Thứ Bảy Tuần 27 TN

Đăng lúc: Thứ bảy - 11/10/2014 02:16 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY TUẦN 27 TN

Bài đọc (Gl 3, 22-29)
Anh em thân mến, Thánh Kinh đã giam giữ mọi loài dưới ách tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô mà lời hứa được ban tặng cho những kẻ tin. Nhưng trước khi đức tin chưa đến, thì chúng ta bị giam giữ dưới ách lề luật, để mong chờ đức tin sẽ được tỏ hiện. Bởi thế, lề luật là thầy dạy đưa chúng ta đến cùng Ðức Kitô, để nhờ đức tin, chúng ta được công chính hoá. Nhưng một khi đức tin đã đến, chúng ta không còn ở dưới quyền thầy dạy nữa. Bởi chưng, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Vì chưng, tất cả anh em đã chịu phép rửa tội trong Ðức Kitô, nên anh em đã mặc lấy Ðức Kitô. Nay không còn phân biệt người Do-thái và Hy-lạp, người nô lệ và tự do, người nam và người nữ: vì tất cả anh em là một trong Ðức Giêsu Kitô. Nhưng nếu anh em thuộc về Ðức Kitô, thì anh em là dòng dõi Abraham, những kẻ thừa tự như lời đã hứa.

Tin Mừng (Lc 11, 27-28)
Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Nhưng Người phán rằng: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”.



Suy niệm 1: NGHE VÀ SỐNG LỜI CHÚA NHƯ MẸ

“Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Nhưng Người đáp lại: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”(Lc 11,27-28)


Suy niệm: Chúa Giê-su đã tôn vinh Mẹ khi tuyên bố những ai nghe và giữ Lời Chúa thì có phúc hơn những người có tương quan máu huyết với Chúa. Thực vậy, có ai nghe và giữ Lời Chúa cho bằng Mẹ Ma-ri-a? Thánh An-sen-mô đã nói: “Mẹ lắng nghe Ngôi Lời Thiên Chúa đến nỗi để Ngôi Lời làm người trong lòng Mẹ.” Giáo phụ Ô-ri-gien còn khẳng định: “Không ai hiểu ý nghĩa của Tin Mừng, nếu họ không áp vào ngực Chúa và không nhận Mẹ Ma-ri-a được Chúa trao làm mẹ mình.” Vì thế, Mẹ trở nên gương mẫu cho mọi Ki-tô hữu trong việc lắng nghe và giữ Lời Chúa. Lắng nghe đòi hỏi thinh lặng và chú tâm và đó là thái độ phải có của người môn đệ Chúa. Tại sao phải lắng nghe Lời Chúa? Thưa, vì Thiên Chúa luôn nói với chúng ta. Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa thường xuyên nói với dân Ngài, nên mối tương quan của con người đối với Thiên Chúa là mối tương quan từ môi-đến-tai. Vì thế, mỗi sáng, dân Do Thái thường nhắc lại cho nhau lời Chúa: “Hãy nghe đây hỡi Ít-ra-en!” Khởi đầu các dụ ngôn, Chúa Giê-su cũng kêu gọi dân chúng lắng nghe như thế.
Mời Bạn: Tháng Mân Côi là cơ hội tốt cho tín hữu học theo gương lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành của Mẹ Ma-ri-a. Bạn sẵn sàng nắm lấy cơ hội này chưa?
Sống Lời Chúa: Học thuộc lòng một câu Lời Chúa và đem ra thực hành.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết nghe và hiểu Lời Chúa, nhất là biết suy niệm Lời Chúa hằng ngày và đem ra thực hành, nhờ đó, con được hạnh phúc như Mẹ.

Suy niệm 2

Giữa đám đông đang nghe Chúa Giêsu giảng, có một phụ nữ, vì cảm phục trước việc Chúa trừ quỉ đã cất tiếng ngợi khen người mẹ đã sinh ra Chúa. Con cái làm rạng danh cha mẹ. Người phụ nữ thấy việc Chúa làm thì đã thốt lên tâm tình này. Thế nhưng, ở đây Chúa Giêsu còn đi xa hơn khi mời gọi: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn“.
Người phụ nữ đã đơn sơ ca ngợi người đã sinh ra Chúa Giêsu.
- Chúng ta có biết ca ngợi những kì công Chúa làm cho chúng ta mỗi ngày không?
- Chúng ta có cám ơn Chúa vì những gì Người đã và đang trao tặng cho chúng ta lúc này không?
- Chúng ta có cảm tạ Chúa vì sự hiện diện của chúng ta nơi này cho tới lúc này không?
Mẹ Maria có phúc vì Mẹ đã lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Điều này chứng tỏ cho ta thấy được rằng: Ai lắng nghe và tuân giữ lời Chúa thì cũng được gọi là người có phúc. Chúng ta là những Kitô hữu chúng ta, nhưng chúng ta có phải là người có phúc trước mặt Chúa chưa?
Xin Chúa cho chúng ta xứng đáng là người có phúc trước mặt Chúa và mọi người bằng cách luôn biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con cảm tạ Chúa đã thương ngự đến tâm hồn chúng con. Chúa đến với chúng con như người bạn để lắng nghe và chia sẻ với những ưu tư trong cuộc sống của chúng con. Xin cho chúng con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa để chúng con luôn sống dưới cái nhìn của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã từng chúc phúc cho những ai biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Lời chúc phúc đó Chúa đã ban thưởng cách đặc biệt cho Đức trinh nữ Maria, là Mẹ của Chúa. Mẹ đã được tràn đầy ơn phúc bởi Mẹ đã tin và thực thi Lời Chúa. Xin giúp chúng con biết học nơi Mẹ để chúng con cũng vượt thắng mọi sợ hãi mà học vâng phục theo thánh ý Chúa. Xin giúp chúng con luôn đơn sơ khiêm nhường để dễ dàng sống và thực thi Lời Chúa.
Lạy Mẹ Maria, chúng con xin mượn lời của sứ thần mà kính mừng Mẹ là Đấng đầy ân phúc. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con biết sống đẹp lòng Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Chúng con xin phó thác cuộc đời trong ân phúc của Mẹ hôm nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Suy Niệm 3: Cưu Mang Lời Chúa

Chúa Giêsu đã đến để đem Tin Mừng cứu độ cho nhân loại. Nơi nào Ngài đặt chân đến, thì nơi đó Vương quyền và Nước Thiên Chúa xuất hiện.
Nhận thấy quyền năng và sự khôn ngoan nơi các phép lạ cũng như lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, một người phụ nữ trong đám đông không thể cầm mình được. Bà đã lên tiếng ca ngợi Chúa Giêsu cách gián tiếp bằng cách ca ngợi người mẹ đã cưu mang Ngài: "Hạnh phúc thay bà mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm". Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Ðúng hơn phải nói rằng: "Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa".
Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài; nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa: cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố Truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng.
Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ðó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa: cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở thành sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 4: Lắng Nghe Và Sống Thực Hành Lời Chúa

"Phúc cho những ai lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành". Chúng ta gặp thấy nơi đây một mối phúc khác nữa, ngoài tám mối phúc đã được Chúa Giêsu công bố trong bài giảng trên núi, và chúng ta có thể gọi mối phúc được nhắc đến nơi đây là mối phúc "lắng nghe Lời Chúa và sống thực hành Lời Chúa". Ðây là lời chúc phúc Chúa Giêsu nói không những cho Mẹ Maria mà còn cho tất cả mọi người. Ðáp lại lời của người nữ, đám đông dân chúng chúc tụng Mẹ Maria vì lý do tự nhiên phàm trần là cưu mang và nuôi dưỡng Chúa Giêsu: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm", thì Chúa Giêsu mạc khải lý do sâu xa hơn: mối phúc được xây dựng trên nền tảng siêu nhiên là lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Khi trả lời như vậy, Chúa Giêsu không phải là không muốn làm vinh danh Mẹ Maria nhưng Chúa muốn nêu chỉ cho dân chúng thời đó biết và cho chúng ta hôm nay thấy rõ nền tảng của mối phúc mà Mẹ Maria đang vui hưởng, đó là lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành.
Hơn ai hết, Mẹ Maria là kẻ đầu tiên đã lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành khi Mẹ thưa: "Vâng, này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều Ngài truyền". Lời thưa "Xin vâng" của Mẹ Maria khai mở một thế giới mới của ơn cứu rỗi và của sự sống mới. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người Kitô để lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, và mối phúc lắng nghe lời Chúa và sống thực hành cũng được mở ra cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại.
Mọi người, mọi thời đại, đều có thể hưởng được mối phúc thật khi họ biết khiêm tốn lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Mối phúc lời Chúa này không phải là độc quyền Mẹ Maria, nhưng Mẹ đã đi trước nêu gương và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống. Nơi tiệc cưới Cana, Mẹ đã nói với các gia nhân hãy làm theo lời Chúa Giêsu truyền. Và hành động vâng phục của họ đối với lệnh Mẹ Maria "hãy làm theo lời Ngài truyền", hành động đó đã dọn sẵn mọi sự để Chúa làm phép lạ mang đến niềm vui cho những người chung quanh.
Lạy Cha.
Nhờ qua Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, chúng con xin chúc tụng Cha vì đã trao ban cho chúng con một mẫu gương lắng nghe lời Chúa và sống thực hành. Xin Cha giúp chúng con noi gương Mẹ Maria sống trọn vẹn lời thưa: "Này con là tôi tớ Chúa, xin vâng theo như lời Ngài truyền, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, vâng Ý Cha dưới đất cũng như trên trời".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Lời Chúa hơn mối dây ruột thịt

Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có mộtng phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”Nhưng Người đáp lại: Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc. 11, 27-28)
Một lần nữa, Đức Kitô thiết lập những ưu tiên. Người không đối lập lời Chúa với những mối dây liên hệ ruột thịt. Người dạy lời Chúa phải vượt lên trên liên hệ ruột thịt. Này, một phụ nữ vô danh được Người cho một bài học. Chị đã không thể kìm hãm được sự cảm phục tinh tế của chị đối vời Người, nên chị đã thốt lên những lời, không dám trực tiếp nói với Người như lòng chị muốn tung hô: “Lạy Thầy, Thầy thật sáng chói vinh hiển, không ai nói được như vậy. Không ai có kiến thức, có lòng nhân hậu, có tình yêu cao quý là lùng như Thầy”. Chị chỉ gián tiếp theo bản năng phụ nữ ca ngợi Mẹ Đức Giêsu, Ngài đã sinh cho thế gian một người con số một, một người Thầy độc đáo!: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”.
Nhưng Đức Kitô đã đáp lại đối ứng từng chữ từng chữ như câu đối: “Phúc hơn kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Chúa”.
Đức Kitô không chê bỏ dây ruột thịt đã kết hợp Người với Mẹ Maria. Người biết phải cần đến bản tính nhân loại của Mẹ Người, nhờ đó, Người cứu độ loài người. Nhưng Người muốn cho chị này hiểu về hạnh phúc thật trước mặt Thiên Chúa, không hệ ở con ruột thịt dù nó có trong sáng cao thượng. Cũng thế, Chúa không đánh giá chúng ta theo phẩm chất trí thức dù có chói sáng, theo địa vị trong Giáo Hội, theo chức vụ lãnh nhận và theo vinh quang rạng rỡ của ta.
Đối với Người, chúng ta có giá trị nhờ chúng ta có biết lắng nghe lời Chúa, biết hăng say lãnh nhận sứ điệp của Người với lòng yêu mến chân thành, biết quảng đại thực thi lời Chúa hằng ngày, biết sốt sắng làm cho mọi người cảm nhận lời Chúa, biết trung thành tuân giữ lời Chúa dù gặp những lúc gian lao khó khăn cũng như những lúc được vui mừng thuận lợi. Chúng ta có giá trị nhờ ở thiện chí vững chắc và không ngừng bước theo con đường thánh giá của Chúa luôn luôn mở ra trước mắt của chúng ta ánh sáng phục sinh cho ta ở đời này cũng như ở trời cao. Chúng ta có giá trị nhờ thực thi bác ái với người thân cận, nhờ ở hiến thân phục vụ những đại nghĩa công chính, phục vụ người nghèo và người cùng khổ thuộc mọi giới.
Đó là hạnh phúc thật, không còn ở đâu nữa.
GF

SUY NIỆM 6

Hôm nay thứ bảy, chúng ta được mời gọi tiếp tục hướng về Đức Maria với lòng yêu nến, khởi đi từ lễ Đức Mẹ Mân Côi, mà chúng ta mừng kính trọng thể vào Chúa Nhật vừa qua.
Hơn nữa, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng tôn vinh Đức Mẹ, khi kể lại lời của một người phụ nữ: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”.
Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, và để cho chúng ta cũng biết lắng nghe và đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa vào tâm hồn, vào cuộc đời, vào hướng đi và vào những lựa chọn của chúng ta; và xin Mẹ dạy chúng ta hiểu và sống tiếng “Xin Vâng” của Mẹ, mỗi ngày và suốt đời.
1. “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”
Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”.
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe được những lời khen tặng bố mẹ tương tự, khi thấy một người con vừa ngoan vừa giỏi. Tất cả chúng ta đều sinh ra từ bố mẹ, ước gì cách sống của chúng ta khiến người khác phải khen tặng bố mẹ của chúng ta. Và cách sống tốt nhất là cách sống phát xuất từ lòng biết ơn, giống như cách sống của chính Đức Giê-su: cả cuộc đời của Người là lời tạ ơn Chúa Cha; vì thế bí tích Thánh Thế mà Người đã thiết lập và chúng ta cử hành mỗi ngày, còn được gọi là bí tích Tạ Ơn.
2. Mẹ và Con
Lời khen tặng rất đỗi đời thường của người phụ nữ, nhưng lại chất chứa cả một mầu nhiệm lớn lao. Đó là qua ơn huệ được cưu mang Đức Giê-su và cho Ngài bú mớm, Đức Mẹ sẽ mãi mãi gắn bó với Đức Giê-su, cả ở dưới đất lẫn ở trên trời. Giáo Hội xác tín rằng, nếu Đức Giê-su đã phục sinh và lên trời, thì Đức Maria cũng lên trời cùng với Đức Giê-su, con của Mẹ. Vì thế, bài Tin Mừng này được đọc trong ngày lễ vọng Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.
Sự hiệp thông ân sủng giữa Mẹ và Con, và giữa Con và Mẹ, làm cho chúng ta được an ủi và hi vọng rất nhiều. Chúng ta hãy nhớ lại trong Tin Mừng có trường hợp, vì thương người Mẹ mà Chúa cứu người con; và hôm nay, khi Chúa cho Đức Maria hồn xác lên trời, chúng ta cũng xác tín rằng, vì thương người con, Chúa cũng sẽ cứu người mẹ. Như thế, Chúa cũng thương yêu, những người chúng ta thương yêu. Chính vì vậy, chúng ta được mời gọi luôn cầu nguyện cho nhau, cho những người còn sống, cũng như cho những người đã qua đời. Và, vì tất cả chúng ta đều có Đức Maria là Mẹ, chúng ta xác tín rằng, Mẹ Maria thương và chia sẻ ân phúc của Mẹ cho chúng ta. Và quả thực, như kinh nghiệm đức tin cho thấy, Mẹ vẫn luôn gần gũi và chia sẻ ân huệ cho chúng ta.
3. “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”
“Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Nhưng khi nghe mối phúc này, Đức Giê-su đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Nhưng người lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa một cách hoàn hảo, lại cũng chính là Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Như vậy, Mẹ Maria có tới hai mối phúc: Phúc, vì Mẹ đã cưu mang Đức Giê-su; và phúc, vì Mẹ đã luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.
Nếu với mối phúc thứ nhất, Mẹ là người duy nhất được hưởng, và Mẹ không thể chia sẻ cho chúng ta, Mẹ chỉ chia sẻ hoa trái là Đức Ki-tô, “Con lòng Mẹ được chúc phúc”, thì với mối phúc thứ hai của Mẹ, đó là phúc cho ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa, Mẹ có thể chia sẻ cho chúng ta cách trọn vẹn. Hơn nữa, chính Đức Giê-su đã xem trọng mối phúc này cách đặc biệt, khi nói: “Đúng hơn phải nói rằng…”. Quả thực, nếu chúng ta cũng lắng nghe và tuân giữa Lời Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở thành người thân của Đức Giê-su, người con của Mẹ, và do đó, chúng ta trở thành người thân của nhau không phân biệt gia đình hay dân tộc, như chính Đức Giê-su đã nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21).
Và như thế, Mẹ ở đâu chúng ta sẽ cùng nhau ở đó với Mẹ, tương tự như Đức Ki-tô ở đâu thì Mẹ cũng ở đó cùng với Người và anh chị em của Người.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận