“Khôn như rắn, hiền như bồ câu”

Đăng lúc: Thứ tư - 27/04/2016 21:42 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
“KHÔN NHƯ RẮN, HIỀN NHƯ BỒ CÂU”

 

Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu nhắn nhủ các ông: “Này Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10, 16). Tại sao Chúa lại căn dặn các môn đệ như vậy? Phải chăng thế gian này như là cánh rừng luôn có đầy sói dữ?

 

 

Thực vậy, thế gian này luôn có “Sự dữ” vây quanh người môn đệ, mà nếu người môn đệ không đủ khôn ngoan thì sẽ bị chúng lôi cuốn và làm hại, làm cho người môn đệ đánh mất đi căn tính của mình. “Sự dữ” ấy chính là ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt, như những “sư tử luôn rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5, 8). Là người được Chúa Giêsu sai đi, qua Giáo hội, hơn ai hết, Nhà Truyền Giáo cũng cần phải khôn và đơn sơ như Chúa muốn, hầu có thể nhận định được đâu là “Sự dữ” đang vây quanh mình trong bối cảnh hiện nay.

 

Quả nhiên, mọi thời, “Sự dữ” luôn có và tràn ngập, chúng không xuất hiện cách cụ thể nhưng ẩn núp dưới nhiều hình thức xem ra rất tốt. Từ những hình thức xem ra rất tốt ấy, “Sự dữ” dễ cám dỗ và đưa Nhà Truyền Giáo vào quỹ đạo của chúng, và khi đó Nhà Truyền Giáo sẽ phải quy phục và làm theo cái gọi là “chỉ đạo” của chúng, đánh mất đi căn tính trong khi thi hành sứ mạng và trở nên vong thân. Cầm đầu và là nguyên cớ cho mọi “Sự dữ” chính là ma quỷ. Nó rất khéo léo trong việc sử dụng kinh nghiệm của cha ông: “mật ngọt chết ruồi”, để thu hút Nhà Truyền Giáo theo nó. Ma quỷ luôn dùng những gì là ngọt ngào của thế gian và sự yếu đuối của phận người để quyến rũ Nhà Truyền Giáo, lôi kéo Nhà Truyền Giáo về phía nó. Một chút thoải mái về vật chất, một chút vinh quang của danh vọng, một chút ngọt ngào âu yếm về tình cảm của người này người nọ…., chính là những mật ngọt mà ma quỷ dùng để gài bẫy Nhà Truyền Giáo như người ta bẫy ruồi, để rồi khi sa vào thì mới bị thấm chất độc hại đang được ẩn chứa trong đó. Khi ấy, Nhà Truyền Giáo có muốn thoát ra thì đã muộn, và chết dần chết mòn đi căn tính của mình trong cái “mật ngọt chết người ấy”.

 

Vậy, để có thể phân định và tránh được những độc hại trong những gì là mật ngọt, Nhà Truyền Giáo cần phải “khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”.

 

“Khôn như rắn” là tài khéo léo, nhờ đó mà Nhà Truyền Giáo có thể sáng suốt trong những chọn lựa; nhạy bén, thức thời trước mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, hầu sống cho đúng và và sử dụng những phương tiện mình có cách tốt nhất, hữu hiệu nhất để đạt đích. Nói cách khác, “khôn như rắn”, nghĩa là Nhà Truyến Giáo biết cách sống và cư xử ở đời sao cho đúng. Cụ thể đó là: Biết mình, biết người.

 

Biết mình để không tự mãn cũng như không bi quan về mình. Nhưng để biết được mình thì cần phải luôn thành thực với chính mình. Biết mình là biết rõ khả năng, những sở trường, sở đoản của mình, để rồi biết chấp nhận mình như mình là, hầu sử dụng những khả năng mình có đúng lúc, sửa đổi và thăng tiến những gì còn thiếu sót, cũng như luôn biết thận trọng và học hỏi không ngừng, biết cách thu thập ý kiến hay từ người khác và biết phòng xa, biết tiên liệu. Biết người với những độc đáo riêng của họ, để tôn trọng và đón nhận họ như họ là, hầu học hỏi nơi họ những điều hay, và phục vụ họ như họ là.

 

Từ việc biết mình, biết người, Nhà Truyền Giáo sẽ biết sống cương nhu đúng lúc, trong từng hoàn cảnh, với từng người và công việc khác nhau. Tuy nhiên, khôn nhất vẫn là biết “dùng nhu thắng cương”. Hơn nữa, biết mình, biết người là biết thức thời. Nghĩa là biết nhẫn nại chờ “thời”, chờ đến khi “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, như người ta chờ trái chín rồi mới dùng. Chờ thời không có nghĩa là nằm im chờ sung rụng, mà là không ngừng chuẩn bị trong tư thế và tâm thế sẵn sàng, để khi thời cơ đến thì đủ điều kiện nắm lấy thời cơ đúng lúc.

 

Thế nhưng, một người khôn mà không ngoan thì đó là người khôn lỏi, là người ích kỷ, chỉ biết mình mà không biết đến người khác, chỉ biết lo cho bản thân mình mà quên đi trách nhiệm đối với tha nhân. Người ta thường nói: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Cái “biết” đó chính là “khôn ngoan”. Khôn thì phải ngoan, đó mới là nhân đức, là yếu tố hình thành nên tính cách của một người. Và, cái gọi là “ngoan” trong cái “khôn’ chính là “đơn sơ”. Đơn sơ chính là sự thành thực, chân thành và hiền lành trong cung cách sống với các mối tương quan: với chính mình và với tha nhân.

 

Về sự đơn sơ, thánh Phanxicô nói: “Nhân đức này đặt niềm tự hào trong lòng kính sợ Thiên Chúa, và không làm hay nói điều gì xấu. Nhân đức này tự xét lấy mình và không xét đoán lên án bất cứ ai. Nhân đức này không xem trọng các vinh hoa của người Hy Lạp và thích làm hơn là nói hoặc dạy. Trong việc giải thích các luật lệ Chúa truyền, nhân đức đơn sơ bỏ qua những lời lẽ dài dòng, văn vẻ hoa mỹ, những thứ phô trương kiến thức, khoe khoang và cầu kỳ. Đức đơn sơ không tìm cái da bên ngoài nhưng tìm cái cốt tủy, không tìm cái vỏ mà tìm cái nhân, không tìm lượng cho đông mà tìm phẩm cho tốt, đi tìm điều thiện hảo tối cao và trường cửu”. (http://www.dunglac.org. Hạnh Thánh Phanxicô I và II, Chương 142, Bài THÁNH ĐỨC ĐƠN SƠ, số 189).

 

 Nếu nói cái “ngoan” trong cái “khôn” là đơn sơ, thì cũng có thể nói, khôn ngoan và đơn sơ, tuy là hai nhưng lại là một, không thể tách rời nhau trong liên hệ hỗ tương. Quả thế, cũng theo thánh Phanxicô: “Đức đơn sơ là con của ơn thánh, em của đức khôn ngoan, mẹ của đức công bằng. Đấng thánh gắng sức thực thi nhân đức ấy nơi bản thân và yêu mến những ai có nhân đức ấy”. (http://www.dunglac.org. Hạnh Thánh Phanxicô I và II, Chương 142, Bài THÁNH ĐỨC ĐƠN SƠ, số 189).

 

Hiểu về “khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” như trên, trong bối cảnh xã hội ngày nay, hơn ai hết, là người được sai đi để phục vụ con người, Nhà Truyền Giáo cần phải thiết lập cho mình một cung cách sống và phục vụ khôn ngoan như Chúa muốn.

 

Thực vây, với sự khôn ngoan, Nhà Truyền Giáo sẽ:

 

– Biết vận dụng những khả năng Chúa ban và hoàn cảnh hiện tại để quyết định và thi hành đúng, hầu đi đến mục đích như Chúa muốn.

 

– Biết lường trước những khó khăn trở ngại có thể xảy ra, hầu chọn những phương cách phù hợp nhất để giải quyết những khó khăn trở ngại đó.

 

– Không lạc hướng, nhưng biết vượt mọi trở ngại, nhìn thấu mọi cám dỗ mật ngọt, những vinh hoa phù phiếm và nói không với chúng, hầu chu toàn cách hoàn hảo sứ vụ được trao.

 

– Trong mọi vấn đề, biết đâu là cái chính, không bị cám dỗ mê hoặc trong cái phụ, hào nhoáng bên ngoài để không bị vong thân trong khi dấn thân; biết hy sinh những gì không phù hợp với sứ mạng để có thể toàn tâm toàn ý cho sứ mạng, hầu đạt được mục đích cách tốt nhất như Chúa muốn.

 

– Khi khởi đầu bất cứ việc gì trong khi thi hành sứ mạng, biết dâng hiến và phó thác thành quả cho Chúa để rồi, dù thành công hay thất bại, vẫn bình an vì đã làm đúng, và biết qui hướng tất cả theo ý Chúa, cho vinh quang của Chúa và phần rỗi các linh hồn.

 

Tóm lại, Nhà Truyền Giáo khôn ngoan là người biết làm mọi việc cùng với Chúa, theo hướng dẫn của Ngài trong cuộc đời sứ vụ. Chúa luôn hướng dẫn Nhà Truyền Giáo qua Lời Ngài dạy trong Kinh thánh, qua những hướng dẫn của Giáo hội. Khi biết xây dựng cuôc đời sứ vụ trên nền tảng Lời Chúa và thánh ý Ngài như vậy, cho dù có phải đương đầu với những khó khăn như những sói dữ, thì Nhà Truyền Giáo vẫn đứng vững vì đã “xây nhà mình trên nền đá vững chắc” (x. Mt 7,24). Sau cùng, để có được sự khôn ngoan như Chúa muốn, hơn ai hết, Nhà Truyền Giáo phải luôn kết hợp với Chúa trong cầu nguyện để xin Ngài ban cho sự khôn ngoan, như vua Salômôn đã xin Chúa: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, môt tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1V 3, 9). “Một tâm hồn biết lắng nghe và phân biệt phải trái” chính là sự khôn ngoan. Nhà Truyền Giáo cần có sự khôn ngoan của Thiên Chúa, không phải sự khôn ngoan của loài người, trong khi thi hành sứ vụ, vì “Đức Khôn Ngoan” hiểu biết tất cả (x. Kn 9, 11), sẽ khôn khéo hướng dẫn Nhà Truyền Giáo trong những việc làm, hầu Nhà Truyền Giáo sẽ không bị sa vào những cám dỗ mật ngọt, không bị lạc hướng và vong thân trong khi thi hành sứ vụ.

 

Hương Quê

 

Từ khóa:

anh em, đơn sơ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận