Chứng tá các bậc tử đạo – Đức Phanxicô nói với tổng thống và quan chức Uganda

Đăng lúc: Thứ bảy - 28/11/2015 19:46 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Chứng tá các bậc tử đạo – Đức Phanxicô nói với tổng thống và quan chức Uganda

27/11/2015
75

Chiều thứ sáu, 27-11, Đức Phanxicô đã đến phi trường  Entebe, Uganda.Sau đó ngài gặp Tổng thống Yoweri Museveni, ngoại giao đoàn và các nhà chức trách, tại Nhà Chính phủ. Sau đây, là những lời đầu tiên ngài nhắn nhủ đến người dân Uganda

Tôi cảm ơn các ngài vì lời chào đón nồng hậu, và tôi hạnh phúc khi được ở Uganda này.

Lý do chính tôi viếng thăm đất nước này là để kỷ niệm 50 năm Đức Phaolô VI phong thánh cho các thánh tử đạo Uganda, nhưng chuyến viếng thăm này cũng là một dấu chỉ của tình bạn, quý trọng, và ủng hộ dành cho tất cả người dân của đất nước cao đẹp này.

Các bậc tử đạo Uganda làm chứng cho những nguyên tắc định hướng được thể hiện trong khẩu hiệu của quốc gia Uganda ‘Vì Chúa và vì Đất nước tôi.’ Các bậc tử đạo cũng nhắc chúng ta rằng, bất chấp các khác biệt về niềm tin và xác quyết, tất cả chúng ta đều được kêu gọi tìm kiếm sự thật, làm việc vì công lý và hòa giải, và tôn trọng bảo vệ và giúp đỡ nhau, bởi chúng ta đều là con cái trong gia đình nhân loại.

Các ngài nhắc cho chúng ta rằng đức tin, sự đạo đức chính trực và sự tận tâm cho công ích, đã và đang đóng vai trò quan trọng thế nào trong đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước này.

Các giá trị này đặc biệt xác đáng cho các phái đoàn ngoại gia và các công chức, những người được trao phó trách nhiệm bảo đảm cho sư điều hành tốt đẹp và minh bạch, sự phát triển con người, sự chung phần rộng rãi của đời sống quốc gia, cũng như sự vận dụng tốt đẹp và chính đáng sản vật mà Đấng Tạo hóa đã ban dư tràn trên mảnh đất này.

[Thánh Charles Lwanga và 21 bạn tử đạo, cùng với 23 người Anh giáo trở lại Công giáo, bị nhà vua giết vào khoảng 1880, vì không chịu chối bỏ đức tin của mình, và các ngài được phong thánh vào ngày 18-10-1964.]

Thánh tử đạo Uganda

Thế giới thấy Phi châu là một châu lục của hi vọng. Nhưng trên hết, quốc gia này được chúc phúc nhờ chính người dân của mình, là các gia đình mạnh mẽ, giới trẻ và người già. Mà người già là ký ức sống động của mọi dân tộc. Sự khôn ngoan và kinh nghiệm của người già phải luôn luôn được trân trọng như kim chỉ nam để hướng xã hội theo đường hướng đúng đắn, để đối mặt với các thử thách hiện tại với sự chính trực, khôn ngoan và tầm nhìn xa.

Tôi rất cảm kích khi Uganda đã có bận tậm ngoại hạng đối với việc chào đón người tị nạn. Cách chúng ta đối xử với người tị nạn là phép thử cho nhân cách của chúng ta, cho sự tôn trọng của chúng ta với phẩm giá con người.

[Trong những năm qua, Uganda đã tiếp đón hơn 150.000 người tị nạn Sudan chạy trốn bạo lực ở nước mình.]

Dù chuyến viếng thăm của tôi chỉ ngắn thôi, nhưng tôi muốn dùng thời gian này để khích lệ nhiều nỗ lực thầm lặng đã và đang chăm lo cho người nghèo, người bệnh và những người đang gặp khó khăn.

Tôi nguyện xin ơn Chúa đổ tràn trên tất cả các bạn. Mungu awabariki!

 

J.B. Thái Hòa
 

Các linh mục Uganda có thể noi theo gương đơn sơ khiêm nhượng của Đức Phanxicô hay không?

28/11/2015
73

The Observer –  John Vianney Nsimbe

Tay áo Đức Phanxicô

Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô bắt đầu chuyến công du Uganda từ ngày hôm nay 27-11, rất nhiều sự chú ý tập trung vào thông điệp suốt 32 tháng triều giáo hoàng của ngài, đó là đơn sơ và khiêm nhượng.

Ngày từ khi chuyến công du chưa bắt đầu, một trong những chủ đề đinh là về chiếc xe mà Đại diện Chúa Kitô sẽ đi ở Uganda. Bởi phải tuân thủ nghi thức tiếp tân với những nhân vật cấp rất cao như ngài, nên việc chiếc xe mà Đức Phanxicô chọn khiến nhiều người ở Uganda thấy bối rối.

Bất kỳ nơi đâu, Đức Giáo hoàng Phanxicô đều dùng những chiếc xe vừa nhỏ vừa rẻ, trái ngược hẳn với những chiếc xe to, cổ điển, đắt tiền đầy vẻ vương giả. Ngay cả khi về Vatican, Đức Giáo hoàng cũng không ở trong dinh thự, mà lại chọn căn hộ trong một nhà khách nhỏ đơn sơ.

Chọn lựa của ngài là một phê phán cho lối sống xa hoa của nhiều lãnh đạo, cả trong hàng giáo sỹ. Đức Giáo hoàng Phanxicô gắn chặt với cái ‘không có,’ ngài giảng về một đời sống tham đạm mà các lãnh đạo cần phải có để tìm lợi ích cho những người ít được ưu ái hơn.

Ở Uganda, nơi hơn 40% dân số là người Công giáo, các linh mục và giám mục không cảm thấy cần thiết phải sống như Đức Phanxicô. Họ thường là những người được chăm lo tốt, giữa những cộng đoàn bần cùng dâng cúng cho họ chút của mình có. Có những người đã biến giáo hội thành một cỗ máy làm tiền để chu cấp cho bản thân và người thân.

Một câu hỏi, là Đức Giáo hoàng Phanxicô thực tế đến mức nào trong lời kêu gọi hàng giáo sỹ Uganda hãy sống đơn sơ?

Cha Wynand Katende, một linh mục ở tổng giáo phận Kampala, đồng lòng với lời kêu gọi của Đức Phanxicô, đặc biệt là lời kêu gọi các giáo sỹ hãy sống thanh đạm. Nhưng cha cũng cảnh báo rằng Đức Giáo hoàng không muốn các linh mục của mình bị chết đói, hay phải cuối bộ hàng chục dặm.

‘Đức Giáo hoàng đang nhắc nhở tất cả chúng ta, giáo sỹ và giáo dân, rằng chúng ta không được cứ nhắm đến những của cải không cần thiết mà quên đi sự quan trọng nhất là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta càng tìm kiếm giàu có, thì càng xa Chúa Kitô.’

Cha Katende nói thêm câu Tin mừng Matthêu 6, 21. ‘Kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi ở đó.’

Nhưng nếu một linh mục, một đức cha, một mục tử cứ nghĩ trong đầu về khoản tiền sắp tới, thì lòng họ ở đâu nào? Khi các linh mục mưu cầu của cải trần gian như thế, thì dễ dẫn đến chiến tranh, chia rẽ giữa giáo sỹ và giáo dân, và như thế là rạn vỡ giáo hội.

Và theo đức cha Cyprian Kizito Lwanga, tổng giám mục Kampala, thì ‘người linh mục dựa vào sự nâng đỡ và tình thương của các Kitô hữu, nên người mang áo chùng thâm phải xác định đúng các ưu tiên hàng đầu của mình.

Chúa Giêsu Kitô là hình mẫu đời sống, vì thế, dù một linh mục có thể sở hữu, nhưng người linh mục phải dùng của mình có vì lợi ích nhân loại và vì người nghèo.’

Apostle Alex Mitala, một lãnh đạo danh tiếng của phái Ngũ tuần, cũng đồng ý với Đức Giáo hoàng, rằng hàng giáo sỹ cần phải có đời sống mẫu mực hơn. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng thông điệp của Đức Giáo hoàng cũng đúng với những giáo dân thu tích của cải bằng cách bóc lột.

Ông cũng nói rằng Vatican, nơi Đức Giáo hoàng ở, cũng nổi tiếng là giàu sang. Ông cũng hi vọng những người ở Vatican cũng nghe theo lời Đức Giáo hoàng.

Giám mục Paul Ssemogerere của giáo phận Kasana-Luweero thì nhận định, ‘Tất nhiên là thế. Vatican luôn luôn sẵn sàng cho người nghèo và người bị thiệt thòi. Và đây là lý do vì sao bạn thấy có nhiều trường học, bệnh viện và nhà thờ ở Uganda này, được xây nhờ tiền từ Vatican.’

Cha Emmanuel Ssemambo, phó xứ Jinja Karoli, ở Kawempe, nói rằng đời sống khiêm nhượng của Đức Giáo hoàng Phanxicô là một tuyên bố đích thực, dù ngài là một nhân vật vĩ đại trên thế giới, nhưng ngài không muốn mình hoành tráng.

Với cha Emmanuel, vấn đề không phải là các linh mục của chúng ta có thể noi theo gương Đức Giáo hoàng Phanxicô hay không. Mà đây là chuyện phải làm. Biết lắng nghe người đứng đầu giáo hội, một mẫu gương sáng, các linh mục sẽ được kéo lại gần hơn với một đời sống như Chúa Giêsu muốn.

Cha Emmanuel nói rằng, ‘Chúa Giêsu quá đỗi quyền năng, nhưng Ngài không bao giờ lạm dụng quyền năng của mình. Thật vậy, trong Tin mừng theo thánh Matthêu 11, 28-30, Chúa Giêsu nói rằng, ‘Hãy đến với Ta, hỡi những ai lao công và gánh nặng. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hãy mang lấy ách của Ta, và học cùng Ta, bởi Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch
 

Giáo lý viên không chỉ là thầy dạy, mà phải là chứng nhân

by phanxicovn

Vatican Insider - Domenico Agasso Jr – 27/11/2015

“Các giáo lý viên thân mến, Cha muốn nhấn mạnh rằng, việc anh chị em làm là việc thánh.”

 Uganda

 

'Cùng với các giám mục, linh mục, và phó tế, những người được truyền chức để rao giảng Tin mừng và chăm lo cho đoàn chiên của Chúa, thì anh chị em, các giáo lý viên, cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đem Tin mừng đến với mọi người.. Nhưng thông điệp mà anh chị em đem lại,sẽ bám rễ vững chắc hơn trong lòng mọi người nếu như anh chị em không chỉ là các thầy dạy mà còn là chứng nhân.'  Đây là những lời Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với các giáo lý viên và thầy cô giáo ở Munyonyo, Kampala, trong ngày đầu tiên đến thăm Uganda.

Chính ở nơi đây, 4 vị tử đạo đầu tiên của Uganda bị giết vào năm 1886, trong đó có thánh Anrê Kaggawa, thánh bổn mạng của giáo lý viên Uganda.

Đức Phanxicô đến giữa tràng pháo tay, tiếng reo hò, các bài hát và điệu nhảy chào mừng. Hàng ngàn người quy tụ nơi sân đền thánh, tạo nên một không khí lễ hội phấn khởi hân hoan. Các tu sỹ dòng Phanxicô điều hành đền thánh, đại diện mọi người chào đón Đức Giáo hoàng, rồi ngài chúc lành cho tảng đá góc xây dựng nhà thờ mới.

làm phép phiến đá Phanxicô

Ngài bắt đầu chào hỏi tất cả mọi người hiện diện, 'với tình cảm mến nhân danh Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là Thầy chúng ta.'  'Người thầy! Thật là cái tên tuyệt đẹp. Chúa Giêsu là người thầy đầu tiên và cao trọng nhất của chúng ta. Thánh Phaolô bảo chúng ta rằng Chúa Giêsu không chỉ cho Giáo hội các tông đồ và mục tử, mà còn cho những người thầy, để xây dựng lên toàn thân thể Giáo hội trong đức tin và đức mến.'

'Cùng với các giám mục, linh mục, và phó tế, những người được truyền chức để rao giảng Tin mừng và chăm lo cho đoàn chiên của Chúa, thì anh chị em, các giáo lý viên, cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đem Tin mừng đến với mọi người.

Cha cảm ơn anh chị em, trước và trên hết vì những hi sinh mà anh chị em và gia đình đã làm, vì lòng nhiệt thành và tận tụy trong công việc quan trọng này. Anh chị em dạy những gì Chúa Giêsu đã dạy, anh chị em chỉ dạy cho những người trưởng thành, giúp các bậc cha mẹ nuôi dạy con cái trong đức tin, và đem lại niềm vui hi vọng về sự sống bất diệt. Cảm ơn anh chị em vì sự tận tụy, vì gương mẫu, sự gần gũi với dân Chúa trong cuộc sống thường nhật, và vì tất cả mọi cách anh chị em đã trồng, đã tưới cho hạt giống đức tin vươn lên trong mảnh đất rộng lớn này. Cha đặc biệt cảm ơn anh chị em vì đã dạy dỗ cho trẻ em và người trẻ biết cách cầu nguyện, bởi vì đây là một nhiệm vụ rất quan trọng.

Cha ý thức được những việc mà các giáo lý viên và thầy cô giáo làm, những việc dù xứng đáng, nhưng không dễ dàng gì. Vậy nên cha động viên anh chị em hãy vững vàng, và cha muốn các giám mục linh mục hỗ trợ anh chị em về những thông tin giáo lý và mục vụ, để giúp anh chị hiệu quả hơn nữa.'

Rồi Đức Giáo hoàng nhắn nhủ một lời khuyên cho những thời điểm khó khăn. 'Ngay cả khi trách nhiệm dường như quá lớn, quá thiếu nguồn lực mà lại nhiều trở ngại, anh chị em đừng quên rằng việc mình đang làm là một việc thánh. Cha muốn nhấn mạnh rằng, việc anh chị em làm là việc thánh. Thánh Thần hiện diện ở bất kỳ nơi nào tuyên xưng danh Chúa Kitô. Ngài ở giữa anh chị em bất kỳ lúc nào chúng ta nâng lòng trí lên Chúa trong lời cầu nguyện. Ngài sẽ ban ánh sáng và sức mạnh cần cho anh chị em. Thông điệp mà anh chị em đem lại, sẽ bám rễ vững chắc hơn trong lòng mọi người nếu như anh chị em không chỉ là các thầy dạy mà còn là chứng nhân. Thật vô ích, khi trở thành thầy dạy mà lại không là chứng nhân.’

Rồi Đức Phanxicô thúc giục: 'Gương mẫu của anh chị em phải nói với mọi người về vẻ đẹp của cầu nguyện, về sức mạnh của lòng thương và tha thứ, về niềm vui được chia sẻ trong Phép Thánh Thể với tất cả anh chị em mình.'

Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng, 'Cộng đồng Kitô hữu ở Uganda đã lớn mạnh qua chứng tá của các bậc tử đạo. Các ngài đã làm chứng cho sự thật giải phóng con người, các ngài sẵn sàng đổ máu để trung thành với những gì mà các ngài tin là tốt lành, đẹp đẽ và đúng đắn. Chúng ta đang đứng ở Munyonyo này, nơi vua Mwanga ra lệnh tước đi sinh mạng của những người theo Chúa Kitô. Ông đã thất bại, cũng như vua Herode thất bại khi muốn giết Chúa Giêsu. Ánh sáng soi rọi trong bóng tối, và bóng tối không thể thắng được ánh sáng. Sau khi thấy chứng tá không chút sợ hãi của thánh Anrê Kaggwa và các bạn tử đạo, người Kitô hữu ở Uganda càng tin tưởng hơn nơi lời hứa của Chúa Kitô.'

Thánh tử đạo UgandaCuối cùng, Đức Phanxico dâng lời cầu nguyện. 'Nguyện xin thánh Anrê, thánh bổn mạng của anh chị em, và tất các bậc giáo lý viên tử đạo của Uganda, gìn giữ cho các bạn được nên những thầy dạy khôn ngoan, với mọi lời nói đều đầy ơn Chúa, và biết tin tưởng làm chứng cho chân lý của Chúa và niềm vui Tin mừng. Hãy tiến tới không sợ hãi, đến với mọi thành thị và làng mạc ở đất nước mình, để loan truyền hạt giống lời Chúa, và tin tưởng vào lời Chúa hứa là anh chị em sẽ trở về hân hoan, với vụ mùa bội thu. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi, và cũng bảo con cái cầu nguyện cho tôi nữa nhé.'

“Omukama Abawe Omukisa!” Chúa chúc lành cho anh chị em!'

J.B. Thái Hòa chuyển dịch
 

Lời người cha nhắn thêm với người con

aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2015-11-27

Lời người cha nhắn thêm với người con

Trước khi rời Kenya đi Uganda, chặng thứ hai trong chuyến đi Phi Châu của mình, Đức Phanxicô đã nhắn thêm vài lời với người trẻ, những người có một chỗ đặc biệt trong trong quả tim của ngài.

Chính là với người trẻ, đối tượng ưu tiên hàng đầu của mình trong chuyến đi mà Đức Phanxicô dành thì giờ để nói chuyện trước khi rời Kenya đi Uganda sáng thứ sáu 27-11. Những người nghe xem Đức Phanxicô như một “anh hùng”, chữ Đức Tổng Giám mục phụ trách giới trẻ ở Nairobi dùng, khi cha nói lời cám ơn Đức Phanxicô trước cả chục ngàn thanh niên trẻ đang có mặt ở đây, họ rất nhiệt tình và xúc động khi được gặp Đức Phanxicô ở Sân vận động Kasarani, Nairobi.

Giống như trong các lần gặp gỡ trước đây, Đức Phanxicô bỏ bài diễn văn soạn sẵn, ngài ứng khẩu nhắn một loạt lời nhắn, như một “người cha” lo lắng khi thấy con mình đứng trước đủ loại cám dỗ có thể làm chúng đi “trệch về sự dữ” như nạn tham nhũng, nghiện ngập, cuồng tín.

Chống tham nhũng

“Các con thân mến, cha xin các con đừng nếm vị tham nhũng … nó ngọt như đường, có thể làm các con thích thú, nhưng cứ nếm hoài thì nó sẽ làm cho các con đau, đau bệnh tiểu đường … con đường này dẫn đến cái chết, chứ không dẫn đến sự sống…”, Đức Phanxicô nói với các em. Không có gì biện minh cho “nạn dịch ở tầm mức thế giới này, nó ở trong bất cứ thể chế nào trên khắp thế giới, kể cả Vatican”, ngài nói. Quan trọng là đừng bắt đầu, “nếu con không bắt đầu thì người bên cạnh của con cũng sẽ không bắt đầu,”, vì đây là một mối dây rối bòng bong, chằng chịt với nhau.

Chống cuồng tín

Về nạn cực đoan cuồng tín của một số người trẻ và phương cách để đối diện, Đức Phanxicô trả lời cho một em trẻ: “Chúng ta phải hiểu vì sao một người trẻ được chiêu mộ hoặc đi chiêu mộ người khác. Người đó tách khỏi gia đình, bạn bè, tổ quốc, sự sống, người đó đi học cách để giết người… các con đi hỏi các nhà cầm quyền, tất cả các nhà cầm quyền: nếu có một thanh niên nam nữ không có việc làm, họ không học được, họ sẽ làm gì? Trở thành thiếu nhi phạm pháp, rơi vào con đường nghiện ngập, tự tử hoặc rơi vào trong một hoạt động mà người ta nói dối về ý nghĩa của cuộc sống. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: “Một hệ thống quốc tế bất công, một nền kinh tế không đặt con người ở trọng tâm nhưng để thần tài ở trọng tâm thì hệ thống đó sẽ không làm việc được. Như vậy điều đầu tiên để ngăn người trẻ không bị người hồi giáo cực đoan chiêu mộ là cho họ “giáo dục và công ăn việc làm”.

Chống chủ nghĩa bộ lạc

Tai ương thứ ba mà người trẻ không được rơi vào, đó là chủ nghĩa bộ lạc, một chủ nghĩa chia rẽ các sắc dân và các bộ lạc. Nạn dịch này là một “hủy hoại”, một “cám dỗ” vì “giống như bàn tay giấu sau lưng, mỗi tay một cục đá sẵn sàng ném người khác”. Ngài kết luận, “chủ nghĩa bộ lạc là cuộc chiến hàng ngày, một công việc đi từ quả tim”. Trong một hành vi mạnh, Đức Phanxicô xin mọi người hiện diện giơ tay lên và cùng hô chung: “Chúng ta là một quốc gia!”.

Với những người trẻ bị chấn động bởi nạn khủng bố và căng thẳng bộ lạc trong xứ của mình, Đức Phanxicô công nhận “chúng ta không sống trên trời, chúng ta sống dưới đất này, với những khó khăn và mời mọc hướng về sự dữ” nhưng cũng có một chuyện mà tất cả người trẻ đều có và không ai có thể lấy đi của họ, đó là là “khả năng chọn lựa của mình!”

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận