Lễ Mừng Thượng Thọ và Ngọc Khánh Hôn Phối

Đăng lúc: Thứ tư - 21/02/2018 02:44 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Lễ Mừng Thượng Thọ và Ngọc Khánh Hôn Phối

Ông Bà Cố Simon Cáp Sanh và Maria Lê Thị Tỉnh

 

Sáng ngày Mồng Năm Tết Mậu Tuất, 20.2.2018, Cha Phêrô Nguyễn Xuân Anh đã đến chủ tế thánh lễ tạ ơn mừng Thượng Thọ và Ngọc Khánh Hôn Phối của Ông Bà Cố Simon Cáp Sanh và Maria Lê Thị Tỉnh tại Nhà thờ Đồng Kho.

Đồng tế thánh lễ, có 2 cha là con của Ông Bà và vài cha thân quen của gia đình. Các chủng sinh, đông đảo Nữ tu cùng con cháu Ông Bà Cố, bà con thân thuộc và cộng đoàn Giáo xứ đồng kho hiệp lời tạ ơn.

Ông Bà sinh được 8 người. Có 4 anh chị lập gia thất, 2 con gái là Nữ tu dòng MTG Phan Thiết, 2 con trai là Linh mục dòng Đaminh và Phanxicô. 4 cháu nội ngoại là Nữ tu dòng MTG Phan thiết. Một đại gia đình có nhiều ơn gọi dâng hiến.

 

Cha Phêrô Xuân Anh giảng lễ, suy niệm (Mt 6, 7-15)

 

Cộng đoàn phụng vụ thân mến, 

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy bình yên tin tưởng mà vui “sống trong tình cha của chúng ta là Thiên Chúa”. 

Tiên tri Isaia xác quyết rằng: Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác”. Nghĩa là: Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Đức Giê-su Ki-tô, sẽ thực hiện ý muốn của Thiên Chúa và làm tròn sứ mạng mà Chúa Cha ủy thác: là cứu rỗi con người. 

Dẫu biết thân phận con người mỏng dòn yếu đuối, dễ nghiêng chiều hướng hạ, do ảnh hưởng đau buồn của tội nguyên tổ, nhưng Lời Chúa luôn tha thiết mời gọi con người hãy vững tin và kêu cầu danh Chúa, kêu cầu Cha với tâm tình của người con đầy tin tưởng và cũng đầy thảo hiếu, như lời thúc giục của thánh vịnh 33, chúng ta vừa nghe trong bài đáp ca.

Trong Bài Tin Mừng, Lời Chúa Giê-su còn tha thiết mời gọi chúng ta sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa là Cha của chúng ta trên trời, một người Cha giàu lòng xót thương con cái mình. 

Vâng, hãy luôn nhớ đến Chúa, hãy sống trong tương quan mật thiết với Chúa. Bất cứ ở đâu, khi nào, và lúc làm việc gì cũng là đang sống thân tình với Chúa, sống trước mắt Chúa, sống cho danh Chúa cả sáng, sống theo Thánh Ý Chúa và làm chứng cho Nước Chúa. Đó chính là sống cầu nguyện vậy. Cầu nguyện là tâm tình hiếu thảo của người con sống với Cha. 

Tâm tình hiếu thảo ấy là: chúc tụng Cha vì Cha là Cha của mọi người, và mọi người là anh em huynh đệ với nhau trong cùng một Cha. 

Tâm tình hiếu thảo ấy là: tin tưởng đặt mình trong tay Cha để Cha thực hiện điều cho vinh danh Cha và cứu rỗi các linh hồn. 

Tâm tình hiếu thảo ấy là tin tưởng phó thác đời ta trong sự quan phòng yêu thương của Cha, không phải quá bận tâm chuyện gạo tiền cơm áo, vật chất thế gian, nhưng ước ao sống công chính là thắng vượt cám dỗ, và thực hiện đức yêu thương tha thứ cho người. 

Mỗi người, hãy nuôi dưỡng, ấp ủ những tâm tình tốt lành ấy trong lòng, và có thể bày tỏ bằng một lời nguyện tắt để thân thưa với Chúa bất cứ lúc nào, ở đâu, khi làm gì, đó là: xin cho danh Cha cả sáng.

Mỗi người, hãy sống chân thành trong tình Cha-con để cảm nghiệm được tình Cha bao la, và cũng để cảm nghiệm sớm nhất sự thiếu sót của ta đối với Cha, điều lỗi phạm của ta đối với anh em trong gia đình của Cha, mà xin Người tha thứ. 

Vâng, thưa cộng đoàn,

Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy tin tưởng, bình yên mà vui sống trong tình Cha, Cha của Đức Giê-su, Cha của chúng ta, cha của tất cả mọi người, cách riêng, và gần gũi nhất, Thiên Chúa là người Cha quý mến nhất của mỗi gia đình.

Bởi các gia đình của chúng ta đây, đã được thiết lập theo ý muốn tốt lành của Thiên Chúa, đã được Thiên Chúa chúc phúc để tiếp nối công cuộc sáng tạo của Người, tiếp nối công cuộc cứu rỗi của Người ngay tại trần gian này. 

 

Cộng đoàn phụng vụ thân mến, 

Cách riêng kính thưa ông bà cố…

Hôm nay, cả cộng đoàn giáo xứ Đồng Kho vui mừng dâng thánh lễ tạ ơn Chúa cùng với ông bà cố vì hồng ân Ngọc Khánh Hôn Phối, 60 năm đời sống gia đình công giáo. Thật đáng quý biết bao một cuộc đời hơn 80 năm trần thế và 60 năm hôn phối. Việc tạ ơn Chúa thật là chính đáng biết bao, vì Thiên Chúa đã thực hiện bao điều lạ lùng vĩ đại trong gia đình ông bà cố. 

Không chỉ nhìn thấy hoa trái tốt lành của ông bà cố, là con cái làm linh mục, làm nữ tu, mới gọi là dấu chỉ hồng ân, nhưng ước gì mọi người hãy nhìn thấy Hồng ân chính yếu nơi 80 năm làm người và 60 năm hôn phối của ông bà cố, đó là: “Sống Trong Tình Cha”, đúng như Lời Chúa mời gọi hôm nay.

Xin chúc mừng ông bà cố 80 năm làm người, 80 năm sống trong tình Cha.

Xin chúc mừng ông bà cố 60 năm hôn phối, 60 năm sống trong tình Cha.

Vâng, 

Nếu cả hai không cùng sống trong nguồn sự sống của Thiên Chúa là Cha, thì lấy sức sống ở nơi nào mà sống được cho đến hôm nay, thì lấy nguồn sống ở đâu mà sống cuộc đời vợ chồng cho được, khi cuộc đời vợ chồng trải ra trong nhiều nỗi đắng cay, đau khổ mà người sống và yêu nhau phải biến đắng cay thành ngọt ngào, biến đau khổ thành hạnh phúc?

Nếu cả hai không cùng sống trong niềm tin tưởng Thiên Chúa là Cha, nếu không có Chúa là tâm điểm của niềm tin, nếu cả hai không cùng đặt niềm tin vào một nơi đáng tin, một địa chỉ uy tín, thì có ai trên đời này dám tin nhau cho được, trong một thế giới đầy những gian dối lọc lừa nhau?

Nếu cả hai không cùng bằng lòng vui vẻ đặt trọn đời mình vào trong tay Thiên Chúa là Cha, cả hai không để cho đời mình hoàn toàn thuộc về Chúa, cả hai không cùng thuộc về một mối tình Thiên Chúa, nghĩa là cả hai không thuộc về Thiên Chúa là Cha, thì làm sao có thể thuộc về nhau được, thuộc về nhau được một ngày đã là khó, huống chi là 60 năm dài đằng đẵng đầy những gian nan thử thách, đầy bao nghiệt ngã khôn lường. 

Thiết tưởng, 

Và khi đã thuộc trọn về Chúa, thuộc trọn về Cha, thì mỗi chúng ta cũng mặc lấy tâm tình của Cha mà đối xử với nhau như lòng Cha mong ước. 

Nếu không mặc lấy tâm tình của Cha, thì lấy đâu ra lòng khoan dung, quảng đại, mà chấp nhận và tha thứ cho vợ, cho chồng, cho con cái biết bao là lầm lỗi,biết bao là thiếu sót.

Nếu không mặc lấy tâm tình của Cha, thì lấy đâu ra đức kiên nhẫn, hy sinh, chịu đựng biết bao là gian nan khốn khó trong suốt một đời người, để xây dựng nên một mái ấm gia đình thánh thiện, bình an, hạnh phúc.

Nếu không mặc lấy tâm tình của Cha, thì lấy đâu ra niềm tin tưởng, hy vọng, bình an, vui sống mà truyền lại cho nhau, mà truyền lại cho con cháu, mà giới thiệu cho mọi người.

 

-Ước gì, mọi người chúng ta có thể nhìn thấy ông bà cố kỷ niệm 60 năm hôm phối hôm nay trước mắt chúng ta đây, là một bằng chứng hùng hồn về tình yêu và sự quan phòng của Thiên  Chúa là Cha, cha của các gia đình.

-Ước gì, mỗi chúng ta hãy cảm nghiệm được hồng phúc lớn lao mà Chúa ban tặng cho người tin tưởng cậy trông vào Chúa, như người Cha hết lòng yêu thương và lo lắng tất cả cho gia đình chúng ta.

-Ước gì các gia đình trẻ sẽ thấu hiểu nguồn hạnh phúc gia đình của chúng ta là nơi Thiên Chúa, và rút ra được bài học hạnh phúc cho các gia đình, đó là “Muốn được thuộc trọn về nhau trong suốt cuộc đời, thì trước tiên mỗi người phải thuộc trọn về Chúa”. “Muốn được sống trọn đời trong tình yêu vợ chồng, thì trước tiên hãy sống trong tình Thiên Chúa là Cha”.

 

Và bây giờ, 

Mỗi người trong nhà thờ này, có thể cùng với Ông bà cố dâng lên Thiên Chúa là Cha, bài ca chúc tụng, như lời ca của thánh vịnh 33:

Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. 

Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. 

Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ kêu cầu. Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai.

Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương dập nát.  

 

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, Cha của các gia đình,, xin giúp chúng con cảm nghiệm được tình Cha để được vui mừng, bình an sống trong tình Cha yêu và sống cho danh Cha cả sáng. A men. 

 

*****

Sau bài giảng, cha Quản xứ đồng kho chủ sự nghi thức kỷ niệm ngọc khánh hôn phối. Cộng đoàn cười vui vẻ khi hai ông bà lập lại lời đoan hứa 60 năm trước. Sau đó con trai, con dâu, con rễ tiến lên dâng lễ vật.

Cuối thánh lễ, con trai trưởng là Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Đồng kho dâng lời tri ân.

Hai Nữ tu dâng vòng hoa tươi và hai linh mục đeo vào cổ ba mẹ.

Nhiều hình ảnh lưu niệm ngày hồng phúc đáng nhớ.

Bữa tiệc tại tư gia ấm áp tình gia đình.

 

 

*****

Mừng thọ cha mẹ là tâm tình thảo hiếu của đoàn con cái. Người Việt Nam vốn rất coi trọng chữ hiếu và xem đó như là căn bản của đạo làm người.

Người Việt nam rất trọng lễ giáo, coi trọng sự bền vững gia đình với những tôn ti trật tự, với cung cách ứng xử theo mỗi bậc người. Theo đó người Việt nam có nét đặc trưng trong cách thức chào hỏi, xưng hô giao tiếp mà những ngôn ngữ của các dân tộc khác dù văn minh cũng không có được. Linh mục F. Buzomi, dòng Tên, nhà truyền giáo đã đặt chân lên mãnh đất Việt nam khá sớm vào ngày 18.1.1615, có nhận xét chí lý: "Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt nam đã có một tổ chức rất cao, người dân Việt nam có những đức tính, phong tục rất đáng khâm phục, nó đã giúp rất nhiều vào công việc truyền giáo" (Nguyễn Hồng "Lịch sử truyền giáo ở Việt nam", Sài gòn 1959, tr. 55).

Trong lễ giáo thì ân nghĩa là đầu tiên. Tôn kính tổ tiên là một cách tỏ ân nghĩa đối với các vị tiên nhân, ông bà cha mẹ. Lúc ông bà cha mẹ còn sống, con cháu phải phụng dưỡng tôn kính, vâng lời chiều ý các ngài, ăn ở sao cho các ngài hài lòng. Khi các ngài qua đời, lo an táng tử tế, con cháu thờ kính, giỗ chạp hàng năm.

Mỗi người Việt nam chúng ta có một đạo rất gần gũi, đó là Đạo Ông Bà hay Đạo Hiếu. Trong mỗi gia đình người Việt, dù sang hay hèn cũng dành một nơi trang trọng nhất để đặt bàn thờ gia tiên. Ông bà cha mẹ dù có khuất đi nhưng vẫn luôn hiện diện gần gũi với con cháu. Những ngày đầu tháng, ngày rằm, ngày tết, gia đình làm mâm cơm cúng ông bà. Tấm lòng của con cháu tỏ bày lòng hiếu thảo biết ơn. Mỗi khi trong gia đình có việc gì quan trọng như dựng vợ gã chồng cho con cái, hoặc con cái thi cử đổ đạt... cha mẹ đều dẫn con cái đến trước bàn thờ gia tiên để trình diện với các ngài, bày tỏ mọi việc để các ngài chứng giám. (x. Gia đình Việt nam, mãnh đất phì nhiêu cho hạt giống Tin mừng, thời sự thần học số 32 tháng 06/03)

Đạo Hiếu là cốt tuỷ của nền văn hoá Á châu trong đó có Việt nam. Hiếu là gốc của đức. Người ta có 100 nết nhưng hàng đầu vẫn là Hiếu. Chưa từng có người nào hiếu thảo lại bất trung, cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân.

Cốt lõi của Hiếu bắt đầu bằng: tôn kính cha mẹ lúc còn sống, thờ phượng cha mẹ lúc qua đời. Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh, bằng thờ cúng tổ tiên. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng, là phẩm chất tối cao của con người.

Việc hiếu lễ từ ngàn xưa đã in sâu vào tâm linh mỗi người. Dân tộc việt nam từ nam chí bắc dù ai theo tín ngưỡng nào, dù có bài bác thần linh nhưng với ý niệm "Cây có cội, nước có nguồn" đều coi trọng gia lễ.

Ca dao đã đúc kết lòng hiếu nghĩa ấy:


Cây có gốc mới nở ngành sanh ngọn,
nước có nguốn mới bể rộng sông sâu,
người ta có gốc từ đâu,
có cha có mẹ rồi sau có mình.

Đạo Hiếu chính là đạo của lòng biết ơn. Biết ơn trời đất, biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ. Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành, ơn chín chữ, đức cù lao, ơn võng cực biển trời. Ai ai phụ, mẫu sinh ngã cù lao, dục báo chi đức, hạo thiên võng cực. Cha mẹ sinh ra ta, nâng đỡ ta từ cung lòng, vỗ về âu yếm, nuôi dưỡng bú mớm, bồi bổ cho lớn khôn, dạy ta điều hay lẽ phải, dõi theo mỗi bước đường đời của ta, tuỳ tính tình mỗi đứa con mà khuyên dạy, che chở bảo vệ con. Ơn đức cha mẹ như trời biển "công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".

Đạo Hiếu là nền tảng văn hoá gia đình Việt nam. Người Việt yêu chuộng những gì là tình, là nghĩa, coi tình nghĩa hơn lý sự "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình"; chấp nhận "bán anh em xa mua láng giềng gần"; thích "dĩ hoà vi quý", độ lượng "chín bỏ làm mười"; quý trọng con người, không tôn thờ của cải "người là vàng, của là ngãi; người làm ra của chứ của không làm ra người"; mong muốn anh em bốn biển một nhà "tứ hải giai huynh đệ"; đề cao tinh thần khoan dung "đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại". Đỉnh cao của lòng nhân ái là "thương người như thể thương thân". Gia đình Việt nam có nhiều thế hệ sống với nhau "tứ đại đồng đường". Người Việt quan niệm "một mẹ già bằng ba hàng dậu", cha mẹ già không còn lo việc đồng áng, ở nhà chăm nom giữ cháu. Bầu khí gia đình luôn ấm cúng, tuổi thơ con trẻ được ươm đầy tiếng ầu ơ của bà, câu chuyện cổ tích của ông. Từ lúc chưa rời vành nôi trẻ thơ đã được trau dồi cái nhân cái nghĩa. Khi lớn lên con cái lập gia thất, cha mẹ cho miếng đất dựng căn nhà, con cháu sum vầy bên ông bà cha mẹ, tối lửa tắt đèn có nhau. Chính gia sản tinh thần gia đình là chất keo nối kết tầm hồn con người lại để rồi ai ai cũng cảm thấy "quê hương mỗi người chỉ một ... đi đâu cũng phải nhớ về" (Quê hương, Đỗ trung Quân). Dù đi học xa, đi làm xa, đi đâu xa cũng phải về với gia đình sum họp những ngày cuối năm, ngày đầu năm. Ngày Tết là những ngày thiêng liêng ấm áp tình gia đình. Con cháu quy tụ chúc Tết với cử chỉ thành kính chắp tay chào lạy, dâng quà lễ mừng thọ.

Gia đình Việt nam là môi trường đào tạo con người toàn diện, tỉ mỉ và hiệu lực nhất. Dưới mái trường này, con người được đào tạo cả về kiến thức, tâm hồn, tư duy, nhân cách, lối sống để rồi có đủ bản lãnh và khả năng bước vào đời sống xã hội. Gia đình là nơi đào tạo căn bản nhất lòng đạo đức, giúp phát triển cái tài, nhân rộng cái đức cho con vào đời.

Đạo Hiếu chính là sợi chỉ vàng nối kết mọi người, mọi sinh hoạt gia đình. Đạo Hiếu làm nên bản sắc văn hoá người Việt. Như thế tâm thức dân Việt rất gần với Tin mừng Đạo Chúa. Điều răn thứ bốn dạy thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba điều răn về Thiên Chúa đủ nói lên tính cách quan trọng của nó. Sách giảng viên dạy: thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa, tôn kính cha mẹ là tôn kính Chúa. Chính Chúa Giêsu là mẫu mực hiếu thảo với Cha, yêu mến Cha, vâng ý Cha, luôn làm đẹp lòng Cha. Chúa đã lên án bọn người lấy cớ để tiền của dâng cúng vào đền thờ mà trốn tránh bổn phận giúp đỡ cha mẹ. Đạo Chúa cũng là Đạo Hiếu. Hiếu với cha mẹ, đấng bậc sinh thành dưỡng dục. Hiếu với Thiên Chúa và thờ phượng Người, đấng sáng tạo muôn loài, dựng nên con người giống hình ảnh Người. Như vậy Đạo Chúa cũng chỉ gồm chữ Hiếu. Thờ lạy Thiên Chúa là chân nhận Người chủ tể muôn loài, con người có bổn phận tôn vinh thờ phượng tỏ bày lòng hiếu thảo. Đối với tha nhân, Đạo Chúa dạy phải sống hiếu, phải thể hiện hiếu. Điều răn trọng nhất "kính Chúa, yêu người" là điều răn của Đạo Hiếu. Không một tôn giáo nào khai triển Đạo Hiếu cho bằng Đạo Chúa. Hiếu với Chúa, hiếu với tha nhân, đặc biệt hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Vì hiếu với Chúa nên phải tu thân tích đức để làm vui lòng Chúa, xứng đáng làm con cái của Người. Vì hiếu với ông bà cha mẹ nên phải sống đạo làm con, gĩư nề nếp gia phong lễ nghĩa, làm vinh dự cho gia đình, gia tộc.

Chính từ tổ tiên ông bà cha mẹ mà người Việt nam có thể tìm đến với Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Đạo Hiếu là một điểm tựa, một bước đi khởi đầu thuận lợi, một lối đi dễ dàng, gần gũi, một mãnh đất phì nhiêu để đưa con người vào Đạo Chúa. Loan báo Tin mừng của Đạo Chúa chính là làm sáng lên những nét tinh tuý tiềm tàng trong mỗi nền văn hoá. Đối với môi trường gia đình việt nam, đó chính là "minh minh đức", làm sáng cái đức sáng trong môi trường gia đình. Đạo Chúa dạy có một Cha trên trời mà con người phải tôn kính hiếu thảo; dạy yêu thương nhau "anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em"; dạy sống chan hoà, bình dị "anh em hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng", dạy yêu quý sự sống "Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào". Tin mừng làm sáng lên những giá trị sáng ngời có sẵn trong môi trường văn hoá Việt nam, mang đến cho các giá trị văn hoá ấy chiều kích siêu việt, chiều kích cứu độ. (Quốc Văn, OP).

Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận đã đề cao vai trò gia đình, lòng thảo hiếu của con cái "chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình công giáo. Không vị giám đốc tài ba, chuyên môn đến đâu có thể thay thế cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội thánh và xã hội nhân loại cũng rung rinh sụp đổ. Đức Gioan XXIII biên thư cho cha mẹ ngày ngài được ngũ tuần: "Thưa thầy mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi trên chân thầy mẹ" (ĐHV 505).

 

Bầu khí thật ấm áp trong đại gia đình chan chứa tình thương của cha mẹ già, tấm lòng thảo hiếu của anh chị em và các cháu. Từ hạnh phúc của gia đình, hy vọng các linh mục và nữ tu luôn nhiệt thành dấn thân trong cộng đoàn giáo xứ đang phục vụ.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận