Thứ Tư Tuần 24 TN

Đăng lúc: Thứ tư - 17/09/2014 01:54 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ TƯ TUẦN 24 TN: Th. Rô-be-tô Be-la-mi-nô, giám mục, tiến sĩ HT

Bài đọc (1 Cr 12, 31 – 13, 13)
Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khoa học; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát hết gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi.
Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý. Bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.

Bác ái không khi nào qua đi, ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ, tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.

Tin Mừng (Lc 7, 31-35)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng:
‘Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. ‘Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc’.
Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: ‘Người bị quỷ ám’. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: ‘Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình”.


Thánh Robert Bellarmine, Giám mục Tiến sĩ (1542-1621)

Ngài thụ phong linh mục năm 1570, nghiên cứu lịch sử Giáo hội và các Giáo phụ ở trong tình trạng thờ ơ. Là một học giả có triển vọng từ hồi còn trẻ ở Tuscany, ngài chuyên tâm vào hai vấn đề, kể cả Kinh thánh, để hệ thống hóa giáo lý chống lại sự tấn công của các nhà cải cách Tin Lành. Ngài là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên trở thành giáo sư ở Louvain.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài là 3 cuốn “Bàn Luận Về Các Cuộc Tranh Cãi Đức Tin Kitô Giáo” (Disputations on the Controversies of the Christian faith). Ngài phát triển lý thuyết về quyền gián tiếp của giáo hoàng trong các việc tạm thời. Mặc dù ngài bảo vệ ĐGH khỏi triết gia Barclay người Scotland, ngài cũng chịu đựng cơn giận của ĐGH Sixtô V.
Ngài được ĐGH Clementô VIII tấn phong hồng y. Khi bận việc ở Tòa thánh, ngài vẫn giữ thói quen sống khổ hạnh. Ngài chi tiêu ít, chỉ ăn những đồ ăn dành cho người nghèo. Ngài là thần học gia của ĐGH Clementô VIII, soạn bộ giáo lý ảnh hưởng nhiều tới Giáo hội.
Cuộc tranh luận lớn về cuộc đời ngài xảy ra năm 1616 khi ngài phải khiển trách bạn mình là Galilê, dù ngài khâm phục. Ngài khiển trách nhân danh Giáo hội về thuyết Nhật Tâm (heliocentric theory, lấy mặt trời làm tâm điểm) của Copernicus là ngược với Kinh Thánh. Đó là một ví dụ cho thấy các thánh không phải là không sai lầm.
Ngài qua đời ngày 17-9-1621. Tiến trình phong thánh cho ngài bắt đầu từ năm 1627, nhưng trì hoãn vì lý do chính trị, xuất phát từ những gì ngài viết, cho tới năm 1930. Năm 1931, ĐGH Piô XI tôn phong ngài là Tiến sĩ Giáo hội.


Suy niệm 1: HÃY TÔN TRỌNG SỰ THẬT

Gioan Tiền Hô là một người cao trọng hơn hết mọi người nam. Đây chính là lời khen ngợi của Đức Giêsu dành cho ông. Tuy nhiên không phải ai cũng là người nghe ông, cụ thể là các Biệt Phái và Luật sĩ đã khước từ lời của Gioan.
Trước tình trạng đó, Đức Giêsu đã nhận định về lập trường và thái độ của các Biệt Phái và Luật Sĩ như sau: họ giống như lũ trẻ ngồi ở ngoài phố chợ, gọi nhau mà bảo:
“Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa”.
“Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc”.
Hình ảnh của lũ trẻ và lời nói của Đức Giêsu, hẳn cho chúng ta thấy Ngài lên tiếng khiển trách nặng nề về sự mập mờ, gian dối và hay đổi trắng thay đen, nói một đàng làm một nẻo của các Biệt Phái và Luật Sĩ. Họ giống như lũ trẻ nơi phố chợ. Vì thế, những lời họ nói chẳng đáng tin tưởng vì không có giá trị.
Hình ảnh của các Biệt Phái và Luật Sĩ hẳn cũng còn đầy dẫy trong xã hội của chúng ta hiện nay. Khi thì chỗ này, lúc chỗ kia, vẫn còn đó những con người luôn tìm mọi cách bóp méo sự thật, bẻ cong ngòi bút để chụp mũ người lương thiện, công chính. Họ thuộc hạng nói dối chuyên nghề, nên đâu còn chỗ cho Lương Tâm lên tiếng!!! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn thấy xuất hiện những hạng người “nổ” rất lớn với những lời lẽ “đao to búa lớn”; “rất kêu”, nhưng thực ra những lời đó chẳng khác gì lời nói của con nít, không đáng để chúng ta tin tưởng, bởi lẽ họ “nói mà không làm”; hay “nói một đàng, làm một nẻo”.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống và làm chứng trong sự thật, có thế, chúng ta mới được người khác tôn trọng, bằng không, chúng ta chỉ như bọn trẻ nơi phố chợ mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng rơi vào tình trạng của các Biệt Phái và Luật Sĩ khi xưa là cố chấp, bảo thủ, lập lờ và gian dối. Xin cho chúng con biết sử dụng trí tuệ Chúa ban để phục vụ cho công lý và sự thật. Amen.


Suy niệm 2: KHI ĐỨC TIN THIẾU NỀN TẢNG

“Tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ…” (Lc 7,31-32)
Suy niệm: Chúa Giê-su trách người Do Thái đương thời cố chấp, ngoan cố, tìm mọi lý lẽ để không chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Dù thông hiểu Kinh Thánh và chứng kiến những điều kỳ diệu Chúa Giê-su đã thực hiện như lời Kinh Thánh ấy tiên báo, nhưng họ vẫn khước từ tin nhận Ngài. Họ mang “lăng kính” của mình để hiểu Kinh Thánh, không muốn kết nối với những gì đang xảy ra trong thực tế. Không lạ gì Chúa Giê-su đã ví họ giống như đứa trẻ hư, luôn đòi hỏi những đứa trẻ khác phải theo ý mình một cách vô lý. Gio-an Tẩy Giả sống khắc khổ, họ cho rằng bị quỷ ám! Dấn thân với vui buồn sướng khổ của con người như Chúa Giê-su bị họ mỉa mai là phóng túng! Luôn dựa vào ý muốn riêng của mình hơn là dựa vào thực tế khách quan khiến họ không đến được với Chúa Kitô để nhận ơn cứu độ.
Mời Bạn: “Nhìn người thì ngẫm đến ta”! Đời sống đức tin của bạn sẽ thiếu nền tảng khi bạn sống theo sở thích riêng hơn là dựa trên Lời Chúa dạy, sống đạo với hình thức bề ngoài hơn là nỗ lực có tương quan biệt vị với Chúa. Có thể đức tin ấy thiếu nền tảng qua những cung cách lệch lạc như dự lễ hay giữ luật vì sợ tội, trong tương quan với người khác thì gian dối, lừa lọc, thiếu bác ái…
Sống Lời Chúa: Tôi kết nối giữa lời nói và hành động, giữa điều tuyên xưng và thực hành trong cuộc sống, để đức tin được lớn lên qua từng ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết dẹp bỏ ý riêng của mình, để con biết hoà điệu cùng với toàn thể Giáo Hội bằng chính đời sống tràn đầy yêu thương của chúng con. Amen.
 
SUY NIỆM 3: Thái Ðộ Thiếu Nhất Quán

Ngày nay, nhân danh dân chủ, tự do ngôn luận, nhiều người muốn có một Giáo Hội của mình, một Giáo Hội được định đoạt theo những suy nghĩ của mình, chứ không là giáo lý do Chúa mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội nữa. Muốn là Kitô hữu, nhưng lại không muốn chấp nhận giáo huấn của Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội, đó là một thái độ thiếu nhất quán. Chúng ta có thể thấy được một thái độ như thế trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu mượn hình ảnh nhóm trẻ chơi ngoài phố chợ để nói lên thái độ ấy. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời Chúa Giêsu cũng có phản ứng đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài phố chợ này. Họ mong chờ Ðấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả loan báo về Ngài, nhưng họ không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỉ ám; Chúa Giêsu khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại bảo rằng Ngài là tên ăn nhậu, hòa nhập với phường thu thuế và tội lỗi.
Mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời cứu thế; trông đợi Ðấng Cứu Tinh, nhưng phải là Vị Cứu Tinh do mình tạo ra, đó là thái độ của những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các Kitô hữu thời đại chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta". Chúng ta mang danh hiệu Kitô, chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, nhưng có lẽ chúng ta chưa từ bỏ chính mình để chấp nhận và sống theo giáo huấn của Ngài.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy sự khôn ngoan của con cái Chúa, đó là sự khôn ngoan của trẻ thơ luôn biết sống khiêm tốn và tin tưởng. Xin Ngài củng cố chúng ta trong tâm tình ấy, để chúng ta luôn được trung thành với giáo huấn mà Ngài đã ủy thác cho Giáo Hội.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 4: Bất tín kinh niên

“Vậy tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói:
Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không khóc than.” (Lc. 7, 31-32)
Dù là ai, dù làm thế nào cũng luôn luôn có những kẻ chối bỏ mọi thứ, chối bỏ tất cả. Đó là trường hợp một số những kẻ đồng hương của Đức Kitô, họ mang bệnh kinh niên không tin gì hết, chối bỏ mọi chứng cớ hiển nhiên tới cùng. Đức Kitô gọi họ là “Dòng giống này”, một từ ngữ mang tính chất phán xét. Họ vẫn có ảo tưởng về một dân tộc được tuyển chọn, nhưng trong bốn mươi năm vượt sa mạc dầu được hưởng bao nhiêu phép lạ họ chứng kiến rõ ràng, họ vẫn không muốn theo Chúa.
Đức Giêsu so sánh họ với lũ trẻ ranh con quậy phá cứng đầu ngoài chợ. Chúng chơi dỡn để làm cho nhiều người múa nhảy, mà không ai theo, chúng hát bài đưa ma để làm cho người ta khóc, mà không ai thèm khóc. Chắc hẳn Đức Kitô muốn nói quá về những quậy phá của hạng người tai to mặt lớn quá ngu muội trong dụ ngôn nực cười này.
Khi kém lòng tin, không gì có thể mở tai mở mắt cho họ được. Ngôn sứ Gio-an Tẩy Giả đến và sống khắc khổ đến nỗi không ăn bánh, không uống rượu, họ xử với ông như kẻ bị quỷ ám. Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế đến ăn uống như mọi người, không phải để hùa theo kẻ mê ăn uống, nhưng họ coi Người là tay ăn nhậu và họ xỉ nhục tố cáo Người là bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. “Bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” đó là điều Đức Kitô muốn và đó là lý do Người đến trần gian: để cứu chữa những người tội lỗi và tật xấu. Người không ngừng nhắc đi nhắc lại điều đó, nhất là bằng việc làm. Điều đó làm cho kẻ chống đối và bất tín kinh niên giận dữ cho đến tận thế, những ai muốn theo Đức Kitô trên con đường này, đều vấp phải tâm thức trẻ con cố chấp này. Họ không bao giờ có lòng thương xót tha thứ. Giáo Hội biết rõ thế và đã quyết chí trở về với con đường của Đức Giêsu.
GF

SUY NIỆM 5

1. Hình ảnh đám trẻ
Để nói về thế hệ đương thời đón nhận như thế nào những dấu chỉ Thiên Chúa thực hiện nơi ông Gioan Tẩy Giả và một cách trọn vẹn và duy nhất nơi chính mình, Đức Giê-su so sánh họ với đám trẻ con chơi trò chơi đám cưới hay đám tang: một số thổi sáo, nhưng những đứa khác không nhảy múa; hoặc một số hát bài đưa đám, nhưng những đứa khác không khóc than.
Hình ảnh đám trẻ chơi trò chơi diễn tả một kinh nghiệm rất thường xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta :
- Tôi đưa tay ra, nhưng người kia không bắt ; hay tôi kể chuyện cười mà không ai chịu cười.
- Tôi cố giải thích một vấn đề, nhưng anh em hay chị em không hiểu ; và nếu có hiểu thì cũng hiểu sai. Hay sau một hồi cố gắng giải thích, anh em hay chị em lại đặt câu hỏi lạc đề !
- Tôi bày tỏ những cử chỉ thiện cảm, nhưng anh em hay chị em không nhận ra, hay nghiêm trọng hơn, giải thích sai thậm chí ngược lại.
- Tôi sống bình thường, thậm chí rất tích cực về mọi mặt (học tập, cộng đoàn, thiêng liêng, tông đồ…), vậy mà anh em hay chị em nhìn mình như thế, suy nghĩ về mình như thế, hiểu mình như thế. Và điều này làm cho chúng ta đau đớn tận đáy lòng.
2. Đức Giê-su và thế hệ của Người
Đó chính là vấn đề của cả một thế hệ đối với những sáng kiến, những thiện chí, những dấu chỉ mà Thiên Chúa quảng đại ban cho loài người chúng ta. Thế hệ của Đức Giê-su là như thế và chắc chắn thế hệ của chúng ta cũng vậy :
- Gioan đến không ăn không uống, thì người ta cho là đồ bị quỉ ám.
- Còn Đức Giê-su, có ăn có uống, lâu lâu đi ăn tiệc, hay ăn cơm khách, thì bị cho là tay ăn nhậu, bạn bè dây dưa với quân thu thuế và phường tội lỗi.
Vậy thì phải có những điều kiện gì để anh em, chị em nhận ra nhau ? Phải như thế nào để thế hệ của Đức Giêsu và thế hệ của chúng ta nhận ra Thiên Chúa nơi các dấu chỉ, và nhất là nơi “Dấu Chỉ Giêsu” ?
3. Con cái của Đức Khôn Ngoan
Đức Giêsu nói : “Đức khôn ngoan được nhận ra bởi con cái của mình” (Lc 7, 35). Để nhận ra Đức Khôn Ngoan, vốn là chính Đức Kitô, chúng ta phải là con cái của Đức Khôn Ngoan, phải thuộc về Đức Khôn Ngoan, phải hướng về Đức Khôn Ngoan, phải trăn trở và đi tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, phải có thiện cảm và ước ao Đức Khôn Ngoan.
Trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói : “Đức khôn ngoan được nhận ra ngang qua những hoa trái của mình” (Mt 11, 16-19). Và để nghiệm được sự thơm ngon của hoa trái, chúng ta không có cách nào khác, là liều mình nếm thử. Cầu nguyện với Lời Chúa (chẳng hạn theo phương pháp Linh Thao), chính là để “cảm và nếm” những gì thuộc về Đức Giê-su, nhất là Lời và Ngôi vị của Ngài.
*  *  *
Trong cầu nguyện chúng ta hãy xác tín rằng, chúng ta chắc chắn sẽ nghe được Lời Chúa, là sự Khôn Ngoan thần linh, bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa ; và Đức Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, chính là hình ảnh Thiên Chúa vô hình.
Và giữa chúng ta, để nhận ra nhau, điều kiện cũng y như thế. Bởi vì, tất cả chúng ta là con một Cha trên trời và vì thế là anh chị em của nhau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận