Thứ Tư Tuần 25 TN

Đăng lúc: Thứ tư - 24/09/2014 04:24 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ TƯ TUẦN 25 TN

Bài đọc (Cn 30, 5-9)
Mọi lời Thiên Chúa như luyện trong lửa, là thuẫn che chở kẻ nương tựa vào Người. Ngươi chớ thêm điều gì vào lời Chúa, kẻo ngươi bị trách cứ và bị coi là kẻ gian dối. Con xin Chúa hai điều này và xin đừng từ chối trước khi con chết: Xin hãy loại xa con sự giả trá và lời gian dối. Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa rằng: Chúa là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa của con.


Tin Mừng (Lc 9, 1-6)
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Đoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: “Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”. Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.

Suy niệm 1: GIẢI THOÁT CON NGƯỜI CÁCH TOÀN DIỆN

Thiên Chúa hằng chăm lo cho dân của Người. Vì thế, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã ban cho dân các Tổ phụ, rồi sai các Tiên tri, và thời sau cùng, Người trao ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã kiện toàn tất cả những gì đã loan báo trước đó, đồng thời, Ngài không ngừng mời gọi những môn sinh của mình tiếp bước để cùng Ngài ra đi và tiếp nối sứ mạng cao quý là loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Để củng cố lời rao giảng, Đức Giêsu còn trao ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Mặt khác, Đức Giêsu muốn các môn đệ thanh thoát nhẹ nhàng để chỉ chú tâm cho công cuộc loan báo Tin Mừng là việc chính yếu, Ngài đã truyền cho các ông: “Đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo”. Bên cạnh đó, Ngài còn hướng dẫn các ông về cung cách ứng xử khi thi hành sứ vụ: “Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”.
Như vậy, nếu nhìn cách tổng thể, chúng ta thấy chính Đức Giêsu và sau đó là lệnh truyền của Ngài cho các môn đệ làm toát lên sự lo lắng và ý định muốn giải phóng con người toàn diện cả xác lẫn hồn.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hân hoan đón nhận sứ vụ như là một hồng ân, dẫu rằng chúng ta không xứng đáng. Mặt khác, luôn sống trong sự phó thác nơi Chúa và đừng quá lo lắng về cơm áo gạo tiền trong khi thi hành sứ vụ. Bởi vì chính Đấng sai ta cũng đã sống cảnh: “Con cáo có hang, con chồn có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Sự thanh thoát này giúp chúng ta không bị vướng bận đến chuyện phụ thuộc của vật chất, sự an tâm trần thế. Ngược lại, nhờ lối sống đơn giản, chúng ta được nâng đỡ tinh thần từ bỏ mình và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa cách tốt đẹp hơn. Đức Giêsu cũng không quên nhắc các môn sinh của mình là không được dùng những hình thức khống chế, quyền lực để phụ trợ cho sứ mạng, ngược lại hãy dùng tình thương và gương sáng. Tôn trọng tự do và ước muốn của người thụ huấn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được thanh thoát và can đảm, tin tưởng và phó thác, vui mừng và hy vọng trong khi loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.


Suy niệm 2: NGƯỜI TÔNG ĐỒ SIÊU THOÁT

Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa […]. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo…” (Lc 9,2-3)
Suy niệm: Những lời này của Chúa không thể áp dụng theo nghĩa đen cho các tông đồ ngày nay, ít là nói chung. Nhưng mọi sự giảm thiểu điều cốt yếu của thông điệp (nhằm biện minh cho sự cậy dựa quá đáng vào các phương tiện vật chất, tiền bạc…) đều là sự bóp nghẹt Tin Mừng. Sức sống của Giáo Hội không được đo bằng số tài sản mà Giáo Hội sở hữu; nhiều khi thậm chí ngược lại: càng giàu của cải, càng tha hóa và lạc xa Tin Mừng. Chúa nhấn mạnh lối sống siêu thoát của người tông đồ, siêu thoát hết sức có thể đối với mọi sự cậy dựa vật chất. Sự siêu thoát này là việc diễn tả hùng hồn của đức cậy Ki-tô giáo, nhất là trong giòng xoáy của tiện nghi, tiêu thụ, hưởng thụ như thế giới của chúng ta ngày nay.
Mời Bạn ý thức tính thách đố của tinh thần siêu thoát theo Tin Mừng – và ý thức khả năng thuyết phục của chứng tá siêu thoát, như lời ĐHY Nguyễn Văn Thuận: “Thế gian không thấy con vâng phục, không biết con trinh khiết, nhưng chắc chắn thế gian sẽ nhận thấy rõ rằng con khó nghèo.” Thật vậy, chứng tá khó nghèo, siêu thoát chắc chắn đập thẳng vào mắt người ta, húc vào đầu người ta, và làm bật ra những dấu hỏi.
Sống Lời Chúa: Tôi tháo gỡ những điểm tựa vật chất không thật sự cần thiết, nhất là cảnh giác để không sa vào những phô trương theo thói đời.
Cầu nguyện: Chỉ mong Ngài lấy đi, mong chẳng còn gì thuộc về con, … Để con được trắng tay, con chỉ còn Ngài để giữ lấy, con được chọn Chúa mãi là của con. (Lm. Quang Uy, ý thơ R. Tagore).
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con thật hạnh phúc vì được chọn làm môn đệ của Chúa. Chúng con còn hạnh phúc hơn vì được đón nhận chính sự sống thần linh của Chúa qua bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa thế gian. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể nâng đỡ và thêm sức để chúng con biết loan báo tin mừng với trọn niềm tin yêu.
Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa, để chúng con có thể đẩy lùi sự dữ và những điều xấu xa ra khỏi môi trường chúng con đang sống. Xin gìn giữ chúng con khỏi những mưu chước hiểm độc của ma quỷ đang tìm cách làm ô uế linh hồn của chúng con. Xin đừng để chúng con rơi vào cạm bãy của ma quỷ, khiến chúng con đánh mất vẻ đẹp của phẩm giá con người là luôn hướng về sự thiện, và luôn sống theo lẽ phải.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ở bên chúng con và bước đi cùng với chúng con. Xin hộ phù và gìn giữ chúng con luôn trung tín theo đường lối Chúa. Amen.
 
SUY NIỆM 3: Huấn Lệnh Truyền Giáo

Ðược Chúa Giêsu tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.
So với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần: Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông.
Mỗi thời đại có những cám dỗ riêng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ sứ mệnh cứu thế, cũng như cám dỗ Ngài làm những việc lạ lùng, như hóa đá thành bánh, gieo mình xuống từ nóc Ðền thờ để mọi người thấy và tin. Ngày nay, không thiếu những người chỉ muốn dùng tiền bạc để giảng dạy hoặc dùng quyền bính để làm cho người khác kinh sợ. Một cám dỗ khác mà người Tông đồ thời nay thường mắc phải, đó là sự thiếu kiên nhẫn, chờ đợi thời giờ của Chúa. Họ dễ thoái lui rời bỏ nhiệm sở, thay đổi công việc. Cũng có những người Tông đồ không dám nói rõ những sai lầm của người khác cũng như những gì trái ngược với giá trị Tin Mừng. Thái độ chung của con người thời nay là ích kỷ và hưởng thụ, số người sẵn sàng để Chúa sai đi thật hiếm hoi, số các tệ nạn do sự sai lầm thiêng liêng ngày càng gia tăng, trong khi đó cái tôi tự do được thổi phồng.
Có lần nhà hiền triết Diogène đứng ở một góc đường và cười rã rượi như người điên loạn. Một khách bộ hành hỏi ông: "Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?" Ông đáp: "Anh có thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới đây, đã có mười người vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy nó đi để tránh cho người khác khỏi vấp ngã".
Có nhiều cách làm việc Tông đồ, nhưng hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống tốt lành của mình. Xin Chúa giúp chúng ta đáp lại lời mời của Chúa và hăng say dấn thân phục vụ những người xung quanh vì Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 4: Trung Thành Với Lệnh Truyền Của Chúa

Chúng ta vừa đọc lại bài tường thuật của thánh sử Luca nói về việc Chúa sai nhóm Mười Hai Tông Ðồ ra đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Ðây là cuộc sai đi trước biến cố Phục Sinh để chuẩn bị cho cuộc sai đi quyết định sau Phục Sinh, khi đó Chúa sẽ nói với các ông một cách vĩnh viễn: "Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Thầy. Vậy, các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".
Hai lần sai đi này, trước và sau Phục Sinh, trước và sau biến cố vượt qua của Chúa Giêsu, rất quan trọng và bổ túc cho nhau. Nếu lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh, sau biến cố vượt qua mà không có lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh thì người ta sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ quả quyết rằng, những đồ đệ của Chúa Giêsu tự bày vẽ công việc cho mình để thành lập cộng đoàn Giáo Hội do theo sáng kiến riêng chứ không phải do ý muốn của Chúa Giêsu. Ngược lại, nếu lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh mà không có lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh thì người ta cũng sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ khác nữa cho rằng, Chúa Giêsu đã thất bại trong dự án của Ngài sau khi bị giết chết trên thập giá. Nhưng các sách Phúc Âm đã ghi lại cho chúng ta hai lần sai đi trước và sau Phục Sinh, và điều này làm nổi bật ý định của Chúa Giêsu, một ý định vượt qua giới hạn thời gian, Chúa đã kêu gọi huấn luyện và sai các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho.
Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội qua các thời đại trong lịch sử nhân loại đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người. Hơn nữa, chúng ta thấy tác giả Phúc Âm thánh Luca mô tả sứ mệnh của các tông đồ được Chúa sai đi bằng hai cụm từ rao giảng và chữa lành bệnh tật.
Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta có thể nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Người đồ đệ của Chúa khi làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Khi làm công việc này không thể nào lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em chung quanh.
Nhà thờ để phụng thờ Thiên Chúa, nhà thương để chăm sóc bệnh nhân, nhà dưỡng lão để săn sóc người cao niên, nhà học tập dành cho người trẻ, nhà ở cho người nghèo, nhà cứu trợ cho anh chị em gặp nạn, đó là những nhà, những loại công tác nằm trong sứ mệnh của người đồ đệ của Chúa. Lịch sử hai ngàn năm qua của Giáo Hội cho thấy những đồ đệ của Chúa còn luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa: rao giảng và chữa lành, mặc dù không thiếu những sơ sót lỗi lầm mà giờ đây những đồ đệ chân thật của Chúa không ngần ngại ăn năn xin tha thứ và dốc quyết thực hiện tốt đẹp hơn trong tương lai.
Lạy Chúa,
Xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa để chúng con được canh tân và dấn thân nhiều hơn nữa, để chu toàn tốt hơn sứ mệnh Chúa đã trao phó cho trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin Chúa hãy thương hiện diện với chúng con và cùng hoạt động với chúng con luôn mãi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 5: RAO GIẢNG VÀ CHỮA BỆNH

Đức Giêsu tập họp nhóm mười hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.” (Lc. 9, 1-2)
Mục đích và điều kiện truyền giáo là mang sứ điệp của Đức Giêsu đến cho mọi người vẫn không thay đổi từ thời Giáo Hội sơ khai của các tông đồ cho đến nay đều theo mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh.
Đức Kitô đã ban cho nhóm muời hai quyền đuổi quỷ, chữa lành các bệnh nhân và rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa. Tận nền tảng, vị truyền giáo không thể bằng lòng với lời nói, ông cần phải hành động yểm trợ cho lời nói, và lời nói cần giải nghĩa và soi sáng cho hành động. Từ nhiều năm nay có thể chúng ta đã vịn lý do chỉ cần những hành động công khai nên đã bỏ phần hỗ trợ thiết yếu của lời giảng, có khi còn loại bỏ lời nói để thay bằng lối sống chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô. Đến một mức nào đó, chúng ta phải cảm phục một số những nhà hùng biện ngày nay có sức thuyết phục thính giả chịu nghe các ông nói hằng giờ.
Đức Kitô đã làm khác với chúng ta và những nhà hùng biện, Người không chỉ dùng lời nói,mà vừa rao giảng vừa hành động. Bằng lời nói và chữa bệnh, Đức Kitô qui tụ chung quanh mình hàng ngàn, hàng ngàn người dân. Ngày nay, Người vẫn còn nói bằng rất nhiều hành động từ thiện và nhiều cách khác nữa để nâng đỡ lời giảng dạy. Như vậy việc truyền giáo đòi có cả hai điều: Lời giảng và việc làm: “Lời nói đi đôi với việc làm”.
Thử nhìn chung quanh mình, sẽ thấy khá rõ có giáo phái dù nhỏ bé, họ biết khôn khéo lợi dụng mọi cách để truyền giáo.
Phải chăng, chúng ta kém khôn khéo khi rao truyền đức tin Kitô giáo?
Nghèo khó và từ bỏ vẫn còn hữu ích và hơn bao giờ hết là điều kiện cho việc truyền giáo thật sự tiến triển. Chúng ta dễ bị cám dỗ dùng những phương tiện to tát và hấp dẫn đầy ấn tượng để truyền giáo. Sự từ bỏ là một vẻ đẹp, ngày nay cần thiết phải thực hiện để giúp chúng ta không quên điều Đức Kitô đã dạy muời hai người đánh cá làm nền tảng xây lên Giáo Hội, và nhờ đó mà chinh phục được thế giới, nhất là sự từ bỏ trên thập giá. Lời Chúa sẽ mãi mãi là hạt cải nhỏ bé đã lớn lên thành cây vĩ đại cho muôn chim trời đến trú ngụ.
GF
 
SUY NIỆM 6:

Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại để sai các ông đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và việc rao giảng này luôn đi đôi với việc phục vụ cho sự sống: “Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”; và “các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi”.
1. Ơn huệ sự sống
Các môn đệ được mời gọi phục vụ cho sự sống, theo lời kể của thánh Mát-thêu, trong tâm tình nhưng không : « Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy » (Mt 10, 8). Và không ở đâu sự nhưng không được thể hiện cách tuyệt đối, như ở ơn huệ sự sống. Như thế, Nước Trời gắn liền với sứ mạng phục vụ cho sự sống cách nhưng không. Bởi vì Nước Trời là Nước của Sự Sống, của Thiên Chúa Hằng Sống, và Thiên Chúa là nhưng không.
Thiên Chúa là nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì. Giống như cha mẹ trước khi sinh con, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho hơn cả cái mình có, hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, nếu chẳng may đứa con có ra nông nỗi gì. Trong đời dâng hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm được gì cho Chúa và cho Hội Dòng. Trong đời hôn nhân, Chúa ban tặng cuộc đời người này cho người kia, khi mà cả hai chưa làm được gì cho nhau. Lãng quên điều này, chúng ta không thể sống hạnh phúc và không có động lực để sống đến cùng ơn gọi của mình ; và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa gia đình, giữa cộng đoàn của chúng ta.
Vì thế, khi đọc lại đời mình, chúng ta được mời gọi nhận ra tình yêu nhưng không của Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhưng không trong ơn huệ sự sống và cũng nhưng không trong ơn tha thứ. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này : sự sống đích thật, chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của chúng ta, nhất là trong cộng đoàn ở mọi cấp độ, trong Giáo Hội và ngay cả trong một xã hội, nếu không có sự nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. « Nhưng không » thì ngược với « sòng phẳng ». Nếu Thiên Chúa là « sòng phẳng », thì không có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì ; giữa chúng ta cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu nổi ; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta sẽ không có ngày hôm nay ở gia đình này hay ở cộng đoàn này. 
2. Sứ mạng phục vụ cho cho sự sống
Chúng ta đón nhận sự sống, sự sống trên đời và sự sống trong ơn gọi (tu trì, gia đình) nhưng không chúng ta được mời gọi cũng trao ban nhưng không, bằng cách phục vụ nhưng không cho sự sống : sự sống thể lí, bằng cách quan tâm đến những người nghèo hèn, những người bệnh tật, và sự sống nhân linh, vì con người sống không nguyên bởi không khí (nghĩa là nhu cầu), nhưng còn bầu khí (nghĩa là tương quan). Ma quỉ thường tấn công vào mối tương quan giữa chúng ta với nhau, để làm ô nhiễm bầu khí cộng đồng, cộng đoàn và gia đình, bằng cách gieo rắc thái độ vô ơn, nghi ngờ, ghen tị, ham muốn, bạo lực dưới nhiều hình thức khiến chúng ta hiểu lệch lạc, mù lòa, câm điếc, tê liệt đối với nhau và đối với Chúa. Đó thật sự những bệnh tật, gây hậu quả nghiêm trọng hơn là những căn bệnh thể lí, và chỉ có thể được chữa lành bởi chính Chúa và những năng lực đến từ chính Chúa.
Để phục vụ cho sự sống của người khác, Đức Giê-su đã ban cho các tông đồ « năng lực và quyền phép » đặc biệt nhằm trừ quỉ và chữa bệnh. Thế hệ dầu tiên đã được ơn đặc biệt như thế, để khai sinh ra Giáo Hội. Ngày hôm nay, Đức Giê-su vẫn mời gọi chúng ta thi hành cùng một sứ mạng phục vụ cho sự sống, nhưng dưới những hình thức khác, tuy không ngoạn mục, nhưng sâu xa và bền vững hơn, bởi vì đó là « năng lực và quyền phép » của tình yêu và lòng thương xót Chúa, dành cho mỗi mỗi người chúng ta.
§  Đó là ơn nhận định thần loại, nghĩa là phân biệt và nhận ra cách hành động của Chúa và các hành động của Sự Dữ, dưới ánh sáng của Lời Chúa, và nhất là ngôi vị của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua.
§  Đó là sứ mạng thông truyền đức tin và kinh nghiệm sống đức tin, cho dù có rất nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa… (kinh nghiệm của các nhà truyền giáo)
§  Đó là chiến thắng sự dữ và bạo lực không phải bằng những phương tiện của sự dữ và bạo lực, nhưng bằng sự hiền lành, bằng tâm tình tạ ơn và ca tụng, theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Thập Giá Đức Ki-tô ; như lời Tv 8 loan báo : « Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan ».
§  Đó là sự hiện diện, quan tâm chăm sóc bệnh nhân, là điều không thể thiếu bên cạnh các biện pháp chữa trị y khoa, và sẽ là điều còn lại sau cùng giúp người bệnh tín thác vào tình yêu Thiên Chúa ngay trong thử thách bệnh tật và sự chết.
Nhưng trên hết là, chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng « nhân danh Đức Ki-tô », chúng ta chỉ là tôi tớ, là nữ tì ; và vì thế, phải để cho Chúa hành động.
3. “Anh em đừng mang gì đi đường”!
Chính vì thế, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Đức Giê-su căn dặn rất chi tiết và triệt để, chi tiết và triệt để đến độ không thể thực hiện được: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”. Bởi vì, nếu chúng ta làm theo y như lời dặn này của Đức Giê-su, chúng ta không thể rao giảng được mấy ngày, thậm chí đi tĩnh tâm cũng không được ! Tuy nhiên, nếu chúng ta không sống theo lời của Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ giống như người xây nhà trên cát (Mt 7, 24-27), sẽ chẳng sinh hoa kết quả để tôn vinh Thiên Chúa (x. Ga 15, 5; 21, 3-6).
Đức Giê-su cố ý nói thật triệt để như thế, để một đàng chúng ta không thể biến lời của Ngài thành lề luật, hiểu theo chữ viết, đàng khác mặc khải cho chúng ta một năng động được thúc đẩy và lôi cuốn bởi Thần Khí. Bỡi lẽ, Lời Chúa là thần khí (x. 2Cr 3, 17). Những lời của Đức Giêsu không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng buộc phải tiến tới, nếu cần thiết, thật xa theo năng động mà lời của Ngài gợi ra. Lời dặn của Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta rằng, sứ vụ của chúng ta phải được thi hành dựa trên ơn ban nhưng không của Chúa, chứ không phải là dựa trên các phương tiện và tài năng của chúng ta ; và nếu có phần đóng góp của các phương tiện và tài năng, thì tất cả đều là ơn huệ Chúa ban cách nhưng không.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận