Đức Mẹ sầu bi

Đăng lúc: Thứ hai - 15/09/2014 03:00 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ HAI TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN – Đức Mẹ sầu bi. Lễ nhớ.
"Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà".
 
Đức Maria đã hiệp thông sâu xa với cuộc thương khó của Chúa Con. Vì thế, Mẹ cũng được liên kết một cách độc nhất vô nhị với cuộc phục sinh của Người. Chính vì thế, sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta mừng lễ Đức Maria cùng chia sẻ cuộc thương khó của Đức Giêsu. Lễ này nhắc cho chúng ta nhớ rằng: dưới chân thánh giá, tình mẫu tử của Đức Maria đã trải rộng ra khắp Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Kitô, tức là Hội Thánh.
Giáo Hội suy tôn Ðức Maria là Nữ Vương các thánh tử đạo và đã cụ thể hóa những đau khổ của Mẹ qua các sự kiện sau:
- Lúc nghe lời tiên tri Simêon, khi dâng Chúa Giêsu trong đền thánh.
- Lúc ẵm bế Chúa Hài Ðồng trốn sang Ai Cập.
- Lúc lạc mất Chúa tại Giêrusalem.
- Lúc gặp Chúa vác thánh giá.
- Lúc Chúa chịu đóng đinh.
- Lúc hạ xác Chúa xuống khỏi thập giá.
- Lúc táng xác Chúa.
 
Bài đọc (Dt 5, 7-9)
Anh em thân mến, khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.


Tin Mừng (Ga 19, 25-27)
Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clopas, và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình.

Hoặc đọc (Lc 2, 33-35)
Khi ấy, cha và mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria Mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.




Đức Mẹ Sầu Bi (Đức Mẹ Bảy Sự)

Kinh thánh nói đến những nỗi sầu khổ của Đức Mẹ trong Lc 2:35 và Ga 19:26-27. Đoạn Kinh Thánh theo Thánh Luca là lời tiên tri của ông Simeon về một lưỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ Maria, còn đoạn Kinh Thánh theo Thánh Gioan liên quan lời Chúa Giêsu nói với Đức Mẹ và với “người môn đệ được Chúa yêu”.
Nhiều tác giả của Giáo hội thời sơ khai hiểu lưỡi gươm là những nỗi sầu khổ của Đức Mẹ, nhất là khi Đức Mẹ chứng kiến Chúa Giêsu chết trên Thập Giá. Như vậy, cả 2 đoạn Kinh Thánh đều chuyển tải lời tiên báo và sự hoàn tất.
Thánh Ambrôsiô coi Đức Mẹ là nỗi sầu khổ nhưng là người mạnh mẽ khi đứng bên Thánh Giá. Đức Mẹ đứng bên Thánh Giá mà không hề sợ sệt, trong khi những người khác chạy trốn. Đức Mẹ nhìn những vết thương của Con với lòng yêu thương, nhưng Đức Mẹ thấy trong các vết thương đó có Ơn Cứu Độ dành cho thế giới. Khi Chúa Giêsu bị treo trên Thánh Giá, Đức Mẹ không sợ bị sát hại mà dám hiến mình cho những kẻ hành hạ mình. Đức Mẹ là một phụ nữ quá đỗi quả cảm!


Suy niệm 1: ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI DÂN NGOẠI

Trong các trung tâm hành hương, chúng ta vẫn thấy đây đó các bảng ghi ơn của những người ngoài Công Giáo như sau: “Con là kẻ ngoại đạo, con xin tạ ơn Chúa … ”; “Tạ ơn Chúa… đã cứu giúp con, mặc dù con là người lương dân”. Điều này được thấy rất rõ ở trung tâm hành hương cha F.x. Trương Bửu Diệp tại Giáo phận Cần Thơ hay đền cha thánh Phêrô Lê Tùy thuộc Giáo phận Hà Nội.
Thật vậy, vẫn còn đó những người lương dân, đôi khi lại có niềm tin mạnh hơn cả những người Công Giáo. Đây là điều chúng ta nên hồi tâm và suy nghĩ lại về đời sống đức tin của mình với Thiên Chúa.
Hôm nay, Đức Giêsu cũng khen ngợi đức tin của một viên sĩ quan ngoại giáo ở Rôma.
Khi nghe tin quyền năng và tốt lành của Đức Giêsu, ông đã truyền lệnh cho mấy trưởng tế đến để cầu cứu Đức Giêsu chữa lành cho người đầy tớ của mình đang đau nặng. Khi được tin, Đức Giêsu đã đích thân đến để cứu giúp ông. Tuy nhiên, ông không muốn vì lý do nhận thấy mình không xứng đáng để được Đức Giêsu vào nhà. Ông chỉ dám xin Đức Giêsu phán một lời thôi thì đầy tớ ông sẽ được bình phục. Thấy được đức tin của ông mạnh và sự khiêm nhường thẳm sâu của ông, Đức Giêsu đã ra tay cứu giúp cho người đầy tớ thân tín của ông.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có lòng thương xót như Đức Giêsu. Sẵn sàng giúp đỡ những người đang cần đến chúng ta, mặc cho họ là ai, cùng niềm tin với chúng ta hay không…! Mặt khác, sự xuất hiện và hành động của viên sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nhắc ta bài học về tình yêu không biên giới, đã thương xót thì không phân biệt chủ – tôi, giai cấp… Đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa trong sự khiêm nhường, tín thác.
Sự khiêm nhường, tin tưởng tuyệt đối của viên sĩ quan khi xưa, nay đã trở thành mẫu mực cho mọi người chúng ta, đến nỗi trong phụng vụ thánh lễ đã lấy lại lời này như một tâm tình của con cái Giáo Hội khi chuẩn bị đón nhận Mình Thánh Chúa vào trong tâm hồn của mình:“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Mong sao lời tuyên tín này mang lại cho chúng ta sự khiêm tốn, tin tưởng, bình an, hạnh phúc đích thực chứ không chỉ là một công thức phải đọc như một thói quen mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin, sự khiêm tốn và lòng bao dung cho chúng con. Amen.


Suy niệm 2: MẸ ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC

“Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tận tâm hồn bà.” (Lc 2,35a)
Suy niệm: Liền ngay sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá, phụng vụ Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi như biểu hiện sự liên kết, gắn bó và hiệp thông của Mẹ Ma-ri-a trong sứ mạng cứu chuộc của Đức Giê-su, con Mẹ. Thông thường, khi nhận một công việc hay sứ mạng nào, người ta thường nghĩ đến chuyện hơn-thiệt, lợi-hại… Thế nhưng, với Đức Ma-ri-a thì khác. Hai tiếng “Xin Vâng” trong ngày Truyền Tin đã dẫn dắt Mẹ tới đỉnh cao của sự tận hiến cho Thiên Chúa. Nhờ đó, Mẹ được thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su, kết hợp những đau khổ của cuộc đời Mẹ với cuộc Khổ Nạn của con mình, và cuối cùng, được chung hưởng vinh quang phục sinh với Người. Học nơi Mẹ sự vui tươi, nhẫn nại, kiên trì trong đau khổ, chúng ta sẽ có được thái độ tích cực hơn khi đứng trước những đau khổ mà Chúa gởi đến trong cuộc đời mình.
Mời Bạn: Nhìn lại cuộc đời Đức Mẹ qua các trang sách Tin Mừng, bạn được mời gọi hiệp thông với Mẹ trong những đau khổ nơi bản thân để thánh hóa chính mình, và cùng kết hợp với cuộc Khổ Nạn của Chúa Ki-tô nhằm mưu ích cho phần rỗi của mình và người khác.
Sống Lời Chúa: Đau khổ là điều không ai muốn, nhưng lại không thể tránh trong cuộc đời. Vấn đề còn lại của
chúng ta là có thái độ nào trước đau khổ. Đức Mẹ đã đón nhận đau khổ trong sự kiên trì, nhẫn nại; nhờ đó Mẹ đã được Chúa thưởng công vinh thắng. Noi gương Mẹ, chúng ta cũng biết đón nhận lấy những đau khổ đời ta như một cơ hội để thanh luyện bản thân, và thông phần đau khổ với cây thập giá của Chúa Cứu Thế.
Cầu nguyện:Hát bài Xin Vâng.


Suy niệm 3

Sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại, chiếc màn đen tối của đau khổ và chết chóc che phủ khắp trần gian, con người tự tách mình ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Người đàn bà đầu tiên của nhân loại bị nguyền rủa một cách đáng thương. Vì thế Thiên Chúa đã chọn Đức Maria để cộng tác vào công trình cứu độ của Người. Với lời thưa “Xin vâng” của Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể vào trần gian, mở ra cho loài người một chân trời của niềm hy vọng và được giao hòa với Thiên Chúa. Như giọt sương sớm thanh khiết dịu hiền, Mẹ Maria chính là Eva Mới làm bừng nở đóa hoa sự sống nơi địa đàng. Mẹ là trời mới đất mới tinh tuyền đón Ngôi Lời nhập thể vào trần gian.
Mẹ Maria đã tham dự trọn vẹn vào sứ mạng cứu chuộc nhân loại của Đức Giêsu Kitô. Mẹ đã hiện diện và chia sẻ với Chúa trong mọi biến cố vui buồn của kiếp người. Vừa cất tiếng chào đời, Hài Nhi Giêsu đã phải chịu cảnh giá rét nơi đồng vắng, phải bôn ba chạy trốn sang đất khách quê người. Sống nơi làng quê nghèo Nagiarét, trong mái ấm gia đình có Mẹ Maria làm “nội tướng”, Chúa Giêsu lớn lên đầy khôn ngoan và nhân đức.
Ngay từ đầu sách Tin Mừng, thánh sử Luca thuật lại khung cảnh tiến dâng trẻ Giêsu trong đền thánh, gặp gỡ ông già Simêon và đã được tiên báo về vai trò của Mẹ và sứ mạng của Chúa Giêsu: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Israen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”.
Lời nói tiên tri không làm Mẹ hoang mang sợ hãi bởi cả cuộc đời của Mẹ đã gắn chặt Chúa Giêsu và Mẹ tin rằng không điều gì xảy ra nằm ngoài kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã từng nếm trải cảnh sống “không có chỗ tựa đầu”, chịu đói khát, bị người đời chống đối và sát hại.
Trong cuộc thương khó, khi Chúa Giêsu vác cây thập giá lên Núi Sọ, đám người theo sau cuồng loạn, hò la, chế giễu. Sự yên bình, tĩnh lặng thường ngày nhường chỗ cho những âm thanh hỗn độn, nhốn nháo. Chen lẫn trong đám đông đang bừng bừng phẫn nộ, Mẹ Maria lặng lẽ dõi theo bước chân của Người Con Yêu. Bỏ ngoài tai những lời nhiếc móc, mỉa mai và những cái nhìn ác cảm, tâm hồn Mẹ hoàn toàn hướng về Chúa.
Khi Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá, Mẹ đứng bên dưới lặng nhìn con yêu hiến tế chính mình cho Thiên Chúa. Đâu cả rồi, nhóm thân bằng quyến thuộc? Đâu cả rồi, đám dân ái mộ tôn sùng? Đứng dưới chân thập giá chỉ có mấy người phụ nữ là Mẹ Maria, bà Maria vợ ông Cơlôpát, bà Maria Mácđala và môn đệ Gioan. Họ đứng đó, im lặng thông phần khổ đau với Chúa Giêsu. Đây là giây phút trọng đại Con Thiên Chúa hiến thân vì nhân loại. Từ trên thập giá, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn những con người trung kiên ấy. Một nỗi thân thương tràn ngập tâm hồn và Người thốt lên: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Giờ thì mọi sự đã hoàn tất, tình yêu đã trao trọn, Người có thể yên lòng ra đi. Nơi kia, Cha Người đang dang tay chờ đón lễ vật cao quý nhất được dâng lên. Suốt cuộc đời Chúa Giêsu đã sống theo thánh ý Cha, thì giờ đây Người cũng chết để chu toàn thánh ý đó: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Mẹ Maria đứng đó, can đảm lặng nhìn xác Chúa Giêsu treo trên thập giá, lòng Mẹ những ước ước ao được hiến tế chính mạng sống mình cùng với Con Mẹ. Lời tiên tri của cụ già Simeon năm xưa lại thêm một lần ứng nghiệm: “Này đây một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”.
Trong Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria (số 20), thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói về vai trò quan trọng của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ như sau: “Toàn thể lịch sử cứu độ theo một nghĩa nào đó đã hướng tới lời chào của thiên sứ Gabriel “Vui lên đi, hỡi Đấng đầy ơn phúc!” Nếu như kế hoạch của Chúa Cha là qui tụ vạn vật trong Đức Kitô (Ep 1,10), thì toàn thể vũ trụ một cách nào đó đã được ân nghĩa của Thiên Chúa động chạm đến, ân nghĩa mà Chúa Cha đoái đến Đức Maria và làm cho Mẹ trở thành Thân Mẫu của Con Người. Ngược lại, toàn thể nhân loại được ôm ấp bởi lời thưa “Xin vâng”, nhờ đó Mẹ Maria sẵn sàng để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện”.
Với tất cả tấm lòng khiêm tốn và phó thác, Mẹ Maria đã đón nhận Chúa Giêsu không chỉ trong những lúc tràn trề niềm vui hạnh phúc nhưng cả những lúc đứng bên bờ vực thẳm của khổ đau. Mẹ không hề tỏ thái độ tuyệt vọng nhưng luôn kiên vững trong niềm tín thác vào tình thương Thiên Chúa. Mẹ đã để cho Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ nhân loại. Số phận cuộc đời Mẹ gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu, thăng trầm của đời Mẹ gắn liền với mọi biến cố vui buồn của Con Mẹ. Nhờ thánh giá Chúa mà những hy sinh của Mẹ trở nên ý nghĩa. Nhờ tiếng “Xin vâng” của Mẹ và lời “Vâng phục” của Chúa Giêsu được nên trọn. Chúa Giêsu gieo rắc hạt giống sự sống trên thửa đất tốt của lòng Mẹ. Nhờ những giọt máu thánh Chúa đổ ra hòa với nước mắt của Mẹ làm nảy sinh hạt giống sự sống khai sinh nhân loại mới.
Mang thân phận con người, chúng ta không tránh khỏi những lầm lỗi yếu đuối, phải đau khổ và phải chết. Noi gương Mẹ, ước gì chúng ta biết kết hợp những đau khổ trong đời sống hàng ngày với đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá để nên như phương tiện thánh hóa chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn. Mẹ Maria là Đấng đồng công cứu chuộc, Mẹ đã đồng hành với Chúa trong suốt cuộc đời, xin Mẹ dạy chúng ta biết can đảm bước theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa đã đi, biết mở rộng cánh cửa con tim để yêu thương, dám trao ban chính bản thân mình cho Chúa và anh chị em, để được tham dự vào công trình cứu độ của Người.


SUY NIỆM 4: Ðây sẽ là niềm an ủi của con

Một trong những hình ảnh thánh thiện nhất về đời sống Kitô có lẽ là hình ảnh của những người hấp hối trên tay cầm thánh giá.
Người ta kể về một người đạo đức nọ như sau: Trong một cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ còn một phương thế duy nhất có thể hy vọng cứu sống bà đó là tiến hành cuộc giải phẫu. Người đàn bà chấp nhận cuộc giải phẫu, bà yêu cầu cho con trai bà được chứng kiến giờ phút đau khổ của bà. Vào thời buổi mà thuốc tê mê chưa có, thì bệnh nhân thường phải trải qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn vô cùng, nhưng người đàn bà vẫn cứ cắn răng chịu đựng. Nhưng đến cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình kêu lên: "Lạy Chúa tôi". Chứng kiến cảnh đau đớn của người mẹ, người con trai không làm chủ được những cảm xúc, anh đã buột miệng thốt lên những lời phàn nàn phạm đến Chúa. Lúc bấy giờ người mẹ liền nghiêm nghị bảo con: "Con ơi, con hãy im đi, con làm mẹ đau đớn hơn các bác sĩ này nhiều. Con đã làm sỉ nhục Ðấng đã ban sức mạnh và an ủi mẹ". Nói xong, bà ta mở bàn tay ra, và giơ cho mọi người xem một tượng chuộc tội nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ. Và đó chính là thứ thuốc tê mê đã xoa dịu cơn đau đớn của bà.
Sau mấy tháng quằn quại trong đớn đau, người đàn bà đã yên nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà đã trao lại cho cậu con trai tượng ảnh chuộc tội và căn dặn: "Con hãy giữ lấy tượng chuộc tội này. Ðây sẽ là niềm an ủi của con".
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ Ðức Mẹ Ðau Khổ hay cũng thường được gọi là 7 sự thương khó của Ðức Mẹ.
Suốt cuộc đời trần thế, Mẹ Maria quả thực là một người đàn bà đau khổ. Nhưng cũng giống như người đàn bà can đảm trong câu chuyện trên đây, Mẹ luôn có Chúa bên cạnh. Còn nỗi đớn đau nào bằng khi ôm lấy xác Chúa được tháo gỡ từ thập giá? Nhưng đó cũng là bí quyết của Mẹ. Mẹ luôn có Chúa trong lòng, từ lúc cất giữ mọi sự trong lòng để suy niệm cho đến lúc ôm lấy xác Chúa: từng phút giây của cuộc sống, Mẹ đau khổ nhưng luôn có Chúa trong lòng. Sự hiện diện của Chúa trong lòng đã giúp Mẹ đi hết cuộc hành trình Ðức Tin.
Là mẫu mực trong cuộc hành trình Ðức Tin, Mẹ cũng muốn trao gởi Ðấng Cứu Thế cho mỗi người chúng ta. Mang lấy Ðức Kitô chịu đóng đinh trong mình, chúng ta sẽ cảm thấy được sự nâng đỡ trong muôn nghìn thử thách đớn đau trong cuộc sống.
Mẹ Maria đã đảm bảo cho chúng ta điều đó. Chúng ta hãy kết hiệp với thập giá của Ðức Kitô. Trong mọi đau khổ, chúng ta hãy ngước nhìn lên thập giá của Ngài. Chúng ta hãy thốt lên như thánh Phaolô: "Tooi chỉ biết có mỗi Ðức Kitô chịu đóng đinh".
(Trích trong ‘Lẽ Sống’)
 
SUY NIỆM 5: Ðức Mẹ Sầu Bi
Liền sau lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa được mừng hàng năm vào ngày (14/09) là lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi (15/09), chúng ta không thể nào tách rời Mẹ Maria ra khỏi thập giá Chúa. Danh gọi lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi có thể làm chúng ta dễ hiểu lầm chỉ nghĩ đến khía cạnh sầu bị, đau buồn mà quên đi khía cạnh tích cực được tham dự vào sự đau khổ có sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa. Mẹ Maria âm thầm dâng hiến chính mình cùng với hy tế của Con, được lãnh nhận đặc ân là tham dự vào cuộc cứu rỗi trở nên người Mẹ của toàn thể nhân loại.
Ðoạn Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến khía cạnh Mẹ Maria đứng bên thập giá Chúa và lãnh nhận lời Chúa trăn trối làm Mẹ của Gioan, làm Mẹ của toàn thể nhân loại. Ðoạn Phúc Âm không nhắc tới nỗi sầu bi của Mẹ khi đứng dưới chân thập giá Chúa. Trong số các sách Phúc Âm thì chỉ có Phúc Âm theo thánh Luca có nhắc tới lời loan báo trước của cụ già Simêon, nói về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Mẹ (Lc 2,35). Chắc lúc đứng dưới chân thập giá Chúa hơn mọi lúc khác Mẹ Maria đã đau khổ, niềm đau của một người mẹ nhìn thấy con mình đang hấp hối sau khi đã phải chịu những tra tấn, khổ hình và sỉ nhục. Thái độ của Mẹ đáng chúng ta bắt chước. Mẹ đã không tự ý đi tìm vinh quang được ngồi bên hữu bên tả Chúa như một người nọ đã đón đường Chúa lên Giêrusalem để xin đặc ân này cho hai người con của mình. Mẹ Maria không tránh né đau khổ nhưng sẵn sàng đứng bên cạnh con cùng dâng hiến với con trong âm thầm và như vậy được thông phần vào ơn cứu rỗi. Mẹ đã âm thầm nhưng rất mực trung thành hành trình bên cạnh Con Mẹ luôn luôn trong mọi lúc, lúc Con Mẹ mới bắt đầu công việc rao giảng, trong khi rao giảng Tin Mừng và giờ đây kết thúc quan trọng trên thập giá, trên đồi Golgotha.
Lạy Mẹ Maria,
Xin Mẹ hãy đồng hành bên cạnh con như Mẹ hiện diện bên cạnh Con Mẹ. Chúng con cần đến Mẹ nhất là khi gặp những gian nan thử thách. Xin Mẹ giúp chúng con trung thành với ơn gọi và với Chúa Giêsu Con Mẹ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 6: Đức Mẹ đau khổ
Mẹ đứng kề Thánh Giá ! Mẹ đứng đó với Gioan và với cả hai tên trộm cướp ! Mẹ đứng đó, trên đồi Gôlgôtha, không xa mấy, dưới chân đồi, đám dân, những người tò mò, những người vô can, những người kêu khóc, những người sợ hãi đang đứng dưới bóng cây thánh giá, bóng Đức Mẹ và Con Ngài, họ cảm thấy mình hoàn toàn không chịu trách nhiệm về cái chết này. Còn những kẻ thi hành án và những kẻ có quyền thì sao ? Họ không cúi đầu, lại chê cười thất vọng và chua chát !
Đứng kề !
Đức Mẹ không lo nghĩ đến bị rơi vào bất tỉnh trước những sỉ nhục, những kết tội của kẻ thù, những la ó, Mẹ đứng đó, đứng thẳng ! Điều quan trọng hơn đối với Mẹ là Con Ngài là xương là thịt của xương thịt Ngài, Kìa đang bị treo trên thánh giá, Người là sự hy vọng cùng đích bảo đảm cho tất cả, nhờ sự hiện diện của Mẹ, nhờ bà Mẹ này, mọi sự ước muốn và yêu dấu được toại nguyện !
Mẹ đứng đó, đứng thẳng vững chắc, trong thái độ xin vâng ! Mẹ luôn luôn sẵn sàng tiếp tục ơn gọi suốt đường đời, ơn gọi tới tận chân thánh giá. Chỉ một mình Thiên Chúa xứng đáng trọn đời trên thập giá ! vượt trên mọi lượng định nhân loại của Đức Mẹ. Mẹ không được chọn vì cây thập giá, nhưng được chọn cùng với các con cháu loài người để đón nhận vào cuộc sống của Mẹ như bình thánh đựng máu tình yêu  của con Ngài mới có sức tắm rửa, thanh tẩy và làm sống lại.
Chăm chú
Đức Mẹ dâng tiến lên Thiên Chúa và cho thế nhân con của Mẹ, đồng thời Mẹ chăm chú lắng nghe con Ngài, Mẹ chú ý lắng nghe tiếng con Mẹ và đã nghe thấy nguyện vọng sau cùng của Người  thốt lên.
Ma-ri-a lúc truyền tin, đã chú ý lắng nghe Đấng Messia của Israel, và đã thành bà mẹ.
Bây giờ Mẹ đang chú ý ! Mẹ đoán mọi sự chưa hoàn tất đối với Mẹ ! Ước chi cuộc sống Mẹ còn tiếp tục ! Mẹ sẽ nhận được lời nguyện cuối cùng của Con Mẹ, Mẹ bắt đầu lắng nghe mọi người bởi vì Mẹ đang lắng nghe Thiên Chúa !
Là chứng nhân về tình yêu Con Mẹ, Mẹ được chia sẻ với Người sống đến tột đỉnh của đức tin.
J.M.

 

SUY NIỆM 7:

1. Đức Mẹ Sầu Bi
Hôm nay, chúng ta cử hành lễ nhớ « Đức Mẹ Sầu Bi ». Như thế, trong đời sống của Đức Mẹ, cũng có những điều sầu bi, như trong đời sống của tất cả mọi người chúng ta. Trong suốt năm phụng vụ, chúng ta có nhiều lễ tôn vinh Đức Maria, Mẹ của chúng ta, nhưng hầu như luôn luôn là vì những ân huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho Mẹ (chẳng hạn ơn vô nhiễm, ơn lên trời, ơn làm Nữ Vương…), hay là vì những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Mẹ (chẳng hạn Sinh Nhật, Truyền Tin, Thăm Viếng…). Chính vì thế mà, lễ Đức Mẹ Sầu Bi là một ngày lễ rất đặc biệt, bởi vì lễ này mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Mẹ, với một khuôn mặt rất đời thường, và vì thế rất gần gũi với chúng ta : Đức Mẹ Sầu Bi, và chúng ta cũng sầu bi, không phải một lần, nhưng nhiều lần trong cuộc đời !
Vậy chúng ta đã có và đang có những sầu bi nào ? Tuy nhiên, trong ngày lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi hướng về Đức Mẹ và « suy chiêm » những đau khổ của Mẹ. Bởi vì, những đau khổ của Mẹ sẽ làm cho chúng ta hiểu biết Mẹ hơn và như thế, yêu mến Mẹ nhiều hơn. Ngoài ra, những đau khổ của Mẹ còn soi sáng và dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống đầy khổ đau này.
2. Bảy sự đau khổ của Đức Mẹ
Như chúng ta đều đã biết, Truyền Thống của Giáo thích dựa vào các Tin Mừng, để kể ra những đau khổ của Đức Mẹ, và Giáo Hội kể ra được bảy đau khổ ; vì thế, ngày lễ hôm nay, còn được gọi là lễ « Đức Mẹ Bảy Sự ». Con số « bảy » cũng thật là ý nghĩa, bởi vì số 7 đối với người Do Thái, là con số hoàn hảo, cũng giống như số 9 đối với chúng ta. Điều này làm cho chúng ta nhớ lại các con số bảy của bài một Tin Mừng theo thánh Mát-thêu : bảy lần ; bảy mươi lần bảy (x. Mt 18, 21-35) ; bảy giỏ (x. Mc 8, 8). Sau đây là « bảy sự » của Đức Mẹ :
1. Lời của cụ ngôn sứ Simêon về Đức Maria (Lc 2, 25-35), là bài Tin Mừng chúng ta có thể đọc trong ngày lễ hôm nay, theo sách Phụng Vụ các bài đọc.
2. Trốn sang Ai-cập (Mt 2,13-15)
3. Lạc mất Đức Giê-su (Lc 2,41-52)
4. Đức Mẹ nhìn Đức Giê-su vác thập giá (Lc 23,27)
5. Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25-27), là bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay.
6. Đức Mẹ đón nhận thân xác đã chết của Đức Giê-su (Ga 19,38-40)
7. Đức Mẹ ở bên mộ Đức Giê-su (Ga 19,41-42)
Điều phải đánh động chúng ta, khi đọc qua danh sách bảy sự đau khổ của Đức Mẹ, đó là mọi sự đau khổ của mẹ đều có liên quan đến Đức Giê-su, con của Mẹ ; một cách cụ thể, những đau khổ của Mẹ đến từ biến cố Giáng Sinh, đến từ đời sống ẩn dật, đến từ sứ mạng rao giảng Nước Trời, đến từ cuộc Thương Khó, đến từ Thập Giá, và sau cùng đến từ cái chết của Ngài.
Như thế, chính khi Đức Mẹ thưa « xin vâng », đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để đón nhận Đức Giê-su, Con Thiên Chúa vào trong cuộc đời của mình, và chính khi Đức Mẹ sống lời xin vâng của mình mỗi ngày và sống cho đến cùng, đến tận chân Thập Giá và cho đến hết cuộc đời, thì tất yếu đau khổ xẩy ra cho Mẹ. Bởi vì, như chúng ta có thể nhận ra trong bảy đau khổ của Mẹ : Đức Mẹ sinh ra Đức Giê-su, nhưng Đức Mẹ lại được mời gọi không nuôi nấng và dưỡng dục Ngài theo ý riêng của mình, theo chương trình hay kế hoạch riêng của mình, nhưng là để cho Ngài lớn lên theo chương trình của Thiên Chúa ; Đức Mẹ đón nhận Đức Giê-su vào cung lòng và vào cuộc đời mình, nhưng Mẹ lại được mời gọi, như tất cả chúng ta cũng được mời gọi, đi theo Đức Giê-su trên con đường của Ngài ; mà con đường của Đức Giê-su là con đường dẫn đến Thánh Giá.
Những đau khổ của Mẹ đến từ việc Mẹ đi theo Đức Ki-tô, Mẹ gắn bó thiết thân với Đức Ki-tô, Mẹ trở nên một với Đức Ki-tô, nhất là với « Đức Ki-tô chịu đóng đinh ». Và tất cả chúng ta đều có cùng một kinh nghiệm này, giống như Đức Mẹ. Thật vậy, từ khi chúng ta trở thành Ki-tô hữu, và nhất là từ khi chúng ta đáp lại tiếng gọi đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay trong ơn gọi dâng hiến, và cố gắng sống ơn gọi của chúng ta mỗi ngày, chúng ta phải cho đi chính mình, cho đi thời gian, cho đi tất cả những gì rất thiết thân đối với chúng ta, đó là quyền làm chủ, giới tính và tình cảm, ý muốn… , thì tất yếu sẽ có nhiều đau khổ. Nhưng tại sao chúng ta lại mang vào mình những đau khổ, nếu không phải là muốn noi gương Đức Mẹ ?
Thật vậy, như Đức Mẹ, vì tình yêu đối với Đức Ki-tô, chúng ta ước ao trở nên nữ tì, trở nên tôi tớ của Ngài, chúng ta ước ao sống theo Lời của Ngài. Và chính tình yêu và lòng ước ao này làm cho chúng ta hạnh phúc bất chấp những đau khổ, và ngay trong những đau khổ, bởi vì có một niềm hạnh phúc đặc biệt, đó là hạnh phúc đau khổ vì tình yêu. Như thánh Augustino nói : « Trong tình yêu không có đau khổ, và nếu có đau khổ, thì đau khổ này đã được yêu rồi ».
3. Đau khổ thứ năm : Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá
Hình ảnh Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá, mà bài Tin Mừng mời gọi chúng ta chiêm ngắm trong ngày lễ hôm nay, nói lên sự nghịch lí này của Tin Mừng và của mầu nhiệm Vượt Qua.
Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã quị. Chúng ta nên đi lại hành trình của Mẹ Maria, từ biến cố truyền tin, để hiểu được tại sao Mẹ đứng vững. Chúng ta cũng cần đi theo Đức Kitô như Mẹ, để có thể đứng vững dưới chân thập giá. Và không cần phải đợi đến biến cố phục sinh, nhưng ở tột đỉnh của sự trao ban, nghĩa là trao ban đến không còn gì, chúng ta được mời gọi nhận ra sự sống mới phát sinh, phát sinh thật đồi dào, phát sinh từ Lời sự sống của Đức Giêsu được thốt lên ngay nơi chết chóc và lúc Ngài đang chết đi. Thật vậy, ngay trong đau khổ của sự chết, một Gia Đình mới phát sinh : Đức Giê-su, nhìn Mẹ, và nói:
Thưa Bà, đây là con của Bà.
Như thế, chính lúc Mẹ đang mất đi người con này, mẹ trở thành Mẹ của người con khác; và từ người con này, dưới sức mạnh của Đấng Phục Sinh, sẽ trở thành đông đúc, trong đó có cả con trai lẫn con gái. Chính lúc Mẹ bình an dâng hiến người con Duy Nhất, Mẹ nhận lại gấp trăm, nơi Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến. Và Mẹ cũng không mất đi Người Con Duy Nhất của Mẹ, vì Ngài sẽ hiện diện ở nơi anh chị em mới của Ngài.
Từ hi sinh thập giá, giữa cơn thử thách, ngay trong sự chết, một nhân loại mới phát sinh: những gì của con là của Mẹ; những gì của Thầy là của anh. Cái chết của Đức Giêsu đã làm phát sinh sự sống: Mẹ trở thành Mẹ của Người Môn Đệ Đức Giêsu yêu mến, đại diện cho tất cả các môn đệ thuộc mọi thời; khi dâng hiến người con duy nhất, Mẹ không mất đi, nhưng nhận lại Ngài nơi các môn đệ, nơi cả một đàn con đông đúc. Bởi vì, Đức Giêsu sẽ đi vào sự sống mới và hiện diện bên cạnh, ở giữa và bên trong các môn đệ nam nữ.
*  *  *
Xin Chúa cũng ban cho chúng ta có cùng một kinh nghiệm của Đức Mẹ: dưới chân thập giá đau thương của cuộc đời, của hành trình ơn gọi, xin chúng ta cảm nhận với niềm vui và hạnh phúc, sự sống mới của Đức Ki-tô đang phát sinh ngay hôm nay, và phát sinh thật dồi dào.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Từ khóa:

môn đệ, người yêu

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 
Tin Giáo phận