Làm sao phát huy giá trị giáo dục của phụng vụ Kitô Giáo?

Đăng lúc: Thứ hai - 16/06/2014 09:25 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Làm sao phát huy giá trị giáo dục của phụng vụ Kitô Giáo? 
 
Từ một thực tế đáng lo ngại…..
 
Đi đâu cũng nghe không chỉ các linh mục mà cả giáo dân than thở về tình trạng sa sút trong đời sống luân lý của mọi người, không chỉ người ngoài Đạo mà cả người có Đạo, không chỉ người trẻ mà cả người lớn tuổi, không chỉ người mới theo Đạo mà cả người theo đạo lâu năm… Nếu không tệ tới mức cướp của giết người, ngoại tình đàng điếm, thì cũng mua gian bán lận, chè chén say sưa, cãi lộn chửi thề…. Đổ lỗi cho hoàn cảnh văn hoá, kinh tế, xã hội, chính trị của quốc gia và gia đình chán, người ta quay sang trách móc Giáo Hội và giáo xứ. Trách móc Giáo Hội và giáo xứ chán, người ta bắt đầu nhìn nhận bản thân mỗi người là tác nhân sau cùng của mọi sa sút ấy. Người ta cũng không còn trách mình ở điểm này ở điểm kia nữa, mà đã nhìn ra lười biếng trong việc giáo dục bản thân chính là ngọn nguồn của mọi hư hỏng.
 
Hiểu được điều ấy, các chủ chăn tại các giáo xứ đã ra sức mở các lớp giáo dục đời sống đức tin cho con chiên bổn đạo. Nhưng ngoài những lớp bắt buộc như các lớp chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm như Rửa Tội, Thêm Sức và Xưng Tội – Rước lễ hoặc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hôn Phối, chẳng mấy ai hào hứng tham gia các lớp giáo lý khác. Hoặc vì không thu xếp được thời giờ để tham dự hoặc vì bản thân các lớp ấy quá nghèo nàn khô khan. Rốt cuộc chỉ còn có một môi trường có thể phục vụ việc giáo dục đức tin một cách đều đặn và căn bản, đó là các cuộc cử hành phụng vụ Thánh Thể hay Thánh Lễ – nhất là các thánh lễ chúa nhật và các thánh lễ trọng.
 
Dĩ nhiên, thánh lễ không phải chỉ có mục đích giáo dục đức tin, mà còn có mục đích thờ phượng Thiên Chúa và mưu ích đời đời cho con người. Ngay từ buổi đầu của Hội Thánh sơ khai, sáng sớm hay chiều tối ngày thứ nhất trong tuần (ngày chúa nhật), các kitô hữu đã có thói quen họp nhau để mừng kính Đức Giêsu sống lại và nhờ hiệp thông với sự tưởng niệm ấy họ được ban ơn cứu độ “hic et nunc”, “ở đây và ngay bây giờ”. Họ cũng không quên mỗi lần hiện ra với các môn đệ, Đức Giêsu phục sinh luôn mặc khải cho họ hiểu thêm một khiá cạnh trong chân lý về Ngài. Sau này, các tông đồ chủ sự thánh lễ không bao giờ quên công việc diễn giải Lời Chúa mà cộng đoàn vừa nghe đọc để tìm ra thông điệp Chúa muốn gởi đến cho cộng đoàn tại chỗ này qua đoạn Lời Chúa đó. Như thế, rõ ràng là vai trò giáo dục không phải là vai trò duy nhất của thánh lễ, nhưng cũng không vì thế mà có thể coi nhẹ, càng không thể gạt bỏ. Chính vì thế, công đồng Vatican II đã tóm tắt tất cả các mục đích của thánh lễ như sau : “Dù phụng vụ chủ yếu là thờ phượng Thiên Chúa quyền năng, nhưng phụng vụ cũng có giá trị sư phạm rất lớn đối với dân Chúa. Vì trong phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Người ; Đức Kitô vẫn loan báo Tin Mừng. Và dân Chúa vẫn đáp lời Thiên Chúa qua lời kinh lời nguyện và lời ca tiếng hát” (PV số 33). Thậm chí ngay từ công đồng Trentô, mặc dù bận tâm bênh vực giá trị cứu độ khách quan của phụng vụ bí tích chống lại phong trào Cải Cách, các nghị phụ vẫn không quên vai trò giáo dục của thánh lễ và vì thế, chẳng những nhắc nhở các linh mục chủ tế phải lo diễn giải Lời Chúa cho dân chúng, mà còn cho phép các linh mục cử hành thánh lễ bằng tiếng bản xứ hầu giúp cộng đoàn hiểu rõ phụng vụ để tham dự cách sốt sắng hơn (x. chương VIII chương trình nghị sự khóa XXII, ngày 17/9/1562) : “Mặc dù thánh lễ đã chứa sẵn cả một kho tàng giáo huấn rất phong phú cho dân Chúa, các nghị phụ vẫn cho rằng xem ra không ích lợi lắm nếu cứ cho phép cử hành thánh lễ theo tiếng bình dân, chẳng chút phân biệt. Thế nên, một đàng tại mỗi Giáo Hội địa phương cứ tiếp tục giữ nghi thức cổ điển của mình, đã được GH Rôma phê chuẩn, để đàn chiên Chúa Kitô không đói khát, để không còn cảnh tượng “các người bé mọn xin ăn mà chẳng có ai chia cho” (Lc 4,4), đàng khác thánh Công Đồng vẫn yêu cầu các chủ chăn và tất cả những ai có trách nhiệm coi sóc các linh hồn phải thường xuyên cắt nghĩa một trong các bản văn được đọc trong thánh lễ, đích thân mình hay nhờ người khác, trong chính khi cử hành thánh lễ, và thêm vào đó, tìm cách soi sáng mầu nhiệm của hy tế này, nhất là vào những ngày chúa nhật và những ngày lễ kính”.
 
… Đến giáo dục đức tin thế nào?
 
Nếu xét tới phương pháp sư phạm được dùng trong thánh lễ thì có thể nói cộng đoàn tham dự thánh lễ sẽ được giáo dục không phải bằng lời nói huyên thuyên mà bằng những biểu tượng, bao gồm những điệu nhạc, câu nói, cử chỉ, đồ vật, thậm chí gam màu, độ sáng độ tối…, miễn là không dừng lại với ý nghĩa đập vào mắt chúng ta ngay từ giây phút đầu, mà là để mình đi vào thế giới mà các biểu tượng ấy gợi ra và bắt gặp những quan hệ giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên.
 
Thế nên, các bài học sống đức tin sẽ được truyền đạt không chỉ qua các lời nói – kể cả lời của Chúa hay lời của Giáo Hội – mà còn qua các biểu tượng khác. Các linh mục và các cộng sự viên quan tâm tới nghệ thuật thánh, thánh nhạc, nghi thức phụng vụ, bầu khí phụng vụ… cũng nhằm mục đích ấy : không chỉ nâng tâm hồn con người đi vào thế giới Thiên Chúa, mà trước hết để giáo dục con người trở thành những người tốt ngay trên đời này trong các quan hệ xã hội của nó.
 
Một vài bài học của đời sống đức tin được cung cấp qua phụng vụ Thánh Thể
 
Bài học về ý nghĩa của lịch sử và thời gian : Ngay từ đầu, ngày chúa nhật đã được coi là ngày quan trọng nhất trong một tuần lễ của con người. Nó xứng đáng được gọi là “ngày thứ nhất trong tuần” vì đó là ngày kỉ niệm Chúa Giêsu sống lại và hiện ra, ngày của tạo thành mới. Tuy nhiên, trong tâm thức của nhiều người – kể cả người có Đạo – vẫn coi ngày chúa nhật là ngày cuối tuần, riêng một mình nó hoặc cùng với ngày sabát của người Do Thái làm thành ngày cuối tuần để nghỉ ngơi. Nhất là từ năm 1978, Tổ Chức Chuẩn Hóa Quốc tế (“Organisation internationale de Standardisation”, gọi tắt là O.I.S.) đã yêu cầu các nước tính các ngày trong tuần từ sáng thứ hai. Một cách cụ thể, trên các bảng giờ tàu chạy hay giờ máy bay cất cánh, người ta tính thứ hai là ngày thứ nhất trong tuần, chứ không phải ngày chúa nhật. Từ đó, người ta ngày càng mất ý thức về tính tôn giáo và linh thiêng của ngày chúa nhật ; nó chỉ còn không hơn không kém một ngày nghỉ cuối tuần sau một thời gian làm việc vất vả.
 
Cũng theo chiều hướng giáo dục về ý nghĩa của thời gian và lịch sử, việc sắp xếp mùa Phục Sinh vào mùa xuân của năm, mùa Vọng và mùa Giáng Sinh rơi vào những ngày mặt trời bắt đầu ló dạng, ngày bắt đầu dài ra sau một thời gian đêm dài ngày ngắn và không hề thấy bóng mặt trời trong suốt mùa đông, cũng rất có ý nghĩa. Điều này cũng trùng hợp với lịch phụng vụ của người Do Thái bán du mục ngày xưa : mùa xuân là mùa hiến dâng các hoa quả đầu mùa và các con vật đầu mùa lên Thiên Chúa để xin Ngài chúc lành cho mọi người mọi vật suốt cả năm. Môsê xin Pharaô để dân Do Thái vào rừng tế lễ Thiên Chúa cũng là vì mục đích ấy (cf. Xh 3,18 ; 5,1). Về sau, cũng trong mùa xuân, Đức Giêsu tự hiến mình làm hy tế dâng cho Thiên Chúa để xin tha tội và ban phúc lành cho dân. Phục Sinh hay Vượt Qua là lễ của mùa xuân, khi vạn vật bắt đầu hồi sinh sau mùa đông giá rét. Còn chọn ngày 25 tháng 12 làm lễ Chúa Giáng Sinh (trong những năm 330 sau khi hoàng đế Constantinô vãn hồi hòa bình trong đế quốc) là chọn ngày khởi đầu chu kỳ ngày dài ra, mặt trời ló dạng, đúng là ngày sinh ra của đấng đã được ông Dacaria ca ngợi là “mặt trời chỗi dậy viếng thăm ta” (lc 1,78).
 
Nếu như nhờ cử hành các thánh lễ chúa nhật và các mùa lễ trọng như Phục Sinh (được chuẩn bị bằng mùa Chay) và Giáng Sinh (được chuẩn bị bằng mùa Vọng) mà các tín hữu ý thức được hoàn cảnh khai sinh và ý nghĩa nhắm tới qua các lễ và các mùa phụng vụ ấy, hẳn họ sẽ cử hành chúng cách sốt sắng hơn, tác động tốt hơn trên đời sống xã hội của mọi người. Như vậy, thời gian và lịch sử không phải là sự lặp lại máy móc và mù quáng một trật tự áp đặt hay không có ý nghĩa ; nhưng là sự khởi đầu luôn luôn của một chu kỳ mới, bắt đầu bằng ngày chúa nhật và mùa phục sinh – khởi đầu của một trật tự mới, thời gian mới và lịch sử mới.
 
Bài học về ý nghĩa và mục tiêu cuối cùng của vạn vật :
 
Không chỉ khi biến đổi bánh lễ và rượu nho thành Thịt và Máu Đức Giêsu Kitô, cũng không chỉ khi nhìn vào bộ sách ghi chép Lời Chúa và đọc “Đó là Lời Chúa”… ta mới thấy mọi sự, từ cái tầm thường như bánh và rượu quen dùng của người Do Thái cho đến cái cao cả như lời nói thông tuệ của người Chúa sai đến, đều mang ý nghĩa và mục tiêu hay nói chung, đều mang định mệnh khác với những gì mình thấy trước mắt. Chính vì biết bánh rượu hay lương thực con người hoặc tổng quát hơn, tất cả thụ tạo đều là hình ảnh của Thiên Chúa, là dấu chỉ của Thiên Chúa, là bí tích của Thiên Chúa, từ nay con người sẽ sử dụng thụ tạo nào cũng với lòng kính cẩn và ái mộ ; thậm chí còn tìm cách góp sức đưa thụ tạo ấy về với định mệnh cuối cùng của nó.
 
Người kitô hữu siêng năng tham dự thánh lễ không chỉ biết rõ vai trò và định mệnh cuối cùng của vạn vật, mà trước hết còn nắm chắc tương lai cuối cùng của mình để dựa vào đó tổ chức lại cuộc sống, đưa ra những lựa chọn và điều chỉnh những sai lỗi.
 
Bài học về ý thức cộng đoàn và vị thế của mỗi người trong cộng đoàn :
 
Dù có được cử hành một mình hay với một nhúm người, thánh lễ luôn luôn là hành vi của cộng đoàn, không những vì bản thân người linh mục luôn luôn thuộc về một cộng đoàn – cộng đoàn Giáo Hội, cộng đoàn linh mục của giáo phận, không có linh mục từ trên trời rơi xuống hay một linh mục không thuộc về một cộng đoàn nhất định nào đó, cộng đoàn dòng tu hay cộng đoàn giáo phận – mà còn vì tất cả những kinh nguyện và lời Chúa linh mục đọc trong thánh lễ, cũng như tất cả mọi cử chỉ và hành vi linh mục làm trong thánh lễ, nếu muốn có giá trị như một phần của thánh lễ đều được kế thừa từ một truyền thống ngàn năm, đến nỗi không thể có thánh lễ của đạo Kitô mà không tuân theo các quy định ấy.
 
Ngoài ra, thánh lễ là hành vi của một cộng đoàn có tổ chức : mỗi người một vị thế, và người ta có thể nhìn vào vị thế mỗi người giữ trong thánh lễ mà suy ra vai trò của người ấy trong cộng đoàn. Linh mục có vị thế khác với tín hữu ; trong số các tín hữu người giúp lễ khác với người đọc sách và người cho rước lễ…
 
Nhờ thường xuyên cử hành thánh lễ như thế, các kitô hữu ngày càng đào sâu ý thức mình thuộc về cộng đoàn Giáo Hội và vai trò của mình trong cộng đoàn ấy. Đây chính là một cách giúp mỗi người giữ gìn bản sắc của mình và giúp cộng đoàn bảo vệ được căn tính của mình, ngăn chận sự tan loãng và rã nát của cá nhân và cộng đoàn.
 
Bài học về sự thăng tiến đời sống Đạo của cá nhân và cộng đoàn :
 
Với số lượng các bài đọc Thánh Kinh to lớn (3 bài đọc cho mỗi chúa nhật hằng năm và 2 bài đọc – một thường xuyên – bài Phúc Âm – và một thay đổi – bài đọc một- của mỗi ngày trong tuần), cộng với sự diễn giải thích đáng của linh mục, chắc chắn cá nhân và cộng đoàn kitô hữu sẽ ngày càng hiểu biết Đạo nhiều hơn và từ đó sống tốt hơn.
 
Chưa kể, chính kỷ luật và trật tự mà mỗi người tham dự thánh lễ phải chấp hành cũng sẽ giúp họ ngày càng trở thành kitô hữu ý thức và trưởng thành. Người ta sẽ học được những bài học đạo đức rất căn bản như ăn mặc tề chỉnh, đi đứng khoan thai, giữ gìn thinh lặng, tôn trọng người khác, tự tin cách lành mạnh và lạc quan tin tưởng…
 
Trong một môi trường gia đình và học đường, thiếu quan tâm tới việc giáo dục nhân cách từ những điều căn bản nhất vì quá chạy theo các nhu cầu được cho là cấp bách hơn như bằng cấp, nghề nghiệp, chỗ đứng… thì với những đóng góp rất thiết thực vừa kể, phụng vụ Thánh Thể quả là một môi trường giáo dục hết sức cần thiết và có giá trị. Chẳng thế mà các trẻ em quen tham dự thánh lễ cách nghiêm túc từ bé có nhiều khả năng trở thành người đứng đắn và có tinh thần trách nhiệm nhiều hơn.
 
Làm thế nào tận dụng giá trị giáo dục của các cuộc cử hành thánh lễ ?
 
Dĩ nhiên, từ chỗ nhận thức các bài học giáo dục người kitô hữu có thể thu lượm được từ việc cử hành thánh lễ cách tích cực cho tới kết quả đạt được trong thực tế là cả một chặng đường dài. Nó đòi hỏi sự đầu tư tương xứng của tất cả mọi thành phần trong Dân Chúa : linh mục chủ tế, các cộng tác viên và mỗi kitô hữu đều phải đầu tư thời giờ và công sức – dĩ nhiên mỗi người mỗi cách, nhưng tất cả đều nghiêm chỉnh và quảng đại dấn thân – vào việc chuẩn bị, cử hành và đánh giá việc cử hành bí tích Thánh Thể.
 
Mỗi người đều phải ý thức nhiệm vụ chung của mọi người và nhiệm vụ riêng của từng người để phối hợp cho đồng bộ. Không có người nào và không có vị trí nào là thừa thãi và không quan trọng. Chẳng hạn một linh mục cử hành thánh lễ có trang nghiêm và chuẩn mực tới đâu cũng không thể giúp người tín hữu thu lượm hết các bài học từ thánh lễ, khi người đọc sách, người giúp lễ, người lo trật tự, người quyên góp, các ca viên… không làm tốt phận vụ của mình. Ngược lại, các thành phần này có chu toàn phận vụ của mình cách xuất sắc cũng không đóng góp được nhiều cho đời sống đức tin của các cá nhân và cộng đoàn, khi chính linh mục chủ tế gây lo ra chia trí do bài giảng thiếu chuẩn bị của mình và do tác phong không tề chỉnh của mình.
 
Thế nên, tại nhiều cộng đoàn, người ta khám phá thấy thật khó chuẩn bị cho cả cộng đoàn có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về việc cử hành thánh lễ. Bù lại, có thể chuẩn bị công đoàn bằng cách chuẩn bị ban Phụng Vụ cộng đoàn cách kỹ lưỡng hết sức có thể từ lâu trước khi cử hành thánh lễ : linh mục trình bày ý hướng của thánh lễ kỳ tới cùng với những điểm cần nhấn mạnh hay lưu ý hơn, linh mục phân phối công việc, mỗi người nắm vững phận vụ và chuẩn bị chu toàn phận vụ ấy, một hoặc vài người biên tập tất cả chi tiết ấy thành một bản hướng dẫn để phân phát cho cộng đoàn khi đến tham dự thánh lễ. Sau mỗi thánh lễ chúa nhật hay thánh lễ trọng, ban Phụng vụ rút tỉa kinh nghiệm hướng dẫn và linh hoạt cuộc cử hành phụng vụ cho lần sau.
 
(Thay lời kết)
 
Nếu cử hành phụng vụ không những là cách tốt nhất để chu toàn nghĩa vụ thờ phượng Thiên Chúa và lãnh nhận ơn thánh, mà còn là cứ điểm căn bản nhất để giáo dục đức tin người kitô hữu, thì không lạ gì mọi thành phần trong cộng đoàn phải sẵn sàng đầu tư thời giờ và công sức cho việc chuẩn bị, tổ chức và đánh giá các cuộc cử hành Thánh Thể của cộng đoàn. Đây cũng là một cách đầu tư xứng đáng nhất và khôn ngoan nhất vì ở đây trứơc cả mọi sự đầu tư của con người, Thiên Chúa đã đầu tư bằng chính cả một lịch sử cứu độ, bằng chính mọi công trình của mình và nhất là bằng chính Con của Người, làm cho thánh lễ trở thành một cái gì khác hơn nữa, chứ không chỉ là một hành vi thờ phượng, một phương tiện thánh hoá, một trường dạy đức tin ; nó như trở thành nơi diễn tập phụng vụ trên trời, nơi nếm trước ơn cứu độ đời đời và là nơi khai sáng cho thấy thấp thoáng sự thật toàn diện của Thiên Chúa và con người.
 
Phêrô Đặng Xuân Thành
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận