Ông cha “xây” xứ tình thương

Đăng lúc: Thứ tư - 27/04/2016 01:09 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Ông cha “xây” xứ tình thương

Trung Nhân

Hơn 15 năm qua, linh mục Philipphê Nguyễn Văn Hùng vẫn mải miết đi tìm những con chiên lạc và cố gắng tạo mối dây gắn kết mọi thành phần trên đất Rạch Vọp, bằng tình thương, sự sẻ chia và tấm lòng.

Hạt giống đức tin hiện diện nơi họ đạo Rạch Vọp vào khoảng năm 1933, nhưng mãi đến năm 1989 mới có cha Micae Trần Đình Nha được bổ nhiệm làm chánh sở tiên khởi. Dẫu vậy, dù thiếu vắng linh mục, giáo dân vẫn duy trì nếp sống đạo đức, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Tháng 8.2000, linh mục Philipphê Nguyễn Văn Hùng được Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận, Giám mục GP Cần Thơ lúc bấy giờ bổ nhiệm làm chánh xứ.

Linh mục Philipphê Nguyễn Văn Hùng

Ngày về đây, cha thoáng bối rối bởi vùng đất này rất hoang vu, biệt lập, bao quanh đều là sông, rạch. Người dân trong vùng thuộc ba dân tộc Kinh, Khơme, Hoa, trong đó người Khơme chiếm số đông, mưu sinh bằng nghề trồng trọt và lao động phổ thông nên đời sống rất khó khăn, có phần lạc hậu. Hằng tuần giáo dân tham dự thánh lễ vô cùng vất vả, phần đông phải di chuyển bằng ghe xuồng qua đoạn đường vài cây số mới đến được nhà thờ.

Tuy nghèo khó, ngăn trở nhưng vị linh mục trẻ (chịu chức năm 1997) lại cảm thấy phấn chấn bởi nhiệt huyết truyền giáo từ sâu thẳm bên trong luôn thúc giục dấn bước. Vậy là ngày ngày, cha cùng Ban Hành giáo chèo ghe men theo từng khúc sông, con rạch và cuốc bộ, lội sình trên bờ ruộng tìm đến các gia đình vùng sâu vùng xa để có những giúp đỡ cần thiết về vật chất cũng như tinh thần. Do là người gốc miền Tây (quê ở Sóc Trăng), sẵn tính hào sảng, chân thành, đến đâu cha cũng thoải mái xưng hô ông bà, anh em nên mọi người cảm thấy gần gũi, dễ dàng kể về cuộc sống của mình. Càng đi cha càng cảm nhận được nỗi cực khổ của người dân : “Nhiều gia đình cả tuần liền chỉ ăn cháo trắng vì không có ai thuê mướn làm việc. Nhiều hộ nhà cửa rách bươm không một chỗ trú khi mưa gió, nói chi là có phương tiện di chuyển cơ bản như ghe xuồng ở vùng sông nước này”.

Đò đưa rước anh chị em học đạo

Cũng từ những chuyến đi, cha thấu hiểu lòng đạo bà con Rạch Vọp rất tốt, Ban hành giáo lại đoàn kết nên đã chủ động kêu gọi giáo dân xây dựng quỹ bác ái giúp đỡ người gặp cơn ngặt. Tuy cuộc sống còn khó, vậy mà khi nghe kêu gọi, ai cũng nhiệt tình ủng hộ. Mỗi tháng, bà con trong xứ (hơn 300 giáo dân lúc bấy giờ) đều dành một khoản tiền nhỏ để đóng góp cho chương trình này. Ông Luy Nguyễn Công Minh, Chủ tịch HĐMVGX khoe: “Dân ở đây tuy còn nghèo nhưng khi nghe nói giúp người khó khăn hơn mình, họ lại rất rộng tay. Hiện nay, mỗi tháng bà con góp được khoảng trên 5 triệu đồng. Đây là một việc tự nguyện nhưng mọi người trong xứ rất ý thức chia sẻ”.

Giáo xứ Rạch Vọp nằm trên đường Nam Sông Hậu, cách thành phố Cần Thơ khoảng 30km và Sóc Trăng 40km, là một họ đạo vùng sâu vùng xa thuộc ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách - Sóc Trăng. Theo các lão niên trong vùng, xa xưa nơi đây chỉ toàn lau sậy, rừng rậm hoang vu với rất nhiều thú rừng đi lại từng đàn tạo nên những con đường mòn. Thời gian đã biến đổi, những lối mòn thành các con rạch nhỏ, hai bên rạch xuất hiện vô số bãi vọp (một loài nhuyễn thể gần giống với con sò) với số lượng lớn. Có lẽ địa danh Rạch Vọp cũng xuất hiện từ đó. Cách đây vài năm, khi nước giật, người ta vẫn thấy bãi vọp lớn trên con rạch này.

Riêng cha, thương người dân khốn khó nên nghe ai cho ít gạo, vài bao đồ cũ hay trăm quyển tập là lặn lội đến nhận rồi về chia cho mọi người. Quà tặng nhiều hay ít, cha đều trân trọng đón nhận với tất cả tấm lòng và trao lại bằng niềm vui hân hoan. Dần dà, với số tiền từ quỹ bác ái và sự hỗ trợ của một số ân nhân, giáo xứ Rạch Vọp đã cất nhà tình thương và xóa nhà ổ chuột cho nhiều hộ gia đình, đồng thời giúp đỡ các hoàn cảnh thiếu thốn qua những chương trình cụ thể như chén cơm cho người già, thuốc men hằng tháng cho người tàn tật neo đơn, giếng nước cho người cùng khổ (trên 300 cây nước), học bổng cho học sinh… Ngoài ra, giáo xứ còn xây dựng một phòng khám bệnh phát thuốc và hỗ trợ mổ mắt, mổ tim miễn phí cho người dân trong vùng. Đặc biệt, như ông Giuse Lê Văn Lịnh, thành viên HĐMV cho biết : “Trong gần sáu năm qua, giáo xứ tài trợ mổ tim cho gần 300 ca và đưa đi mổ mắt trên 400 ca. Phần lớn người dân nơi đây làm chỉ đủ sống qua ngày, không có dư dả gì nên được miễn phí 100% chi phí. Bệnh nhân còn được hỗ trợ tiền di chuyển và giúp bồi dưỡng để sớm hồi phục, nếu hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, người nghèo trong giáo phận nếu bị bệnh tim thường được đưa về giáo xứ Rạch Vọp để được nâng đỡ chữa trị”.

Hơn 300 giếng nước đã được giáo xứ khoan cho người dân trong vùng

Nhà thờ sau thời gian dài xuống cấp đã được xây mới. Cha còn làm thêm phòng học giáo lý, tổ chức sinh hoạt cho các giới và luôn tìm cách thăng tiến giáo dân qua nhiều chương trình cụ thể. Ở Rạch Vọp, nhà thờ như nhà chung, cửa luôn mở rộng, ai đến lúc nào cũng được và luôn được đón tiếp. Chính chủ trương cho đi không phân biệt tôn giáo do cha Hùng khởi xướng đã giúp người dân trong vùng cảm mến cộng đoàn giáo hữu nơi đây, nhất là vị mục tử hay cười, hòa đồng… nên từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 600 người xin theo đạo, trong đó gần 300 tân tòng đã được rửa tội. Để gia nhập Công giáo, người dự tòng phải học giáo lý từ 1,5 năm đến 2 năm vào mỗi Chúa nhật tại giáo xứ, cũng có người phải học đến 3 năm. Cha Hùng giải thích: “Chúng tôi muốn mọi người thành tâm tìm đạo, vui vẻ học đạo và trọn tình sống đạo nên chú trọng vào việc dạy giáo lý để tạo nền tảng căn bản cho anh em dự tòng. Kết quả là cho đến nay, trong số những người vào đạo, chỉ có 5 - 6 người “bỏ đạo” vì ở quá xa nhà thờ (6 - 10km đường thủy), không có phương tiện di chuyển hoặc đã chuyển đi nơi khác sinh sống”.

Hằng tuần, vào sáng Chúa nhật, cha cho một tàu lớn (chở được 100 người) và 4 tàu nhỏ (chở 30 người) vào vùng sâu, vùng xa (cách nhà thờ hơn 5km) đưa đón bà con đi lễ và học đạo. Một số người không nằm trong tuyến tàu phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng chèo ghe dự lễ. Vì đường xa nên cha đã tổ chức ăn trưa để giáo dân đi lễ và học giáo lý lót dạ trước khi ra về.“Sau khi tham dự lễ và học giáo lý, bà con ở nơi xa lại phải chèo ghe thẳng ra đồng làm việc, nếu như không có bữa cơm này họ sẽ nhịn đói đi làm. Một số anh chị em còn đem theo bao nilon xin cơm và đồ ăn còn dư về ăn bữa tối. Nói như vậy mới thấy cuộc sống của họ rất khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng bỏ nửa ngày công để đi lễ vì mộ mến đạo”, cha Hùng cảm khái.

Sau giờ học giáo lý, mỗi người ở lại dùng với nhau bữa cơm trước khi ra đồng làm việc

Để mối dây gắn kết trong xứ thêm bền chặt, cha cùng Ban Truyền giáo luôn dành một ngày trong tuần và buổi chiều Chúa nhật đi thăm người bệnh, neo đơn và luôn có mặt trong các dịp lễ lạc, ma chay, giỗ chạp của giáo dân cũng như dự tòng. Nhiều gia đình khó khăn, giáo xứ hỗ trợ áo quan và an táng. Ngoài ra, cha còn tạo điều kiện để anh em đạo mới tham gia Ban hành giáo, hiện trong 6 khu của Rạch Vọp, có ba trùm khu là tân tòng. Ngay cả trong các hội đoàn, một số cũng nắm giữ chức vụ trọng yếu. Ông Giuse Nguyễn Tấn Minh, một tân tòng hiện là Trưởng khu 3 chia sẻ: “Ở đây mọi người hòa thuận và đùm bọc nhau từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Tất cả xuất phát từ tấm gương cha Hùng luôn hết lòng vì giáo dân và sống chết cùng giáo xứ. Chính tinh thần của cha mà nhiều người như tôi đã theo đạo bởi cảm nhận được đây là đạo yêu thương như chính đời sống của cha và những người trong xứ”.

Từ 300 giáo dân ban đầu, nay  Rạch Vọp đã tăng lên 1.100 giáo hữu và còn gần 400 dự tòng đang theo học đạo. Chặng đường mười sáu năm của họ đạo bên bờ sông Hậu là một chứng từ sinh động về tình thương và sự sẻ chia nơi vùng sông nước.

Quá đỗi thân thương!

Trung Nhân


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận