Lễ An Táng Thân Mẫu Lm Phêrô Nguyễn Văn Tiến

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/05/2014 14:26 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
LỄ AN TÁNG THÂN MẪU LM PHÊRÔ NGUYỄN VĂN TIẾN


Sáng ngày 23.5.2014, tại Nhà thờ Thanh Hải, Đức Cha Giuse Giám Mục Giáo phận Phan thiết chủ tế Thánh lễ an táng cho Bà Cố Maria Nguyễn Thị Kỳ, thân mẫu Lm Phêrô Nguyễn Văn Tiến, Quản xứ Phú Hài. Cha Tổng đại diện, Đức Ông Trần Văn Khả, quý cha Hạt trưởng và 70 cha đồng tế. Đông đảo chủng sinh, tu sĩ, giáo dân từ những giáo xứ cha Tiến từng phục vụ cùng hiệp thông cầu nguyện tiễn biệt Bà Cố đến nơi an nghĩ cuối cùng.

xem hinh

Đầu thánh lễ, cha Giacôbê Nguyễn Minh Luận đọc đôi nét tiểu sử Bà Cố Maria.
Bà Cố Maria đã hoàn tất cuộc đời trong tuổi thọ đáng kính 102. Ông Bà Cố có 11 người con, 8 gái 3 trai. Bây giờ còn 9 người con, 7 gái 2 trai với 31 cháu và 30 chắt.

Một cuộc sống đạo hạnh tốt lành của Bà Cố được tưởng thưởng bằng một cái chết bình yên. Sách Khải huyền viết: “Ngay từ bây giờ, phúc thay những người đã chết mà được chết trong Chúa. Thần khí phán: phải, họ sẽ được nghĩ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ” (Kh 14,13). Bà được chết trong Chúa, từ nay hết đau khổ nhọc nhắn, giả từ cuộc sống trần gian để về với Chúa.Trong sự tiễn đưa ấm áp của gia đình, con cháu, các linh mục, tu sĩ nam nữ, những người thân yêu, trong sự đón nhận ấm áp của đất trời.Bà thật sự vui mừng về với Thiên Chúa tình yêu. Những người thân trong tang quyến, đoàn con cháu, bà con làng xóm, cộng đoàn giáo xứ lại thấy đâu đây hình bóng của Bà vẫn còn hiện hữu, hình bóng lung linh như ánh sáng những ngọn nến toả vào ký ức những kỷ niệm nhập nhoà.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Giuse suy niệm câu chuyện Tin Mừng: Chúa Giêsu cho con trai bà góa thành Naim được sống lại.

Thưa quý cha cùng cộng đoàn phụng vụ.
Cách riêng tang quyến của Cụ Cố Maria rất thân mến.
 
Trang Tin Mừng được chọn đọc trong Thánh lễ hôm nay là một biến cố được Thánh Luca ghi lại vỏn vẹn chỉ trong bảy câu, bỏ đầu bỏ đuôi chỉ còn ba câu giữa mô tả sự việc, nhưng ba câu cũng đủ nói lên tình yêu Thiên Chúa cúi xuống với nỗi niềm của một gia đình khi có một thành viên mất đi.
Thường khi nói đến tình yêu Thiên Chúa, người ta thường có khuynh hướng nâng quan điểm lên mà ca tụng như lời ca khúc quen thuộc “Tình yêu Thiên Chúa như trăng như sao đưa con lên cao” để khi mải mê chiêm ngưỡng, bất giác thấy hình ảnh ấy cao quá, cao vời thành sao ngời và từ đó cũng thành xa rời cuộc sống trần thế. Nhưng tình yêu Thiên Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay là rất ân cần gần gũi với cuộc sống hiện sinh.
 
Trước hết tôi gặp ở đó, một tình yêu đồng cảm đứng trước đám tang, nhất là tai nghe những lời tiếc thương ly biệt dù niềm tin có cao độ hay sự tự chủ có rực lửa khó ai có thể ngăn được nỗi rung cảm mủi lòng. Lại nữa trước hoàn cảnh đặc biệt giàu kịch tính như cảnh gia đình mẹ góa con côi, đang yên đang bệnh bỗng dưng lại chịu thêm cảnh đoạn trường. Từ điển Việt Nam dịch: “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rớt xuống trời hay chăng trời”, không biết ở đây trời có hay có biết nhưng chắc chắn một điều Chúa Giêsu chẳng những biết mà còn bộc lộ sự chạnh thương, chữ “chạnh thương” trong Phúc Âm là một động từ đặc biệt nói lên tâm tình của Chúa Giêsu trước một cảnh tượng đáng thương và chuẩn bị cho một động thái can thiệp.
      
Hôm nào thấy đám đông lũ lượt theo Người để nghe giảng như đoàn chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu chạnh thương làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ ăn no thỏa. Ở đây, dẫu không phải bà con ruột thịt, Chúa Giêsu chạnh thương gia đình neo đơn, cách riêng bà mẹ góa nên Ngài mở lời “bà đừng khóc nữa”. Nếu trong sách Isaia, Đức Chúa được hình dung như là Đấng lau sạch nước mắt thì Đấng Cứu Thế - tình yêu Thiên Chúa hiện thân, luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu để đồng cảm xót thương.

Điều thứ hai nghĩ về tình yêu Thiên Chúa, đó là tình yêu sờ chạm đến. Đạo diễn Việt Kiều Nguyễn Viết Vinh có cuốn kinh tựa đề có một chữ một thôi, chữ “chạnh”, mô tả nhân vật chính là cô Tâm làm nghề móng tay nên chạm tới rất nhiều người, mỗi khách hàng mỗi cảnh đời qua đụng chạm bên ngoài, cô có những rung cảm tâm hồn hiểu được cảnh sống của khách hàng, để khởi đi từ đó tư vấn cho họ những giải pháp ổn định gia đình. Rõ ràng, đụng chạm bên ngoài cũng là đụng chạm lòng người. Nhân vật chính trong cuốn phim này chăm sóc móng tay nhưng cũng là chăm sóc tâm hồn đưa người ta đi về nẻo lối hướng thiện. Phim ảnh thì lo diễn xuất với cuộc đời, còn trong Phúc Âm Chúa Giêsu sống thật. Người sờ đụng chạm vào quan tài, cái đụng chạm bất ngờ làm kinh ngạc mọi người nhưng thực ra là phong thái của Thiên Chúa làm người, một khi hóa thân vào cuộc sống nhân thế trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, Người đã sờ chạm đến mọi tình huống ngay cả những tình huống nguy bách nhất vốn thử thách giới hạn của khả năng con người như bệnh tật và sự chết. Người chạm đến bệnh nhân bất toại, bệnh được lành; chạm đến tai điếc tai được nghe; chạm đến mắt mù mắt được sáng; chạm đến đời tội lỗi đời được thang tẩy; chạm đến Matthêu thu thuế, Mátthêu nên môn đệ; chạm đến Giakêu, Giakêu được ơn cứu rỗi. Và hôm nay như bài Phúc Âm ghi lại, chạm đến quan tài người con côi cút thành Naim để trao lại cho anh ta sự sống và cậu con trai ấy đã được Phục Sinh, đó là tình yêu Thiên Chúa đụng chạm đến nỗi đau của phận người.

Tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu mở ra một tương lai mới. Thực ra nếu phép lạ bài Phúc Âm khi chàng trai chết được ngồi dậy và bắt đầu nói cũng đủ nêu lên ý nghĩa và cũng đẹp như một câu chuyện có hậu. Nhưng một khi mô tả Chúa Giêsu trao anh ta lại cho bà mẹ, người ta hiểu tình yêu Thiên Chúa nhắm đến một chân trời mới, tất nhiên chẳng trao người con cho người mẹ thì biết trao cho ai bây giờ nhất là gia đình chỉ có hai mẹ con gắn bó với nhau từ thuở nào trước mắt thiên hạ, nhưng sự trao chuyển ở đây mang một ý nghĩa của một sự sống mới trong một cuộc sống mới. Gia đình hai mẹ con vẫn trở về mái nhà xưa với những câu chuyện cũ nhưng tâm hồn từ đó đã khác không còn sợ cảnh chiếc khăn tang bao trùm lên nữa mà trái lại phải sống sao cho xứng với hồng ân đã lãnh phần thưởng, được tình yêu Thiên Chúa đoái đến. Ngay như cảm nghĩ của dân chúng hôm đó là thấy Thiên Chúa viếng thăm dân Người.

Sự sống nơi cộng đoàn là một ơn ban, ai lãnh nhận được ơn này thì cùng lúc cũng phải lãnh trách nhiệm tương lai cụ thể, không chỉ một mình mà còn phải với mọi người từ người gần gũi trong tình máu mủ đến những người liên hệ trong khung cảnh địa lý gần nhà gần ngõ, cận thân cận lân, không chỉ là cuộc sống vật chất kinh tế mà còn là cuộc sống đức tin phải dạy dỗ, thông truyền trong gia đình và như bài Phúc âm kết thúc còn là loan truyền khắp miền Giuđêa và vùng phụ cận.
 
Tóm lại, thưa cộng đoàn, trình thuật đám tang thành Naim là dấu chỉ nói lên tình yêu Thiên Chúa thật thân cận, thật gần gũi để một mặt hôm nay chúng ta chung lời cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Cụ Cố Maria cả một hành trình cuộc sống trên trăm năm, điều này có ước mơ đỏ mắt không phải ai cũng nhận được, Cụ Cố Maria 102 tuổi, cả một hành trình đời sống, cả về mặt xã hội lẫn về mặt đức tin đã được Thiên Chúa chúc lành dạy dỗ và trải qua những đau khổ những đột biến của hoàn cảnh cuộc sống nhưng luôn luôn vững tin gắn bó như giáo dân Giáo xứ Thanh Hải đã có thể chứng kiến. Hôm nay chúng ta chung lời tạ ơn và cầu nguyện với Cụ Cố, nhất là xin sống tâm tình phó dâng Cụ Cố Maria trong tình thương ân cần của Thiên Chúa để Cụ cũng được đón nhận vào quê hương vĩnh phúc . Ở đây vừa là chia sẻ lời nguyện lời kinh nhưng cũng chính là xin Chúa nhớ đến tình yêu thương xót ngàn đời của Người, một tình yêu gần gũi, biết cúi xuống với nỗi niềm của cuộc sống nhân gian, sẵn sàng sờ chạm đến để chữa lành và đảm bảo vận hành của sự sống mới, sự sống phục sinh do Đức Kitô thực hiện trong công cuộc cứu độ trần gian.
 
Kính thưa cộng đoàn về mặt tự nhiên, người chết thực sự qua đi nếu như người sống không nhớ đến họ, nghĩa là việc nhớ đến bà cố Maria có thể nhạt nhòa đi theo định luật của thời gian năm tháng nhưng về mặt siêu nhiên cộng đoàn tin rằng nỗi nhớ tình yêu Thiên Chúa vẫn luôn có đó, sẵn sàng đụng chạm đến để mở ra cho bà cố cánh cửa sự sống đời đời.

Lạy Chúa, xin cho linh hồn Bà Cố Maria được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên linh hồn Bà Cố Maria. Amen.
 

Cuối thánh lễ, Phêrô Nguyễn Văn Tiến thay mặt tang quyến cám ơn Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và Cộng đoàn. 
Cha Huy, Giáo phận Nha trang, cử hành nghi thức tiễn biệt.
 

Đối với người Kitô hữu, giờ chết là giờ về với Chúa, về nơi Chúa đã dọn sẵn cho mình (x. Ga 14,1-6), ngày đó không phải là ngày sầu thương tang tóc mà là một ngày vui mừng. Chính vì thế, các bổn đạo đầu tiên gọi ngày chết là Dies natalis, ngày Sinh nhật trong Nước Trời. Với ý nghĩa đó, ông Walfany Goethe đã gọi “con người chết là một vì sao lặn để mọc huy hoàng hơn ở một bán cầu khác”. Giờ chết là ngày khải hoàn sau bao năm phải chiến đấu khổ cực ở trần gian.

Con người có sinh có tử, đó là luật của Đấng Tạo hoá đã an bài, không ai biết được mình sẽ ra đi vào ngày giờ tháng năm nào và ở đâu. Con người không chọn và không định được ngày giờ ra đi. Sự sống và sự chết đều là kỳ công của Tạo Hoá, con người không thể làm ra sự sống cũng không tài nào cản ngăn được sự chết.
Bà Cố ra đi trong lòng mến, đoàn con cháu ở lại trong lòng tin. Cái chết như một huyền nhiệm, như nhịp cầu đưa Bà về nhà Cha trên trời, nơi yên nghĩ muôn đời, một cõi đi về đợi ngày tái ngộ trong cõi vĩnh hằng. Luôn tin rằng Bà đã an giấc ngàn thu, nhưng vẫn có ngày chỗi dậy, đó là ngày Chúa quang lâm. Như thế có thể hát lên với Ông Gióp : Tôi tin rằng đấng cứu chuộc tôi hằng sống,và ngày tận thế,từ bụi đất, tôi sẽ đứng lên, một ngày kia chính trong trong thân xác này tôi sẽ được nhìn thấy Chúa, đấng cứu độ tôi.
 
Bà Cố Maria ra đi trong niềm hạnh phúc và hy vọng sống trong sự sống mới của Chúa Kitô Phục Sinh. Nguyện xin Chúa nhân lành đoái thương đón nhận và dẫn đưa Bà Cố về dự tiệc vui muôn đời.  
                                       
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận