Nhật Ký Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết ngày thứ ba

Đăng lúc: Thứ năm - 14/01/2016 03:25 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Nhật Ký Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết ngày thứ ba, 13-1-2016

1.Buổi Sáng

4giờ: Khởi đầu ngày mới, quý Đức cha, quý Cha và quý Phó tế đã lên đường hành hương đến Tàpao hiệp dâng thánh lễ khai mạc Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Khí hậu Tàpao đang sang tiết xuân nên thật dịu mát, gió ngàn mây trắng dào dạt tình trời duyên đất.

xem hinh
 
Hàng ngàn người đã về bên Mẹ Tapao hân hoan đón chào đoàn rước. Nhạc đoàn Micae giáo xứ Hòa Nam thuộc Giáo phận Đà Lạt đi trước tấu vang những khúc ca tạ ơn. Đoàn đồng tế dựng lại trước cổng thánh trung tâm.
 
Cha Antôn Hồ Tấn Khả trưởng ban phụng vụ, hướng dẫn nghi thức.

Năm Thánh được khai mở tại TTTM Tàpao với nghi thức mở cửa lòng thương xót trong một cử hành Thánh Thể duy nhất. Các kinh nguyện và những hành động của nghi thức mở cửa lòng thương xót cho thấy những điều cốt yếu như sau:
-         Mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và dễ cảm thông (Ep 2,4; Gc 5,11), đã được biểu tỏ và thể hiện nơi Đức Kitô, cho thấy dung mạo đầy lòng thương xót của Chúa Cha ( MV 1), đồng thời cũng chứng thực rằng mầu nhiệm ấy vẫn luôn hoạt động qua hồng ân của Chúa Thánh Thần (Ga 20,22-23).
-         Phải nhìn nhận Chúa Kitô là cửa duy nhất mọi người phải đi qua để được cứu độ (x.Ga 10,9), và đến với Chúa Cha (Ga 14,6).
-         Cuộc hành hương của Hội thánh đến với Chúa Kitô, “Đấng vẫn là một, hôm qua và cho đến muôn đời” (Dt 23,8).
-         Trong khung cảnh cử hành Thánh thể, nghi thức đặc biệt là việc mở cửa lòng thương xót và cuộc rước trọng thể của Hội thánh địa phương, gồm Giám mục, giáo sĩ và giáo dân, đi vào lễ đài của Trung Tâm Thánh Mẫu, nơi mà vị chủ chăn của giáo phận thi hành sứ vụ thầy dạy, cử hành các mầu nhiệm thánh và thực thi các hành động phụng vụ để ngợi khen, cầu xin Thiên Chúa và hướng dẫn cộng đoàn Giáo hội.
-         Cử hành phụng vụ gồm có 4 phần: Trạm dừng tại tam cấp sân lễ Trung tâm thánh mẫu. Mở Cửa Thánh. Lập lại lời hứa rửa tội và cử hành Thánh Thể.



Đức cha Giuse Vũ Duy Thống bắt đầu chủ sự nghi thức mở cửa năm thánh. Cánh Cửa Năm Thánh ở đây, tuy chỉ là cánh cửa đơn sơ giữa quảng trường rộng lớn, nhưng nó được chọn để biểu trưng cho Trung tâm Thánh Mẫu Tapao, nơi sẽ mở ra tuôn đổ ơn thánh của Chúa và tình thương của Mẹ cho mọi con cái từ khắp mọi phương trời hành hương về nơi đây.


Khi quý Đức cha và đoàn đồng tế bước qua Cánh Cửa Lòng Thương Xót, giáo dân cùng nhau tháp tùng theo các ngài, với lòng cảm nhận hân hoan vui sướng của những người con đang được ngập tràn trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa là Cha. Cuộc rước đi qua cửa của Năm Thánh, điều đó có một ý nghĩa đặc biệt hướng về Chúa Kitô (x.Ga 10,7.9) và được coi như là cửa của Lòng Thương Xót, là điểm phải luôn ghi nhớ trong năm thánh ngoại thường này. Cuộc rước biểu thị cuộc lữ hành của Hội thánh, và là điểm thực hành “có một ý nghĩa đặc biệt trong Năm Thánh, vì nó tượng trưng cho cuộc đời của mỗi người nơi trần thế” (MV 14). Cuộc rước cũng nhắc nhớ điều này: “Lòng thương xót là mục tiêu phải đạt tới và cần phải tự hiến, hy sinh”

Ca đoàn tổng hợp liên Tu Sĩ Giáo Phận Phan Thiết hòa vang bài ca nhập lễ kính Mẹ Thiên Chúa.


Đức cha Giuse xông hương bàn thờ và xướng kinh vinh danh.

Đức cha Anphongsô giảng lễ. Nội dung như sau.



Cộng đoàn hành hương thân mến,

Trong bầu khí thánh thiện của cuộc hành hương đầu năm 2016, khi mà hương xuân và hương thánh đang hòa quyện tại linh địa Tà Pao sáng hôm nay, đặc biệt lại là ngày được chọn để khép lại Năm Đời sống Thánh Hiến (có sự hiện diện đông đảo của linh mục, tu sĩ nam nữ) và mở cửa Năm Thánh tại trung tâm hành hương Đức Mẹ của giáo phận Phan Thiết, cho phép tôi được chia sẻ đề tài “Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót”.
Trong kho tàng thánh ca và thánh thi công giáo, Đức Mẹ được ca tụng là Mẹ Xót thương, Mẹ nhân lành, Mẹ từ bi lân ái, Mẹ khoan nhân… Kinh cầu Đức Bà tung hô Mẹ là “Đức Nữ có lòng khoan nhân” hoặc những tước hiệu khác nói lên lòng nhân ái của Mẹ như : Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn; Đức Bà bầu chữa kẻ có tội ; Đức Bà yên ủi kẻ âu lo ; Đức Bà phù hộ các giáo hữu.
1. Đức thánh cha Phanxicô trong tông sắc thiết lập Năm Thánh đã không quên đề cập mối liên kết giữa Đức Mẹ và Lòng Thương Xót. Theo ngài, sở dĩ Đức Mẹ là Mẹ của lòng xót thương,
* trước hết, vì Mẹ ý thức sâu xa rằng Mẹ là người được Chúa xót thương : “Phận nữ tì hèn mọn, Chúa đoái thương nhìn tới” ;
* thứ đến, vì cuộc đời của Mẹ liên kết mật thiết với Chúa Giêsu, dung mạo của lòng thương xót (Vultus misericordiae), trong mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc.
- Đối với mầu nhiệm Nhập Thể, ĐTC viết : “Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được định hình bởi sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm. Không ai thấu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cho bằng Đức Maria”. Mầu nhiệm này cho thấy lòng Chúa xót thương loài người đang ở trong bóng tối tội lỗi và sự chết, nên chấp nhận làm người để cứu độ con người. Đức Mẹ thấu hiểu mầu nhiệm Nhập Thể vì Mẹ cưu mang Chúa Giêsu, thịt máu Chúa là thịt máu của Mẹ.
- Đối với mầu nhiệm Cứu Chuộc, ĐTC viết : “Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào thánh điện của Lòng Thương Xót, vì đã thông dự mật thiết vào mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã chết vì tình yêu cao độ này : “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người dám chết vì người mình yêu”. Vào phút cao điểm của tình yêu ấy, Đức Mẹ đứng kề bên thánh giá để hiệp dâng lòng Mẹ xót thương nhân loại. Có thể nói cách khác rằng Mẹ cũng là “khuôn mặt của Lòng Thương Xót” như Chúa Giêsu. Nơi Mẹ, ta cảm nhận được lòng thương xót của Chúa.
Thiên Chúa dựng nên các người cha người mẹ và phú cho họ tình Phụ Tử Mẫu Tử, là mối tình thiêng liêng, sâu xa và mãnh liệt dành cho con cái. Đứa con dù ngoan hay hư, có hiếu hay bất hiếu, cha mẹ vẫn thương. Ysaia ví tình thương của Chúa giống tình mẫu tử và còn hơn thế nữa : “Có người mẹ nào có thể quên con mình và không thương đứa con mình đã sinh ra ? Cho dù người mẹ có thể quên con mình, Ta sẽ không bao giờ bỏ ngươi... Ta đã viết tên ngươi trên bàn tay của Ta" (Ys 49,15). Còn Tin Mừng Luca chương 15 ghi lại dụ ngôn người cha nhân hậu cho biết tình phụ tử của Thiên Chúa cũng cao cả vô bờ : con nào ngoan thì Chúa “thương”, con nào hư thì Chúa “xót”.
2. Chúa đã dành cho Đức Mẹ một tình thương như thế nào ? – Thưa, Mẹ là người con ngoan nhất trong con cái loài người, được Chúa tuyển chọn và dành cho một tình thương đặc biệt, bao phủ bằng các đặc ân, trong đó có đặc ân là Mẹ Thiên Chúa mà chúng ta dâng lễ kính hôm nay. Về điểm này, ĐTC Phanxicô viết : “Được tuyển chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa, Đức Maria ngay từ đầu đã được chuẩn bị bởi Tình Yêu của Chúa Cha, để trở nên Hòm Bia Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người. Mẹ bảo toàn lòng thương xót của Thiên Chúa nơi trái tim Mẹ, trong mối tương quan mật thiết với Thánh Tử Giêsu”.
3. Đức Mẹ đã đáp lại tình thương ấy như thế nào ?
a. - Đối với Chúa, Mẹ đã “yêu mến hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn”. Tình yêu ấy được thể hiện bằng hành động, tóm gọn trong ba từ : “Xin Vâng” (Fiat), “Ngợi khen Chúa” (Magnificat),  và “Đứng kề thập giá” (Stabat). ĐTC viết : “Đứng dưới chân Thập giá, cùng với thánh Gioan, người môn đệ của tình yêu, Đức Maria là nhân chứng của những lời tha thứ thốt ra từ miệng Chúa Giêsu. Việc Chúa tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người, cho chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa đi xa tới mức nào. Đức Maria làm chứng rằng, lòng thương xót của Con Thiên Chúa thì vô bến bờ, và được trao ban cho tất cả mọi người không trừ ai”.
Trong mọi biến cố của đời Mẹ, Mẹ luôn thưa Fiat trước thánh ý Chúa, Mẹ luôn Magnificat  dù không hiểu rõ, và Mẹ luôn Stabat bên cạnh Chúa, kết hiệp với Ngài. Đó là cách Mẹ thể hiện lòng yêu mến Chúa.
b. - Đối với loài người, Mẹ tỏ lòng thương xót khi không ngồi yên trên thiên đàng, mà bôn ba thế trần nơi này nơi kia : từ Fatima, Lộ Đức, La Salette, Banneux, đến tận Việt Nam hình cong chữ S nhỏ bé trên địa cầu : ở La Vang Quảng Trị, Trà Kiệu Quảng Nam, La Mã Bến Tre, Bãi Dâu Vũng Tàu, Măng Đen Kontum, Giang Sơn Buôn Ma Thuật, và Tà Pao Phan Thiết này nữa. Mẹ đến để chia sẻ khổ đau của con cái Mẹ, để che chở khỏi những cuộc bách hại, để an ủi trong khốn khó, để chữa lành bệnh hoạn thể lý và tâm hồn… Quả thật, Mẹ là Mẹ của lòng thương xót (Mater misericordiae). Tại Tà Pao này, biết bao người đã nhận được ơn thiêng phần hồn phần xác, họ đến đây, tinh thần bải hoải, thể xác đớn đau, và ra về tinh thần sảng khoái, đức tin mạnh mẽ. Không chỉ ở những trung tâm hành hương Đức Mẹ mới có những “phép lạ của tình yêu” như thế, mà mọi nơi. Không thiếu những chứng từ như thế này : Một người nọ chối bỏ đức tin lâu năm, lâm bệnh nặng sắp chết. Cha xứ được mời đến để khuyên ông trở lại. Ba lần, ngài bị người đàn ông kia xua đuổi với những lời lẽ cứng cỏi. Cha không nản lòng, rút tràng chuỗi Mân Côi ra cầu nguyện với Đức Mẹ. Chưa xong một chuỗi thì bệnh nhân đổi lòng, xin lỗi và xin được hòa giải với Chúa. Hiệu lực của lòng Mẹ thương xót con người như Chúa, không muốn họ hư mất đời đời.
4. Người giáo dân Việt Nam từ xa xưa đã dành cho Đức Mẹ một lòng yêu mến sâu đậm. Cứ xem các cuộc hành hương đến với Đức Mẹ bao giờ cũng đông đảo, hôm nay tại đây cũng thế. Thật là khôn ngoan khi chạy đến với Mẹ để xin cầu bầu, vì biết Mẹ có thần thế trước tòa Chúa. Chúa không thể từ chối đấng không bao giờ từ chối Chúa điều gì ! 
Tuy nhiên, anh chị em hành hương thân mến, cần xác định anh chị em hành hương đến với Mẹ là để “Nhờ Mẹ mà đến với Chúa Giêsu” (Per Mariam ad Jesum) như lời thánh Bênađô khuyên; đến với Mẹ để tỏ lòng yêu mến Mẹ, hơn là để cầu khấn ơn này ơn nọ, biến tôn giáo tình yêu thành tôn giáo cầu khấn, vụ lợi. Dĩ nhiên, chúng ta có thể nhờ Mẹ chuyển cầu những ơn cần cho chúng ta. Nhưng nhớ là Mẹ chuyển cầu chứ Mẹ không phải là chủ của ơn thánh, là nguồn mọi ơn thánh. Chỉ Chúa mới là chủ, là nguồn của ơn thánh. Câu chuyện phép lạ Cana xác định với chúng ta điều ấy. Mẹ không làm cho nước hóa rượu ngon, nhưng Mẹ chuyển cầu với Chúa. Chúa nhận lời Mẹ nên làm phép lạ hóa nước thành rượu. Kinh Kính Mừng và Kinh Cầu Đức Bà cũng dạy ta xin Mẹ “cầu cho chúng con” chứ không phải “ban cho chúng con”. Hãy đến với Mẹ, để Mẹ dẫn ta đến với Chúa, và cầu thay nguyện giúp chúng ta.
5. Từ cuộc hành hương đầu năm thánh này ra về, anh chị em thân mến, ước gì mỗi người sẽ nỗ lực là người con ngoan của Chúa, yêu mến Chúa để đáp lại lòng Chúa yêu thương.
a. Muốn thế, anh chị em hãy làm như Mẹ, là biết thưa Fiat trong mọi hoàn cảnh, biết ca lên Magnificat dù mình chẳng hiểu ý Chúa, và biết Stabat kề bên Chúa, hiệp thông với Ngài.
b. Tiếp đến, chúng ta còn có sứ mạng là “thương xót như Chúa Cha” như Mẹ đã làm. Hãy sống yêu thương trước hết trong gia đình mình, với người chung quanh, với người anh em cùng niềm tin hay không cùng niềm tin, với người tốt cũng như người xấu, để mọi người được ấp ủ trong tình thương của Chúa và Đức Mẹ.    
6. Kết thúc bài chia sẻ, tôi xin mượn lời của đức thánh cha Phanxicô trong tông sắc khai mở Năm Thánh : “Chúng ta hãy hướng tâm trí về Người Mẹ của Lòng Thương Xót. Xin ánh mắt dịu hiền của Mẹ luôn dõi theo chúng ta trong suốt Năm Thánh này, để mỗi người chúng ta có thể tái khám phá niềm vui đến từ lòng khoan dung của Thiên Chúa… Điều này sẽ trở thành niềm an ủi và sức mạnh phù trợ, khi chúng ta bước qua Cửa Thánh để lãnh nhận ơn phúc từ lòng thương xót của Thiên Chúa”. “Xin Mẹ không ngừng ghé mắt thương xem chúng ta, và cho chúng ta được ngắm nhìn Dung Mạo của Lòng Thương Xót, là Chúa Giêsu, Con của Mẹ”. Amen.


Cuối thánh lễ, vị linh mục đại diện liên tu sĩ giáo phận cám ơn quý Đức Cha, Qúy Cha và cộng đoàn. Kết thúc Năm Đời Sống Thánh Hiến, Liên Tu Sĩ Giáo Phận Phan thiết đã hành hương đến Tapao và tối qua 12.1, các Tu Sĩ Nam Nữ trong giáo phận đã tổ chức diễn nguyện và chầu Thánh Thể với tâm tình tạ ơn, sáng nay cùng hiệp thông thánh lễ.
 
Đức cha Giuse làm phép nước và ảnh tượng cho cộng đoàn. Hai Đức cha ban phép lành với ơn toàn xá.
Cộng đoàn cùng hướng về Mẹ Tapao cất lên bài ca “Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng…”. Xin Mẹ cho chúng con luôn sống xin vâng theo thánh ý Chúa như Mẹ đã sống.

Quý Đức cha, quý Cha và Phó tế về lại TGM tiếp tục chương trình tĩnh tâm. Quý tu sĩ nam nữ và khách hành hương ra về trong hân hoan với ơn thánh Lòng Thương Xót Chúa dồi dào, với tình thương ơn lành của Mẹ Tapao nhân lành.

2. Buổi chiều.

Bài chia sẻ 4: Linh Mục và Đức Thanh Bần
 
* Chúa Giêsu nêu gương tuyệt hảo sống nghèo. Ngài không gắn bó vào tiền bạc, của cải : “Con cáo có hang, con chim có tổ, còn Con Người không có hòn đá gối đầu” (Lc 9,58). Ngài sinh ra nghèo khó cùng cực, sống nghèo như người nghèo nhất, và chết như một người nghèo không quần áo che thân, không nấm mồ mai táng. Ngài chúc phúc cho người có tinh thần nghèo khó (mối phúc thứ nhất), Ngài chỉ trích thái độ cậy vào của cải (dụ ngôn phú hộ và Lazarô, người phú hộ xây kho chứa), Ngài dạy những ai muốn làm môn đệ Ngài phải từ bỏ của cải, nhà cửa, ruộng nương... Ngày xưa các thừa sai đi truyền giáo không có gì cả ngoài cây Thánh Giá, Sách Nguyện, Kinh Thánh, cỗ tràng hạt Mân Côi, đồ lễ ; ngày nay thì sao ?

* PO số 17 : “Phải tránh tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có thể làm mình xa cách người nghèo, và hơn các môn đệ khác của Chúa Kitô, các linh mục phải loại bỏ mọi thứ khoe khoang trong các đồ dùng của mình. Các ngài phải xếp đặt chỗ ở của mình thế nào để không ai coi đó là nơi bất khả xâm phạm, và không để ai, dù nghèo hèn đến đâu, phải sợ hãi không bao giờ dám lui đến”.

* Bộ giáo luật 1983 qui định về đức khó nghèo linh mục như sau :
Ðiều 282,1. Các giáo sĩ nên sống đời giản dị, và xa tránh tất cả những gì có vẻ phù hoa.
               2. Những tài sản mà họ có được trong khi thi hành một chức vụ Giáo Hội, thì sau khi đã dự trù cho việc chu cấp xứng đáng và thi hành những nghĩa vụ khác của bậc mình, nên được dành phần dư vào thiện ích của Giáo Hội và những công cuộc bác ái.
Ðiều 286: Cấm các giáo sĩ không được đích thân hoặc nhờ người khác thi hành mậu dịch, doanh thương nhằm kiếm lợi cho mình hoặc cho người khác, khi không có phép của giáo quyền hợp pháp.

* Kim Chỉ Nam Linh Mục dành số 83 để nói về đức nghèo khó của linh mục. Chúng ta rút ra mấy điều lưu ý về vấn đề này như sau :
-“Nếu quan tâm quá mức đến tiện nghi và sự sung túc của mình, linh mục sẽ khó trở thành người phục vụ và thừa tác viên cho anh em mình”.
-“Linh mục phải nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, trong sự tự do nội tâm đối với của cải và sự giàu có của thế gian”
-“Sống nhân đức nghèo khó cốt yếu hệ tại việc dâng con tim mình cho Chúa Kitô. Ngài là kho tàng đích thật của chúng ta chứ không phải là những của cải vật chất”.  
-“Linh mục là người có Chúa làm gia nghiệp”.
-“Linh mục sử dụng của cải với ý thức trách nhiệm, cách điều độ, ý hướng ngay thẳng và siêu thoát, biết rằng tất cả phải được sử dụng để xây dựng Nước TC”.
-“Linh mục phải tránh tạo cớ cho những lời nói bóng gió nhỏ nhất rằng ngài có thể quan niệm tác vụ của mình như một cơ hội để làm giàu cho mình, ưu đãi gia đình họ hàng hay tìm những vị trí ưu tuyển”.

* ĐTC Phanxicô từ khi lên làm giáo hoàng đã làm thế giới ngạc nhiên về thái độ sống nghèo của ngài, về những lời giảng không quanh co đối với vấn đề linh mục và tiền bạc vật chất : Ngài không ở trong phủ giáo hoàng mà ở nhà trọ thánh Mátta, sử dụng một chiếc xe cũ, ăn mặc giản dị, thay kính mà giữ lại gọng cũ, tự xách cặp lên máy bay, đi giày đen (thay vì đỏ). Ngài gần gũi người nghèo, người vô gia cư, ai đời xây nhà tắm và phòng hớt tóc cho họ ngay cạnh công trường thánh Phêrô, gặp gỡ họ, cho họ vé vào thăm bảo tàng Vatican. Ở Mỹ, ngài từ chối bữa trưa với các nghị sĩ để ăn với người vô gia cư.

Trong huấn dụ cho các giám mục thuộc bộ truyền giáo ngày 21.9.2014, ngài nói : “GH đang cần các vị mục tử, nghĩa là những người phục vụ, cần những GM biết quỳ gối trước người khác để rửa chân cho họ. Các vị mục tử gần dân, là những người cha, người anh hiền từ, kiên nhẫn và từ bi, yêu mến thanh bần, tự do vì Chúa, cũng như đơn sơ và có cuộc sống khổ hạnh”.
Ngài hướng các linh mục và tu sĩ Napoli về tinh thần nghèo khó, Ngài cảnh báo “tinh thần thế tục và quyền lực của tiền bạc”. Ngài xin các tu sĩ hãy có lòng thương xót và tinh thần nghèo khó. Thay vì lo thu tích tiền bạc, các linh mục và tu sĩ phải luôn để Chúa Kitô vào trung tâm cuộc sống của mình. Họ phải là nhà truyền giáo, luôn trên đường đi và nhớ là chính chứng tá, chính niềm vui của một đời sống triển nở mới thu hút giáo dân về với Chúa Kitô và mới nảy sinh ra ơn gọi.

 “Một Giáo Hội nghèo cho người nghèo”, đó là chủ đề trọng tâm của triều đại giáo hoàng của ngài. “Thói đạo đức giả của những người sống đời thánh hiến, tuy khấn khó nghèo, song lại sống như người giàu có, làm tổn thương linh hồn của các kitô hữu và gây hại cho GH”. (Chỉ có chứng tá của niềm vui... tr.17).

ĐTC còn cảnh báo về cơn cám dỗ “chấp nhận một não trạng thế tục, hoàn toàn thực dụng, dẫn đến việc đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi phương tiện của con người mà thôi và phá hủy chứng từ về đời sống khó nghèo mà Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã sống và dạy chúng ta”.
ĐGH chỉ trích các giám mục, linh mục, tu sĩ sống xa hoa. “Xin Chúa ban cho chúng ta những linh mục và tu sĩ tự do không bị trói buộc bởi ngẫu tượng tiền bạc và quyền lực”.

Trong 15 căn bệnh của giáo triều Rôma thì bệnh cuối cùng là tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương.

Tại Hàn quốc vào tháng 8.2013, trong cuộc gặp gỡ linh mục tu sĩ, Đức Thánh Cha nói: “Lời khấn khó nghèo giúp anh chị em nhận ra lòng Chúa thương xót không chỉ là nguồn sức mạnh, mà còn là một kho tàng” và ngài khích lệ họ “dâng lên Chúa Kitô quả tim mỏi mệt, nặng trĩu vì tội lỗi của mình, trong những lúc bất lực”.
“Chính nhu cầu cơ bản cần được tha thứ và chữa lành này của chúng ta là một hình thức nghèo khó mà không bao giờ chúng ta được đánh mất, dù có tiến triển đến đâu trên đàng nhân đức”.

Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về những xao lãng và gương xấu, và lưu ý rằng nghèo khó trong đời sống thánh hiến vừa là một “thành trì” bảo vệ, vừa là một “người mẹ” hướng dẫn chúng ta đi theo đường ngay chính.
“Thói đạo đức giả của những người sống đời thánh hiến tuy khấn khó nghèo, nhưng lại sống như người giàu có, làm tổn thương linh hồn của các tín hữu và gây hại cho Giáo hội”.

Đức Thánh Cha còn cảnh báo về cơn cám dỗ “chấp nhận một não trạng thế tục, hoàn toàn thực dụng, dẫn đến việc đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi phương tiện của con người mà thôi và phá huỷ chứng từ về đời sống khó nghèo mà Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã sống và dạy chúng ta”. (“Chỉ có chứng tá của niềm vui mới lôi cuốn người khác”, tr.17). “Hãy coi chừng việc quá tiện nghi! Khi cảm thấy thoải mái, ta thường dễ quên người khác ! Khi chúng ta quá bám dính vào của cải, chúng ta không có tự do, chúng ta là nô lệ !
 
Sau khi nghe giảng, mỗi linh mục phó tế thinh lặng cầu nguyện và viếng Chúa.
-     5giờ40: Kinh chiều.
-     6giờ:Cơm tối.
-     7g30: Hạt Hàm Thuận Nam phụ trách Giờ Chầu Thánh Thể.

Ngày tĩnh tâm thứ ba được kết thúc bằng kinh tối và tâm tình tạ ơn. Xin dâng lên Chúa các Ơn Gọi Linh Mục trong Giáo hội cũng như trong Giáo phận.Xin cho mỗi ngày có thêm các bạn trẻ biết lắng nghe đáp lại tiếng Chúa và dấn thân phục vụ các phần rỗi trong thiên chức linh mục. Xin Chúa cho các bạn trẻ có lòng nhiệt thành đáp lại tiếng Chúa.
 
Ban thư ký

VIDEO MỞ CỔNG NĂM THÁNH
 
 
 
 
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận