Thứ Tư Tuần I Mùa Chay

Đăng lúc: Thứ tư - 25/02/2015 02:36 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Tư, sau Chúa Nhật I Mùa Chay

Bài đọc I: Gn 3, 1-10
Lời Chúa phán cùng Giona rằng: "Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi". Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ". Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
 
Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: "Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?" Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó. Đó là lời Chúa.

 
Tin mừng: Lc 11,29-32
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".

 
Suy Niệm
Mặc dù được nghe rất nhiều lời giảng dạy và chứng kiến không ít những phép lạ Chúa Giêsu làm. Nhưng người Do Thái thời Chúa Giêsu vẫn cứng lòng, không ăn năn hoán cải. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quở trách họ rất nặng lời.
 
Xin đừng để chúng ta đi vào vết xe củ như người Do Thái xưa. Nhưng cho chúng ta biết khiêm tốn đón nhận Lời Chúa và Giáo Huấn của Giáo Hội chỉ dạy mà hoán cải đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.
 
"Người buồn cảnh có vui bao giờ". Việc thay đổi con người không hệ tại ở hình thức bên ngoài, nhưng trước hết là phải thay đổi tận cõi lòng, thay đổi não trạng và cái nhìn. Dù có chứng kiến bao là phép lạ, dù có vỗ tay ca ngợi không ít những lời hay ý đẹp của Chúa Giêsu, rốt cùng họ vẫn không tin.
 
Như hết cách, Chúa Giêsu đành phải thốt lên: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin điềm lạ. nhưng chúng sẽ không thấy được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Gio-na”.
 
Như một cố gắng cuối cùng, Chúa Giêsu đã dùng lại hai câu chuyện ngày xưa, hy vọng họ suy nghĩ lại mà thay đổi não trạng.
 
Nhắc lại chuyện Gio-na ngày xưa (bài đọc I), nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa chỉ lời rao giảng miễn cưỡng của Ngôn sứ Giona. Vậy mà cả thành Ninivê, từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến súc vật đều ăn chay, sám hối và khẩn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có Người còn hơn Giona. Đấng mà Giona loan báo đã đến và rao giảng vậy mà họ lại không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn!
 
Nhắc lại câu chuyện nữ hoàng phương nam vượt đường xa vạn dặm, bất chấp khó khăn, tốn kém đến để diện kiến vị vua khôn ngoan là Salomon. Bà ta đã toại nguyện, hết lòng cảm phục sự khôn ngoan của nhà vua. Nhưng ở đây còn trọng hơn vua Salomon nữa, vì Người chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là vua trên hết các vị vua. Thế mà họ chẳng thèm nghe. Thật đau lòng!
 
Chính lòng tự mãn và mù quáng đã làm hỏng hết mọi ơn phúc, vì thế không còn cách nào để tự chữa mình được nữa.
 
Xin cho chúng ta đừng như thế hệ Do Thái xưa mù quáng và tự mãn, nhưng trở nên giống dân thành Ninivê và nữ hoàng phương nam mau mắn lắng nghe lời Chúa và quyết tâm ăn năn sám hối; cũng như biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều khiếm khuyết, thiếu sót, tật xấu và tội lỗi, để theo sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn mà sửa đổi đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.
 
 
SUY NIỆM 2:
1. Dấu lạ và lòng tin
Người ta, có khi cả chính chúng ta nữa, thường nghĩ rằng, khi thấy điều lạ lùng thì sẽ tin. Nhưng kinh nghiệm thực tế cho chúng ta biết, nhìn thấy không tất yếu dẫn đến lòng tin: Con cái Israel chứng kiến mười dấu lạ, nhưng vừa ra khỏi Ai Cập gặp thách đố đã kêu: “Bên Ai Cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc?” Thiên Chúa sẽ làm dấu lạ lớn hơn nữa cho họ, đó là mở đường đi ngay trong lòng biển cả (x. Tv 77, 20-21). Nhưng khi vừa đi qua Biển Đỏ khô chân, vào sa mạc thiếu nước, họ tiếp tục kêu; và sẽ còn kêu hoài, mỗi khi gặp khó khăn thử thách.
Các vị kinh sư và Pha-ri-sêu chứng kiến Đức Giê-su làm dấu lạ, nhưng họ lại nói: đó là nhờ tướng quỉ Bêendêbun; họ chứng kiến Ngài chữa lành, thì họ dựa vào lề luật để lên án Chúa. Dưới chân Thập Giá, họ vẫn cứ dòi dấu lạ: “Xuống khỏi Thập Giá đi, để chúng ta thấy, chúng ta tin”.
Dấu lạ không tất yếu dẫn đến lòng tin, vì dấu lạ tự nó rất khó xác minh; hơn nữa, nếu có dấu lạ thực sự, thì dấu lạ chỉ xẩy ra một lần hay vài lần, tại một nơi và trong một thời điểm nhất định. Bởi vì, chẳng lẽ, ngày nào Chúa cũng phải làm dấu lạ cho chúng ta tin? Trong khi tin, là tin ở mọi nơi và mọi lúc, tin suốt đời; tin là một quà tặng, là đặt đời mình vào tay người khác, vào tay người bạn đời, vào tay Hội Dòng, vào bàn tay của Chúa; tin những khi có dấu lạ, và tin cả khi không có dấu lạ, khi đầy khó khăn thử thách, như lời Thánh Vịnh nói: “Tôi đã tin cả khi mình đã nói: ôi nhục nhã ê chề”.
Và như chúng ta có kinh nghiệm, những ngày không có dấu lạ, những ngày bình thường, những ngày thử thách và đau khổ mới là nhiều trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng kinh nghiệm đức tin cũng cho chúng ta thấy rằng, khi tin rồi, chúng ta sẽ có một tâm hồn biết chiêm ngắm, nhận thấy cái gì cũng lạ (1) .
2. Dấu lạ đời mình
Tương quan giữa “thấy” và “tin” hiểu như trên giúp chúng ta hiểu được phần nào câu trả lời gay gắt đến bất ngờ của Đức Giê-su:
Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. (c. 29)
Đức Giê-su đã không làm theo yêu cầu của họ, vì nếu có làm dấu lạ cho họ xem, cũng vô ích, bởi lẽ đó là lòng ham muốn những điều lạ; thế mà, lòng ham muốn thì không có giới hạn, như dân Do Thái ở trong sa mạc: đã thấy một, thì đòi hai, thấy hai, thì đòi ba; thấy dấu lạ từ đất, thì đòi dấu lạ từ trời, thấy dấu lạ nhỏ, thì đòi dấu lạ to, thấy dấu lạ to, thì đòi dấu lạ to hơn… cứ như thế, không bao giờ cùng. Thay vì làm dấu lạ cho họ xem, Đức Giêsu mời gọi họ:
a. Trở về với chính mình, khi gọi họ là “một thế hệ gian ác”. Nghĩa là họ phải xét lại mình đã sống với tha nhân như thế nào? Với anh em, chị em của mình như thế nào, với những người trong gia đình thế nào?
b. Ngoài ra, Ngài còn mời gọi họ hãy nhớ lại lịch sử cứu độ:
- Nhớ lại lời mời gọi hoán cải của ngôn sứ Giona, như một dấu lạ. Nhớ lại sự khôn ngoan của vua Salomôn, như một dấu lạ. Và đó là những dấu lạ rất đời thường.
- Nhớ lại hình ảnh lạ lùng: ngôn sứ Giona trong bụng kình ngư, dưới lòng biển cả, được Thiên Chúa cứu thoát.
3. Dấu lạ Đức Giê-su Ki-tô
Và chính Đức Giê-su mà họ đang nghe, mà chính chúng ta vẫn lắng nghe và rước vào lòng mỗi ngày trong Thánh Lễ, là một Dấu Lạ; Ngài là dấu lạ, lớn hơn mọi dấu lạ, khi Ngài để cho mình bị đóng đinh ở trên Thánh Giá. Đức Ki-tô chịu đóng đinh chính là dấu lạ hoàn tất mọi dấu lạ:
- dấu lạ trong lời mời gọi hoán cải, 
- dấu lạ trong sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, 
- dấu lạ mạc khải tình yêu thương xót, 
- dấu lạ mặc khải khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, 
- dấu lạ chiến thắng ý muốn chết chóc của con người, chiến thắng Tội và Sự Dữ,
- và dấu lạ chiến thắng Sự Chết.
* * *
Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra bản thân và cuộc đời của chúng ta cũng là một dấu lạ, qua đó, chúng ta nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa, chúng ta nghe được tiếng gọi và tín thác đi theo Chúa trong ơn gọi gia đình, hay ơn gọi thánh hiến, để ca tụng, tạ ơn và tôn vinh Chúa suốt đời.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ, sẽ có những hệ quả nghiêm trọng: (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có là ơn huệ Thiên Chúa không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Trong thâm tâm, không chấp nhận thân phận bình thường của mình và không liên đới với thận phận bình thường của người khác, khi mình đòi dấu lạ. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (x. St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (x. Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.

Suy nim 3:

Khi đọc chuyện ông Giôna người Galilê, ai cũng nhớ ông đã bị cá nuốt ba ngày.
Sau đó ông lại được cá khạc ra trên đất liền mà vẫn còn sống.
Nhưng điều đáng nhớ hơn là sau kinh nghiệm đó Giôna đã biết vâng phục Chúa.
Ông chấp nhận đi giảng cho dân Ninivê, một dân ngoại ở vùng là Irắc bây giờ.
Thật không ngờ, lời rao giảng của ông đã kéo cả nước vào một cuộc hoán cải,
Từ vua đến dân, thậm chí cả súc vật, đều ăn chay, sám hối việc mình làm.
Thái độ của họ đã làm Đức Chúa đổi ý, không đoán phạt nữa.
Đức Chúa không muốn trừng phạt, Ngài chỉ mong con người sám hối.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nỗi buồn của Đức Giêsu
khi dân chúng đòi dấu lạ, dù họ đã thấy nhiều phép lạ của Ngài.
Dấu lạ ở đây phải hiểu là một điềm báo hoành tráng từ trời
để chứng thực về con người và sứ mạng của Ngài.
Khi bị cám dỗ trong hoang địa, Ngài đã không nhảy xuống từ nóc Đền thờ.
Ngài không muốn mua lòng tin của con người bằng một cử chỉ ngoạn mục.
Bây giờ Ngài cũng dứt khoát từ chối:
“Họ sẽ không được ban một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna”.
Dấu lạ ông Giôna không phải là chuyện ông bị cá nuốt mà còn sống.
Dấu lạ là chính con người của ông với việc rao giảng của ông.
Dân Ninivê đã sám hối khi nghe Giôna giảng,
nhưng thế hệ đương thời với Đức Giêsu đã từ khước Ngài.
Họ là một thế hệ gian ác (c. 29) vì không chịu sám hối.
Đây còn hơn Giôna, đây còn hơn Salômôn” (cc. 31-32).
Đức Giêsu đã không thành công bằng hai ông này.
dù lời giảng của Ngài còn khôn ngoan hơn lời của vua Salômôn
và thuyết phục hơn lời giảng của ngôn sứ Giôna.
Dân Ninivê và nữ hoàng Shêba sẽ kết án thế hệ này vì sự cứng cỏi của họ.
Mùa Chay là thời gian đọc lại những chuyện lạ Chúa đã làm cho đời mình.
Có những chuyện bề ngoài tưởng là chuyện tự nhiên hay ngẫu nhiên.
Chỉ ai biết nhìn mới thấy lạ.
Có khi chúng ta vẫn thèm Chúa làm một cái gì đó thật kinh khủng
để ta mạnh mẽ đổi đời và từ bỏ hoàn toàn nếp sống cũ.
Làm sao để lòng sám hối đến từ việc nhận ra những chuyện nhỏ bé
mà Chúa vẫn làm cho ta mỗi ngày nhiều lần?
Cầu nguyn:

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Dấu lạ ngôn sứ Giôna
 
Dân thành Ninivê đã nghe lời ông Giôna rao giảng, họ đã sám hối và bỏ đàng tội lỗi, nhờ thế mà thoát được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Ong Giôna đã nên dấu lạ cho dân thành Ninivê. Điều đáng nói là Ninivê là thành phố dân ngoại, còn Giôna chỉ là một ngôn sứ. Vậy mà lời rao giảng đã đạt được hiệu quả đến bất ngờ. Còn hiện tại thì sao? Chúa Giêsu chắc chắn là hơn Salômôn và hơn cả Giôna, trong khi đó Israen là dân ưu tuyển. Thế nhưng, những người đồng bào của Chúa Giêsu đã không đếm xỉa gì đến lời giảng của Người, họ còn muốn thách thức Chúa phải làm một dấu lạ ngoạn mục để họ thấy mà tin. Nguyên sự hiện diện của Chúa Giêsu đã là một dấu lạ vô cùng lớn lao, nếu người Israen nhận ra. Vì thế, chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào khác.
Lời Chúa trong Kinh Thánh đủ để người tín hữu trong Mùa Chay này phải sám hối và canh tân đời sống cho phù hợp với tư cách là con cái Chúa, không cần phải có dấu lạ nào nữa.
Lm.Giuse Nguyễn Văn Thông
 
Từ khóa:

tố cáo, lên án, sám hối

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận