Thứ Ba Tuần 26 TN: Thánh Giêrônimô

Đăng lúc: Thứ ba - 30/09/2014 02:03 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 26 TN: Th. Giê-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ HT

Bài đọc (G 3, 1-3. 11-17. 20-23)
Gióp mở miệng nguyền rủa ngày mình sinh ra và nói rằng: “Hãy biến đi, ngày tôi đã sinh ra, và đêm có lời phán: ‘Con người chịu thai’. Tại sao tôi không chết trong lòng mẹ? Tại sao tôi không tắt thở ngay khi mới sinh ra? Tại sao có đầu gối đỡ lấy tôi và có vú cho tôi bú?
“Chẳng như vậy thì bây giờ tôi được ngủ yên, và an nghỉ trong giấc điệp làm một với các vua chúa, với các quan quyền trên mặt đất, là những kẻ xây cất cho mình những lăng tẩm thanh vắng, hay là cùng với các công hầu lắm vàng nhiều bạc chất đầy nhà. Sao tôi không giống như thai sảo được giấu đi, để tôi không còn sống, hoặc như các trẻ không được xem thấy sự sáng. Nơi ấy kẻ hung ác hết khuấy phá, và kẻ mỏi mệt được yên nghỉ.
“Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực, và ban sự sống cho những kẻ phải cay đắng trong tâm hồn? Những kẻ ấy mong chết mà lại không được chết, họ như những người đào mỏ tìm vàng. Khi họ tìm thấy nấm mồ, họ vui mừng hớn hở. Người chẳng tìm được lối đi, thì Thiên Chúa lấy sự tối tăm vây bọc nó tư bề”.


Tin Mừng (Lc 9, 51-56)
Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?” Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Và các Ngài đi tới một làng khác.

Thánh Giêrônimô, Linh mục Tiến sĩ (345-420)

Thánh Giêrônimô có tính rất xấu là viết gay gắt, nhưng ngài rất yêu mến Chúa.
Ngài còn hơn một học giả Kinh thánh, dịch hầu hết các sách Cựu ước từ tiếng Hê-brơ (cổ ngữ Do Thái). Ngài còn viết những bài phê bình được cảm hứng từ Kinh thánh mà chúng ta có ngày nay. Ngài tư vấn cho tu sĩ, giám mục và giáo hoàng. Thánh Augustinô nói về ngài: “Những gì Thánh Giêrônimô không biết, không quan trọng”.
Thánh Giêrônimô rất quan trọng đối với bản dịch Kinh thánh Vulgata (bản phổ thông). Đó không là bản dịch chính thức, nhưng được Giáo hội chấp nhận. Công đồng Trentô mời gọi bản dịch mới và chỉnh sửa từ bản Vulgata, và tuyên bố là bản chính thức của Giáo hội.
Để làm được như vậy, thánh Giêrônimô đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngài giỏi tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Hê-brơ và tiếng Chaldaic. Ngài bắt đầu học từ sinh quán của ngài ở Stridon thuộc Dalmatia (trước là Yugoslavia). Sau đó ngài học ở Rôma, trung tâm học tập thời đó, và rồi tới Trier, Đức quốc, nơi có nhiều chứng cớ. Mỗi nơi ngài ở vài năm, luôn cố tìm thầy giỏi nhất.
Sau đó ngài tới Palestine. Ngài là nhà thần bí, sống ở sa mạc Chalcis 5 năm để cầu nguyện, đền tội và học nghiên cứu. Cuối cùng ngài tới Belem, nơi sinh sống của Chúa Giêsu. Ngày 30-9-420, ngài qua đời tại Belem. Hiện nay hài cốt ngài được đặt tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma. Ngài là bổn mạng các dịch giả.


Suy niệm 1: HÃY KIÊN TRÌ ĐỂ THI HÀNH SỨ VỤ

Hành trình cứu độ của Đức Giêsu là một hành trình tiến về Giêrusalem để chịu chết trong chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn. Trên hành trình ấy, Đức Giêsu đã tìm dịp thuận tiện để Thầy trò tâm tư về sứ mạng.
Thật vậy, một trong những điều mà Đức Giêsu quan tâm, đó là làm sao để cho các môn đệ có được tinh thần hy sinh, thái độ kiên trì trước nghịch cảnh và thử thách, khiêm tốn và tấm lòng bao dung, vị tha.
Tại sao vậy? Thưa! Người môn đệ của Đức Giêsu phải là người phản chiếu tình thương của Thầy cho anh chị em mình một cách trung thực, mà sự thật về Đức Giêsu là gì nếu không phải là một vị Thiên Chúa, Đấng nhân từ và hiền hậu, khiêm nhường và hay thương xót, Đấng đến để phục vụ thay cho được phục vụ, hy sinh và sẵn sàng chết cho người mình yêu…!
Vì thế, Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ trả thù của hai môn đệ Gioan và Giacôbê khi các ông xin Ngài cho phép khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt dân làng Samaria vì họ không cho Thầy trò đi qua. Nhân đây Đức Giêsu đã dạy cho các ông bài học về sự bao dung, tha thứ và biết đón nhận thử thách vì lòng yêu mến Chúa. Đồng thời cũng dạy cho các ông bài học về sự kiên trì và trung thành.
Hôm nay, phụng vụ mừng kính thánh Giêrônimô. Thánh nhân là một con người đạo đức, thánh thiện. Sống hết mình vì Chúa và Giáo Hội. Tuy là con nhà giàu, có quyền thế và bản thân ngài dư điều kiện để làm việc tại triều đình tại Trêve. Nhưng ngài đã bị tác động mạnh bởi câu nói nổi tiếng của Đức Giêsu: “Hãy từ bỏ, hãy về bán hết của cải, phân chia cho kẻ nghèo khó, rồi đi theo Ta”. Vì thế, thánh nhân đã từ bỏ mọi sự sang trọng để sống một cuộc sống nghèo khó trong sa mạc Syrie. Sau này được chọn làm linh mục, ngài say mê Lời Chúa, đến nỗi dành gần như cả cuộc đời cho việc suy chiêm Lời Chúa. Câu nói nổi tiếng của ngài là: “Không biết Kinh thánh là không biết Chúa Kitô”.
Thánh nhân luôn xây dựng tư tưởng và hành động của mình dựa trên Lời Chúa. Nên những gì đi ngược lại với bản chất của Tin Mừng thì đều bị ngài phản đối quyết liệt. Vì thế, cái giá phải trả đối với ngài chính là sự thù hằn, ghen ghét của nhiều người vốn có lối sống gian dối, hình thức, bảo thủ và lộng quyền…
Vì lấy Lời Chúa làm nền tảng, nên dù trong hoàn cảnh nào, ngài cũng là người họa lại hình ảnh của Đức Kitô cách trung thực nhất.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ cảm thông cho những nghi kỵ, khinh khi và cự tuyệt của người đời, ngay cả những sự vu khống, bắt bớ vì Đạo. Noi gương Đức Giêsu, sẵn sàng đón nhận đau khổ vì sứ vụ: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12). Biết chấp nhận những sự giới hạn của con người, và ý thức rằng: chúng ta đi đến đâu cũng có một số người sống chết với ta, một số người quyết loại bỏ ta và số còn lại thì chẳng cần quan tâm đến chúng ta cũng như công việc của ta. Đây cũng chính là thân phận của Thầy Chí Thánh Giêsu đã trải qua.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn có tấm lòng bao dung như Chúa. Luôn hiểu và thông cảm cho những bất toàn của anh chị em mình. Đồng thời, xin cho chúng con biết đón nhận mọi thử thách, nghịch cảnh xảy đến trong đời và nơi sứ vụ vì lòng yêu mến Chúa. Amen.


Suy niệm 2: THẬP GIÁ CHIẾN THẮNG SỰ ÁC

“Khi đã tới ngày Chúa Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.” (Lc 9,51)
Suy niệm: Con người đang sống trong một thế giới bất ổn, sự ác đang thắng thế với những mối đe doạ chiến tranh nổi lên khắp nơi: cuộc chiến ở dải Ga-da không có dấu hiệu kết thúc, khủng hoảng ở Ukraina như quả bom nguyên tử hẹn giờ, những cuộc khủng bố của phe Hồi giáo cực đoan ngày càng diễn ra một cách dã man, ghê rợn, sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đe doạ nổ ra một cuộc chiến toàn cầu…. Bằng một thái độ đầy ý thức và quả quyết, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem cũng trong bối cảnh sự ác đang hoành hành, chế ngự: Gio-an Tẩy giả bị sát hại, các thượng tế, biệt phái và phe Hê-rô-đê cấu kết với nhau để tìm cách tiêu diệt Chúa Giê-su. Thế nhưng chương trình Chúa Cha đã hoạch định phải được thực thi “vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được” (Lc 13,33). Khi lên Giê-ru-sa-lem Chúa Giê-su quyết tử chiến với tội ác qua con đường thập giá trong sự phó thác vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chính nhờ thế, cuối cùng Ngài đã chiến thắng sự ác và cả sự chết.
Mời Bạn: Giê-ru-sa-lem của bạn ngày hôm nay là chính thế giới đầy dẫy bất ổn và tội ác này. Chúa mời gọi bạn dám chấp nhận những hy sinh dấn thân chống lại tội lỗi từ tâm hồn mình cho đến mọi ngõ ngách của thế giới thay vì vô cảm cầu an, hưởng thụ cách ích kỷ.
Chia sẻ trong nhóm của bạn để cùng nhau có một hành động thiết thực chống lại sự ác.
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm có thái độ tích cực và hướng thiện từ trong tư tưởng tới việc làm, dù phải hy sinh.
Cầu nguyện:Hát Kinh Hoà Bình.


Suy niệm 3SỨ MẠNG

Chúa Giêsu đến trần gian để thực hiện sứ mạng cứu độ con người. Trong mọi nơi mọi lúc, và dù có bị cám dỗ như bị ma quỉ cám dỗ trong sa mạc, bị cản trở như trong bài tin mừng này, hay nhiều thử thách như khi cầu nguyện trong vườn cây dầu .. nhưng Chúa Giêsu đã quyết tâm và chu toàn sứ mạng của mình trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Trong cuộc sống của mình, tôi có những công việc, có ơn gọi, có những bổn phận và cũng có sứ mạng mà tôi phải chu toàn. Thế nhưng, nhiều lần vì những cám dỗ mà tôi đã bỏ quên bổn phận của mình, vì những khó khăn cản trở mà tôi đã không chu toàn bổn phận của mình, hay vì những thất bại, những điều trái ý mà tôi đã thất vọng, than van trách móc, thậm chí tôi còn đánh mất niềm tin vào Chúa, vào tha nhân và chính bản bản thân mình.
Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay là một tấm gương và là một sự động viên rất lớn cho tôi, để tôi dám chấp nhận khó khăn thử thách, chấp nhận thất bại và hy sinh, để rồi trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi mọi lúc tôi có thể chu toàn bổn phận và sứ mạng mà Thiên Chúa mời gọi.
Lạy Chúa, xin cho cho biết sử dụng nhưng ơn Chúa ban để con chu toàn bổn phận với tinh thần vâng phục, khiêm tốn và phục vụ.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con thật hạnh phúc được cùng nhau quây quần bên Chúa. Chúng con cùng được chia sẻ bàn tiệc thánh chan chứa tình nghĩa anh em một nhà. Xin giúp chúng con cũng biết chia sẻ, liên đới với nhau trong bàn tiệc cuộc đời. Xin cho chúng con đừng vì miếng ăn, đừng vì danh vọng mà loại trừ lẫn nhau.
Nhưng Chúa ơi! ở bàn tiệc cuộc đời chúng con lại ít nhường nhịn nhau. Chúng con tranh giành nhau từng hạt gạo, từng miếng đất… Chúng con muốn loại trừ nhau theo kiểu dân gian vẫn nói “cá lớn nuốt cá bé”, để “thưa ao béo cá”. Đôi khi chúng con còn lạm dụng quyền hành để loại trừ lẫn nhau. Xin tha thứ cho thái độ bất khoan dung của chúng con. Xin giúp chúng con loại bỏ tính nóng nảy muốn loại trừ anh em, thay vào đó là tính nhẫn nại và bao dung. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa khi biết dùng tình yêu để xóa bỏ hận thù, để chữa lành vết thương tan vỡ tình người. Xin cho sự hiện diện của chúng con giữa anh em luôn mang lại tình hiệp nhất, tình liên đới yêu thương, như chính Chúa đã nói: “Con Người đến không phải để giết chết mà là cứu sống”.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Xin ban cho chúng con quả tim của Chúa để chúng con cũng biết kiên nhẫn sửa lỗi cho nhau, và chấp nhận những khác biệt của nhau trong yêu thương, tôn trọng. Amen.

Suy Niệm 4: Ra khỏi chính mình

Ðể lại một tên tuổi, có được một danh thơm tiếng tốt, đó vốn là ước mơ chung của mọi người. Tuy nhiên, được người khác trân trọng nhắc nhớ và mến thương hay không là tùy cách sống của mỗi người. Nói chung, cuộc đời hy sinh cho người khác, dù chỉ là hy sinh âm thầm cũng luôn được nhớ đến. Phải chăng đó không là ao ước của cố nhạc sĩ Văn Cao khi ông nói: "Tôi không đi qua tôi, tôi để lại gì? Tôi sẽ để lại gì nếu tôi chỉ khư khư giữ cho riêng mình? Nhưng nếu tôi có ra khỏi tôi, có trao ban chính mình, thì điều tôi để lại chính là bản thân tôi; bản thân tôi tìm gặp đã đành, mà đó cũng là quà tặng tôi để lại cho đời".
Có thể đó cũng là ý nghĩa chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay. Nếu mỗi tác giả Tin Mừng có một sợi chỉ xuyên suốt nối kết các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu, thì theo sự trình bày của thánh Luca, sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời Chúa Giêsu chính là cuộc hành trình lên Giêrusalem. Với thánh Luca, cuộc đời Chúa Giêsu là một hành trình ra đi không ngừng để đạt tới đích điểm là Giêrusalem, nơi gặp gỡ chung cục giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo Do thái cũng như chính quyền Roma. Giêrusalem là cao điểm của cuộc song đấu giữa quyền lực sự dữ và tình yêu diễn ra trong con người Chúa Giêsu. Giêrusalem, xét cho cùng, chính là cái chết đang chờ đợi Chúa Giêsu; đi lên Giêrusalem có nghĩa là giáp mặt với cái chết, là đi đến tận cùng của thân phận làm người.
Nếu đã đón nhận cái chết như tột đỉnh của cuộc hành trình, thì dĩ nhiên điều kiện tiên quyết của người ta ra đi là phải kiên nhẫn trước thất bại. Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài bài học về sự kiên nhẫn trước thất bại ấy khi các ông bị những người Samari khước từ. Giacôbê và Gioan tưởng có thể sai khiến lửa từ trời xuống để tiêu diệt những kẻ chống các ông; tuy nhiên, trung thành với giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu nhắc nhở cho các ông bài học về yêu thương nhẫn nại mà họ phải có ngay cả với kẻ thù của mình.
Ra đi, hay nói theo ngôn ngữ của Văn Cao "đi qua khỏi mình" chính là biết thắng vượt những chướng ngại do lòng ích kỷ và hận thù có thể giăng mắc trên lối đi. Cái chết chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị khi nó là một cái chết vì yêu thương; cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu như vậy cũng là một cuộc hành trình của yêu thương. Chỉ có yêu thương mới giúp con người thắng vượt được chính mình, chỉ có yêu thương mới giúp con người nhìn xuyên suốt qua bên kia thất bại, khổ đau.
Cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu là một cuộc hành trình không ngừng. Cùng với Ngài, chúng ta luôn được mời gọi từ giã con người cũ tội lỗi và ích kỷ để tiến về con người mới của ân sủng và yêu thương. Chông gai thử thách vẫn luôn có đó, nhưng chúng ta tin rằng có Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta và phần thưởng đang chờ đợi chúng ta chính là niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi ngày một cách sung mãn hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Cái Chết Trên Thập Giá

Tin Mừng hôm nay hẳn mời gọi chúng ta lặp lại niềm tín thác của chúng ta vào sự quan phòng kỳ diệu của Chúa. Thánh Luca, tác giả của đoạn Tin Mừng hôm nay nhìn cuộc đời của Chúa Giêsu như một cuộc hành trình tiến về Giêrusalem mà cao điểm là cái chết trên thập giá. Tiến về Giêrusalem để chịu tử nạn cho nên có gặp thù nghịch chống đối trong suốt cuộc hành trình cũng là chuyện bình thường đối với Chúa Giêsu, nhưng các môn đệ của Chúa Giêsu chưa thể hiểu tại sao Thầy mình phải gặp phải những chống đối như thế. Phản ứng của hai thánh Gioan và Giacôbê là điển hình, hai vị thánh này không thể chấp nhận được sự kiện người dân tại một làng Samaria nọ không đón tiếp Ngài. Các ngài chỉ mong cho lửa từ trời xuống để tiêu diệt cái dân phản nghịch này. Chúa Giêsu quở trách các ngài, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho các môn đệ biết rằng điều kiện đầu tiên để làm môn đệ Ngài là phải có thái độ kiên nhẫn trước sự chống đối, thù nghịch và thẳng thắn nói chung. Ðây là dịp để các môn đệ hiểu được ý nghĩa của những bài dụ ngôn về nước Trời, đặc biệt là các bài dụ ngôn về hạt giống, về cỏ lùng và lúa tốt. Hạt giống được gieo vãi ngay cả trên đất xấu, hạt giống được gieo vãi ngay cả trên cỏ lùng, hạt giống phải chịu thối đi trong lòng đất; dù có được gieo vãi trong những điều kiện không thuận lợi, hạt giống vẫn mọc lên và sinh nhiều bông hạt.
Hình ảnh của hạt giống gợi lên cho chúng ta lịch sử của Giáo Hội. Giáo Hội được tẩy trần và sinh hoa kết trái ngay giữa những cơn bách hại đẫm máu nhất. Giáo Hội từng được thanh luyện và trưởng thành khi gặp chống đối và thù nghịch. Thái độ thỏa hiệp có thể mang lại cho Giáo Hội một vài đặc ân và dễ dãi, nhưng chắc chắn những thiệt hại và mất mát mà Giáo Hội phải chịu thì không gì có thể bù lại được. Giáo Hội có đáng tin hay không? Giáo Hội có thật sự đi lại cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu hay không? Hay giữa những chống đối, thù nghịch và thử thách, Giáo Hội vẫn tỏ ra trung thành với Ðấng khi bị treo trên thập giá đã lặng thinh và phó thác cho Thiên Chúa. Hạt lúa có gieo vào lòng đất mới thối đi và lớn lên sinh nhiều bông hạt, đó là định luật của cuộc sống Giáo Hội và của người môn đệ Chúa Kitô.
Ước gì giữa những khổ đau, chống đối và thù nghịch, chúng ta vẫn luôn nhận ra được bàn tay quan phòng kỳ diệu của Chúa, đó là ơn trọng đại mà chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa ban cho chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Đi sang làng khác

Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước, họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. (Lc. 9, 51-52)
Với lòng quả cảm, Đức Giêsu nhất quyết lên Giê-ru-sa-lem, vì Người biết rõ sắp tới ngày chịu nạn chịu chết. Người sẵn sàng vâng theo thánh ý Cha Người, nên không bao giờ lùi bước. Người không sống cho chính mình, trái lại sống phụng vụ thánh ý Cha với tấm lòng vui vẻ của người con thảo. Người gởi sứ giả đi trước dọn đường đi qua Sa-ma-ri-a, họ hận thù với dân Do-thái.
Dân Sa-ma-ri-a bị coi là kẻ ly giáo đối với thành thánh Giê-ru-sa-lem kể từ khi họ xây đền thờ trên núi Ga-ri-dim. Cả hai dân tộc đều khinh ghét nhau, nên những đoàn hành hương khi đi ngang qua ranh giới, đều phải chịu những quẫy nhiễu đủ thứ. Những Tông Đồ bị từ chối không cho qua làng Sa-ma-ri-a để lên Giê-ru-sa-lem.
Gia-cô-bê và Gio-an nổi khùng, muốn dùng biện pháp mạnh thiêu đốt làng đó ngay lập tức. Các ông nói với Đức Giêsu: “Lạy Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không”. Người ta có thể nghĩ xem Đức Kitô, Đấng nhân lành xử thế nào đối với sự chống đối của các môn đệ. Người cần cho các ông một bài học nhân lành về thái độ ngạo ngược này, và chỉ cho các ông phải lấy lửa nào mà đốt tật xấu của mình đi. Đức Kitô đã nhìn Gia-cô-bê và Gio-an với giọng khiển trách ngay thẳng, hẳn tâm can Người khá thất vọng không biết đến chừng nào các ông hiểu được một chút lời dạy của Người: cần kiên trì đến bao giờ đối với các ông và với mọi người khác. Dầu đang sống với chính Người, đang nghe chính Người nói, đang nhìn thấy chính Người hành động, các ông vẫn chưa nuốt được ý nghĩa cần thiết phải có thời giờ chờ đợi cho mọi thứ ăn năn trở về, không nên dùng sức mạnh cưỡng bách Thiên Chúa xâm nhập vào những con tim loài người. Chúng ta cũng giống như các môn đệ đó, muốn một Giáo Hội bị xé nát do nhiều Kitô hữu tự lên án phạt vạ tuyệt thông nhau, đối xử tệ với những người trễ nải, hay bất mãn với những gánh nặng của Giáo Hội đề ra. Họ còn chống đối cả sự kiên nhẫn của Thiên Chúa.
Đức Kitô chỉ nói đơn giản rằng: “Chúng ta đi sang làng khác”.
GF
 
SUY NIỆM 7: 

1. Con đường Thập Giá
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay (Lc 9, 51-56) và bài Tin Mừng ngày mai theo mùa thường niên (Lc 9, 57-62) làm nên hai phần rất khác biệt: ông Gioan và ông Gia-cô-bê muốn khiến lửa từ trời tiêu hủy người ta và cách thức đi theo Đức Ki-tô.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc kĩ, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cả hai phần đều nói về người môn đệ: đó là những người đang đi theo, những người muốn đi theo hay được mời gọi đi theo. Và khi đi theo Đức Ki-tô, người môn đệ được mời gọi đi theo với tâm tình nào, tinh thần nào, cách thức nào, con đường nào?
Đó là con đường Đức Giê-su đang đi, như thánh sử Luca thuật lại: “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem”, để lên trời ngang qua con đường Thương Khó. 
2. Con đường khác
Một đàng, đối với thầy Giêsu, viễn tượng Thương Khó càng ngày càng rõ, vì trước đó, Người đã loan báo đến lần thứ hai và giờ đây Người nhất quyết đi Giê-ru-sa-lem để thực hiện (19, 44-45); nhưng đàng khác, đối với các môn đệ, một viễn tượng khác trái ngược, cũng càng ngày lộ ra rõ nét không kém:
a. Một câu hỏi được đặt ra trong nội tâm các môn đệ: ai trong họ là người lớn nhất? (c. 46-48). Và vấn đề quyền bính sẽ theo các ông đến cùng: Thánh sử Mát-thêu kể lại câu chuyện, người mẹ đi trước, hai người con là ông Giacôbê và Gioan đi sau (theo Chúa mà còn theo mẹ!), để xin Đức Giêsu được ngồi bên hữu và bên tả trên ngai tòa của Ngài (x. Mt 20, 20-23); và họ sẽ tranh luận sôi nổi về quyền bính ngay sau khi Đức Giêsu trao ban chính mình trong bữa tiệc li (x. Lc 22, 24); và một trường hợp khác, các môn đệ, qua hình ảnh hai môn đệ Emmau, hoàn toàn thất vọng khi những gì Đức Giêsu loan báo về Thương Khó được ứng nghiệm. Và chắc chắn, vấn đề quyền bính vẫn còn nguyên đối với tất cả những người đi theo Đức Ki-tô hôm nay.
b. Tiếp đến là vấn đề ảnh hưởng hay độc quyền (c. 49-50): “Chúng con cố ngăn cản vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy”. Và chuyện này cũng còn rất thời sự hôm nay.
c. Và với bài Tin Mừng hôm nay, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, đó là tiêu diệt những người từ chối đón nhận Đức Giêsu. Không biết ai đã ban cho các ông cái quyền “khiến lửa từ trời xuống”? Trong thực tế, đôi khi vẫn còn có những người tự ban cho mình những quyền bính tương tự, hay thi hành quyền bính được ban không theo tinh thần Tin Mừng của Đức Ki-tô, nghĩa là cứu sống, nhưng theo kiểu của thế gian và ma quỉ, nghĩa là lên án, loại trừ và giết chết. 
3. “Con Người không đến để hủy diệt sự sống”
Nếu trong hai chuyện trước (quyền bính và ảnh hưởng), Đức Giêsu kiên nhẫn và nhẹ nhàng giải thích và thậm chí mặc khải những điều kín ẩn trong tương quan giữa Ngài với em bé, giữa Ngài với Chúa Cha, thì ở đây Ngài không còn giữ được bình tĩnh: “Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông”. Một số bản văn tiếng Hi-lạp còn thêm:
Anh em không biết anh em thuộc về thần loại nào; vì Con Người không đến để hủy diệt sự sống, nhưng để cứu vớt. (x. Lc 19, 10)
Con đường để cứu vớt sự sống của Đức Ki-tô là con đường Thập Giá. Để mặc lấy những tâm tình của Đức Giêsu, tất yếu các môn đệ cần phải hiểu mầu nhiệm Thập Giá. Lúc này họ không hiểu và cũng không dám hỏi, nhưng sau này Đức Giêsu Phục Sinh sẽ giúp các ông hiểu. Không hiểu mầu nhiệm Thập Giá, và vì thế không thể mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu, sẽ tất yếu bị chi phối bởi các thần loại quyền bính, độc quyền và nhất là thần loại bạo lực để phân biệt, chia rẽ và thanh toán nhau. Và chưa hiểu mầu nhiệm Thập Giá, chắc chắn cũng chính là vấn đề của chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận