Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình

Đăng lúc: Thứ hai - 05/10/2015 14:04 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 4-10-2015 ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ đồng tế trọng thể khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

 

 

Cùng đồng tế có 314 vị gồm các Nghị Phụ và các cộng sự viên, trong đó có 71 Hồng Y, 7 Thượng Phụ, 2 Tổng Giám Mục Trưởng, 72 Tổng Giám Mục, 102 Giám Mục và 58 Linh Mục. Tham dự thánh lễ có khoảng 10.000 tín hữu và du khách hành hương. Các lời nguyện giáo dân đã được đọc trong các thứ tiếng Tầu, Tây Ban Nha, A rập, Bồ Đào Nha và Swahili: cầu cho Giáo Hội biết chiêm ngắm và giữ gìn công trình sáng tạo của Thiên Chúa; cho các nghị phụ được Chúa Thánh Thần soi sáng trợ lực trong nhiệm vụ hướng dẫn tín hữu theo Chúa Kitô; cho các nhà lập pháp và giới lãnh đạo biết thăng tiến công ích, công lý và hòa bình; cho giới trẻ và những người đính hôn khám phá ra vẻ đẹp của sự nhưng không, lòng trung thành và sẵn sàng hy sinh và tha thứ; cho các gia đình bị thử thách đau khổ đuợc ơn thánh Chúa an ủi, được các anh chị em khác và các cơ cấu trợ giúp. Đã có 70 linh mục và phó tế giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ.

 

Cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh xin các vị bầu cử cho Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra tốt đẹp như ý Chúa muốn.

 

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc Chúa Nhật thứ 27 thường niên năm B, tập trung trên ba đề tài: thảm cảnh sự cô đơn của con người, tình yêu giữa người nam và người nữ, và gia đình. ĐTC nói: Trong vuờn Địa Đàng Thiên Chúa để cho Adam đặt tên cho mọi thụ tạo, nhưng con người cảm thấy cô đơn, vì không tìm ra một sự trợ giúp tương xứng với mình (St 2,20). Sự cô đơn là thảm cảnh của biết bao nhiêu người ngày nay: người già bị bỏ rơi bởi cả con cái và những người thân trong gia đình; những người goá bụa; biết bao nhiêu người bị chồng hay vợ bỏ rơi; biết bao nhiêu người cảm thấy cô đơn, không được hiểu biết và lắng nghe; những người di cư tỵ nạn chạy trốn chiến tranh và bách hại; biết bao ngưởi trẻ, nạn nhân của nền văn hóa tiêu thụ, dùng rồi vất bỏ và của nền văn hóa loại trừ. ĐTC nhận xét thế giới ngày nay như sau:

 

Ngày nay, người ta sống sự mâu thuẫn của một thế giới toàn cầu hóa, trong đó chúng ta trông thấy biết  bao chỗ ở xa hoa và các nhà chọc trời, nhưng càng ít hơi ấm của mái nhà và gia đình; biết bao nhiêu dự án tham vọng, nhưng ít thời giờ để sống điều đã được thực hiện; biết bao nhiêu phương tiện giải trí tân tiến vượt  bực, nhưng càng nhiều sự trống rỗng trong con tim hơn; biết bao nhiêu thú vui, nhưng ít tình yêu; biết bao nhiêu tự do, nhưng ít tự lập. Càng ngày càng có nhiều người cảm thấy cô đơn, nhưng cũng có người khép kín trong ích kỷ, trong buồn chán, trong bạo lực tàn phá, hay trong nô lệ thú vui và thần tiền bạc. Ngày nay chúng ta cũng sống kinh nghiệm của Adam xưa kia: biết bao nhiêu quyền lực bị đi kèm bởi biết bao nhiêu cô đơn và dễ mang thương tích. Và gia đình là hình ảnh phán chiếu thực tại đó. Người ta luôn ngày càng ít nghiêm chỉnh hơn trong  việc tiếp tục một tương quan tình yêu vững chắc và phong phú: trong lúc khỏe mạnh cũng như trong bệnh tật, trong lúc giầu có cũng như khi nghèo túng, trong may mắn cũng như trong rủi ro. Tình yêu bền bỉ, trung thành, ý thức, ổn định và phong phú ngày càng bị chế nhạo hơn, và bị coi như đổ cổ. Xem ra các xã hội tân tiến lại là các xã hội có số sinh thấp và có nhiều vụ phá thai, ly dị, tử tử và ô nhiễm môi sinh và xã hội hơn.

 

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: “Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một sự trợ giúp tương xứng vói nó” (St 2,18). Các lời này của Chúa chứng minh cho thấy không có gì khiến cho trái tim của một người hạnh phúc như một trái tim giống trái tim của nó. Chúng cũng chứng minh rằng Thiên Chúa đã không tạo dựng con người để nó sống trong buồn chán hay ở một mình, nhưng để nó sống hạnh phúc, chia sẻ con đường của mình với một người khác bổ túc cho nó, để nó sống kinh nghiệm tình yêu tuyệt vời: nghĩa là để được yêu và để thấy tình yêu của mình phong phú nơi con cái, như nói trong thánh vịnh (Tv 128). Trả lời câu hỏi bẫy sập liên quan tới luật ly dị được đưa ra, Chúa Giêsu  đưa tất cả trở về nguồn gốc việc tạo dựng, để dậy rằng Thiên  Chúa chúc phúc cho tình yêu nhân loại, chính Ngài kết hiệp các con tim trong sự hiệp nhất và bất khả phân ly. Điều này có nghĩa là tình yêu hôn nhân không chỉ là sống với nhau, nhưng là yêu nhau luôn mãi.

 

“Như thế con người không thể phân rẽ điều Thiên Chúa đã kết hợp”. Đây là một khích lệ tín hữu thắng vượt mọi hình thức cá nhân chủ nghĩa và vụ luật lệ, che dấu một sự ích kỷ hà tiện và một nỗi sợ hãi  gắn bó với ý nghĩa đích thực của lứa đôi và tính dục nhân bản trong chương trình của Thiên Chúa.  Thật vậy, chỉ dưới ánh sáng sự điên dại của tình yêu nhưng không phục sinh của Chúa Giêsu mới có thể hiểu được sự điên dại tình yêu hôn nhân nhưng không duy nhất cho tới chết.

 

ĐTC ghi nhận rằng con người ngày nay tuy thường chế nhạo chương trình ấy của Thiên  Chúa, nhưng lại cảm thấy bị lôi cuốn hấp dẫn bởi mọi tình yêu chân thật, vững vàng, phong phú, trung thành và vĩnh cửu. Nó chạy theo các tình yêu tạm bợ, các thú vui xác thịt, nhưng mơ ước tình yêu đích thật, và ước mong tận hiến hoàn toàn. Các thú vui bị cấm hết hấp dẫn khi được phép.

 

Tiếp đến ĐTC đã khẳng định rằng trong bối cảnh xã hội và hôn nhân này Giáo Hội được mời gọi  sống sứ mệnh của mình trong sự trung thành, trong chân lý và bác ái. Trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu bảo vệ tình yêu trung tín, và khích lệ các gia đình sống hôn nhân biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa; bảo vệ sự thánh thiêng của mọi sự sống; bảo vệ sự hiệp nhất và tính bất khả phân ly của hôn nhân. Sống sứ mệnh trong chân lý, không chạy theo các mốt mau qua và các ý kiến thống trị. Sống sứ mệnh trong bác ái không chỉ tay phán xử người khác, nhưng trung thành với bản chất là mẹ, tìm săn sóc  các cặp vợ chồng bị thương tích với dầu tiếp đón và thương xót; là bệnh xá chiến trường, với cánh cửa luôn luôn rộng mở tiếp đón bất cứ ai gõ cửa xin trợ giúp và nâng đỡ; đi ra khỏi chuồng chiên hướng tới những người khác với tình yêu chân thành để đồng hành với nhân loại bị thương tích và dẫn nó tới suối nguồn ơn cứu độ. “Phải luôn luôn lên án và chống lại sự sai lầm và sự dữ, nhưng người té ngã hay sai lầm  phải được thông cảm và yêu thương. Chúng ta phải yêu thương thời đại chúng ta và trợ giúp con người thời đại chúng ta”, như Thánh Gioan Phaolô II đã nói (Diễn văn nói với Phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia, 30-12-1978: Giáo huấn I (1978),450)

 

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin với 50.000 ngàn tín hữu và du khách hành hương. Đề cập tới công việc của các Nghị Phụ trong ba tuần nhóm họp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ 14 ĐTC nói

 

Chúng tôi sẽ hướng cái nhìn dán chặt vào Chúa Giêsu để, dựa trên nền tảng giáo huấn chân lý và thương xót của Chúa, nhận ra các con đường thích hợp nhất cho dấn thân của Giáo Hội với và cho các gia đình, để chương trình ban đầu của Đấng Tạo Hóa đối với người nam và người nữ có thể hiện thực trong tất cả vẻ đẹp và sức mạnh của nó trong thế giới ngày nay.

 

Khi bỏ cha mẹ để kết hiệp với vợ và trở nên một thịt xác duy nhất, một sự sống duy nhất các cặp vợ chồng thông truyền sự sống cho các con người mới, trở thành cha mẹ và tham dự vào công trình và quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, và người ta chia sẻ công trinh của Ngài khi yêu thương với Ngài và như Ngài. Tình yêu mà Thiên Chúa đổ vào trong lòng chúng ta cũng là tình yêu được ban cho các cặp vợ chồng trong bí tích hôn nhân. Nó là tình yêu nuôi dưỡng tương quan của họ  trong những lúc  vui buồn sưóng khổ, thanh thản và khó khăn. Nó là tình yêu dấy lên ước muốn có con cái, chờ đợi, tiếp đón, nuôi nấng giao dục  chúng. Nó cũng chính là tình yêu mà Chúa Giêsu bầy tỏ cho các trẻ em.

 

ĐTC đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho tất cả những người làm cha mẹ và các nhà giáo dục trên toàn thế giới để họ là các dụng cụ của sự tiếp đón và tình yêu của Chúa Giêsu. Ngài đặc biệt nghĩ tới các trẻ em đói khát, bị bỏ rơi, bị khai thác bóc lột, bị bó buộc tham chiến, bị khước từ. Thật là đau lòng trông thấy các hình ảnh trẻ em bất hạnh với cái nhìn lạc lõng, chạy trốn nghèo đói và xung khắc gõ cửa nhà và con tim của chúng  ta khẩn cầu trợ giúp. Xin  Chúa giúp chúng tra đừng là xã hội chiến lũy,  nhưng là xã hội gia đình có khả năng tiếp đón với các luật lệ thích hợp.

 

ĐTC cũng xin mọi người cầu nguyện cho các công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục để Chúa Thánh Thần khiến cho các Nghị Phụ ngoan ngoãn đối với các linh hứng của Ngài, qua lời bầu cử của Đức Bà Pompei mà hôm qua tại đền thánh tín hữu đọc lời kinh Khẩn nài Đức Bà Mân Côi. Ngài cũng chia buồn và cầu nguyện cho các nạn đất lở chôn vùi một làng bên Guatemala và nạn nhân bão lụt tại Côte D’ Azur của Pháp.

 

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

 

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 04.10.2015)

 

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng về Gia Đình
J.B. Đặng Minh An dịch10/4/2015

Lúc 10h sáng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng về Gia Đình. Dưới đây là toàn văn bài giảng của ngài.

“Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.”(1 Gioan 4:12).

Các bài sách Thánh trong Chúa Nhật này dường như đã được lựa chọn chính xác cho thời điểm ân phúc mà Giáo Hội đang trải qua là Thượng Hội Đồng về Gia Đình, bắt đầu với buổi cử hành Thánh Thể này. Trung tâm của các bài đọc là ba chủ đề: sự cô đơn, tình yêu giữa người nam và người nữ, và gia đình.

Sự cô đơn

Adong, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất, được sống trong Vườn Địa Đàng. Ông đặt tên cho tất cả các sinh vật khác như là một dấu chỉ về sự thống trị của mình, về quyền lực rõ ràng và không thể tranh cãi của mình, trên tất cả mọi loài. Tuy nhiên, ông cảm thấy cô đơn, bởi vì “chẳng tìm được một trợ tá cho ông” (St 2:20). Ông cô độc một mình.

Thảm trạng cô đơn là kinh nghiệm của vô số những người nam nữ trong thời đại chúng ta. Tôi nghĩ đến những người cao niên, bị bỏ rơi bởi chính những người thân yêu và con cái mình; những góa phụ và những người goá vợ; đến cơ man những người nam nữ bị người phối ngẫu của mình bỏ rơi; đến tất cả những người cảm thấy cô đơn, bị hiểu lầm và chẳng được lắng nghe; đến những người di cư và tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh và bách hại; đến những người già và đông đảo những người trẻ là nạn nhân của nền văn hóa tiêu dùng, văn hóa hoang phí và loại bỏ.

Ngày nay chúng ta cảm nhận được các nghịch lý của một thế giới toàn cầu hóa đầy những biệt thự sang trọng và các tòa nhà chọc trời, nhưng cùng với chúng là sự giảm thiểu cái ấm áp của mái ấm gia đình; cơ man những kế hoạch và các dự án đầy tham vọng, nhưng người ta càng ngày càng có ít thời gian để hưởng thụ chúng; nhiều phương tiện tinh vi của giải trí, nhưng lại có một sự trống rỗng nội tâm sâu sắc và lớn dần; nhiều thú vui, nhưng rất ít tình thương; nhiều thứ quyền, nhưng lại rất ít tự do. .. Số lượng những người cảm thấy cô đơn không ngừng tăng lên, cũng như số lượng những người đang bị cuốn hút vào thói ích kỷ, tâm trạng chán chường, bạo lực phá hoại và chế độ nô lệ cho khoái lạc và tiền bạc.

Kinh nghiệm ngày nay của chúng ta, một cách nào đó, cũng giống như của Adong với quá nhiều quyền lực nhưng đồng thời lại rất cô đơn và dễ bị tổn thương. Đây là hình ảnh của gia đình. Người ta càng ngày càng thiếu nghiêm túc trong việc xây dựng một mối quan hệ yêu thương vững chắc và sinh hoa kết quả: khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu. Tình yêu lâu dài, trung tín, tận tâm, ổn định và sinh hoa kết quả ngày càng bị đánh giá thấp, xem như là một di tích cổ kính thời xa xưa. Có vẻ như người ta cho rằng xã hội tiên tiến nhất chính là xã hội có sinh suất thấp nhất và có tỷ lệ phá thai, ly dị, tự tử, và ô nhiễm môi trường cao nhất.

Tình yêu giữa người nam và người nữ

Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta cũng nghe thấy Thiên Chúa đã đau khổ vì sự cô đơn của Adong. Ngài nói: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (St 2: 18). Những lời này cho thấy rằng không có gì làm cho trái tim con người hạnh phúc bằng một trái tim như của chính mình, một trái tim yêu mến anh ta và làm mất đi cảm giác trơ trọi một mình. Những lời này cũng cho thấy Thiên Chúa không tạo nên chúng ta để phải sống trong nỗi buồn hay trong cô đơn. Người đã tạo ra có nam có nữ để được hạnh phúc, để chia sẻ cuộc hành trình của họ với người bổ túc cho mình, để sống kinh nghiệm kỳ diệu của tình yêu: để yêu và được yêu, để được nhìn thấy tình yêu sinh hoa kết trái nơi con cái, như được nêu trong Thánh Vịnh ngày hôm nay (x. Thánh Vịnh 128).

Đây là giấc mơ của Thiên Chúa cho kỳ công sáng tạo yêu quý của mình: đó là thấy nó thành toàn trong sự kết hiệp yêu thương giữa một người nam và một người nữ, khi họ vui mừng trong cuộc hành trình được chia sẻ với nhau, sinh hoa kết quả trong món quà trao tặng cho nhau là chính mình. Đó cũng là kế hoạch Chúa Giêsu trình bày trong Tin Mừng hôm nay: “Từ lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mc 10: 6-8; x. St 1:27; 2:24).

Trước một câu hỏi chơi chữ - có lẽ hỏi như một cái bẫy để làm cho Ngài không còn được đám đông ưa chuộng nữa, trong đó nêu ra chuyện ly dị như là một thực tế đã được thiết định và bất khả xâm phạm - Chúa Giêsu phản ứng lại một cách thẳng thừng và bất ngờ. Ngài đã mang tất cả mọi thứ trở lại thời kỳ đầu của sáng tạo, mà dạy cho chúng ta rằng Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu con người, và chính Ngài đã kết hiệp trái tim của hai người yêu nhau lại với nhau. Ngài kết hiệp chúng trong sự hiệp nhất và bất khả phân ly. Điều này cho chúng ta thấy rằng mục tiêu của cuộc sống tri giao vợ chồng không đơn giản là để sống với nhau trọn đời, nhưng là để yêu thương nhau trọn cuộc sống! Bằng cách này, Chúa Giêsu tái lập trật tự đã có ngay từ đầu.

Gia đình

“Như thế, điều gì Thiên Chúa đã kết hiệp, loài người không được phân ly” (Mc 10: 9). Đây là một lời khích lệ các tín hữu đang vượt qua mọi hình thái của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa duy luật trong đó che giấu một sự tập trung hẹp hòi vào cái tôi của mình và nỗi sợ hãi phải chấp nhận ý nghĩa đích thực của đời sống lứa đôi và tính dục của con người theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Thật vậy, chỉ trong ánh sáng của sự điên rồ trong tình yêu nhưng không nơi mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu thì sự điên rồ trong tình yêu độc quyền trao cho nhau cách nhưng không suốt đời của vợ chồng mới có ý nghĩa. Đối với Thiên Chúa, hôn nhân không phải là một điều không tưởng vị thành niên, nhưng là một giấc mơ mà không có giấc mơ ấy thì mọi sinh vật của Ngài sẽ phải cam chịu cảnh cô đơn! Thật vậy, nỗi sợ phải chấp nhận kế hoạch này làm tê liệt trái tim con người.

Nghịch lý thay, con người ngày nay - những người thường xuyên chế nhạo kế hoạch này - tiếp tục bị cuốn hút và say mê bởi mọi tình yêu đích thực, mọi tình yêu bền vững, mọi tình yêu sinh hoa kết quả, mọi tình yêu trung tín và lâu dài. Chúng ta nhìn thấy bao người đuổi theo những tình yêu thoáng qua trong khi mơ về tình yêu đích thực; họ đuổi theo những thú vui xác thịt nhưng ao ước sự tự hiến hoàn toàn.

“Giờ đây, sau khi chúng ta đã nếm trải đầy đủ những lời hứa về thứ tự do không giới hạn, chúng ta lại một lần nữa bắt đầu đánh giá cao cái cụm từ cũ là ‘Thế giới mệt mỏi’. Những thú vui bị cấm mất hết sức hấp dẫn của chúng ngay tại thời điểm chúng hết bị cấm. Ngay cả khi chúng bị đẩy đến tận cùng và không ngừng được đổi mới, chúng tỏ ra vô vị, vì chúng chỉ là những thực tại hữu hạn trong khi chúng ta khao khát sự vô hạn”(Joseph Ratzinger, Auf Christus schauen. Einübung trong Glaube, Hoffnung, Liebe, Freiburg, 1989, p.73).

Trong bối cảnh xã hội và hôn nhân vô cùng khó khăn này, Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong sự trung tín, trong sự thật và tình yêu. Để thực hiện sứ mệnh trong sự trung tín với Thầy mình, Giáo Hội phải trở thành một tiếng kêu trong sa mạc trong việc bảo vệ tình yêu trung tín và khuyến khích nhiều gia đình sống cuộc sống hôn nhân như một kinh nghiệm chứng tá cho tình yêu của Thiên Chúa; trong việc bảo vệ sự thánh thiêng của sự sống, của mọi sự sống; trong việc bảo vệ sự thống nhất và bất khả phân ly của mối liên hệ hôn nhân như là một dấu chỉ ân sủng của Thiên Chúa và của khả năng con người có thể yêu thương nghiêm túc.

Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong sự thật, không đổi thay theo thị hiếu chóng qua hay theo những ý kiến được ưa chuộng. Đó là sự thật bảo vệ mỗi cá nhân và toàn thể nhân loại khỏi cám dỗ tự quy hướng về mình như là trung tâm, cũng như cám dỗ biến tình yêu sinh hoa kết quả thành thói ích kỷ vô sinh, và biến sự kết hiệp trung tín thành một hình thái kết hợp tạm thời. “Nếu không có sự thật, lòng bác ái thoái hoá thành mối cảm thương. Tình yêu trở thành một cái vỏ rỗng, được chất chứa một cách tùy tiện. Trong một nền văn hóa không sự thật, tình yêu đối mặt với một nguy cơ trầm trọng” (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Caritas in Veritate, 3).

Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong tình bác ái, không chỉ trỏ kết án người khác, nhưng – trung thành với bản chất của một người mẹ - ý thức về nhiệm vụ của mình là tìm kiếm và chăm sóc cho các cặp vợ chồng với dầu chấp nhận và thương xót; trở thành là một “bệnh viện dã chiến” với cửa rộng mở cho bất cứ ai đến gõ để tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ; để vươn ra với những người khác với một tình yêu đích thật, để đồng hành với những người nam nữ đồng loại là những người đang đau khổ, để bao gồm họ và dẫn họ đến suối nguồn của ơn cứu rỗi.

Giáo Hội dạy và bênh vực những giá trị cơ bản, trong khi không quên rằng “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2:27); và Chúa Giêsu cũng đã nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2:17). Một Giáo Hội dạy bảo tình yêu đích thực, có khả năng làm mất đi sự cô đơn, không bỏ qua nhiệm vụ của mình là trở thành một người Samaritano nhân lành cho một nhân loại bị thương.

Tôi nhớ Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị từng nói: “Tội lỗi và cái ác luôn luôn phải bị lên án và phản đối; nhưng người sa ngã hay sai lầm phải được thấu hiểu và yêu thương. .. chúng ta phải yêu thời đại chúng ta và giúp con người của thời đại chúng ta “(Gioan Phaolô Đệ Nhị, Diễn văn gửi các thành viên của Công Giáo Tiến Hành Italia, 30 Tháng 12 năm 1978). Giáo Hội phải tìm ra những người ấy, chào đón và đồng hành cùng với họ, vì một Giáo Hội với cánh cửa đóng kín phản bội lại chính mình và sứ mệnh của mình, và, thay vì là một cây cầu thì trở thành một rào cản: “Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em” (Dt 2:11).

Trong tinh thần này, chúng ta cầu xin Chúa đồng hành cùng chúng ta trong suốt Thượng Hội Đồng này và hướng dẫn Giáo Hội của Ngài nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse, người phối ngẫu khiết tịnh nhất của Mẹ.

 

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi canh thức cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng về Gia Đình
J.B. Đặng Minh An dịch10/4/2015

Lúc 19h thứ Bẩy 03 tháng 10, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới Về Gia Đình, được khai mạc vào sáng Chúa Nhật 04 tháng tại Vatican.

Buổi cầu nguyện được cử hành ngoài trời đã quy tụ hàng chục ngàn tín hữu. Nhiều người đã có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô từ ban chiều để chờ đợi buổi cầu nguyện.

Buổi cầu nguyện đã bao gồm các chứng từ của các cặp gia đình, các bài đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, hát thánh ca và những bài suy tư về gia đình của Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị tiền nhiệm của ngài.

Trong buổi cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã có bài chia sẻ sau:


Các gia đình thân mến,

Chào buổi tối! 

Nhóm lên một ngọn nến nhỏ trong bóng tối thì có ích chi? Còn cách nào hay hơn để xua tan bóng tối không? Có thể vượt qua bóng tối hay chăng?

Có những lúc trong cuộc đời - một cuộc đời quá dư dật những tài nguyên tuyệt vời - những câu hỏi như thế lại vang lên. Khi cuộc sống trở nên khó khăn và bức bách, chúng ta có thể bị cám dỗ để lùi bước, quay lưng lại, và tháo lui; có lẽ là nhân danh sự thận trọng và chủ nghĩa hiện thực, và như thế chạy trốn trách nhiệm phải làm phần việc của mình cách tốt nhất có thể.

Anh chị em có nhớ những gì đã xảy ra với tiên tri Ê-li-a không? Trên quan điểm người ta thường tình, vị tiên tri đã sợ hãi và cố gắng chạy trốn. “Ông Ê-li-a sợ nên trỗi dậy, ra đi để giữ mạng mình… Ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa. Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời Chúa phán với ông: ‘Ê-li-a ngươi làm gì ở đây?’” (1 Vua 19: 3,8-9). Ở núi Khô-rếp, ông nhận được câu trả lời không phải trong những trận cuồng phong làm tiêu tan những tảng đá, cũng không phải trong những trận động đất, thậm chí cũng chẳng phải trong những đám lửa. Ân sủng của Thiên Chúa không thét gào; ân sủng của Ngài là một lời thì thầm lọt vào tai những ai sẵn sàng để nghe tiếng nói thầm thì, nhỏ bé của nó. Nó thúc giục họ ra đi, để trở về với thế giới, để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, để thế giới tin. ..

Trong bối cảnh này, chỉ một năm trước đây, cũng tại quảng trường này, chúng ta cầu khẩn cùng Chúa Thánh Thần và cầu xin rằng – trong khi thảo luận về các chủ đề của gia đình - các nghị phụ có thể chăm chú lắng nghe nhau, với cái nhìn dán vào Chúa Giêsu, vào Lời chung cuộc của Chúa Cha và các tiêu chí mà tất cả mọi thứ được đánh giá.

Tối nay, lời cầu nguyện của chúng ta cũng không thể khác. Như Đức Thượng Phụ Athenagoras đã nhắc nhở chúng ta, nếu không có Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa là xa vời vợi, Chúa Kitô chỉ còn là quá khứ, Giáo Hội đơn thuần chỉ là một tổ chức, quyền bính trở thành sự thống trị, truyền giáo trở thành tuyên truyền, thờ phượng trở thành trò mê tín, đời sống Kitô hữu chỉ là đạo đức của những người nô lệ.

Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để Thượng Hội Đồng khai mở vào ngày mai sẽ chỉ ra kinh nghiệm về hôn nhân và gia đình là phong phú và viên mãn một cách nhân bản như thế nào. Xin cho Thượng Hội Đồng nhìn nhận, xiển dương, và công bố tất cả những gì là đẹp, là tốt và thánh thiện trong kinh nghiệm đó. Xin cho Thượng Hội Đồng có thể nắm bắt những tình huống dễ bị tổn thương và khó khăn: chiến tranh, bệnh tật, đau buồn, những mối quan hệ bị tổn thương và tan vỡ, gây ra những đau khổ, oán giận và chia ly. Xin cho Thượng Hội Đồng có thể nhắc nhở những gia đình này, và mỗi gia đình, rằng Tin Mừng luôn luôn là “tin tốt” cho phép chúng ta bắt đầu lại. Từ kho tàng truyền thống sống động của Giáo Hội xin cho các nghị phụ có thể rút ra những lời an ủi và hy vọng cho các gia đình đang được kêu gọi trong thời đại chúng ta để xây dựng tương lai của cộng đồng Giáo Hội và các thành phố của nhân loại.

Mỗi gia đình luôn luôn là một ánh sáng, dù là mờ nhạt, giữa bóng tối của thế giới này.

Kinh nghiệm trần thế của chính Chúa Giêsu đã được hình thành ở trung tâm của một gia đình, nơi Ngài đã sống ba mươi năm trời. Gia đình Ngài cũng giống như cơ man những gia đình khác, sống trong một ngôi làng ít người biết trong vùng ngoại ô của Đế quốc.

Charles de Foucauld, có lẽ giống như một vài người khác, nắm bắt được linh đạo tỏa ra từ Nazareth. Nhà thám hiểm vĩ đại này vội vã bỏ binh nghiệp của mình khi bị thu hút bởi mầu nhiệm của Thánh Gia, mầu nhiệm của mối quan hệ hàng ngày giữa Chúa Giêsu cùng với cha mẹ và hàng xóm, việc lao động lặng lẽ, và lời cầu nguyện khiêm nhường của Ngài. Chiêm niệm về gia đình Nazareth, anh Charles nhận ra ao ước giàu sang và quyền thế của mình thực sự là trống rỗng như thế nào. Thông qua việc tông đồ bác ái, anh trở thành tất cả mọi thứ cho mọi người. Khi bị thu hút bởi cuộc sống của một ẩn sĩ, anh hiểu rằng chúng ta không tăng trưởng trong tình yêu của Thiên Chúa bằng cách tránh xa sự vướng víu trong quan hệ với con người. Vì khi yêu thương tha nhân, chúng ta học cách yêu mến Thiên Chúa, khi khom lưng xuống để giúp đỡ hàng xóm của chúng ta, chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa. Thông qua sự gần gũi huynh đệ và sự đoàn kết với những người nghèo và bị bỏ rơi, anh nhận ra chính họ là người đang rao giảng Tin Mừng cho chúng ta, chính họ giúp chúng ta lớn lên về mặt nhân bản.

Để hiểu được gia đình ngày hôm nay, chúng ta cũng cần phải bước - như Charles de Foucauld - vào mầu nhiệm của gia đình Nazareth, vào cuộc sống hàng ngày yên tĩnh của thánh gia, như hầu hết các gia đình, với những vấn đề của họ và những niềm vui đơn giản của họ, một cuộc sống được đánh dấu bằng sự kiên nhẫn thanh thản giữa bao nghịch cảnh, sự tôn trọng người khác và sự khiêm nhường được giải phóng và thăng hoa trong sự phục vụ, một cuộc sống huynh đệ bắt nguồn từ ý thức là chúng ta tất cả là các thành viên của cùng một nhiệm thể.

Gia đình là nơi sự thánh thiện của Tin Mừng được thể hiện trong điều kiện bình thường nhất. Ở đó chúng ta được hình thành từ ký ức về các thế hệ đi trước chúng ta và chúng ta đâm rễ để cho phép chúng ta tiến xa hơn. Gia đình là một nơi của sự phân định, nơi chúng ta học cách nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa đối với cuộc sống của chúng ta và chấp nhận kế hoạch ấy với niềm tín thác. Đó là một nơi của sự nhưng không, của sự hiện diện kín đáo tình liên đới huynh đệ, một nơi mà chúng ta học cách bước ra khỏi chính mình và chấp nhận những người khác, sau đó tha thứ và được thứ tha.

Chúng ta hãy khởi hành một lần nữa từ Nazareth cho một Công Đồng trong đó thay vì chỉ nói về gia đình, chúng ta còn có thể học hỏi từ các gia đình, sẵn sàng thừa nhận phẩm giá của nó, sức mạnh và giá trị của nó, bất chấp tất cả các nan đề và khó khăn của nó.

Tại “Galilê của các quốc gia” trong thời đại chúng ta này, chúng ta sẽ tái khám phá sự phong phú và sức mạnh của một Giáo Hội là mẹ, luôn có khả năng đem lại và nuôi dưỡng cuộc sống, đồng hành cùng cuộc sống với sự tận tâm, dịu dàng, và sức mạnh đạo đức. Vì trừ phi chúng ta có thể liên kết lòng từ bi với công lý, chúng ta sẽ chỉ kết thúc nơi những bất công sâu nặng không cần thiết.

Một Giáo Hội là gia đình cũng có thể cho thấy sự gần gũi và tình yêu của một người cha, một người giám hộ có trách nhiệm là người bảo vệ nhưng không giam cầm, sửa chữa nhưng không hạ thấp phẩm giá, là người huấn luyện bằng gương sáng và lòng kiên nhẫn, đôi khi chỉ đơn giản là bằng một sự im lặng nói lên thái độ phó thác, nguyện cầu.

Trên tất cả, một Giáo Hội trong đó con cái xem mình là anh chị em, sẽ không bao giờ ra đến nông nỗi là xem người này người kia chỉ đơn giản là một gánh nặng và một vấn đề, một khoản chi phí, một mối quan tâm hoặc thậm chí là một nguy cơ. Tha nhân về cơ bản là một ân sủng, và luôn luôn là như vậy, ngay cả khi họ đi theo những con đường khác.

Giáo Hội là một ngôi nhà rộng mở không hào nhoáng bên ngoài nhưng hiếu khách với sự đơn giản của các thành viên của mình. Như thế, Giáo Hội mới có thể thu hút lòng khao khát hòa bình hiện diện nơi mỗi người nam nữ, bao gồm cả những ai - trong bối cảnh thử thách của đường đời - đã tan nát tâm can.

Giáo Hội thực sự có thể thắp sáng lên trong cái bóng tối rất nhiều người nam nữ đang cảm nhận. Giáo Hội có uy tín để chỉ cho họ con đường hướng về mục tiêu và bước đi bên cạnh họ chính vì bản thân Giáo Hội đã cảm nhận trước hết những gì là được tái sinh vô tận trong trái tim nhân hậu của Chúa Cha.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận