Nhật Ký Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết - ngày thứ hai

Đăng lúc: Thứ tư - 13/01/2016 03:29 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Nhật Ký Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết - ngày thứ hai.
 
Ngày thứ ba: 12-1-2016.

1.Buổi Sáng
 
xem hinh
 
-     5giờ: Khởi đầu ngày mới với ý nguyện: xin ơn thánh hóa các linh mục.
Kinh Sáng – Nguyện gẫm.
Cha Tổng Đại Diện gợi ý giúp nguyện gẫm.
-     5giờ 45: Thánh lễ. Đức Cha Giuse chủ tế và suy niệm Tin mừng (Mc 1, 21-28).
 


Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường Caphanaum vào ngày Sabát.Thánh sử Marcô vốn kiệm lời trong các trình thuật đã phải viết đến hai lần ghi nhận Người giảng dạy như Đấng có uy quyền.Tại sao vậy?
 
do thứ nhất.
Lời giảng của Chúa Giêsu tràn đầy sức sống khác với mấy chuyên gia giảng dạy thuộc nhóm luật sĩ vốn nói thông thạo về điều hay lẽ phải như được truyền tụng buộc lòng theo thói quen nghề nghiệp nhưng lại thiếu vắng sức sống.Chúa Giêsu trình bày giáo lý trời cao nhằm thỏa lòng khát vọng cứu rỗi của nhân thế và đề nghị một con đường đem lại sự sống đích thực không phải thoáng qua tại đời này mà vĩnh cữu mãi mãi cho đến đời sau.Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống.
do thứ hai.
Lời giảng của Chúa Giêsu có sức mạnh, sức lực, năng lực. Lời giảng luôn đi đôi với việc làm. Người giảng về ơn giải thoát và lập tức sau đó ra tay chữa lành những người bệnh tìm đến và đem lại cho họ điều họ đang cần, điều họ ước mong. Họ tin và thán phục và họ đã không ngại coi đó như là một giáo lý mới như một giáo huấn mới chưa từng biết đến.
do thứ ba.
Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền là vì lời giảng của Chúa có sức hấp dẫn đưa đến một cuộc sống mới.Danh tiếng Chúa Giêsu được đồn thổi khắp vùng Galilêa, vì bên ngoài, Người giảng hay hấp dẫn phù hợp với tầm hiểu biết của mọi người, nhưng vượt trên tất cả là vì đời sống bên trong và cung cách giảng dạy cũng như ngôn từ sử dụng. Người loan báo tin mừng cứu rỗi và mở ra khả năng về một đời sống mới chứa chan hy vọng cũng như niềm vui giúp người ta từ bỏ nếp sống cũ và tiến đến đời sống mới.

Thưa anh em, Chúa Giêsu ngày xưa giảng dạy là thế, có sức hút, có sức mạnh, có sức hấp dẫn.Ngày nay các linh mục chúng ta cũng phải thi hành sứ vụ giảng dạy làm sao để có được sức sống của Chúa, để chia sẻ lại cho cộng đoàn.Chúng ta có quan tâm sống điều mình giảng dạy không? Có khơi lên đà lực để đẩy người ta tiến tới sự sống của Thiên Chúa hay không? Quả là câu hỏi lớn và quan trọng. Ước mong những ngày tĩnh tâm này, với gợi ý của Đức Cha Anphong hướng dẫn theo chủ đề “Cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxico,chúng ta rà xét lại,duyệt lại đời sống và sứ vụ Linh mục của mình”, giúp mỗi anh em bắt đầu bằng cách canh tân sứ vụ giảng dạy của mình hôm nay để có đầy đủ ơn Chúa và sống sứ vụ thánh hóa cũng như thực thi sứ vụ cai quản. Và rất mong, lời ghi nhận của thính giả năm xưa nơi hội đường Caphacnaum cũng được đút kết, áp dụng cho mọi linh mục về việc giảng dạy trong cộng đoàn dân Chúa nơi giáo xứ. Các linh mục rao giảng lời Chúa một cách chân thành nhiệt thành và trung thành theo sứ vụ mục vụ để cho cộng đoàn dân Chúa luôn biết quy hướng về lòng thương xót  Chúa.
 
-     8giờ: Đức Cha giảng phòng.
 


Bài chia sẻ 2: CĂN TÍNH LINH MỤC
 
Nhìn vào nội bộ Giáo Hội Việt Nam, chúng ta vui vì thấy Giáo Hội đang có những bước phát triển, được tự do hoạt động hơn trước, việc đào tạo, phong chức, bổ nhiệm linh mục dễ dàng. Nhưng bên cạnh đó chúng ta lại cảm thấy lo lắng, như mây đen đang vần vũ trên đầu, vì có những biến chất đang nhen nhúm trong lòng GHVN, kể cả nơi hàng giáo sĩ. Thật vậy, không bi quan đâu ! Một hiện tượng bắt đầu xảy ra ở chỗ này chỗ kia là phong trào bài giáo sĩ, chống giáo sĩ (anticléricalisme).
Sở dĩ có phong trào “bài giáo sĩ”, vì trước đó đã có phong trào “giáo sĩ trị” (cléricalisme, dịch là “duy giáo sĩ” thì không đúng, vì đây không phải là “chủ nghĩa”, mà là một lối sống (manière d’être, manière d’exister) nghĩa là giáo sĩ coi mình là người có quyền trên hết, mọi người phải tuân phục, nghe theo...). Lối sống giáo sĩ trị, theo tự điển Larousse, là người “lợi dụng chức giáo sĩ, coi mình như có quyền can thiệp vào mọi việc chung”. Lối sống này thường đi kèm lối sống cha chú, gia trưởng (paternalisme), trưởng giả. Người ta chỉ trích thái độ trịch thượng, xử sự như mình là người cao cả, mình là cha, là thầy cả... Người ta cũng nói đến lối sống gia trưởng, gia đình trị, trưởng giả... Tự điển Việt Nam của nhà xuất bản Khoa học Xã hội định nghĩa lối sống gia trưởng là có tư tưởng hay tác phong của người đứng đầu, người lãnh đạo, tự coi mình là có mọi quyền hành, tự ý quyết định mọi việc, coi thường quyền dân chủ của những người khác. Lối sống gia đình trị là chia nhau giữa những người cùng trong gia đình nắm hết mọi quyền hành, mọi cương vị trong bộ máy nhà nước. Lối sống trưởng giả (la bourgeoisie) là những người xuất thân từ giới bình dân, nhờ gặp may mà phất lên, nên chạy theo thời mà chẳng có lý tưởng gì, chỉ tìm tiện nghi vật chất cho bản thân mình.
 
Phong trào bài giáo sĩ sở dĩ có, một phần lớn là vì chính hàng ngũ giáo sĩ đã không sống đúng với thiên chức linh mục, không sống hợp với lý tưởng linh mục. Vậy, thiết tưởng nên dành một bài để nói lại với nhau về căn tính linh mục.
Tất cả chúng ta ngồi đây đang được tham gia vào chức tư tế thừa tác của Chúa nhờ bí tích Truyền Chức Thánh. Còn các tín hữu giáo dân thì, nhờ bí tích Rửa Tội, tham gia chức tư tế phổ quát. Đây là một hồng ân mà Chúa đã ban riêng cho chúng ta, mà cả cuộc đời chúng ta cũng không thể tạ ơn Chúa cho đủ.
Thiên Chúa, Giáo Hội và mọi người đều muốn chúng ta sống hạnh phúc và thành công đời linh mục của mình. Tuy nhiên, chúng ta đều biết trong thập niên 1960-1970, tại các nước Kitô giáo lâu đời, đã có cuộc khủng hoảng trầm trọng về căn tính linh mục thừa tác, mà độc thân là một trong những vấn đề nổi cộm, khiến hàng ngàn linh mục xin hồi tục, con số ơn gọi sút giảm hẳn.
Một số linh mục không hồi tục nhưng sống trong khủng hoảng. Khủng hoảng là tình trạng rối loạn, mất quân bình nghiêm trọng do có những mâu thuẫn chưa hoặc không được giải quyết trong đời sống. Cuộc khủng hoảng này vẫn chưa kết thúc, vì còn đó những khúc mắc, tức là những cái khó nói ra và khó giải quyết. Ta có thể đan cử vài trường hợp về những khúc mắc liên quan đến căn tính linh mục :
·        Linh mục có khuynh hướng hòa đồng, chịu chơi, ăn nhậu, hưởng thụ như người đời, đến nỗi không còn là men trong bột nữa.
·        Linh mục có tài, có năng lực, nhưng không chấp nhận quan điểm của người khác, hay phê phán, bất khoan dung, nên sau cùng bị cô lập, lạc lõng.
·        Linh mục miệt mài làm mọi việc, trừ lãnh vực mục vụ thì làm cách miễn cưỡng, uể oải.
·        Linh mục mẫu mực trong kinh sách lễ lạc, nhưng lại khép kín, cách biệt, không có bạn bè thân trong linh mục đoàn.
·        Linh mục có nhiều tài năng, có sức thu hút, nhưng lại lâm vào quan hệ không lành mạnh với nữ giới. Vết thương tình cảm không được giải quyết và hướng dẫn trong thời kỳ đào tạo.
Từ những trường hợp trên, ta rút ra nhận định : linh mục chỉ có thể sống hạnh phúc và viên mãn sứ vụ linh mục nếu hiểu đúng về căn tính linh mục, và được huấn luyện đủ để trưởng thành về tình cảm và xã hội như bản chất của chức thánh đòi hỏi.
Cuộc khủng hoảng về căn tính linh mục đã được Tòa Thánh quan tâm suy nghĩ, nghiên cứu suốt 50 năm qua, khiến Tòa Thánh ban hành nhiều văn kiện, xin liệt kê một số văn kiện quan trọng :
- Các Sắc lệnh Optatam Totius, Christus Dominus, Presbyterorum Ordinis của Cđ. Vatican II.
- Thông điệp về Độc thân linh mục (Cœlibatus Sacerdotalis) năm 1967.
- THĐGM năm 1971 bàn về chức Linh mục Thừa Tác (Ultimis Temporibus).
- Bộ Giáo Luật 1983.
- Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis ngày 19.3.1985 do Bộ Giáo dục Công giáo.
- Thư gửi các linh mục thứ Năm Tuần Thánh, từ năm 1979-2005, của Đức Gioan-Phaolô II.
- THĐGM năm 1990 bàn về việc đào tạo linh mục, kết quả là Tông huấn Pastores Dabo Vobis ban hành ngày 25.3.1992.
- Chỉ nam Linh Mục do Bộ Giáo sĩ ban hành năm 1994, duyệt lại vào năm 2013.
- Sứ điệp về chức linh mục do Bộ Giáo sĩ ban hành năm 1995.
- Thư Luân Lưu về linh mục do Bộ Giáo sĩ ban hành năm 1999.
- Huấn Thị về căn tính linh mục do Bộ Giáo sĩ ban hành năm 2002.
Các văn kiện đều nhận định rằng có nắm vững căn tính linh mục thì mới vượt qua được những khủng hoảng.
Căn tính linh mục cốt tại việc linh mục nhờ bí tích Truyền Chức thánh, được Chúa Thánh Thần xức dầu và ghi ấn tín đặc biệt, để linh mục có thể hành động với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô (in persona Christi), Thủ Lãnh và Mục Tử, và cũng là hiện thân của Giáo Hội (in persona Ecclesiae). Hành động với tư cách trên nhằm mục đích thánh hóa, cứu chuộc loài người. Như thế căn tính cốt yếu và nổi bật nhất của linh mục là thánh thiện.
Người tín hữu không mong linh mục của họ là nhà quản trị hành chánh giỏi, hoặc nhà hoạt động xã hội và xây cất... nhưng là người thánh thiện.
Sự thánh thiện này cốt tại hai yếu tố chính là cầu nguyệnphục vụ (= thờ phượng và mục vụ)
·        Cầu nguyện làm nên mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, được biểu hiện trong các việc thờ phượng : nghiêm chỉnh đọc Phụng Vụ Giờ Kinh, cử hành thánh lễ cũng như các bí tích với lòng tin mến, sốt sắng, trang nghiêm, trong tư cách là hiện thân của Chúa Kitô và hiện thân của Giáo Hội.
·        Phục vụ làm nên mối tương quan tốt đẹp với hết mọi người, không kỳ thị phân biệt nữ hay nam, giàu hay nghèo, đạo đức hay tội lỗi, gần hay xa GH... gọi chung bằng từ mục vụ. Hiến thân phục vụ được biểu hiện trong việc linh mục sống đời độc thân toàn vẹn, nghĩa là dành trọn trái tim cho TC, cho GH và cho mọi người; là làm chủ nhu cầu thân mật của mình, không độc chiếm một ai dù là nữ tu, phụ nữ, trẻ em nào; là không sống nước đôi vừa làm “cha đạo” vừa làm “bố đời”; là không dành ưu tiên cho tình, tiền và tửu ; là giữ những ranh giới không bao giờ được vượt qua, nếu vượt qua là đi ngược lại sự cam kết sống độc thân của mình. Ngoải ra, ở Á châu còn phải tương quan tốt với các tôn giáo bạn (đối thoại liên tôn), với các nền văn hóa địa phương (hội nhập văn hóa), và dành ưu tiên cho những người nghèo khổ cùng khốn. Về điểm sau cùng, ĐTC Phanxicô là tấm gương nổi bật, noi theo gương của Chúa Giêsu Kitô.
Linh mục hành động với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô và của Giáo Hội, nhưng cũng luôn khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là “những bình sành” (2 Cr 4,7). Vì thế, Đức tổng giám mục Helder Camera đã phát biểu rất sâu sắc rằng : “Thánh thiện nghĩa là trỗi dậy ngay lập tức với lòng khiêm tốn vui vẻ mỗi khi sa ngã. Thánh thiện không phải là không bao giờ phạm tội, nhưng là có thể thưa với Chúa rằng : con đã sa ngã một ngàn lần, nhưng nhờ ơn Chúa, con đã trỗi dậy một ngàn lẻ một lần”.
Như vậy, chỉ khi nắm vững và cố gắng sống đúng căn tính của mình, vua ra vua, tôi ra tôi, giám mục ra giám mục, linh mục ra linh mục (thuyết Chính Danh), được biểu hiện trong việc cầu nguyện và hiến thân phục vụ, sống đời độc thân toàn vẹn, thì mới vượt qua được khủng hoảng. Tóm lại, linh mục có sống đúng căn tính cốt yếu nhất của mình là Thánh Thiện Thật (3 T), thì mới có thể đánh bại được ba T kia là Tình, Tiền và Tửu.
Chúng ta đã nói về khủng hoảng khiến cho một số khá đông linh mục hồi tục, về những khúc mắc khiến cho một số linh mục khác kéo lê đời sống và sứ vụ linh mục. Tiếp đến, chúng ta đã nói về căn tính của linh mục, qua đó điểm cốt yếu của căn tính này là sự thánh thiện, cầu nguyện đối với Chúa, và sự phục vụ hiến thân tha nhân.
Chúng ta không nên bi quan, vì bên cạnh đó, có biết bao linh mục sống tốt đẹp cuộc sống và sứ vụ linh mục, như một nghiên cứu sau đây :
Đức Ông Stephen Rosetti đã viết cuốn sách nhan đề “Tại sao các linh mục hạnh phúc ? Khảo sát về sức khỏe tâm linh nơi các linh mục” (Why priests are happy ? A study of psychological and spiritual health of priests). Ngài thực hiện hai cuộc khảo sát vào năm 2004 với 1.242 linh mục, và năm 2009 với 2.872 linh mục. Kết quả cho thấy như sau :
-         90% (2004) và 92,4% (2009) số linh mục được hỏi cho biết các vị rất hạnh phúc trong đời linh mục.
-         80% (2004) và 88% (2009) số linh mục được hỏi cho biết tinh thần (moral) của họ rất tốt.
Trong khi đó, một cuộc khảo cứu năm 2009 với 5.000 gia đình ở Mỹ, chỉ có 45% cho biết họ hài lòng, hạnh phúc với gia đình và công việc của mình.
Năm điểm chính yếu đem lại hạnh phúc cho đời sống linh mục, theo khảo sát trên đây là :
·        Cảm nhận sự bình an nội tâm (nếu không thì sẽ bị stress, cau có, nóng giận...);
·        Sống mối tương quan mật thiết và sâu đậm với Chúa;
·        Nhìn sự độc thân như tiếng gọi của Chúa (tích cực, không thụ động, bất đắc dĩ);
·        Vâng phục giám mục và những vị có trách nhiệm;
·        Chuyên cần trong đời sống thiêng liêng và cầu nguyện, đọc kinh phụng vụ, lần chuỗi mân côi, đọc sách thiêng liêng, lãnh nhận bí tích hòa giải...
Các điểm trên đây cho thấy các linh mục này đã có nhận thức sâu xa và đúng đắn về căn tính của linh mục, nhờ đó mà họ cảm thấy hạnh phúc, hài hòa trong cuộc sống.
Cuối bài chia sẻ, Đức cha giảng phòng mời quí cha đọc thêm các tài liệu sau đây :
·        Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục, ấn bản 2013, chương I, từ số 1-44.
·        Bộ Giáo Luật 1983, các khoản 232-264 ; 273-289 ; 1008-1054.
·        Theo bước Phanxicô.
 
Sau khi nghe giảng, các linh mục và phó tế thinh lặng, xét gẫm, cầu nguyện và viếng Thánh Thể.
-     10giờ 45: Kinh Sách, Lần Chuỗi.
-     11giờ 30:Cơm trưa.

 
2.Buổi chiều
 
 
 

Bài chia sẻ 3: LINH MỤC VÀ SỰ THÁNH THIỆN
 
Căn tính Linh Mục có hai chiều kích, một hướng lên Thiên Chúa, và một hướng về nhân loại.
Hướng lên Thiên Chúa, căn tính linh mục hệ tại sự thánh thiện. Hướng về con người, căn tính ấy hệ tại dấn thân phục vụ với đức ái mục tử.
Từ “LINH MỤC” gợi cho chúng ta ý niệm vừa cao cả vừa phàm hèn. Chữ MỤC chỉ về việc mục vụ, mục tử, nhưng nó cũng gợi cho ta ý niệm một vật gì bị hư hoại, không còn ích, như củi mục, gỗ mục, mục nát. Mục thì chả còn làm được gì, củi mục có đun bếp cũng chỉ xông khói chứ không có cháy đỏ đâu. Chữ LINH là linh thánh, linh thiêng. Ơn thiêng của Chúa qua bí tích Truyền Chức làm cho linh mục trở nên lớn lao. Mất đi tính thiêng thánh thì linh mục chả còn giá trị gì.
Trong bài này, chúng ta bàn về sự thánh thiện trước hết của Thiên Chúa, rồi của linh mục.
Sự thánh thiện vừa là ưu phẩm của Thiên Chúa, vừa là chính Ngài, Đấng ba lần thánh (Thánh! Chí thánh! Ngàn trùng chí thánh!). Danh Ngài là Thánh ! (Xh 3,14; Lc 1,49).
Đức Kitô là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1,14). “Ngài đã tự hiến thánh, để họ được nên thánh” (Ga 17,19-24).
Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa, làm cho con người nên thánh.
Những gì thuộc về Chúa đều được gọi là thánh : đất thánh, cung thánh, tư tế, con đầu lòng, ngôn sứ, dân tộc thánh (thánh Phaolô gọi các tín hữu là các thánh), ngày sabbat, năm thánh...
Ngài muốn con người, là hình ảnh của Ngài, nhất là các linh mục, cũng tham phần sự thánh thiện của Ngài : “Hãy nên thánh vì Ta, Giavê, là Đấng Thánh” (Lv 19,2; 20,26). Vì Ngài là Đấng Thánh, nên những kẻ Ngài tuyển chọn cũng phải thánh (1P 1,15t). “Ambula coram Me. Esto perfectus” (Hãy đi trước nhan Ta. Hãy nên hoàn thiện” (St 17,1).
Sự thánh thiện của linh mục chính là tham phần vào sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Linh mục được thánh hiến qua bí tích Truyền Chức, là “hiện thân của Đức Kitô”, trước đây gọi linh mục là “Alter Christus” (Đức Kitô đệ nhị, Đức Kitô khác). Cha Thiện Cẩm (?) nói móc là “một Đức Kitô khác tức không phải Đức Kitô đích thực”.
Linh mục được quyền năng thánh hóa người khác, dù bản thân yếu đuối, thật là mầu nhiệm.
Linh mục phân phát ơn thánh, cử hành mầu nhiệm thánh, nên phải là thánh.
Người đời nay mong gì nơi linh mục? Như đã nói ở bài mở đầu, họ mong linh mục thánh thiện. Những gì khác đều là bất tất, chỉ có sự thánh thiện là tất yếu, thiếu nó, linh mục không còn đáng được gọi là linh mục, mất linh rồi. (Giải linh, giải dầu). Hiện nay, người ta đã ca thán hơi nhiều về linh mục không đạo đức. Cả một quá trình mười mấy năm đào tạo không đủ để người chủng sinh lột xác, biến đổi, thơm hương đạo đức thánh thiện. Sau khi chịu chức một vài năm thì làm lễ qua quít, không thấy cầu nguyện, viếng Chúa, làm biếng giải tội, giảng lễ như cái máy, không có hồn, không thấy toát ra vẻ thánh thiện nơi linh mục.
Linh mục có thể nên thánh không ? Chắc chắn là có thể. Chúa mời gọi : “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5,48). Ngài nói với thánh Phaolô : “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối. Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ngự trong tôi. Vì thế, tôi vui thoả trong sự yếu hèn của tôi, trong sự lăng nhục, quẫn bách, bắt bớ và khốn khó vì Đức Kitô: vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cr 12,7-10).
Đức Thánh Cha Gioan XXIII, nay là một vị thánh, đã viết trong “Nhật ký Tâm hồn” :
“Càng ngày, tôi càng cần phải xác tín chân lý này : Chúa Giêsu muốn tôi, chủng sinh Angelo Roncalli, có mức độ nhân đức không phải trung bình nhưng rất cao ! Chúa Giêsu sẽ không bằng lòng với tôi, bao lâu tôi chưa là một vị thánh hay ít ra khi tôi không cố gắng dùng hết mọi phương tiện và năng lực để đạt tới mục đích này” (Chủng viện Bergame, tháng 2.1900).
Qua những dấu hiệu đã thấy và qua những ơn phúc lạ lùng Thiên Chúa đổ tràn trên tâm hồn tôi từ những năm thơ ấu cho tới ngày này, đều chứng tỏ : Chúa muốn tôi nên thánh với đầy đủ ý nghĩa của từ ngữ thánh. Tôi phải luôn xác tín điều này, và tôi phải nên thánh bằng bất cứ giá nào. Tất cả những việc tôi làm từ xưa tới nay chỉ là trò trẻ con. Thời gian đã mất đi và hôm nay đã hai mươi mốt tuổi, tôi lại bắt đầu từ con số không : “Tôi bắt đầu từ hôm nay” (Tv 76,11).
Tôi có một nghĩa vụ chính yếu ràng buộc là phải nên thánh bằng mọi giá. Ý tưởng này phải luôn luôn ám ảnh và làm bận bịu tâm hồn tôi, nhưng mối bận tâm này đầy vẻ êm đềm và thanh thản chứ không buồn chán và nặng nề. Tôi phải để hết tâm trí vào bổn phận này mọi giây mọi phút : từ lúc thức dậy mở mắt nhìn xem ánh sáng ban mai, đến khi tôi nhắm mắt ngủ yên trong cảnh đêm về. Tôi quyết không trở lại những kiểu làm việc và thói quen xưa kia. Tuy thanh thản và bình an nhưng tôi phải kiên nhẫn và cương quyết. Tôi đừng quá tin tưởng mình, trái lại nên coi thường mình, thêm vào đó, tôi luôn luôn trao đổi tâm sự với Chúa. Đây là công việc của tôi, đây là nỗi vất vả của tôi” (Chủng viện Rôma, ngày 2.2.1903) 
Trong lần tĩnh tâm này, tôi lại cảm thấy và cảm thấy rất mãnh liệt phải nên thánh để mưu ích cho người ta. Thiên Chúa không hứa cho tôi làm giám mục hai mươi lăm năm, nhưng Thiên Chúa phán bảo tôi : Nếu tôi muốn nên thánh, Chúa sẽ ban cho tôi thời giờ và các ơn cần thiết. Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa và có đất trời chứng giám, con thề hứa với Chúa: con sẽ đem toàn lực để đạt đích thánh thiện và con sẽ bắt đầu ngay từ bây giờ” (Tháng 12.1928).
Sự thánh thiện của linh mục xem ra không được hỗ trợ bởi thế giới hôm nay, một thế giới tục hóa, khử thiêng. Để nên thánh, linh mục cần múc lấy sức mạnh và sự trợ giúp từ nhiều nguồn.
* Trước hết là nhờ kết lập mối quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu. Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng viết : “Tôi kêu mời mọi kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình”. Linh mục phải là người sống nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa, đến độ có thể nói như thánh Phaolô : “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (EG. 1).
* Linh mục luôn nhìn vào Chúa Giêsu như mẫu gương về sự thánh thiện tuyệt vời. Ngài sống mối tương quan mật thiết với Chúa Cha, luôn sống trong cầu nguyện...
* Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục là một tài liệu xây dựng và thánh hóa dành cho các linh mục là những người đang sống trong một thế giới mà phần lớn bị thế tục hóa và thờ ơ lãnh đạm. Do đó, các linh mục phải có cuốn sách này như sách gối đầu giường, năng đọc đi đọc lại để kín múc từ đó sự khích lệ nên thánh thiện trong đời sống và sứ vụ của mình.
* Bộ Giáo Luật 1983 có nhiều khoản luật liên quan đến việc nên thánh của linh mục :
C.276§1. Trong đời sống, giáo sĩ phải lo theo đuổi sự thánh thiện vì một lý do riêng, xét vì do việc lãnh thánh chức, họ được thánh hiến cho Thiên Chúa với tước hiệu mới là những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa hầu phục vụ cho Dân Ngài.
§2. Ðể có thể theo đuổi sự trọn lành ấy :
1. trước hết, họ hãy chu toàn mọi bổn phận của tác vụ một cách trung thành không biết mệt mỏi;
2. họ hãy nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng bằng hai Bàn Tiệc của Kinh Thánh và Thánh Thể; vì thế, các Tư Tế được khẩn khoản kêu mời hãy dâng Thánh Lễ mỗi ngày, và các Phó Tế, hãy tới tham dự hiến lễ ấy hằng ngày;
3. các Tư Tế và các Phó Tế chuẩn bị làm Linh Mục, buộc mỗi ngày phải đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh theo sách phụng vụ riêng đã được phê chuẩn... ;
4. họ cũng buộc tham dự các cuộc tĩnh tâm, theo qui định của luật địa phương;
5. họ nên suy gẫm hàng ngày, năng đi xưng tội, sùng kính Ðức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, thi hành các phương tiện thánh hóa khác, chung hay riêng.
* Gần chúng ta nhất, có gương của ĐTC Phanxicô. Ngài toát ra sự thánh thiện trong cách ăn nết ở, trong lời giảng dạy, trong cử chỉ hành động. Chúng ta có chứng từ của cha Berislav, cha giải tội của Đức Phanxicô : “Ai gặp ngài cũng đều nghe ngài xin ‘cầu nguyện cho tôi’ và vừa gần đây, trong một thư gởi cho các giám mục Argentina, cha viết thêm ‘vì tôi không tin vào chính mình’. Lời yêu cầu khiêm tốn..., ngài biết quỷ không bao giờ ngơi nghỉ cám dỗ, trong khi gia tài ân sủng lại được giữ trong các bình bằng đất”. “Cột sống của ngài là ở cầu nguyện, ở khả năng đứng vững trước Thánh Thể, khả năng nhận, trong tình mật thiết với Chúa Kitô, các gia tài phong phú mà Chúa Giêsu lấp đầy cho những tâm hồn mở lòng ra để được soi sáng, để được vững mạnh. Tôi còn nhớ trong lần phong chức giám mục cho Salaberry, cũng là tu sĩ Dòng Tên, trong bài giảng của mình, hồng y  Bergoglio xin giám mục Salaberry: ‘Đứng trước các khó khăn, con hãy học để quỳ mòn gối trước Thánh Thể. Chỉ duy nhất Chúa Giêsu sẽ không bao giờ làm cho con thất vọng”.
Ngài thức dậy lúc 4g sáng, và dành 2 tiếng đồng hồ đầu tiên để cầu nguyện. Ngài muốn các chủng sinh được đào tạo ưu tiên về thiêng liêng.
-“Chúa Giêsu phải ở trọng tâm của đời sống tu sĩ.  Đó là chìa khóa của ơn gọi, được đánh dấu qua tinh thần phục vụ nhân danh Chúa Giêsu. Đức Phanxicô khẳng định «sức mạnh của một linh mục là ở mối tương quan giữa họ với Chúa Kitô». Đó là mối tương quan sống động, mật thiết, tình yêu, là nguồn của lòng thương xót đích thực. Ngài nói thêm, «một linh mục phải ở trong tương quan yêu thương với Chúa Kitô” (bài “Chủng sinh phải được đào tạo ưu tiên về mặt thiêng liêng”).
Để kết luận : Một linh mục thánh thiện là món quà quý giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Chúa muốn các linh mục của Ngài thánh thiện trên mọi sự khác. Giáo Hội cũng vậy, chỉ muốn cho các linh mục sống thánh thiện. Giáo dân mong linh mục của họ thánh thiện hơn mong gì khác. Và một linh mục đích thật cũng chỉ mong mình thánh thiện mà thôi.
Linh mục thánh thiện là tất cả, không thánh thiện thì không là gì cả.
Tĩnh tâm là dịp để anh em linh mục duyệt xét xem mình đã sống lý tưởng và thiên chức linh mục thế nào. Trong thời gian còn lại của buổi sáng này, xin anh em xét mình về sự thánh thiện khi cử hành các việc thuộc thánh vụ : dâng lễ, giảng lễ, nguyện gẫm, giải tội, viếng Chúa, xét mình, các việc đạo đức khác như kinh Mân côi, đi đàng thánh giá, đọc sách thiêng liêng (lectio divina), khổ chế, hy sinh, giữ gìn miệng lưỡi, con mắt, giao tiếp, lời nói, ăn mặc, sử dụng tiền bạc, tiện nghi cuộc sống, nhân đức khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh... Trong xu hướng bài giáo sĩ, người ta ca thán các linh mục làm lễ như máy, cẩu thả, đọc kinh liến thoắng, không sốt sắng, làm biếng giải tội, không dạy giáo lý mà khoán cho người khác, không thấy linh mục viếng Thánh Thể, đọc kinh với giáo dân... Mỗi người hãy quyết tâm nên thánh bằng việc chu toàn thánh vụ cách thánh thiện.
 
Sau khi nghe giảng, linh mục đoàn thinh lặng cầu nguyện và viếng Chúa.

-     5giờ40: Kinh chiều.
-     6giờ:Cơm tối.
-     7g30: Hạt Hàm Tân phụ trách Giờ Chầu Thánh Thể.

Ngày tĩnh tâm thứ hai được kết thúc bằng kinh tối và tâm tình tạ ơn.
Xin dâng lên Đức Mẹ Tàpao các Tu Sĩ Nam Nữ trong toàn thể Giáo phận nhân ngày bế mạc năm đời sống thánh hiến.
 
Ban thư ký
 

Từ khóa:

khởi đầu, tin mừng

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận