Nhật Ký Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết, ngày thứ tư

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/01/2016 03:18 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Nhật Ký Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết ngày thứ tư.
Ngày thứ năm: 14-1-2016.

xem hinh


1.Buổi Sáng
  
-     5giờ: Khởi đầu ngày mới với ý chỉ: cầu nguyện cho 2 Đức cố Giám mục  Nicôla - Phaolô các Linh mục đã qua đời.
Kinh Sáng –  Cha Tổng Đại Diện giúp nguyện gẫm.
-     5giờ45: Thánh lễ. Đức Cha Giuse chủ tế và suy niệm Tin mừng (Mc 1,40-45). 


Lời cầu nguyện của người bị phong hủi: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”. Chúa chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh sạch đi !”. Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Đây là lời kinh, lời cầu nguyện đầy đủ vì là lời cầu nguyện khiêm tốn. Khiêm tốn với 3 nét đẹp : thái độ can đảm, tâm tình chân thành và xin theo ý Chúa. Lời kinh khiêm tốn là lời cầu nguyện hiệu quả nhất. Sự khiêm tốn trong lời kinh đơn sơ cầu nguyện mời gọi anh em linh mục hãy họa lại trong đời sống hàng ngày, ai sống và tuân theo thánh ý Chúa thì nẻo đi sẽ thênh thang và lối đi sẽ đong đầy hạnh phúc. Một ngày mới, chúc anh em sống theo thánh ý Chúa.


 
-     8giờ: Đức Cha giảng phòng.




Bài chia sẻ 5: Linh Mục và Đức Khiết Tịnh Độc Thân
 
Người giáo dân Việt nam rất nhạy cảm đối với vấn đề độc thân khiết tịnh của linh mục. Họ quí trọng và cảm mến linh mục vì sự dấn thân để giữ độc thân khiết tịnh; ngược lại, họ cũng buồn bực đến mức phẫn nộ, khinh thường nếu biết linh mục nào lỗi phạm trong vấn đề này. Để tránh sự bài bác hàng giáo sĩ, làm mất thanh danh của chính mình cũng như của Giáo Hội, linh mục cần giữ triệt để lời cam kết độc thân khiết tịnh. Đây là một thách đố lớn trong đời linh mục, nhưng cũng là niềm vinh dự lớn lao cho ai trung thành giữ vững đức khiết tịnh.
Độc thân khiết tịnh là một ân huệ của Chúa, với sự cộng tác của con người, điều ấy có thể giữ được, tuy khó, như “kho tàng đựng trong bình sành” (2 Cr 4,7). Người đời khó chấp nhận và tin rằng linh mục có thể giữ độc thân khiết tịnh. Nhưng chính Chúa sẽ giúp : “Có người tự yêm hoạn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu”(Mt 19,12). “Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12,9).
Bậc độc thân là một hồng ân mà người ta nhận được từ lòng Chúa thương xót, như một chọn lựa tự do và như một chấp nhận đầy hân hoan của một ơn gọi tình yêu đặc biệt đối với Thiên Chúa và con người. Đừng hiểu và sống nó như thể nó là hiệu quả phụ của chức tư tế” (KCN số 81) .
Khi tiến lên chịu chức thánh, chúng ta hứa sống đời độc thân khiết tịnh, dâng trọn trái tim, cuộc sống cho Chúa và tìm cách làm đẹp lòng Chúa, như lời thánh Phaolô : “Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa, họ tìm cách làm đẹp lòng Người” (1 Cr 7,32). Là đàn ông, chúng ta cũng có những khát vọng tình yêu, cảm xúc xác thịt, nhưng chúng ta đã tự nguyện khước từ chúng, để chọn một tình yêu cao hơn, trọn vẹn hơn cho Chúa và các linh hồn.
* Chúa Giêsu tự nguyện sống khiết tịnh, đi ngược lại với quan niệm của số đông vào thời Ngài. Ngài chúc phúc cho người có tâm hồn trong sạch. Ngài thanh thoát biết bao khi giao tiếp với những người có thể gây xì căng đan, bởi vì nơi Ngài toát ra một sự thanh khiết, trong sạch, không vương vấn chút gì mờ ám.
* Kim Chỉ Nam Linh Mục số 79-82 bàn về sự độc thân linh mục. Xin nêu những điểm nổi bật.
- GHCG cương quyết duy trì luật độc thân khiết tịnh vĩnh viễn, được chọn lựa tự do, đối với những ứng sinh linh mục theo lễ điển La-tinh.
- Độc thân giáo sĩ là một hồng ân vui tươi mà GH lãnh nhận và muốn chăm lo giữ gìn, tin chắc đó là một điều thiện hảo cho mình và cho thế giới. Là một ơn và đặc sủng riêng biệt do Thiên Chúa ban cho, bậc độc thân đòi hỏi tuân thủ sự tiết dục hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời, nhờ đó có thể gắn bó dễ dàng hơn với Chúa Kitô bằng một con tim không chia sẻ và để hiến mình cách tự do hơn nhằm phục vụ Thiên Chúa và loài người.
- Dù cho luật độc thân linh mục bị công kích, nhưng nó rất được nhiều người, kể cả không công giáo, ngưỡng mộ và yêu mến, được ví là hạt ngọc của công giáo.
- Độc thân giáo sĩ được nuôi dưỡng bằng sự thực hành nhân đức khiết tịnh, nhân đức này được vun trồng với một sự trưởng thành siêu nhiên và tự nhiên. Không thể yêu mến Đức Kitô và mọi người với một tâm hồn không trong sạch. Sống đức khiết tịnh thật là khó khăn, nhất là trong thời đại ngày nay, nhưng Chúa luôn ban dồi dào ân sủng và những phương thế cần thiết để ta sống nhân đức này cách hân hoan.
- Linh mục phải biết vận dụng những phương thế tự nhiên và siêu nhiên để bảo vệ hồng ân khiết tịnh : vun trồng tình bạn với các linh mục, chăm chút những tương quan tốt đẹp với mọi người, thực hành khổ chế và tự chủ, hãm mình, phát huy lòng say mê mục vụ tông đồ, thanh thản chấp nhận sự cô độc, quản lý thời gian nhàn rỗi, sùng kính Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc.
- Khi sự thân tình trong tương quan với người khác có thể khiến lòng trung thành đối với hồng ân độc thân gặp nguy hiểm, hoặc có thể gây gương xấu nơi các tín hữu, thì linh mục phải cư xử với sự cẩn trọng cần thiết. Linh mục phải giữ mình khỏi những cách cư xử nhập nhằng, và phải luôn nhớ rằng bổn phận ưu tiên của mình là làm chứng cho tình yêu cứu thế của Đức Kitô.
- Ngày nay, linh mục còn phải tế nhị khi cư xử với người đồng phái cũng như với trẻ em, phải nhạy cảm và khôn ngoan tránh những tình huống có thể dẫn đến những lời bàn tán dị nghị.
- Linh mục phải có những qui tắc về khổ chế để giữ đức khiết tịnh : tránh ăn những món có thể gây kích thích, tránh uống rượu bia, tránh những nơi chốn nhạy cảm, những sách báo, trang mạng internet “vốn là những thách đố cho việc giữ đức khiết tịnh, thậm chí tạo nên cơ hội hay gây ra những tội trọng ngược với luân lý kitô giáo”.
* ĐTC Phanxicô có quan điểm mạnh mẽ về đức khiết tịnh độc thân. Ngài mời gọi phải thẳng thắn, không mập mờ nhưng rất chân thành với Chúa, với chính mình, luôn xét mình kiểm điểm về vấn đề này, cầu nguyện liên lỉ và dứt khoát lập trường.
Đức khiết tịnh là một đặc sủng quý giá, nó mở rộng tự do trao hiến cho Thiên Chúa và tha nhân, với sự hiền lành, lòng nhân từ, sự gần gũi của Chúa Kitô. Sự khiết tịnh vì Nước Trời cho thấy đời sống tình cảm nằm trong một sự tự do chín chắn và trở thành dấu chỉ của thế giới tương lai để luôn làm rạng ngời tính tối thượng của Thiên Chúa. Một đức khiết tịnh phong nhiêu sinh ra những người con thiêng liêng trong GH” (Diễn từ tại đại hội các bề trên tổng quyền dòng nữ, ngày 8.5.2013)
Ngài hướng linh mục đi từ tình phụ tử tự nhiên đến tình phụ tử siêu nhiên để trưởng thành viên mãn trong đời sống độc thân. Từ “cha” mà người ta dùng để gọi linh mục cũng là nhằm đến mối tình phụ tử siêu nhiên này. Mặc dầu linh mục là người sống độc thân, nhưng các ngài phải là những người cha. Khao khát làm cha của một người nam là một khao khát sâu thẳm nơi mỗi người, ĐTC giải thích về điều này trong thánh lễ tại nhà nguyện Mátta vào ngày 26.6.2013 : “Khi một người đàn ông không có khao khát này, có gì đó thiếu nơi người đàn ông này”. “Linh mục cần cảm nghiệm được niềm vui của tình phụ tử để cảm nhận được sự viên mãn và trưởng thành, kể cả trong đời sống độc thân. Tình phụ tử hệ tại ở việc trao ban sự sống cho người khác. Đối với người mục tử, điều đó có nghĩa là trở thành một người cha thiêng liêng, người trao ban sự sống thiêng liêng. Ngoài ra, người cha là người biết bảo vệ con cái mình khỏi những nguy hiểm và trao cho con cái mình những điều tốt đẹp nhất. Như vậy, mọi linh mục cần phải xin ân sủng này: đó là trở thành người cha đích thực”. (Chân dung người mục tử lý tưởng theo Đức Phanxicô, tr.14).
Bao lâu còn sống trong thân xác, linh mục phải đương đầu với những cám dỗ xúi giục lấy lại những gì đã cam kết, hiến dâng. Cạm bẫy bủa giăng chằng chịt như lưới, như một mê hồn trận, cần tỉnh thức, cầu nguyện, tin rằng Chúa luôn hiện diện bên cạnh ta, cẩn thận những lúc gặp thử thách, buồn phiền, thất bại, đau ốm, cô độc, khiêm tốn cậy trông ơn Chúa, cảnh giác, kiên vững, sống cởi mở, vui tươi.
Chỉ khi nào chứng tá của chúng ta vui vẻ thì chúng ta mới lôi cuốn được giáo dân đến với Chúa Ki tô,niềm vui này là ơn phúc được nuôi dưỡng bởi sự cầu nguyện, chiêm niệm Lời Chúa, cử hành các bí tích và sống đời sống cộng đồng. Khi thiếu những điều này thì những yếu đuối và khó khăn xuất hiện, nó làm đen tối niềm vui mà chúng ta đã từng biết một cách mật thiết ở buổi ban đầu con đường chúng ta đi” (Nói với tu sĩ ở Hàn quốc, 8.2014).
Đức Phanxicô chia sẻ về chính ngài, rất chân thành cởi mở : “Sau nhiều năm trôi qua với một số thành công, niềm vui, nhưng cũng không thiếu những thất bại, yếu đuối, tội lỗi, cha nói với các con điều này : cha không bao giờ hối tiếc, bởi vì ngay cả trong những lúc đen tối nhất, trong những lúc tội lỗi, trong những lúc yếu đuối, trong những lúc thất bại, cha luôn luôn nhìn vào Chúa Giêsu và cha tín thác vào Người, và Người đã không bỏ cha một mình. Hãy tín thác vào Chúa Giêsu. Người luôn tiến bước, đồng hành với chúng ta. Người thành tín. Người là bạn đồng hành trung thành. Các con hãy tiến bước !” (Chia sẻ với các bạn trẻ ở Sardinia, ngày 22.9.2013). 
Ý thức là thế, nhưng thực tại lại khác. Những năm gần đây, GH nhất là tại phương Tây, đã phải đương đầu với những thách đố khốc liệt, khi mà nhiều giáo sĩ đã lâm lụy vào tính dục : đồng tính, lạm dụng tình dục trẻ em, sa ngã về đức khiết tịnh độc thân. Hãy đề phòng cho chính mình, không tự mãn về mình : “Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã” (2 Cr 11,29).
Đối với các linh mục lạm dụng tình dục, ĐTC Phanxicô tỏ ra rất cương quyết : “Không thể ở địa vị có quyền thế để rồi hủy hoại đời một người khác. Phải lấy lại “bài sai”, không cho phép người đó thi hành chức vụ linh mục nữa và nên khởi sự một phiên tòa theo giáo luật. Tôi nghĩ đó là việc phải làm ngay. Tôi không tin vào việc chủ trương rằng cần phải duy trì một tinh thần hợp đoàn để tránh gây thiệt hại cho hình ảnh của định chế. Tôi ngưỡng mộ sự can đảm và chính trực của Đức Bênêđictô về vấn đề này. Nếu linh mục nào đến cho tôi hay đã làm cho một phụ nữ có thai, tôi sẵn sàng lắng nghe, rồi từ từ giúp ông hiểu ra rằng luật tự nhiên đã lấn át chức linh mục của ông. Ông phải rời bỏ thừa tác vụ để chăm sóc đứa trẻ kia, dù ông quyết định không kết hôn với người phụ nữ đó đi nữa, vì đứa trẻ có quyền có một người mẹ thế nào, thì nó cũng có quyền có một người cha như thế. Tôi cam kết sẽ dàn xếp mọi giấy tờ cho ông ở Rôma, nhưng ông phải rời bỏ mọi sự. Linh mục nào cho tôi hay đã sa ngã, nhưng muốn ăn năn, tôi sẵn sàng giúp ông chỗi dậy. Có linh mục chỗi dậy được, có linh mục không. Thậm chí có những linh mục không chịu nói chi với giám mục của mình... Chỗi dậy là làm việc đền tội, duy trì việc độc thân của mình. Sống hai mặt là điều chẳng tốt đẹp gì cho ai cả. Tôi không thích lối sống ấy, vì nó giả dối, bởi thế tôi thường nói : nếu không thắng vượt được, thì nên quyết định ra đi” (ĐTC Phanxicô phát biểu ngày 5.4.2014).
Trong bản tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh sau cuộc gặp các giám mục Hòa Lan ngày 2.10.2013, có viết : “Trong số các ưu tiên của ĐGH Phanxicô, cao nhất chắc chắn là những người phải chịu lạm dụng tình dục trong đời họ. Ngài sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này một cách rõ ràng, trong sáng, cương quyết, công bình, có định hướng và đầy cảm thương”.
Trong cuộc gặp gỡ 120 vị bề trên tổng quyền dòng nam ngày 29.11.2013, ĐTC nói : “Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng không phải tất cả chúng ta đều là những người ung thối hư hỏng. Người tội lỗi được chấp nhận nhưng không thể chấp nhận những người ung thối hư hỏng”.
Trong bài giảng lễ ngày 7.7.2014 với một số nạn nhân cùng gia đình và Ủy ban Bảo vệ Trẻ em của Tòa Thánh, ĐTC nói lên nỗi buồn đau của mình : “Tôi cảm thấy buồn khổ và đau đớn trước sự kiện có một số linh mục và giám mục bằng việc lạm dụng tình dục các em vị thành niên, đã phạm đến tính chất ngây thơ vô tội của họ cũng như đến ơn gọi linh mục của mình, vượt trên cả những hành động đáng khinh ghét. Nó như là một thứ tôn sùng phạm thánh, vì những em trai em gái ấy được trao phó cho linh mục để được mang đến cùng Thiên Chúa, thì họ đã hiến tế cho ngẫu tượng tình dục của mình. Họ tục hóa chính hình ảnh Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên chúng ta giống như Ngài”. “Tội lỗi lạm dụng tình dục của giáo sĩ phạm đến những em vị thành niên có một tác dụng độc hại trên đức tin và đức cậy vào Thiên Chúa. Một số đã giữ vững đức tin, trong khi đó có những người cảm nghiệm bị lừa đảo và bỏ rơi nên đã mất niềm tin tưởng vào Thiên Chúa”. “Không có chỗ đứng trong thừa tác vụ của GH cho những ai phạm đến những thứ lạm dụng ấy, và tôi tự hứa rằng sẽ không dung nhượng cho bất cứ tác hại nào gây ra cho một em bé nhỏ bởi bất cứ cá nhân nào, dù là giáo sĩ hay không... Chúng ta cần phải làm hết sức để có thể bảo đảm rằng những tội lỗi này không còn chỗ đứng nữa trong Giáo Hội”. “Chính sách Zéro tolérance” tức không khoan nhượng.
Trong cuộc gặp gỡ các linh mục, tu sĩ tại Hàn quốc tháng 8.2014, Đức Thánh Cha nói : “Khiết tịnh diễn tả sự dâng hiến toàn vẹn cho tình yêu Thiên Chúa là ‘sức mạnh của tâm hồn chúng ta’”. Sự cam kết ấy vừa mang tính cá nhân lại vừa là một đòi hỏi, nên Đức Thánh Cha khuyên nhủ các tu sĩ hãy “khiêm tốn tin tưởng vào Thiên Chúa, tỉnh thức và kiên trì chống lại cám dỗ trong lĩnh vực này”.
Một vài điều cần lưu ý để giữ đức khiết tịnh độc thân :
-         Trong các cuộc gặp gỡ khác phái, nên lưu ý 5 điều sau : Nơi chốn gặp gỡ - Thời gian và thời lượng – Khoảng cách thể lý và tâm lý – Sự có mặt của người thứ ba – Ý thức sự hiện diện khuất ẩn nhưng rất thực của Chúa.
-         Thận trọng trong giao tiếp với mọi phụ nữ, ở mọi lứa tuổi. 
-          “Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng sách”.
-         Chân thành với Chúa, với mình, với giám mục, với cha linh hướng, với các linh mục huynh đệ.
 
Các linh mục và phó tế thinh lặng, xét gẫm, cầu nguyện và viếng Thánh Thể.
 
-     10giờ 45: Kinh Sách, Lần Chuỗi.
-     11giờ 30:Cơm trưa.
 
Linh mục đoàn chúc mừng kỷ niệm thụ phong linh mục quý cha:
-          Kim khánh linh mục:      Cha Phêrô Nguyễn Viết Hiền
-          Ngân khánh linh mục:    Cha GB Trần Văn Thuyết
                                                  Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu
                                                  Cha Phaolô Nguyễn Văn Ngụ

 
 
2. Buổi chiều.

Bài chia sẻ 6: LINH MỤC VÀ ĐỨC VÂNG PHỤC




Một điều có thể thấy xảy ra ở đây ở kia là sự khủng hoảng quyền bính và vâng phục. Ở cả hai phía, hai chiều : người có quyền bính thì hành xử không đúng, không đẹp, có bất công hoặc thiên vị, nể nang, bất lực..., khiến bề dưới bất tuân phục, hoặc “bằng mặt mà không bằng lòng”, vâng phục trong sự bất mãn, chống đối, có khi ngấm ngầm, có khi ra mặt...
Ngày xưa quan niệm “vâng lời tuyệt đối”, “vâng lời tối mặt”, bề trên bảo gì làm nấy, không được cự cãi... Cách đó ngày nay không còn đúng nữa, cho nên gây nhiều thách đố. Bộ Giáo sĩ trong Kim chỉ nam linh mục số 56,3 nhận định : “Nền văn hóa đương đại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính chủ thể và tính độc lập của mỗi con người được hiểu như những yếu tố nội tại của phẩm giá con người. Thực tại này tự nó là tích cực nhưng trở nên tiêu cực khi người ta coi nó là tuyệt đối và đòi hỏi nó ngoài bối cảnh chính đáng. Tình trạng này cũng có thể diễn ra trong GH và trong đời sống linh mục”.  (Kiểu nói “tự khẳng định chính mình” !).
Công đồng Vaticanô II mở ra con đường vâng phục trong đối thoại và trưởng thành, quyết định cuối cùng vẫn thuộc bề trên, sau khi đã lắng nghe, đối thoại, cảm thông và chân thành đón nhận. Thí dụ cụ thể trong việc thuyên chuyển nhiệm sở (c. 1740-1752), theo đó, khi muốn bổ nhiệm, thuyên chuyển linh mục đến nhiệm sở mới, giám mục sẽ ngỏ ý với linh mục, vị này được trình bày ý kiến của mình. Sau đó nếu giám mục vẫn thấy cần phải giao phó giáo vụ ấy cho linh mục thì sẽ yêu cầu, và linh mục được mời gọi vâng phục. Khi vâng phục như vậy, linh mục quả là đang họa lại gương của Chúa Giêsu. Ta thấy có sự tương tác giữa bề trên và linh mục trong tiến trình này. Cả hai đều được mời gọi tìm thánh ý Chúa, tìm công ích và thi hành.
Khi nói về đức vâng phục, không chỉ gói gọn trong tương quan giám mục-linh mục, mà còn trong các mối tương quan khác như cha sở-cha phó, cha sở-giáo dân.
ĐTGM D. Martin (Ái nhĩ lan) nhận định : “có nhiều vị lãnh đạo GH hành động nghịch lại sứ điệp Tin Mừng : sai sót sâu xa bổn phận mục tử, hám quyền bính, kiêu căng... làm tín hữu xa lánh, GH mất uy tín xã hội và sự đáng tin cậy của mình”.
ĐGH Biển Đức XVI cảnh giác : Những nguy hiểm và cám dỗ nghiêm trọng nhất nằm ở ngay trong lòng Hội Thánh, do những con cái của mình. Ngài mời gọi cả bề trên và bề dưới cùng có quyết tâm chung là trung thành với Chúa, nên thánh, thực hiện “đức ái trong sự thật” (caritas in veritate). Cả hai cùng tìm kiếm thánh ý Chúa chứ không phải ý mình, nhằm lợi ích cho GH và các linh hồn.
Sự vâng phục trong đối thoại chỉ có hiệu quả khi mỗi bên thành thật nói hết điều mình nghĩ, không bảo thủ ý kiến của mình, chấp nhận ý kiến của người đối thoại. Về phía bề trên cũng phải mềm mỏng trong ý nghĩ của mình, lắng nghe cách chân thành, nếu cần thì nhờ thêm ý kiến của người khác.
Thánh Maximilianô Kolbê : “Bề trên có thể sai lầm, nhưng khi vâng phục, bề dưới sẽ không sai lầm. Trừ một ngoại lệ, khi bề trên truyền dạy một điều rõ ràng là sai lầm, vi phạm luật Chúa, vì lúc đó, bề trên không còn là người chuyển đạt ý Chúa một cách trung thực nữa”.
Làm sao để cả hai cùng tìm ý Chúa, nhận ra ý Chúa và kế hoạch của Ngài trong vấn đề. Huấn thị “Phục vụ Quyền bính và Vâng lời” của bộ Tu sĩ đề ra những tư cách phải có nơi bề trên để được bề dưới vâng phục, đó là : có phẩm chất, có khả năng nhận định, hiểu biết, khôn ngoan, hợp thời đại, có đời sống nội tâm sâu xa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, lắng nghe, đối thoại, chia sẻ, tinh thần trách nhiệm; xin thêm : cầu nguyện, khách quan, tránh thành kiến, có tình phụ tử.  
* Chúa Giêsu là mẫu gương vâng phục thánh ý Chúa Cha : “Này con xin đến để thực thi ý Cha”. Ngài “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thánh giá” (cf. Pl 2,1tt).
Noi gương Thầy Chí Thánh, những môn đệ của Chúa cũng vâng phục ý Chúa như vậy, đặc biệt khi ý Chúa ngược lại ý mình.
* Bộ Giáo Luật 1983 mở đầu thiên 3, chương III về nghĩa vụ và quyền lợi của các giáo sĩ bằng khoản luật 273 : “Các giáo sĩ có nghĩa vụ đặc biệt là phải tỏ lòng kính trọng và vâng lời Ðức Thánh Cha và Bản Quyền riêng”.
* Kim chỉ nam Linh mục dành các số 56-61 để nói về đức vâng phục và những gì liên quan. Sau đây là những giáo huấn chính :
- Vâng phục cách quảng đại, trung thành và mau mắn (tránh tính toán, so đo hơn thiệt, hời hợt, cù quăm, bằng mặt mà không bằng lòng); hoàn toàn sẵn sàng và vui tươi thi hành ý Chúa; nhận ra ý Chúa qua bề trên hợp pháp. Vâng phục không phải là mất tự do, mà là có tự do cá nhân đích thật, chọn lựa chín muồi trước sự hiện diện của Chúa qua cầu nguyện. Mọi bất tuân kéo theo hậu quả tai hại, vì gây gương xấu và làm cho tín hữu hoang mang.
-Vâng phục bao hàm đau khổ, vì trái ý mình, như Chúa Giêsu đã trải nghiệm (cf Dt 5,8). Vâng phục với niềm vui của đức tin, sinh lực của đức cậy, sức mạnh của đức ái. Do đức ái mục tử thúc đẩy, linh mục sẽ hy sinh ý riêng để vâng lời phục vụ Chúa và anh em, lấy tinh thần đức tin mà đón nhận và thi hành các mệnh lệnh của bề trên, hoàn toàn sẵn lòng tự hiến và tự hiến hết mức trong mọi chức vụ được giao phó, dù là chức vụ hết sức thấp kém nghèo hèn.
-Vâng phục càng nghiêm trọng hơn trong lãnh vực đức tin và luân lý. Mọi bất tuân trong lãnh vực này phải được coi là nghiêm trọng, vì nó gây gương xấu. Linh mục cũng buộc phải tuân thủ các qui định giáo luật, mục vụ, phụng vụ, vì linh mục chỉ là thừa tác viên, nghĩa là người tôi tớ, không được theo sáng kiến riêng mà thay đổi, thêm bớt.
Một trong các nguyên cớ gây nên tình trạng bài giáo sĩ, là khi họ thấy các linh mục tỏ ra bất tuân với Bản quyền của mình, đúng là cớ vấp phạm cho giáo dân. Nếu họ biết cha sở của mình có “vấn đề” với giám mục, thì họ sẽ có hai thái độ : Hoặc họ bênh cha sở, thì có nguy cơ dấy lên phong trào chống đối giám mục ; hoặc nếu họ không đồng tình với cha sở, thì họ sẽ dễ bất kính với ngài, và tương quan trong xứ sẽ bị xáo trộn. Đã xảy ra tình trạng trong một xứ giáo dân chia ra hai phe, chống và bênh, và giáo xứ mất bình an trật tự.
Nếu giám mục thấy cha sở có “vấn đề” với giáo dân, ngài phải bình tĩnh xem xét sự việc. Thường khi có một lá đơn gửi đến, giám mục chưa vội xét ; nếu hai, ba lần xảy ra, thì giám mục nên xem xét sự vụ. Cần khôn ngoan, vì mỗi bên có lý một phần. Đừng nóng nảy, vì sẽ dễ gây đổ vỡ. Ở đây ta thấy lời chúc phúc của Chúa : “Ai làm cho người hòa thuận ấy là người có phúc, vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Càng cần thận trọng hơn nữa, nếu thấy có nguy cơ của sự bài giáo sĩ ẩn núp đàng sau, lúc đó người ta không chừa một mưu mẹo nào để phá tan hoang.   
* ĐTC Phanxico nói về đức vâng phục : “Sự trưởng thành và vâng lời cách quảng đại đòi hỏi anh chị em phải bám chặt vào việc cầu nguyện với Chúa Kitô, Đấng mặc lấy hình dạng của người tôi tớ, học biết vâng phục qua đau khổ. Không có lối đi tắt: Thiên Chúa muốn toàn vẹn con tim của chúng ta và như thế có nghĩa là chúng ta phải “buông mình” và “ra khỏi mình mỗi ngày một hơn”.
Nhất thiết phải tránh mọi loại giả hình bằng phương thế đối thoại thẳng thắn và cởi mở về mọi khía cạnh cuộc sống” (Đức Phanxicô nói với đại hội lần 82 Liên hiệp Bề trên tổng quyền, Roma 27-29.11.2013).
“Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ... có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá...” (Bài giảng ngày đăng quang của đức Phanxicô, 19.3.2013). Chúa Giêsu vâng phục tuyệt đối khi ở trên thánh giá, và đó cũng là giây phút vinh quang nhất của Ngài (cf. Pl 2).
Thánh Maximilianô Kolbê : “Chúng ta hãy hết lòng yêu mến Cha trên trời là Đấng rất mực yêu thương. Ước gì dấu chứng của lòng yêu mến tận tình này sẽ là đức vâng phục. Chừng nào chúng ta phải hy sinh ý riêng, chừng đó lòng yêu mến được thể hiện rõ ràng hơn cả. Thật thế, chúng ta biết rằng để giúp chúng ta yêu mến TC mỗi ngày một hơn, không có cuốn sách nào thế giá bằng chính Đức Giê su Ki tô chịu đóng đinh” (Bđ 2 Kinh Sách, lễ thánh M.Kolbê).
Các linh mục hãy tôn kính và vâng phục giám mục của mình (cf bộ giáo luật). Ngài là Đấng đã được Chúa và GH đặt làm vị lãnh đạo GH địa phương. Quyền bính của Ngài đến từ giáo vụ và giáo luật, linh mục là cộng sự viên, là cánh tay của giám mục, “linh mục không thể làm gì mà không có giám mục, và giám mục không thể làm gì ngoài thánh ý Thiên Chúa” (thư thánh Inhaxiô Antiôkia gửi thánh Polycarpô, Bđ 2 Kinh Sách, thứ sáu tuần XVII thường niên).
Có những trường hợp vâng lời rất khó, khi trái hẳn với ý của ta, và vì nó buộc ta phải từ bỏ ý riêng, tự do, bản ngã của ta. Chính “Chúa Kitô đã phải trải qua biết bao đau khổ mới học biết thế nào là vâng phục (Dt 5,8).
Nói chung, trong hiện tại ở GHVN chúng ta, sự bất phục tùng ít xảy ra, hoặc có nhưng nhẹ. Não trạng Tây phương thiên về lý trí, nên muốn mọi sự sòng phẳng, muốn có “dân chủ” trong việc điều hành. Còn Việt nam chúng ta chịu ảnh hưởng Nho giáo, trong đó sự tôn kính và vâng phục các bề trên (quân sư phụ) còn ảnh hưởng lớn trên các mối tương quan xã hội và trong đạo. (''quân bất minh thần bất khả bất trung; phụ bất từ, tử bất khả bất hiếu'' ; ''Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu '').
Các linh mục lớn tuổi, đúng là “càng thêm tuổi càng thêm nhân đức và khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và loài người”, dễ đón nhận sự vâng phục hơn là linh mục trẻ, âu cũng là vì giới trẻ chịu ảnh hưởng của nền giáo dục dân chủ mới hơn, nhân bản hơn.
 
 
Bài chia sẻ 7: Linh Mục và Đức Ái Mục Tử

Như chúng ta đã biết, căn tính của linh mục là trở nên họa ảnh của Chúa Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Ngài, là hiện thân sống động của Ngài, mà Ngài là thánh, nên linh mục cũng phải nên thánh. Sự nên thánh được thực hiện theo hai cách thế :
1. Kết dệt mối tương quan mật thiết với Chúa qua sự cầu nguyện. Linh mục là trung gian giữa TC và nhân loại như ông Môisê : ông thay dân đến gặp Chúa, và cầu nguyện cho dân. Linh mục còn nên thánh nhờ sự tuân giữ các lời khuyên phúc âm để nên giống Chúa Giêsu mọi đàng, từ nếp sống thanh bần, vâng phục ý Chúa Cha và sống độc thân khiết tịnh để hoàn toàn thuộc về Chúa. 
2. Linh mục sẽ bắt chước Chúa Giêsu để tận tình phục vụ tha nhân qua sự thi hành mục vụ với đức ái mục tử. Đây cũng là con đường nên thánh hay linh đạo của linh mục giáo phận.
Linh mục là Mục tử, là người chăn dắt linh hồn. Đây là sứ mạng cao quý nhất của linh mục. Cha Georges Lodes, linh mục tổng giáo phận Saint Louis, cùng khoảng 10 linh mục được triều yết ĐTC Gioan XXIII năm 1962. Mỗi vị tiến đến gần ĐTC, nói đôi lời giới thiệu về mình, rồi quì xuống hôn nhẫn ngài. Các vị đi trước nói với ĐTC : “Con là khoa trưởng đại học...; con dạy đại học..., con là chưởng ấn giáo phận...”, đến lượt cha Lodes, ngài mặc cảm nghĩ rằng công việc của ngài chẳng có gì đáng nói như các vị kia, nên ấp úng nói nhỏ : Con là một linh mục coi xứ. Bất ngờ, ĐTC bái gối trước cha, hôn tay cha, rồi đứng dậy nói : Đó là công việc cao trọng nhất của linh mục” (trích : Người linh mục cho ngàn năm thứ ba, Giám mục Timothy Dolan).
Chúa Giêsu dùng hình ảnh mục tử và chiên, vốn quen thuộc trong môi trường dân tộc Do thái để diễn tả mối tương quan khắng khít giữa TC và nhân loại, giữa linh mục và tín hữu. Ta cùng nhắc lại đôi nét : Mục tử yêu thương chiên, nhất là những chiên đau, chiên gầy, săn sóc chúng ; chiên lạc, mục tử không bỏ thí, nhưng đi tìm cho bằng được, thậm chí bỏ 99 con trong hoang địa để đi tìm cho bằng được. Tìm được rồi thì vác lên vai, đưa về đàn ; Mục tử dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, đến giòng suối mát để chiên ăn uống thỏa thuê, nằm nghỉ ; Mục tử thức đêm canh chừng chiên khỏi sói dữ lẻn vào bắt mất, thậm chí chống cự lại sói dữ, và hy sinh tính mạng cho chiên. Mục tử biết tên từng con chiên, và chiên cũng biết mục tử, nghe tiếng gọi và đi theo ; Mục tử có khi đi đầu dẫn đường cho chiên, có khi đi sau để bảo vệ chiên, có khi đi giữa để qui tụ chiên. Thật là một hình ảnh đẹp, thi vị, làm đề tài cho bao nhiêu bài hát, bài thơ, họa phẩm, điêu khắc.
Trong lễ các thánh Mục tử, chúng ta đọc : “Đây là người đã sống hết tình với anh em, cầu nguyện nhiều cho dân chúng, và hy sinh tính mạng vì anh em mình”. Câu nói ngắn nhưng bao hàm đầy đủ nội dung của Đức Ái Mục Tử. Tình yêu hiện diện trong cả ba khía cạnh đó : Có yêu thì mới sống hết tình, qua sự tận tụy phục vụ. Có yêu thì mới nhớ đến và cầu nguyện cho. Và có yêu thì mới dám hy sinh mạng sống, đây là tình yêu đạt đến đỉnh điểm.
Chúa Giêsu nêu gương về cả ba khía cạnh này. Ngài đã sống hết tình với anh em : rao giảng miệt mài từ sáng đến khuya, quên cả ăn ngủ, mệt lử đến nỗi ngủ say như chết, sóng gió tơi bời mà không hay; dân chúng “tấp nập kẻ lui người tới, đến nỗi thầy trò không có giờ nghỉ ngơi” (Mc 6,31), chữa mọi thứ bệnh tật cho dân, thậm chí cả vào ngày sabbat khiến bị chỉ trích; hóa bánh ra nhiều để nuôi dân đi theo nghe giảng ; hóa nước thành rượu để giữ thể diện cho đôi tân hôn. Ngài làm nhiều phép lạ chữa quỷ ám, mù lòa, điếc câm, cả chết rồi cho cũng sống lại. Ngài gần gũi người nghèo, bà góa, trẻ em, bênh vực họ... Biết bao việc làm chứng rằng Chúa Giêsu đã sống hết tình với anh em. Cầu nguyện cho dân chúng : cho mọi người, cho các môn đệ, cho kẻ ghét mình, cầu nguyện thâu đêm, lúc sắp chết mà còn cầu xin ơn tha thứ cho kẻ giết mình, lại bào chữa rằng vì họ lầm không biết việc họ làm. Tấm lòng của Chúa thật là tuyệt vời. Hy sinh tính mạng vì anh em, đó là điều Chúa Giêsu đã làm, và là bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêu của Chúa : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Ga 15,12). Ngài có thể thoát khỏi cái chết, nhưng ngài không làm : “Không ai có thể cướp mạng sống tôi, nhưng tự tôi hiến mạng” (Ga 10,18).
- Đức Phanxicô cũng là mẫu gương về đức ái mục tử. Ở tuổi 76 khi được bầu làm giáo hoàng, sức khỏe của ngài không tốt, vì đã bị mất một lá phổi. Ở tuổi này thì người ta nghỉ hưu, nhưng đức Phanxicô đã can đảm chấp nhận. Hai năm rưỡi qua, ngài làm việc thật nhiều, vì ngài biết không còn nhiều thời gian trước mắt. Ngài đã khơi bùng lên niềm vui và hy vọng cho Giáo Hội. Ngài làm say mê hàng trăm triệu con tim, nhiều người bỏ đạo quay về với Giáo Hội, nhiều kẻ lâu nay hờ hững với Mẹ Hội Thánh nay lao vào vòng tay yêu thương vẫn giang rộng chờ đón của ngài. Số người thiện cảm gia tăng. Ngài đang “hồi sinh” Giáo Hội !
Với chủ trương “Giáo hội nghèo cho người nghèo”, ngài yêu thương người nghèo và chọn nếp sống giản dị. Ngài ban hành tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng để mở một trang mới cho công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa, và khích lệ GH đứng dậy, mở cửa, ra đi đến tận vùng ngoại vi để loan Tin Mừng. Ngài mở Năm Thánh Lòng Thương Xót để toàn thể Giáo Hội cảm nếm tình yêu tha thứ vô biên của Chúa. Ngài ban hành tông huấn Laudato Si’ kêu gọi bảo vệ môi trường, gìn giữ vũ trụ thiên nhiên xinh đẹp là ngôi nhà chung mà Chúa đã tạo dựng. Ngài triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới để tìm phương cách giải quyết những thách đố về hôn nhân và gia đình. Ngài đã thực hiện nhiều chuyến tông du mục vụ, chủ lễ bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới. Ngài đã làm được quá nhiều việc trong một thời gian vắn vỏi !
Ngài thật là Mục Tử nhân lành, là hiện thân của Chúa Giêsu. Gương sáng, lời rao giảng và chứng tá của ĐTC Phanxicô đã khiến nhiều giám mục và linh mục quyết định sống theo “phong cách” của ngài, họ tự nhận là thuộc “thế hệ Phanxicô”, từ chối sống trong những tòa nhà sang trọng, tự lái xe hơi, tự đi chợ nấu ăn, sống gần gũi người nghèo, giản dị như một người bình dân, đề cao và bảo vệ quyền lợi của những người thấp kém và trẻ em.
Người thời nay tin vào những chứng nhân hơn thầy dạy, nếu họ tin thầy dạy, chính là vì thầy dạy ấy cũng đồng thời là chứng nhân” (Đức Phaolô VI). Một trăm bài giảng hay ho không giá trị bằng một việc làm nhỏ bé nhưng đong đầy yêu thương. Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa sẽ chỉ hiệu quả nếu người ta vừa nhận ra niềm tin nơi lời rao giảng, vừa nhận thấy tình yêu thương nơi hành động và phong cách sống của người ấy.
Mọi người kỳ vọng các linh mục sẽ giống Chúa Giêsu Mục Tử theo phong cách của Đức Phanxicô,  sẽ là hiện thân của Đấng đến “không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Linh mục được đánh giá theo như cung cách phục vụ của ngài : tận tụy, cần mẫn, trung tín, nhưng không (vô vụ lợi), sẵn sàng, nhanh nhẹn, quên mình.
Người giáo dân hôm nay không muốn thấy, không muốn có những mục tử 3 L (làm sang, làm phách, làm biếng), 3 T (tình, tiền, tửu), 3 Đ (độc tôn, độc tài, độc đoán), lè phè, hưởng thụ, lười biếng, chẳng quan tâm đến người khốn khổ, chất trên vai họ những gánh nặng, vô cảm trước những khổ đau của họ, sống xa cách người nghèo, không bênh vực người bị áp bức bất công, không đứng dậy đi ra khỏi nhà xứ để viếng thăm kẻ bệnh tật, người già nua, trẻ cơ nhỡ, để đem về đàn những con chiên lạc bầy đang lang thang trong hoang địa. Những người nói trên đây là đối tượng của đức ái mục tử, được chính Chúa Giêsu công bố tại hội đường Nadarét năm xưa, khi khởi đầu sứ vụ : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, và ngày báo oán của Thiên Chúa chúng ta, an ủi mọi kẻ ưu phiền, đem cho các kẻ buồn phiền ở Sion triều thiên thay tro bụi, dầu vui mừng thay tang chế, áo hân hoan thay tâm hồn sầu muộn” (Ys 61,1-3).
-Đức ái mục tử thể hiện bằng lòng thương xót.
(Trong cuộc phỏng vấn ngày 8.3.2014 cho báo Corriere della Sara, ngài cho thấy mối quan tâm của ngài như sau :
H : Có phải lòng nhân từ và thương xót là bản chất của thông điệp mục vụ của ngài?
Đ : Và là bản chất của Tin mừng nữa chứ. Những điều này là trung tâm của Tin Mừng. Nếu không, người ta thể không hiểu Đức Giêsu Kitô, lòng nhân từ của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến để lắng nghe chúng ta, chữa lành chúng ta và cứu độ chúng ta.
Để diễn tả lòng thương xót, ngôn ngữ Việt nam có nhiều từ lắm : thương xót, thương yêu, thương cảm, từ ái, từ bi, từ hậu, từ tâm, nhân ái, nhân huệ, nhân hậu, nhân từ, nhân hòa, cảm thông, đồng cảm, khoan dung, khoan hồng, khoan thứ, khoan nhân, tha thứ, xót xa, chậm bất bình, xót thương, mẫn cảm….
Chúa Giêsu là dung mạo hay khuôn mặt của lòng thương xót (Misericordiae Vultus) của Chúa Cha. “Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và rất mực khoan dung” (Tv 102,8). Thiên Chúa là Đấng vô hình, nên Chúa Giêsu Kitô mặc lấy thân xác con người để cho chúng ta dễ nhận thấy lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa Cha. Lòng thương xót này xuất phát từ con tim của Chúa Giêsu, thể hiện qua ánh mắt, lời nói, cử chỉ. Ngài thổn thức, khóc, cúi xuống, giơ tay chạm đến, nâng đỡ dậy, hoặc ngài để người ta chạm đến ngài. Ngài thấu rõ lòng con người, thấy nỗi khổ đau của con người, đồng cảm với thân phận tội lỗi của họ (cf. 10 người phong cùi ở Giêricô, anh mù lòa Bar Timê, người bị quỷ ám ở Gađara, chị em Mátta Maria bên mộ Ladarô, người bị liệt 38 năm, người đàn bà mắc bệnh loạn huyết 18 năm, người bất toại nằm trên chõng do 4 người khiêng, bà góa Naim bị mất đứa con trai duy nhất, người mù bẩm sinh, người phụ nữ bị bắt vì phạm tội ngoại tình). Có thể nói mỗi trang của Tin Mừng đều vẽ nên dung mạo lòng thương xót của Chúa cho nhân loại.
(Logo Năm thánh Lòng Thương Xót diễn tả Chúa vác Ađam nằm rũ rượi trên vai Chúa, mắt Chúa và mắt Ađam là một, dấu đinh trên tay chân Chúa, thánh giá, bóng tối và ánh sáng... tất cả đều có ý nghĩa). 
ĐTC Phanxicô là hiện thân lòng thương của Chúa. Ta có thể kể một số chứng tá như sau:
- Ngài điện thoại an ủi một bà già 80 tuổi bị mất đứa con làm cho bà vui lắm. Mỗi tháng, ngài gọi điện thoại thăm hỏi bà, và ngài nói rằng như thế ngài đang thi hành nhiệm vụ linh mục.
- Ngài đau nỗi đau của bà Isabel Lobinesco bị mất một đứa con trong vụ tấn công ở khu phố Versalles. Chuyện xảy ra khi ngài còn làm TGM Buenos Aires.
- Ngài nặng lời chỉ trích cách ứng xử của hàng giáo sĩ khi một bà mẹ độc thân mang con đến xin rửa tội bị từ chối. Ngài nói : “Đứa trẻ gia nhập Giáo Hội đâu cần khai lý lịch” !
- Các nhà báo phỏng vấn ngài về những người đồng tính, ly hôn, phá thai, để biết quan điểm của ngài, ngài trả lời : “Nếu họ là người đồng tính, nhưng biết tìm kiếm Chúa, thì tôi là ai mà dám phê phán” !
- Ngài nhìn nhận mình là kẻ có tội, cần đến lòng thương xót của Chúa. Vào ngày của bí tích Hòa Giải, ĐTC đến xưng tội, rồi sau đó ngài ngồi giải tội cho tín hữu.
- Ngài đã không ngần ngại ôm hôn ông Vinicio, một người bị chứng bệnh Recklinghausen làm ông này cảm thấy hạnh phúc và quên hết mặc cảm.
- Trong thánh lễ ngày 7 tháng 3 năm 2014, ngài giảng : “Sống theo Tin Mừng nghĩa là cúi mình xuống trên những ai đau khổ mà không ngại ngùng”.
- ĐTC ban hành tông huấn cải tổ thủ tục tòa án hôn phối nhẹ nhàng, tòa án cấp I ra phán quyết là đã có giá trị, thay vì phải chuyển lên tòa cấp II.
- Ngài kêu gọi các linh mục tham gia kế hoạch “Thừa sai của Lòng thương xót”, trở nên “dấu chỉ sống động của tình thương của Chúa Cha đón nhận tất cả những ai đang đi tìm ơn tha thứ”. Các nhà thừa sai của Lòng Thương xót sẽ là “những nhà giảng thuyết hăng say về lòng thương xót; những sứ giả của niềm vui tha thứ; những vị giải tội ân cần, yêu thương và có lòng trắc ẩn, có lòng quan tâm đặc biệt đến các hoàn cảnh khốn khó của từng người”.
- Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô ban cho các linh mục được giải vạ phá thai, và ban cho các vị Thừa Sai của Lòng Thương xót năng quyền đặc biệt để giải cả các vạ dành cho Tòa Thánh. Điều đó cho thấy tấm lòng mục tử đầy tình thương xót của ngài.
          - “Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, ĐTC đã khuyên các linh mục : “Cha mời gọi các con điều này, các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên. Người chăn chiên thì có mùi chiên, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con. Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ”. ĐTC nhấn mạnh thêm rằng mùi ấy cũng có thể phát sinh từ các yêu cầu bất tiện, đôi lúc hoàn toàn vật chất hay hoàn toàn tầm phào. Người chăn chiên phải nhận thức và đồng cảm với ý muốn của đoàn chiên, như Chúa Giêsu đã nhận thức và đồng cảm cái đau ra huyết trắng của người đàn bà khốn khổ trong Tin Mừng. Muốn có cái mùi ấy, các mục tử phải ra khỏi con người mình, phóng mình tới những vùng ngoại biên nơi có đau khổ, đổ máu, mù lòa, giam cầm đủ loại. Mục tử phải cảm nhận được các gánh nặng và bộ mặt của quần chúng giáo dân, trên vai và trong trái tim mình” (Vũ văn An : Đức Phanxicô và mùi chiên, Vietcatholic.net, 4/1/2013).
Linh mục cũng được đánh giá theo như ngài có hay không lòng thương yêu, thương xót đoàn chiên của ngài. Giêrêmia đã nhân danh Chúa lên án những mục tử không có lòng thương xót chiên, chỉ xài xể chiên, uống sữa, xén lông chiên, ăn thịt chiên, mà không chăm sóc chiên đau ốm, tìm chiên lạc...
Kim chỉ nam linh mục số 54 và 55 khi bàn về đức ái mục tử đã nhấn mạnh vài điểm sau đây :
-         Đức ái mục tử là nguyên lý nội tại và năng động thống nhất các hoạt động mục vụ vừa nhiều vừa đa dạng của linh mục, để đưa con người đến với đời sống ân sủng.
-         Các hoạt động mục vụ phải biểu lộ đức ái của Chúa Kitô mà linh mục là hình ảnh phản chiếu. Họ phải nên giống Chúa Kitô đến mức hiến mình hoàn toàn vì đoàn chiên được giao phó cho họ.
-         Để được vậy, linh mục phải kín múc sức mạnh từ Thánh Thể (trong đó Chúa Kitô tự hiến), chấp nhận những cố gắng và hy sinh thường xuyên.
-         Linh mục phải vượt qua chủ nghĩa công chức (fonctionnalisme), tức thi hành một chức năng chứ không có tâm hồn mục tử : làm việc có giới hạn, giờ giấc, thiếu trách nhiệm, tính toán, cầm chừng, không nhiệt huyết, dửng dưng... 
Những thách đố cho đức ái mục tử hôm nay :
1. Thích hưởng thụ, an nhàn, ngại dấn thân, ví dụ: việc giải tội, xức dầu, dạy giáo lý, cử hành bí tích...
2. Ngại giao tiếp, gặp gỡ, thăm viếng giáo dân, ví dụ:  đóng cửa nhà xứ, ngồi máy vi tính, lướt điện thoại, ngần ngại dành thời giờ gặp gỡ, tiếp xúc giáo dân. Những cuộc gặp gỡ đó có ích lợi lắm, đem Chúa đến với họ, và đem họ đến với Chúa, nối kết mục tử và chiên.
3. Cứng cỏi, lạnh lùng trong ngôn từ, nét mặt, không thể hiện lòng thương xót của Chúa. Khi giáo dân gặp linh mục, họ ra về với niềm vui hay sự cay đắng? Một ánh mắt, một lời nói, một cử chỉ của linh mục chúng ta có thể hoặc đưa người khác tới với Chúa và Giáo Hội, hoặc đẩy họ đi xa hẳn, không bao giờ quay trở lại. Theo gương Chúa, linh mục cần tỏ ra nhẫn nại, hiền lành, không la mắng giáo dân.
4. Cầu nguyện, hãm mình, đền tội cho giáo dân, như thánh Vianney.
5. Linh mục là người phải gắn bó thiết thân nhất với sứ vụ loan báo Tin Mừng : cho người đang giữ đức tin, cho người đang lơ là nguội lạnh, lạc xa đàn tìm lại đức tin, cho người chưa biết Chúa, chưa có đức tin. “Chúng ta phải tự vấn lương tâm, trong tư cách cộng đồng cũng như trong tư cách cá nhân, chúng ta có thể sống đức tin thế nào cho tốt hơn và có thể thực hành khá hơn sứ mệnh chúng ta đã nhận lãnh từ Chúa chúng ta. Huấn lệnh này ngày nay rất khẩn trương và nghiêm khắc hạch hỏi lương tâm chúng ta, khi chúng ta nghĩ đến 94% người Việt Nam chưa biết Chúa” (Bài giảng của ĐHY Ivan Dias tại La vang ngày 6.1.2011).
6. Đức ái mục tử chất vấn chúng ta phải làm gì khi đứng trước sự dửng dưng, hoài nghi, thực dụng, hưởng thụ, khi thấy xã hội băng hoại luân lý trầm trọng (phá thai, bạo lực, bóc lột, bất công... dường như ma quỷ đang thắng thế), khi thấy giới trẻ hoài nghi, buông thả, thấy gia đình xuống cấp (ly dị, sống thử). Làm gì khi đứng trước sự nghèo khổ vật chất, tinh thần, luân lý đang ngập tràn ở Việt Nam (di dân kinh tế, giữ đạo hình thức, dễ dàng bỏ đạo, người nghèo khổ bất hạnh). 
 
-  16giờ: Cha Tổng Đại Diện thay mặt linh mục đoàn cám ơn Đức cha giảng phòng.




Trọng kính Đức Cha giảng phòng.
Con xin thay lời linh mục đoàn cùng các phó tế Giáo phận Phan thiết, kính dâng lên Đức cha lời tri ân cụ thể bằng lời hứa sống đúng căn tính linh mục của chúng con là những linh mục thánh thiện như lòng Chúa mong ước. Hy vọng đó là món quà quý nhất để tỏ lòng tri ân cảm tạ Đức cha đã cùng sống và chia sẻ niềm vui sống đời linh mục cho chúng con trong những ngày qua. Chúng con cũng xin mừng sinh nhật lần thứ 63 của Đức cha sắp đến (25.1.1953). Nhân dịp Tết Bính Thân sắp về, chúng con kính chúc Đức cha dồi dào sức khỏe và muôn hồng ân Chúa ban, để chăm sóc và dẫn đoàn chiên Giáo phận Hưng hóa đến mạch suối xót thương của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành.
Một lần nữa chúng con xin thành tâm cảm ơn Đức cha và bày tỏ lòng cảm mến sâu sắc của chúng con.
Kính chúc minh niên Đức cha cùng với những lời cảm ơn và tất cả những tâm tình yêu mến ấy, chúng con chỉ biết dâng lên Đức cha bó hoa tươi thắm gói ghém tất cả tâm tình biết ơn và yêu mến của chúng con.


Chia tay trong bầu khí lưu luyến, các linh mục hàn huyên mãi với Đức cha kính yêu. Đức Cha giảng phòng trở về Hưng hóa với nhiều công việc bề bộn cuối năm.
 
Sau đó, mỗi linh mục phó tế thinh lặng cầu nguyện và viếng Chúa.
 
-     5giờ40: Kinh chiều.
-     6giờ:Cơm tối.
-     7g30: Hạt Đức tánh phụ trách Giờ Chầu Thánh Thể.



 
Ngày tĩnh tâm thứ tư được kết thúc bằng kinh tối và tâm tình tạ ơn. Nguyện xin cho các Giám mục và Linh mục đã qua đời được hưởng nhan thánh Chúa.
 
Ban thư ký
 
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận