Thứ Sáu Tuần 25 TN

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/09/2014 02:24 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ SÁU TUẦN 25 TN: Th. Cót-ma và Đa-mi-a-nô, tử đạo

Bài đọc (Gv 3, 1-11)
Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.
Con người còn được gì do công lao vất vả của mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà Thiên Chúa đã để cho con cái loài người phải chịu đựng.

Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối.

Tin Mừng (Lc 9, 18-22)
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.


Thánh Cosmas và Đamianô, Tử đạo (qua đời năm 303?)

Không ai biết gì nhiều về cuộc đời các ngài ngoài việc các ngài tử đạo tại Syria trong thời bách hại của Diocletianô (*).
Lòng sùng kính hai vị thánh này lan rộng nhanh chóng cả ở Đông phương và Tây phương. Một đền thờ được xây dựng dâng kính các ngài ở Constantinople. Tên các ngài được ghi trong Kinh nguyện Thánh Thể, có thể từ thế kỷ VI.
Tương truyền các ngài là anh em song sinh ở Ả Rập, đều là bác sĩ giỏi. Các ngài được sùng kính ở Đông phương với danh xưng là “những người không tiền”, vì các ngài không lấy tiền ai khi chữa bệnh cho người ta. Những người nổi bật như vậy không thể không bị “lưu ý”, thế nên các ngài đã bị bắt và bị chém đầu.
——————————-
(*) Hoàng đế La Mã (284–305), thoái vị năm 305, đã ra chiếu chỉ bắt đạo trong những năm 303–304.

Suy niệm 1: TUYÊN XƯNG NIỀM TIN ĐI ĐÔI VỚI ĐỜI SỐNG

Vào một buổi học Giáo lý nọ, một cô Giáo lý viên hỏi em nhỏ: “Con có tin Đức Giêsu là Thiên Chúa không?”. Em trả lời ngay: “Dạ, thưa không ạ!”. Quá ngỡ ngàng, cô Giáo lý viên hỏi tiếp: “Tại sao con không tin?”. Em đó nói: “Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, ắt Ngài làm được nhiều sự, Ngài sẽ làm cho bố con không nghiện rượu, mẹ con không cãi nhau với bố con và hàng xóm nữa”; “Nếu Ngài là Thiên Chúa, thì những người tin Ngài phải sống tốt”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta học được bài học đầy ý nghĩa về một câu trả lời xem ra bướng bỉnh của cậu bé, nhưng hàm chứa những điều căn bản trong Đạo!
Thật vậy, trong xã hội và đôi khi cả chính chúng ta, miệng vẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa, nhưng trong cuộc sống, nơi hành vi, lời nói lại mẫu thuẫn với những gì chúng ta tuyên xưng. Hình ảnh méo mó, lệch lạc về Đức Giêsu lại được những môn đệ của Chúa trong thời đại hôm nay vui vẻ trình bầy qua cách sống của mình…!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một mặt noi gương Phêrô để tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Nhưng ngay sau đó, phải là người phản ánh niềm tin cách trung thực trong cuộc sống của mình để mọi người nhận ra Đức Giêsu trong cuộc sống của chúng ta.
Muốn làm được điều đó, chúng ta phải hiểu về Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài là chết để đền tội thay cho nhân loại, chứ không phải lãnh đạo và cứu độ bằng quyền lực. Đừng để lối hiểu của những người Dothái đương thời với Đức Giêsu và ngay cả các môn đệ thời bấy giờ về Đức Giêsu chi phối lựa chọn của chúng ta, rồi từ đó hy vọng một điều phù phiếm, hão huyền. Thật vậy, những người đó, họ hiểu Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh theo kiểu trần tục, đến để tái lập nước Israel và giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang và mang lại độc lập phồn vinh cho xứ sở. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không nằm trong ý định của Thiên Chúa và Đức Giêsu, vì Đức Giêsu đến để giải thoát bằng bằng con đường khiêm hạ và phục vụ, hy sinh và phải chết.
Lạy Chúa, xin cho chúng con một khi đã tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ, thì đồng thời cũng phải là người phản chiếu tình yêu cứu độ của Chúa ngang qua cuộc sống của chúng con mỗi ngày. Ước gì mỗi người chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen.

Suy niệm 2: ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

“Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Chúa Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” (Lc 9,19-20)
Suy niệm: “Anh em bảo Thầy là ai?” Đây là câu hỏi hệ trọng đến cuộc đời mỗi người, không chỉ ở đời này mà còn đời sau, được Chúa Giê-su đặt ra cho mọi người. Đây là câu hỏi đòi buộc tất cả phải trả lời. Câu trả lời không chỉ đến từ những kiến thức trong sách vở, mà còn phải đến từ kinh nghiệm đức tin cá nhân của mỗi người. Nếu trả lời câu hỏi này chỉ từ những vốn liếng kiến thức, thì chúng ta lạc đề, vì câu trả lời từ kiến thức dành cho câu hỏi“Người ta bảo Thầy là ai?” chứ không phải “Anh em bảo Thầy là ai?” Chỉ khi trả lời câu hỏi “Chúa là ai?” bằng kinh nghiệm đức tin của Giáo Hội và của mình, chúng ta mới sống đức tin vững mạnh, có thể giúp người khác hiểu biết Chúa Giê-su, và thờ phụng Ngài. Công cuộc tân Phúc Âm hóa đòi buộc ta làm mới lại đức tin của mình cũng vì lý do truyền giáo ấy. Do đó, rất cần các Ki-tô hữu dành thời gian cầu nguyện mật thiết với Chúa, hầu được biết Chúa Giê-su, và có thể loan báo Chúa cho mọi người.
Mời Bạn: Kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Chúa Giê-su rất cần thiết cho mỗi người và cho công cuộc tân Phúc Âm hóa: gặp gỡ Chúa qua việc đọc Lời Chúa với tâm tình cầu nguyện, qua các bí tích, đăc biệt qua bí tích Thánh Thể và bí tích hòa giải, qua việc dấn thân phục vụ. Mời bạn đi vào cuộc gặp gỡ Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi cám ơn Chúa sốt sắng mỗi khi rước lễ.
Cầu nguyện:Đọc kinh Các thánh tử đạo Việt Nam.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con xin mượn lời của Thánh Phê-rô để tuyên xưng Chúa là Đấng hằng sống. Xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ để chúng con dám dấn thân cho niềm tin của mình, dù phải vượt qua chông gai, dù phải đối diện trước nghi nan, nhưng chúng con vẫn một niềm sắt son vác thập già mình mà theo Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, nhân loại mọi thời đều có nhiều cái nhìn khác nhau về Chúa. Tuy nhiên, những cái nhìn khác nhau đó đều tuỳ thuộc vào đời sống ky-tô hữu của chúng con. Chính chúng con sẽ là tấm gương phản chiếu để người khác nhận ra Chúa nơi chúng con. Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con sống cho tha nhân. Xin loại trừ trong chúng con những hành vi ngược lại đức bác ái yêu thương. Xin giúp chúng con biết rèn luyện mình mỗi ngày nên tốt hơn hầu xứng đáng là hình ảnh của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con luôn thâm tín rằng dù sự chết hay bất cứ quyền lực nào, không có gì có thể tách chúng con ra khỏi tình yêu Chúa, trong Đức Kitô. Xin cho chúng con luôn trung tín theo Chúa cho đến cùng. Amen.
 
Suy niệm 3: 

A- Phân tích (Hạt giống...)
Bài Phúc Âm hôm nay tiếp tục nói đến những dư luận về Chúa Giêsu:
Trong dân chúng thì có 3 dư luận: Ngài là Gioan Tẩy giả sống lại; Ngài là Êlia xuất hiện; Ngài là một ngôn sứ thời xưa sống lại.
Cách chung, dân chúng đánh giá Ngài khá cao: Ngài không phải là một người thường như mọi người, nhưng là người đặc biệt thuộc hàng ngôn sứ: giảng hay và có khả năng làm phép lạ.
Chỉ một mình Phêrô, do ơn soi sáng đặc biệt, nên biết Chúa Giêsu chính là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Tuy nhiên Phêrô vẫn nghĩ về Đấng Kitô theo cách nghĩ thông thường của đa số người thời đó, tức là một Đấng Cứu Thế oai phong hiển hách. Bởi đó Chúa Giêsu phải sửa lại cách nghĩ ấy: Ngài là Đấng Kitô chịu nạn chịu chết rồi mới sống lại.
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Tôi hãnh diện vì được làm môn đệ Chúa Giêsu. Nhưng tôi hãnh diện về phương diện nào? Vì Chúa Giêsu là Chúa, cao cả hơn Đức Phật và các vị sáng lập những tôn giáo khác? Vì Giáo Hội của Chúa có đông tín đồ, có tổ chức quy mô? Có khi nào tôi hãnh diện vì Chúa của tôi là một vị Thiên Chúa chết trên Thánh giá không? Tôi có nghĩ như thánh Phaolô rằng “Vinh dự của chúng ta là Thánh giá Đức Kitô” không?
2. “Simon Phêrô thưa rằng ‘Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa’. Và Ngài ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai” (Lc 9,20b). Ngày nay chắc Chúa không còn ngăn cấm chúng ta rao giảng về Ngài như là một Đức Chúa quyền phép vinh quang. Nhưng Ngài sẽ chưa hài lòng nếu chúng ta chưa rao giảng về Ngài như một Đức Chúa chết trên Thập giá vì tội loài người và vì yêu thương loài người.
3. “Người lại hỏi các ông rằng: ‘Phần các con, các con bảo Thầy là ai?’” (Lc 9,20a)
Hình như có ai đang hỏi, đang mời tôi suy nghĩ.
Giờ này, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai?
Giờ này, đối với tôi, Ngài có còn là Ngài không?
Hay chỉ là một chiếc bóng bên đường, một lần cất bước đi qua để lại thoáng nhớ mong manh, rồi chìm dần vào quên lãng.
Giờ này, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai?
Giờ này, đối với tôi, Ngài có còn là Ngài không?
Hay một lần Ngài đến giữa đêm khuya, rồi thầm cất bước ra đi, để lại thoáng chút dư âm, tàn dần với thời gian…
Ngài là ai? Là ai lúc tôi vui, lúc tôi buồn, lúc tôi ghen, lúc tôi hờn, lúc tôi yêu…?
Ngài là ai? Là ai khi tôi thành công, lúc tôi thất vọng, khi lầm than, lúc thanh nhàn, và trong suốt cuộc đời…?
Chúa Giêsu ơi, khi quì đây và trong suốt cuộc đời, xin được gọi Ngài là Cứu Chúa của con. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con xin mượn lời của Thánh Phêrô để tuyên xưng Chúa là Ðấng hằng sống. Xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ để chúng con dám dấn thân cho niềm tin của mình, dù phải vượt qua chông gai, dù phải đối diện trước nghi nan, nhưng chúng con vẫn một niềm son sắt vác thập già mình mà theo Chúa.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, nhân loại mọi thời đều có nhiều cái nhìn khác nhau về Chúa. Tuy nhiên, những cái nhìn khác nhau đó đều tuỳ thuộc vào đời sống Kitô hữu của chúng con. Chính chúng con sẽ là tấm gương để người khác nhận ra Chúa nơi chúng con. Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con sống cho tha nhân. Xin loại trừ trong chúng con những hành vi ngược lại đức bác ái yêu thương. Xin giúp chúng con biết rèn luyện mình mỗi ngày nên tốt hơn hầu xứng đáng là hình ảnh của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con luôn tin rằng dù sự chết hay bất cứ quyền lực nào, không có gì có thể tách chúng con ra khỏi tình yêu Chúa, trong Ðức Kitô. Xin cho chúng con luôn trung tín theo Chúa cho đến cùng. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

SUY NIỆM 4

1. Đức Giê-su cầu nguyện
« Khi ấy Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người ». Như vậy, chính trong bầu khí cầu nguyện, mà Đức Giê-su hỏi các môn đệ về căn tính của mình : « Dân chúng nói Thầy là ai ? », « Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ? », và loan báo cuộc Thương Khó sẽ đến : « Con Người phải chịu đau khổ nhiều ». Tại sao vậy ? Có lẽ đó là vì, chỉ trong cầu nguyện Đức Giê-su mới từ từ khám phá ra mình là ai, trong tương quan với Thiên Chúa Cha, và trong tương quan với loài người chúng ta ; và cũng chính trong cầu nguyện, mà Ngài khám phá ra con đường Ngài phải đi để bày tỏ căn tính thần linh của mình, theo ý muốn của Chúa Cha. Đó là con đường được bày tỏ trong Kinh Thánh, nghĩa là trong lịch sử cứu độ đầy thử thách, thăng trầm và chi phối nặng nề bởi tội và sự dữ. Con đường Người phải đi là mang lấy mọi « mọi bệnh hoạn tật nguyền » của loài người chúng ta, là « con đường của hạt lúa mì ».
Chúng ta được mời gọi noi theo gương của Đức Giê-su : cầu nguyện thân mật với Chúa, để khám phá ra căn tính của mình, ơn gọi của mình, con đường mình phải đi cho suốt đời, và cho từng giai đoạn và cho từng ngày sống.
2. Đức Giê-su là ai ?
a. « Dân chúng nói Thầy là ai » ?
Với câu hỏi thứ nhất này của Đức Giê-su, các môn đệ đồng thanh trả lời : « Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại». Câu trả lời tuy chưa đúng với điều Người thực sự là trong tương quan với Thiên Chúa và với loài người, nhưng lại diễn tả một cách thật khách quan cách sống của Người, và nhất là phù hợp với con đường qua đó Người bày tỏ căn tính đích thật của mình.
Thật vậy, Đức Giêsu đã chọn lựa ứng xử giống như những người đi trước Ngài, mỗi người một chút : một chút của Gioan, một chút của ngôn sứ Elia hay của một ngôn sứ thời xưa ; Ngài hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài. Ngài không từ trên trời nhảy xuống cách ngoạn mục, để mọi người thán phục, như ma quỉ gợi ý. Nếu làm thế Ngài, chắc hẳn Ngài cũng sẽ được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Thiên Chúa theo kiểu của ma quỉ. Ngài đến để mang lấy và làm cho hoàn tất, chứ không phải hủy bỏ.
Ngài ứng xử giống với nhiều người đi trước Ngài, như Gioan, như Elia, như Giêrêmia… ; và tất cả đều là ngôn sứ. Như chính Ngài đã nói về mình : « Không một ngôn sứ nào được đón nhận nơi quê của mình ». Số phận của các ngôn sứ loan báo số phận của Đức Giêsu, mà gần Ngài nhất là số phận của Gioan. Và theo mặc khải Cựu Ước, Người Tôi Tớ đau khổ là hình ảnh thâu tóm thân phận của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ và cả niềm hi vọng được Thiên Chúa tôn vinh nữa, nơi chính cuộc đời hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua của mình. Và chỉ một mình Đức Giê-su mới có thể hoàn tất như thế. Chính vì thế, ngay khi ông Phê-rô trả lời đúng về căn tính của Người, Đức Giê-su nói về mầu nhiệm Vượt Qua và mời gọi Phê-rô và tất cả mọi người đi con đường của mầu nhiệm Vượt Qua.
b. « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? »
Tuy nhiên, trong tương quan thiết thân với Người, Đức Giê-sumời gọi các môn đệ, và đến lượt chúng ta hôm nay, vượt qua điều « người ta » nói về Ngài đến đi đến điều chính « tôi » nói về Ngài. « Người ta » có thể hiểu là những người nói không đúng hay không đủ về Chúa, nhưng cả những người nói đúng nữa. Nghĩa là chúng ta được mời gọi vượt những công thức có sẵn, hay đúng hơn, đi vào kinh nghiệm thiêng liêng và đích thân, từ đó các công thức được phát biểu. Tương tự như khi chúng ta hát bài tán tụng Magnificat, chúng ta được mời gọi có cùng một kinh nghiệm của Đức Maria, người “Nữ Tì hèn mọn”, về Thiên Chúa và về ân huệ lớn lao và nhưng không của Người.
Vì thế, khi Đức Giê-su đặt câu hỏi thứ hai, cũng cho tất cả các môn đệ, nhưng chỉ có một mình Phêrô trả lời : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Trong khi, với câu hỏi thứ nhất, các môn đệ đã đồng thanh trả lời. Như thế, với câu hỏi này, ai cũng cảm thấy mình phải trả lời một cách đích thân ; mỗi người được mời gọi đến một lúc nào đó, không nói theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không nói theo công thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý, là truyền thống), nhưng đích thân công bố Đức Giê-su là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một ; bởi vì câu hỏi của Đức Giê-su không liên quan đến kiến thức chúng ta có về Ngài, nhưng liên quan đến tương quan thuộc về : « Thầy là ai đối với con, đối với con tim con, đối với cuộc đời, đối với ơn gọi của con ? », « Khi trả lời Thầy là ai, con có đi theo Thầy không, có sẵn sàng thuộc về Thầy suốt đời không ? »
Sau bằng đó năm đi theo Chúa, trong ơn gọi Ki-tô hữu hay trong ơn gọi dâng hiến, chúng ta đã nghe Chúa đặt ra câu hỏi này cho mình chưa ? Và tôi đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay tôi mới chỉ nghe và trả lời giống như mọi người mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người lớn. Và nếu như tôi nghe được tiếng Chúa hỏi hôm nay, ở đây và lúc này, tôi, tôi trả lời làm sao cho Chúa. Hay tôi chưa sẵn sàng, và muốn khất lại sau này? Dĩ nhiên, mỗi người chúng ta có thể trả lời như Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”; nhưng những lời ngày có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách thức hay con đường Ngài trở nên Đấng Kitô?
3. « Con Người phải chịu đau khổ nhiều… »
Đấng Ki-tô là ai và đâu là cách thức ngài bày tỏ « căn tính Ki-tô » của Ngài ? Cách Đức Giê-su hiểu và muốn và cách các môn đệ hiểu và muốn, chắc chắn không giống nhau. Và cũng vậy đối với mỗi người chúng ta. Vì thế, ngay sau lời tuyên xưng của Phê-rô, Đức Giê-su nghiêm giọng truyền cho các môn đệ không được nói với ai, và Ngài nói cho các môn đệ biết con đường Ngài phải đi : « Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy »
Theo Tin Mừng Mác-cô, thì Đức Giêsu dạy các môn đệ: “Con người phải chịu đau khổ…”. Chúng ta hãy dừng lại thật lâu ở động từ « dạy » : Ngài giảng dạy, chứ không chỉ loan báo, hay báo trước. Chúng ta có thể tự hỏi : tại sao Ngài còn giảng dạy, chứ không chỉ loan báo ? Đức Giêsu giảng dạy, điều này có nghĩa là những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, nhưng còn là một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, hoàn tất mọi sự, sáng tạo và lịch sử:
§  Mặc khải sự dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ.
§  Mặc khải lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người và nhất là lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi.
§  Mặc khải thân phận con người, từ thủa tạo thiên lập địa, không phải là hình phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống, ngang qua sự chết.
§  Và mặc khải, vì tình yêu nhưng không, Thiên Chúa muốn thông truyền sự sống cho con người, sự sống giới hạn đời này và sự sống viên mãn đời sau ; và muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, cho dù, trong lịch sử, con người lại phải trải qua đầy thăng trầm, phải sống thân phận chóng qua của mình, số phận bi đát, đầy tai họa, đầy thử thách, tội lỗi, và nhất là một lịch sử bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ.
Xin cho chúng ta, như thánh Phao-lô, nhận ra và cảm nếm sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 
Tin Giáo phận