Thứ Tư Tuần 27 TN

Đăng lúc: Thứ tư - 08/10/2014 01:49 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ TƯ TUẦN 27 TN

Bài đọc (Gl 2, 1-2. 7-14)
Anh em thân mến, mười bốn năm sau, tôi lại lên Giêrusalem cùng với Barnaba và có đem Titô theo. Tôi đã theo ơn mạc khải mà lên đó, và tôi đã trình bày với các đấng đó về Tin Mừng mà tôi rao giảng nơi các dân ngoại, tôi bàn hỏi riêng với những bậc vị vọng, vì e rằng mình đang bôn tẩu hoặc đã bôn tẩu luống công chăng.
Trái lại, khi các đấng ấy thấy rằng tôi được uỷ nhiệm rao giảng Tin Mừng cho người không chịu cắt bì, cũng như đã uỷ nhiệm cho Phêrô rao giảng cho những người đã chịu cắt bì, (vì Ðấng đã ban cho Phêrô làm Tông đồ cho những người đã chịu cắt bì, cũng đã ban cho tôi làm Tông đồ lo cho các dân ngoại), và khi đã nhận biết ơn đã ban cho tôi, thì Giacôbê, Kêpha và Gioan, là những vị được kể như cột trụ, đã bắt tay tôi và Barnaba, tỏ tình thông hảo. Thế là chúng tôi đi sang các dân ngoại, còn các đấng thì đi đến với những người đã chịu cắt bì. Bấy giờ chúng tôi chỉ còn phải nhớ đến những người nghèo khổ, và đó là chính điều tôi đã định tâm thi hành.
Nhưng khi Kêpha đến Antiôkia, tôi đã phản đối ông ngay trước mặt, vì ông làm điều không phải. Vì chưng trước khi mấy người bên Giacôbê đến, thì ông vẫn dùng bữa với những người dân ngoại, nhưng khi những người ấy đến, thì ông lẩn lút và tự lánh mặt đi, bởi sợ những người thuộc giới cắt bì. Những người Do-thái khác đều giả hình như ông, thậm chí cả Barnaba cũng bị lôi cuốn theo sự giả hình của họ. Nhưng khi thấy họ không thẳng thắn sống theo chân lý Tin Mừng, tôi đã nói với Kêpha trước mặt mọi người rằng: “Nếu ông là Do-thái, mà còn sống theo thói người dân ngoại, chứ không theo thói người Do-thái, thì lẽ nào ông bắt ép người dân ngoại phải theo thói người Do-thái sao?


Tin Mừng (Lc 11, 1-4)
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói:
“Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.


Suy niệm 1: THA THỨ CHO NHAU ĐỂ ĐƯỢC CHÚA THỨ THA

Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con. (Lc 11,4)
Suy niệm: Con người tội lỗi giống như mắc nợ Thiên Chúa một món nợ khổng lồ không biết lấy chi đền trả nổi. Thế nhưng, ngay từ thời Cựu Ước, Ngài đã hứa sẽ tha thứ sạch cho con người: “Mọi lỗi lầm con phạm Chúa vất bỏ sau lưng” (Is 38,17). Thiên Chúa tha thứ cho tội nhân cách vô điều kiện đến độ Ngài quên hẳn tội lỗi chúng ta: “Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa” (Is 43,25). Sự tha thứ đó được thực hiện hoàn tất khi Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa, xuống thế làm người, rao giảng sự bao dung tha thứ, chịu đau khổ và chịu chết để chúng ta được sạch tội và trở nên công chính (1Pr 2,24). Ý thức mình được ơn Chúa tha thứ lớn lao như thế, chúng ta không có lý do gì mà không sẵn sàng tha thứ vô điều kiện cho anh chị em mình.
Mời Bạn:Muốn làm con Chúa và môn đệ Chúa Giê-su, không gì hơn là chúng ta làm theo điều Chúa dạy dù khó mấy đi nữa. Chúa sẽ không nhậm lời bạn cầu xin nếu tâm hồn bạn còn đầy thù ghét, bởi vì Đạo của Ngài là yêu thương và tha thứ. Bạn nhớ Chúa coi trọng sự hoà giải hơn của lễ bạn dâng trên bàn thờ: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).
Sống Lời Chúa:Mỗi khi có sự bất hoà giữa bạn với một ai đó, bạn cầu nguyện cho người ấy và bạn hãy là người đầu tiên nói lời xin lỗi.
Cầu nguyện:Đọc kinh Lạy Cha.

Suy niệm 2

“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Là Kitô hữu, là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta cũng phải biết năng thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin dạy con cầu nguyện, xin dạy con làm việc này, việc kia, xin dạy con sống theo Chúa, xin dạy con nói, làm, nghĩ… theo Chúa.
Và chúng ta được Chúa dạy kinh Lạy Cha, là khuôn mẫu của mọi lời cầu nguyện. Với kinh Lạy Cha Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta một điều rất quan trọng trong cầu nguyện, đó là tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha của mình.
Hằng ngày chúng ta vẫn đọc kinh Lạy Cha, có khi không phải một lần mà là nhiều lần, nhưng chúng ta có ý thức được Thiên Chúa là Cha. Hay chỉ coi Ngài là một ông “thủ kho” quản lý những gì chúng ta cần, để khi cần chúng ta đến lấy. Hoặc chúng ta chỉ coi Ngài là một ông chủ hà khắc rồi chúng ta luốn trốn tránh, sợ hãi.
Thực sự Thiên Chúa là một người Cha nhân hậu và đầy lòng yêu thương, hãy luôn ý thức điều đó khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, để chúng ta luôn biết chạy đến thân thưa với Cha chúng ta về những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống.
Lạy Cha xin tha thứ cho chúng con vì sự hời hợt, vô tình của chúng con đối với Cha. Xin cho chúng con luôn biết siêng năng đến với Cha, để tìm hiểu Thánh ý Cha và thi hành.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con cám ơn Chúa đã nói cho chúng con biết về Chúa Cha. Một người Cha nhân từ. Một người Cha luôn chăm sóc con cái của mình. Chính Cha đã cho mưa thuận gió hoà trên nhân thế chúng con. Chính Cha đã trao ban Con Một của mình đến trần gian để cứu độ chúng con. Với lòng cảm mến, chúng con xin được thưa cùng Chúa Cha.
Lạy Cha, chúng con biết rằng danh Cha vinh hiển thì mọi sự thế gian này sẽ tốt đẹp hơn! Chúng con biết rằng Cha dựng nên nhân loại chúng con để làm sáng danh Cha. Chúng con xin hứa sẽ dùng những gì Chúa ban mỗi ngày để danh Cha được cả sáng. Chúng con sẽ sống bác ái yêu thương để tôn vinh danh Cha. Xin cho chúng con biết nhận ra tình yêu Cha dành cho chúng con mỗi ngày, ngay cả trong những lúc khó khăn gay go nhất, để nhờ đó chúng con biết ngợi khen Cha.
Lạy Chúa là Cha khả ái, xin cho chúng con biết sống với nhau trong tình nghĩa anh em. Xin loại trừ nơi chúng con những mầm mống hận thù chia rẽ, nhưng xin liên kết chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Amen.

SUY NIỆM 3:

1. Đức Giê-su cầu nguyện
Chúng ta có thể nhận ra kinh Lạy Cha trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, nhưng không đúng nguyên văn. Bởi vì kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc hằng ngày lúc lần hạt, trước bữa ăn và nhất là trong Thánh Lễ, đến chủ yếu từ Bài Giảng Trên Núi của Đức Giê-su, trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (x. Mt 6, 7-15).
Nếu chúng ta đọc Kinh Lạy trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cùng một kinh Lạy Cha, nhưng được Đức Giê-su truyền đạt trong một bối cảnh khác ; và nếu chúng ta so sánh với bối cảnh của kinh Lạy Cha, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta sẽ nhận ra rằng, thánh Luca mang lại cho chúng ta hai điểm rất có ý nghĩa.
Điểm thứ nhất, đó là chính Đức Giê-su đã cầu nguyện, trước khi Ngài dạy các môn đệ cầu nguyện. Như thế, lời nguyện mà Đức Giê-su truyền lại cho các môn đệ của Ngài và cho chính chúng ta hôm nay, xuất phát từ chính lời nguyện của Ngài. Và chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng, lời nguyện mà Ngài đã nói với Chúa Cha và lời nguyện mà Ngài dạy cho chúng ta, đó là cùng một lời nguyện ; và nếu là như thế, lời kinh Lạy Cha sẽ phải mặc khải cho chúng ta biết cách sâu xa về chính ngôi vị của Đức Giê-su.
Vậy, trong đời sống hằng ngày và nhất là trong thời gian tĩnh tâm, chúng ta, chúng ta hãy xin với Đức Giê-su, như người môn đệ xưa : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Bởi vì, đó cũng là vấn đề của chúng ta : một đàng, cầu nguyện giúp chúng ta sống sự sống của Thiên Chúa, được thông ban cách sung mãn và viên mãn nơi Đức Ki-tô ; đàng khác, cầu nguyện khó khăn biết bao. Vì thế, để cầu nguyện, chúng ta cần được dạy và cần thực tập mỗi ngày.
2. Lắng nghe Lời Chúa và kinh “Lạy Cha”
Vừa rồi là điểm quan trọng thứ nhất, của kinh Lạy Cha theo thánh Luca. Điểm quan trọng thứ hai, đó là sự kiện Đức Giê-su dạy các môn đệ lời nguyện này được đặt ngay sau sự kiện Đức Giê-su đến thăm hai chị em, Mác-ta và Maria, sự kiện mà chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng hôm qua (Lc 10, 38-42 ; thứ Ba sau Chúa Nhật XXVII thường niên). Và trong cuộc gặp gỡ này, hình ảnh đánh động chúng ta nhất, chính là hình ảnh cô Maria, ngồi dưới Đức Giê-su lắng nghe với hết tâm hồn lời của Ngài.
Như thế, lời kinh Lạy Cha, trước khi được thốt ra hướng về Chúa Cha, phải được chuẩn bị bằng một thái độ nội tâm là lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa trong việc cầu nguyện kiên nhẫn, chăm chú và lâu giờ, và cũng lắng nghe Lời Chúa, trong đời sống và cả trong công việc và trong sứ mạng phục vụ nữa.
Cũng tương tự như trong Thánh Lễ, kinh Lạy Cha chỉ được chúng ta đọc về cuối Thánh Lễ, trước khi rước Mình Thánh Đức Ki-tô, nghĩa là sau khi đã lắng nghe Lời Chúa và đã chiêm ngắm mầu nhiệm Thánh Thể được tái diễn trên bàn thánh. Và cũng giống như khi chúng ta thực hiện một bài Linh Thao theo thánh I-nhã, chúng ta được mời gọi đọc kinh Lạy Cha để kết thúc giờ cầu nguyện, là thời gian dùng cho việc lắng nghe Lời Chúa.
Lắng nghe Lời Chúa, rồi mới thưa với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, bằng kinh Lạy Cha, chính là để giúp chúng ta nhận ra Ngài đang hiện diện ở giữa chúng ta, đang hiện diện ở trước mặt chúng ta, và chúng ta thật sự thưa với Ngài : “Lạy Cha chúng con”, chứ không phải đọc thuộc một lời kinh dọn sẵn.
Lắng nghe Lời Chúa, sẽ giúp chúng ta hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Chính vì thế, trong lời nguyện “Lạy Cha của chúng con” :
- Chúng ta có thể ra khỏi mình để đi vào tương quan phụ-tử với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.
- Ra khỏi mình để quan tâm trước hết đến Danh Thánh của Cha, đến Triều đại của Cha.
- Và chỉ sau đó, chúng ta mới quan tâm đến sự sống của mình, nhưng không phải sự sống mà mình muốn, nhưng là sự sống đích thật mà Thiên Chúa muốn: đó là sự sống được xây dựng trên những ơn huệ: ơn huệ lương thực, ơn huệ thứ tha và ơn huệ giải thoát khởi sự dữ.
Vậy, mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, xin cho chúng ta có được kinh nghiệm sống bằng chính sự sống của Đức Giê-su, trong tương quan thân mật của Người với Thiên Chúa Cha. Một sự sống hoàn toàn đón nhận từ Thiên Chúa, qua ơn lương thực, ơn tha thứ và ơn giải thoát khỏi sự dữ, và vì thế, làm vinh Danh Thiên Chúa Cha và làm cho Triều Đại Người mau đến.
3. “Xin tha tội cho chúng  con…”
Trong lời nguyện “Lạy Cha”, Đức Giêsu đặc biệt nhất mạnh đến ơn tha thứ (x. Mt 6, 7-15), vì con người không thể sống nếu không có ơn tha thứ: tha thứ của Cha nhân hậu và sự tha thứ mà chúng ta trao ban cho nhau. Chúng ta không thể sống với nhau nếu không tha thứ cho nhau (kinh nghiệm được bố mẹ và các anh các chị tha thứ khi chúng ta còn bé), và chúng ta cũng không thể “sống với” Chúa, nếu không được Ngài tha thứ.
Trong lời nguyện “Lạy Cha”, Đức Giêsu nhấn mạnh đặc biệt đến việc chúng ta cần tha thứ cho nhau: “vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”. Tuy nhiên, theo lời nguyện “Lạy Cha” ơn tha thứ của Thiên Chúa không “tự động” rơi xuống trên chúng ta một khi chúng ta đã tha thứ cho nhau. Chúng ta vẫn phải xin: “Xin tha tội cho chúng con”. Bởi lẽ ơn tha thứ không bao giờ là “tự động”, ơn tha thứ chỉ có thể được trao ban trong một tương quan nhìn nhận nhau, đón nhận nhau (x. dụ ngôn Người Con Hoang Đàng; và bí tích hòa giải cũng diễn tả tương quan này). Hơn nữa, nợ người ta mắc với chúng ta thì ít, còn nợ của chúng ta mắc với Thiên Chúa thì quá lớn (x. dụ ngôn nhỏ trong Lc 7, 39-43). Tuy nhiên, chúng ta không thể xin Thiên Chúa tha thứ, trong khi mình đã không tha thứ hay sẵn sàng tha thứ cho người khác.
Nhưng ai trong chúng ta cũng cảm thấy khó tha thứ cho nhau. Vì thế, kinh nghiệm lòng thương xót, sự bao dung và sự tha thứ của Thiên Chúa nơi bản thân mình chính là nguồn sức mạnh để chúng ta có thể tha thứ cho nhau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Từ khóa:

hôm nay, lương thực

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận