Thứ Bảy Tuần 25 TN

Đăng lúc: Thứ bảy - 27/09/2014 02:21 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY TUẦN 25 TN: Th. Vinh-sơn Phao-lô, linh mục

Bài đọc (Gv 11, 9 – 12, 8)
Hỡi thiếu niên, hãy hân hoan trong thời niên thiếu và tâm hồn ngươi hãy hưởng hạnh phúc trong những ngày thanh xuân, hãy sống theo đường lối tâm hồn ngươi, và theo cái nhìn của mắt ngươi. Nhưng ngươi hãy biết rằng Thiên Chúa sẽ xét xử ngươi về những điều đó. Ngươi hãy loại bỏ sự giận ghét khỏi lòng ngươi, và hãy khai trừ sự gian ác khỏi xác thịt ngươi: vì tuổi trẻ và khoái lạc đều là hư không.
Trong ngày thanh xuân, ngươi hãy nhớ đến Đấng Tạo thành ngươi, trước khi thời gian đau khổ tới và trước khi tới thời gian mà ngươi sẽ nói: “Tôi không thích”; trước khi mặt trời, ánh sáng, mặt trăng, tinh tú sẽ ra tối tăm, và trước khi mây đen kéo lại sau trận mưa, khi kẻ giữ nhà run sợ, khi những kẻ anh dũng khiếp nhược, khi còn ít bà xay bột cũng ngưng việc, khi mấy bà nhìn qua cửa sổ mà chẳng thấy gì, khi cửa phố phường khép lại và tiếng cối xay nhỏ dần, khi người ta nghe tiếng chim kêu mà chỗi dậy và tiếng hát của các thiếu nữ tắt dần đi, ở những nơi cao người ta run sợ và trên đường đi người ta cũng khiếp đảm.
Hạnh đào sẽ trổ hoa, châu chấu sẽ béo mập, cây phong điểu sẽ đâm chồi nảy lộc, vì con người sắp đi về nhà vĩnh cửu, và kẻ than khóc rảo quanh mọi phố phường.
Trước khi dây bạc đứt tan, và bình vàng vỡ nát, chiếc vò bể tan bên bờ suối, trục quay nước giếng gãy tan tành, và tro bụi sẽ trở về đất, hồn sẽ trở về cùng Chúa, Đấng đã tác tạo nó.
Giảng viên đã nói: Phù vân trên mọi phù vân, và mọi sự đều là phù vân.


Tin Mừng (Lc 9, 44b-45)
Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các mộn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.


Thánh Vinh Sơn Phaolô, Linh mục (1580?-1660)

Việc giải tội cho một người hấp hối đã giúp ngài thấy nhu cầu tâm linh cấp bách của dân quê nước Pháp. Đây có vẻ là khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của một người xuất thân từ một nông trại nhỏ ở Gascony, Pháp quốc, và trở thành linh mục.
Chính nữ Bá tước Gondi đã thuyết phục chồng tài trợ một nhóm các nhà truyền giáo nhiệt thành có thể hoạt động giữa những người nghèo, các thuộc hạ, tá điền và dân quê nói chung. Thánh Vinh Sơn mới đầu khiêm nhường không nhận chức lãnh đạo, nhưng sau một thời gian hoạt động ở Paris giữa những nô lệ bị tù, ngài trở thành người lãnh đạo của nhóm người mà nay là Dòng Truyền Giáo (Congregation of the Mission), còn gọi là Dòng Vinh Sơn (Vincentians). Các linh mục này giữ 4 lời khấn: Khó nghèo, Khiết tịnh, Vâng lời và Kiên định – hoàn toàn dấn thân phục vụ mọi người ở các nơi xa xôi hẻo lánh.
Sau đó ngài lập Hội Ái Hữu Bác Ái (Confraternities of Charity) để xoa dịu nỗi đau tinh thần và thể lý của người nghèo và người bệnh. Với sự giúp đỡ của Thánh nữ Louise de Marillac, có thêm Dòng Nữ Tử Bác Ái (Daughters of Charity), có các phòng bệnh nhân, nhà nguyện là nhà thờ giáo xứ, hành lang là đường phố. Ngài quy tụ các phụ nữ giàu có ở Paris để gây quỹ cho việc truyền giáo, mở các bệnh viện, gây quỹ cho các nạn nhân chiến tranh và chuộc hơn 1.200 nô lệ người Bắc Phi. Ngài nhiệt thành trong việc hướng dẫn tĩnh tâm cho các giáo sĩ nguội lạnh, lạm dụng và khinh suất. Ngài là người tiên phong trong việc đào tạo giáo sĩ và thành lập chủng viện.
Nhưng ngài là người rất nóng tính, bạn bè ngài cũng phải công nhận điều đó. Ngài nói rằng nếu không có ơn Chúa thì ngài gay gắt, lạnh lùng, thô lỗ và bực bội. Nhưng ngài đã thuần hóa thành dịu dàng và trìu mến, rất nhạy cảm với nhu cầu của người khác. ĐGH Leo XIII tôn ngài làm bổn mạng các hội từ thiện. Nổi bật trong số đó là Hội Vinh Sơn Phaolô (Society of St. Vincent de Paul), được chân phước Frederic Ozanam thành lập năm 1833.


Suy niệm 1: HÓA GIẢI ĐAU KHỔ BẰNG LÒNG MẾN

Trong một thánh lễ nọ, có một cụ bà đến bàn ghi ý lễ và nói: “Tôi muốn được xin ơn chết lành!”. Vị ghi ý lễ không chịu, vì đây là điều quái gở, nên tự ý ghi lại là: “Xin như ý”. Biết được, bà cụ không đồng ý và yêu cầu ghi đúng nguyên văn. Ôi thật là người tràn đầy đức tin! Chúng ta không biết được cụ bà này xin cho mình hay cho ai, nhưng chúng ta biết chắc rằng, họ đang bình an và muốn được trở về với Chúa là nguồn bình an đích thực của mình.
Có một câu chuyện khác kể về hai người nọ đang gặp đau khổ và đến xin một vị ẩn sĩ tìm cách giúp cho mình vượt qua thực trạng của cuộc sống mà họ đang phải đối đầu.
Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, vị ẩn sĩ trả lời: “Tốt hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu!”. Nghe đến đây, hai người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ đau không còn là vấn đề nữa.
Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài sẽ phải chịu ngay khi dân chúng và chính các môn đệ đang trầm trồ khen ngợi vẻ huy hoàng, vinh quang qua quyền năng của Đức Giêsu nơi các việc Ngài đã làm cho dân. Khi tiên báo lúc này, Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy đi theo con đường hy sinh, từ bỏ và đón nhận đau khổ vì tình yêu thì sẽ đạt được hạnh phúc đích thực.
Khổ đau không bao giờ buông tha chúng ta. Chỉ có điều chúng ta đối đầu với chúng trong sự tiêu cực thì chính khổ đau sẽ vùi dập cuộc đời và nó sẽ làm cho chúng ta thất vọng. Còn nếu chúng ta đón nhận nó trong lòng mến Chúa và sứ vụ thì sẽ bình an và đôi khi hạnh phúc hiện lên từ những gian nan khốn khổ. Bởi lẽ, theo niềm tin của người Công Giáo thì: “Qua đau khổ mới được vào vinh quang”.
Hôm nay, phụng vụ kính nhớ thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục. Cuộc đời của thánh nhân ngay từ thời thơ ấu đã toát lên vẻ thánh thiện, thương người và đầy lòng vị tha, luôn bênh đỡ những người nghèo và ra tay giúp đỡ họ. Chính vì thế, thánh Vinh Sơn đã luôn rao giảng lòng thương xót của Chúa và sống chứng nhân tình yêu của Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời. Dù với bất cứ chức vụ nào: “Bề Trên Dòng hay trong cương vị của một mục tử, thánh Vinh Sơn đã luôn chu toàn trách vụ cách hết sức khôn ngoan”. Ngài yêu thương những người nghèo khó, những kẻ đau khổ, những kẻ lao động vất vả, đặc biệt ngài lưu tâm tới việc giáo dục các thiếu nữ.
Thánh Vinh Sơn còn muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu khi lựa chọn một cuộc sống nghèo trong lao động để gẫn gũi những người mà Chúa gửi đến cho mình.
Cuộc đời của thánh Vinh Sơn có thể tóm gọn trong một câu: “Ngài không hề yên thân khi thấy anh chị em của mình chịu đau khổ, đói khát. Ngài luôn tìm cách giúp đỡ họ, và sẵn sàng chấp nhận hy sinh đau khổ vì lợi ích của tha nhân. Lựa chọn của ngài là luôn kết hợp với Đức Kitô chịu đóng đinh để thăng hoa ơn cứu độ qua đau khổ”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng: con đường theo Chúa là con đường của đau khổ và hy sinh. Tuy nhiên, trung thành với chúng trong lòng mến Chúa, chúng con sẽ được phục sinh vinh hiển mai ngày. Amen.


Suy niệm 2: CHỌN THẬP GIÁ CHÚA KI-TÔ

Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” (Lc 9,43-44)
Suy niệm: Thi hào Nguyễn Du khi nhận định về số phận nghiệt ngã của nhân vật Thuý Kiều trong tác phẩm của mình đã kết luận: cô như bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” nên cứ “tìm những lối đoạn trường mà đi”. Trên đời này chẳng ai chọn mang cái khổ vào thân. Nhưng “đời vốn là bể khổ,” con người “chạy trời không khỏi nắng” nên phải cam chịu mang lấy “kiếp nạn” ấy mà thôi. Vì thế cũng dễ hiểu tại sao các môn đệ Chúa Giê-su không hiểu lời Ngài nói: “Con Người sắp bị nộp”. Chúa tự nguyện vác khổ giá vì vâng phục ý Chúa Cha; Ngài đã biến khổ giá thành phương thế cứu độ nhân loại. Ngài cho các môn đệ biết chương trình hành động của Ngài để mời gọi họ cũng bước theo Ngài dám đón nhận thập giá để cộng tác vào công trình cứu độ.
Mời Bạn: Chúa nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”(Mt 16,24). Bạn cũng được mời gọi đi theo con đường thập giá với Ngài. Những “kiếp nạn” trong cuộc đời bạn có thể được “hoá giải” trở thành ân phúc cho bạn và mọi người khi bạn “vác” lấy chúng bằng tâm tình kết hợp với Chúa Giê-su.
Chia sẻ: Bạn phản ứng thế nào trước đau khổ của bạn (nhẫn nại, bất nhẫn…) và của tha nhân (cảm thông, vô cảm…)?
Sống Lời Chúa: Trước những đau khổ của bản thân, tôi giữ thái độ bình an, vui tươi; trước đau khổ của tha nhân, tôi cảm thông và sẵn sàng chia sẻ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con yêu mến đến mức say mê Thánh Giá Chúa, để con dám vác thập giá mình đi theo Chúa.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Người ta vẫn thường nói rằng: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Cuộc đời cần có những con người biết hy sinh, biết quên mình tự hiến vì anh em. Cuộc đời sẽ thêm gánh nặng nếu chúng con chỉ biết chọn việc nhẹ nhàng và đùn đẩy trách nhiệm cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng con biết sống một cuộc đời như Chúa, biết cho đi mà không tính toán, biết quên mình để được phần phúc đời sau, biết quên lợi danh để mua lấy Nước trời mai sau.
Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ cho nhân loại chúng con, vì có quá nhiều người thiếu hy sinh mà làm hại tha nhân, mà gây nên bao điều tai ác. Vì thiếu hy sinh mà biết bao bà mẹ đã đang tâm giết hại các thai nhi. Vì thiếu hy sinh mà biết bao người đã bỏ rơi cha mẹ, vợ chồng, anh em đang lâm cảnh bệnh tật, cơ hàn. Vì thiếu hy sinh mà chúng con đã trở nên gánh nặng cho gia đình, cho cộng đoàn chúng con đang sống. Xin Chúa hãy sửa đổi cách sống của chúng con. Xin cho chúng con hiểu rằng giá trị của cuộc sống không phải là những gì mình có, mà là những gì mình cống hiến cho tha nhân. Cuộc đời chúng con càng có giá trị khi chúng con càng biết quên mình phục vụ tha nhân.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã sống một cuộc đời hy sinh và phục vụ mọi người. Chúa đã trở nên cao cả qua cái chết cứu độ trần gian. Xin giúp chúng con can trường sống hy sinh và vị tha như Chúa. Amen.
 
SUY NIỆM 3:

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay kể lại: “mọi người bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su đã làm”. Thật vậy, Ngài vừa chữa lành một bé trai bị quỉ ám, mà các môn đệ bất lực (x. Lc 9, 37-43a); trước đó, còn có biến cố Đức Giê-su biến hình sáng rực trên núi (x. Lc 9, 28-36). Mọi người, trong đó có các môn đệ, đang bỡ ngỡ, nghĩa là kinh ngạc thán phục.
Những gì xẩy ra giữa các môn đệ sau đó, nghĩa là khi các ông tranh luận với nhau ai trong các ông là người lớn nhất (bài Tin Mừng của thứ hai tuần tới: Lc 9, 46-50), làm cho cho chúng ta hiểu rằng, đó là sự bỡ ngỡ với hi vọng là mình sẽ được vinh quang, được làm lớn, khi đi theo Đức Giê-su!
*  *  *
Chính lúc đó, Đức Giê-su đột ngột nói về viễn tượng tương lai rất gần: “Con người sắp bị nộp vào tay người đời”! Đó là lời loan báo về cuộc Thương Khó. Nhưng lần loan báo này không giống như những lần loan báo khác, vì lời loan báo này vừa bế tắc và vừa trái ngược. Bế tắc, vì không có phần loan báo mầu nhiệm Phục Sinh như lần loan báo thứ nhất (bài Tin Mừng hôm qua, thứ sáu: Lc 9, 22); trái ngược, vì Đức Giê-su quyền năng như thế, nhưng tại sao lại sắp bị nộp vào tay người ta được?
Ngoài ra, trước khi loan báo cuộc Thương Khó, Đức Giê-su muốn các môn đệ lưu ý cách đặc biệt: “Phần anh em, hãy lắng nghe cho kĩ những lời sau đây : Con Người…” Điều này có nghĩa là, câu nói có vẻ bề ngoài vừa bế tắc và vừa trái ngược của Đức Giê-su, nhưng lại có tầm quan trọng quyết định đối với sứ mạng của Người, đối với ơn tha thứ và ơn giải thoát con người khỏi Sự Dữ, đối với kế hoạch thông truyền sự sống và sự sống viên mãn của Thiên Chúa cho con người, đối với lịch sử cứu độ, đối với lịch sử loài người, và đối với từng người chúng ta.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Đối với loài người, là sỉ nhục và điên rồ, nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, lại là khôn ngoan và sức mạnh, như thánh Phao-lô đã nghiệm ra:
Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
(1Cr 1, 22-24)
*  *  *
Về phần các môn đệ, như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng: “Các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa”. Chúng ta hãy cảm thông với các môn đệ, bởi lẽ, chính chúng ta, vốn đã được học biết về Đức Giê-su, về mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài hơn các môn đệ rất nhiều, nhưng thực ra, trong sâu thẳm của lòng và của trí chúng ta, chính chúng ta cũng chẳng hiểu cùng tận tại sao Đức Giê-su lại để mình rơi vào tình cảnh như thế, tại sao Chúa lại phải đi con đường Thương Khó.
Nhưng có một điều chúng ta không nên bắt chước các môn đệ, đó là sợ không dám hỏi Đức Giê-su. Chúng ta được mời gọi đi vào tương quan đích thân với Đức Giê-su trong cầu nguyện, giải bày những ưu tư của chúng ta cho Ngài về hành trình vác Thập Giá của Ngài, và về hành trình vác Thập Giá của chính chúng ta, và nhất là lắng nghe Ngài giải thích trong các Tin Mừng và trong tất cả Sách Thánh. Chính lời của Người sẽ làm cho con tim chúng ta bừng cháy (x. Lc 24, 11-35 và 44), khi giúp  chúng ta hiểu được và cảm nếm sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, được tỏ bày nơi mầu nhiệm Vượt Qua.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 
Tin Giáo phận