyện, hay còn gọi là một dụ ngôn. Kể chuyện là cách giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu: “Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn” (Mc 4, 34). Những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm sống hằng ngày, nhưng lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời. Chúng ta có thể nhớ lại các dụ ngôn mà các Tin Mừng kể lại cho chúng ta.
Ngoài ra, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của mỗi người, dù người đó là ai.
2. Dụ ngôn « Người kia có hai con trai »
Chúng ta quen thuộc nhiều hơn với dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (x. Lc 15, 11-32). Và dụ ngôn “Người kia có hai con trai” trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tuy thật ngắn và ít được nhớ đến, nhưng cũng trình bày cho chúng ta một hình ảnh về người cha nhân hậu không kém : người cha dường như không bắt các con đi làm hàng ngày; người cha mời gọi hơn là ra lệnh; lời người cha thật dịu dàng: “Này con” và ông nói với hai con như nhau; người cha tôn trọng tự do của hai con trong câu trả lời lẫn trong việc thực hành. Dụ ngôn không nói gì về phản ứng sau cùng của người cha ; ông chỉ mời gọi hai con thực hiện ý muốn của mình và ông chờ đợi, chờ đợi trong kiên nhẫn, giống như người cha trong dụ ngôn « Người Cha Nhân Hậu » của sách Tin Mừng theo thánh Luca. Và tình yêu là như thế đó : tôn trọng tự do, mời gọi tự do và chờ đợi tự do.
Đức Giêsu mời gọi các thượng tế và kì mục phán đoán về câu chuyện Ngài vừa kể; và họ phán đoán rất đúng : trong hai người con, người thứ nhất đã thi hành ý muốn của người cha.
Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? Họ trả lời: “Người thứ nhất.” (c. 31)
Và nếu Chúa hỏi chúng ta, chúng ta cũng phán đoán như thế. Nhưng, nếu Đức Giê-su kể dụ ngôn để cho người nghe phán đoán đúng, thì chính là để giúp họ nhận ra cái gì đó không đúng trong cách họ đón nhận Thiên Chúa, đón nhận những dấu chỉ Thiên Chúa ban, đón nhận sứ điệp, lời gọi của Thiên Chúa, đón nhận Lời Chúa.
Và trong thời của Đức Giê-su, đó là đón nhận dấu chỉ, lời mời gọi của Gioan Tầy Giả. Nhưng dấu chỉ và lời gọi của Gioan lại dẫn người nghe đến với chính Dấu Chỉ « Giê-su », như lời của ông rao giảng : « Phần tôi, tôi rửa cho các anh bằng nước để dục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa » (Mt 3, 11).
3. Vẻ bề ngoài
Dụ ngôn còn dẫn chúng ta đi xa hơn, đó là Thiên Chúa không xét đoán theo vẻ bề ngoài. Thực vậy, người con thứ nhất, xét theo bề ngoài, anh có vẻ ương ngạnh và ngỗ nghịch, còn người con thứ hai có vẻ ngoan ngoãn và tuân phục. Cũng như những người thu thuế và những cô gái điếm, họ bị người ta xếp loại là những người tội lỗi, không ra gì trong cộng đồng ; nhưng một số khác lại được coi là công chính và đáng kính, đó là các thượng tế, kì mục, luật sĩ, pharisiêu… Trong xã hội, và cả trong Giáo Hội hay cộng đoàn, đôi khi vẫn còn hiện tượng xếp loại người ta như thế.
Nhưng điều Thiên Chúa cần là lòng tin, một niềm tin dấn thân trọn vẹn, một niềm làm thay đổi con tim và nếp sống. Tin vào những dấu chỉ Chúa ban trong cuộc sống, trong ơn gọi, tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến, là Đức Giê-su Ki-tô. Và tin không phải là việc làm, nhưng còn hơn cả việc làm, và thiết yếu cũng không phải là việc làm của chúng ta, nhưng tin là « công trình » của Thiên Chúa :
Đây là công trình của Thiên Chúa,
là các ông tin vào Đấng Người đã sai[1].
(Ga 6, 29)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] “Đây là công trình của Thiên Chúa”, được dịch từ bản văn Hi-lạp: “Touto estin to ergon tou Theou” (Ga 6, 29). Câu này được dịch là: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm” trong bản dịch của Nhóm CGKPV. The American New Bible cũng dịch là “This is the work of God”.
 
Từ khóa:

hôm nay, đi làm, hối hận

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận