Thứ Ba Tuần 28 TN

Đăng lúc: Thứ ba - 14/10/2014 02:06 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 28 TN: Th. Ca-lít-tô, giáo hoàng, tử đạo

Bài đọc (Gl 5, 1 – 6)
Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do màÐức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa. Chính tôi đây, Phaolô, tuyên bố cho anh em rằng: Nếu anh em chịu cắt bì, thì Ðức Kitô chẳng làm nên công trạng gì cho anh em. Tôi chứng thực một lần nữa với mọi người nào chịu cắt bì rằng: họ bị bắt buộc phải giữ trọn cả lề luật. Anh em muốn công chính hoá bởi lề luật, thì anh em tự tách biệt khỏi Ðức Kitô, và đã mất ân sủng rồi. Về phần chúng tôi, nhờ Thánh Thần và nại vào đức tin, chúng tôi mong chờ trông cậy sự công chính. Bởi chưng trong Ðức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến.

Tin Mừng (Lc 11, 37-41)
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa. Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.


Thánh Callistô I, Giáo hoàng Tử đạo (qua đời năm 223?)

Ngài là nô lệ của một gia đình thuộc hoàng gia Roma. Có lần ngài bị nghi ăn cắp tiền nên bị xử tệ, ngài đã bỏ trốn nhưng bị bắt lại. Sau khi được giải oan, ngài được phóng thích. Ngài bị bắt vì cãi nhau trong hội đường Do Thái, và bị đi cải tạo lao động ở vùng mỏ tại Sardinia. Một thời gian sau, ngài được phóng thích.
Sau đó ngài được cai quản khu chôn cất người Kitô giáo ở Rôma (vẫn được gọi là Thánh Địa Thánh Callistô), có thể đây là khu đất đầu tiên của Giáo hội. Đức giáo hoàng truyền chức phó tế cho ngài, coi ngài là bạn và là người cố vấn. Sau đó ngài được bầu làm giáo hoàng, rồi bị chống đối từ ngụy giáo hoàng là Hippôlytô, cuộc ly giáo này kéo dài 18 năm.
Rồi Hippôlytô trở lại, qua đời tại Sardinia và được tuyên thánh. Ngài bị đi đày trong thới ian bách hại năm 235 và được giải hòa với Giáo hội. Thánh Hippôlytô đã từng “kết án” Thánh Callistô là quá nhân hậu, vì các lý do: (1) Callistô cho các hối nhân được rước lễ, dù họ đã phạm tội sát nhân, dâm dục và gian dâm; (2) Callistô cho phép phụ nữ kết hôn với người nô lệ – ngược với luật Roma; (3) Callistô chấp nhận truyền chức cho các đàn ông đã kết hôn 2 hoặc 3 lần; (4) Callistô cho rằng tội trọng là lý do đủ để truất quyền một giám mục; (5) Callistô ban hành chính sách khoan hồng đối với những người bội giáo tạm thời trong khi bị bách hại.
Thánh Callistô tử đạo trong thời gian náo động ở Trastevere, Rôma, và là vị giáo hoàng đầu tiên (trừ thánh Phêrô) được kính nhớ là thánh tử đạo trong thời Giáo hội sơ khai. Ngài được coi là một trong các vị giáo hoàng vĩ đại nhất.


Suy niệm 1: CÁI BÊN NGOÀI KHÔNG LÀM NÊN ĐẠO ĐỨC

Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Brasil thuộc Châu Mỹ Latinh vào năm 1980, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã để lại một ấn tượng hết sức đẹp, đó là Ngài đã tháo chiếc nhẫn vàng Giáo Hoàng của mình để tặng cho người dân nghèo ngoại ô thành phố Rio de Janeiro.
Sự kiện này đã làm cho nhiều người đi cùng với ngài tỏ vẻ không hài lòng!
Hôm nay, Tin Mừng cũng thuật lại một nghĩa cử hết sức lạ thường của Đức Giêsu, đó là Ngài đã sẵn sàng đáp lại lời mời của một người trong nhóm Biệt Phái để đến dự tiệc tại gia đình ông, mặc cho nhiều người chống đối, sầm sì.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là sự bất mãn của một số Biệt Phái đối với Đức Giêsu khi Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi nói: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao?”; đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha nhân.
Qua câu nói này, Đức Giêsu muốn nói cho họ biết tính vụ luật của họ không được Thiên Chúa hài lòng, đồng thời họ đang dùng luật để đẩy người khác đến sự bất hạnh, hơn nữa, chính đường lối và nơi lòng họ thì đang xa cách Thiên Chúa. Điều mà những người Biệt Phái cần lúc này chính là sự thanh tẩy tâm hồn, chân thành, thanh tịnh trước mặt Chúa. Những thứ bề ngoài chỉ như “màn thưa che mắt thánh”, thực ra Thiên Chúa biết hết mọi sự kín đáo từ bên trong tâm hồn mỗi người. Vì thế, điều họ đang làm và bắt người khác phải làm theo không hề có ý nghĩa trước mặt Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với lòng mình để thấy được đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Sống cốt lõi của Tin Mừng là tình liên đới, chia sẻ với người nghèo, bất hạnh, cô đơn. Tránh thói xét đoán bề ngoài như những người Biệt Phái khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có một tấm lòng bao dung, độ lượng. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con can đảm sống thật với lương tâm của mình để được bình an và hạnh phúc thật. Amen.


Suy niệm 2

Bối cảnh của đoạn Tin mừng hôm nay rất đẹp, đó là “Có một ông Pharisêu mời Người đến nhà dùng bữa”. Chẳng biết bên trong họ có ý đồ gì hay không, nhưng bên ngoài họ rất niềm nở. Xem ra đây là cơ hội để những nhóm bảo thủ hiểu biết Chúa Giêsu hơn và có thể dễ dàng đón nhận Tin Mừng hơn. Nhưng cơ hội tốt đẹp này đã chuyển hướng sang một sự căng thẳng xuất phát từ việc Chúa Giêsu không tuân thủ nghi thức rửa tay trước khi ăn. Đối với người Phariasêu, nghi thức này không phải là vấn đề vệ sinh, mà là hành động tôn giáo để thanh tẩy những ô uế. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu vừa mới tiếp xúc với người bị quỷ nhập, với đám đông, nên càng phải thanh tẩy.
Thực sự ra người Pharisêu này rất có cảm tình với Chúa Giêsu. Ông vốn là một người Pharisêu nên những nguyên tắc và luật lệ ông phải tuân hành và qua đó ông cho mình là người công chính, sự công chính này sẽ đem đến ơn cứu độ cho ông. Với một người như vậy thì khi thấy người khác, nhất là tư cách của Chúa Giêsu cũng chính là một bậc thầy trong dân, mà không tuân thủ những luật lệ truyền thống, “Ông lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn” là chuyện đương nhiên. Ông chỉ “lấy làm lạ” thôi chứ chưa có một hành động nào với Chúa Giêsu.
Nhưng phản ứng của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ cho chúng ta thấy Ngài muốn chỉnh đốn tận căn quan niệm về sự công chính. Ngài không chỉ nói cho một người, mà từ một người nói cho cả nhóm, vì đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến cả một dân tộc, mà những nhóm này là thành phần quan trọng trong dân tộc đó.
Chúa Giêsu đã đi từ cái “bên ngoài” của nhóm Pharisêu để nói đến cái “bên trong” của họ: “Bên ngoài chén đĩa thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Chúa Giêsu muốn họ hãy quan tâm đến những điều ô uế đích thực là chuyện cướp bóc và gian tà.
Cuối cùng Chúa Giêsu đưa ra một lời khuyên: “Tốt hơn hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi”. Nghĩa là khi biết quan tâm đến người khác để không còn bóc lột, lợi dụng, làm những chuyện gian tà… nữa thì họ sẽ trở nên trong sạch.
Lạy Chúa, qua đoạn Tin Mừng này trước hết xin cho con nhớ rằng “Chúa thấu suốt tâm cang từng gang tất” để con không chỉ quan tâm đến những điều ở bên ngoài, mà nhất là phải để ý đến “những thứ bên trong” của con.
Kế đến xin cho con biết tẩy rửa những điều ô uế thực sự chứ không phải bỏ đi những điều nhỏ nhặt bên ngoài, với mong muốn người khác thấy mình trong sạch.
Sau cùng, xin cho con sống điều căn bản nhất mà Chúa muốn dạy chúng con là biết sống tình yêu thương. Khi biết yêu thương con sẽ không còn đối xử tệ với người khác, không còn làm những điều sai trái cho người khác.


Suy niệm 3: CHÉN ĐĨA VÀ NGƯỜI PHA-RI-SÊU

“Này nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.”(Lc 11,39)
Suy niệm: Những người Pha-ri-sêu bị Đức Giê-su khiển trách nặng lời vì họ giả hình: Họ chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài như rửa sạch chén đĩa nhưng lòng họ thì “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Rửa sạch bên ngoài chén đĩa là cần nhưng chưa đủ. Cái thực sự cần là phải rửa sạch lòng tham lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà. Đối với người Pha-ri-sêu, rửa sạch ‘cái bên trong’ khó hơn rửa ‘cái bên ngoài’ nên họ né tránh bằng cách rửa ‘cái bên ngoài’ hầu có thể che đậy những xấu xa tội lỗi trong tâm hồn họ.
Mời Bạn: Nhiều người cho rằng mình chỉ có giá trị, có đẳng cấp khi khoác lên thân mình những ‘cái bên ngoài’ hào nhoáng, đắt tiền, theo thời trang. Người ta có thể đánh giá một con người dựa theo ‘cái bên ngoài’ như thế, nhưng Thiên Chúa thì không. Ngài là Đấng thấu suốt tâm can con người: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,… Hồn con đây biết rõ mười mươi” (Tv 139,13-14). Chúa đánh giá con người từ trong tâm hồn. Để được Thiên Chúa đón nhận, phải trở nên thanh sạch từ trong tâm hồn, phải loại trừ mọi thứ tham lam và gian tà, để tô điểm linh hồn mình bằng ân sủng Chúa và sinh hoa kết quả là các nhân đức!
Sống Lời Chúa: Thường xuyên chú ý tẩy sạch tâm hồn mình bằng bí tích hoà giải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng dựng nên con người có thân xác bên ngoài và có tấm lòng bên trong. Xin dạy chúng con biết chú ý đến con người bên trong của mình và đẩy lui những hình thức và giả trá bên ngoài.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con thật hạnh phúc vì được quây quần bên Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa tiếp tục ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin giúp chúng con biết lột bỏ thói giả hình để sống thật chân thành với Chúa. Xin giúp chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và biết yêu mến nhau với tình yêu chân thành, không khoe khoang, không giả dối. Xin loại trừ nơi chúng con ánh mắt của nghi kỵ, kết án tẩy chay, nhưng luôn có cái nhìn cảm thông và yêu mến.
Lạy Chúa, cuộc sống luôn bon chen, dành giựt lẫn nhau vì miếng cơm manh áo, khiến chúng con dễ có thái độ nghi kỵ, kết án lẫn nhau, đôi khi dẫn đến tẩy chay nhau một cách vô cớ. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, chúng con chỉ được hạnh phúc khi trao ban, khi sống yêu mến tha nhân hết mình. Nhưng Chúa ơi, giữa cuộc sống bận rộn đầy bon chen này, chúng con thật khó dành thời giờ cho anh em, và càng khó kiên nhẫn để cư xử tốt với mọi người. Giữa cuộc sống đầy giả dối này, chúng con thường có khuynh hướng nhìn người bằng ánh mắt hoài nghi xem thường. Xin loại trừ nơi chúng con thói giả dối hay lường gạt lẫn nhau. Xin cho chúng con biết luôn quảng đại và thứ tha cho nhau. Xin giúp chúng con luôn sống liên đới với nhau trong sự cảm thông, nâng đỡ và bác ái với nhau.
Lạy Chúa, Chúa là tình yêu, xin cho chúng con học nơi Chúa luôn yêu thương mọi người, ngay cả khi họ xúc phạm đến chúng con. Amen.

Suy Niệm 4:
1. Đức Giê-su và người Pha-ri-sêu
Một người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến dùng bữa tại nhà mình. Thánh Luca còn kể những dịp khác tương tự, chằng hạn Đức Giê-su được mời đến dùng bữa tại nhà một người Pha-ri-sêu khác, tên là Simon, và trong bữa ăn, đột nhiên có một người phụ nữ đến khóc bên chân Chúa (x. Lc 7, 36-50).
Như thế, tương quan của Đức Giê-su với những người Pha-ri-sêu không quá căng thẳng như chúng ta tưởng ; hơn nữa, mời nhau đến dùng bữa tại nhà, là dấu chỉ của một sự thân thiện đặc biệt. Tuy nhiên, cứ mỗi lần như thế, Đức Giê-su lại mặc khải sự « khác biệt thần linh » của ngài đối với những người Pha-ri-sêu và qua họ, đối với chúng ta và với cả loài người.
2. Rửa tay trước bữa ăn
Ông Pha-ri-sêu thật có lý khi lấy làm lạ, vì Đức Giê-su không rửa tay trước bữa ăn. Đó không chỉ vì lý do vệ sinh, nhưng rửa tay còn là một nghi thức thanh tẩy. Phải thanh tẩy, hay nói rộng hơn, phải chuẩn bị mình, cả bên trong lẫn bên ngoài, trước khi dùng bữa, bởi vì bữa ăn là ân huệ Thiên Chúa ban. Cũng giống như nghi thức sám hối khi chúng ta bắt đầu cử hành Thánh Lễ, và cũng giống như nghi thức rửa tay của linh mục trước khi bước vào nghi thức truyền phép.
Nếu như thế, người Do thái đã vượt xa chúng ta trong việc nhận ra ơn huệ Thiên Chúa, vì đối với họ, bàn ăn đời thường là « bàn thánh », và bữa ăn hằng ngày cũng là một ơn huệ trọng đại Thiên Chúa ban từ thủa tạo thiên lập địa và được hiện tại hóa mỗi ngày (xem St 1, 29 ; Tv 136, 25). Do đó cần phải được thanh tầy trước khi dùng bữa. Hành vi chuẩn bị mình để đón nhận ơn huệ Thiên Chúa ban, là bữa ăn hằng ngày, quả thật là một hành vi vừa đẹp (vì diễn tả lòng biết ơn), vừa đúng (vì bữa ăn diễn tả ơn huệ lương thực) và vừa hay (vì sẽ định hướng sự sống và đời mình theo hướng ca tụng và tạ ơn). Ước gì chúng ta cũng có tâm tình này khi đọc kinh, dâng lời nguyện hay « làm phép » trước bữa ăn.
Tuy nhiên, cũng giống như chúng ta cử hành các nghi thức, với thời gian, các nghi thức đánh mất đi ý nghĩa đích thực, và chỉ còn là hình thức bên ngoài. Tệ hại hơn nữa, người ta còn nghĩ rằng nghi thức này làm cho người ta tự động, như ma thuật, trở nên thanh sạch trước mặt Thiên Chúa ! Đức Giê-su không chống lại những nghi thức thanh tẩy, nhưng chống lại thái độ duy nghi thức, chỉ dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, ở vẻ đẹp bên ngoài : « Nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén dĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà ».
Như thế, đối với Đức Giê-su, các nghi thức không tự động làm cho người trở nên thanh sạch ; nhưng ngược lại, những nghi thức này trở nên vô nghĩa và trống rỗng nếu không diễn tả sự thanh sạch và vẻ đẹp của tâm hồn, hay nói như Đức Giê-su, diễn tả một lối sống với Thiên Chúa và tha nhân.
3. Cái bên trong và cái bên ngoài
Như vậy, phải chăng, bên trong mới quan trọng, bên ngoài chỉ là tùy phụ, thậm chí không cần thiết ? Có những người dựa vào lời này của Chúa để suy ra như vậy, khi nói : « Đạo tại tâm », nhằm biện hộ cho một lối sống đạo « bên ngoài chẳng có gì ? ». Như đọc được suy nghĩ này của người nghe của mọi thời, Đức Giê-su đã vượt qua sự đối lập giữa cái bên trong và cái bên ngoài, khi nói : « Thật là ngốc ! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ? » Như thế, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn ra hành động sáng tạo của Thiên Chúa ở trong mọi sự, cả cái bên trong cũng như cái bên ngoài ; và đáp lại bằng một thái độ nội tâm, đó là « bố thí những gì ở bên trong », để cho Thiên Chúa hiện diện và hành động nơi con người trọn vẹn của chúng ta.
Và Đức Giê-su nói : « Thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người ». Đây chính là quan niệm hoàn toàn mới, nếu không muốn nói là « quan niệm thần linh » về thế nào là thanh sạch.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Từ khóa:

nội tâm, tham lam

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận