Chủng Viện Tiên Khởi

Đăng lúc: Thứ năm - 14/04/2016 01:52 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
CHỦNG VIỆN TIÊN KHỞI
(Ngày cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu)

Chủng viện là vườn ươm, là nơi vun trồng ơn gọi, là nơi hướng dẫn, huấn luyện các ứng sinh để trở nên Linh mục của Chúa, nhằm phục vụ cho tha nhân và cứu rỗi các linh hồn. Chủng viện nào cũng có những nội quy, chương trình học, chương trình sinh hoạt hằng ngày một cách rõ ràng cụ thể. Thế nhưng, có một Chủng viện khá đặc biệt, không như những chủng viện mà chúng ta thường nghe nói tới ngày nay. Đó là Chủng viện tiên khởi, chủng viện mang tên Giêsu. Nhân ngày lễ Chúa Chiên Lành (ngày cầu nguyện, cỗ võ cho ơn thiên triệu), mời bạn đọc cùng người viết nhìn lại vài điểm khá đặc biệt của Chủng viện tiên khởi ấy.

Có thể bạn đọc sẽ thắc mắc, tại sao lại gọi chủng viện tiên khởi là Chủng viện Giêsu? Vì trong kinh thánh hay lịch sử giáo hội không hề đề cập tới cái tên ấy. Người viết mạo muội đặt cho cái Chủng Viện Tiên khởi, chủng viện mang tên Giêsu, bởi vì người viết nhận thấy nơi đó có những nét khá giống so với chủng viện nơi người viết đang tu học. Bên cạnh những nét khá giống đó thì có những nét rất riêng, rất đặc biệt mà không thể không nói tới. Ở đây không nhằm so sánh sự giống và khác giữa hai nơi, nhưng chỉ nhằm đề cập tới những nét đặc biệt của Chủng Viện tiên khởi mà thôi.

Chủng viện tiên khởi mang tên Giêsu ấy tọa lạc tại nước Itrael cách đây gần hai ngàn năm. Cơ sở vật chất chẳng có gì để chúng ta đáng lưu ý. Chủng viện ấy chỉ có một giáo sư và 12 chủng sinh, một con số rất khiêm tốn. Công việc tuyển chọn các ứng sinh cũng rất đặc biệt. “đang đi dọc biển hồ Galile, thì thấy hai anh em kia là ông Simon và người anh là Anre, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông, các anh hãy theo tôi. Các ông bỏ chài lưới mà đi theo người.” (x. Mt, 4, 18 -20). Việc tuyển chọn các ứng sinh các cũng tương tự như vậy. Người gặp các ông, người gọi và các ông bỏ mọi sự mà đi theo Người. Các ứng sinh được gọi đều xuất thân từ những hoàn cảnh rất đặc biệt. Đa phần là những người chài lưới, thất học. Chỉ có ông Matthêu là người tri thức (làm nghề thu thuế).

Chương trình học của chủng viện này cũng thật là đặc biệt. Kinh thánh không hề đề cập tới những môn học, sách vở, bút viết. Hình như trong suốt thời gian đào tạo các ông, vị giáo sư chỉ dạy các học trò có 2 môn học duy nhất, đó là môn học “mến Chúa và yêu người”. Thời gian đào tạo cũng chỉ có ba năm. Có thể nói, đây là Chủng viện có thời gian đào tạo chủng sinh ngắn nhất trong lịch sử.
Trong thời gian đào tạo ba năm, giữa thầy và trò, giữa người huấn luyện và người thụ huấn có một sự thân thiết hiếm có. Những bài học người thầy dạy học trò của mình là những hoàn cảnh cụ thể, thực tế trong đời sống. Lớp học được sử dụng ở mọi nơi. Bên bờ biển hồ, trên thuyền, trên núi, những nơi có đồng cỏ rộng lớn, khi đi dọc đường, khi về tới nhà… Có thể nói, mỗi bước chân thầy trò đi, mỗi nẻo đường thầy trò đến đều là những bài học. Người dạy các học trò trong những lúc Người giảng dạy có đông dân chúng. Những lúc thầy trò ở riêng thì Người cắt nghĩa cho các ông hiểu.

Sau một thời gian được thụ huấn, Ngài sai các ông đi rao giảng, đi vào những môi trường thực tế. Điều này có nét tương tự như năm thử ở các Đại Chủng Viện hiện nay. (sau 3 năm học triết)

Thời gian huấn luyện chỉ có ba năm, môn học cũng không rõ ràng, chương trình sống cũng không cụ thể, vậy mà kết quả nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Tỉ lệ 91%. Chỉ có một học trò hư mất là Giuđa Itcariốt, những người còn lại đều trở thành những trụ cột, những vị thánh của giáo hội và thuộc vào nhóm mười hai người làm thay đổi thế giới.

Cho dù có nhiều yếu tố khác đi nữa, thì yếu tố cần thiết nhất vẫn là Lời mời gọi và sự đáp trả của người được gọi. Có hai yếu tố đó mới làm nên mầu nhiệm của ơn gọi. Quả vậy, qua mọi thời, để có được ơn gọi thì cần phải có cả hai phía. Nếu chỉ có một phía thì chưa thể gọi là ơn gọi.

Ơn gọi quả là một mầu nhiệm. Những người nào đang sống trong ơn gọi tận hiến thì chắc hẳn có được cảm nghiệm thiêng liêng và cao quý ấy. Còn những người nào đang có ý định hướng tới ơn gọi cũng hãy ý thức rằng: ơn gọi là một mầu nhiệm phát xuất từ Thiên Chúa và sự tự do đáp trả của bản thân. Xin mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện cho ngày ơn Thiên Triệu, cầu nguyện cho các Chủng Viện, các nhà đào tạo cũng như những ứng sinh đang được đào tạo, để Giáo hội luôn có những thợ gặt lành nghề và đắc lực trong cánh đồng truyền giáo.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho những người đã, đang và sẽ cộng tác vào công việc cao quý này.
 
Jos Vĩnh Tuấn
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận