Ơn gọi của một Dòng Sông

Đăng lúc: Thứ tư - 24/09/2014 11:22 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong


 



 
 

 
 


 
Hình ảnh về dòng sông từ lâu đã đi vào thơ văn Việt Nam. Đó là hình ảnh rất gần gũi và thân thương, gợi cho ta bao nỗi nhớ thương. Để có một dòng sông trước tiên cần có những cơn mưa, thấm xuống đất, tạo thành những mạch nước ngầm. Mạch nước ngầm chảy mãi, chảy mãi tạo thành những con suối, nhưng không dừng lại đó, những con suối lại luôn khao khát vươn mình ra dòng sông, khi thành dòng sông lại khao khát đến với biển cả, chính là nơi đã phát xuất ra những giọt mưa. Đó là một hành trình thật thú vị, vì dù có rất nhiều dòng sông nhưng chẳng có đoạn hành nào giống đoạn hành nào. Mỗi con sông luôn gắn liền với địa hình nó đi qua, có những đoạn khúc gập ghềnh tạo thành những con thác thật hùng vĩ, rồi những ngọn đồi nhấp nhô, uốn khúc quanh co. Một đặc tính rất nổi bật của dòng sông mà con rất thích đó là dù ở đâu, dòng sông cũng luôn khát khao mong một ngày được trở về với biển cả, nên dòng nước ngày đêm mãi chảy xiết không ngừng mang bao phù sa, bao chất bổ dưỡng tạo môi trường sống cho biết bao sinh vật và thực vật.
 
Khi suy tư về hình ảnh dòng sông, con rất thích những hình ảnh này nên con xin mạo muội đặt tựa đề cho hành trình ơn gọi làm Kitô hữu cũng như hành trình dâng hiến của mình là “ƠN GỌI CỦA MỘT DÒNG SÔNG” và con xác tín rằng, dòng sông ơn gọi của con có được chính là nhờ những cơn mưa ân sủng từ thuở ấu thơ mà Chúa đã gieo vào con, để rồi từ ngày ấy lòng con luôn khao khát ngày đêm trở về với bên Chúa như thánh Augustino đã bộc bạch: “Lạy Chúa, tâm hồn con mãi khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên bên Chúa”. Chính nỗi khắc khoải này là động lực giúp kiên trì vượt qua những gian nan thử thách, để tìm ra con đường Chúa muốn con đi.
 
Giờ đây con xin được chia sẻ hành trình dòng sông đời con qua 3 đoạn khúc.
 
- Đoạn khúc vườn địa đàng
 
- Đoạn khúc lưu vong
 
- Tiến vào miền đất hứa
 
1. ĐOẠN KHÚC VƯỜN ĐỊA ĐÀNG
 
Hạnh phúc vườn địa đàng là gì? Chắc hẳn khó có câu trả xác thực vì ít ai cảm nhận sâu xa, trọn vẹn về tình trạng ấy. Nhưng những trang đầu của sách Sáng Thế nói hạnh phúc ấy là lúc con người ở trong tình trạng trong sạch, vô tội, được ở gần với Thiên Chúa và đoạn khúc dòng sông cuộc đời con được phát xuất từ đây, là nơi bắt đầu và cũng là nơi đặt nền móng đức tin cho con sau này khi lạc lõng giữa dòng đời lạ lẫm.
 
Ngày 18/12/1981 là ngày trọng đại đối với đời con, ngày con được cất tiếng khóc đầu tiên để đáp lại ân ban sự sống của Thiên Chúa, là ngày đầu tiên con được nhìn thấy ánh mắt, nụ cười của những người thân yêu trong gia đình con; cũng là ngày đầu tiên con được gia nhập cộng đoàn, tại một vùng quê nghèo hẻo lánh thuộc giáo xứ Hiệp Nghĩa, Giáo phận Phan Thiết, trong một gia đình 6 anh em và con là thành viên thứ tư, ba là người Công giáo còn mẹ theo Phật giáo, ba mẹ làm phép chuẩn khác đạo nên trách nhiệm rất nặng nề của ba là lo cho đời sống đức tin của các con.
 
Tuổi thơ của con được gắn liền với những cánh đồng trải dài, những cây lúa xanh mơn mởn, hình ảnh con bò nhởn nhơ gặm cỏ, những cánh diều no gió vào mỗi buổi chiều hè. Đó là những ký ức đầu tiên con còn nhớ về lịch sử đời mình. Một cảm giác bình yên hạnh phúc bên người thân, bên bạn bè, mỗi buổi chiều được nghe tiếng chuông ngân vang đi vào cõi lòng như mời gọi, thúc dục đến với Chúa sau một ngày làm việc vất vả. Con còn nhớ rất rõ hình ảnh đầu tiên con được biết Chúa. Mỗi lúc chiều về, con gái lại lẽo đẽo theo ba tới nhà thờ vì còn bé nên được chạy chơi cùng các bạn trong khuôn viên nhà xứ, một lần kia đang mải chơi chợt nghe thấy tiếng chuông reo to, nhìn thấy mọi người đang chăm chú nhìn cái gì đó, con chạy vào xem thử, loay hoay mãi nhưng chỉ nhìn thấy toàn chân chân là chân, con liền chạy đến lay mạnh ống quần ba và đòi ba bế lên. Khi đã ngồi chểm chễ trên đôi vai vạm vỡ của ba, con nhìn thấy được tất cả, thấy cha xứ đang nâng cao một cái ly màu vàng, lúc ấy con bé liền hỏi ba nhưng ba không giải thích mà chỉ nhắc: “con cúi đầu chào Chúa nhanh, nhìn như vậy là … hư mắt đó”. Con bé nghe xong thì sợ lắm chẳng dám hỏi gì, chỉ biết lúc đó Chúa hiện ra nên phải cúi đầu, nhìn là hư mắt. Đó là hình ảnh đầu tiên con được biết về Chúa và một lần khác có lẽ lớn hơn nên chị con cho phép con được vào nhà thờ tham dự Thánh lễ, con và chị ngồi ngay hàng ghế đầu. Vì là lần đầu tiên nên con không sao ngồi yên được, quay ngang, quay ngửa nhìn mọi người….. Mỗi lần như vậy, chị con lại đét con một cái nhưng con chẳng sợ gì. Thế là chị ấy đành bày kế khác, lần này con nghe một giọng nói nhỏ nhẹ thầm thĩ vào tai: “L. nè, em có thấy bốn thằng quỷ mặc áo trắng đứng hai bên không, em mà không chịu ngồi yên là nó bắt nhốt em ở lại luôn đó”. Con bé nghe đến đó thì sợ phát khiếp, ngồi im thin thít, chăm chú theo dõi nhất cử nhất động của bốn “thằng quỷ” để lỡ nó chuẩn bị đến gần thì chạy thật lẹ. Dù rất sợ “quỷ” trong nhà thờ nhưng chiều nào con cũng thích được vô nhà thờ tham dự Thánh lễ, cho đến một ngày con nhận ra đó là bốn chú giúp lễ thì con cũng đã có ý thức nghiêm trang khi bước vào nhà thờ.
 
Rồi một lần khác, đó lần đầu tiên được cùng mọi người đi đàng Thánh giá, nhìn hình con không khỏi thắc mắc và không sao nghĩ được: cái ông tên Giêsu hiền như vậy làm sao người ta giết ghê quá, và con cứ nghĩ mãi tại sao Ông ấy không có tội gì mà không ai bênh vực Ông ấy vậy? Con đem những ấm ức đó trên đường về hỏi chị, chị giải thích một hồi nhưng con không thể nào hiểu nổi, đã vậy còn lặp đi lặp lại câu hỏi: “vậy ông Giêsu đó là ai? vì Ổng có ba mẹ sao lại gọi là Chúa được, vô lý quá!”. Giải thích được một chút thì chị ấy mất kiên nhẫn, chị mắng con vì tội ngu mà còn hay hỏi, tội nói hoài mà không hiểu. Khi lên năm tuổi, con được đến nhà thờ học giáo lý vào mỗi buổi chiều Chúa Nhật, vì chúng con là những đứa trẻ không biết chữ, nên được học lịch sử cứu độ qua những câu chuyện bằng hình ảnh làm con nhớ mãi. Khi được học giáo lý, con mới lý giải được cho câu hỏi của mình trước kia. Nhờ vậy, con cảm thấy rất có cảm tình với Chúa Giêsu. Từ đó, cứ mỗi khi chiều về tiếng chuông nhà thờ lại vọng lên, dù mải chơi ở đâu, con cũng nhanh thoăn thoát băng mình qua những bờ ruộng thật cao, nhanh thật nhanh về nhà khoác vội chiếc áo dài, chạy ù lên nhà thờ dành chỗ nhất (không thì các bạn dành mất). Tuổi thơ của con được lớn lên êm đềm và thật hạnh phúc.
 
Khi con vừa học xong lớp 2, ba con đột ngột đổ bệnh nặng ở tuổi 42, trước phút lìa xa các con mãi mãi, ba đã gọi từng đứa vô trăn trối. Lúc ấy, con cũng được một bàn tay to lớn dắt vô, cầm tay con ba hỏi: “L. con gái ba lớn lên thích làm gì?” Ngay lập tức con trả lời: “Con thích đi tu” câu trả lời đó dường như làm ba rất vừa lòng vì đó là những điều ba hay thủ thỉ với con gái mỗi khi cõng con trên vai hay trên lưng. Nâng bàn tay yếu ớt ba nựng nhẹ con và nói: “ba sẽ luôn cầu nguyện cho con”. Đó là lời cuối cùng ba nói với con, tối đó ba bước vào hôn mê, sáng sớm hôm sau ba đã ra đi vĩnh viễn. Ngày ba ra đi con chẳng biết đau khổ là gì vì con không biết hết được tương lai con sẽ ra sao khi không có ba, con chỉ thấy nhớ ba da diết.
 
Khi cuộc sống không còn ba hiện diện thì dòng sông cuộc đời con cũng bước sang một đoạn khúc mới.
 
2. ĐOẠN KHÚC LƯU VONG
 
Như gia đình ông Gia-cóp, vì cuộc sống mưu sinh phải rời bỏ quê cha đất tổ đi lưu vong sang Ai-cập. Nhưng những đau khổ ấy đều nằm trong ý muốn tốt lành của Thiên Chúa, một sự quan phòng thật tuyệt vời, Ngài muốn dòng sông cuộc đời con phải ra đi để hòa mình vào dòng chảy lớn hơn. Chính vì thế, Ngài đã chuẩn bị cho con có những ngày tháng được gắn bó và học biết về Ngài để rồi trên mọi nẻo đường sau này con luôn nhớ về và tìm kiếm Ngài.
 
Ba ra đi được 6 tháng, mẹ con muốn trở về bên ngoại sống gần các cậu, các dì nên mẹ đã bán hết nhà cửa, ruộng, rẫy để vào Sài Gòn định cư. Ngày biết được ý định đó, bên nội và cả hàng xóm láng giềng ai cũng lo lắng cho niềm tin còn non yếu của chúng con, rồi đây sẽ ra sao? Ai cũng bảo nơi ấy toàn là những người không có đạo, không có nhà thờ. Tuy còn bé nhưng con cũng hiểu được vấn đề rất nghiêm trọng, rồi con cũng lo lắng, cũng bất an và cuối cùng cũng phải ra đi, đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Hằng ngày con như con chim bị nhốt trong lồng không còn tung tăng bay nhảy vì bầu trời ở đây khác xa bầu trời ở quê, chỉ rộng bằng con đường. Cuộc sống của con bắt đầu trầm lắng hơn, suốt ngày chỉ quanh quẩn nhà cậu, nhà dì, rồi lại về nhà. Chịu đựng được vài tháng, con cảm thấy nhớ nhà thờ, thèm được nghe tiếng chuông, đi lễ, đọc kinh. Anh chị hằng ngày luôn phải tất bật làm việc chẳng ai quan tâm đến những khát vọng nhỏ bé đó của con. Những kỷ niệm trước kia cứ thúc bách con phải làm sao đây? Một lần kia, con lân la đến hỏi chị họ xem ở gần đây có nhà thờ nào không? Nghe xong chị ấy hỏi “nhà thờ là cái gì?” lúc này con mới lúng túng chẳng biết diễn tả cách nào, những hình ảnh của ngôi nhà thờ cũ hiện về, nào là Thánh giá, có tượng Đức Mẹ nè, có ông Thánh Giuse nè….diễn tả một hồi mắt chị ấy bừng sáng lên làm con vui mừng khôn tả. Chị ấy bảo ngoài này có một cái giống em tả lắm và chị ấy hẹn cuối tuần này sẽ dẫn con ra đó. Hôm đó là chiều thứ bảy, chị ấy dẫn con qua những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo. Con cố gắng ghi nhớ các dấu hiệu trên đường mà không sao nhớ nổi, vì hai bên đều là tường nhà giống nhau. Đi khoảng gần 10 phút, con đọc được hàng chữ giáo xứ Thị Nghè, một ngôi nhà thờ nhỏ nhắn nằm ngay dưới chân cầu Thị Nghè và từ ngày đó với sự giúp đỡ của chị họ con đi lễ mỗi ngày cuối tuần.
 
Rồi mọi cái xa lạ cũng trở nên quen thuộc dần, cuộc sống gia đình con dần ổn định. Mùa hè năm sau đó, con được mẹ cho về quê thăm nội, được biết ở giáo xứ còn mấy ngày nữa có Thánh lễ Thêm sức, cô con cứ bối rối đi ra, rồi lại đi vào nhìn con với vẻ mặt đầy sự tiếc nuối nhưng cuối cùng cô cũng lấy hết can đảm dắt con lên gặp cha xứ để trình bày hoàn cảnh đặc biệt của con và xin cha cho con được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức trong mấy ngày tới. Con thật may mắn cha không làm khó dễ gì, cha chỉ yêu cầu mai lên gặp cha, khảo bài nếu thuộc cha sẽ cho, còn không thì thôi và Chúa cũng định liệu cho con cách lạ lùng. Sáng hôm sau một mình con với cha, con chẳng còn nhớ cha đã hỏi gì, con chỉ biết sau mỗi câu trả lời cha lại gật đầu và cuối cùng cha bảo con về chuẩn bị mọi thứ cần thiết. Nghe câu trả lời của cha, lòng con không khỏi vui mừng phấn khởi về thông báo cho mọi người. Bà và Cô cứ lăng xăng lo chuẩn bị hết tinh thần, rồi đến vật chất cho con. Con cảm nhận bàn tay Chúa đã luôn quan phòng và dẫn dắt con từng bước, vì sau lần ấy con chẳng có cơ hội để đến với lớp giáo lý nào nữa.
 
Cuộc sống ở đô thị gần được 2 năm, một lần nữa dòng chảy cuộc đời con lại tiếp tục rẽ  sang một hướng khác. Trong một dịp xuống chơi, dì con đã rủ mẹ lên Đà Lạt định cư, vì trên đó khí hậu mát mẻ, đất đai cũng rộng rãi, cuộc sống sẽ thoải mái hơn. Mẹ đã đồng ý. Một lần nữa, con lại khăn gói chuẩn bị lên đường, lần này dường như có phần thuộc bài hơn nên bớt đi những lo lắng, căng thẳng.
 
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, một vùng đất mới đã hiện ra đón nhận con, con cảm thấy thích với nơi này, bầu trời trong xanh bao la đã trở lại, những con đường đầy hoa dại, với những thảm cỏ xanh mướt, khí trời lúc nào cũng xe lạnh, mọi thứ đều hòa nhập rất nhanh vào cuộc sống của con. Cũng như khi ở Sài Gòn, mọi thứ cũng dần quen, nhưng khoảng một thời gian khá lâu con không đi lễ Chúa nhật. Sau đó, con lân la đi hỏi thăm nhà thờ. Được biết nhà thờ K’-Long đối diện với nhà máy xay bắp của dì. Mỗi tuần, vào thứ Bảy và Chúa nhật được nghỉ học, chị họ lại lên đó coi nhà cho ba má về, biết vậy nên vào mỗi cuối tuần con lại xếp sách vở theo chị lên đó chơi để Chủ nhật đi lễ và đó là thời gian tuyệt vời của con. Thời gian đến với Chúa, thời gian đi vào làng dân tộc, được vào rừng, lội suối, hái trái cây.
 
Cũng như hoàn cảnh của gia đình ông Giacóp, khi mới sang Ai-Cập, được Chúa ưu đãi mọi sự đều sung túc, nhưng thời gian hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi. Sau hai năm sống bình yên, Chúa đã gửi một biến cố cho gia đình, làm mẹ phải tạm thời sống xa chúng con. Lúc ấy, các anh chị lớn đều đang làm ở Sài Gòn, chỉ có con và hai em trai. Năm ấy, con vừa bước vào lớp 6. Biến cố này đã làm thay đổi cuộc đời con. Từ một cô bé hằng ngày chỉ biết có hai việc chính là học và chơi. Chỉ sau một ngày, bao nhiêu trách nhiệm ập đến. Đến giờ con cũng không thể hiểu hết được ý Chúa nhiệm mầu trên cuộc đời con, và con vẫn đặt câu hỏi: “Sao Chúa lại trao cho con trách nhiệm nặng nề vậy? vì trên con còn có 3 anh chị lớn nữa mà?”. Lúc ấy dù chưa có dịp đọc sách ngôn sứ Giêrêmia nhưng con cũng đã kêu lên: “Lạy Chúa, con còn quá bé không thể lo được đâu”, nhưng Chúa cứ khăng khăng “có Ta ở với con, đây chỉ là một chuyện tạm thời”.
 
Con còn nhớ những ngày đầu đầy gian khổ, khi bắt đầu làm bà mẹ trẻ của hai đứa em. Mỗi sáng, cái lạnh ở Đà Lạt cũng không thể cản con thức dậy sớm, để lo bữa sáng cho hai em, chuẩn bị quần áo sách vở và đưa em đến trường. Lúc đó, em út con học lớp 1, còn em kế học lớp 3, rồi buổi chiều phải tự đến trường một mình không còn cảnh đưa đón. Về đến nhà lại bắt đầu bắt đầu những nỗi lo toan: lo bữa tối, tắm giặt cho em, dạy em học và tính toán chi phí sao cho phù hợp với số mẹ và anh chị gửi về. Hằng tuần, con dắt em đi lễ bằng con đường tắt, băng qua một con suối nhỏ, men theo chân đồi cách nhà con khoảng 2 km.
 
Thời gian 1 năm, 2 năm rồi 3 năm trôi qua, đôi gánh trách nhiệm của con nhẹ dần đi nhờ sự trưởng thành của các em; bên cạnh đó, cuộc sống con ngày thêm vui, bởi xung quanh con có rất nhiều bạn bè thân thiết. Ban ngày, con được bạn chở đi học; tối đến, các bạn đến học nhóm làm cho ngôi nhà thêm ấm cúng, tràn ngập niềm vui, tiếng cười. Và cuộc sống con thật sự hạnh phúc hơn khi nhận thấy những người hàng xóm cũng thương yêu chúng con.
 
Con xin cảm tạ Chúa đã yêu thương giúp con trong giai đoạn khó khăn ấy. Ngài đã lo cho chúng con từng miếng ăn, giấc ngủ, việc học hành, điều này không chỉ chị em chúng con nhận ra nhưng ngay cả những người hàng xóm không cùng niềm tin phải thốt lên: “Ông Trời nuôi chị em nhà này và Ổng thương chị em nhà này thiệt”. Mỗi lần như vậy họ như đang tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa của con và nhờ họ, chúng con thêm niềm xác tín vào tình thương của Chúa.
 
Nhờ ơn Chúa, dòng sông cuộc đời con đã vượt qua những mỏm đất gồ ghề và tiếp tục vận hành theo dòng đời. Sau khi tốt nghiệp lớp 9, con đã thành một cô nữ sinh, lớn hơn 4 năm về trước rất nhiều và cuộc sống con cũng có một số thay đổi. Chúa đã làm cho con được sự tin tưởng của những người hàng xóm. Họ gửi con đến để con dạy kèm, công việc của con cũng rất đơn giản, chỉ khảo bài và hướng dẫn các em làm bài tập trong sách giáo khoa, vì học chuyên ban A nên bài tập của các em làm con không phải mất nhiều giờ, con vừa học bài vừa kèm các em. Công việc ấy đã giúp con có thêm thu nhập để trang trải thêm cho cuộc sống. Cũng trong thời gian ấy, Chúa đã ban cho em có thêm một cơ hội mới, là được một người hàng xóm truyền lại nghề sửa xe và giao đồ nghề để em “hành nghề”. Từ đó, em con buổi sáng đi học, buổi chiều sửa xe, khách không đông nhưng Chúa ban ngày nào cũng có và cuộc sống của chị em chúng con thật giống với tâm tình của thánh vịnh 126, câu:
 
Kẻ được Chúa thương dù có ngủ
Ngài vẫn ban cho đủ tiêu dùng.
 
Khi thấy các em đã lớn, Chúa lại định liệu để con thay Ba lo cho em được đến trường giáo lý, cũng trong những năm đó các em được lãnh nhận các Bí tích. Nhìn các em sốt sắng trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng, với nến sáng trong tay, lúc ấy con vui mừng hạnh phúc, thì thầm cảm tạ Chúa.
 
Tuy nhiên, cuộc sống với những trách nhiệm và lo lắng, với những niềm vui và nỗi buồn, với những hấp lực không thể cưỡng lại đã lôi kéo những suy nghĩ của con chạy theo vòng xoáy ấy. Khi cánh cửa tuổi trưởng thành dần mở ra, trong con cũng nô nức chuẩn bị những ước mơ, hoài bão để bước vào và lúc ấy con không còn nhớ mình đã từng có một ước mơ mà nay đã bị quên lãng. Nhưng có lẽ với Chúa, Chúa chẳng quên bao giờ. Ngài vẫn dõi theo con từng ngày, nhưng chưa phải lúc để nhắc nhớ con.
 
Theo định kỳ, mỗi khi hè về con lại đưa các em về thăm Nội khoảng 2, 3 tuần. Đây là thời gian chị em chúng con được chơi thỏa thích, được gặp gỡ, chia sẻ, được yêu thương. Năm đó, con vừa học xong lớp 11. Cô thấy con đã lớn liền đặt vấn đề với con. Cô hỏi: “ L., năm sau tốt nghiệp rồi cháu tính vô dòng nào?” Nghe cô hỏi, con không khỏi giật mình, một cảm giác thật lạ, vừa xấu hổ, vừa sợ vì đó là những kỷ niệm con muốn chôn dấu nên con chẳng biết trả lời sao. Con đành trả lời: “để con suy nghĩ lại đã”. Nghe câu ấy, sự thất vọng hiện lên trên khuôn mặt gầy guộc của cô. Cô lại tiếp: “chắc bây giờ có người yêu rồi nên không đi tu nữa đúng không?”. Con chỉ biết im lặng và chạy trốn. Tưởng mọi chuyện sẽ kết thúc ở đó, nhưng khi trở lại với cuộc sống thường ngày, khi trở về với sự thinh lặng của cõi lòng, những khát vọng linh thiêng thâm sâu cứ từ từ trở về cho con thấy được con đang muốn gì? Chúa đã dành cho con một năm để suy nghĩ, cầu nguyện và con đã nhận ra ý Chúa. Anh chị nghe biết ý định của con, Anh Hai đã thu xếp công việc để về chăm sóc hai em; còn chị kế liên lạc với một số Dòng, nhưng con đều cảm thấy không hợp. Trong khi chị ấy đang trong bế tắc thì ý Chúa đã tỏ lộ, Ngài đã cho chị gặp được dì Chistina Nguyễn Thị Hồng, trong dịp Dì về thăm gia đình ở Phan Thiết. Khi con nghe Chị cho biết con sẽ đi vào dòng Đa Minh, dù mới nghe tên này lần đầu tiên, nhưng con cảm thấy rất thích và con đồng ý ngay, chỉ sau vài ngày chị con đã về và đưa con đi tu. Từ đó, dòng sông cuộc đời con âm thầm rẽ lối, bước sang một vùng đất mới.
 
3. TIẾN VÀO ĐẤT HỨA
 
Con còn nhớ khi dân Chúa được lệnh lên đường tiến vào đất hứa thì họ đã phải trải qua bao nhiêu thử thách, được Chúa thanh luyện 40 năm trong sa mạc để nhận ra đường lối của Chúa, còn với con thì trong 10 năm, là thời gian đặc biệt để Chúa thanh luyện ý muốn làm con Chúa và nhận ra ơn gọi dâng hiến của mình. Giờ đây, Chúa dẫn con ra khỏi cái nóng, cái gió, cái khát của sa mạc. Ngài cho con tiến vào miền đất hứa, đó là nơi Ngài đã định sẵn cho con.
 
Vào buổi sáng ngày 31/08/2001, chuyến xe khách Đà Lạt – Sài Gòn đã đưa chị gái và con đến cổng nhà Dòng Đa Minh Tam Hiệp và cũng từ ngày đó, con được chính thức gia nhập Đệ Tử Viện, bắt đầu tìm hiểu đời sống hiến dâng. Bốn năm êm đềm trôi qua, nơi mái nhà Đệ Tử, con được đi học, được thực tập sứ vụ dạy học, mỗi khi chiều về lại được bồi dưỡng kiến thức Thánh khoa, nhân bản và đặc biệt được đến với Chúa. Nơi đây, con đã tìm thấy được ơn gọi của mình. Tuy nhiên, cái thuở ban đầu ấy không khỏi gian nan: con như một con sông hoang sơ từ sa mạc, được Chúa đưa về với đầy bụi rậm và gai góc, con nhìn mình thật khác lạ giữa chị em, nên cần chỉnh sửa lại mọi sự và con được quý Dì Giáo tận tình dạy bảo rất cẩn thận, nhất là dì Giám đốc, dường như dì rất hiểu tính cách của con nên Dì rất nghiêm khắc mặc cho con có kêu la. Nhờ đó, con mới được như ngày hôm nay. Con rất biết ơn Dì.
 
Bốn năm nơi mái nhà Thỉnh viện là một khoảng thời gian tương đối, nhưng chưa đủ để huấn luyện một con người. Vì thế, con tiếp tục được Mẹ Hội Dòng yêu thương mời gọi con bước vào thao trường mới, để thử luyện tình yêu non trẻ của con với Chúa. Nơi môi trường Tiền tập viện, con được trải nghiệm qua 4 công tác: dạy giáo lý, ra đồi chè, thăm viếng và kèm toán cho các em cấp II. Công việc hái chè, cuốc đất, tuy con có biết nhưng chưa thực hành bao giờ.
 
Ngày 06/08/2006, con được Mẹ Hội Dòng mời gọi tiến thêm một bước quan trọng nữa trong hành trình ơn gọi. Con bước vào năm Tập ngặt, một năm trong cô tịch chỉ con với Chúa, giống như lời bài hát:
 
“Trong tâm tư sâu lắng, con nhìn Chúa, Chúa nhìn con. Tuy đôi bên chưa nói nhưng đã hiểu nhau thật nhiều…”.
 
Thời gian ấy cho con cảm nghiệm sâu xa về sự thánh thiện của Chúa và đồng thời, con nhận ra thân phận mọn hèn, yếu đuối của mình, nên con càng khao khát Chúa hơn.
 
Một năm hồng phúc cũng trôi qua, con cùng các chị em đón nhận hồng ân năm tập
 
2. Lần đầu tiên lãnh Bài Sai Sứ Mệnh, con được sai đến Tu viện Mẹ Vô Nhiễm, Bình Thạnh với công tác dạy trẻ. Công việc này tuy con đã quen, nhưng có lẽ tâm tình bây giờ có khác. Nhờ sự yêu thương nâng đỡ và chỉ dẫn tận tình của quý Dì, con đã hoàn thành một năm sứ vụ trong bình an và ân sủng. Hết thời gian thực tập, qua được trở về lại căn gác lầu tĩnh lặng của Tập viện để chuẩn bị cho hiến lễ đầu đời của mình. Trong suy nghĩ và cầu nguyện, con thấy mình khao khát tiến lên, nhưng con cũng lo sợ vì thấy mình rất yếu đuối và bất xứng.
 
Ngày tiên khấn của con gần đến, con nhận được tin Mẹ con sẽ không tham dự vì Mẹ ngại đến nhà thờ. Nghe tin ấy, con có một chút buồn và con đã tâm sự với dì Giáo tập, Dì đã xin số điện thoại của Mẹ và sau đó con nhận được tin mẹ đã đổi ý. Ngày tiên khấn, con rất hạnh phúc vì cảm nhận được tình Chúa thương con, tình thương của Mẹ Hội Dòng và sự hiện diện của Mẹ con như một lời đồng ý chấp nhận sự chọn lựa của con. Con xin chân thành cảm ơn Dì Giáo. Tối hôm đó, con chẳng biết Dì đã nói gì với Mẹ con, nhưng sau đó những lần con về quê Mẹ đều hỏi thăm: “Sơ ấy khỏe không? Sơ ấy đang ở đâu?”; và cũng từ đó, Mẹ bắt đầu quan tâm đến đời tu của con.
 
Sau hồng ân tiên khấn, con bước vào mái trường Học viện Thần học. Ba năm Thần học củng cố thêm tình yêu và niềm tin của con đối với Chúa và con cũng thỏa được phần nào khao khát hiểu biết về Chúa, đồng thời cũng thắp lên trong con ngọn lửa nhiệt tâm muốn ra đi loan báo Tin Mừng, nhưng con cũng phần nào cảm nghiệm được niềm vui và sự khó khăn nơi cánh đồng ấy, khi con được đến thăm các bệnh nhân ung thư tại bệnh viện Ung Bướu vào mỗi chiều thứ ba hằng tuần. Con cảm thấy đau đớn và bất lực trước nỗi đau của họ và nhờ họ, con thấy được con luôn cần có Chúa, Chúa mới là tất cả đời con.
 
Kết thúc ba năm thần học, con được lệnh lên đường đến với tu xá Lòng Chúa Thương Xót– Giồng Riềng – Kiên Giang. Thời gian đầu đối với con thật khó khăn, bởi cảnh vật buồn ảm đạm, vào mỗi buổi chiều về căn nhà rộng lớn đi mãi mà chẳng thấy người đâu, nhìn phía trước là con sông rộng lớn với những cánh lục bình trôi lững thững, phía sau là cánh đồng nước mênh mông, những ngôi mộ trắng nhấp nhô, xa xa là những ngôi nhà lá nghèo nàn. Phải mất một thời gian, con mới thích nghi được và con cũng tìm được niềm vui trong sứ vụ. Mỗi sáng, con và một Dì đi vào các con kênh, để thăm hỏi và dạy giáo lý, có khi phải đi xa 20-30 km, vì họ không có phương tiện hay vì tuổi tác không cho phép. Chiều về, con được ra giúp cho một Giáo họ mới thành lập. Sau một năm, con đã học được nhiều điều từ người nghèo. Nơi nỗi khổ của họ, con nhận ra được cơn khát của Chúa trên thập giá. Nhờ đó, con cảm thấy đời tu của mình có ý nghĩa thật sự.
 
Năm thực tập thứ hai, con được về  tu viện Mẹ Fatima, để tiện cho việc chữa bệnh. Nơi đây, một lần nữa, con được trao công tác dạy trẻ, dạy giáo lý ở giáo xứ Tân Hòa. Với công tác dạy trẻ, tuy lúc đầu hơi có căng thẳng một chút, vì phải nói từ sáng đến chiều, lúc nào cũng ồn ào… Tuy nhiên, khi đến với các em bằng tình thương và lòng nhân từ thì con nhận được rất nhiều tình cảm, sự dễ thương đơn sơ từ các em dành cho con. Nơi các em, con học biết được cách biểu lộ tâm tình với Chúa.
 
Nhìn lại những chặng đường đã qua, 32 năm hành trình, con thấy đời con như một phép mầu mà chính Chúa đã thực hiện. Nhưng với con, con còn quá nhiều thiếu sót, bởi biết bao hồng Chúa đổ xuống trên con, nhưng con chỉ nhận ra khi con đã đi qua. Giờ đây, con xin mượn những tâm tình của Thánh vịnh để bày tỏ tâm tình của mình.
 
Lạy Chúa con tưởng nhớ bao việc Ngài làm
Tưởng nhớ những kỳ công thuở trước
Mọi hành động của Ngài con nhẩm đi nhắc lại
Sự nghiệp Ngài con sẽ gẫm suy
 
Và trước tình thương bao la của Chúa, con xin dệt đời con thành bài ca để mãi mãi cất lời tạ ơn.
 
Kế đến, con xin tri ân Mẹ Hội Dòng đã giang tay đón nhận con, để dòng sông cuộc đời con tiếp tục vận hành trên con đường hoàn trọn ơn gọi của mình. Đặc biệt, con xin tri ân quý Dì Giáo, các chị em cùng đồng hành với con, cho con sự hiện diện, niềm vui, sự cọ xát để mỗi ngày, con được nên hoàn thiện hơn.
 
Cuối cùng, xin hướng về những người thân yêu trong gia đình với lòng biết ơn sâu xa đã dành nhiều tình thương, sự hy sinh để con có được như hôm nay.
  
 
Sr. Anna PTBL
http://daminhtamhiep.net

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Tin Giáo phận