Thứ Sáu Tuần 28 TN

Đăng lúc: Thứ sáu - 17/10/2014 10:07 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ SÁU TUẦN 28 TN: Th. I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử đạo

Bài đọc (Ep 1, 11-14)
Anh em thân mến, trong Ðức Kitô, chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, và anh em (là con cái Israel) cũng được tiền định theo ý định của Ngài làÐấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trước kia đã trông cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, được ca ngợi vinh quang Ngài.


Tin Mừng (Lc 12, 1-7)
Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: “Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà. “Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy. “Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ”.

Hoặc bài đọc lễ thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a

Bài đọc (Pl 3,17-4,1)
3. Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh em. (18) Vì, như tôi nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Ðức Kitô: (19)chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. (20) Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Ðức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. (21) Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.
4. (1) Bởi vậy, hỡi anh em thân mến lòng tôi hằng tưởng nhớ, anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi. Anh em rất thân mến, anh em hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng như vậy.


Tin Mừng (Ga 12, 24-26)
(24) Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.(25) Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.(26) Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy;
và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy”.


Thánh Inhaxiô thành Antiokia, giám mục, tử đạo

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ
Không có một tài liệu lịch sử nào rõ rệt về lý lịch của vị Giám mục đáng kính này.
Truyền thuyết cho rằng thánh Ignatiô là môn đệ Thánh sử Gioan. Ngài có một lòng yêu mến Chúa Kitô đến say mê, luôn ước ao được chết vì Chúa, do đó người ta đã tặng thánh nhân danh hiệu “Đền thờ Thiên Chúa”.
Thánh Ignatiô được tấn phong làm Giám mục thành Antiôkia kế vị Đức Giám mục Êvôđa dưới triều hoàng đế Trajanô. Truyền thuyết cho rằng ngài chính là em bé đã được Chúa Giêsu ẵm bế đặt giữa các môn đệ trong Tin Mừng 18,3 hay câu bé bán bánh đã dâng cho Chúa năm chiếc bánh và hai con cá để Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho ba ngàn người ăn trong Tin Mừng Matthêô (Mt 14,15-20).
Khoảng năm 110, ngài bị bắt vì đức tin và bị giải về Rôma dưới trào hoàng đế Trajanô. Trước khi lên đường tử nạn, ngài chúc phúc lành cho đoàn con cái và trao phó cả giáo đoàn Antiôkia cho Chúa Kitô. Rồi Ngài giúp lính xiềng tay ngài và vui vẻ đi theo bọn lính áp tải ngài về Rôma. Bọn lính hành hạ Ngài rất tàn nhẫn. Chúng cố ý hành hạ ngài cốt để cho các giáo hữu động lòng cảm thương ngài đút lót tiền bạc cho chúng.
Các Kitô hữu ở Antiôkia khóc thương tiếc vị Giám mục đáng kính của họ. Họ buồn phiền vì phải ly biệt chủ chăn yêu quí nhất đời. Đứng trước cảnh ly biệt đau thương đó, Đức Giám mục Ignatiô vẫn giữ vẻ mặt tươi tỉnh, Ngài khuyên nhủ họ nên đặt tin tưởng độc nhất vào Chúa Giêsu.
Đức Giám mục Ignatiô được dẫn theo đường bộ về Rôma. Ngài đi qua thành Smyrna. Tại đây, thánh Ignatiô đã gặp thánh Pôlycarpô. Vị Giám mục thánh thiện này cũng là môn đệ của thánh Gioan như thánh Ignatiô.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng, hai vị Giám mục ôm chầm lấy nhau, Đức Giám mục Pôlycarpô khóc nức nở vì quá vui mừng. Toàn dân địa phận Smyrna kéo đến vây quanh Đức Giám mục đáng kính Ignatiô để được hân hạnh nghe ngài khuyên răn, khích lệ và ban phép lành. Các giáo đoàn Đông phương còn đề cử nhiều Giám mục, linh mục, giáo dân đến chúc mừng vị thánh tử đạo tương lai đáng kính. Các Kitô hữu đều coi Ngài như một người cha thiêng liêng.
Trong cuộc hành trình gian nan này, ngài viết 7 lá thơ, nói lên tình yêu nồng suy của ngài đối với Đức Kitô và ưu tư của ngài về sự hiệp nhất của cộng đoàn dưới sự lãnh đạo của vị Giám mục. Ngài gởi về giáo đoàn Rôma lá thơ, van xin họ đừng làm gì để người ta thả ngài.
Từ biệt giáo đoàn Smyrna, Đức Giám mục lên đường đi thẳng tới Macêdônia, Albaniô và nhiều thành phố khác. Đi tới đâu, Ngài cũng khuyên bảo, khích lệ các Kitô hữu và khẩn khoản nài xin họ cầu nguyện cho ngài được trung thành tới cùng. Ngài thăm viếng tất cả các giáo đoàn ngài đi qua, viết thư thăm các Đức Giám mục, các linh mục thuộc quyền ngài. Tới Rôma, Ngài bị tống ngục và chờ ngày đại lễ sẽ đưa ra công trường hành hình mua vui cho quần chúng.
Truyền thuyết cho rằng: Đức Giám mục Ignatiô đã phải chịu rất nhiều nhục hình trước khi bị đưa ra cho thú dữ dầy xéo.
Tới ngày đại lễ, Đức Giám mục Ignatiô với nét mặt tươi tỉnh, hiên ngang tiến ra công trường để được chết vì Chúa Kitô. Ra tới công trường, Ngài quay về phía dân chúng cao giọng nói lên đôi lời:
“Kính thưa toàn thể đồng bào, xin đồng bào đừng ngộ nhận tôi đây vì có trọng tội nên bị thú dữ dầy xéo. Không phải thế đâu, sở dĩ tôi bị thú dữ cắn xé là vì tôi muốn được kết hợp với Thiên Chúa.”
Vừa dứt lời, đoàn sư tử hùng hổ tiến về phía Đức Giám mục Ignatiô. Nghe tiếng sư tử gầm thét, Ngài kêu lớn tiếng:
“Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi muốn được nghiền nát dưới nanh vuốt thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền dâng tiến Chúa Kitô.”
Đoàn sư tử thi nhau cắn xé thánh nhân. Khi bị đoàn vật xâu xé, thánh nhân luôn miệng kêu tên Chúa Giêsu. Có người hỏi thánh nhân tại sao cứ kêu tên Giêsu hoài như thế. Thánh nhân trả lời: “Tôi kêu tên Giêsu vì chính tôi đã ghi khắc tên đó trên trái tim tôi và đời đời không bao giờ quên được”. Sư tử ăn hết thịt thánh nhân và để xương lại nguyên vẹn.
Các Kitô hữu kính cẩn thu lượm xương thánh nhân đưa về an táng ở ngoại ô thành Rôma. Đến thời hoàng đế Thêôđô trẻ (Thédode le Jeune), giáo doàn Antiôkia rước xương thánh đó về Antiôkia cách rất trọng thể. Đám rước diễn hành đi theo những con đường thánh nhân đã đi về Rôma chịu tử đạo.
II. GƯƠNG TRUNG THÀNH
Tháng Giêng năm 107, hoàng đế Trajanô tới thăm Antiôkia. Được biết tại đây có Giám mục Ignatiô đã không vâng lệnh thờ cúng tượng thần, lại còn ngăn cản người khác, ông truyền điệu ngài tới để xét hỏi. Trước mặt hoàng đế, thánh Ignatiô nói cho ông ta biết về các tín hữu của ngài. Ngài bảo: Các tín hữu của ngài như những người nghèo khó có phúc vì tâm hồn của họ có Chúa. Tâm hồn họ đã trở nên “Đền thờ Thiên Chúa”.
Lúc đó nhà vua thắc mắc:
- Vậy ra nhà ngươi cho rằng: chúng ta đây không có các thần minh bất tử ở trong tâm hồn chúng ta sao?
- Xin hoàng đế đừng nhắc tới những thần tượng câm điếc đó. Chỉ có mình Thiên Chúa chân thật đã tạo dựng nên trời đất và muôn vật. Thiên Chúa đã sai con một Ngài xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Nếu như hoàng đế tôn thờ Thiên Chúa thì đế quốc và vương quyền của hoàng để sẽ vững mạnh hơn thạch trụ.
- Ta cấm nhà ngươi không được nói đến điều đó nữa. Nếu nhà ngươi muốn sống, nhà ngươi hãy nghe ta tế lễ các thần minh bất tử đi. Ta sẽ coi ngươi như bản hữu của ta và ta sẽ chọn làm thầy tư tế chuyên lo phụng sự thần Jupiter.
- Bổn phận chúng tôi là phải biết ơn, biết ơn hết mọi người, nhất là hoàng đế một khi Ngài ban cho chúng tôi những ân huệ cao quí. Nhưng nếu như ngài ban cho chúng tôi những gì làm tổn thương tới linh hồn chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ dám nhận. Tôi đây là linh mục của Chúa Kitô dâng hiến lễ hàng ngày trên bàn thờ. Và giờ đây tôi ao ước được hy sinh chính mạng sống tôi cho Chúa Kitô, cũng như chính Chúa Kitô đã hy sinh mạng sống Người cho tôi.
Không chịu nổi những lời châm biếm và lăng mạ các thần minh, Hoàng đế Trajanô truyền điệu Đức Giám mục Ignatiô về Rôma để ném cho sư tử cắn xé mua vui cho dân chúng.
Thánh nhân đã chấp nhận sự đau khổ trong vui tươi, đã chấp nhận cái chết với tất cả niềm yêu mến, đến nỗi khi đương đầu với sư tử sẽ phân thây, xé xác mình, thánh nhân đã thốt lên lời đầy an ủi và xác tín: “Tôi là miếng mồi ngon của Ðức Kitô. Ước gì nhờ răng của thú dữ, tôi trở thành bánh được tuyển chọn!”


Suy niệm 1: SỐNG VÌ MỤC ĐÍCH NƯỚC TRỜI

Cả tuần nay, Đức Giêsu liên tiếp chống đối lối sống đạo đức dỏm của Biệt Phái và Tiến Sĩ Luật. Hôm nay, lại một lần nữa Đức Giêsu không chấp nhận lối sống giả hình của họ, đồng thời, Ngài cũng cảnh tỉnh các môn đệ của mình khỏi vướng vào lối sống giả nhân giả nghĩa như các Biệt Phái và Tiến Sĩ Luật đang làm.
Nhân dịp này, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ can đảm sống chứng tá cho Tin Mừng dầu có phải chết. Sự sống trên trần gian này là cuộc sống tạm bợ, mai hậu mới là vĩnh viễn. Vì thế, không nên khờ dại mà đánh đổi sự an nhàn đời này mà đau khổ mãi mãi đời sau. Luôn sống trong sự phó thác và tin tưởng vào Chúa Quan Phòng.
Ngày nay, không thiếu cảnh tín hữu kitô nơi này, nơi kia bị bách hại. Cụ thể nhất chính là ở Iraq. Các tín hữu bị buộc phải cải đạo, nếu không sẽ phải chết. Tuy nhiên, đức tin mạnh mẽ vào Chúa Quan Phòng, anh chị em chúng ta ở đây đã không sợ hãi những kẻ chỉ giết hại được thân xác mà không giết được linh hồn, vì thế, họ đã sẵn sàng chấp nhận cái chết để minh chứng cho tình yêu của mình đặt nơi Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thật, hành động thật và tin tưởng phó thác nơi Chúa. Đừng sợ những khó khăn thử thách trong đời sống đạo. Đón nhận con đường khổ giá như là điều kiện cần cho phần rỗi của mình.
Luôn nhớ rằng khi chúng ta tin và sống đạo, hẳn chúng ta không thể thoát khỏi sự hiểu lầm, chống đối và đôi khi cả cái chết nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và ngang qua đó, chúng ta sẽ thấy cùng đích của cuộc đời nằm ở nơi Thiên Chúa chứ không phải những thứ mau qua, chóng hết ở đời này.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Chúa, can đảm sống đời chứng nhân trong cuộc sống hằng ngày của chúng con. Sẵn sàng làm chứng cho lẽ phải, công bằng. Amen.


Suy niệm 2

Sau khi quở trách những người Pharisêu và những luật sĩ, Chúa Giêsu quay sang dối tượng các là đám đông. Chắc chắn ở đây rất nhiều thành phần, nên sứ điệp của Chúa là muốn dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên trước hết là với các môn đệ của Ngài, vì Ngài muốn họ thay thế những người biệt phái và luật sĩ để lãnh đạo dân chúng. Ngài cảnh báo họ:“Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả”.
Như vậy điều hết sức rõ ràng mà các môn đệ của Chúa phải tránh là thói giả hình. Ngài còn cho biết điều này nguy hiểm đến mức có thể trở thành men, nghĩa là nó sẽ lây lan đến nhiều người, làm cho nhiều nơi dậy lên phong trào đó. Thói giả hình là những việc làm bề ngoài mà không có tâm tình, làm để người ta thấy. Nhưng đáng sợ là những người xung quanh tưởng rằng họ tốt lành nên có thể gặp nguy hiểm, rắc rối từ họ. Chúa Giêsu sợ nhất là thói giả hình đạo đức. Nghĩa là họ dối gạt cả Thiên Chúa nữa.
Chúa Giêsu cho các môn đệ của Ngài thấy hậu quả của thói giả hình là trước sau gì người ta cũng biết. Mà nếu người đời không biết thì Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn cũng sẽ biết. Vì vậy Ngài khuyên các môn đệ hãy sống thực với lòng mình dù nhiều khi sự thực đó không mấy tốt đẹp cũng còn đỡ hơn người ta dấu diếm, che đậy bằng những việc tốt lành… đến khi người khác biết được thì càng xấu xa hơn.
Lạy Chúa sự thật bản thân con cũng có những hạn chế. Xin cho con dám nhìn thẳng vào những hạn chế đó để chấp nhận sự thật nơi bản thân mình. Khi biết rõ mình con sẽ cố gắng để nó không ảnh hưởng đến đời sống của con. Xin cho con đừng tìm cách che đậy, vì càng che đậy nó sẽ càng “lòi” ra. Xin cho con dám nói với Chúa và người khác tôi còn “tham” quá, tôi còn “sân” quá, tôi còn “si” quá. Và khi dám chấp nhận những điều đó xin Chúa ban sức mạnh để con có thể vượt qua. Xin cho con nhìn thấy nó như một vật cản trong cuộc đời, nhưng biết bình thản bước qua chứ không ngồi nhìn nó rồi đau khổ, phàn nàn, trách trút.


Suy niệm 3: RAO GIẢNG TRÊN MÁI NHÀ

“Vì thế, điều anh em nghe rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.”(Lc 12,3)
Suy niệm: Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp ngày truyền thông thế giới lần thứ 35 (21/05/2001) đã nói: Cái mái nhà ngày nay “bị chiếm cứ bởi cả rừng ăng-ten chuyên phát đi thu lại đủ thứ thông tin từ tứ phương thiên hạ.” Và dưới cái nhìn đó, ngài đã nhận ra lệnh truyền “rao giảng Tin Mừng trên mái nhà” có một ý nghĩa mới: “Chúng ta phải chuyển đạt Lời Đức Ki-tô cho thế giới năng động của các phương tiện truyền thông hiện đại và bằng cũng chính những phương tiện truyền thông đó của nó” (số 1). Đó là sứ mạng dấn thân mà Giáo Hội không có lý do để từ khước.
Mời Bạn: Sứ mạng rao giảng trên mái nhà có nhiều thách đố: các phương tiện truyền thông không chỉ truyền tải thông tin, mà còn nhào nặn thông tin vì những ý đồ khác nhau khiến cho ranh giới giữa cái thật và cái ảo trở nên mong manh; thế nhưng cũng có nhiều lợi điểm: chân lý được loan truyền thật nhanh đến thật nhiều người ở khắp nơi trên thế giới (x. số 2).“Điều quan trọng là làm thế nào người ta vẫn có thể nghe được sứ điệp Lời Chúa ở giữa đám thông tin ồn ào náo nhiệt đó” (số 1).
Chia sẻ: Bạn dùng những phương tiện truyền thông thế nào để thánh hoá bản thân mình và dùng chúng để “rao giảng Tin Mừng trên mái nhà”?
Sống Lời Chúa: Nếu có dịp bạn e-mail một câu Lời Chúa cho một người bạn của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm sức cho con, để dù gặp thời thuận tiện hay không, con vẫn dám dùng mọi phương tiện truyền thông hiện đại để rao giảng Lời Chúa cho thế giới hôm nay.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là tinh yêu. Chúa yêu thương hết mọi loài chúng con. Từ những bông hoa cỏ dại, đến những loài chim bé bỏng, Chúa đều yêu thương chăm sóc. Riêng con người, Chúa còn yêu thương hơn tất cả vạn vật bội phần, vì chúng con là hình ảnh của Chúa. Xin cho chúng con biết phó thác đời mình cho tình thương vô biên của Chúa. Xin giúp chúng con vượt thắng bản thân mình để can đảm sống cho niềm tin của mình.
Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ cho chúng con, vì những lần chúng con làm mất đi vẻ đẹp của hình ảnh Chúa nơi tâm hồn chúng con. Chúng con đã để những tư tưởng lỗi đức trong sạch làm mất đi vẻ đẹp thanh khiết của tâm hồn chúng con. Chúng con đã để những tham lam vô độ làm mất đi phẩm giá thanh cao nơi con người chúng con. Chúng con đã để thói lười biếng, ích kỷ làm mất đi giá trị cuộc đời của chúng con giữa gia đình và xã hội. Xin Chúa giúp chúng con biết sợ những đam mê tội lỗi để biết sống trong sạch, tiết độ và vị tha. Xin đừng để chúng con sống trong tội lỗi mà làm mất đi vẻ đẹp cao quý là hình ảnh Chúa nơi tâm hồn chúng con.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự, để nhờ đó chúng con hết lòng phụng sự Chúa. Amen.
 
Suy Niệm 4: Các Con Ðừng Sợ

Thánh Justinô là một triết gia nổi tiếng của Kitô giáo vào thế kỷ thứ 2; ngài đã bị bắt giam tại Rôma cùng với một số Kitô hữu khác, vì tội tuyên truyền tôn giáo trong trường học do ngài điều khiển. Ra trước tòa, khi được hỏi về hành động của mình, thánh nhân dõng dạc tuyên bố:
- Suốt đời tôi, tôi đã đi tìm kiếm chân lý; tôi đã nghiên cứu sâu xa các triết lý Ðông Phương, Hy Lạp và Rôma; thế nhưng cuối cùng tôi đã tìm được giáo thuyết chân thật.
Quan tòa liền hỏi giáo thuyết chân thật đó là gì? Thánh nhân giải thích:
- Thưa là giáo thuyết của Chúa Giêsu Nazaret, giáo thuyết này nhằm giải phóng chúng ta khỏi các ngẫu tượng và dạy chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và chân thật, là Ðấng tạo thành trời đất, là Ðấng cứu rỗi nhân loại.
Quan tòa lại hỏi:
- Vậy ông là một Kitô hữu ư?
Thánh nhân liền tuyên xưng:
- Phải, tôi là một Kitô hữu và tôi lấy làm vinh dự được làm Kitô hữu cùng với các bạn tôi đây.
Quan tòa ra lệnh cho thánh nhân và các bạn của ngài phải tế thần, thánh nhân trả lời một cách cương quyết:
- Chúng tôi không tôn thờ ngẫu tượng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi là những người vô thần. Chúng tôi thờ lạy một Thiên Chúa thiêng liêng, Cha của Chúa Giêsu. Một người có đầu óc lành mạnh không thể từ bỏ tôn giáo chân thật để chạy theo một tôn giáo giả.
Thấy không thể thuyết phục được thánh nhân bỏ đạo, quan tòa ra lệnh đánh đòn rồi xử trảm thánh nhân và các bạn.
Ðứng trước cái chết, ai cũng run sợ. Chúa Giêsu đã không thoát khỏi tâm trạng ấy: Ngài run sợ đến toát mồ hôi máu. Vậy đâu là sức mạnh giúp Chúa Giêsu thắng vượt sự sợ hãi ấy? Thưa, chính là sự kết hiệp với Chúa Cha. Niềm tín thác vào sự hiện diện và tình yêu của Chúa Cha đã giúp Chúa Giêsu thắng vượt mọi thử thách và yếu hèn trong thân phận làm người.
Ðó cũng là bí quyết của tất cả các thánh tử đạo. Sách Công vụ Tông Ðồ kể lại đầy đủ chi tiết cái chết của vị tử đạo tiên khởi là thánh Stêphanô. Thánh nhân cũng phải trải qua những giây phút kinh hãi như chính Chúa Giêsu; nhưng sách Công vụ Tông đồ mô tả thái độ của ngài như sau: "Ngài được đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn trời cao thấy vinh quang của Thiên Chúa và thấy Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa". Chỉ bằng một ánh mắt luôn hướng về trời cao như thế, con người mới có thể lướt qua thử thách và sợ hãi. Thánh Justinô đã có được sự bình thản trước cái chết, bởi vì ngài luôn tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống và chân thật.
Nhìn lại cung cách của một số vị tử đạo, chúng ta có được sức mạnh của Lời Chúa trong đời sống con người. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay tập trung vào hai chữ: "Ðừng sợ" được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần. Ðây chính là một mệnh lệnh của Chúa Giêsu chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng. Trong biến cố Truyền tin, thiên sứ đã nói với Ðức Maria: "Ðừng sợ". Khi Chúa Giêsu sinh ra, các thiên sứ đã loan báo tin vui bằng lời trấn an các mục đồng: "Ðừng sợ". Ðây là công thức sẽ được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần với các môn đệ, và cao điểm là lúc Ngài tuyên bố: "Các con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian".
Khi được bầu làm Giáo Hoàng, trong diễn văn đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô, Ðức Gioan Phaolô II đã dõng dạc tuyên bố: "Ðừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô". Thật thế, khi con người mở rộng cửa cho Chúa Kitô, khi con người để Chúa Kitô sinh động trong tâm hồn, khi con người chỉ sống bằng sự sống của Chúa Kitô, thì lúc đó con người sẽ lướt thắng được mọi sợ hãi, và chỉ lúc đó, con người mới có thể lên tiếng công bố Lời Chúa cho mọi người.
Nguyện xin sức sống của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn chúng ta, để cả cuộc đời chúng ta trở thành lời ca tụng Chúa trước mặt mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Men Pharisiêu

Ðoạn Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay là những câu đầu tiên trong chương 12 Phúc Âm theo thánh Luca. Nơi chương này, tác giả quy góp lại những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ, mặc dù đám đông dân chúng đang hiện diện nơi đó không bị loại ra bên ngoài. Như chúng ta đọc thấy ngay câu thứ nhất của chương 12: "Dân chúng qui tụ quanh Chúa đông đảo đến độ dẫm chân lên nhau. Họ đến để nghe Lời Chúa giảng dạy và được gặp Chúa". Tuy nhiên nơi câu kế tiếp (tức câu thứ hai), tác giả sách Phúc Âm cho thấy là Chúa Giêsu chú ý nhiều hơn đến các môn đệ, nên ghi thêm chi tiết: "Chúa Giêsu bắt đầu nói trước hết với các môn đệ", lời giảng của Chúa Giêsu là cho tất cả mọi người nhưng đối với các môn đệ thì càng có giá trị bắt buộc nhiều hơn nữa.
Nếp sống mà Chúa muốn cho các môn đệ Ngài sống là hoàn toàn mới mẻ, khác với nếp sống của những biệt phái và thông luật bị Chúa nặng lời khiển trách trước đó: "Các con hãy giữ mình đừng bị men Pharisiêu tức sự sống giả hình". Các môn đệ Chúa sẽ dấn thân sống sự thật và phục vụ cho sự thật với hết lòng thành thật.
Những hành động, nếp sống hàng ngày của môn đệ cần phải phù hợp với tâm hồn bên trong, không thể nào che đậy giấu diếm tâm hồn xấu xa mãi được, không gì ẩn khuất bên trong mà không bị lộ ra; nhưng không phải chỉ có nếp sống thành thật không mà thôi. Nếp sống đó là một chứng tá công khai cho Chúa: "Ðiều tốt tự nhiên được loan truyền phổ biến". Ðiều các môn đệ nghe, nhận lãnh từ Chúa cần được loan báo cho mọi người. Người Kitô môn đệ Chúa không thể giấu diếm tài năng, những nén bạc Chúa ban cho mà cần phải rao giảng trên mái nhà, công khai cho mọi người được biết. Nếp sống chứng tá này không phải là điều dễ dàng đối với Chúa cũng như đối với các môn đệ. Sự hăm dọa và bách hại đã không thiếu trong đời sống của môn đệ làm cho các ngài nhiều khi phải có thái độ im lặng làm ngơ, không dám lên tiếng trình bày sự thật, làm chứng cho sự thật.
Chúa Giêsu khuyên các môn đệ hãy can đảm và tin tưởng vào sự chăm sóc của Thiên Chúa: "Chúng con đừng sợ những kẻ chỉ làm hại được trên thể xác, nhưng hãy có lòng kính sợ Chúa". Ðây là sự kính sợ của lòng yêu thương con thảo đối với Thiên Chúa Cha, là Ðấng luôn luôn hiện diện với con người, với những môn đệ: "Này, Ta sẽ ở cùng chúng con mỗi ngày cho đến tận thế". Lo sợ trước những thử thách, những bách hại, là phản ứng tự nhiên của con người, nhưng Chúa Giêsu muốn cho chúng ta vượt qua những phản ứng tự nhiên này bằng tình yêu mạnh mẽ đối với Chúa.
Lạy Chúa,
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã muốn và huấn luyện chúng con trở thành những chứng nhân của Chúa nhưng chúng con tự nhiên lo sợ trước những thử thách. Xin thương giúp chúng con tin tưởng vào lời Chúa và sẵn sàng tuân theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Chúa, sống đức tin và niềm hy vọng trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Chân lý đã chiến thắng

“Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác, và sau đó không làm gì được hơn nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: Anh em hãy sợ Đấng ấy.” (Lc. 12, 4-5)
Dân chúng chen lấn xô đẩy nhau chung quanh không thể chú ý được nên trước hết Đức Giêsu bắt đầu nói với các môn đệ, Người gọi các ông bằng bạn hữu vì Người bày tỏ những mầu nhiệm Thiên Chúa cho các ông. Nhưng phải coi chừng đừng sợ chi!
Những biệt phái giả hình nhấn mạnh đến hình thức giữ đạo bên ngoài không đặt nền tảng trên tình yêu Thiên Chúa. Đức Giêsu lưu ý các môn đệ phải loại bỏ lối giữ đạo đó. Những khuynh hướng thầm kín nhất của con tim muốn bộc lộ bằng lời nói và hành động một cách tự nhiên và như thế dễ hời hợt sai lầm. Vậy không nên để nó điều đình với chân lý, dù để được kết quả rực rỡ.
Cũng không phải quan tâm lựa chọn nơi chốn mình tuyên xưng đức tin, Các môn đệ phải làm chứng liên tục luôn luôn mọi nơi mọi chỗ; dù trong hầm tối hay mộ hang toại đạo, dù trong phòng khách hay nơi bàn giấy, dù trong tù ngục hay trại lính, bằng cách rỉ tai đến cách công khai, đều có thể giúp làm chứng cho chân lý. Dù bằng cách nào, chân lý sẽ tự bộc lộ ra giữa ban ngày, không có chi ngăn cản được.
Hãy làm chứng đừng sợ
Chắc hẳn, như các ngôn sứ, các môn đệ phải liều mất mạng khi làm chứng, nếu kính sợ Thiên Chúa, thì không còn sợ chết nữa. Chính Chúa sẽ ban sự sống đời đời cho các ông. Chỉ sợ Ngài là Đấng có quyền giết rồi lại ném vào lửa ngục. Vậy Thiên Chúa đáng kính sợ hơn mọi công an cảnh sát chìm, hơn mọi kẻ hành quyết công chúng. Nhưng Đức Giêsu không đối lập hai thứ sợ hãi, Thiên Chúa là tình yêu và luôn săn sóc những kẻ bé mọn yếu hèn, nên càng có lý do tin tưởng Ngài yêu thương họ. Chính vì trông cậy vững chắc vào lòng thương yêu của Chúa mà các môn đệ phải sống làm chứng cho tình yêu của Ngài.
Lời Đức Giêsu nói với tất cả các bạn hữu của Người, những người đã chịu phép rửa của Hội thánh ở mọi nơi mọi thời, điều quan trọng là phải sống xứng đáng với ơn gọi để trở nên làm con Chúa Cha, chứ đừng thỏa hiệp với thế gian vì sợ hay vì kính tin nó.
Mọi Kitô hữu phải luôn nhớ rằng mình đang sống dưới ánh mắt của Thiên Chúa.
RC
 
SUY NIỆM 7

Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, một trong những lời của Đức Giê-su làm cho chúng ta phải chú ý, có lẽ là lời này:
Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.(c. 2)
Chúng ta thường hiểu câu nói này của Đức Giê-su theo nghĩa luân lý ; theo đó, một ngày kia, vào lúc phán xét, mọi hành động, lời nói và tư tưởng của chúng ta, vốn đa phần vẫn còn được che dấu, tất cả sẽ được đem ra ánh sáng, được phơi bày trước mặt Thiên Chúa và loài người ; lúc ấy thật là xấu hổ. Vì thế, lời này của Đức Giê-su làm cho chúng ta lo sợ, hơn là mang lại bình an, tin tưởng và hi vọng.
Tuy nhiên, hiểu lời nói này của Chúa như thế, là không phù hợp với những gì Ngài nói ngay sau đó :
Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà. (c. 3)
Do đó, điều che dấu hay bí mật chính là những mầu nhiệm kín ẩn của Thiên Chúa, sẽ tất yếu được công bố và được nghe. Và những mầu nhiệm này ngay bây giờ đã và đang được bày tỏ cho chúng ta nơi Lời của Đức Giê-su và nơi ngôi vị của Ngài rồi.
Thực vậy, thánh Phao-lô nói : « Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô,và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật » (Ep 3, 9 ; và Rm 16, 25 ; Col 1, 25-27). Như thế, mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thủa nơi Thiên Chúa, nhưng nay được hiển hiện, được đưa ra ánh sáng, được bày tỏ, được công bố và loan báo, chính là « Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô ».
*  *  *
Tuy nhiên, sự bách hại vẫn có thể xẩy ra, khiến chúng ta vẫn phải « nói lúc đêm hôm » và « rỉ tai trong buồng kín ». Nhưng Đức Giê-su mời gọi chúng ta « đừng sợ », và mời gọi chúng ta tín thác nơi quyền năng mạnh hơn sự chết của Thiên Chúa :
Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy. (c. 5)
Và nhất là người môn đệ đươc mời gọi tín thác nơi tình yêu quan phòng của Người :
Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ. (c. 6-7)
Chim sẻ rẻ tiền như thế, nhưng vẫn không bị loại bỏ khỏi sự quan tâm yêu thương của Chúa Cha, trong khi chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được tái sinh trong Máu Đức Ki-tô để trở nên con Thiên Chúa ; vì thế, Người quí trọng từng « sợi tóc » trên đầu của chúng ta. Chứng kiến từng sợi tóc bạc mầu và rơi rụng theo năm tháng, nhất là khi đến tuổi, thay vì sợ hãi, chúng ta được mời gọi tín thác nơi Thiên Chúa « muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương » (x. Tv 136).
*  *  *
Vì thế, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô, dù cho đó là “gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác” (Rm 8, 35-39).
Chính tình yêu Thiên Chúa cuốn hút con tim và làm cho người môn đệ “tuyên bố Thầy trước mặt thiên hạ”, nghĩa là sống tương quan thiết thân với Người trong mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận