Thứ Sáu Tuần 23 TN

Đăng lúc: Thứ sáu - 12/09/2014 02:23 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ SÁU TUẦN 23 TN: Thánh Danh Đức Ma-ri-a

Bài đọc (1 Cr 9, 16-19. 22b-27)
Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi.
Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng. Anh em không biết rằng những kẻ chạy trong vận động trường, thì mọi người đều chạy nhưng chỉ có một người đoạt giải đó sao? Cũng vậy, anh em hãy chạy sao để đoạt được giải. Mọi tay đua đều phải kiêng cữ đủ điều, và những kẻ ấy kiêng cữ để đoạt lấy triều thiên hay hư nát, còn chúng ta, chúng ta nhắm đoạt triều thiên không hay hư nát.
Phần tôi cũng chạy như thế, chứ không phải chạy lẩn quẩn; tôi đấu võ, không phải như đấm vào không khí, nhưng tôi chế ngự thân xác, bắt nó tùng phục tôi, kẻo lỡ ra tôi giảng dạy cho kẻ khác, mà chính tôi phải bị loại ra chăng.


Tin Mừng (Lc 6, 39-42)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi. Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.


Thánh danh Đức Maria

Việc tôn kính thánh danh Đức Maria trong phụng vụ bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, lúc ấy tại mỗi giáo xứ đã có lệ cử hành thánh lễ tôn kính thánh danh Đức Maria. Đến năm 1683, đức thánh cha Innôcentê XI mới chọn ngày 12 tháng Chín hàng năm làm ngày toàn thể Giáo hội hoàn vũ long trọng mừng lễ tôn kính thánh danh Đức Maria, để cám ơn sự bảo trợ của Đức Mẹ đối với Giáo hội.
Danh xưng Maria trong tiếng Dothái có nghĩa là “ngôi sao biển.” Khi các thủy thủ gặp phải bão tố ngoài biển khơi, họ sẽ nhìn xem các ngôi sao trên bầu trời để xác định phương hướng. Chúng ta có thể ngước trông lên Mẹ như “ngôi sao” chỉ lối soi đường mà Đức Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta. Nếu bị trệch đường, chúng ta hãy đưa mắt nhìn lên Mẹ Maria, Mẹ sẽ hướng dẫn chúng ta trở về với Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.
Thánh Bênađô viết: “Khi bạn chiến đấu với bão táp trên biển cuộc đời, hãy ngước nhìn lên sao biển là Mẹ Maria. Nếu những ngọn gió cám dỗ thổi vào chiếc thuyền lòng bạn, hay nếu bạn bị va đụng bởi những tảng đá đau khổ, hãy nhìn lên ngôi sao – và hãy gọi tên Mẹ! Nếu bạn bị những đợt sóng tham vọng hay đố kỵ xô đẩy, hãy nhìn lên ngôi sao – hãy gọi tên của Mẹ! Nếu cơn nóng giận hay tham lam đánh bạt chiếc thuyền lòng bạn, hãy nhìn lên Mẹ Maria! Nếu bạn đang thất vọng vì tội lỗi quá nhiều, hãy tưởng nghĩ đến Mẹ! Trong những khó khăn và nguy hiểm, hãy nhớ đến Mẹ – hãy réo gọi Mẹ! Đừng để danh thánh Mẹ rời xa môi miệng bạn. Hãy tưởng nghĩ đến Mẹ luôn luôn! Có Mẹ, bạn sẽ không lạc lối. Được Mẹ chở che, bạn sẽ không sợ gì. Mẹ sẽ dẫn bạn đến với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của bạn!”


Suy niệm 1: MÙ KHÔNG THỂ DẮT MÙ

Trong cuộc sống vẫn còn đó rất nhiều người dốt lại đứng lên hay được mua chuộc bằng tiền, bằng quyền để lãnh đạo và dạy dỗ người khác. Tệ hơn nữa là những kẻ đạo đức giả tạo lại oang oang nói về lòng nhân từ hay tha thứ một cách “ngọt như đường mía lau”.
Không những thế, những kẻ trá hình này lại còn lôi kéo nhiều người khác đi vào con đường mù quáng, sai trái của mình…
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu răn dạy các môn đệ và những ai bước theo Ngài trong vai trò chứng nhân, phải khôn ngoan, sáng suốt, thông hiểu về Giáo Lý và có đời sống gương mẫu, có đủ tư cách phù hợp với vai trò của mình và nhất là phải giữ vững bản chất của một người thuộc về Chúa để nên giống Chúa.
Nếu người môn đệ mà mù mờ về Giáo Lý, hiểu sai ý Thiên Chúa và sống một cuộc đời phản chứng, gương mù và biến chất, thì sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Bóng tối thêm vào bóng tối vẫn là bóng tối chứ không tạo ra được tia sáng nào. Mù mà dắt mù ắt sẽ rơi xuống hố.
Như vậy, muốn thành công, người môn đệ phải có sự hài hòa giữa đời sống nội tâm và hành động. Nói khác đi, cần phải làm gương trước khi khuyên bảo người khác… để lời nói và hành động của mình trở nên “nhất ngôn nhất hành”.
Lạy Chúa, xin chiếu giãi Ánh Sáng là Chân Lý của Chúa vào trong tâm hồn chúng con. Xin cũng cho chúng con luôn thuộc về Ánh Sáng và phải có trách nhiệm chiếu giãi Ánh Sáng đó cho mọi người. Amen.


Suy niệm 2: ĐI TRONG ÁNH SÁNG

“Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? (Lc 6,39)
Suy niệm: Ngày nay trong hầu hết các lĩnh vực người ta đều nhờ đến các chuyên viên tư vấn. Nếu không được những người này cập nhật thông tin, đề nghị giải pháp, người ta rất dễ đưa ra quyết định sai lầm hay các phương án lỗi thời, kém hiệu quả. Ai muốn đến với Thiên Chúa, muốn được sống trong chân lý và ơn cứu rỗi rất cần được Giáo Hội dẫn dắt dưới ánh sáng Lời Chúa. Nếu họ tự mình mò mẫm hay nhờ cậy những người dẫn đường sai lạc, thì như Chúa nói, mù dẫn mù, cả hai sẽ sa xuống hố mà thôi.
Mời Bạn: Thế giới ngày nay tiến bộ nhiều về khoa học, kỹ thuật và tràn ngập thông tin. Nhưng con người quá đề cao cái tôi chủ quan, chạy theo những hệ tư tưởng sai lầm và quan niệm sống lệch lạc về luân lý đạo đức. Từ đó biết bao nhiêu tệ nạn, hỗn loạn xảy ra trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Bạn ghi nhớ lời Chúa nói: “Học trò không hơn Thầy”;chỉ có Đức Ki-tô, Đấng có Lời ban sự sống mới là người dẫn đường đích thực.
Sống Lời Chúa: Siêng năng suy gẫm Lời Chúa, học hỏi giáo lý, và đào sâu đức tin nơi giáo huấn của Hội Thánh, đó là con đường chắc chắn để khỏi rơi vào hố sâu lầm lạc như Chúa cảnh báo.
Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa, ánh sáng phá tan bóng tối trong con và đòi buộc con hoán cải. Xin cho con đừng cố chấp ở trong bóng tối chỉ vì chút tự ái cỏn con. Xin cho con khiêm tốn để đón nhận những tia sáng nhỏ mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày. Cuối cùng xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý để Chân lý cho con được tự do.” (Thắp Sáng Niềm Tin, 170).


Suy niệm 3: TIÊN TRÁCH KỶ HẬU TRÁCH NHÂN

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một nguyên tắc để sửa lỗi anh em đó là: bản thân mình phải tốt mới có thể sửa dạy người khác.
Tiếng Việt của chúng ta dùng từ “sư phạm” để ám chỉ người dạy học. Sư là thầy, phạm là cái khuôn. Ý nói người làm thầy phải nên gương mẫu để học trò noi theo. Người thầy không chỉ là người truyền thụ một số kiến thức nhưng quan trọng còn là người phải nêu gương về cách sống, đạo đức.
Vì thế, kẻ muốn làm thầy người khác thì trước hết phải biết mình. Biết mình với những tính xấu, tật hư để tự sửa sai bản thân mình: “Tiên trách kỷ” sau đó mới có thể làm thầy, sửa dạy người khác “hậu trách nhân”. Nếu không biết mình để tu thân thì giống như Chúa Giêsu nói: “Mù dắt mù” thì kết quả là cả hai thầy lẫn trò sẽ sa xuống hố.
Đôi mắt của chúng ta thường dùng để nhìn người khác chứ ít khi nhìn mình. Do đó, chúng ta ít thấy lỗi lầm của mình, nhưng lại dễ dàng nhận ra những sai sót của tha nhân: “Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?”. Trong nhà thờ, người Công giáo hay đấm ngực mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng“, nhưng khi ra ngoài nhà thờ thì đấm ngực người khác: “Lỗi tại nó…”.
Chúa Giêsu không ngại quở trách những người không “biết mình”, mà chỉ soi mói anh em giống như những Pharisêu, luật sĩ là những kẻ giả hình: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con phải là những con người biết nhìn nhận lỗi lầm của mình, biết tự sửa sai chính mình trước khi sửa sai người khác. Xin Chúa giúp chúng con biết nhận ra những thiếu xót, tội lỗi của bản thân và can đảm sửa đổi. Để nhờ cuộc đời thánh thiện, chúng con góp ý cho nhau trong tình huynh đệ chân thành nhằm làm lợi cho Nước Chúa. Amen.


Suy niệm 4: Sao Biển

Hồi còn nhỏ, mỗi khi dâng lễ hoặc những buổi dâng hoa hay đọc kinh kính Đức Mẹ, chúng tôi rất hay hát bài Thánh ca “Sao Biển”: ĐK: Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian. Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con thẳng về nơi phúc nhàn. Sống chết con trông nhờ, bao nhiêu sức hộ phù, lòng Mẹ sẵn sàng mà đoái đến con, giúp con đưa con về tới bến. Sống chết con trông nhờ, bao nhiêu sức hộ phù, lòng Mẹ sẵn sàng mà đoái đến con, giúp con đưa con tới thiên đàng. TK 1: Thân lạy Nữ Vương, Mẹ thấu tình con, sóng va tư bề thuyền con sắp chìm hầu theo nước xuôi giòng. Thân lạy Nữ Vương Mẹ thấu tình con, giúp con yên hàn chèo bơi bát cậy Mẹ thương đến con cùng.
Chúng tôi vẫn tưởng tên bài hát là do tác giả (Lm Tâm Bảo) đặt ra khi sáng tác, nhưng không ngờ là tác giả đã cảm xúc từ một Thánh Danh Đức Mẹ đã có tự ngàn xưa. Đó chính là Danh Thánh MARIA. Tiếng Do-thái, Maria là Miryam. Rồi Miryam được cải biến thành Mariam, có nghĩa là “cay đắng”. Tại sao lại có biệt danh này? Chỉ cần suy niệm lời tiên tri của ông Si-mê-on khi ẵm kính Đức Giê-su cũng đủ rõ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” ( Lc 2, 34-35). Vâng, với “7 sự đau đớn” (*) và nói chung cả cuộc đời Đức Mẹ cộng tác với Người Con, thì quả thật là “cay đắng”, hơn thế nữa, Maria còn hàm chứa ý nghĩa “biển đắng cay” (mara: đắng; yam: biển).
Qua hàng bao thế kỷ, nhờ lòng tôn sùng tuyệt đốiĐức Maria, các thánh Giáo phụ đã đề nghị nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của danh xưng “Maria”. Tựu trung, người ta đã có được một giàn ý nghĩa kỳ thú sau đây: Maria nghĩa là “Người Soi Sáng” bởi vì Người đã đem Ánh Sáng (Đức Giê-su Thiên Chúa – Nguồn Ánh Sáng Cứu Độ) đến cho thế gian; Maria nghĩa là “Sao Biển” vì những người đi biển được Sao Biển hướng dẫn về bến bờ như thế nào, thì Ki-tô hữu trong biển đời giông tố cũng đạt đến vinh quang nhờ sự soi đường chỉ lốicủa Đức Từ MẫuMaria như vậy; Maria còn có nghĩa là “Lệnh Bà” (là Đức Bà của nhân loại). Trước đây ở Việt Nam, trong các kinh nguyện về Đức Maria đều gọi là Đức Bà.
Được Giáo Hội tôn kính như vậy vì người mang Danh Thánh huyền diệu ấy chính là “Người Nữ đạp nát đầu con rắn” đã được tiên báo trong sách Khởi Nguyên, tức Sáng Thế Ký (St 3, 15);là Trinh Nươnghạ sinh Trưởng Tử Giê-su mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo (Is 7, 14); là“Người Đẹp” trong Diễm Cakinh điển (Dc 6, 10). Khi thời gian đã điểm thì thế gian rốt cuộc cũng được biết tên Bà: “Người Trinh Nữ ấy là Đức Maria” (Lc 1, 27). Đây là Người Nữ duy nhất được tôn vinh với tước hiệu ĐồngCông Cứu Chuộc, đã được Thiên Chúa là chính Đấng Cứu Chuộc tưởng thưởng cho triều thiên Nữ Hoàng trong Vương Quốc của Người, đồng thời với vai trò TrungGian Muôn Ơn (Bà được quyền ban phát những ân sủng mà Con Bà đã đạt được với một giá rất đắt trên Thánh Giá).
Trước Danh Thánh Maria huyền diệu,toàn Giáo Hội đã tin tưởng kêu lên cùng Nữ Hoàng: Ave Maria (Kính mừng Maria), Salve Regina (Kính chào Nữ Vương),  Ave Maris Stella (Kính chào Sao Biển), Ave Regina Caelorum (Kính chào Nữ Vương Thiên Đàng). Vì thế người Ki-tô hữu hãyhết lòng yêu mến, kính trọng và tôn vinh Danh Thánh “Maria”, vì đó là ngôi Sao Biển, là ngọn hải đăng chiếu tỏa ơn cứu độ và hướng dẫn hải trình tiến về Thiên quốc cho toàn thể nhân loại đang trên biển đời giông tố. Trong thời gian 9 tháng Đức Giê-su được cưu mang trong cung lòng Đức Maria, không ai gặp được Đức Giê-su ngoại trừ qua trung gian của Mẹ Người, như hài nhi Gio-an Bao-ti-xi-ta trong lòng Bà Ê-li-da-bet đã nhảy mừng khi Đức Mẹ tới thăm viếng. Và kể từ ngày công trình Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện qua hồng ân Ngôi Lời Nhập Thể cho đến thiên thu vạn đại, thì con đường ngắn nhất để loài người đến với Đức Giê-su Thiên Chúa chỉ có thể là con đướng “Ad Jesum per Mariam” (nhờ Mẹ Maria, đến với Chúa Giê-su).
Không dám dài dòng, chỉ xin suy niệm về danh hiệu cực thánh: Sao Biển. Đức Maria được so sánh một cách tuyệt vời với ngôi Sao Biển, cũng bởi vì sao đó đã đổ tràn ánh sáng xuống trần gian, nhưng không mất đi chút nào bản tính sáng láng của ngôi sao. Mẹ đem đến cho nhân loại “Ánh Sáng Đức Ki-tô” – Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ – mà vẫn còn nguyên đức tính đồng trinh vẹn sạch. Những tia chói lòa rực rỡ của ngôi sao sáng không làm giảm đi chút nào vẻ đẹp nguyên tuyền của ngôi sao, cũng như Người Con không lấy bớt đi chút nào sự vẹn toàn trinh trong của Người Mẹ. Không còn danh xưng nào xứng hợp hơn, quả thực Mẹ là Ngôi Sao Sáng chiếu rọi khắp thế gian, xuyên thấu từ Tầng Trời Cao Ngất đến Đáy Vực Sâu Thẳm Hỏa Ngục. Ánh sáng huy hoàng và ấm cúng của Mẹ soi chiếu vào cuộc sống tâm linh mọi tín hữu, kêu gọi họ sống đức hạnh và dập tắt mọi đam mê dục vọng thấp hèn. Mẹ chính là SAO BIỂN, là Ngôi Sao Sáng soi tỏ đường đi vượt qua biển cả cuộc đời, tiến về Quê Trời vĩnh cửu.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là Đấng thánh thiện tinh tuyền. Chúa không chấp nhất tội lỗi chúng con. Dù rằng chúng con ngàn lần không xứng đáng diện kiến trước tôn nhan Chúa. Thế mà, Chúa còn đích thân đến tìm gặp chúng con. Chúa còn ở lại với chúng con qua bí tích Thánh Thể đầy yêu thương và gần gũi với chúng con. Xin giúp chúng con biết thanh tẩy trí lòng nên trong sạch, vẹn tuyền hầu xứng đáng với tình yêu cao vời mà Chúa đã dành cho chúng con.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, mỗi lần chúng con soi mình trước sự thánh thiện của Chúa, chúng con lại hổ thẹn về mình. Tâm hồn chúng con sao ô uế quá! Lòng trí chúng con sao tục lụy quá! Chúng con quá nặng tính xác thịt. Chúng con còn quá nhiều khuyết điểm. Xin giúp chúng con biết sửa mình, biết canh tân đời sống cho xứng với phẩm giá làm người là hình ảnh của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết học nơi Chúa cái nhìn của yêu thương, của bao dung và nhân ái. Xin loại trừ nơi chúng con những cái nhìn thành kiến, tiêu cực đối với tha nhân. Xin giúp chúng con biết mang đến cho nhau những cái nhìn yêu thương, những lời nói cảm thông, những việc làm bác ái để cuộc sống chúng con thắm đượm niềm vui và hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết học nơi Chúa tình yêu, để chúng con ra đi và mang lại hoa trái của yêu thương cho những bước đường chúng con đi. Amen.
 
Suy Niệm 5: Hãy Tự Biết Mình

Chỉ là thụ tạo mà muốn làm Thượng đế, đó là ảo tưởng muôn đời của con người. Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, Ông Bà nguyên tổ của loài người đã trải qua cơn cám dỗ ấy. Ma quỉ nói với Ông Bà: Các ngươi hãy ăn trái cấm, các ngươi sẽ trở thành Thiên Chúa, nghĩa là các ngươi hãy chối bỏ Thiên Chúa và tự tôn mình thành Thiên Chúa để sống mà không cần có Thiên Chúa. Ðó là cơn cám dỗ triền miên của con người: sống không cần Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, để tự tạo cho mình một bậc thang giá trị và trở thành thẩm phán tối cao cho mọi hành động của mình cũng như của người khác.
Tin Mừng hôm nay không chỉ là một bài học có tính cách luân lý. Chúa Giêsu không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, Ngài còn mời gọi chúng ta tự đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. "Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã", nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.
Có nhận ra mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, con người mới thấy được tương quan của mình với tha nhân. Thật thế, chối bỏ và cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa, con người cũng đi đến chỗ chối bỏ tha nhân. Ngược lại, nhận ra Thiên Chúa là Chủ tể, con người cũng sẽ nhận ra thân phận thụ tạo yếu hèn của mình và tình liên đới với tha nhân. "Hỡi người, hãy tự biết mình", đó là khẩu hiệu mà nhà hiền triết Hy Lạp là Socrate thường đề ra như bài học vỡ lòng cho các môn sinh, có lẽ cũng được Chúa Giêsu nhắc lại theo một công thức khác: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". "Hãy sám hối" trước tiên là nhận ra thân phận bất toàn của mình, để từ đó sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người khác. Sống như thế, con người mới đạt được cùng đích của mình là trở nên giống Thiên Chúa, chứ không phải trở thành Thiên Chúa để gạt bỏ chính Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Ánh Sáng Thế Gian

Ngày 11/09/2003 Hoa Kỳ và cả thế giới đã tưởng niệm các nạn nhân của cuộc khủng bố ngày 11/09/2001. Thế giới không những tưởng nhớ những người đã chết, thế giới còn nhắc nhở để ý thức về những sức mạnh mù quáng của sự dữ đang lôi kéo con người vào vòng tội ác. Những kẻ gây ra đau thương tang tóc cho người đồng loại mà vẫn nghĩ rằng mình đang làm điều tốt. Nhiều người đang bị lôi kéo vào vòng tội ác mà không hay biết.
Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian. Ngài đến để cứu thoát con người khỏi tăm tối của sự dữ. Ngài nói với loài người rằng họ đang bị sức mạnh mù quáng của sự dữ lôi kéo và trói buộc. Ngài đến để mang lại cho chúng ta ý thức về thân phận tội lỗi của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận thân phận tội lỗi của mình chúng ta mới thấy được sự cần thiết để được giải thoát.
Chúa Giêsu đã khẳng định: "Chỉ có sự thật mới giải thoát các ngươi". Sự thật ở đây trước hết là sự thật về thân phận yếu hèn tội lỗi của chúng ta. Thật thế, chỉ khi nào biết mình đang đi trong bóng tối chúng ta mới cảm thấy cần có ánh sáng. Trái lại bao lâu vẫn không nhận ra thân phận mù lòa của mình, bấy lâu chúng ta sẽ chẳng bao giờ cảm thấy cần có ánh sáng.
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh của người mù dắt người mù để nói lên tình trạng khốn khổ của con người. Ðể có thể là người dẫn đường, chúng ta phải là người thấy đường đã. Thấy đường ở đây không hẳn là nắm bắt hay chiếm hữu chân lý. Thấy đường thiết yếu là thấy được thân phận tội lỗi của mình và từ đó có một thái độ khiêm tốn hơn trong quan hệ với người khác. Chính vì thế mà Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy lấy cái xà trong con mắt mình trước đã rồi mới thấy rõ hầu lấy cái rác trong con mắt người anh em.
Tựu trung, chúng ta được mời gọi để sám hối và sống khiêm tốn hơn. Thế giới đang bị những sức mạnh mù quáng của sự dữ lôi kéo, xã hội trong đó chúng ta đang sống cũng đang bị nhận chìm trong tăm tối của sự dữ. Sự dữ đúc chế những danh từ hoa mỹ, sự dữ được cơ chế hóa, sự dữ được luật pháp che chở. Sống trong bóng tối con người chẳng còn phân biệt được ánh sáng và bóng tối. Ði trong tăm tối của sự dữ con người chẳng còn biết thế nào là thiện thế nào là ác, và cuối cùng ý thức về tội lỗi cũng bị đánh mất.
Lời đầu tiên của Chúa Giêsu khi khởi đầu sứ vụ công khai là kêu gọi con người sám hối và tin vào Tin Mừng. Có nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình con người mới có thể nhận ra được sự cần thiết của ơn cứu rỗi. Ðây chính là điều Giáo Hội nhắc nhở con cái mình mỗi ngày. Ở đầu mỗi thánh lễ chúng ta đấm ngực và xưng thú tội lỗi của mình, làm như thế chúng ta không những nói lên thân phận tội lỗi của mình mà còn mời gọi mọi người ý thức về những sức mạnh của sự dữ đang hoành hành trên thế giới. Sám hối là tâm tình cơ bản nhất của người tín hữu Kitô.
Nguyện xin Chúa cho đôi mắt tâm hồn chúng ta luôn được sáng suốt để nhìn thẳng vào nội tâm sâu kín của chúng ta, hầu nhận ra những bất toàn sai sót của mình. Ý thức về tội lỗi của mình chúng ta mới nhận ra được những sức mạnh của sự dữ đang bủa vây chung quanh chúng ta, và, với sự trợ giúp của ơn Chúa chúng ta mới đủ sức để chiến đấu chống lại sự dữ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 7: Cái rác, cái xà

Sao anh lại có thể nói với người anh em: này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong mắt người anh em! (Lc. 6, 42)
Chúa có lý, chắc chắn đúng! thực vậy làm sao người mù lại có thể dắt người mù được! nhất là không thấy cái xà trong mắt mình thì làm sao thấy cái rác trong mắt người lân cận được. Kẻ đó quá bệnh tật, không chỉ bệnh mù mắt mà còn mù trí khôn, không thấy và cũng không biết suy nghĩ phán đoán.
Biết bao nhiêu kẻ mù như thế trên con đường nhân trần này! có thể trong đó có tôi! biết bao nhiêu người tưởng mình có cái nhìn sâu sắc thiên bẩm, nhưng chỉ khi nhìn người khác thôi, còn mình thì lại mù. Tất cả chúng ta ít nhiều đều mắc tật đó! nếu chúng ta có cái nhìn khách quan, chúng ta sẽ run sợ vào chính mình và nhận ra tại sao mình lại sùng bái cái xà trong mắt mình mà lại không tôn trọng người khác chỉ có cái rác thôi. Lúc đó chúng ta mới lo sửa mình.
Khi Đức Kitô nói về những người biệt phái và về những tiến sĩ luật: “Hãy làm những điều họ nói và đừng làm như họ sống, họ đặt những gánh nặng cho người khác, còn họ không vác”. Chúng ta có thể chắc rằng họ phải nổi giận bất bình với lời tố cáo như thế vì họ không cho họ là giả hình. Chúng ta có tốt hơn họ chăng?
Chúng ta tố giác anh chị em mình, chê trách họ đủ điều sai trái, chúng ta thấy họ nhiều thiếu xót không thể tha thứ được, không thể khoan hồng, không thể thông cảm và không cần tử tế với họ. Chúng ta sẽ giật mình ghê sợ nếu họ cũng kết án chúng ta như chúng ta kết án họ, nếu họ bảo chúng ta biết rõ những lỗi lầm của chúng ta như chúng ta khám phá thấy nơi họ.
Chúng ta mù lại thích tôn mình hướng dẫn người mù khác!
Trái lại, người khác phải là cái gương giúp ta soi thấy ta, nếu không thì không thể tha thứ cho ta được. Chúng ta thích than trách thảm thiết những nhỏ nhen người ta làm cho ta phải chịu, vậy ta hãy tự hỏi mình xem ta có làm đúng như họ không? Cái xà chống cái xà, cái rác chọi cái rác. Hãy nhớ: “Ác giả ác báo, tích thiện giả thiện”.
 
ĐÔI MẮT
******
1. Ơn gọi của đôi mắt
Đôi mắt là một điều kì diệu Chúa ban cho con người; vì thế đôi mắt được nhắc đến nhiều nhất (hơn tai, mũi, miệng…) trong ngôn ngữ của con người, nhất là trong âm nhạc và thơ ca. Nhưng cả trên bình diện tâm sinh lí, đôi mắt cũng là nơi nhạy cảm nhất: đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, vì qua đó, người ta đọc được những xúc cảm tinh tế: vui/buồn; tin tưởng/nghi ngờ; thật tình/giả dối; ghen ghét/yêu thương…
Và trong đời sống thiêng liêng, nhất là trong cầu nguyện theo phương pháp chiêm niệm, đôi mắt được nhắc tới đầu tiên: hãy nhìn các nhân vật, hãy nghe các nhân vật nói và hãy quan sát các nhân vật hành động. Và khi chiêm ngắm, chúng ta không nhìn mọi sự như các sự vật để hưởng thụ, không nhìn những con người như những đối tưởng để thỏa mãn, thống trị hay khai thác; nhưng chúng ta nhìn các sự vật như những dấu chỉ nói cho chúng ta về sự hiện diện, về tình thương, tình thương của người khác, nhất là của những người thân yêu, tình thương của Chúa; và chúng ta nhìn người khác như những ngôi vị, có tự do, có ơn gọi, có những “gánh nặng”, và là con Thiên Chúa như chúng ta; vì thế, là anh chị em của chúng ta.
Như thế, ơn gọi đích thực của đôi mắt, không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng là nhìn ra những điều vô hình (sự hiện diện, tình bạn, tình yêu….) và nhất là nhận ra Đấng Vô Hình, ngang các dấu chỉ, nhất là dấu chỉ ơn huệ sự sống và tất cả nhưng gì liên quan đến sự sống (x. Tv 8; 19; 104 và 139).
2. Cái xà trong mắt tôi
Trong bài Tin Mừng hôm nay, từ đầu đến cuối, Đức Giê-su cũng nói tới đôi mắt:
Mù mà lại dắt mù được sao?(c. 39)
Lấy cái xà trong mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong mắt người anh em. (c. 42)
Nhưng Ngài không chỉ nói về đôi mắt, mà còn chữa lành đôi mắt. Ngài chữa lành đôi mắt thể lí, chẳng hạn cho người mù bẩm sinh (x. Ga 9), nhưng đó là dấu chỉ của ơn huệ lớn hơn, đó là ơn huệ làm cho tất cả mọi người sáng mắt, trong đó có chúng ta, được chữa lành khỏi bệnh mù quáng, mù lòa với những điều sâu xa và cao quí, với anh chị em, với Thiên Chúa.
Thật vậy, trong bài Tin Mừng, Người nói tới đôi mắt sáng, có khả năng dẫn đường cho người khác. Nhưng Ngài không chỉ nói tới đôi mắt sáng, mà còn nói tới đôi mắt trong nữa, trong như hồ nước trong, không vẩn đục, không có rác, không có cái xà (hình ảnh “cái xà” rất mạnh, vì cái xà là nguyên cái thanh gỗ!). Người nói phải làm trong đôi mắt mình trước, rồi mới đi chữa mắt người khác. Nhưng xét cho cùng, bao giờ mắt chúng ta mới thực sự trong được, và như thế nào mới là trong thực sự?
3. “Xin cho con đôi mắt của Chúa”
Vì thế, tất cả chúng ta được mời gọi đến học với Đức Giê-su, bởi vì chính Lời, hành động và ngôi vị của Ngài sẽ chữa lành đôi mắt của chúng ta, chứ chúng ta không chữa cho mình và cho nhau được.
Thật vậy, chính Ngài, nơi mầu nhiệm Thập Giá, sẽ làm cho đôi mắt của chúng ta trong dần lên, trong dần lên ngay cả khi đôi mắt thể lí của chúng ta dần dần bị lão hóa với tuổi tác (vì thế, phải đeo kính lão!) và một ngày kia sẽ khép lại mãi mãi, để được chữa lành khỏi mọi sự dữ và để nhận ra tình yêu đến cùng của Người, tình yêu mạnh hơn tội lỗi và sự chết, và để hi vọng đón nhận chính đôi mắt rạng người của Chúa, trong sự sống muôn đời với Chúa và những người thân yêu. Bởi lẽ, đôi mắt là hình ảnh của sự sống.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Từ khóa:

môn đệ, có thể

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận