Thứ năm đầu tháng, tuần 13 thường niên

Đăng lúc: Thứ năm - 03/07/2014 02:20 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG, TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN  
Thánh Tôma tông đồ. Lễ kính.
"Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"

 
Vào lúc Đức Giêsu chịu thương khó và phục sinh, khuôn mặt của thánh Tôma nổi bật. Trong bữa ăn tối, đáp lại thắc mắc của Tôma, Đức Giêsu nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Khi nghe nói Đức Giêsu đã phục sinh, vị tông đồ này không tin ngay. Mãi tới lúc Đức Giêsu cho Tôma thấy tay và cạnh sườn bị đâm thủng, Tôma mới tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Theo truyền khẩu thì thánh nhân đã đi loan báo Tin Mừng cho dân Ấn Độ. Từ thế kỷ 4, người ta mừng ngày rước hài cốt của ngài về Ê-đét-xa, tức là ngày 3 tháng 7.
 
Bài đọc (Ep 2,19-22)
19 Thưa anh em, anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, 20 bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su. 21 Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. 22 Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.


Tin Mừng (Ga 20,24-29)
24 Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”

 
SUY NIỆM 1: Vị tiên tri cô độc
Người Ấn Ðộ có kể lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây:
"Vì tội lỗi của loài người, Thượng đế dọa sẽ trừng trị họ bằng một trận động đất. Ðất sẽ nứt nẻ và nước sẽ rút hết vào trong lòng đất... Một thứ nước độc sẽ tràn ngập mặt đất. Ai uống vào sẽ trở nên bất bình thường.
Một vị tiên tri nọ đã không xem thường lời đe dọa của Thượng đế. Ông chuẩn bị đương đầu với biến cố bằng cách từng ngày đem nước lên một ngọn núi cao. Số nước dự trữ đủ cho ông sống đến ngày tàn của cuộc đời...
Ðộng đất đã xảy đến, bao nhiêu sông nước trên mặt đất đều bốc hơi, một thứ nước khác được thay thế vào.
Một tháng sau, vị tiên tri trở lại đất bằng để xem những gì đang xảy ra cho loài người. Ðúng như lời đe dọa của Thượng đế, mọi người sống trên mặt đất đều hóa ra điên dại. Nhưng kỳ lạ thay, loài người không ý thức được tình trạng điên dại của mình. Trái lại, ai cũng muốn ra đường để chế diễu vị tiên tri vì họ cho rằng ông mới là người điên dại...
Buồn tình, vị tiên tri trở lại chốn núi cao của mình. Ông sung sướng vì nước dự trữ vẫn còn và ông vẫn là người duy nhất còn có một tâm trí lành mạnh, bình thường...
Nhưng ngày qua ngày, ông cảm thấy không chịu nổi sự cô đơn của mình. Ông khao khát được sống một cách bình thường với những người đồng loại. Thế là một lần nữa, ông trở lại đồng bằng. Và một lần nữa, ông lại bị dân chúng ruồng rẫy, vì họ cho rằng ông không còn giống họ nữa.
Không còn chịu được sự hắt hủi của những người đồng loại, vị tiên tri đã đổ hết số nước dự trữ của mình và ông uống lấy nước mới của người đồng loại để cũng trở nên điên dại như họ..."
Con đường dẫn đến chân lý không phải là con đường rộng thênh thang. Người đi tìm chân lý thường là người cô độc...
Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh tông đồ Toma. Ai cũng biết lời bất hủ của Toma khi tuyên bố về sự sống lại của Chúa: Nếu tôi không xỏ tay tôi vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài, tôi không tin... Theo phương pháp khoa học, nhiều người đã lấy câu nói của Toma làm châm ngôn cho việc đi tìm chân lý. Nghĩa là, nếu tôikhông kiểm chứng được, nếu tôi không sờ mó được, tôi không chấp nhận điều đó là đúng...
Thái độ đó chưa hẳn là thái độ thực tiễn trong cuộc sống. Giá trị cao cả nhất trong cuộc sống: đó là sự tin tưởng, tín nhiệm đối với người khác. Ðau yếu, chúng ta đi mua thuốc, chúng ta buộc phải tin tưởng ở người bán thuốc. Lạc đường, chúng ta buộc phải tin tưởng ở lòng thành thật của người chỉ lối...
Thái độ đó càng đúng hơn trong lĩnh vực Ðức Tin... Chúng ta tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu không phải vì chúng ta đã thấy Người hiện ra, nhưng chỉ vì lời chứng của các tông đồ, của các tiền nhân... Một thái độ như thế đòi hỏi rất nhiều phấn đấu của lý trí. Lắm khi, chung ta chỉ là một thiểu số cô độc.
Chúng ta dễ dàng rơi vào nỗi cô độc của những người đang đi tìm chân lý. Người Kitô thường phải đi ngược dòng. Ðiều người đời cho là bất bình thường, có lẽ phải là cái bình thường đối với người Kitô. Ðiều người đời cho là yếu nhược, có khi phải là sức mạnh của người Kitô. Ðiều người đời cho là điên dại, có khi phải là lẽ khôn ngoan của người Kitô.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Thánh Tôma, Tông Đồ
(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)
Thánh Tôma, tông đồ, một người trong nhóm 12, đã được Chúa Giêsu tuyển chọn, đã đi theo Chúa, đã được Chúa hun đúc, huấn luyện. Tôma cũng là người bị liệt vào hạng cứng tin, nhưng thực tế ra sao ? Tôma có tin vào Chúa hay cũng chỉ lơ mơ, lờ mờ theo Chúa, rồi bỏ Chúa ?
THÁNH TÔMA, TÔNG ĐỒ TRONG NHÓM 12:
Thánh Tôma, còn gọi là Đyđimô nghĩa là sinh đôi, người quê tại xứ Galilêa, là một trong số mười hai môn đệ của Chúa Giêsu. Các Tin mừng nhất lãm và đặc biệt Tin Mừng của thánh Gioan đã thuật lại việc Chúa Giêsu chọn Tôma. Các Tin Mừng đều cho ta thấy Tôma là người nhiệt thành, hy sinh, tận tụy và xả kỷ. Thánh Gioan thuật lại rằng một lần khi nghe tin Ladarô chết đã bốn ngày, Chúa Giêsu muốn về Giuđêa để hồi sinh Ladarô, nhưng ở đó các người Do Thái đang tìm cách giết Chúa Giêsu: ”Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy còn đến đó sao?” (Ga 11,8). Chúa nói với các môn đệ:” Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê” (Ga 11,7). Mình thánh Tôma đã mạnh dạn, can đảm nói với các tông đồ: ”Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16).Trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Tôma cũng như các môn đệ khác đều sợ sệt, nhát đảm và trốn tránh vì sợ khó khăn, sợ chết. Khi Chúa Giêsu sống lại, Tôma vì là người thực tế đã muốn thấy Chúa cách nhãn tiền Ông đã nói với các tông đồ bạn một cách rất chân thành và thực tế: ”Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinhvà không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Đức tin của Tôma phải được kiểm chứng rõ ràng, Ông rất thực tế và đây là bài học cho muôn thế hệ. Đứng trước sự thực hiển nhiên của biến cố sống lại chỉ sau tám ngày sau lần thứ nhất Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, Tôma đã bị Chúa Giêsu phục sinh khuất phục hoàn toàn, Ngài chỉ biết thốt lên với tất cả con tim: ”Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).
THÁNH TÔMA, TÔNG ĐỒ ĐÃ ĐƯỢC PHÚC TỬ ĐẠO:
Chúa Giêsu đã nói với các một đệ khi Người còn sống với các ông: ”Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình đi vác thập giá hằng ngày mà theo Ta” (Lc 9,23). Chúa cũng đã cảnh cáo là các môn đệ sẽ bị thế gian thù ghét: ”Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các ngươi cho công nghị và họ đánh đòn các ngươi trong các hội đường của họ. Vì Ta, các ngươi sẽ bị điệu đến trước quan quyền và vua Chúa để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại. Các ngươi sẽ bị mọi người ghét vì danh Ta, nhưng ai bền vững đến cùng, người ấy sẽ được rỗi” (Mt 10,17-22). Sau khi Chúa phục sinh về trời và sau khi các tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần, theo lệnh truyền của Chúa sống lại: ”Anh em hãy đi khắp mọi nơi...” (Mt 28,19) Thánh Tôma, tông đồ đã đi rao giảng ở Patia, Ba Tư. Thánh nhân cũng tới loan báo Tin Mừng tại Ấn Độ và được phúc tử đạo tại đó. Thánh nhân là một người thu thuế nhưng khi đã có Chúa Thánh Thần và khi đã được đổi mới, Ngài đã hăng say rao giảng Tin Mừng và sẵn sàng theo bước chân của Thầy chết vì yêu.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, hôm nay chúng con hoan hỷ, mừng lễ thánh Tôma tông đồ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà củng cố lòng tin của chúng con, để chúng con được sống muôn đời, khi cùng với thánh nhân tuyên xưng Đức Kitô là Chúa (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Tôma, tông đồ).
 
SUY NIỆM 3: Thánh Tôma, Tông Đồ
Các tông đồ lo sợ thu mình lại trong căn phòng đóng kín, lo sợ trước những chống đối của những kẻ không tin Chúa, lo sợ trước mầu nhiệm thập giá, lo sợ trước sứ mạng tương lai mà họ đã nghe Chúa nói đến và chuẩn bị để thi hành, nhưng vì các ngài cảm thấy chưa đủ sức. Nếu không có mầu nhiệm Chúa phục sinh và quyền năng Chúa phục sinh đến đổi mới con người họ, thì đức tin các tông đồ chưa được trưởng thành hoàn toàn theo đúng mức Chúa mong muốn, để có thể làm chứng cho Chúa và chu toàn sứ mạng Chúa trao phó.
Đoạn Phúc âm vừa đọc trên trong lễ kính thánh tông đồ Tôma hôm nay cho chúng ta chứng kiến cuộc thay đổi trong đời sống các tông đồ, chứng kiến một cuộc đổi mới và kiện cường đức tin nơi các tông đồ và đặc biệt với thánh Tôma tông đồ.
Từ lo sợ cứng lòng tin đến mức độ được củng cố để bắt đầu sứ mạng tông đồ. Trước khi Chúa Kitô phục sinh hiện đến, các tông đồ đang sống trong lo sợ, đóng kín nơi chính mình và đóng kín trong căn phòng, đóng kín trong sự không tin của mình, điển hình như Tôma. Ai trong chúng ta đã không trải qua giai đoạn thử thách này, cũng có thể là đang trải qua thử thách đức tin. Đó là những giây phút đen tối bị cám dỗ mất đức tin vào Chúa, trước những nghịch cảnh xảy ra trong đời sống.
Trong bộ phim có tựa đề là: "Dấu Ấn Thứ Bảy", có một đoạn thật ý nghĩa. Thần chết hiện ra trong dung mạo của người phàm và đối thoại với dũng sĩ như sau:
- Tại sao Thiên Chúa ẩn mình? Tại sao chính ngài không hiện ra mạc khải cho chúng ta biết? Tại sao Thiên Chúa không đưa tay ngài ra mà chạm đến chúng ta? Tại sao ít ra ngài không nói vài lời với chúng ta?
Thần chết trong dung mạo người phàm trả lời:
- Nhưng Thiên Chúa đâu có làm được việc đó? Không phải vậy sao? Ngài không chạm đến chúng ta, ngài không nói, ngài chỉ giữ im lặng.
Dũng sĩ nói tiếp:
- Được rồi, Thiên Chúa không làm điều gì như vậy, ngài không chạm đến chúng ta, ngài không nói chuyện với chúng ta, đôi khi tôi nghi ngờ không biết ngài có thật hiện hữu ở bên kia đó không?
Thần chết trong dung mạo người phàm trả lời:
- Có thể Thiên Chúa không hiện hữu ở bên kia đó, có thể là không có ai ở bên kia cả, có thể là tất cả chúng ta chỉ một mình hiện diện ở nơi đây mà thôi. Dũng sĩ có bao giờ nghĩ như vậy hay không? Có bao giờ chúng ta đã suy nghĩ như vậy hay không? Có lẽ Thiên Chúa không có, có lẽ chỉ có chúng ta sống lẻ loi cô đơn một mình trong thế giới này mà thôi.
Mẩu đối thoại trên làm chúng ta suy nghĩ thêm.
Các tông đồ ngày xưa là những kẻ được hạnh phúc chạm đến Chúa, được nghe Chúa nói, được sống với Chúa như một con người cụ thể bằng xương thịt, nhưng không phải vì thế mà các ngài không bị thử thách lạc mất niềm tin vào Chúa. Các ngài phải tin vào Chúa là con Thiên Chúa, đã chết và đã phục sinh. Chúa cho các tông đồ và Tôma được kiểm chứng niềm tin một cách cụ thể: "Tôma, con hãy đến sỏ tay con vào đây".
Chúng ta ngày hôm nay không thể được diễm phúc kiểm chứng niềm tin như vậy, như cuộc đối thoại tưởng tượng của dũng sĩ và thần chết trên đây. Nhưng như các tông đồ xưa, chúng ta cần tin vào Chúa để đừng sống trong lo sợ để có sức chu toàn sứ mạng của Chúa: “Phúc cho những ai không thấy mà tin“ (Ga 20, 29).
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin Chúa ban cho con hồng ân Chúa thánh thần, để giúp con tin và vững mạnh trong đức tin. Amen.
 
SUY NIỆM 4: Thánh Tôma, Tông Đồ
Khi nói đến ai đồng dạng với “Tôma”, điều đó không có gì là nâng bi. Đó là thái độ bình thường của bất cứ tín hữu nào, bất cứ Kitô hữu nào.
Tôma không tin các bạn tông đồ, đúng thế; nhưng ông không do dự khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho tin. Không phải là lời chứng của các tông đồ làm chúng ta tin Đức Ki-tô Phục Sinh, Con Thiên Chúa, và phúc cho chúng ta, chính Đức Ki-tô làm chúng ta tin.
Các sách Tin Mừng...
Chúng ta biết chắc rằng các sách Tin Mừng không được Đức Giê-su viết ra. Chúng ta biết chắc rằng những bài giảng của Đức Giê-su chỉ là những bản tóm tắt, sơ sài biết bao. Tuy nhiên, khi Gioan, Luca, Matthêu hay Mác-cô viết rằng: “và Đức Giê-su nói....”, chúng ta tin những lời các thánh sử Tin Mừng truyền lại cho chúng ta, những lời đó chúng ta nghe chính miệng Đức Ki-tô.
Tôma...
Chính Ngài làm chứng cho chúng ta về Đức Ki-tô Phục Sinh, nhưng cũng nói cho mỗi người chúng ta rằng, chúng ta cũng có thể tin các thánh sử Tin Mừng, các Ngài là những chứng nhân chính thức, còn chính Đức Ki-tô cho chúng ta đức tin nhờ các Ngài và nhờ Giáo Hội.
Khi Giáo Hội dạy, Giáo Hội nói lời Chúa cho chúng ta. Giáo Hội chỉ là người mang tiếng nói của Ngôi Lời. Chính Ngôi Lời nói, luôn luôn là thế. Các Giám Mục là người kế vị các tông đồ, không phải là các nhà thần học. Nên chúng ta phải chú ý nghe các Ngài, thì không nhất thiết phải luôn luôn nghe theo các Ngài. Đức tin không lay chuyển nhưng khoa học thì liên tục tiến triển.
Tôma còn nhắc nhở chúng ta chỉ có một tiếng nói chính thức và chúng ta cũng phải biết kính trọng trí khôn chúng ta và đức tin chúng ta, đừng để bất cứ ai, bất cứ cái gì nhồi sọ chúng ta, coi chừng nhiều tiên tri giả chung quanh chúng ta.
J.M
 
SUY NIỆM 5: THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ
Thánh Tôma là người Do-thái ở Ga-li-lê. Mặc dầu ít học, nhưng ngài có óc tìm tòi, một ý chí kiên vững, một tinh thần tận tụy hy sinh. Khi được Chúa gọi, ngài đã sẵn sàng bỏ mọi sự đi theo Chúa, và được chọn vào số các tông đồ. Tinh thần hy sinh tận tụy của thánh nhân biểu lộ rõ khi Chúa Giêsu quyết định đến Giuđêa để cứu sống Lazarô. Các tông đồ ngăn cản:
“Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao ?” (Ga 11, 8). Nhưng thánh nhân cương quyết sống chết trung thành với Chúa, Ngài nói với các tông đồ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy (Ga 11,16).
Lúc Chúa Giêsu từ giả các tông đồ đi chịu chết, Người thấy các ông buồn sầu thì an ủi: Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy… Thầy đi dọn chỗ cho anh em… Và Thầy đi đâu thì anh em đã biết đường rồi”.
Ông Tôma nói với Đức Giêsu : “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga.14,1-5)
Câu nói trên tỏ rõ thánh nhân nhiệt tình với Chúa, muốn theo Chúa, phụng sự Chúa đến cùng.
Lòng nhiệt thành đối với Chúa Giêsu còn biểu hiện rõ khi các tồng đồ thuật lại Chúa đã sống lại và đã hiện ra với các ông lúc thánh nhân vắng mặt.
Nhưng ngài đòi cho được thấy tận mắt, sờ tận tay mới tin. Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra, có mặt thánh nhân với các tồng đồ. Và Chúa bảo ngài:
“Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Tôma thưa Người :
- Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,27-28).
Thánh nhân đã công khai tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa, với một niềm tin vững vàng mạnh mẽ, giúp cho mọi người tin thật Chúa Giêsu đã sống lại, như lời Thánh Grêgôriô Cả nói : “Tôma nghĩa là ‘sinh đôi’, là một trong nhóm mười hai, không ở với họ khi Đức Giêsu đến. Chỉ có người môn đệ ấy vắng mặt. Khi về ông nghe kể lại sự việc đã xảy ra, nhưng từ chối những điều đã nghe. Rồi Chúa lại đến và giơ cạnh sườn cho người môn đệ không tin ấy sờ. Người chìa cả tay ra và khi chỉ cho ông thấy các vết thương Người, Người đã chữa lành sự cứng lòng của ông. Anh em thân mến, anh em thấy những việc đó thế nào ?
Không phải tình cờ, nhưng Chúa đã an bài xảy ra như vậy. Lòng từ bi cao cả của Người đã hành động một cách tuyệt vời, để nhờ người môn đệ hoài nghi ấy sờ vào các thương tích nơi thân thể Thầy mình, mà vết thương cứng lòng tin ở nơi ta được chữa khỏi. Sự cứng lòng tin của Tôma còn giúp ích cho lòng tin của ta hơn là đức tin của các tông đồ khác.
“Bởi vì ông đã sờ vào Chúa rồi mới tin, nên tâm trí ta cũng dũ bỏ được mọi nghi nan và trở nên vững vàng trong đức tin. Quả vậy, người môn đệ ấy khi nghi nan mà sờ mó thì đã trở thành nhân chứng của sự kiện phục sinh.
Anh em nghĩ toàn là chuyện tình cờ sao? Tình cờ người môn đệ yêu dấu ấy vắng mặt hôm đó rồi sau về đã nghe, nghe mà hoài nghi, hoài nghi nên đã sờ và đã tin sao? ” Lòng tin mạnh mẽ đã giúp thánh nhân nhiệt thành rao giảng đạo Chúa ở Ấn độ, và chịu chết đổ máu ra làm chứng cho Chúa trên nước này.
Quyết tâm noi gương Thánh Tôma tông đồ, tôi luôn cố gắng tìm tòi học biết niềm tin vào Chúa Kitô, để giúp những người cứng lòng được tin thật Người là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ trần gian.

Suy niệm 6: CHÚA LÀ ĐIỂM TỰA ĐỜI CON

Trong một căn phòng hậu phẫu, có nhiều bệnh nhân với những bệnh lý khác nhau. Các bệnh nhân thường hay kêu la đau đớn và tỏ vẻ khó chịu với thân nhân của mình. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy và chứng kiến một bệnh nhân trạc tuổi 60, ông không kêu ca, không trách móc, nhưng có lúc lại nở nụ cười tươi. Hỏi thăm, mới biết ông là người Công Giáo và phải mổ để cắt thận vì sỏi quá nhiều.
Trong lúc trò chuyện, chúng tôi hỏi thăm ông: “Tại sao các bệnh nhân khác thì đau đớn và kêu la, còn ông thì không?” Trong tiếng nói nhỏ nhẹ, ông nói: “Mỗi lần cơn đau đến với tôi, tôi nhớ đến Chúa chịu đóng đinh. Ngài còn đau đớn hơn tôi nhiều, vì thế, tôi luôn cầu xin Chúa giúp sức để vượt qua cơn đau và tôi cũng xin Chúa cho mình được thông phần đau khổ với Ngài”. Thật tuyệt vời, Đức Giêsu là điểm tựa của ông, và cuộc thương khó, cái chết của Ngài đã làm cho ông can đảm, vui vẻ đón nhận đau đớn vì lòng yêu mến Chúa.
Niềm tin trong cuộc sống rất quan trọng. Nếu không có niềm tin, con người khó có thể sống và đi trọn con đường dương thế của mình trong vai trò là người môn đệ của Đức Giêsu với rất nhiều những thử thách gian nan.
Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ thánh Tôma, hẳn ai cũng biết ngài là người cứng lòng tin, bởi vì thánh nhân đã từng nói: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”.Như vậy, với ngài, không thấy là không tin. Thấy thì mới tin. Niềm tin của Tôma chính là tay phải sờ, mắt phải thấy thì mới có sự thuyết phục. Niềm tin của thánh nhân là niềm tin của lý trí.
Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn Tôma, các môn đệ khác và cả chúng ta ngày hôm nay phải đạt tới mức độ vượt lên trên những gì là khả giác của đời thường, để tiến tới một đức tin trưởng thành, tức là không thấy mà vẫn tin: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Thật vậy, đức tin là một ân ban của Thiên Chúa chứ không phải thuần túy do lý trí và cố gắng của con người mà có. Đức tin cũng không phải là một cái gì đó mà con người mong tìm được sự thỏa mãn do tính hiếu tri. Vì thế, bổn phận của chúng ta là phải khiêm tốn cộng tác với ơn Chúa để làm cho đức tin được lớn mạnh và trưởng thành ngay trong đời sống hằng ngày.
Mong thay lời tuyên tín của thánh Tôma khi xưa: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” cũng là lời cầu nguyện và xác tín của mỗi chúng ta và lời chúc phúc của Đức Giêsu cho Tôma: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin” cũng là lời chúc phúc cho chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa, đức tin của chúng con còn non yếu, xin Chúa giúp cho đức tin của chúng con được lớn mạnh và trưởng thành. Xin cho chúng con tin tưởng vào Lời Chúa và những lời dạy của Giáo Hội. Xin cho chúng con biết luôn tìm đến Chúa như là điểm tựa của cuộc đời chúng con. Amen.


Suy niệm 7: CẦN DẤU CHỨNG ĐỨC TIN

“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20,28)
Suy niệm: Nhắc đến Tô-ma, lập tức ta nghĩ ngay đến một người tiêu biểu cho những “kẻ cứng lòng tin.” Và thời đại ngày nay, chúng ta cũng gán danh hiệu “Tô-ma” cho những ai cứng lòng, không chịu tin vào Chúa. Nhưng trước khi đưa ra lời trách móc ấy, sẽ thật thiếu sót nếu chưa tìm hiểu tại sao họ không tin. Tô-ma không tin vì lời loan báo của các tông đồ bạn không đủ sức thuyết phục: niềm vui Chúa phục sinh chưa đem lại sự thay đổi nào nơi người đưa tin. Con người ngày nay cũng thực tế như Tô-ma, họ chỉ tin khi thấy được dấu chứng đức tin của Ki-tô hữu. Dấu chứng đức tin của người tín hữu là ánh vui tươi luôn rạng rỡ trên gương mặt và chất hiền hậu trong lời nói của họ, ngay cả khi họ gặp nghịch cảnh.
Mời Bạn: Khi nhìn thấy tại Việt Nam còn hơn 90% anh chị em chưa nghe loan báo Tin Mừng, bạn có tự trách mình: bởi vì đời sống của tôi chưa chứng minh tôi gặp Chúa, nên nhiều người còn chưa biết Chúa? Bạn nghĩ sao khi về câu trả lời của ông Gandhi khi người ta hỏi tại sao ông không theo Ki-tô giáo: “Tôi sẽ theo, nếu người Ki-tô hữu biết sống theo Phúc Âm hơn”?
Sống Lời Chúa: Tôitrở thành dấu chứng niềm tin Phục Sinh qua cách tôi dành ngày Chúa Nhật cho việc thờ phượng Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết sẵn sàng nói về Chúa cho người khác, không chỉ bằng lời mà bằng cả cuộc sống. Xin biến đổi cuộc đời con thành dấu chứng niềm tin cho anh chị em con, để họ cũng tin vào Chúa và trở nên con cái Chúa.


Suy niệm 8

Nói đến thánh Tôma tông đồ, người ta thường gán cho ngài biệt danh “kẻ cứng tin”. Có người còn cho rằng, ngài là bổn mạng của những người “tin đòi dấu chỉ”.
Đúng vậy, cũng như các tông đồ, thánh Tôma rơi vào khủng hoảng sau cái chết của Chúa Giêsu. Có thể nói, cuộc khủng hoảng của ngài còn trầm trọng hơn các tông đồ khác. Bằng chứng là ngài đã tìm nơi yên vắng và sống đơn độc một mình. Cái khó của thánh Tôma đó là đòi hỏi những dấu chứng trước khi tin. Các bạn của ông thấy những dấu chứng, được các phụ nữ kể lại, và họ đã bắt đầu tin vào sự phục sinh của Thầy. Nhưng Tôma thì không. Những lời kể của các bạn không đủ thuyết phục ngài tin rằng Thầy đã sống lại.
Tuy nhiên, khi chính bản thân gặp được Thầy, những yêu sách của ngài được Chúa Giêsu đáp ứng thì thánh Tôma đã tin. Ngài đã tin bằng lời tuyên xưng mạnh mẽ: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”; và từ đó, cuộc đời của ngài là lời tuyên xưng vào Thầy Chí Thánh: Hăng say ra đi rao giảng Tin mừng và sẵn sàng chết cho Tin mừng là bằng chứng hùng hồn cho lời tuyên xưng của thánh Tôma.
Chúng ta chỉ biết về Chúa qua những chứng nhân. Đôi khi chúng ta cũng như thánh Tôma, đòi hỏi những dấu chỉ. Thực tế, nhiều người cũng đòi hỏi Chúa ban cho mình điều nay, điều nọ rồi mới tin Chúa. Đó là đức tin có điều kiện và điều đó hết sức nguy hiểm cho chúng ta. Khi Chúa Giêsu trên thập giá, một số người Do thái cũng đã thách thức Chúa: “ông xuống khỏi thập giá đi thì chúng tôi tin ông”.
Đức tin có phép lạ thì quá dễ. Tin vào Chúa trong lúc đen tối, những lúc đau khổ, những lúc thất bại mới đáng quý.
Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con. Xin Chúa cũng giúp chúng con biết tuyên xưng Chúa cách chân thành và làm chứng cho niềm tin ấy bằng đời sống của chúng con như thánh Tôma. Amen.


Suy niệm 9: Suy niệm của Lm. Giuse Đinh Tất Quý

“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.
Phúc thay những người không thấy mà tin.”(Ga 20,9)
Thánh Tôma mà Giáo hội kính nhớ hôm nay là một con người đặc biệt. Ngài là một trong số 12 tông đồ Chúa đã tuyển chọn.
Thánh Tôma là người Do Thái ở sinh sống ở Galilê. Mặc dầu ít học, nhưng ngài có óc tìm tòi, một ý chí kiên vững, một tinh thần tận tụy hy sinh. Khi được Chúa gọi, ngài đã sẵn sàng bỏ mọi sự đi theo Chúa, và được chọn vào số các tông đồ.
Tinh thần hy sinh tận tụy của thánh nhân biểu lộ rõ khi Chúa Giêsu quyết định đến Giuđêa để cứu sống Lazarô. Các tông đồ ngăn cản:
“Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” (Ga 11,8)
Thế nhưng thánh nhân cương quyết sống chết trung thành với Chúa, Ngài nói với các tông đồ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy.” (Ga 11,16)
Lúc Chúa Giêsu từ giả các tông đồ đi chịu chết, Người thấy các ông buồn sầu thì an ủi:“Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy… Thầy đi dọn chỗ cho anh em… Và Thầy đi đâu thì anh em đã biết đường rồi.” (Ga 14,4)
Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng cơn biết được đường?” (Ga 14,15)
Câu nói trên cho thấy thánh nhân có một nhiệt tình đối với Chúa, muốn theo Chúa, phụng sự Chúa đến cùng.
Lòng nhiệt thành đối với Chúa Giêsu còn được biểu hiện rõ hơn trong biến cố Chúa Phục sinh. Chúng ta còn nhớ sau khi phuc sinh, Chúa đã hiện ra với nhóm 12 nhưng khi đó Tôma không có mặt. Các tồng đồ đã thuật lại việc Chúa đã sống lại và đã hiện ra với các ông nhưng Tôma không tin. Tôma đòi phải được thấy tận mắt, sờ tận tay mới tin.
Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra, lần này Thánh nhân cùng có mặt với các tồng đồ. Vừa hiện ra, Chúa đã nhìn thẳng vào Tôma và bảo:
“Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20,27)
Tôma đã thưa với Chúa:
“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” (Ga 20,28)
Thánh nhân đã công khai tuyên xưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
Về biến cố này thánh Thánh Grêgôriô Cả đã có một nhận xét rất hay: “Tôma nghĩa là ‘sinh đôi’, là một trong nhóm mười hai, không ở với họ khi Chúa Giêsu đến. Chỉ có người môn đệ này vắng mặt. Khi về, ông nghe kể lại sự việc đã xảy ra, nhưng từ chối những điều đã nghe. Rồi Chúa lại đến và giơ cạnh sườn cho người môn đệ không tin ấy sờ. Người chìa cả tay ra và chỉ cho ông thấy các vết thương, Người đã chữa lành sự cứng lòng của ông. Anh em thân mến, anh em thấy những việc đó thế nào? Không phải tình cờ, nhưng Chúa đã an bài xảy ra như vậy. Lòng từ bi cao cả của Người đã hành động một cách tuyệt vời, để nhờ người môn đệ hoài nghi ấy sờ vào các thương tích nơi thân thể Thầy mình, mà vết thương cứng lòng tin ở nơi ta được chữa khỏi. Sự cứng lòng tin của Tôma còn giúp ích cho lòng tin của ta hơn là đức tin của các tông đồ khác.
“Bởi vì ông đã sờ vào Chúa rồi mới tin, nên tâm trí ta cũng dũ bỏ được mọi nghi nan và trở nên vững vàng hơn trong đức tin. Quả vậy, người môn đệ ấy khi nghi nan mà sờ mó thì đã trở thành nhân chứng của sự kiện phục sinh.
Anh em nghĩ toàn là chuyện tình cờ sao? Tình cờ người môn đệ yêu dấu ấy vắng mặt hôm đó rồi sau về đã nghe, nghe mà hoài nghi, hoài nghi nên đã sờ và đã tin sao?”
Lòng tin mạnh mẽ đã giúp thánh nhân nhiệt thành rao giảng đạo Chúa ở Ấn Độ, và chịu chết đổ máu ra làm chứng cho Chúa trên nước này.
Người ta thường nói: tư cách thật của một con người chỉ được bộc lộ thật khi gặp gian nan. Lúc bình thường thì ai cũng như ai, khó thấy được tư cách ấy. Điều này rất đúng.
Đức tin của mỗi người cũng thế. Muốn biết ai vững vàng trong đức tin, phải đợi tới lúc đức tin đó chịu thử thách. Lúc bình an vô sự, tin vào Chúa tương đối không phải là khó. Vì không khó nên không thể lượng định được phẩm chất của đức tin. Khó khăn, trở ngại là một thứ “kiểm tra chất lượng”. Có kiểm tra thì mới thấy cái gì tốt cái gì xấu, cái gì thật cái gì giả.
Cuộc đời của mỗi người chúng ta được dệt nên bằng những chuỗi ngày của vui buồn sướng khổ lẫn lộn. Hành trình đức tin của mỗi người có lẽ cũng không ít chông gai sỏi đá. Có lúc cũng như Tôma, chúng ta bắt Chúa phải ra tay can thiệp thì tôi mới tin. Hãy là một Tôma mới, khi cảm nghiệm sâu xa về tình thương của Chúa, mỗi người chúng ta hãy can đảm thể hiện niềm tin của mình, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Sẵn sàng đón nhận những hy sinh thử thách kể cả mạng sống, để minh chứng tình yêu của mình vào Chúa Phục sinh.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì nhờ sự cứng lòng tin của thánh Tôma, mà chúng con nhận ra được niềm tin của mỗi người chúng con vào Chúa có cơ sở chắc chắn. Xin cho gia đình chúng con một khi đã xác tín vào Chúa, sẽ cùng nhau sống niềm tin của mình một cách mạnh mẽ hơn. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa đã từng chúc phúc cho những ai không thấy mà tin. Xin Chúa chúc phúc cho chúng con, vì tin Chúa, chúng con cũng nhận ra Chúa trong Thánh Thể và trong người anh em của chúng con. Xin ban cho chúng con được lớn lên trong đức tin để chúng con đứng vững trước những thử thách gian truân, những cam go của dòng đời. Xin giúp chúng con biết nhìn nhận thân phận bất toàn của mình để tìm nương tựa vào tình thương của Chúa.
Lạy Chúa, giữa một thế giới đề cao vật chất đã làm cho đức tin của chúng con cũng mang tính thực dụng. Chúng con đến với Chúa để tìm kiếm nhu cầu trần thế hơn là thực tại Nước Trời mai sau. Thánh lễ và kinh nguyện hằng ngày, không còn là nhu cầu mà chỉ là bổn phận. Chúng con thường làm chiếu lệ cho qua. Đôi khi ẩu thả, xem thường. Điều chúng con cần là tiền, là cơm áo, là danh vọng. Chúng con chỉ đến với Chúa để đòi hỏi Chúa đáp ứng cho những nhu cầu chúng con, thay vì chúng con tìm kiếm ý Chúa để thực thi. Xin Chúa tha thứ vì những lầm lẫn của chúng con. Xin canh tân đổi mới cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con tìm được niềm vui được sống trong ân nghĩa với Chúa hơn là những danh lợi thú trần gian.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin củng cố đức tin còn yếu kém của chúng con và giúp chúng con biết yêu mến Chúa nồng nàn để chúng con luôn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Amen.
 
SUY NIỆM 10:  

Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ kính Thánh Tô-ma Tông Đồ, thánh sử Gioan kể cho chúng ta nghe về hành trình đức tin của thánh nhân và mời gọi chúng ta nhận ra chính chúng ta nơi hành trình này.
1. Đi theo Đức Ki-tô
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta ít nhất nghe thánh Tô-ma lên tiếng bốn lần :
§  “Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy đi để cùng chết với Ngài” (Ga 11, 16).
§  “Thưa Thầy, chúng con không biết được Thầy đi đâu, thì làm sao chúng con biết được đường đi” (14, 5).
§  “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (20, 25). Khởi đi từ hai lời nói trước của thánh Tô-ma, chúng ta có thể nhận ra tâm tình thật sự ẩn đàng sau lời nói, vẫn bị coi là cứng lòng tin, đó là “tôi khao khát Thầy vẫn còn hiện hữu trên cõi đời này, hiện hữu bằng xương bằng thịt, để tôi tiếp tục đi theo Thầy”.
§   Cuối cùng là lời tuyên xưng đức tin vượt qua vô hạn điều ông Tô-ma nhìn thấy: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.
Qua những lời này, chúng ta có thể nhận ra nơi thánh Tô-ma một sự quyết tâm rất lớn muốn đi theo Đức Giê-su, không phải trong tư tưởng, nhưng bằng “chính đôi chân của mình”. Đây đã một lời gọi đầy ý nghĩa đối với mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, cứ mỗi lần ông Tô-ma lên tiếng, Đức Giêsu đều mời gọi ông đi từ bình diện hữu hình sang bình diện vô hình, từ bề ngoài sang bề trong, từ bề mặt sang bề sâu : cuộc Thương Khó và nhất cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá không đơn giản như ông Tô-ma nghĩ, nghĩa là cái chết của Thầy là tai họa không đáng có, và không tránh được, thì “tôi sẽ đi chết với Thầy cho trọn tình trọn nghĩa!” ; đường đi không phải là đường “Đồng Khởi”, nhưng là chính ngôi vị của Đức Giê-su, bởi vì chính Đức Ki-tô là Đường, chứ không phải là bất cứ điều gì khác.
2. Cứng lòng tin
Thánh Tô-ma cứng lòng tin, nhưngkhông chỉ thánh nhân, mà tất cả các tông đồ khác nữa. Thật vậy, Đức Ki-tô phục sinh khiển trách thánh Tô-ma, như đã khiển trách các tông đồ, vì đã không tin khi nghe lời chứng của các chứng nhân (x. Mc 16, 9-15).
Thật vậy, đáng lẽ ra, với lời chứng của các tông đồ khác, ông Tô-ma đã phải tin rồi. Vì khi gặp ông Tô-ma, Đức Giê-su Ki-tô phục sinh sẽ trách ông : “Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma vẫn muốn có được Đức Giêsu như xưa kia, trong khi Ngài đã đi vào trong sự sống mới. Vì thế, tương quan với Thầy, việc đi theo Thầy cũng sẽ mới. Đức Ki-tô không còn hiện diện với các môn đệ, và với chúng ta hôm nay một cách thể lý nữa, nhưng qua Thần Khí của Ngài, qua Lời của Ngài, qua các bí tích, qua những ơn huệ, qua những con người mà chúng ta được sai đến để phục vụ, nhất là những người bé nhỏ, nghèo hèn, bị thua thiệt, qua tương quan hiệp nhất, qua hành vi “bẻ bánh” của chúng ta, nghĩa là chia sẻ sự sống.
Thánh Tô-ma muốn thấy và không chỉ muốn thấy, mà còn muốn đụng ? Và rồi khi Chúa tỏ mình ra, Người mời gọi đụng vào Chúa, nhưng thánh nhân không dám đụng ? Đó là vì Người vừa là Đức Giê-su trước cuộc Thương Khó và vừa là Đức Chúa, là Thiên Chúa chiến thắng sự dữ và sự chết, vừa là Đấng Khác Hẳn, vượt không gian và thời gian. Vì thế, người ta không thể tự mình nhận ra ngay, mỗi khi Người tỏ mình ra.
3. Không thấy mà tin
Tám ngày sau ; có nghĩa là đúng một tuần. Đó là đêm tối của đức tin, nhưng cũng là thời gian cần thiết để đi tới đức tin đích thật. Thực vậy, ông Tô-ma đã trở thành con người khác, sau thời gian một tuần : ông đã không làm điều ông tuyên bố, mặc dù chính Đức Giêsu mời ông thực hiện. Đức Ki-tô “chiều” ông Tô-ma biết bao, nhưng là để mời gọi ông đi xa hơn và sâu hơn trong cách thức tin, hiểu, yêu và đi theo Đức Ki-tô Phục Sinh. Ông tuyên xưng :
Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.
Đức Giêsu phục sinh mà ông “nhìn thấy” trước mặt ông là một “Đấng Khác”, không như ông đã nghĩ. Đó là sự hiện diện thần linh, sự hiện diện của Đấng vô hình. Biến cố hiện ra này, cũng như tất cả các biến cố khác (chẳng hạn trong trình thuật về cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh của bà Maria Mác-đa-la, của hai môn đệ trên đường Emmau) làm cho chúng ta hiểu ra rằng, người ta không tự mình nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, nhưng chính Ngài đến và cho nhận ra thì người ta mới nhận ra, bởi vì Đức Ki-tô sau cái chết đã đi vào sự sống mới.
Tương quan giữa chúng ta cũng cần vượt qua sự hiện diện hữu hình : tuy không thấy nhau, chúng ta vẫn được mời gọi sống sự hiện của nhau, ngang qua quà tặng, ngang ơn huệ. Điều này đặc biệt quan trọng trong huấn luyện : giữ tương quan ngay trong sự vắng mặt.
Như thánh Tô-ma, chúng ta hãy có lòng ước ao mạnh mẽ “thấy” Chúa để đi theo Người một cách cụ thể ; và xin cho chúng ta vượt qua bình diện thấy thể lí, để có thể nhận ra Đức Giê-su Ki-tô, là Đức Chúa Phục Sinh, ngang qua các dấu chỉ sáng tạo, sự sống, cuộc đời, ơn gọi, Lời Chúa, Thánh Thể dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc đời của chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể nhận ra sự hiện hiện của Chúa ngay trong lòng chúng ta, vì Người đã từng nói : “Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em.” Và như thế, chúng ta sẽ hưởng được mối phúc mà Đức Ki-tô công bố :
Phúc thay những người không thấy mà tin
Đó là mối phúc nhận ra, ở lại, đi theo và trở nên một với Đấng Phục Sinh ngang qua kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện và nhận ra Ngài hiện diện nơi các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh thể, và cả trong đời thường nữa với những hoàn cảnh và biến cố xẩy ra trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta ; như thánh Gioan kết luận sách Tin Mừng của Ngài :
Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận