Thứ bảy đầu tháng tuần 13 TN

Đăng lúc: Thứ bảy - 05/07/2014 03:09 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Thánh Antôn Maria Dacaria, linh mục

Bài đọc (Am 9,11-15)
11 Đức Chúa phán thế này : Trong ngày ấy, Ta sẽ dựng lại lều xiêu vẹo của Đa-vít, bít kín các lỗ hổng của tường thành, tái thiết những gì đã tan hoang, xây dựng nó như những ngày xưa cũ ;12 để chúng được chiếm hữu số sót của Ê-đôm và của tất cả các dân tộc đã được mang danh Ta – sấm ngôn của Đức Chúa, Đấng thực hiện điều ấy.13 Này đây sắp đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – thợ cày nối gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp bước người gieo giống ; núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nổng sẽ tuôn chảy.14 Ta sẽ đổi vận mạng của Ít-ra-en dân Ta : chúng sẽ tái thiết những thành phố điêu tàn và định cư ở đó ; chúng sẽ uống rượu vườn nho mình trồng, ăn thổ sản vườn mình canh tác.15 Ta sẽ trồng chúng lại trên đất xưa chúng ở, và chúng sẽ không còn bị bứng đi khỏi thửa đất Ta đã ban cho chúng – Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi phán như vậy.


Tin Mừng (Mt 9,14-17)
14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 15 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. 16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt : rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới : thế là giữ được cả hai.”


Thánh Antôn Maria Giacaria, linh mục

Thánh Antôn Maria Giacaria sinh năm 1502 tại Grêmôna, cha Ngài mất sớm. Mẹ Ngài, người góa phụ trẻ 18 tuổi không còn biết tới hạnh phúc nào hơn trên trần gian là đào tạo tâm hồn người con nhỏ của mình. Thấy con thích làm việc hơn là chơi giỡn và biết kiên trì hy sinh hãm mình, bà rất mừng rỡ, chính bà cũng phát huy tình bác ái đối với người nghèo khổ để làm gương cho con.
Thành Grêmôna nơi Antôn sinh trưởng vừa mới hết chiến tranh. Sau cuộc chiếm đóng của người Pháp, dân thành lại phải chiến đấu với Ludorse Sforza. Tình cảnh thật khốn khổ. Ngày kia trên đường đi học về, cậu bé Antôn đã cởi tấm áo thêu của mình cho người nghèo mặc. Thấy vậy, người mẹ đã âu yếm ôm con vào lòng. Từ đó Antôn xin mẹ cho mình được ăn mặc bình thường, có khi còn nhịn phần ăn cho người nghèo nữa.
Thân mẫu Antôn đã chọn cho Ngài những bậc thầy nổi danh về văn chương Hy lạp và Latinh. Vào tuổi 15, Antôn đã theo môn triết học ở Pavie, rồi lại theo đuổi y học ở Padua. Ở đại học người ta chế nhạo nếp sống nghèo khó của Ngài. Tốt nghiệp bằng tiến sĩ hạng ưu, Ngài được rất nhiều khách hàng tín nhiệm. Nhưng Antôn bỏ nghề thuốc để theo môn thần học.
Antôn Giacaria bắt đầu tụ tập trẻ em lại, Ngài nói cho chúng nghe về các chân lý cao trọng. Cha mẹ chúng cũng thường tới nghe dạy. Họ nói: Nào chúng mình đến nghe thiên thần của Chúa.
Tay cầm thánh giá, thánh nhân rảo qua khắp các đường phố nói về ơn cứu chuộc và việc thống hối. Nơi nào bị chế nhạo, bị xỉ nhục, Ngài càng năng lui tới hơn.
Năm 1528, lúc được 36 tuổi, Antôn được thụ phong Linh mục. Ngài đến ở Milan, thăm viếng các người đau khổ trong các nhà thương, nhà tù, nơi các xóm nghèo. Các nghĩa cử Ngài làm đã mang lại cho Ngài danh hiệu “người cha dân tộc”. Ngài ngồi tòa hàng giờ để phục sinh các linh hồn. Ngài chống lại phái thệ phản và đối đầu với bất cứ ai muốn tấn công đức tin tinh tuyền. Cha Antôn có hai người bạn tông đồ là Mariggia và Ferrari. Đức Giáo hoàng truyền cho các Ngài lập một hội dòng mới, các tu sĩ dòng thánh Phaolô. Các Ngài được trao cho việc coi sóc thánh đường thánh Barnabê, nên người ta gọi các Ngài là các cha Barnabê.
Thánh Antôn Maria Giacaria thường nói với các môn sinh:
- “Đặc tính của những tâm hồn đại lượng là phục vụ không mong phần thưởng, chiến đấu không chờ lương bổng. Hãy tiến tới không ngừng và hướng tới sự hoàn thiện cao cả hơn. Hãy nói với Chúa Giêsu bị đóng đinh về tất cả những gì bạn thấy và lãnh ý Người, cho mình và cho người khác”.
Ngài dạy họ phải quen với những phỉ báng khinh miệt nhưng không làm được nếu không hướng trọn ý tưởng về với Chúa. Thánh nhân còn dẫn anh em rảo qua đường phố bằng cách vác Thánh giá mà rao giảng. Họ còn tự động cột giây vào cổ, làm những việc nặng nhọc và một số khác còn đi ăn xin cho người nghèo. Thấy vậy, nhiều người thống hối và cải thiện đời sống. Thánh Antôn còn cổ động lòng sùng kính Thánh Thể khuyên năng rước lễ hơn. Thời đó người ta chỉ rước lễ một hai lần trong năm. Trước sự đổi mới này, nhiều người coi sự nhiệt thành của Ngài là cuồng tín dị đoan. Thánh nhân vẫn an lòng và cảm nghiệm điều Ngài thường nói:
- Bạn sẽ được tháp nhập vào Chúa đến độ không còn lo tưởng đến những sự trên thế gian này nữa.
Năm 1930, Ngài giúp nữ công tước Torelli thành lập một hội dòng nữ. Đức Giáo hoàng Phaolô III đã chuẩn y hội dòng này và đặt tên là “Dòng chị em các thiên thần”.
Năm 1536, cha Antôn Giacaria từ chức bề trên nhà dòng mà Ngài đã giữ từ đầu để đi truyền giáo. Ngài rao giảng Phúc âm và giải hòa các cuộc tranh chấp. Công việc thật bề bộn, không thể lường trước được, dầu vậy thánh nhân vẫn trung thành với tác vụ, các cuộc tĩnh tâm và thư tín. Tuy nhiên lần này, tại Guastalla, thánh nhân đã kiệt sức. Xa các môn sinh, Ngài lui về với thân mẫu. Bà khóc lóc khi thấy con. Nhưng Antôn nói:
- Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc nữa. Chẳng bao lâu rồi mẹ cũng được vui mừng với con trong vinh quang bất tận mà bây giờ con đang tiến vào.
Ba giờ chiều ngày 5 tháng 7 năm 1539, Linh mục trẻ 37 tuổi Antôn Maria Giacaria thở hơi cuối cùng trong tay mẹ hiền.
Thánh Antôn Maria Giacaria là mẫu gương cho chúng ta về nhiệt huyết tông đồ. Xin Chúa ban cho chúng ta cũng biết noi gương thánh nhân, luôn hăng say nhiệt thành trong công cuộc truyền giáo.

Suy niệm 1: HÃY ĐỔI MỚI

Đã nhiều lần Đức Giêsu bị những người Pharisêu cho rằng Ngài không giữ Lề Luật của Môsê. Họ kết án Đức Giêsu là người vô kỷ luật. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã phủ nhận chuyện đó và Ngài đã khẳng định: “Tôi đến không phải để hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn”.Thật vậy, Lề Luật Cựu Ước chỉ là một sự chuẩn bị cho con người và sứ vụ của Đức Giêsu đến mà thôi.
Nhưng nay, thời đã điểm và Đức Giêsu đã đến, Ngài hiện diện như những gì các tiên tri đã tiên báo và Lề Luật của Môsê hướng tới. Vì thế, giờ đây, hãy sống với một tinh thần mới chứ không phải mong đợi nữa, vì Chàng Rể là Đức Giêsu đã đến.
Tinh thần mới ở đây chính là lòng bao dung, tha thứ, hiền hòa, nhân hậu, từ bỏ con đường tội lỗi. Đổi mới bầu da cũ là bỏ đi nếp sống không còn phù hợp với Tin Mừng và thay vào đó là những cách sống mà Đức Giêsu đã vạch ra, đó là: “mến Chúa và yêu người”. Thiên Chúa không thể đổ tràn ân sủng mới của Ngài vào trong một thân thể cũ với đầy những tội lỗi, những thù hằn ghen ghét …
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức mình là người tội lỗi, để đáng được đón nhận tình yêu của Chúa, và để Chúa đổi mới chúng con. Amen.


Suy niệm 2: RƯỢU MỚI, BẦU DA MỚI

“Rượu mới thì đổ vào bầu mới.” (Mt 9,17)
Suy niệm: Hình ảnh áo vá và rượu trong bầu da hình như không còn quen thuộc lắm nữa. Nếu Chúa nói chuyện với thính giả hôm nay, hẳn Ngài sẽ dùng những hình ảnh khác. Dù sao, cốt lõi sứ điệp vẫn rất rõ: Cần thích nghi để phù hợp! Ngữ cảnh ở đây là sự giải thích của Đức Giê-su: Vì chàng rể đang hiện diện, nên các bạn hữu không ăn chay. Như vậy, chính sự hiện diện của Đức Giê-su, tức của Tin Mừng, của Nước Trời, làm nên yếu tố mới mẻ và đòi người ta phải ứng xử phù hợp với yếu tố mới mẻ này. Tin Mừng Mát-thêu giới thiệu một loạt những cái mới nơi Đức Giê-su và nơi giáo huấn của Ngài: yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (chương 5), không phô trương khi làm việc lành phúc đức (chương 6)… Người ta chống Đức Giê-su vì họ thích yên ổn trong nếp sống nếp nghĩ cũ hơn là chấp nhận bị xáo trộn để thay đổi cho phù hợp với tính mới mẻ mà Ngài đem lại!
Mời Bạn: Đức Giê-su và giáo huấn của Ngài có đang bị đề kháng bởi chính chúng ta là những người mang danh môn đệ Ngài? Bài học “rượu mới bầu da mới” hình như vẫn còn đầy thách đố cho Giáo hội hôm nay. Mỗi khi chúng ta không dung nạp tinh thần của Đức Giê-su, không suy nghĩ, phản ứng theo Tin Mừng, thì hoặc là chúng ta có vấn đề, hoặc là Đức Giê-su và Tin Mừng của Ngài có vấn đề. Chúng ta phải sửa cho phù hợp với Đức Giê-su, hay là Đức Giê-su phải sửa cho phù hợp với chúng ta?
Sống Lời Chúa: Ta tập tự vấn trong mỗi ý nghĩ và hành động của mình: Tôi đang theo ai đây? Theo một ai đó, theo chính mình, hay theo Chúa Giê-su?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết chọn Chúa và theo Chúa một cách đích thực hơn. Amen.


Suy niệm 3

Ăn chay là một trong ba việc tốt (ăn chay, cầu nguyện và bố thí) mà một người Do thái đạo đức thường làm. Các nhóm tôn giáo trong thời Chúa Giêsu cũng thường ăn chay để tỏ lòng thánh thiện.
Các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người biệt phái cũng làm như thế. Nhưng họ lại thắc mắc: Tại sao môn đệ của ông Giêsu nổi tiếng thế này lại không ăn chay như chúng tôi hay như người biệt phái?
Chúa Giêsu trả lời cho họ rằng: ăn chay cũng là việc tốt nhưng phải làm đúng thời điểm, nhất là đúng mục đích. Thời vui mừng (tiệc cưới) thì không nên ăn chay. Hơn nữa ăn chay mà để phô trương công đức thì lại càng không nên. Hình ảnh bầu da cũ và mới cùng với rượu cũ và mới muốn nói đến thái độ thích hợp cho mọi việc, ngay cả những việc đạo đức.
Thái độ thích hợp với thời đại của Chúa Giêsu là đón nhận Tin mừng và việc ăn chay không phải để phô trương công đức mà là để biến đổi mình theo Tin mừng của Chúa.
Điều đáng cho chúng ta suy nghĩ là thái độ của các môn đệ của Gioan. Họ ăn chay và cho rằng đó là họ đạo đức. Họ cũng muốn người khác giống như họ. Nếu không giống như họ thì không phải đạo đức.
Nhiều khi đó cũng là thái độ của chúng ta. Chúng ta tự cho mình là đạo đức và đòi hỏi người khác cũng giống như mình. Thậm chí, chúng ta còn dùng chính việc đạo đức của mình để làm tiêu chuẩn xét đoán người khác. Ai không sống theo kiểu của chúng ta thì không đạo đức.
Xin Chúa giúp chúng con biết khiêm tốn để biết lắng nghe tiếng Chúa.
Xin giúp chúng con biết cố gắng làm những việc đạo đức để biến đổi mình mỗi ngày một tốt hơn chứ không phải làm để phô trương, càng không phải làm để phê phán người khác. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con thât hạnh phúc vì được đón rước Chúa ngự đến viếng thăm. Chúa là Chúa cả trời đất. Chúa là Đấng tạo thành. Chúa là Chúa, là vua của chúng con. Thế mà Chúa đã phá bỏ mọi ngăn cách để đến với chúng con trong khiêm tốn âm thầm. Với tấm bánh đơn sơ Chúa hòa nhập vào cuộc đời chúng con. Chúa trở nên người bạn luôn ở bên chúng con. Chúa luôn hoà nhập vào cuộc đời chúng con để chia sẻ những thăng trầm của kiếp người chúng con. Chúng con thật hạnh phúc. Chúng con tràn ngập niềm vui khi được sống bên Chúa và trong sự chở che đầy yêu thương của Chúa.
Lạy Chúa, lời Chúa là lời chân lý. Chúa có lời ban sự sống đời đời. Xin cho chúng con biết mau mắn tuân theo Lời Chúa. Xin giúp chúng con đừng vì những đam mê mù quáng để rồi ngoảnh mặt làm ngơ trước tiếng nói của Chúa. Xin ban ơn để chúng con thắng vượt những yếu đuối bản thân, biết làm chủ tư tưởng, ước muốn, lời nói, việc làm của mình theo đường lối huấn lệnh của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa hằng mong muốn chúng con được sống đời đời. Xin ban cho chúng con một lương tâm ngay thằng để chúng con biết sống đúng với phẩm giá làm người của mình. Xin cho chúng con mau mắn tuân theo lề luật tối thượng của Chúa để tâm hồn chúng con luôn hoan lạc tràn trề trong tiệc cưới Chiên Thiên Chúa mà Chúa đã hứa ban cho những trung tín với Người. Amen.
 
Suy niệm 4

Người ta chất vấn Đức Giêsu về việc ăn chay, vì ăn chay là một trong những việc đạo đức căn bản (cùng với cầu nguyện và bố thí, được nêu trong bài Tin Mừng của Lễ Tro, Mt 6, 1-6.16-18), không chỉ trong Do Thái giáo nhưng trong mọi tôn giáo, trong đó có Kitô giáo của chúng ta. Dường như, đối với chúng ta, những Kitô hữu, trong thực tế ăn chay là một “chuyện nhỏ”, bởi vì chúng ta bị buộc ăn chay một năm có hai lần, thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh (Giáo Luật, điều 1252); dĩ nhiên, người ta có thể ăn chay vào những ngày khác, chẳng hạn theo truyền thống của Giáo Hội, vào thứ sáu hằng tuần và trong suốt Mùa Chay, nhưng Giáo Luật không bắt buộc.
Nhưng, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, việc ăn chay là một chuyện lớn, lớn đối với các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Pharisêu: họ ăn chay; và họ không chỉ giữ chay, nhưng còn quan tâm đến người khác có giữ chay không; họ quan tâm đến việc giữ chay của các môn đệ Đức Giêsu, và qua đó việc giữ chay của chính Đức Giêsu. Các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả, và theo Tin Mừng Mác-cô, có thêm các môn đệ của người Pharisiêu nữa, đến hỏi Đức Giêsu:
Tại sao chúng tôi và những người Pharisiêu ăn chay, còn môn đệ của ông lại không ăn chay?
Và đối với Đức Giêsu, ăn chay cũng không hề là một chuyện nhỏ, bởi vì, với một câu hỏi thật ngắn, Ngài trả lời thật dài, với ba dụ ngôn liên tiếp: dụ ngôn tiệc cưới, trực tiếp liên quan đến câu hỏi, và hai dụ ngôn nữa, được biết đến nhiều hơn, mở rộng vấn đề ăn chay: dụ ngôn “vải và áo” và dụ ngôn “rượu và bình rượu”. Hai dụ ngôn này mời gọi chúng ta hiểu ra rằng, với Đức Ki-tô, từ nay không chỉ tương quan của chúng ta với lương thực, được diễn tả qua việc ăn chay, nhưng tương quan của chúng ta với mọi sự, phải xuất phát từ Đức Ki-tô, đặt nền trên Đức Ki-tô và hướng về Đức Ki-tô.

1. Mục đích của chay tịnh
Trong thực tế, việc ăn chay có thể có nhiều định hướng: hướng về bản thân, hay hướng về người khác, hoặc cả hai. Chẳng hạn, ăn chay là một cách khổ chế, một đàng vì sự “no đầy” thể xác dễ bị chi phối bởi những năng động lệch lạc, đàng khác, có những thứ lương thực có năng lực kích thích những tư tưởng, cảm xúc và hành vi xấu, nếu sử dụng không điều độ.
Trong Do Thái giáo, người ta ăn chay để ăn năn và xin ơn tha thứ, hay để xin một ơn đặc biệt nào đó (2 Sm 13, 16.22; Ge 2, 12-17). Người ta ăn chay còn để chuẩn bị thi hành một sứ mạng (Tl 20, 26; Cv 14, 23). Ngoài ra, trong sách ngôn sứ Isaia (Is 58, 1-9a), Đức Chúa mời gọi dân của Ngài phải sống hài hòa giữa việc ăn chay và cách sống của họ với tha nhân và nhất là với những người nghèo đói, những người đau khổ.
Ngày nay, người ta ăn chay còn để tiết kiệm tiền, dành cho việc bác ái. Ngoài ra, người ta ăn chay còn để chữa bệnh, gìn giữ sức khỏe hay bảo vệ môi trường!

2. Ăn chay là để tưởng nhớ Một Người
Như thế, việc ăn chay hoặc có định hướng qui về mình hay qui về người khác, hoặc là một việc đạo đức chỉ có dáng vẻ bề ngoài, như quan niệm của những người đến chất vấn Đức Giê-su: “Tại sao chúng tôi và những người Pharisiêu ăn chay, còn môn đệ của ông lại không ăn chay?”; và như chính Đức Giê-su đã cảnh báo: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 16).
Trong khi đó, ăn chay tiên vàn có mục đích hướng về chính Thiên Chúa, hoặc để chuẩn bị mình để gặp gỡ Thiên Chúa (Xh 34, 28; Đn 9, 3), hoặc để diễn tả tương quan thuộc về Thiên Chúa (Lv 16, 29-31). Chính vì thế, Đức Giê-su không hủy bỏ việc ăn chay, nhưng Ngài “hoàn tất” ý nghĩa việc ăn chay, bằng cách hướng việc ăn chay đến chính ngôi vị của Ngài, bởi vì Ngài là hiện thân của chính Thiên Chúa. Như thế, Đức Giê-su đã mang lại cho việc ăn chay một ý nghĩa hoàn toàn mới.
Ăn chay, đối với Đức Giêsu, không phải là một việc bổn phận đạo đức, có tính ép buộc và thường hay qui về mình (hãm mình, đền tội, xin ơn…), nhưng là một hành vi hướng về “Một Người”, tưởng niệm “Một Người”, Người đó là “Chàng Rể bị đem đi”, là Đức Kitô chịu thương khó. Chúng ta ăn chay là để tưởng nhớ Đức Kitô chịu đóng đinh vì lòng mến và hướng tới lòng mến Đức Ki-tô. Có thể nói, vì “Thương Một Người”[1] mà chúng ta ăn chay.
Nếu Đức Chúa, trong sách ngôn sứ Isaia, mời gọi dân hướng việc ăn chay đến tình thương đối với những người nghèo khó và đau khổ, thì Đức Giê-su, trong bài Tin Mừng, hướng việc ăn chay đến tình thương đối với chính Ngài. Không phải Ngài bỏ quên họ, nhưng chính khi chúng ta yêu mến Ngài, chúng ta sẽ yêu mến những người nghèo khó và đau khổ, bởi vì Ngài đồng hóa mình với họ (Mt 25, 40). Như thế, vì lòng mến Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi không chỉ ăn chay theo luật định, nhưng còn có thể ăn chay bất cứ lúc nào, nhất là trong Mùa Chay, hay trong tuần tĩnh tâm. Tuy nhiên, Ngài đã Phục Sinh và hiện diện giữa chúng ta mọi ngày. Vì thế, chúng ta cũng ăn uống bình thường và đôi khi ăn tiệc nữa!
Và với hai dụ ngôn, dụ ngôn “vải và áo” và dụ ngôn “rượu và bình rượu”, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hướng việc ăn uống, và ngang qua việc ăn uống là “mọi sự khác”, trong đó có chính sự sống của chúng ta, cuộc đời của chúng ta, tới ngôi vị của Ngài, tới tình yêu Ngài dành cho chúng ta và chúng ta dành cho Ngài. Bởi vì, lương thực còn là biểu tượng của sự sống. Vì thế, chúng ta có thể hiểu, đời sống dâng hiến của chúng ta là một việc “Ăn Chay” lớn nhất, ngang qua nỗ lực sống ba lời khấn, khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và chúng ta ăn chay kiểu “lạ đời” này, vì lòng mến Đức Kitô và để sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài và cho Nước của Thiên Chúa.

3. “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh”
Như thế, việc ăn chay của chúng ta chỉ trở nên đích thật trong mức độ, đó là cách chúng ta diễn tả tương quan tình yêu của chúng ta đối với chính Chúa. Nhưng nếu Chúa hiện diện ngay trong “bánh” chúng ta dùng hằng ngày, thì việc ăn chay của chúng ta sẽ ra sao?
Thật là lệch lạc, khi coi lương thực như “dịp tội” phải kiêng bớt, thậm chí xa tránh. Bởi lẽ, lương thực là ơn huệ Thiên Chúa ban (x. St 1-2; Đnl 8, 3): Chúa hiện diện nơi ơn huệ của Người, và khi hưởng dùng ơn huệ (nghĩa là nhìn, nghe, cảm, nếm và đụng), cụ thể là ơn huệ lương thực hằng ngày, chúng ta được mời gọi nhận ra và đi vào tương quan biết ơn với Đấng ban ơn huệ:
Người ban lương thực (tiếng Do-thái: bánh) cho tất cả chúng sinh.
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (Tv 136, 25)
Và bánh ăn hằng ngày, vốn là ơn huệ của Thiên Chúa loan báo cho chúng ta Bánh Trường Sinh, Bánh ban sự sống đời đời là chính Đức Ki-tô, và Người là Ơn Huệ của mọi ơn huệ (Ga 4, 10 và Ga 6). Chính vì thế, Giáo Hội cho chúng ta đọc kinh Lạy Cha, trong đó có lời cầu: “xin cho chúng con lương thực hàng ngày”, trước khi đón nhận Mình Máu Thánh Đức Ki-tô
Vậy, ăn chay đích thật không chỉ là không ăn hay ăn ít đi một số lần hay một số ngày vì lòng mến Chúa; nhưng còn là mọi ngày, chúng ta được mời đón nhận lương thực như ơn huệ Thiên Chúa ban và chúng ta để cho ơn huệ lương thực hằng ngày hướng chúng ta đến Ơn Huệ Lương Thực hằng sống là chính Đức Ki-tô.
*  *  *
Chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa, Cha của chúng ta mỗi ngày, và nhất là trước bữa ăn: “Lạy Cha, xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày”; và quả thực, ơn huệ lương thực đã có đó ngay trên bàn trước mắt chúng ta rồi. Vì thế, lời nguyện này về ngôn từ là lời cầu xin, nhưng về tâm tình, là lời tạ ơn và ca tụng. Và bởi vì lương thực hằng ngày là ơn ban, nên sự sống của chúng ta, ở mức độ căn bản nhất là đến từ Chúa và là của Chúa.
Và điều Chúa chờ đợi nơi chúng ta, là một lời nguyện phát xuất từ con tim biết ơn và dâng hiến: “Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả”, trong tâm tình ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa”, theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô Thánh Thể.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
————–
[1] “Thương Một Người”, tựa đề bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận