Tin Tức Hội Thánh Công Giáo

Đăng lúc: Chủ nhật - 08/02/2015 15:43 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
TIN TỨC HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

1. Ngày Thế Giới về Đời Sống Thánh Hiến lần thứ 19 tại Vatican

Đồng tế với Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh và cũng là Ngày Thế Giới về Đời Sống Thánh Hiến lần thứ 19 tại Đền Thờ Thánh Phêrô hôm thứ hai 2.2.2015, có Đức Hồng Y João Aviz de Braz, Tổng Trưởng Bộ các Dòng Tu, Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, OFM, các chức sắc của Bộ này, một số các cha Bề Trên Tổng Quyền, và các Linh Mục Dòng, trước sự hiện diện của hàng ngàn Tu Sĩ nam nữ và Giáo Dân.
Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha nhắn nhủ những người thánh hiến hãy đạt tới sự khôn ngoan qua sự tuân phục và tuân giữ tu luật. Ngài nhận xét rằng: “Tin Mừng của ngày lễ hôm nay 5 lần nhấn mạnh đến sự tuân phục của Mẹ Maria và Thánh Giuse đối với 'Lề luật của Chúa' ( Xc Lc 2, 22.23.24.27.39 ). Chúa Giêsu không đến để làm theo ý riêng, nhưng là theo ý Chúa Cha, và đây là 'lương thực' của Ngài như chính Ngài đã nói ( Xc Ga 4, 34 ). Vì thế ai theo Chúa Giêsu thì cũng tiến bước trên con đường vâng phục, như bắt chước ‘sự hạ cố’ của Chúa, hạ mình và đón nhận ý Chúa Cha làm ý mình, đến độ tự hủy và hạ nhục chính mình ( Xc Pl 2, 7-8 ). Đối với một Tu Sĩ, tiến bước chính là hạ mình trong việc phục vụ. Một hành trình giống như con đường của Chúa Giêsu, Đấng ‘không giữ cho mình đặc ân như Thiên Chúa’ ( Pl 2, 6 ). Hạ mình trở nên đầy tớ để phục vụ.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng con đường ấy có hình thức là tu luật, thấm đượm đoàn sủng của vị sáng lập. Đối với mọi người, quy luật không thể thay thế được chính là Tin Mừng, là sự hạ mình của Chúa Kitô, nhưng Chúa Thánh Linh, trong tinh thần sáng tạo vô biên, cũng diễn tả điều ấy qua nhiều tu luật của đời sống thánh hiến, và tất cả các tu luật ấy đều nảy sinh từ sự bước theo Chúa Kitô, từ con đường hạ mình phục vụ”.
Đức Thánh Cha xác quyết rằng qua “luật” ấy, những người thánh hiến có thể đạt được sự khôn ngoan, đây không phải là một khả năng trừu tượng, nhưng là công trình và là hồng ân của Chúa Thánh Linh, và dấu chỉ tỏ tường của điều này chính là niềm vui. Đúng vậy, niềm vui của tu sĩ là kết quả của con đường hạ mình như Chúa Giêsu.. Và khi chúng ta buồn sầu, thì chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có đang sống chiều kích hạ mình hay không”.
Đức Thánh Cha nhắc đến tấm gương của hai cụ già, Simeon và Anna, là những người ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh ( Tin Mừng nhắc điều này 4 lần ), được Chúa hướng dẫn và linh hoạt. Chúa đã cho họ sự khôn ngoan qua hành trình dài của cuộc sống trên con đường tuân phục lề luật, một sự tuân phục một đàng hạ nhục và hủy diệt, nhưng đàng khác đó là sự tuân phục giữ gìn và bảo đảm hy vọng, và giờ đây đầy tính sáng tạo vì đầy Thánh Linh…
Áp dụng những điều trên đây vào thực trạng của các dòng tu, Đức Thánh Cha nhắc đến sự thích ứng tu luật với thời đại và khẳng định rằng: “sự canh tân đích thực chính là một công trình của đức khôn ngoan, được hun đúc trong tinh thần ngoan ngoãn và vâng phục”.
Tăng cường và đổi mới đời sống thánh hiến diễn ra qua lòng yêu mến nồng nhiệt hơn đối với tu luật, và qua khả năng chiêm ngưỡng và lắng nghe những người cao niên trong hội dòng. Như thế “kho tàng”, đoàn sủng của mỗi gia đình dòng tu được bảo tồn nhờ sự tuân phục và khôn ngoan. Và qua con đường ấy, chúng ta được gìn giữ, tránh được tính trạng sống đời thánh hiến của chúng ta một cách 'tùy hứng' và thiếu cụ thể, như thể đó là một thứ tri thức, biến thành một sự “chế nhạo” đời tu, trong đó người ta sống theo Chúa mà không từ bỏ, cầu nguyện mà không có sự gặp gỡ, sống huynh đệ không có hiệp thông, vâng phục mà không tín thác, bác ái mà không có chiều kích siêu việt”.

2. Số Nữ Tu đã giảm mạnh trong mười năm qua, trong khi số Nam Tu gần như không đổi

Nhân Ngày Thế Giới về Đời Sống Thánh Hiến lần thứ 19, Văn Phòng Thống Kê Trung Ương của Tòa Thánh đã đưa ra những con số thống kê cho thấy số nữ tu đã giảm mạnh trong một thập niên vừa qua, trong khi số nam tu gần như không đổi.
Năm 2002, toàn Giáo Hội có 782.932 Nữ Tu. Đến năm 2013 chỉ còn 693.575 chị, tức là giảm mất 89,357 chị hay 11.4%, chủ yếu giảm do qua đời.
Năm 2002, toàn Giáo Hội có 192,552 Nam Tu Sĩ. Đến năm 2013, còn 190,267, tức là giảm mất 2,285 vị hay 1.18%.
Các Dòng Tu nam có đông thành viên nhất là Dòng Tên với 17.287 vị, tiếp đến là Dòng Salesian Don Bosco với 15.573 vị và Dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Phanxicô với 14.123 vị.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành riêng năm nay là năm cầu nguyện cho đời sống thánh hiến, và khích lệ các Kitô hữu tái khám phá giá trị của đời sống thánh hiến. Ngài nói đó là thời gian để đổi mới và để cho thế giới thấy sức mạnh của tình huynh đệ.
Hôm 7.11.2014, Đức Thánh Cha đã nói: "Đời sống thánh hiến có thể giúp các Giáo Hội và toàn xã hội bằng cách đưa ra những chứng của tình huynh đệ, cho thế giới thấy rằng chúng ta có thể sống với nhau như anh em trong sự đa dạng".

3. Phim mới ca ngợi những nỗ lực cứu giúp người Do Thái của Đức Giáo Hoàng Piô XII

Một bộ phim mới có tựa đề “Shades of Truth”, nêu bật những nỗ lực cứu giúp người Do Thái của Đức Piô XII trong suốt thời gian xảy ra chiến dịch diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã sẽ được chính thức ra mắt vào ngày 1 tháng 4 năm nay. Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết bộ phim sẽ được giới thiệu trước tại Vatican vào ngày 2 tháng 3, và sau đó chiếu tại liên hoan phim Cannes trước khi công chiếu rộng rãi.
Vị Tôi Tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Piô XII đã dẫn dắt Giáo Hội trong một thời kỳ rất khó khăn từ 2.3.1939 đến khi ngài qua đời ngày 9.10.1958; tức là 19 năm 7 tháng và 7 ngày. Sau thế chiến thứ hai, ngài dành được rất nhiều cảm tình và lòng biết ơn của người Do Thái.
Moshe Sharett, Ngoại trưởng đầu tiên của Do Thái và sau đó là phó Thủ tướng Do Thái, đã từng cho biết như sau: “Tôi nói với Đức Piô XII rằng nghĩa vụ đầu tiên của tôi là cám ơn ngài và qua ngài cám ơn Giáo Hội Công Giáo, nhân danh những người Do Thái, vì những gì các vị đã làm trong nhiều quốc gia để cứu thoát người Do Thái. Chúng tôi chân thành ghi ân Giáo Hội Công Giáo.”
Golda Meir, Thủ tướng Do Thái đã khóc thương Đức Piô XII như sau: “Chúng ta chia sẻ nỗi đau chung của nhân loại trước sự ra đi của Đức Piô XII. Khi cuộc tử đạo đáng sợ xảy đến cho dân tộc chúng ta trong thập niên kinh hoàng của chủ nghĩa Quốc Xã Đức, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng đã cất lên cho các nạn nhân. Đời sống trong thời đại chúng ta đã được phong phú hóa bởi một tiếng nói xuất phát từ những sự thật luân lý cao cả vượt lên trên những chao đảo của cuộc xung đột hàng ngày. Chúng ta than khóc một vĩ nhân phụng sự hòa bình.”
Dưới ảnh hưởng của những xuyên tạc lịch sử thêu dệt bởi cộng sản, các phe nhóm cực hữu và cả một số thành phần Công Giáo bất mãn với Giáo Hội như John Cornwell, một cựu chủng sinh, là người đã rất xông xáo trong chiến dịch phỉ báng Đức Piô XII với những cuốn sách như Hitler's Pope, nhiều người lầm tưởng là Đức Piô XII đã làm rất ít hay chẳng làm gì cả để cứu người Do Thái.
Cuốn phim do đạo diễn Liana Marabini thực hiện giở lại hơn 100.000 tài liệu và phỏng vấn hàng loạt những người có liên quan để tìm ra sự thật và tuyên dương lòng bác ái anh hùng của Đức Piô XII. Trong phim, một nhà ngoại giao Do Thái, ông Pinchas Lapicide, người đã từng viết cuốn Three Popes and the Jews khẳng định Đức Piô XII là "người đóng vai trò quyết định trong việc cứu thoát tối thiểu 700.000 người Do Thái, nhưng có lẽ phải đến 860.000 người đã thoát khỏi cái chết dưới nanh vuốt của Quốc Xã Đức". 
Một người khác là nhà viết sử người Hung Gia Lợi, ông Jeno Levai, trưng ra những sử liệu lấy từ Văn Khố Tòa Thánh và các quốc gia để chứng minh rằng Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Hung và các Đức Giám Mục "đã can thiệp đi can thiệp lại theo những chỉ thị của Đức Piô XII" và nhờ những nỗ lực này "trong mùa thu và mùa đông 1944, không có một Nhà Thờ Công Giáo nào tại Budapest lại không mở rộng vòng tay chứa chấp những người Do Thái đang trốn chạy".



4. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tháng Hai

Trong tháng 2, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô như sau: Ý chung: Cầu nguyện cho các tù nhân, nhất là các tù nhân trẻ, có cơ hội để gầy dựng lại cuộc sống đúng nhân phẩm. Ý truyền giáo: Cầu nguyện cho các cặp vợ chồng đã ly thân được các cộng đoàn Kitô hữu đón nhận và giúp đỡ.

5. Vatican sẽ cung cấp cho người vô gia cư ở Rôma chỗ cắt tóc và cạo râu miễn phí

Vatican sẽ cung cấp cho người vô gia cư ở Roma không chỉ các phòng tắm mà thôi nhưng còn cả chỗ cắt tóc và cạo râu khi cơ sở mới được khánh thành vào tháng 2, người đứng đầu văn phòng bác ái của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho biết như trên. 
Năm ngoái, Tòa Thánh công bố sẽ cung cấp các phòng tắm vòi sen ở quảng trường Thánh Phêrô cho những người vô gia cư. Tờ Avvenire, tức là Tương Lai, hôm thứ năm 29.1.2015 trích thuật lời Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski cho biết Vatican cũng sẽ cung cấp chỗ cắt tóc và cạo râu bắt đầu từ ngày 16.2.2015 tới đây tại một khu vực dưới hàng cột của quảng trường Thánh Phêrô. Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski, với chức danh chính thức là Quan Phát Chẩn của Đức Giáo Hoàng, cho biết nhiều thợ hớt tóc tại kinh thành Roma đã tình nguyện cắt tóc và cạo râu miễn phí cho người vô gia cư vào thứ hai hàng tuần, là ngày mà các cửa hàng của họ theo thói quen sẽ đóng cửa. Tờ báo cho biết những người thợ hớt tóc tại kinh thành Roma tốt lành này đã tặng ghế, dụng cụ cắt tóc và gương. 
Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski đã đưa ra ý tưởng xây dựng nhà tắm tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào năm ngoái sau khi ngài mời một người vô gia cư đi ăn với ngài, nhưng người này từ chối và nói rằng người ông rất hôi vì không tìm được chỗ tắm rửa. Đề nghị của Đức Tổng Giám Mục đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Đức Thánh Cha với các dự án vòi sen và sau đó mở rộng thêm việc cắt tóc và cạo râu.

6. Mở án phong Chân Phước cho chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare

 Tiến trình điều tra để phong Chân Phước cho chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare, tức là Tổ Ấm, đã được bắt đầu ở cấp Giáo Phận vào hôm thứ ba 27.1.2015 dưới hình thức một buổi kinh chiều tại Nhà Thờ Chính Tòa Frascati, gần Roma.
Chị Chiara Lubich sinh ra ở Trento, miền Bắc nước Ý. Chị đã thành lập Phong trào Quốc Tế Focolare, mà đặc sủng là thúc đẩy hòa bình và sự hiệp nhất của tất cả mọi người, ở Frascati.
Trong một thông điệp gởi đến những người tham dự buổi lễ, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô hy vọng rằng gương sáng của chị Chiara Lubich sẽ truyền cảm hứng cho "sự canh tân lòng trung thành với Chúa Kitô và lòng quảng đại phục vụ cho sự hiệp nhất của Giáo Hội" giữa những người đã noi theo di sản tinh thần quý giá của chị. Đức Hồng Y Parolin nói Đức Giáo Hoàng cũng mong mỏi cuộc đời và các tác phẩm của chị Chiara Lubich sẽ được các tín hữu trên toàn thế giới biết đến nhiều hơn. 
Chị Chiara Lubich ( tên rửa tội là Silvia ) sinh tại thành phố Trento, miền Bắc Italia, vào năm 1920. Năm 1943, giữa thời thế chiến thứ hai, cùng với vài người bạn, chị Chiara Lubich đã bắt đầu sống thực hành giáo huấn Phúc Âm trong cảnh sống hằng ngày. Nhóm bạn sống Phúc Âm này quy tu lại với nhau thành một cộng đoàn nhỏ, gọi là "Focolare", tức "Tổ Ấm", khai sinh một phong trào sống Phúc Âm giữa đời, mà hiện nay được biết đến với tên gọi "Phong Trào Tổ Ấm", có mặt tại 182 quốc gia, thuộc khắp năm châu, với khoảng 4 triệu thành viên, trong đó có cả Việt Nam.
Ðiều đặc biệt là trong số thành viên của Phong Trào "Tổ Ấm", có cả những thành viên Kitô, nhưng không phải là Công Giáo, đến từ 350 Giáo Hội Kitô, hoặc cộng đồng Giáo Hội Kitô khác nhau. Và có cả những anh chị em Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Phật Giáo, ấn Độ Giáo, Lão Giáo, vân vân,... đến sinh hoạt trong phong trào.
Như thế, với dòng thời gian, từ một "tổ ấm" nhỏ sống tinh thần Phúc Âm, một phong trào lớn được khai sinh, dựa trên tinh thần tu đức hiệp thông, quy tụ những con người thuộc mọi lứa tuổi, chủng tộc, văn hoá, ngôn ngữ, ngành nghề, hoàn cảnh xã hội. Ðó là những con người dấn thân trở thành "men tình yêu thương", nhắm xây dựng một thế giới liên đới hơn, hiệp nhất hơn.
Nhìn chung, trong hơn 60 năm sinh hoạt, Phong Trào Tổ Ấm do chị Chiara Lubich sáng lập và làm chủ tịch, đã gợi hứng và khai sinh biết bao sáng kiến cụ thể, cho người lớn, cũng như cho các bạn trẻ và cho cả những trẻ nhỏ nữa.
Dấn thân của chị Chiara Lubich đã mang lại nhiều giải thưởng tôn vinh chính cá nhân của Chị: năm 1977, chị được giải thưởng Templeton vì sự Tiến Bộ Tôn Giáo; năm 1996, giải thưởng của UNESCO vì sự nghiệp giáo dục cho Hoà Bình; năm 1998, giải thưởng Âu Châu về Nhân Quyền. Ðặc biệt, từ năm 1996 đến khi qua đời, chị Chiara Lubich, đã nhận được 9 bằng Tiến Sĩ Danh Dự, từ các Ðại Học tại Âu Châu, Châu Mỹ Latinh, Á Châu và Hoa Kỳ. Nhiều thành phố trên thế giới đã công nhận chị là "Công Dân Danh Dự" của thành phố. 
Chị Chiara Lubich là một Giáo Dân đơn sơ, nhưng có một uy quyền tinh thần rất cao. Ðược Ðức Gioan XXIII đón tiếp, được Ðức Phaolô VI lắng nghe, và được Ðức Gioan Phaolô II mộ mến, Chị Chiara Lubich đã tham dự hai Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận