Thứ Tư Đầu Tháng Tuần 22 TN

Đăng lúc: Thứ tư - 03/09/2014 02:37 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
 
 
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN: Th. Grêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT

   * Thánh nhân sinh quãng năm 540 tại Rôma. Người theo con đường công danh, nhưng đã từ chối chức thái thú Rôma. Người gia nhập đan viện và sau khi làm phó tế, người nhận nhiệm vụ sứ thần Công-tăng-ti-nốp. Ngày 3 tháng 9 năm 590, người được chọn làm người kế vị thánh Phêrô suốt mười bốn năm phục vụ Hội Thánh (590-604). Dầu sức khỏe không dồi dào, người đã tận tụy chu toàn bổn phận, giúp đỡ người nghèo, củng cố và truyền bá đức tin. Người đã biên soạn nhiều tác phẩm về luân lý và thần học. Hoạt động của người được nuôi dưỡng nhờ chiêm niệm. Người qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604.
 
Bài đọc (1 Cr 3, 1-9)
Anh em thân mến, tôi không thể nói với anh em như với những người thiêng liêng, nhưng với những người xác thịt, những trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa, chứ không cho của ăn, vì bấy giờ anh em chưa ăn được, nhưng cả bây giờ, anh em cũng chưa ăn được, vì hãy còn là người xác thịt. Bởi chưng ở giữa anh em, có sự ghen tương và tranh giành, thì anh em không phải là xác thịt, và sống như người phàm đó sao? Vì khi còn có người nói rằng: “Tôi thuộc về Phaolô”. Kẻ khác nói: “Tôi thuộc về Apollô”, thì anh em không phải là người phàm đó sao?
Vậy Apollô là gì? Phaolô là gì? Tất cả chỉ là những người giúp việc, mỗi người tuỳ theo ơn Chúa đã ban, nhờ họ mà anh em đã tin. Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng chẳng là gì cả, người tưới cũng chẳng là gì cả, nhưng chỉ Thiên Chúa, Đấng làm cho mọc lên, mới đáng kể. Kẻ gieo và người tưới đều là một. Mỗi người sẽ lãnh công theo sự khó nhọc của mình. Vì chúng tôi là những người phụ tá của Thiên Chúa: còn anh em là cánh đồng của Thiên Chúa và là toà nhà của Thiên Chúa.


Tin Mừng (Lc 4, 38-44)
Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa”. Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Đức Kitô.
Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.


Thánh Grê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT


Sau khi người cha qua đời, thánh Grêgôriô lãnh nhận tất cả gia tài trong đó có cả tu viện Andreas và tài sản ở Sicile gồm 5 tu viện khác. Ngài trở thành tu sĩ ở tu viện Andreas. Không bao lâu, Giáo triều cử ngài làm sứ thần Tòa Thánh tại Constantinople từ năm 579-585. Sau đó được gọi về Rôma giữ nhiều chức vụ quan trọng và vào năm 590 được bầu lên ngôi Giáo hoàng.
Ngài được gọi là Grêgôriô cả vì những công tác đại sự của mình:
- Canh tân phụng vụ
- Canh tân luật giáo sĩ
- Phát triển luật dòng Biển Đức
- Gởi Giám mục Augustine và 40 tu sĩ sang truyền giáo ở Anh
- Cố gắng liên lạc với các man dân đã tiêu diệt đế quốc La Mã, lo lắng cho họ vào đạo. Thành công trong việc truyền đạo cho người Lombard
- Đối đầu với việc ly khai của anh em Đông Phương.
Ngài được tôn phong là tiến sĩ Hội Thánh. Chúng ta còn giữ được 854 lá thư của ngài gởi cho đủ hạng người. Trong lập trường thần học và chính trị tôn giáo, ngài chịu ảnh hưởng của Thánh Augustine rất nhiều.
Ngài đã có công trả tất cả gia sản tinh thần của các giáo phụ cho thời đại mới sau thời di dân, mà chúng ta gọi là thời Trung Cổ. Ngài qua đời ngày 12 thánh 3 năm 604.
Nhờ công nghiệp và lời chuyển cầu của thánh Grêgôriô, xin Chúa cho mỗi người Kitô hữu hãy biết đem khả năng và sức lực của mình để phụng sự Chúa và chăm lo cho phần rỗi các linh hồn.


Suy niệm 1: CỨU ĐỘ BẰNG TÌNH THƯƠNG

“Ông là Con Thiên Chúa”. Đây là lời tuyên xưng của ma quỷ khi bị Đức Giêsu trục xuất khỏi những người mà chúng làm hại. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã dùng quyền năng của Thiên Chúa mà truyền cho chúng phải câm miệng.
Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì Đức Giêsu biết rất rõ trong tâm thức thực dụng của các môn đệ và những người Dothái thời bấy giờ là mong muốn và hy vọng về một Đấng Messia theo kiểu trần tục. Họ khát mong Đấng đó phải là người: giải phóng dân tộc Israel khỏi ách đô hộ của đế quốc La Mã, đem lại tự do, cơm no áo ấm và vinh quang cho đất nước…
Nhưng sứ mạng của Đức Giêsu không phải đến để giải phóng theo ý hướng của họ, mà là đến để giải thoát con người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, chữa lành bệnh tật và đem lại cho họ niềm hạnh phúc thật sự là được ở với Chúa.
Vì thế, Đức Giêsu đã cấm ma quỷ nói về Ngài, vì bây giờ không phải là lúc thuận tiện để mọi người hiểu được cốt lõi sứ mạng nơi Đức Giêsu.
Thật vậy, con đường cứu độ của Đức Giêsu là con đường của vâng lời, hy sinh, phục vụ, tự hủy và chịu chết, chứ không phải là con đường nhung lụa, vũ trang, quyền lực, thống lãnh… theo kiểu nhà binh.
Hôm nay, phụng vụ cũng mừng kính thánh Grêgôriô Cả, Giáo Hoàng. Thánh nhân được nhiều thế hệ ngưỡng mộ và cảm phục là vì cả cuộc đời của ngài đã hết lòng hăng say phục vụ, thao thức trăn trở cho vận mạng Giáo Hội, nhất là nền thánh nhạc trong phụng vụ. Thánh nhân đã chìm sâu trong cốt lõi của Tin Mừng qua hành động khi ưu tiên, chăm sóc và lo lắng cho người nghèo, bị áp bức, bóc lột… luôn tìm mọi cách để giúp đỡ họ.
Thánh nhân còn được biết đến bởi tính thẳng thắn và sự cương quyết khi thấy những linh mục và giám mục phục vụ không vì mục đích làm vinh danh Chúa và ích lợi cho các linh hồn, thì ngài sẵn sàng cách chức vì sự bất xứng của họ.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy sống và chu toàn sứ mạng mà Chúa trao phó trong vai trò và bổn phận của mình cách trung thành. Luôn đứng về phía người nghèo, thấp cổ bé họng, để bênh đỡ họ, vì chính Chúa đã đồng hóa Ngài với những người như thế. Mặt khác, đây cũng là thước đo lòng yêu mến Chúa của chúng ta. Đây phải là đối tượng số một của Tin Mừng và sứ mạng nơi chúng ta.
Đây phải là đối tượng số một của Tin Mừng và sứ mạng nơi chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống tinh thần yêu thương như Chúa khi xưa, hầu nhiều người sẽ nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa là chúng con biết yêu thương nhau.Amen.



Suy niệm 2: TRUYỀN GIÁO: ƠN GỌI VÀ BỔN PHẬN CỦA KITÔ HỮU

“Tôi phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” (Lc 4,43)
Suy niệm: Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Ki-tô, một thân thể với nhịp đập của trái tim là việc truyền giáo. Một thân thể bình thường sẽ như thế nào nếu không có nhịp đập của quả tim; cũng vậy, Thân Thể Mầu Nhiệm là Giáo Hội sẽ chết nếu không truyền giáo. Sứ mạng truyền giáo ấy đã được Chúa Cha giao phó cho Chúa Giê-su và luôn nung nấu lòng Ngài trong mọi hoàn cảnh: “Tôi phải loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa.” Chúa Giê-su lại trao sứ mạng truyền giáo cao quý ấy cho Giáo Hội và trở thành bản chất của Giáo Hội. Là thành viên của Giáo Hội, mỗi Ki-tô hữu đều có bổn phận truyền giáo với cung cách truyền giáo riêng của mình. Trong nền văn hoá tiêu thụ thực dụng hiện nay, người ta có xu hướng đáng sợ là mải mê tìm kiếm tiện nghi vật chất, hưởng thụ… mà quên ơn gọi và sứ mạng giúp những người lân cận nhận biết Chúa.
Mời Bạn: Các tạo vật dùng hình thái, sắc màu, tiếng kêu, đời sống… để nói len vinh quang của Thiên Chúa. Còn bạn, bạn có dùng lời nói và cuộc sống tốt đẹp giúp cho con người thời nay tin vào Chúa và hưởng ơn cứu độ của Ngài?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết sống vui tươi, lạc quan và cư xử bác ái, yêu thương với những người chung quanh như một cách loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giê-su, xin cho con yêu mến truyền giáo, để mỗi sớm mai thức dậy, con có được niềm vui mới, niềm vui được Chúa thương chọn và sai đến với những con người con gặp gỡ, giúp họ tìm gặp được Chúa và yêu mến Chúa như đã được Chúa yêu. Amen.



Suy niệm 3

Có thể nói đoạn Tin mừng hôm nay thuật lại một ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu ở Capharnaum với biết bao công việc: Vào Hội đường giảng dạy, rồi đến nhà chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô; mãi đến lúc mặt trời lặn, Ngài vẫn còn tất bật chữa lành đủ mọi loại bệnh hoạn, tật nguyền. Sáng sớm tinh mơ, Chúa lại tìm đến nơi hoang vắng để cầu nguyện cùng Chúa Cha.
Ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu phải trở nên khuôn mẫu cho ngày sống của mỗi người kitô hữu chúng ta.
Noi gương Chúa Giêsu chúng ta hãy bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện.
Cầu nguyện để gặp gỡ Chúa, được sống thân tình bên Chúa, để lắng nghe lời Chúa chỉ dạy. Trên hết cầu nguyện để nhận lấy nguồn ơn sức mạnh nâng đỡ của Chúa nhằm chu toàn tốt bổn phận hằng ngày. Một ngày sống khởi đầu với kinh nguyện, thánh lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt thành làm mọi việc trong ngày sáng danh Chúa.
Học nơi Chúa Giêsu, chúng ta hãy chuyên chăm làm việc.
Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để sống trong thế giới hữu hình và được đặt trong thế giới này để “làm chủ trái đất“. Vì thế, ngay từ đầu con người đã được kêu gọi để lao động. Chính Chúa Giêsu cũng đã nêu gương cho ta: “cho đến nay, Cha tôi làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
Làm việc để có của nuôi sống bản thân và gia đình; đóng góp vào sự tiến bộ liên tục của khoa học kỹ thuật, nhất là làm cho cộng đồng xã hội anh em của mình luôn luôn thăng tiến về văn hóa và đạo đức, đó là ý định của Chúa và mong muốn của con người.
Tóm lại: Chúa Giêsu đã đi bước trước trong đời sống lao động và cầu nguyện. Lao động mà không cầu nguyện sẽ làm cuộc sống con người mệt mỏi và đơn điệu; ngược lại cầu nguyện mà không lao động khiến con người trở nên sống hình thức, lười biếng và ỷ lại.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết kết hợp cách hài hoà giữa lao động và cầu nguyện để nhờ đó nhân loại không chỉ biết trân trọng những giá trị do lao động mang lại, mà còn biết trân trọng những hiệu quả lớn lao của đời sống kết hiệp với Thiên Chúa.
***
Lạy Chúa Giê-su thánh thể,
Tình yêu đích thực luôn đòi hỏi hy sinh cho người mình yêu. Vì yêu là chấp nhận hy sinh. Yêu là phải quảng đại, dấn thân để mang lại hạnh phúc cho người mình yêu.
Vâng lạy Chúa, tình yêu đó luôn thể hiện trong suốt cuộc đời của Chúa. Chúa yêu nhân loại nên chẳng nề gian lao vất vả. Đau khổ đắng cay. Dầm mưa giãi nắng. Yêu thương và phục vụ là biểu tượng của Chúa. Từ trẻ nhỏ đến cụ già. Từ người giầu đến người nghèo. Từ kẻ quyền quý đến kẻ thấp hèn. Chúa đều thi ân giáng phúc. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa tấm lòng quảng đại hy sinh để chúng con đem niềm vui đến chốn u sầu, đem ủi an đến chốn thất vọng. Xin loại trừ trong chúng con sự ích kỷ và tính hưởng thụ cá nhân, để chúng con biết sống vì lợi ích tha nhân.
Lạy Chúa, xin cho thế giới chúng con sống có nhiều người quảng đại như Chúa để xoa dịu những thương đau cho nhân thế. Xin cho chúng con mỗi lần rước Chúa, chúng con cũng mang tình yêu và sức sống của Chúa hòa tan trong thế gian. Amen.


 Suy Niệm 4: Chữa Trị Bệnh Tật

"Chúng ta hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" đó là lời phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta để gián tiếp chấp nhận lời yêu cầu của một số ký giả và những người làm phim muốn làm một cuốn phim tài liệu trình bày những công việc từ thiện do Mẹ và các Nữ tu Dòng Thừa sai bác ái thực hiện. Từ mấy chục năm nay, tinh thần và tình yêu của Mẹ Têrêsa đối với những người đau khổ bệnh tật đã được lan ra khắp nơi trên thế giới, như một tiếp tục công tác chính Chúa Giêsu đã thực hiện mà chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay.
Thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người khác, thánh sử Luca ghi lại: "Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài. Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ". Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc bấy giờ là bệnh phong cùi.
Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người bị cầm tù. Ngài nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta". Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
Xin cho công trình giải phóng và cứu rỗi của Chúa được nhiều người quảng đại dấn thân tiếp tục. Xin cho đôi mắt đức tin chúng ta sáng suốt để nhận ra Chúa nơi những người đang cần được giúp đỡ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Mến Chúa Và Yêu Người

Năm 1990, trong chuyến viếng thăm Phi Châu, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến Gia Mô Su Cô, thủ đô nước Qua Tê Ðô Bu A để kính viếng Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình do tổng thống nước này cho xây cất và dâng tặng cho Tòa Thánh.
Ðược mô phỏng từ Vương Cung Thánh Ðường ở Rôma, ngôi giáo đường vĩ đại này có thể chứa đến tám ngàn chỗ ngồi và mười ngàn chỗ đứng. Người ta không biết rõ kinh phí xây cất ngôi thánh đường này là bao nhiêu, nhưng tổng thống Kufues cho biết mọi chi phí đều do gia đình ông đài thọ. Vào giữa lúc dân chúng Qua Tê Ðô Bu A vẫn còn sống trong nghèo nàn lạc hậu, nhiều người đã có lý để chất vấn ông Kufues tại sao không dùng số tiền kếch sù ấy để xây cất trường học và đẩy mạnh công cuộc phát triển có lợi cho dân nghèo. Ðây cũng chính là điều kiện để Tòa Thánh đón nhận món quà của tổng thống nước này.
Ðức Thánh Cha đã đến thánh hiến Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình nhưng đồng thời cũng kêu gọi tổng thống Kufues quan tâm tới công tác giáo dục và xã hội cho dân nghèo. Do đó, tổng thống Kufues đã tặng cho Giáo Hội một khu đất gần nhà thờ để thiết lập một bệnh viện cho người nghèo.
Ðức Thánh Cha đã thánh hiến ngôi giáo đường nguy nga nhưng đồng thời cũng đặt viên đá đầu tiên để xây cất bệnh viện. Cử chỉ này mang một ý nghĩa tượng trưng cao độ, nó nói lên mối quan tâm của Giáo Hội đối với vấn đề phát triển toàn diện con người.
Rao giảng Tin Mừng không chỉ có nghĩa là công bố những chân lý liên quan đến phần rỗi linh hồn, sống đạo không chỉ có nghĩa là xây cất nhà thờ và chu toàn những việc đạo đức đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ. Góp phần phát triển xã hội, tranh đấu cho công bình, nỗ lực mang lại no cơm ấm áo và xoa dịu bao vết thương đau của con người, đó cũng là thành phần thiết yếu của công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Giáo Hội trong thế giới ngày nay như hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng khẳng định không thể xa lạ hay làm ngơ trước những vui mừng và hy vọng, đau thương và sầu khổ của con người thời đại, và những vấn đề sống còn của con người. Giáo Hội hành động như thế là vì tính cách toàn diện của ơn cứu rỗi. Thiên Chúa không chỉ cứu rỗi phần linh hồn mà cả con người với hồn lẫn xác. Giáo Hội loan báo ơn cứu rỗi toàn diện như thế là bởi vì chính Chúa Giêsu đã loan báo và thực hiện một ơn cứu rỗi như thế. Ngài không chỉ rao giảng và hứa hẹn một Nước Trời hoàn toàn xa lạ với những thực tại trần thế. Nước Trời mà Ngài rao giảng đến ngay trong những thực tại trần thế và trong cuộc sống cụ thể của con người. Ngài không chỉ tha tội trừ quỉ, chữa phần linh hồn mà còn dâng bánh và cá cho nhiều người được ăn no nê, cũng như chữa lành mọi thứ tật bệnh của con người.
Cử chỉ của Chúa Giêsu đối với nhạc mẫu của thánh Phêrô và việc Ngài đặt tay chữa những người bệnh tật ốm đau được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay là điển hình của một tình yêu được trải rộng đến mọi người, từng người, từng nhu cầu của con người mà Chúa Giêsu muốn Giáo Hội tiếp tục trong thế giới ngày nay. Cần có nhà thờ để qui tụ lại, tôn vinh Thiên Chúa và thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của con người, nhưng càng cần có nhà thương và trường học để phục vụ con người hơn. Gặp gỡ Thiên Chúa trong nhà thờ đã đành, nhưng gặp gỡ Ngài trong tha nhân và cuộc sống hàng ngày mới thiết thực hơn. Có những giây phút tĩnh lặng để cầu nguyện, nhưng cầu nguyện là để được tỉnh thức hơn hầu gặp gỡ, yêu thương và phục vụ người anh em trong cuộc sống hàng ngày. Con đường nào cũng phải dẫn tới nhà thờ nhưng nhà thờ nào cũng có lối thông với cuộc đời. Người tín hữu Kitô gặp gỡ Chúa để múc lấy sức sống và trở lại cuộc sống hàng ngày hầu gặp gỡ và yêu thương người anh em của mình nhiều hơn.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết thống nhất hai giới răn mến Chúa và yêu người và ý thức rằng cốt lõi của Ðạo là Tình Yêu.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Tin mừng cho toàn thế giới

Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Ngài bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng cho thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm, việc đó.” (Lc. 4, 42-43)
Đức Kitô đã nói:” Tôi còn phải loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa cho các nơi khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó”. Người không chỉ đến một thành, là Ca-pha-na-um, hay những vùng lân cận đó, nhưng đến tận cùng thế giới.Chữa những bà mẹ vợ và còn bao nhiêu bà khác nữa!Chữa những người bị quỷ ám và còn phải đuổi bao nhiêu thần ôuế khác nữa!
Đừng nên bóp nghẹt Người vào một chỗ: đừng nên độc quyền nắm giữ sứ điệp nước trời cho riêng mình. Cần phải loan truyền Tin Mừng cho khắp mọi nơi như Người đã muốn, như chính Người đã làm. Chúng ta không thể là những người sở hữu độc nhất và đặc quyền khai thác Tin Mừng. Hiến chế về Giáo Hội của công đồng Va-ti-can II nói với chúng ta: “ Mỗi môn đệ của Chúa Kitô, tùy theo địa vị của mình, đều phải làm tròn trách nhiệm gieo hạt giống đức tin”. (số 17). Phép rửa tội làm cho chúng ta trở nên những nhà truyền giáo. Chúng ta không chỉ là Kitô hữu cho nơi của mình. Về phần chúng ta phải mang Tin Mừng đi khắp mọi nơi chúng ta đến.
Giáo Hội phát triển nhờ những cuộc bách hại thời sơ khai thúc đẩy các môn đệ Chúa Kitô đi lập cơ sở mới ra khỏi thế giới Do-thái. Những bất mãn hiện thời của nhiều nhóm công giáo lâu đời buộc chúng ta phải cởi mở ra thế giới khác chúng ta, họ khao khát Thiên Chúa, có sức thấm nhuần và thăng tiến lời Chúa mạnh mẽ. Xưa, Đức Giêsu đã truyền lệnh cho các tông đồ: “ Nếu họ từ chối các con, thì các con hãy đi sang làng khác”. Thiên Chúa không còn áp đặt. Con Chúa cũng vậy. Suốt dòng lich sử Giáo Hội, chúng ta đã quên điều đó. Công đồng Va-ti-can II đã nhắc nhở chúng ta trong một tuyên ngôn cách mạng về tự do tôn giáo.
Thật chính đáng khi nhận biết rằng: tất cả là ơn Chúa, tất cả là sự quan phòng của Chúa, tất cả qui hướng về vinh quang cao cả của Chúa. Những người bị bỏ rơi đã được Chúa chọn, khiến chúng ta phải hiểu ơn gọi của người Kitô chúng ta là: Hãy đi đến với mọi người không trừ ai, vì không có một người nào mà Chúa không ghé mắt đoái nhìn. Còn chúng ta, phải nói gì với họ
GF


SUY NIỆM 7:

1. Từ “Hội Đường” đến “Nhà ông Phêrô”
“Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon”; ông Simon là người mà sau này Đức Giêsu đặt thêm một tên mới: Phêrô, nghĩa là đá, để nói lên sứ mạng của ông. Trong viễn tượng này, hành trình của Đức Giêsu từ hội đường đến nhà ông Simon Phêrô mang đầy ý nghĩa:
- Từ Cựu Ước sang Tân Ước; từ Israel sang Dân Mới của Thiên Chúa, là Giáo Hội.
- Từ nơi phượng tự sang ngôi nhà của đời sống bình thường.
Cũng như mỗi khi chúng ta, sau Thánh Lễ, sau giờ chầu và giờ kinh, chúng ta rời khỏi Nhà Nguyện để đến nơi chúng ta sống và làm việc. Và chính ở nơi chúng ta sống và làm việc mà ở đó diễn ra mọi vấn đề của cuộc sống (vấn đề tương quan, vấn đề công việc, chuyện vui chuyện buồn, những lo lắng…) và mọi vấn đề của thân phận con người (sinh, lão, bệnh, tử). Nhưng cũng chính tại nơi chúng ta sống và làm việc mà niềm tin của chúng ta nơi Chúa, kinh nghiệm ơn cứu độ và đời sống ơn gọi, Ki-tô hữu hay tu trì, được thử thách và qua đó trở nên đích thực.
Vì thế, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm những gì diễn ra trong nhà ông Simon Phêrô, vì tuy những gì diễn ra ở đây thật đơn sơ, nhỏ bé và giới hạn, nhưng lại nói cho chúng ta cách thức để cho Chúa đi vào trong đời thường của chúng ta.
2. Ơn chữa lành và phục vụ
Lúc ấy, trong nhà, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng; Tin Mừng theo thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu thêm chi tiết này: bà nằm liệt trên giường. Họ xin Người chữa bà. Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể tinh tế hơn: “lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà” (Mc 1, 30).
Chúng ta có thể dừng lại ở đây để cảm nếm sự hiệp thông của nhiều người được dệt nên chung quanh người bệnh, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu: mọi người trong nhà và cả những người có mặt ở đó quan tâm đến người mẹ. Thánh Mác-cô xác định, đó là các môn đệ. Điều này có nghĩa là, người thân của một người trong nhóm, đã trở thành người thân của tất cả nhóm. Chúng ta đã có kinh nghiệm này trong đời sống đức tin và nhất là trong đời sống dâng hiến. Sự quan tâm dành cho nhau trong thực tế và trong lời nguyện, chính là nét thiết yếu làm nên Cộng Đoàn, và làm nên Dân Mới do Đức Giêsu qui tụ.
Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất. Thánh Mác-cô mô tả chi tiết hơn: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy”. Như thế ơn chữa lành đến từ cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Đức Giêsu và người bệnh; một cuộc gặp gỡ thật gần gũi và trìu mến. Đức Giêsu cũng đón nhận người thân của các môn đệ như là người thân của chính mình. Và đây là mẹ vợ chứ không phải mẹ ruột!
Cơn sốt biến mất và bà mẹ bắt đầu phục vụ họ, nghĩa là Đức Giêsu và cả nhà. Bà khỏi bệnh và lấy lại sức sống, không chỉ là sức sống thể lý, nhưng là sức sống mới phát xuất từ lòng biết ơn, vì thế, hành động đầu tiên bà thực hiện đó là phục vụ. Cũng giống như chúng ta, chúng ta được Đức Giêsu chữa lành, phục hồi, giải thoát, tha thứ, chúng ta dâng hiến cuộc đời trong ơn gọi gia đình, và nhất là ơn gọi dâng hiến ngang qua ba lời khấn, để diễn tà lòng cảm mến và để phục vụ.
3. Ơn chữa lành hôm nay
Trong cuộc sống, chúng ta cũng nhiều khi mang bệnh, không phải là bị sốt, vì bệnh sốt đã có nhiều loại thuốc tây paracetamol, aspirine, chữa rất hiệu quả. Nhưng đó là những bệnh nội tâm vô hình, những bệnh này cũng làm cho chúng ta “liệt giường”, “liệt giường” trong tương quan với Chúa, trong tương quan với anh em hay chị em trong cộng đoàn hay gia đình và những người thân yêu, và có thể nói, “liệt giường” cả trong xác tín về ơn gọi và sứ vụ.
*  *  *
Chúng ta được mời gọi quan tâm đến nhau và cầu nguyện cho nhau như các môn đệ xưa, để Đức Giêsu đến gần, đụng vào từng người chúng ta và ra lệnh cho “mọi bệnh hoạn tật nguyền” của chúng ta biến đi, để ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm được Đức Giê-su chữa lành, nhờ lòng tin và sự liên đới của nhiều người.
Và chỉ với kinh nghiệm chữa lành này, chúng ta mới có thể sống với nhau thực sự, phục vụ nhau và phục vụ người khác cách thực sự, ngang qua ơn gọi mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta. “Một cách thực sự”, có nghĩa là chúng ta sống và phục vụ trong tâm tình biết ơn và lòng mến đối với Đấng ban ơn, là Đức Ki-tô.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận