Dấu Chỉ Của Một Tình Yêu Đích Thực

Đăng lúc: Thứ hai - 02/05/2016 22:32 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
DẤU CHỈ CỦA MỘT TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC

Theo bạn dấu chỉ của một tình yêu đích thực là gì? Phải chăng đó là sự vuốt ve, âu yếm, thân mật? Hay việc bạn tặng hoa, tặng quà cho người yêu cũng là một dấu chỉ để thể hiện tình yêu? Tình yêu có thể được diễn tả bằng lời nói và hành động. Không thể có một tình yêu thật sự khi nó chỉ được diễn tả bằng lời nói mà không có hành động. Dấu chỉ và biểu tượng là ngôn ngữ để truyền tải tình yêu. Nhưng dấu chỉ và biểu tượng phải kèm theo hành động mới thể hiện được một tình yêu chân thành. Bạn có biết nguồn gốc của tình yêu?
Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4, 8), và Tình Yêu đến trong thế giới loài người, được thể hiện qua nhiều hình ảnh, dấu chỉ và biểu tượng khác nhau. Mỗi thời kỳ trong lịch sử nhân loại, tình yêu được con người diễn tả mỗi cách khác nhau, dấu chỉ của một tình yêu đích thực thời Chúa Giêsu là việc Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, điều đó không có nghĩa là có nhiều Chúa, nhiều Tình Yêu, nhưng “chỉ có một Thần Khí, một Chúa, một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (x. 1Cr 12, 4-6; Ep 4, 4-6). Như thế, chỉ có một Tình Yêu duy nhất, nhưng được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau và dành cho những đối tượng khác nhau. Bạn đừng hiểu lầm vì lần trước mình có nói đến nhiều cung bậc khác nhau của tình yêu: tình yêu đôi lứa, gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước….Tất cả đều xuất phát từ một Tình Yêu duy nhất. Tình yêu thì phải có đối tượng. Bạn không thể yêu mà không có đối tượng. Và việc bạn thể hiện tình yêu dành cho mỗi đối tượng cũng khác nhau; thế nên, các dấu chỉ, hình ảnh và biểu tượng kèm theo để bày tỏ tình yêu cũng khác nhau.
Tình yêu của các bạn trẻ trong thế kỷ XXI được thể hiện qua nhiều ngôn ngữ, hình ảnh và biểu tượng trên các phương tiện truyền thông. Giới trẻ sử dụng rất nhiều tin nhắn hay hình ảnh để thể hiện tình yêu. Dù không gặp trực tiếp người yêu, nhưng bạn cũng có thể bày tỏ tình yêu của bạn dành cho người yêu một cách rõ ràng, mạnh dạn qua chiếc điện thoại di động. Bạn đã từng có một tình yêu như vậy chưa? Bạn có biết rằng tình yêu như thế chỉ nằm ở bình diện của những cảm xúc hời hợt. Bạn yêu khi bạn cảm thấy thích, và không yêu khi cảm thấy khó chịu. Con người trong thế giới hôm nay thường hành động và phản ứng theo cảm tính, chỉ muốn thoả mãn điều mình thích, và khó lòng yêu thương người khác khi cảm thấy khó chịu. Nếu bạn muốn có một tình yêu bền vững hơn, bạn cần cố gắng luyện tập để không dừng lại ở những cảm xúc yêu ghét chóng qua ấy. Thế ta tìm đâu ra một tình yêu chân thực, tình yêu không hệ tại ở phương diện cảm tính?
           
Các bạn trẻ đang là nạn nhân của trào lưu được coi là văn hoá khiêu dâm thời công nghệ. Mình chỉ đơn cử hai trong năm giác quan bị “tra tấn” mạnh nhất trong thời nay: thị giác và thính giác. Đó là những giác quan trội nơi người phụ nữ, những giác quan dễ gây ra cảm xúc cho con người. Khi bạn mở mắt ra, hình ảnh nào đập vào mắt bạn đầu tiên? Phải chăng là những hình ảnh tươi mát của thân hình người phụ nữ, hay hình ảnh của những chàng được gọi là “soái ca”, treo đầy khắp nhà và la liệt khắp phòng. Không dừng lại ở những không gian nhỏ trong nhà, khi đi ra đường, từ công sở đến phố chợ, bạn bắt gặp cũng không ít hình ảnh khêu gợi như thế. Khi bạn đọc các báo lá cải hay truy cập các trang mạng qua Internet, bạn không thể tránh khỏi những hình ảnh khêu gợi, những hàng tít hứa hẹn bằng chữ lớn, óng ánh với vẻ hào nhoáng. Tất cả đều có chữ “sexy” hay một trong những chữ đồng nghĩa với nó đâu đó khắp tờ báo, thường là hơn một lần. Một điều gì đó mình luôn thắc mắc nhưng chưa bao giờ nói ra bỗng xuất hiện trong đầu: Chính xác là lúc nào tiêu chuẩn sắc đẹp trở thành một lệnh truyền buộc tất cả các bạn nữ phải trông giống như búp bê Barbie? Xem ra những tác giả không bao giờ tra hỏi ý niệm này: đối với một người phụ nữ, giá trị của bạn trực tiếp có liên hệ với việc làm thế nào trở nên hấp dẫn đối với đàn ông? [1] Và đâu là tiêu chuẩn của cái đẹp nơi người phụ nữ và trong cách thể hiện tình yêu? Bạn có biết rằng: “Vẻ Đẹp có thể cứu thế giới”, nhưng cũng không ít “vẻ đẹp” có thể huỷ hoại thế giới sao[2].
Còn sự tra tấn về thính giác thời nay thì sao? Mình không hiểu trong những năm gần đây, tại Việt Nam, từ thành thị tới thôn quê, hầu hết các bạn trẻ đều yêu thích những bản nhạc “hot và hit”, những bản Remix, D.J cực mạnh. Trong các tiệc tùng như: sinh nhật, đám hỏi, đám cưới, tất niên…hay bất kỳ một bữa tiệc nào, không thể thiếu được những dòng nhạc cực đỉnh đó. May thay, nước ta còn mang đậm văn hoá đạo hiếu Phương Đông, chứ không thì trong đám tang chắc cũng sẽ xuất hiện những bản nhạc như thế! Chưa kể là những quán bar, club, vũ trường, mọc lên ngày một nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí bằng cách tra tấn thính giác. Phải chăng thế giới ngày nay, đặc biệt nơi các bạn trẻ, đang dần trốn chạy Thiên Chúa, ẩn núp trước tiếng nói lương tâm bằng sự ồn ào, xáo động bên ngoài? Phải chăng thế giới ngày nay đang dần đánh mất những tương quan thiết thực qua việc gặp gỡ, đối thoại chân thành; thay vào đó, họ chỉ tiếp xúc, sống tương quan với nhau qua thế giới ảo?
Quả thực, tình yêu của con người thời nay thường nằm nhiều ở miền cảm giác, tức chỉ dừng lại ở: nghe, ngửi, nhìn, nếm, động chạm. Mình không có ý phủ nhận tình yêu ở mức độ này nơi bạn, bởi không gì có thể vào bên trong con người mà không qua giác quan, và đó là bước khởi đầu cần thiết cho một tình yêu đích thực. Nhưng bạn không thể dừng lại nơi một tình yêu mang nhiều cảm tính. Bạn không thể có một tình yêu chân thực khi tiếp xúc qua những tin nhắn, hình ảnh trên điện thoại mà không có những cuộc gặp gỡ, đối thoại. Giả như bạn nghĩ rằng, tình yêu chân thành cũng có thể xảy ra qua những cuộc điện thoại, tin nhắn; họ không bao giờ gặp mặt nhau, nhưng vẫn yêu nhau thắm thiết, và cưới nhau khi chưa một lần thấy mặt người yêu thực sự, thì thử hỏi tình yêu ấy có thực sự trường tồn theo năm tháng? Vì vậy, dấu chỉ, hình ảnh và biểu tượng cùng với hành động gặp gỡ, đối thoại thiết thực là cách thể hiện một tình yêu chân thực trong một xã hội thực dụng ngày nay.
Tóm lại, bạn có thể tìm thấy dấu chỉ của một tình yêu đích thực nơi Đức Giêsu Kitô cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. “Yêu như Chúa đã yêu” là một tình yêu vô dụng và đến cùng. Đó là một tình yêu đích thực, tình yêu không coi hoặc biến người yêu thành đối tượng thoả mãn, nhưng coi người yêu như là chủ thể, “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (x. Ga 15, 12-15). Trong tình yêu đích thực, không ai là đối tượng, nhưng tất cả đều là chủ thể. Nói một cách dễ hiểu là: “đừng bao giờ biến người yêu thành dụng cụ để thỏa mãn các thèm muốn riêng của bạn”. Lạy Chúa, xin đừng để lòng con nghiêng về sự dữ.

Chào bạn!
Chúc bạn một ngày đầy tràn niềm vui và bình an của Chúa

hoahướngdương
 

[1] X. Sự can đảm của Đức Phaolô VI đã làm tôi trở lại Công Giáo, http://www.vietcatholic.org, Vũ Văn An. dịch 10/19/2014.
[2] X. Bài giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2016 của cha Raneiro Cantalamessa trước Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma,http://www.vietcatholic.org, J.B. Đặng Minh An. dịch 3/29/2016.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận