Lịch Sử Cứu Độ: Bài mở đầu

Đăng lúc: Thứ ba - 21/02/2017 01:34 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

 

Bài mở đầu

 

Ý ĐỊNH CỨU ĐỘ, LỊCH SỬ CỨU ĐỘ,

MẠC KHẢI VÀ KINH THÁNH

 

PDF

Một sự hiểu biết khái quát về những ý niệm liên hệ đến lịch sử cứu độ thiết nghĩ là quan trọng cho việc tìm hiểu môn học này. Đây chính là nội dung của bài mở đầu.

 

         a. Mầu nhiệm cứu độ

          Mầu nhiệm cứu độ hay Ý ĐỊNH yêu thương của Thiên Chúa nhằm thông ban sự sống của chính Ngài cho nhân loại, để con người được hiệp thông và chia sẻ vào sự sống ấy như những người con nhờ NGƯỜI CON duy nhất là Chúa Kitô, trong quyền năng và sự hướng dẫn của Thánh Thần trong sứ mạng và đời sống của Hội Thánh. Nhiệm cục thần linh vì thế là công trình của cả Ba Ngôi Thiên Chúa trong đó, mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa thực hiện công trình chung theo cách đặc thù trong Ba Ngôi (GLHTCG, 258).

         Ý định này là VĨNH CỬU trong Thiên Chúa bởi “Ngài đã cưu mang từ trước khi tạo dựng trần gian” (Eph 1, 4-6), và TRƯỜNG TỒN bởi bất chấp tội lỗi của con người, Thiên Chúa vẫn trung tín với kế hoạch yêu thương của mình.

         Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với vũ trụ và nhân loại được thực hiện qua một CHƯƠNG TRÌNH diễn tiến ngay trong lịch sử của một dân tộc được tuyển chọn: DÂN ISRAEL. LỊCH SỬ CỨU ĐỘ vì thế bày tỏ cho chúng ta biết cục cứu độ của Thiên Chúa trong THỜI GIAN của lịch sử loài người.

 

          b. Lịch Sử Cứu Độ:

         Lịch sử cứu độ là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người để nhờ đó con người biết mầu nhiệm về Thiên Chúa, mầu nhiệm về con người và vũ trụ cách tiệm tiến qua lời nói, hành động và các dấu chỉ thời đại (Hiến chế Mạc khải, 13). Chúa Kitô là trung tâm điểm của Lịch Sử Cứu Độ bởi “Lịch Sử Cứu Độ chính là Chúa Kitô hiện diện và hoạt động ở giữa chúng ta” (Hiến chế Phụng vụ, 35) và nơi Ngài, mầu nhiệm về Thiên Chúa và con người được tỏ lộ cách rõ ràng. Thật vậy, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện bằng lời và hành động được liên kết với nhau và bổ túc cho nhau, đặc biệt nơi Đức Kitô. Nhờ đó, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa và phần rỗi của con người, được sáng tỏ nơi Đức Kitô, Đấng Trung Gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mạc khải (HC Mạc khải, 2). Nhưng làm thế nào chúng ta có thể đón nhận mạc khải của Thiên Chúa qua lịch sử cứu độ, nhất là qua Đức Giêsu Kitô?   

 

2 – Mạc Khải và Kinh Thánh

 

      Thư Do Thái xác tín: “Thủa xưa nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ mà nói với cha ông chúng ta. Nhưng đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua người Con” (Dt 1, 1-2). Những lời này cho ta thấy có những hình thức mạc khải khác nhau qua lịch sử cứu độ và Chúa Kitô là mạc khải trọn vẹn và chung cuộc như chính Ngài đã khẳng định Ngài đến để hoàn thành Lề Luật, Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã viết về Ngài (Lc 24, 44).

 

        a. Mạc khải

        Mạc khải tự nhiên hay nhận thức tự nhiên về Thiên Chúa. Con người, nhờ trí khôn tìm hiểu có thể nhận biết Thiên Chúa qua công trình tạo thành và qua tiếng lương tâm con người (GLHTCG, 32-36).

      Tuy nhiên, nhận thức này giới hạn bởi Thiên Chúa vượt lên trên sự hiểu biết của con người; mặt khác, ảnh hưởng của tội lỗi khiến việc nhận biết này bị giới hạn và có nguy cơ sai lạc. Trong thực tế sự sai lạc đã xảy ra trong biến cố sa ngã khi con người dừng lại bên thụ tạo như một cái gì tuyệt đối mà khước từ nhìn nhận uy quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa. Thiên Chúa tình yêu đã đi bước trước trong việc bày tỏ chính mình qua mạc khải siêu nhiên, những gì vượt quá và tự sức con người không thể lãnh hội. Mạc khải này được ghi lại trong Kinh Thánh dưới sự linh hứng của Thánh Thần (GLHTCG, 37-38).

 

       b. Kinh Thánh

       Kinh Thánh gồm hai phần, gồm Cựu Ước (Giao ước cũ): 46 quyển và Tân Ước (Giao ước mới): 27 quyển.

       Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa được viết bằng ngôn ngữ của con người và do những tác giả thánh được sự hướng dẫn của Thánh Thần. Do đó, những xác quyết của họ chính là xác quyết của chính TÁC GIẢ - THIÊN CHÚA. Bởi đó, điều quan trọng không phải Kinh Thánh viết gì nhưng là khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa qua các bản văn Kinh Thánh. (GLHTCG, 101-114).

       Để khám phá ra sứ điệp bản văn, chúng ta cần sự trợ giúp của Thiên Chúa qua cầu nguyện; qua sự hướng dẫn của Hội Thánh vì Hội Thánh được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần – Đấng nói cho chúng ta biết những gì Chúa Giêsu muốn nói qua Kinh Thánh; cuối cùng qua sự trợ giúp của khoa nghiên cứu của các học giả Kinh Thánh qua những phương pháp chú giải Kinh Thánh được Hội Thánh đón nhận (GLHTCG, 115-119).

       Tóm lại: qua Kinh Thánh, ta biết được ý định (kế hoạch) yêu thương của Thiên Chúa với vũ trụ nhân loại được tỏ bày thế nào trong lịch sử cứu độ, nhất là trong Đức Giêsu Kitô. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ thảo luận về sự kiện khởi đầu của lịch sử cứu độ: SÁNG TẠO.

 

        Lm. Augustinô Nguyễn Đức Lợi

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận