Thứ Tư Tuần 14 Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 09/07/2014 01:45 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ TƯ TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN.


Bài đọc (Hs 10, 1-3. 7-8. 12)

Israel là cây nho xanh tốt, hoa trái xứng hợp với nó. Ðất càng màu mỡ, thì càng thêm các tượng thần. Lòng dạ chúng phân đôi, giờ đây chúng sẽ đền tội. Chúa sẽ đánh vỡ các tượng thần và phá tan các bàn thờ của chúng. Bấy giờ chúng sẽ nói: “Chúng ta không có vua, vì chúng ta không kính sợ Chúa: và nhà vua sẽ làm gì cho chúng ta?”. Samaria đã làm cho vua mình qua đi như bọt nước. Những nơi cao dựng tượng thần sẽ bị phá huỷ: Ðó là tội lỗi của Israel! Cây ké và gai góc sẽ mọc trên bàn thờ chúng. Chúng sẽ nói với núi non rằng: Hãy che lấp chúng ta đi. Chúng sẽ nói với đồi rằng: Hãy đổ xuống trên chúng ta cho rồi! Các ngươi hãy gieo rắc sự công chính và sẽ gặt mùa nhân từ. Các ngươi hãy khai khẩn những khu đất mới: Ðây là lúc phải tìm kiếm Chúa, khi Người đến, Người sẽ dạy dỗ sự công chính cho các ngươi.




Tin Mừng (Mt 10, 1-7)

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền. Ðây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người. Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: “Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã gần đến’”.



Suy Niệm 1: Chọn các Tông Ðồ

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.
Chúa Kitô quả thật đã thành lập một Giáo Hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Do đó, tiếp nhận quyền bính trong Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho các đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô. Ðây chính là nền tảng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo Hội, và cũng không còn là hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Ðức Giáo Hoàng.
Dân chủ vốn là một phạm trù dễ bị lạm dụng. Ngay tại những nước có dân chủ thực sự, thì hai chữ "dân chủ" cũng bị lạm dụng không kém. Khi một luật pháp bất công như luật cho phép phá thai chẳng hạn được số đông bỏ phiếu tán thành, phải chăng đây không phải là một lạm dụng của trò chơi dân chủ. Giáo Hội luôn đề cao tinh thần dân chủ đích thực, nhưng Giáo Hội không hề là một chế độ dân chủ, trong đó các thành phần có thể bỏ phiếu chọn người lãnh đạo hoặc tán thành một khoản luật. Giáo Hội cũng chẳng là một tổ chức mà người ta có thể xếp vào bất cứ chế độ nào. Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, chân lý chúng ta phải tuyên xưng là do Chúa Kitô mạc khải và ủy thác cho các Tông Ðồ, và truyền lại cho các đấng kế vị các ngài. Luật phải giữ cũng chính là luật của Chúa Kitô đã ủy thác cho các Tông Ðồ và các đấng kế vị các ngài. Tiêu chuẩn cho biết một thành phần Giáo Hội có hiệp thông với Giáo Hội hay không, là tinh thần tuân phục đối với quyền bính của những đấng kế vị các Tông Ðồ.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần khiêm tốn, để luôn luôn biết đón nhận và tuân phục giáo huấn của Ngài được ủy thác cho các Tông Ðồ và Giáo Hội. Xin Chúa gìn giữ Giáo Hội được hiệp thông quanh đấng kế vị thánh Phêrô mà Chúa đã đặt làm thủ lãnh Giáo Hội.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 2: Một Hội Thánh bên ngoài Hội Thánh

Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Dọc đường hãy rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần.” (Mt. 10, 1. 7)
Sai đi truyền giáo
Khi Chúa sai các Tông đồ đi truyền giáo, Chúa cho các ông một chỉ thị rất rõ ràng: “Tốt hơn là anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà It-ra-en”. Vậy là có những người mà các tông đồ phải ưu tiên đến với họ. Họ không phải là dân ngoại, cũng không phải là những người xa xăm chưa biết Chúa. Những người đầu tiên mà các môn đệ phải đi tới, đó là những đồng bào của các ông đang sống bất trung và tội lỗi. Các ông phải đến với họ. Các ông phải ra đi tiếp xúc gặp gỡ để loan báo cho họ biết rằng Nước Trời đã đến gần.
Hãy đi ra bên ngoài giáo hội
Chỉ thị trên đây của Chúa, ta hãy đem ra áp dụng đúng vào hoàn cảnh hôm nay của ta. Những người mà ta phải nói cho họ biết về Chúa, lại đang ở rất gần ta. Họ là những người đồng hương với ta. Họ là những người bà con lối xóm của ta. Họ là những người cùn nghề cùng sở làm với ta. Nhưng ta phải đến với họ nhân danh Chúa Giêsu, có nghĩa là vì hạnh phúc đời đời của họ mà ta phải đi bước trước, phải tới gõ cửa nhà họ để giới thiệu cho họ biết có một đấng luôn yêu thương họ, và quan tâm đến vận mệnh đời đời của họ. Bởi vì rất có thể là họ sẽ không đến với ta và Giáo hội.
Có một thời Giáo hội đã quá quen với nếp sống ù lì là thích tiếp nhận những kẻ đến với mình hơn là ra đi đến với họ. Thời đó nay đã qua rồi. Giáo hội không thể là một biệt khu khép kín. Các linh mục không thể chỉ luẩn quẩn làm việc trong nhà xứ. Các tín hữu không thể chỉ coi mình là những nhà truyền giáo cho những người đang sống trong lòng Giáo hội mà thôi. Đã đến lúc phải vượt ra bên ngoài Giáo hội, phải ra khỏi các phòng hội họp của giáo xứ để đi đến những nơi công cộng, để thâm nhập vào mọi nơi, mọi tầng lớp xã hội. Để chu toàn sứ mệnh của mình, Giáo hội phải tỏ mình ra và hành động ở bên ngoài các nhà thờ. Nếu chỉ có ở tại nhà thờ, ta mới biết làm chứng lòng tin của mình, thì thiết tưởng ta vẫn chưa phải là những chứng nhân theo như Chúa muốn.
 

Suy niệm 3: PHẢI TRUYỀN GIÁO

Truyền Giáo là bản chất của Giáo Hội. Nếu không truyền giáo, chúng ta đánh mất bản chất của mình. Vì thế, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định “Giáo Hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo Hội truyền giáo trong tương lai, bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội” (Thông điệp Tertio Millennio Adveniente, số 57). Bởi vì Giáo Hội coi: “Truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi xứng hợp, và là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” ( Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 14).
Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ chung chia sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Sứ mạng ấy là: hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi hầu cho“muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
Cùng sứ mạng, Chúa cũng mời gọi chúng ta, những kitô hữu, mỗi người một cách, hãy loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi bằng nhiều cách thế khác nhau để cho muôn dân được nhận biết ơn cứu độ.
Mong sao, lệnh truyền của Đức Giêsu “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), và thái độ, ý thức về truyền giáo của thánh Phaolô cũng là của chính chúng ta: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng”(1Cr 9, 16).
Lạy Chúa, xin ban ơn trợ lực cho các nhà thừa sai trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, để các ngài chu toàn bổn phận đã được trao phó, đồng thời cũng xin cho chúng con được trở nên môn đệ và được tiếp bước với Chúa trên cánh đồng mênh mông bao la hiện nay. Amen.


Suy niệm 4: ĐẾN CÙNG CHIÊN LẠC

“Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.” (Mt 10,6)
Suy niệm: Khoa sư phạm nào cũng cần sự tiệm tiến. Sống cho phải đạo với người nhà trước rồi mới ra đến người ngoài, Chúa Giê-su cũng theo trình tự này khi sai các môn đệ đi truyền giáo. Ngài muốn cho Tin Mừng Nước Thiên Chúa đến với những người đã được chọn làm dân riêng Thiên Chúa trước khi lan toả đến mọi dân tộc. Điều này quả là phù hợp với công việc Phúc Âm hóa gia đình mà Giáo Hội Việt Nam đang cổ võ trong năm 2014 này.
Mời bạn: Thật không dễ đến với chiên lạc để đưa chiên đó về đàn chiên của Chúa nhất là đó lại là người nhà của mình. “Người đã đến trong nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11), đó là kinh nghiệm đáng buồn của Chúa Giê-su khi đến trần gian. Nhưng Ngài vẫn không bỏ cuộc khi tiếp tục sai môn đệ đến với họ. Sự quyết tâm, tình yêu thương và sự nhẫn nại sẽ giúp ta làm tốt công việc khó khăn này.
Chia sẻ: Bạn cũng được sai đến trước hết với những người thân trong gia đình, gia tộc của bạn. Có biết bao người thân của bạn vốn là Ki-tô hữu nhưng hiện không sống đạo! Và hệ quả là biết bao con cháu của họ đã không được nghe biết về Chúa! Và còn đông hơn gấp bội phần, những anh chị em đồng bào với chúng ta… Và bạn đang làm gì để dẫn họ về với Giáo Hội là đoàn chiên của Chúa Giê-su?
Sống Lời Chúa: Lời cầu nguyện và gương sáng là phương cách trước hết và hữu hiệu nhất để giúp mọi người trong gia đình hoán cải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con lòng nhẫn nại, tính hiền hòa và lòng quả cảm để con luôn nhiệt thành trong sứ mạng truyền giáo.


Suy niệm 5

Lạy Chúa, khởi đầu đoạn Tin Mừng hôm nay cho con thấy được tình thương của Chúa khi Chúa ban cho các môn đệ cùng một quyền năng như Chúa: “Ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1). Đó là quyền năng Chúa ban cho các môn đệ, còn Chúa thì: “Đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9,35). Điều đó cho con thấy được khi con rao giảng Tin Mừng của Chúa là con đang thi hành cùng một hành động của Chúa.
Kế đến là việc Chúa kể tên đích danh 12 “Tông Đồ” của Chúa. Đây là lần đầu tiên và duy nhất Chúa dùng chữ “Tông Đồ” để phân biệt với các “Môn Đệ”.  Môn Đệ là tất cả những người tin vào Chúa, còn Tông Đồ là những người được Chúa chọn gọi một cách đặc biệt để làm lãnh đạo đoàn chiên của Chúa. Việc Chúa kể tên đích danh từng Tông Đồ cho con thấy các Linh Mục là những người được Chúa yêu thương chọn gọi một cách đặc biệt. Từ đó nhắc nhở con phải có thái độ kính trọng, yêu mến và cộng tác với các Linh Mục vì họ là những người được Chúa tuyển chọn.
Sau khi đã kể tên từng Tông Đồ, “Đức Giêsu đã sai mười hai ông ấy đi” (Mt 10,5a). Điều này cũng nhắc nhở các Linh Mục của Chúa biết rằng mình là những người được Thiên Chúa sai đi. Chính vì vậy hãy nhớ rằng sứ mạng của mình xuất phát từ Thiên Chúa, nên phải làm theo ý Thiên Chúa. Con nhớ lại lời nhắc nhở của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc:“Không được dùng lời Chúa để la mắng giáo dân, phê bình chỉ trích những người vắng mặt. Lời Chúa là Sự Sống và là sứ điệp tình yêu. Không được tự ý mình biến Lời Chúa thành lời phán xét” (Giảng gì?, CGvDT 1810, trang 16).
Sau cùng là những chỉ thị cụ thể của Chúa: “Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samaria. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 10,5b-6). Những chỉ thị này con thấy có phần cục bộ. Tại sao lại chỉ đến với“các con chiên lạc nhà Israel” mà không đến với tất cả mọi người? Nhưng sau khi đọc kỹ Tin Mừng con thấy được đó là sự khôn ngoan của Chúa, Chúa là một nhà sư phạm tuyệt vời. Chúa dạy con phải biết bắt đầu từ những chuyện nhỏ, chuyện dễ, sau đó mới đến những chuyện lớn hơn, khó hơn. Cụ thể hôm nay Chúa chỉ khuyên các Tông Đồ đến với các chiên lạc nhà Israel, nhưng đến cuối quyển Tin Mừng này thì giới hạn của Chúa không còn nữa, mà là: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19).
Lạy Chúa, xin cho con ý thức trách nhiệm truyền giáo của mình, vì đó vừa là mệnh lệnh của Chúa, vừa là tình yêu của Chúa cho con được tham gia vào sứ mạng của Ngài. Xin cho con biết nghe lời Ngài dạy để chỉ quan tâm, thao thức làm theo thánh ý của Chúa chứ không phải rao giảng lời của con và bản thân con. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa đã làm người để con người làm con cái Thiên Chúa. Chúa đã đến để thánh hoá chúng con nên con người mới. Con người của ân sủng thay cho con người cũ đã chết bởi tội lỗi xâm nhập vào thế gian và làm băng hoại bản tính loài ngưới chúng con. Xin thanh tẩy con người chúng con nên thanh sạch, vẹn tuyền hầu xứng đáng là hoạ ảnh của Chúa giữa trần gian.
Lạy Chúa, cánh đồng truyền giáo thật mênh mông bát ngát. Chúa đã nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá hoại bằng biết bao trò chơi đồi trụy. Qua sách báo, phim ảnh xấu đã len lỏi vào tâm hồn chúng con những tư tưởng lỗi đức trong sạch. Xin Chúa ban cho giáo hội nhiều tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng con đang sống. Xin Chúa cũng ban thêm sức mạnh để chúng con làm chủ tư tưởng và ước muốn của mình luôn thanh sạch, và dám can đảm tẩy trừ sự ô uế nơi chính bản thân chúng con.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thao thức trước cảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, xin hãy sai chúng con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa. Dù phận hèn sức yếu nhưng chúng con vẫn xin được là khí cụ gieo vãi yêu thương và bình an cho thế gian. Amen.


Suy niệm 6
 
1. Ơn gọi
Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu kể lại cho chúng ta ơn kêu gọi của các Tông Đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ giúp chúng ta hiểu được ơn gọi của chính chúng ta ; bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là khuôn mẫu của mọi ơn gọi ; và mọi ơn gọi đều khơi nguồn từ ơn gọi của các Tông Đồ và tham dự vào ơn gọi của các Tông Đồ.
a. Đức Giê-su kêu gọi
“Khi ấy, Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại”. Như thế, ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của Chúa. Và ơn gọi của chúng ta cũng vậy, cho dù chúng ta đã đến với đời tu như thế nào, bởi những động lực hay lí do nào. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời tu của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đổ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong. Và chúng ta cũng được mời gọi hiểu như vậy về ơn gọi đi theo Đức Ki-tô trong đời sống gia đình.
“Khi ấy”, nhưng khi ấy là khi nào ? Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời ; nhưng theo Thánh Phaolô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời :
Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. (Ga 1, 15)
Trong Đức Ki-tô,
Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ. (Eph 1, 4)
Xác tín này giúp chúng ta nhận ra rằng, ơn gọi là một ơn hoàn toàn nhưng không, chúng ta được Chúa tạo dựng là để sống đời dâng hiến.
b. Ngài gọi đích danh
Con số được gọi là Mười Hai. Điều này có nghĩa là số người được gọi là xác định, không có may rủi. Mỗi lớp tập hay mỗi lớp khấn, chúng ta thường so sánh hơn kém, nhiều ít. Nhưng trong Chúa, số người được gọi là xác định từ trước muôn đời.
Và Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng gọi tên từng người chúng ta. Chúng ta hãy hình dung từng khuôn mặt ngang qua tên gọi : ngoại hình, nguồn gốc, tương quan, khuynh hướng, nghề nghiệp, thao thức… Như thế, các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đầy giới hạn, bất toàn như chúng ta. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa là nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người được gọi. Ghi nhớ lòng tin “muôn ngàn đời” của Chúa đặt để nơi chúng ta, khi chúng ta chưa là gì và khi đã “là gì”, thì là gì một cách rất bất xứng và sẽ mãi mãi là gì rất bất xứng, sẽ khơi dậy nơi chúng ta lòng khát khao đáp trả cách quảng đại và nhưng không.
c. Cho sứ vụ
“Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (9, 36-38) Ngài gọi các tông đồ, Ngài gọi chúng ta chính là để cùng với Ngài chạnh lòng thương đám đông và phục vụ cho sự sống của đám đông.
Nhưng chính chúng ta đã là và luôn luôn là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Kinh nghiệm này thúc đẩy chúng ta biết chạnh lòng thương như Thánh Tâm Chúa. Chúng ta có thể tự hỏi, ngày nay, những ai là “đám đông” như thế, là đối tượng mà Đức Giê-su chạnh lòng thương?
2. Ra đi
Sứ mạng Chúa muốn trao cho các Tông Đồ khi kêu gọi các ngài, là sứ mạng phục vụ cho sự sống, như chính Đức Giê-su đã thực hiện, và sẽ còn thực hiện “cho đến cùng”. Bởi vì sự sống của con người vừa bị lầm than bởi bệnh hoạn tật nguyền đủ loại và có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, vừa bị chi phối nặng nề bởi ma quỉ. Ngày nay, thế giới càng hiện đại, ma quỉ càng có nơi ẩn náu kín đáo và phương tiện tinh vi để gieo rắc bầu khí chết chóc vào trong lòng người và trong mối tương quan giữa người với người. Vì thế, trong lời trao sứ mạng của Đức Giê-su, sứ mạng trừ quỉ được đưa lên hàng đầu:
Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Và bài Tin Mừng kết thúc với chỉ thị phải rao giảng “Nước Trời đã đến gần”. Như thế, dấu chỉ phục vụ cho sự sống gắn liền với mầu nhiệm Nước Trời đang đến. Bởi vì, Nước Trời là Nước của Thiên Chúa hằng sống, là “Đất của những người sống”, Đất của Sự Sống.
Ngoài ra, Đức Giê-su còn căn dặn khá chi tiết: “Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, khi thi hành sứ vụ, chúng ta luôn phải thi hành theo sự hướng dẫn của Lời Chúa, được lắng nghe trong cầu nguyện, qua việc nhận định thiêng liêng hay qua các trung gian. Trong những lời này, Đức Giê-su còn nêu rõ đối tượng của sứ vụ rao giảng Nước Trời: “các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, trong sứ vụ, người môn đệ luôn phải lựa chọn đối tượng ưu tiên; và khi lựa chọn, đừng quên “các con chiên lạc” của Chúa hiện diện ở giữa chúng ta, ở ngay bên cạnh chúng ta.
3. Ở lại
Nhưng trước khi được Đức Giê-su sai đi, các môn được mời gọi “ở lại” với Người, như thánh sử Mác-cô làm rõ chiều kích thiết yếu này của đời sống người môn đệ, khi kể lại ơn gọi của các Tông Đồ: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3, 14). Ở lại với Đức Giê-su và sau đó, được Ngài sai đi, làm nên hai chiều kích căn bản của đời sống chúng ta, đó là cầu nguyện và hoạt động. Hai chiều kích này đan xen vào nhau trong mỗi ngày sống của chúng ta (cầu nguyện hằng ngày), trong tháng sống (tĩnh tâm tháng), trong năm sống (tĩnh tâm năm) hay trong một giai đoạn huấn luyện hay hành trình ơn gọi đặc biệt.
Chúng ta vẫn sống hai chiều kích này mỗi ngày, hay nói đúng hơn, hai chiều kích này vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày, nhưng dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là những điều Chúa muốn, và rằng đó là những điều làm cho chúng ta trở nên giống Chúa, vì đời sống của Chúa cũng được dệt nên bởi hai chiều kích này: “Khi ấy, Đức Giê-su lên núi”; và Ngài lên núi chính là để cầu nguyện, như lời tường thuật của thánh Luca: “Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6, 12).
*  *  *
Nhưng với hình ảnh cây nho và cành nho, chúng ta được mời gọi ở lại trong tình yêu của Đức Giê-su mọi nơi mọi lúc, để có thể sinh hoa kết quả dồi dào cho vinh danh Chúa:
Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy
                                                                                (Ga 15, 9)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận