Thứ Bảy Tuần 26 TN: Thánh Phanxicô Assisi.

Đăng lúc: Thứ bảy - 04/10/2014 01:59 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY TUẦN 26 TN: Thánh Phanxicô Assisi.

Bài đọc (G 42, 1-3. 5-6. 12-16)
Ông Gióp thưa lại cùng Chúa rằng: “Con biết Chúa làm nên mọi sự, và không một tư tưởng nào giấu được Chúa. Ai là kẻ mê muội che khuất được ý định của Chúa? Vì thế, con nói bậy về những điều vượt quá sự thông biết của con. Trước kia con nghe tiếng Chúa, còn giờ đây mắt con nhìn thấy Chúa. Bởi đó, chính con trách thân con, và ăn năn sám hối trong bụi tro”.

Sau này Chúa giáng phúc cho ông Gióp nhiều hơn lúc ban đầu. Ông có mười bốn ngàn con chiên, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò và một ngàn lừa cái. Ông còn sinh được bảy trai ba gái. Người con gái thứ nhất ông đặt tên là Nhật, người thứ hai tên Hương, và người thứ ba tên Bình. Trong khắp nước, không tìm thấy thiếu nữ nào xinh đẹp như các con gái của ông Gióp. Thân phụ của các cô cũng chia phần gia tài cho các cô như những anh em trai. Sau đó, ông Gióp còn sống được một trăm bốn mươi năm nữa, và nhìn thấy con cháu đến bốn đời. Khi cao niên đầy tuổi, ông đã qua đời.

Tin Mừng (Lc 10, 17-24)
Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”. Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. – Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết”. Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe”.


Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226)

Thánh Phanxicô Assisi là người sống khó nghèo nhưng đã làm ngạc nhiên và gợi hứng cho Giáo hội bằng cách sống Phúc Âm theo đúng nghĩa đen – không theo nghĩa hẹp chính thống, mà thực sự vui vẻ theo đúng những gì chúa nói và làm, không hạn chế, và không quan trọng hóa mình một chút xíu nào (mite of self-importance).
Bệnh nặng đã khiến chàng trai Phanxicô thấy khoảng trống trong cuộc đời của mình là người lãnh đạo giới trẻ vùng Assisi. Việc cầu nguyện đã đưa chàng tới việc tự biến mình thành trắng tay như Chúa Kitô, tới đỉnh cao là ôm một người cùi mà chàng gặp trên đường. Đó là biểu hiện sự vâng lời hoàn toàn với những gì ngài nghe thấy khi cầu nguyện:“Phanxicô! Mọi thứ anh yêu và ước muốn về nhục thể chính là anh khinh miệt và ghen ghét, nếu anh muốn biết Ý của Tôi. Khi anh bắt đầu như vậy, mọi thứ hiện nay có vẻ ngọt ngào và đáng yêu với anh sẽ trở nên quá quắt và cay đắng, nhưng những gì anh đã từng tránh né sẽ trở nên rất ngọt ngào và vui mừng”.
Từ cây Thánh Giá ở nhà nguyện San Damiano bị bỏ hoang, Chúa Kitô đã nói với ngài:“Phanxicô ơi, hãy ra đi và xây nhà cho Tôi, vì nó sắp sụp đổ rồi”. Phanxicô đã trở thành người hoàn toàn nghèo khó và khiêm nhường làm việc.
Hẳn là ngài đã thắc mắc câu “hãy xây nhà cho Tôi”. Nhưng ngài đã bằng lòng sống “trắng tay” thực sự và đặt viên gạch này lên viên gạch kia ở nhà nguyện bị bỏ hoang. Ngài bỏ mọi sự ngài có để có thể thanh thản cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Một số người bắt đầu nhận thấy người đàn ông này thực sự muốn trở nên Kitô hữu. Ngài thực sự tin điều Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9:3).
Luật đầu tiên của Thánh Phanxicô dành cho những người theo ngài là những lời Phúc Âm. Ngài không có ý lập dòng, ngài chỉ muốn bảo vệ và chấp nhận các cấu trúc hợp pháp cần thiết. Lòng trung thành với Giáo hội nơi ngài là tuyệt đối và gương mẫu khi có nhiều phong trào cải cách có khuynh hướng phá vỡ sự thống nhất của Giáo hội. Ngài muốn đi truyền giáo ở Syria hoặc Phi châu, nhưng vì đắm tàu và bị bệnh. Ngài cố gắng hoán cải vua Ai Cập trong thời Thập Tự Quân Đệ Ngũ (Fifth Crusade). Ngài khiêm nhường không nhận chức linh mục.
Ngài là tác giả hai bài nổi tiếng là “Kinh Hòa Bình” (Lm Ns Kim Long phổ nhạc) và “Khúc Ca Mặt Trời” (Ns Hùng Lân phổ nhạc). Khi hấp hối, ngài đọc đi đọc lại câu ngài thêm vào “Khúc Ca Mặt Trời” (Canticle of the Sun): “Hãy ngợi khen Chúa, hỡi Chị Tử Thần”. Ngài đọc Thánh Vịnh 141, và cuối cùng xin bề trên cởi bỏ y phục ngài khi ngài chết để ngài được nghèo khó hoàn toàn, được nên giống Chúa Giêsu trên Thánh Giá.


Suy niệm 1: ƠN CHÚA PHÙ TRỢ KẺ BÉ MỌN
Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật việc các môn đệ tập kết quanh Đức Giêsu để báo cáo thành tích mà các ông đã đạt được trong lần đi truyền giáo vừa qua. Các ông khoe với Chúa: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Tuy nhiên, Đức Giêsu thay vì khen ngợi các ông, Ngài lại tạ ơn Thiên Chúa vì đã làm những điều kỳ diệu nơi các ông, mặc dù bản thân và khả năng các ông không xứng đáng. Nhân đây, Đức Giêsu cũng mặc khải và hướng các ông về niềm vui siêu nhiên. Vì thế, sự chiến thắng không nằm ở chỗ khuất phục được thiên nhiên, bệnh tật, ma quỷ, mà là tên các ông đã được nghi dấu trên trời.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta, cần phải ý thức rằng: sứ mạng truyền giáo không chỉ dành riêng cho ai, mà cho hết mọi người. Qua Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, sứ mạng đó thuộc về chúng ta, và chúng ta phải có bổn phận thi hành.
Khi thành công đến, chúng ta cần cảm nghiệm niềm vui siêu nhiên hơn là tự nhiên. Được cứu độ hơn là chiến thắng bề ngoài, vì giá trị tinh thần thì cao trọng và có sức biến đổi chứ không phải hình thức hay số lượng bên ngoài. Để đạt được điều đó, chúng ta luôn sống trong tâm tình đơn sơ, khiêm nhường, tín thác của kẻ bé mọn.
Hôm nay, phụng vụ mừng kính thánh Phanxicô thành Assisi, ngài là đấng sáng lập dòng “Anh Em Hèn Mọn” (dòng Phanxicô). Ngài nổi tiếng là một con người đơn sơ, khiêm nhường và nghèo khó. Yêu mến thiên nhiên, vì coi đây như là quà tặng của Thiên Chúa cho con người. Ngài là một vị thánh nghèo của tình yêu, đời sống của ngài luôn toát lên sự trung thực và vui tươi. Thánh nhân luôn muốn họa lại hình ảnh của một Đức Giêsu Nagiarét khó nghèo, một vị vua tình yêu cao vời, nhưng lại sống chân thực không hoa mỹ, không hời hợt, không lòe loẹt. Nếu cuộc đời của Đức Giêsu bị nhiều người cho là “điên” là “khùng” chỉ vì Ngài yêu Chúa Cha đến triệt để và yêu con người đến tha thiết, thì cuộc đời của thánh Phanxicô Assisi cũng là một cuộc đời “điên” như Thầy Chí Thánh. Vì thế, ngài đã từng ví mình như: “Một người điên kiểu mới giữa thế gian”.
Thánh Phanxicô “điên” vì Ngài nhận ra tình yêu của Thiên Chúa khắp nơi: nơi thiên nhiên, thụ tạo; nơi chim trời cá biển; nơi núi đồi và biển khơi; nơi cây cối, sông ngòi; nơi sự sống, sự chết… Tuy nhiên, tình yêu đó đều xoay vần chung quanh Đức Giêsu là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi loài thọ sinh (x. Col 1, 15-17). Vì vậy, trong Đức Kitô, mọi sự, mọi vật, mọi loài, kể cả con người đều hòa quyện nơi Tình Yêu của Chúa, và như thế, tất cả đều trở nên bài ca tình yêu muôn thuở, cảm tạ tri ân Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lạy Chúa, trong hành trình loan báo Tin Mừng, xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn, nghèo khó và tín thác nơi Chúa trọn vẹn. Xin cho chúng con được cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa nơi vạn vật và cách sâu đậm trong tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con được bình an và hạnh phúc. Amen.


Suy niệm 2
“Nhóm Bảy Mươi Hai trở về hớn hở nói: Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma qủy cũng phải khuất phục chúng con” (Mt 10, 17).
Suy Niệm: Tin Mừng hôm nay thuật lại sự vui mừng hớn hở của Bảy mươi hai môn đệ sau khi trở về từ một chuyến truyền giáo thành công rực rỡ. Chia sẻ niềm vui với các ông nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở các học trò của mình rằng: Đừng vui mừng vì sự thành công của mình, cũng như đừng vui mừng vì ma quỷ khuất phục các ông nhưng hãy vui mừng vì nước Thiên Chúa đang dược mở rộng và mình được ghi tên làm công dân Nước Trời. Lời nhắc nhở này được Thánh Phanxicô Assisi thực hiện một cách triệt để. Thánh Phanxicô Assisi mà chúng ta mừng kính hôm nay cả cuộc đời thánh nhân dành tất cả để làm sáng danh Chúa. Dẫu chỉ bị người đời xem như kẻ dại khờ, người ăn mày khố rách áo ôm, nhưng Phanxicô đã âm thầm hy sinh chịu đựng, sẵn sàng bị khinh khi nhục mạ để làm sáng danh Chúa. Chúng ta đang tìm kiếm điều gì? Vinh danh Chúa hay bản thân mình?
Sống Lời Chúa: Nguyện cho danh Chúa được cả sáng
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đặt niềm tin cậy mến trọn vẹn vào Chúa hơn là thú vui chóng qua ở đời này. Amen.


Suy niệm 3: ĐIỀU ĐÁNG ĐỂ VUI MỪNG
Sau khi thực hiện thành công nhiệm vụ mà Chúa Giêsu trao phó, các môn đệ đã trở về vui mừng phấn khởi và tự hào kể lại cho Chúa Giêsu các thành quả mà các ông đã đạt được. Khi chia sẻ niềm vui với các môn đệ, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ một điều quan trọng hơn và vui mừng hơn đó là các ông nên vui mừng vì “tên anh em đã được ghi trên trời”. Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ vui mừng vì là công dân nước trời hơn là những thành công trần thế.
Mỗi khi tôi hoàn thành một công việc bổn phận hay hoàn thành một điều gì mà người khác ủy thác, tôi cũng rất vui mừng như các môn đệ trong đoạn Tin mừng này. Lời Chúa hôm nay cũng là một lời nhắc nhở cho tôi bởi vì:
Có khi tôi cũng vui mừng vì những thành công trần thế mà quên đi tình thương và ơn lành của Chúa dành cho tôi, quên điều cần phải vui mừng và biết ơn vì mình là con của Chúa.
Có khi tôi chỉ lo chú trọng những việc làm trần thế, những niềm vui trần thế mà quên đi những bổn phận thiêng liêng, bỏ đi những giây phút gặp gỡ Chúa trong những giờ cầu nguyện.
Có khi tôi cũng mải mê chạy theo những nhu cầu vật chất, chạy theo những giá trị trần thế hay vì danh vọng địa vị trần gian mà tôi đã đánh mất những giá trị thiêng liêng và đánh mất đời sống thiêng liêng trong cuộc sống thường ngày.
Lạy Chúa, xin cho con biết đến với Chúa sau những công việc thường ngày, sau những thành công hay thất bại như các môn đệ ngày xưa, để con được nghe những lời giáo huấn của Chúa và mỗi ngày con sống đẹp ý Chúa hơn. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con cám ơn Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin trong lòng Hội thánh Chúa. Nhờ đức tin chúng con nhận biết Chúa là Cha, là Đấng tác thành vạn vật. Nhờ đức tin chúng con còn được đón rước Chúa vào lòng qua hình bánh đơn sơ nhỏ bé. Xin giúp chúng con biết tin tưởng và tín thác vào Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con thật hạnh phúc vì có một Cha trên trời. Một người cha hằng yêu thương chăm sóc đến từng người con. Một người cha luôn rộng lòng tha thứ cho những lỗi phạm của con. Một người cha luôn giang rộng cánh tay đón nhận con cái sau những lỗi phạm biết ăn năn trở về. Xin cho chúng con luôn ở trong ân nghĩa với Chúa. Xin đừng để thói kiêu ngạo làm chúng con xa cách Chúa. Xin giúp chúng con luôn đừng vì những danh lợi thú mà đánh mất tình nghĩa với Chúa.
Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều là anh em một nhà. Xin dạy chúng con biết yêu thương nhau, biết chia sẻ, nâng đỡ nhau và biết cùng nhau tôn vinh chúc tụng Chúa. Amen
 

SUY NIỆM 4: Niềm vui đích thực
Chúa Giêsu chọn 72 môn đệ và sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng; họ gặp nhiều chống đối, nhưng cũng gặt hái được nhiều thành công. Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng sau một thời gian ra đi rao giảng, các ông hớn hở trở về nói lên niềm vui của mình, vì đã nhờ quyền năng của Chúa mà xua trừ được ma quỉ, nhưng Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy rằng Ngài đến là để giải phóng con người nô lệ và đưa họ tới tự do đích thực.
Giải phóng con người khỏi ách nô lệ và đưa con người vào tự do đích thực, đó là sứ mệnh mà Giáo Hội tiếp tục thực thi trong thế giới này. Chúng ta có thể nhận ra sứ mệnh ấy qua diễn văn Ðức Gioan Phaolô II đọc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 5/10/1995. Ðức Thánh Cha ghi nhận rằng con người càng ngày càng tìm kiếm tự do và đây chính là điểm nổi bật của thời đại chúng ta. Sự tìm kiếm tự do ấy đặt nền tảng trên các quyền phổ quát của con người. Chính vì phản ứng lại những hành vi man rợ đối với phẩm giá con người, mà chỉ ba năm sau khi thành lập, Liên Hiệp Quốc đã công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Ðây là một gia sản chung của nhân loại, nó bắt nguồn từ chính bản tính của con người, trong đó có phản ánh những đòi hỏi khách quan và không thể hủy bỏ được của một luật luân lý phổ quát.
Sống theo những khát vọng cao thượng nhất của mình, con người có thể làm được những điều xem ra vượt quá khả năng của nó. Ðó là sứ điệp chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay: các môn đệ ra đi với hai bàn tay trắng, họ không có một khí giới nào khác ngoài sự siêu thoát và niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Vậy mà khi nói về những thành quả của họ, chính Chúa Giêsu đã thốt lên: "Ta đã thấy Satan như tia chớp từ trời rơi xuống". Ðó chính là sức mạnh của những người mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn.
Ngày nay, người Kitô hữu cũng có thể thực hiện được những điều cả thể ấy nếu họ cũng biết trang bị cho mình một niềm tin vào quyền năng của Chúa, nhất là nếu họ biết sống theo những khát vọng cao thượng nhất của con người. Những khát vọng đó là gì, nếu không phải là tự do, công bằng, bác ái, liên đới. Nếu họ thực sự sống theo những khát vọng thâm sâu ấy và sống tín thác nơi Thiên Chúa ngay cả khi gặp thất bại khổ đau, lúc đó họ mới có thể hưởng được niềm vui đích thực mà các môn đệ Chúa Giêsu đã bày tỏ khi gặp lại Ngài.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn nếm được niềm vui đích thực ấy trong cuộc sống hằng ngày.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 

SUY NIỆM 5: Vui mừng theo Thầy
Ngay giờ ấy được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết ngững điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, đó là điều đẹp ý Cha.” (Lc. 10, 21)
Mặc dầu gặp những thất bại trên đường truyền giáo, các ông được Đức Kitô sai đi, đã trở về vui mừng vì tổng kết những kết quả không thể bỏ qua. Như những cậu bé sung sướng, các ông kể lại với Thầy: “Nhân danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. Điều đó làm các ông xúc động mạnh. Đức Giêsu đã cho các ông hiểu chính Người đã hành động trong lúc các ông truyền giáo. Trong cầu nguyện Người đã thấy Sa-tan, kẻ thù, đã từ trời rơi xuống như chớp. “Đây Thầy đã ban cho anh em quyền năng giày đạp rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng Thầy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.
Như vậy, Đức Giêsu đã làm lắng dịu niềm vui của các môn đệ đi một chút. Điều quan trọng không phải khuất phục được quỷ thần và những thành công khác, nhưng chính là nhiều người đã đón nhận lời Chúa và được ơn cứu độ nhờ các ông, đây mới là điều đáng kể trước mặt Thiên Chúa. Các Tông Đồ đã được đẹp lòng Chúa Cha, Đấng ngự trên trời cao.
Trước công việc tốt lành các bạn hữu đã làm, Đức Kitô không thể ngăn cản được niềm hoan lạc trong Thánh Thần. Và Người đã cảm tạ Chúa Cha đã tỏ những mầu nhiệm cho những kẻ bé mọn mà không tỏ cho những người khôn ngoan thông thái.
Những nhà truyền giáo của Người là những kẻ nghèo khó và khiêm tốn hèn mọn. Người đã chọn các ông từ một giai cấp tầm thường họ không có bằng cấp gì, không phải hạng trí thức, không phải hạng danh tiếng, phần lớn là những người ngư dân chất phát. Vậy không phải kiến thức của họ có thể làm choáng mắt thính giả, nhưng chính đức tin sống động của họ và chân lý của sứ điệp Tin Mừng mà Đức Kitô đã trao phó cho họ.
Giáo Hội sơ khai được đặc ân thay Chúa, như là những dụng cụ truyền giáo, nhưng tất cả những thứ đó đều không thích hợp, không tương xứng với lý trí loài người. Những tiêu chuẩn đánh giá trị của Thiên Chúa không như chúng ta tưởng. Để nhận biết Chúa Cha cũng như nhận biết Chúa Con, những bằng cấp tiến sĩ không cần thiết, dù đôi khi có giúp ích. Chiều dài lịch sư Giáo Hội đã chứng tỏ điều đó. Những cái đầu nhồi nhét đầy, nhưng quá chắc không nhất thiết đạt tới ánh sáng Thiên Chúa. Chúng không có một ki-lô nào đối với những đầu óc bé nhỏ.
GF.
 
SUY NIỆM 6: Bí Quyết Trẻ Trung
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Phanxicô Assisi.
Sống cách chúng ta trên 7 thế kỷ, thánh Phanxicô Assisi vẫn mãi mãi để lại một hình ảnh trẻ trung. Chưa có vị thánh nào trong Giáo Hội được nhắc nhở, yêu mến như thánh nhân. Chưa có vị thánh nào đã gợi lên nhiều cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật cho bằng thánh nhân. Chưa có vị thánh nào được các nhà chính trị, các nhà cách mạng ca tụng cho bằng thánh nhân.
Sứ điệp của thánh nhân siêu việt thời gian, bởi vì con người của thánh nhân là hiện thân của tuổi trẻ. Thật thế, suốt cả cuộc đời của mình, thánh Phanxicô Assisi luôn biết giữ một tâm hồn tươi trẻ. “Tuổi tác không phải là điều kiện thể lý cho bằng bầu khí của tâm hồn”. Có lẽ thánh nhân không phải là người đã nói lên châm ngôn ấy, nhưng hẳn ngài đã sống theo châm ngôn ấy.
Ngài biết giữ mãi cho tâm hồn tươi trẻ bằng cách hạn chế tối đa các nhu cầu, bằng cách chống cự lại các ước muốn. Ngài đón nhận mọi sự. Không thắc mắc, không lo lắng, không buồn giận.
Những khám phá của khoa học tâm lý ngày nay, thánh Phanxicô Assisi đã từng biết và sống một cách trọn vẹn. Thật thế, để có một thể xác lành mạnh, một tâm hồn tươi trẻ, các nhà tâm lý học khuyên chúng ta như sau:
- Hãy tập yêu thích những gì không quá đắt giá.
- Hãy tập yêu thích việc đọc sách, chuyện vãn, nghe nhạc.
- Hãy tập yêu thích những thức ăn thanh đạm.
- Hãy tập yêu thích tiếng chim hót, sự hiện diện của thú vật, tiếng cười đùa rộn rã của trẻ em.
- Hãy tập yêu thích trồng trọt, làm việc tay chân.
- Hãy tập yêu thích ánh bình minh cũng như hoàng hôn, tiếng mưa rơi trên mái nhà cũng như cảnh tuyết rơi.
- Hãy tập yêu thích những nhu cầu đơn giản nhất.
- Hãy tập yêu thích công việc và cảm nhận được niềm vui khi làm tốt một công việc.
- Hãy tập yêu người, dù người không giống ta.
Không khí, ánh sáng, mặt trời, niềm vui, hạnh phúc, cuộc sống, con người: đó là những yếu tố cần thiết để tạo cho bầu không khí tươi trẻ trong tâm hồn. Phải chăng đó không là những yếu tố mà người ta cũng bắt gặp trong bài ca vạn vật của thánh Phanxicô Assisi?
Một tâm hồn luôn luôn tươi trẻ: đó không chỉ là một bí quyết để được hạnh phúc trên đời này, nhưng còn là một đòi hỏi đối với người Kitô. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những ai giống chúng. Ta nói thật với các con: nếu các con không đón nhận nước Trời như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 

SUY NIỆM 7: Một Vị Thánh Khó Nghèo (Lc 9, 57-62)
Nói về một vị thánh, đề cập đến cuộc đời của một con người là để hiểu biết về người đó: ca ngợi, bắt chước, noi gương người đó trong những việc làm tốt của họ. Thánh Phanxicô Assise là vị thánh của tình yêu. Người là một con người triệt để, vui tươi, trung thực. Cái trung thực của Người đã trở nên nét đẹp nhất của vị thánh thời danh. Sử gia Joseph Lortz đã từng nói:” Điều mà thế kỷ XX thiếu nhiều nhất là tính trung thực”. Thánh Phanxicô Assise là người đã làm rõ nét và sự nổi bật nét trung thực của con người. Chính sự thực tế, bền bỉ, sâu sắc của con người thánh Phanxicô Assise đã nói lên tình yêu của Ngài đặt nơi đâu? Ngài luôn muốn họa lại hình ảnh của một Giêsu Nagiarét khó nghèo, một vị vua tình yêu cao vời, nhưng lại sống chân thực không hoa mỹ, không hời hợt, không lòe loẹt. Thánh nhân đã sống hết mình, đã sống con người thực nhất của mình. Ngài đã tự ví mình như “một người điên kiểu mới giữa thế gian”.
Phanxicô điên vì Ngài nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa chan hòa khắp nơi, khắp chốn, khắp trời đất, khắp vũ trụ, nhưng tất cả đều xoay chung quanh Chúa Kitô. Vì chính Chúa Kitô là trung tâm của tất cả mọi sự trên trời dưới đất, trung tâm của lịch sử cứu rỗi con người. Thánh Phanxicô Assise muốn kéo mọi người lại với Chúa Giêsu vì Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi loài thọ sinh ( Col 1, 15-17).
Vào khoảng năm 1182, thánh nhân được sinh ra tại Assise trong một gia đình đạo đức. Cha Ngài là ông Bênađô là một thương gia tơ sợi nổi tiếng. Mẹ Ngài là bà Pica, một bà mẹ nổi tiếng đạo hạnh. Cả hai ông bà đã hun đúc Phanxicô trở thành vị thánh nổi tiếng thời danh. Thánh nhân đã được cảm hóa bởi câu Kinh Thánh:” Lạy Cha chúng tôi ở trên trời “. Bị bắt, bị cầm tù một năm, bị lâm trọng bệnh và được chữa lành, thánh nhân đã cảm nghiệm sâu xa lời Thiên Chúa. Ngài quyết định bỏ tất cả, sống cuộc đời hoàn toàn nghèo khó để nên giống Chúa Kitô năm 1206. Bị Cha già phản đối, dù rằng hiếu thảo là trên hết, nhưng Phanxicô Assise không dám chống lại ý Chúa. Ngài đã bán tất cả của cải của mình, phân phát cho những người nghèo khó và chỉ khoác trên mình một chiếc áo choàng cũ kỹ, rồi đi loan báo Tin Mừng cho Thiên Chúa. Con đường của Chúa huyền diệu. Ngài được chính Thiên Chúa thúc đẩy thành lập Dòng Anh em hèn mọn, khó nghèo. Rồi, Ngài lui về Alverne, một nơi cô tịnh, hoang sơ thuộc phía bắc Assise để suy niệm, ăn chay, cầu nguyện. Lúc xuất thần, thánh nhân nhìn thấy thiên thần Sêraphim và một cây thánh giá. Tỉnh dậy, Ngài thấy được Chúa in năm dấu thánh trên thân xác Ngài lúc đó vào năm 1224. Hai năm sau đó, Ngài lâm bệnh nặng. Trước khi ra đi về với Chúa, Ngài đã khuyên nhủ anh em trong Dòng:” Hãy sống khó nghèo và sống đức tin sâu xa vào Hội Thánh Chúa”. Ngày 04/10/1226, thánh nhân ra đi về với Chúa trong sự an bình và thánh thiện tuyệt vời. Đức Thánh Cha Grêgoriô đã tôn Ngài lên bậc hiển thánh.
Thánh Phanxicô đã sống khó nghèo tuyệt đối. Ngài muốn bắt chước Chúa, muốn noi gương đức Mẹ để sống cuộc đời khó nghèo. Do đó, Ngài đã kéo mọi người, kéo mọi vật, mọi thụ tạo lại gần Thiên Chúa. Ngài đã gọi nhân đức nghèo là” Bà Chúa nghèo”, Ngài đã gọi Mặt Trời là Anh Mặt Trời, Mặt Trăng là chị Mặt Trăng, thần chết là chị chết vv…Ngài muốn nói lên một thực tế là tất cả đều do Tình Yêu của Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, mọi sự, mọi vật, mọi loài, kể cả con người đều hòa quyện nơi Tình Yêu của Chúa và như thế, tất cả đều trở nên bài ca tình yêu muôn thuở, cảm tạ tri ân Thiên Chúa Ba Ngôi.
Xin Chúa ban cho chúng con được bắt chước đời sống khó nghèo của thánh Phanxicô Assise mà biết lướt thắng vinh hoa phú quý để càng ngày càng gia tăng lòng yêu mến Chúa và cảm thông chia sẻ với anh chị em nghèo khó. Amen.
(Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi)


SUY NIỆM 8:
Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng vừa được công bố, vừa bày tỏ cho chúng ta những điều sâu kín nhất của mối tương quan giữa Ngài và Chúa Cha, và vừa bày tỏ cho chúng ta những điều sâu kín nhất của mối tương quan giữa Ngài và chúng ta. Đó là những điều sâu kín nhất, nhưng đồng thời cũng là những điều an ủi nhất đối với chúng ta.
1. “Tên anh em đã được ghi ở trên trời”
Ước ao phục vụ, có khả năng phục vụ và làm được cái gì đó cho người khác, Giáo Hội, hay Hội Dòng, đó là điều mọi người thao thức, và việc tuyển lựa ơn gọi và huấn luyện cũng dựa vào những tiêu chuẩn này. Điều đó thật đáng vui, như kinh nghiệm của các môn đệ cho thấy:
Khi ấy nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ hớn hở nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”!
Tuy nhiên,Đức Giê-su mời gọi chúng ta hướng tới một niềm vui lớn hơn, đó là “tên anh em đã được ghi trên trời”:
Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.
Lời Đức Giê-su muốn nói rằng, các môn đệ của Ngài, xưa kia cũng như hôm nay, hiện diện trong cung lòng Thiên Chúa từ muôn thủa và mãi về sau cách nhưng không. Đây không chỉ là niềm vui lớn hơn, mà còn là nguồn hành động và làm cho hành động trở nên đích thực và đi đúng hướng. Hơn nữa, đó chính là lẽ sống, khi chúng ta không còn phục vụ được gì nữa, không còn sức lực nữa. Không chỉ sau này về già, hay những lúc đau bệnh, nhưng ngay những lúc thất bại, bị coi thường, chê bỏ…
2. “Con người được dựng nên để ca tụng Thiên Chúa”
Nhưng bài Tin Mừng còn mời gọi chúng ta hãy ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui với Đức Giê-su, chia sẻ mỗi ngày, vì đây là “niềm vui vĩnh cửu” của Người. Và niềm vui của Người đến từ việc nhận ra cách hành động của Chúa Cha và hoàn toàn được chinh phục. Tương tự như Đức Maria, Mẹ của chúng ta, đã thốt lên trong Thánh Thần : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” vì đã nhận ra “những điều cao cả” Người làm cho Mẹ, là “Nữ Tì hèn mọn” và tương tự như vậy, cho “những ai kính sợ Người”, cho “mọi kẻ khiêm nhường”, cho “kẻ đói nghèo”, cho tôi tớ đau khổ của Người là Israen :
Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”.
Và chuyển động ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui ca tụng Chúa Cha của Đức Giê-su, chỉ trọn vẹn, khi chính ta cũng được Thánh Thần tác động, để nhận ra cùng một cung cách hành động của Chúa Cha được thể hiện trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, và ca tụng Người trong niềm vui. Đó chính là con đường, là “linh đạo”, làm cho chúng ta trở nên giống Đức Ki-tô. Và đây là linh đạo của mọi linh đạo, vì đến từ Kinh Thánh được hoàn tất nơi Đức Ki-tô.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói với Chúa Cha : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất…” (c. 21), sau đó với mọi người : “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi…” (c. 22), và sau cùng với riêng các môn đệ đang hiện diện bên cạnh Người : “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy…” (c. 23-24). Như thế, “những người bé mọn” mà Chúa Cha tuyển chọn để mặc khải là chính các môn đệ ; và chính khi chúng ta biết khiêm tốn trở thành môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta sẽ là “những kẻ bé mọn” mà Chúa Cha ưa thích. Bởi vì, chính Đức Giê-su cũng trở nên “bé mọn” ở giữa chúng ta trong mầu nhiệm Giáng Sinh, trong mầu nhiệm Thánh Thể và trong mầu nhiệm Thương Khó ; và Chúa Cha nói về Người : “Đây là Con ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người”.
Trong cả ba lời nói này, Đức Giê-su đều nói về mặc khải (trái với mặc khải là dấu kín) và hệ quả của mặc khải : “Cha đã dấu kín…, nhưng lại mặc khải…” ; “và những kẻ Người Con muốn mặc khải cho” ; “phúc thay mắt nào được thấy”, “muốn nghe điều anh em nghe”. Nhưng Chúa Cha và Người Con mặc khải những gì, để cho các môn đệ, là “những người bé mọn” thấy và nghe ? Điều các môn đệ thấy và nghe là chính Đức Giê-su : Đức Giê-su là mặc khải của Chúa Cha và cũng chính Đức Giê-su mặc khải về Chúa Cha cho những người bé mọn.
3. Mối phúc thấy và nghe Đức Giê-su
Đức Giê-su là mặc khải lớn nhất của Chúa Cha và Chúa Cha là mặc khải lớn nhất của Đức Giê-su cho các môn đệ, là “những người bé mọn”. Vì thế, được “thấy và nghe” Người là một mối phúc. Phúc cho các môn đệ đang vây quanh Đức Giê-su, và cũng phúc cho chúng ta hôm nay, bởi vì chúng ta cũng được mời gọi mỗi ngày nhận ra, lắng nghe, hiểu biết, yêu mến và đi theo Người. Bởi vì, Người hiện diện và lên tiếng trong sáng tạo, trong lịch sử nhân loại và lịch sử đời tôi, và một cách trọn vẹn nơi Lời Kinh Thánh, Bánh Thánh Thể, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua.
Chúng ta vẫn có thể sống mối phúc “thấy và nghe” Đấng Vô Hình, bởi đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có ơn gọi không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng là nhận ra những thực tại vô hình : ngôi vị, tình yêu, tình bạn, sự hiện diện qua các dấu chỉ, quà tặng, ân huệ Thiên Chúa, sự hiện diện sáng tạo của Thiên Chúa nơi mọi sự :
Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu. (Tv 8, 2)
Và đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe âm thanh, nhưng là nghe ra ý nghĩa, sự hài hòa của âm thanh, giai điệu, kết cấu của âm thanh, nghe ra Ngôi Lời trong mọi sự, vì “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3 và St 1) :
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm. (Tv 19, 2)
Tương tự như với thánh Phê-rô, sau khi vượt qua sự chết để đi vào sự sống vĩnh hằng, Đấng Phục Sinh vẫn mời gọi thánh nhân :
“Hãy theo Thầy” (Ga 21, 19)
Và ngang qua thánh nhân, Người vẫn tiếp tục mời gọi từng người chúng ta hôm nay và đặc biệt thánh Phan-xi-cô mà chúng ta mừng kính hôm nay, trong niềm hiệp thông với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, các tu sĩ nam nữ và mọi người sống theo linh đạo thánh Phan-xi-cô.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 
Tin Giáo phận