Đức Phanxicô tới Bêlem

Đăng lúc: Thứ hai - 26/05/2014 04:46 - Người đăng bài viết: admin
Đức Phanxicô tới Bêlem
Vũ Văn An5/25/2014

AMMAN. Trưa ngày 24-5-2014, ĐTC Phanxicô đã đến thủ đô Amman của Giordani, chặng đầu tiên trong chuyến viếng thăm Thánh Địa trong vòng 3 ngày cho đến hết thứ hai, 26-5 tới đây, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Athenagoras của Giáo Hội Chính Thống Constantinople, là vị đứng đầu trong tất cả các vị Thượng Phụ Chính Thống giáo.
 
Cuộc viếng thăm được giới báo chí quốc tế mô tả là rất khó khăn, xét vì tình hình địa phương, nhưng ĐTC đã đặt biến cố này dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria. Thực vậy, sáng thứ sáu 23-5-2014, ngài đã trở lại Đền Thờ Đức Bà Cả lần thứ 8 để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma và phó thác cho Mẹ cuộc viếng thăm này.
 
Cuộc gặp gỡ cách đây nửa thế kỷ giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Athenagoras đáng kỷ niệm đặc biệt vì đã mở ra một trang mới trong lịch sử ngàn năm giữa hai khối Giáo Hội và chuyến viếng thăm lần này của ĐTC Phanxicô không những để kỷ niệm biến cố đó, nhưng còn nhắm tăng cường các quan hệ đại kết, và không quên phát triển cuộc đối thoại liên tôn với Hồi giáo.
 
Cùng đi với ĐTC trên chuyến bay dài 4 tiếng từ Roma có 30 vị thuộc đoàn tùy tùng và 70 ký giả quốc tế.
 
Vương quốc Giordani chỉ rộng gần 89 ngàn cây số vuông, bằng 1 phần 4 Việt Nam, nhưng lại rộng gấp quá 4 lần lãnh thổ của Israel và Palestine cộng lại, vì hai nước này chỉ có 20.700 cây số vuông, tuy rằng họ có dân số đông hơn, gần 8 triệu người, so với 6 triệu 400 ngàn dân cư của Giordani. Cũng vậy về con số tín hữu Công Giáo: tại Giordani chỉ có 107 ngàn tín Công Giáo, trong khi tại Israel và Palestine có 266 ngàn tín hữu Công Giáo, tức là gần gấp 3.
 
Tại Giordani có 3 giáo phận với 4 GM và 69 giáo xứ và 143 LM triều và dòng, 210 nữ tu. Các tín hữu Công Giáo la tinh ở Giordani thuộc quyền Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem với Đức Thượng Phụ hiện nay là Fouad Twal, người Giordani.
 
Đón tiếp
 
Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được đại diện Quốc vương Abdullah II là hoàng thân Ghazi bin Muhammed, cố vấn trưởng về tôn giáo và văn hóa của quốc vương, tiếp đón, cùng với đại diện của giáo quyền, trong đó có Đức Thượng Phụ Fouad Twal, các GM và Cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa tiếp đón. Hai em bé, một trai một gái, dâng tặng ĐTC đóa hoa phong lan (orchidea) màu đen là biểu tượng của Vương quốc Giordani. Trong khi 200 trẻ em đón chào ngài bên trong sân bay và 2 ngàn em khác chờ ngài từ bên ngoài phi trường.
 
Có 10 người gia nhập phái đoàn chính thức của ĐTC sau khi ngài đặt chân lên đất Giordani, đặc biệt là Rabbi Do thái Abraham Skorka, Viện trưởng Học viện đào tạo Rabbi ở Buenos Aires, và Imam Hồi giáo Omar Abboud, Tổng thư ký tổ chức đối thoại liên tôn, cả hai đều là bạn của ĐTC từ khi ngài là TGM giáo phận thủ đô của Argentina.
 
Liền đó, ngài cùng với đoàn tùy tùng đi xe về hoàng cung Al-Husseini ở trung tâm thủ đô Amman cách đó 38 cây số nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức. Quốc vương và hoàng hậu Rania đón tiếp ĐTC ngay tại cổng vào hoàng cung và tiến qua đoàn quân danh dự.
 
Vua Abdullah 2 là cháu đích tôn 43 đời của Ngôn sứ Muhammad sáng lập Hồi giáo. Còn hoàng hậu Rania năm nay 44 tuổi là người Palestine sinh trưởng tại Kuwait.
 
Diễn văn đầu tiên của ĐTC
 
Trong lời đáp từ sau lời chào mừng của Vua Abdullah, ĐTC nói bằng tiếng Ý:
 
”Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì được viếng thăm Vương quốc Giordani, theo vết các vị tiền nhiệm của tôi Phaolô 6, Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16, và tôi cám ơn Quốc Vương Abdullah II vì những lời chào đón nồng nhiệt, nhớ lại cuộc viếng thăm mới đây của Quốc vương tại Vatican. Tôi cũng chào thăm Hoàng gia, chính phủ và nhân dân Giordani, đất nước có lịch sử phong phú và ý nghĩa lớn về mặt tôn giáo đối với Do thái, Kitô và Hồi giáo.
 
”Đất nước này quảng đại đón tiếp đông đảo ngừơi tị nạn Palestine, Irak và những người đến từ các vùng khác bị khủng hoảng, đặc biệt là từ Siria láng giềng, bị đảo lộn vì cuộc xung đột kéo dài đã quá lâu. Sự đón tiếp đó đáng được cộng đồng quốc tế ngưỡng mộ và hỗ trợ. Giáo Hội Công Giáo theo khả năng của mình, muốn dấn thân trong việc trợ giúp người tị nạn và những người sống trong cảnh túng thiếu, đặc biệt là qua trung gian của Caritas Giordani. ”Trong khi tôi đau lòng nhận thấy những căng thẳng cao độ vẫn kéo dài ở vùng Trung Đông, tôi cám ơn chính quyền của Vương quốc Giordani vì những gì đang thực hiện và tôi khích lệ tiếp tục dấn thân trong việc tìm kiếm hòa bình lâu bền mong ước cho toàn vùng; để đạt mục đích ấy, người ta thấy hơn bao giờ hết cần có một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Siria, và giải pháp công chính cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
 
”Nhân cơ hội này, tôi tái bày tỏ lòng kính trọng sâu xa và sự quí chuộng của tôi đối với Cộng đoàn Hồi giáo, đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Quốc vương trong việc thăng tiến một sự hiểu biết thích hợp hơn về các nhân đức mà Hồi giáo tuyên dạy, cũng như sự sống chung thanh thản giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau. Tôi biết ơn đối Giordani vì đã khích lệ các sáng kiến quan trọng cổ võ cuộc đối thoại liên tôn để thăng tiến sự cảm thông giữa người Do thái, Kitô và Hồi giáo, trong đó có sáng kiến ”Sứ điệp liên tôn từ Amman” và vì đã cổ võ giữa lòng LHQ việc cử hành hàng năm ”tuần lễ hòa hợp giữa các tôn giáo”.
 
”Giờ đây tôi muốn thân ái gửi lời chào thăm các cộng đoàn Kitô hiện diện tại đất nước này từ thời các thánh Tông Đồ, và đang góp phần xây dựng công ích của xã hội trong đó họ hoàn toàn hội nhập. Tuy ngày nay con số của họ bị giảm bớt, nhưng họ vẫn có cách thi hành một hoạt động có chất lượng cao và được quí chuộng trong lãnh vực giáo dục và y tế, qua các trường học và nhà thương, và họ có thể yên hàn tuyên xưng đức tin, trong niềm tôn trọng tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, và tôi nồng nhiệt cầu mong quyền này được đặc biệt tôn trọng ở mọi nơi tại Trung Đông cũng như trên toàn thế giới. Quyền này bao gồm tự do cá nhân và tập thể được chọn lựa tôn giáo mà mình tin là thật và công khai bày tỏ tín ngưỡng của mình” (Biển Đức 16, Tông huấn ”Giáo Hội tại Trung Đông”,26). Các tín hữu Kitộ cảm thấy và là những công dân đúng nghĩa và muốn góp phần vào việc xây dựng xã hội cùng với các đồng bào Hồi giáo của họ, đóng góp phần đặc thù của mình.
 
Sau cùng tôi đặc biệt cầu chúc hòa bình và thịnh vượng cho Vương quốc Giordani, cho nhân dân nước này, và tôi cầu mong cuộc viếng thăm này góp phần gia tăng và thăng tiến những quan hệ tốt đẹp và nồng nhiệt giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo”.
 
Ngài cũng ứng khẩu cám ơn Vua Abdullah đã bảo vệ cộng đồng Kitô tại Giordani và là một người hòa bình, người xây dựng hòa bình.
 
Cử hành thánh lễ đầu tiên
 
Giã từ hoàng gia Giordani, ĐTC đã tới sân vận động quốc tế Al-Hussein cách đó 11 cây số để cử hành thánh lễ lúc gần 3 giờ chiều cho các tín hữu.
 
Hiện diện tại Sân Vận động có 30 ngàn tín hữu, không kể hàng ngàn người khác tham dự thánh lễ từ bên ngoài qua các màn hình khổng lồ. Trong số các tín hữu có nhiều người tị nạn Công Giáo đến từ Palestine, Siria và Irak, đặc biệt có 1.400 em được rước lễ lần đầu trong thánh lễ này.
 
Đồng tế với ĐTC có 5 Hồng Y thuộc đoàn tùy tùng của ngài, 6 HY khác đến từ các Giáo Hội địa phương, đứng đầu là ĐHY Becharai Rai, Giáo chủ Công Giáo Maronite từ Liban, ngoài ra có 6 vị Thượng Phụ, 115 LM, 60 phó tế và đan sĩ đến từ các nước Arập.
 
Bài giảng của ĐTC
 
Trong bài giảng, ĐTC khai triển 3 hoạt động chính của Chúa Thánh Linh là chuẩn bị, thúc giục và sai đi. Ngài nói:
 
“Trong Tin Mừng chúng ta đã nghe lời Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: ”Thầy sẽ xin Chúa và Người sẽ ban cho các con Đấng An ủi khác để Ngài ở lại với các con mãi mãi” (Ga 14,16). Đấng An ủi thứ I là chính Chúa Giêsu; Đấng thứ 2 là Chúa Thánh Linh.
 
”Ở đây chúng ta không xa nơi Chúa Thánh Linh đã ngự xuống trong quyền năng trên Đức Giêsu thành Nazareth, sau khi Gioan đã làm phép rửa cho Đức Giêsu trong sông Giordan (Xc Mt 3,16). Vì thế Tin Mừng Chúa Nhật này, và cả nơi mà nhờ ơn Chúa tôi ở đây như người hành hương, mời gọi chúng ta hãy suy tư về Chúa Thánh Linh, về điều mà Chúa thực hiện trong Chúa Kitô và nơi chúng ta, và chúng ta có thể tóm tắt thế này: Chúa Thánh Linh thực hiện 3 hành động: chuẩn bị, thúc đẩy và sai đi.
 
- ”Trong lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Linh ngự xuống trên Đức Giêsu để chuẩn bị Người thi hành sứ mạng cứu độ; sứ mạng này có đặc tính như của một Đầy tớ khiêm hạ và hiền lành, sẵn sàng chia sẻ lịch sử cứu độ và tận hiến toàn toàn. Nhưng Chúa Thánh Linh, hiện diện ngay từ đầu lịch sử cứu độ, đã hoạt động trong Đức Giêsu khi Người được chịu thai trong lòng đồng trinh của Đức Maria thành Nazareth, thực hiện biến cố lạ lùng là sự nhập thể. Thiên Thần nói với Đức Maria: ”Chúa Thánh Linh đã bao phủ Trinh Nữ, sẽ che bóng cho Trinh Nữ và Trinh Nữ sẽ sinh Con và được đặt tên là Giêsu” (Xc Lc 1,35). Tiếp đến Chúa Thánh Linh đã hành động trong ông Simeon và bà Anna, trong ngày dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ (Xc Lc 2,22). Cả hai vị chờ đợi Đức Thiên Sai, được Chúa Thánh Linh soi sáng và đến thăm Hài Nhi Giêsu, cả hai trực giác thấy rằng đó chính là Đấng toàn dân mong đợi...
 
- Thứ hai, Thánh Linh thúc đẩy. Ngài đã xức dầu trong nội tâm cho Đức Giêsu và xức dầu cho các môn đệ, để họ có cùng tâm tình của Đức Giêsu và nhờ đó có thể đảm nhận trong đời sống của họ những thái độ tạo điều kiện dễ dàng cho hòa bình và hiệp thông. Với sự xức dầu của Thánh Linh, nhân tính của chúng ta được ghi đậm sự thánh thiện của Đức Giêsu Kitô và làm cho chúng ta có thể yêu thương anh chị em với cùng tình thương mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Vì thế, cần có những cử chỉ khiêm tốn, huynh đệ và tha thứ, hòa giải. Những cử chỉ này là tiền đề và điều kiện để có hòa bình chân thực, vững chắc và lâu bền. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha xức dầu chúng ta để chúng ta hoàn toàn trở thành những người con của Ngài, luôn phù hợp với Đức Kitô, để chúng ta cảm thấy tất cả là anh chị em và như thế xua đuổi khỏi chúng ta những oán hận và chia rẽ, đồng thời yêu thương nhau như anh chị em. Và đó là điều Đức Giêsu yêu cầu chúng ta trong Phúc Âm: ”Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy tuân giữ giới răn của Thầy, và Thầy sẽ xin Chúa và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An ủi khác, để Người ở lại với các con mãi mãi” (Ga 14,15-16).
 
Đức Phanxicô tới Bêlem
Vũ Văn An5/25/2014
Đức Phanxicô đã tới Bêlem thuộc West Bank trong chuyến viếng thăm Đất Thánh ba ngày của ngài. Ngài đã cử hành thánh lễ ngoài trời cạnh Nhà Thờ Giáng Sinh ở đây cho khoảng 8,000 Kitô hữu địa phương.
 
Mục đích chính của chuyến đi là cải thiện các liên hệ với Giáo Hội Chính Thống. Tuy nhiên, các phóng viên cho rằng người Palestine hy vọng có được một sự biểu lộ hỗ trợ do chuyến viếng thăm này đem lại vì Đức Giáo Hoàng tới chỉ sau khi các cuộc đàm phán hòa bình với Israel bị đổ vỡ.
 
Các viên chức Palestine vốn nhấn mạnh rằng Đức GH Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên du hành thẳng tới West Bank hơn là qua ngả Israel. Nhiều người Palestine coi việc đó như một thừa nhận đối với cố gắng nhằm vận động cho tư cách nhà nước của họ.
 
Gần tới chuyến đi, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là HY Pietro Parolin lên tiếng bênh vực quyền của Palestine có một quê hương “có chủ quyền và độc lập” và cho rằng cuộc du hành của Đức Giáo Hoàng sẽ dẫn tới “các quyết định can đảm” về hòa bình.
 
Các bạo hành đối với Kitô hữu Palestine
 
Lela Gilbert của FoxNews cho hay hôm Chúa Nhật và thứ Hai, Đức Phanxicô sẽ tới thăm các lãnh thổ Palestine và Do Thái. Ngài sẽ dành phần lớn ngày Chúa Nhật để viếng Bêlem, nơi đường xá đã được sửa chữa, cờ quạt được giăng lên, các ban nhạc quân hành được tập dượt, và các chuẩn bị về an ninh đã được tổ chức kỹ lưỡng.
 
Công chúng sẽ chào đón Đức GH tại Nhà Thờ Giáng Sinh, nơi truyền tụng Chúa Giêsu đã sinh ra, và là nơi Đức GH sẽ cử hành Thánh Lễ lúc 11 giờ sáng. Việc ngài đến sẽ được hàng đoàn người địa phương hân hoan đón chào, mong nghe được những lời chúc lành và hứa hẹn hòa bình.
 
Còn Đức Giáo Hoàng, ngài sẽ nghe được gì ở Bêlem? Trong một cuộc gặp gỡ dự trù với Thẩm Quyền Palestine, chắc chắn ngài sẽ được nghe các chính trị gia địa phương nói tới sự kiện thành phố chịu nhiều đau khổ về kinh tế do hàng rào an ninh của Do Thái bao vây. Ngài cũng dự tính sẽ gặp các trẻ em Palestine tại trại tị nạn Dehaishe và tại đây, chắc chắn ngài sẽ nhận được nhiều ta thán về cuộc “chiến đóng”.
 
Gilbert tự hỏi: nhưng là cuộc chiếm đóng nào? Cô cho rằng trong nhiều thế kỷ, Bêlem vốn là thành phố Kitô Giáo, với tín hữu chiếm tới 80% dân số chỉ cách nay chừng 50 năm. Tuy nhiên, ngày nay, họ chỉ chiếm chưa tới 15% và tỷ số này tiếp tục xuống dốc. Bêlem càng ngày càng bị người Hồi Giáo “chiếm đóng”, và không ít người trong số họ đang tạo áp lực mạnh lên các người láng giềng Kitô Giáo của họ.
 
Christy Anastas, một Kitô hữu trẻ, đã dám phá im lặng ra một cuốn video hồi tháng Tư vừa qua mô tả thực trạng cuộc sống của cô và của gia đình cô tại Bêlem: họ phải chịu nhiều bất công, thiếu tự do ngôn luận và phụ nữ bị bạo hành. Chú cô vì từ khước không trả thuế tôn giáo đã bị hạ sát ngay trước cửa nhà.
 
Nhờ lòng can đảm của Christy, nhiều Kitô hữu khác cũng đã lên tiếng về các bạo hành do người Hồi Giáo Palestine gây ra cho họ. Gilbert mong Đức Phanxicô nghe được tiếng nói của họ, thay vì chỉ bị bao quanh bởi 1 chiều dư luận thuần Palestine.
 
Ủng hộ nhà nước Palestine
 
Karin Laub và Nicole Winfield của Associated Press cũng cho rằng Đức Phanxicô tới Bêlem để ủng hộ giải pháp nhà nước Palestine. Bằng chứng: ngài tới thẳng West Bank, không qua ngả Israel như các vị giáo hoàng trước ngài. Đúng thế, ngài dùng trực thăng của Giócđăng bay thẳng từ Amman tới Bêlem và tiến thẳng vào nghi thức nghinh đón chính thức và gặp gỡ chủ tịch Mahmoud Abbas.
 
Theo Hanan Ashrawi, một Kitô hữu Palestine và là viên chức cao cấp trong Tổ Chức Giải Phóng Palestine, thì đây là một thừa nhận mặc nhiên đối với nhà nước Palestine.
 
Tháng 11 năm 2012, Đại HĐ LHQ đã áp đảo thừa nhận “nhà nước Palestine” ở West Bank, Gaza và Đông Giêrusalem, các lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967, như là một quan sát viên không phải là thành viên. Sự thừa nhận này hiện có ý nghĩa hết sức nhỏ nhoi trên thực tế, vì Israel vẫn đang kiểm soát trọn vẹn Đông Giêrusalem và West Bank.
 
Tuy nhiên, sự thừa nhận trên cũng đủ cho phép Palestine bắt đầu tìm kiếm tư cách thành viên của một số cơ quan LHQ và tham dự các qui ước quốc tế để thăng tiến tư cách của mình.
 
Người ta mong đợi Đức Phanxicô sẽ đẩy mạnh lời kêu gọi của Vatican về giải pháp hai nhà nước cho cuộc tranh chấp Israel-Palestine trong cuộc hội kiến với Abbas và sau đó khi tới Israel.
 
Ủng hộ hai nhà nước
 
CNN khi tường thuật việc Đức Phanxicô, tại Bêlem, kêu gọi thừa nhận nhà nước Palestine, cho hay ngài cũng kêu gọi việc thừa nhận nhà nước Israel như thế. Thực vậy, ngài kêu gọi “mọi người thừa nhận quyền của hai nhà nước được hiện hữu và sống trong hòa bình và an ninh bên trong các biên giới được quốc tế nhìn nhận”.
 
Đứng bên cạnh Chủ Tịch Palestine Mahmoud Abbas, ngài gọi các lãnh thổ này là Nước Palestine. Ngài nói với ông Abbas tại một cuộc họp báo rằng “cuộc gặp gỡ mới đây của chúng ta tại Vatican và sự hiện diện của tôi tại Palestine làm chứng cho các liên hệ tốt đẹp hiện có giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Palestine”.
Nhưng ngài cũng kêu gọi mọi phía trì chí trong việc theo đuổi con đường hòa bình với nhau chứ không hành động đơn phương để phá hoại nó. “Tôi chỉ có thể phát biểu niềm hy vọng sâu xa của tôi rằng mọi phía sẽ tự chế đưa ra các sáng kiến và hành động mâu thuẫn với ước muốn từng được nói ra trong việc đạt tới một thỏa hiệp chân thực, và rằng hòa bình phải được theo đuổi với một quyết tâm và trì chí không mệt mỏi”
 
Chính phủ Israel từng phản đối các sáng kiến đơn phương của Palestine nhằm tìm sự thừa nhận quốc tế tư cách nhà nước của mình. Còn người Palestine thì phản đối các sáng kiến của Israel nhằm mở rộng các khu định cư tại West Bank. Các nhà lãnh đạo Palestine cũng có truyền thống bác bỏ việc thừa nhận sự hiện hữu của nhà nước Israel.
 
Bảo vệ người Kitô hữu
 
Trái với lo ngại của Gilbert trên đây, Đức Phanxicô hiểu rõ số phận người Kitô hữu Palestine. Thực vậy, ngài nhắc tới Bêlem như là nơi sinh của Chúa Giêsu, Đấng ngài gọi là Hoàng Tử Hòa bình, rồi kêu gọi ông Abbas che chở quyền lợi tôn giáo của người Công Giáo Palestine.
 
Vatican luôn tỏ quan ngại đối với việc di cư của Kitô hữu Palestine. Đồng thời, Đức Phanxicô cũng lên tiếng bênh vực người nghèo, người đau khổ vì các căng thẳng giữa người Do Thái và người Palestine. Ngài nói “dù không có bạo lực, bầu khí bất ổn và thiếu hiểu biết nhau cũng đã tạo ra bất an toàn, vi phạm nhân quyền, cô lập hóa và trốn chạy của toàn bộ nhiều cộng đoàn, tranh chấp, khan hiếm và đau khổ đủ loại”.
 
Cử hành thánh lễ
 
Sau khi gặp gỡ ông Abbas, Đức Phanxicô dùng giáo hoàng xa chạy qua đám đông gồm hàng nghìn người Công Giáo và nhiều khách bàng quan khác tụ tập nhau tại Công Trường Giáng Sinh, nơi họ đứng chờ Thánh Lễ đại trào.
 
Các linh mục và giáo dân lắc lư theo điệu nhạc tôn giáo, trong khi nhiều người vẫy cờ đỏ, xanh, đen và trắng của Palestine cũng như cờ vàng và trắng của Vatican. Đức Giáo Hoàng thỉnh thoảng lại rời giáo hoàng xa để bắt tay với người trong đám đông.
 
Hàng nghìn người thờ phượng nghinh đón ngài khi ngài tới công trường để cử hành thánh lễ cạnh địa điểm nơi người ta tin rằng Chúa Giêsu đã sinh ra. Trong bài giảng lễ, ngài nói tới sự quan trọng của việc chăm sóc trẻ em, lên án số phần trẻ em đi lính, trẻ em làm việc và thanh thiếu niên tị nạn.
 
Ngỏ lời với Abbas
 
Tại Phủ Chủ Tịch, Đức Phanxicô ngỏ những lời sau đây với Mahmoud Abbas, chủ tịch Palestine: “hàng nhiều thập niên qua, Trung Đông đã chịu nhiều hậu quả bi đát của cuộc tranh chấp kéo dài từng gây nên nhiều vết thương khó mà hàn gắn được. Dù không có bạo lực, bầu khí bất ổn và thiếu hiểu biết nhau cũng đã tạo ra bất an toàn, vi phạm nhân quyền, cô lập hóa và trốn chạy của toàn bộ nhiều cộng đoàn, tranh chấp, khan hiếm và đau khổ đủ loại.
 
“Trong khi bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người đau khổ nhất do cuộc tranh chấp này gây ra, tôi muốn xác quyết xác tín tận đáy lòng tôi rằng giờ đã đến để chấm dứt tình trạng hiện trở nên càng ngày càng không thể chấp nhận được này. Vì lợi ích của mọi người, cần phải tăng cường các cố gắng và sáng kiến nhằm tạo ra các điều kiện cho một nền hòa bình bền vững đặt căn bản trên công lý, trên sự thừa nhận quyền của mọi cá nhân, và trên sự an toàn hỗ tương. Giờ đã đến để mọi người tìm được can đảm để trở nên can đảm và có óc sáng tạo trong việc phục vụ ích chung, lòng can đảm quyết tạo hòa bình dựa trên sự nhìn nhận của mọi người đối với quyền của hai nhà nước được hiện hữu, được sinh tồn trong hòa bình và an toàn bên trong các biên giới được quốc tế thừa nhận.
 
"Vì mục tiêu này, tôi chỉ có thể phát biểu niềm hy vọng sâu xa của tôi rằng mọi phía sẽ tự chế đưa ra các sáng kiến và hành động mâu thuẫn với ước muốn từng được nói ra trong việc đạt tới một thỏa hiệp chân thực, và rằng hòa bình phải được theo đuổi với một quyết tâm và trì chí không mệt mỏi. Hoà bình sẽ mang lại vô vàn hiện ích cho nhân dân vùng này và cho toàn thế giới. Và do đó, phải theo đuổi nó một cách cương quyết, cho dù mỗi bên phải chịu một hy sinh nào đó.
Tôi cầu xin để nhân dân Palestine và nhân dân Israel cùng các nhà lãnh đạo liên hệ của họ sẽ tiếp nhận cuộc hành trình hòa bình đầy hứa hẹn này với cùng một lòng can đảm và kiên định cần thiết đối với mọi cuộc hành trình. Hòa bình trong an toàn và tin tưởng nhau sẽ trở thành chiếc khung tham chiếu vững vàng giúp ta sẵn sang chạm trán và giải quyết mọi vấn đề khác, và nhờ thế cung cấp được một cơ hội để phát triển quân bình, được dùng làm khuôn thước cho các lãnh vực khủng hoảng khác.
 
"Ở đây, tôi muốn nói ít lời về cộng đồng Kitô hữu rất tích cực đang góp phần một cách có ý nghĩa vào ích chung của xã hội, chia sẻ niềm vui và nỗi đau của toàn thể nhân dân. Các Kitô hữu mong được tiếp tục vai trò này trong tư cách công dân trọn vẹn, cùng với các đồng bào công dân, những người được họ coi như anh chị em.
 
"Thưa Tổng Thống, ngài là người của hòa bình và là người tạo ra hòa bình. Cuộc gặp gỡ mới đây của chúng ta tại Vatican và sự hiện diện của tôi tại Palestine làm chứng cho các liên hệ tốt đẹp hiện có giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Palestine. Tôi tin tưởng rằng các liên hệ này sẽ phát triển hơn nữa vì lợi ích mọi người. Về phương diện này, tôi bày tỏ sự đánh giá cao đối với các cố gắng đang được đưa ra nhằm soạn thảo một thỏa hiệp giữa các bên liên quan tới nhiều khía cạnh khác nhau trong sinh hoạt của cộng đồng Công Giáo tại đất nước này, nhất là phải chú ý đặc biệt tới tự do tôn giáo. Tôn trọng nhân quyền căn bản này, thực tế, là một trong các điều kiện chủ yếu xây dựng hòa bình, tình huynh đệ và hòa hợp. Nó cho thế giới hay rằng xây đắp hòa hợp và hiểu biết nhau giữa các nền văn hóa và tôn giáo là điều khả hữu và cần thiết. Nó cũng chứng thực cho sự kiện này: vì những điều ta chia sẻ thì nhiều vô kể, nên ta có thể tìm được phương tiện cho một cuộc chung sống thanh thản, có lớp lang và đầy hòa bình, biết chấp nhận các dị biệt và vui mừng biết rằng vì là con cái của cùng một Thiên Chúa, nên tất cả chúng ta đều là anh chị em.
 
'Thưa Tổng Thống, thưa các bạn tụ họp nhau tại Bêlem: xin Thiên Chúa Toàn Năng chúc lành cho quí vị, che chở quí vị và ban cho quí vị sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để tiếp tục một cách can đảm con đường hòa bình, để gươm giáo biến thành lưỡi cày và mảnh đất này một lần nữa lại pha`t triển trong thịnh vượng và hòa hợp. Chào bình an!”.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận