Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể

Đăng lúc: Thứ ba - 10/05/2016 22:16 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
ĐỨC MARIA, NGƯỜI NỮ THÁNH THỂ
 
             
Khi khám phá chiều kích phong phú của Thánh Thể trong tương quan với Hội Thánh, ta không thể nào lãng quên khuôn mặt rất đỗi thân quen với Hội Thánh là Đức Maria. Trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistica, thánh Gioan Phaolô II đã dành chương cuối để dạy các tín hữu noi gương bắt chước Đức Mẹ về lòng say mến Thánh Thể. Trót cả cuộc đời, Mẹ liên kết khít khao với Thánh Thể. Mẹ đã gắn bó thái độ nội tâm rất sâu xa với mầu nhiệm bí tích cực thánh. Có thể nói “Đức Maria là một phụ nữ Thánh Thể” (Ecclesia de Eucharistica, 53). Mẹ là Mẹ của lòng thương xót. Cuộc đời Mẹ được thể hiện trọn vẹn qua ba chữ: Fiat, Magnificat, Stabat.

1.    Đức Maria tin nhận Lời Thiên Chúa (Fiat)

Đọc lại những trình thuật về việc thiết lập bí tích Thánh Thể, các tác giả Tân Ước không hề nhắc đến tên Đức Maria. Tuy nhiên, khi nói về mối tương qua giữa Mẹ với Thánh Thể, ta nhận thấy rằng Mẹ đã tỏ thái độ vâng phục đức tin vào Thánh Thể trước khi bí tích cao trọng này được thiết lập. Chính lúc cất lời thưa xin Vâng (Fiat) trong biến cố Truyền tin, Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh nguyên vẹn sạch làm nơi cư ngụ cho Ngôi Lời nhập thể. Mẹ đã trở nên “nhà tạm” di động đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội để mang Chúa Giêsu đến cho bà Isave. Đến đây, ta thấy có một mối liên hệ giữa tiếng Fiat của Mẹ và tiếng thưa Amen của mỗi tín hữu khi rước Mình Thánh Chúa. Thiên Chúa muốn chúng ta tin vào bí tích Thánh Thể chính là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hiện diện trọn vẹn cả nhân tính lẫn thần tính của Người dưới hình bánh rượu đơn sơ (cf. Ecclesia de Eucharistica, 53-55), dẫu cho mắt phàm nhân chẳng thấy có sự biến đổi khác thường nào so với lúc chưa truyền phép. Đức Maria đã tin cách tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì điều tưởng chừng như vượt quá khả năng của con người, thì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Bởi đó, trong tiệc cưới tại Cana, Mẹ ân cần nói với gia nhân rằng: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Nhờ Mẹ có đức tin trưởng thành vào Thánh Thể, mà Mẹ đã cất cao lời chúc vinh Thiên Chúa, đỉnh cao là khúc ca Magnificat được trào tràn từ trái tim chất chứa tình yêu.

2.    Đức Maria chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa (Magnificat)
             
Lời kinh Magnificat là lời kinh tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa. Khi Đức Maria cất lên lời tạ ơn (Magnificat): “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47), một đàng Mẹ đã khen ngợi Chúa Cha thay cho Chúa Giêsu; đàng khác, Mẹ cũng ngợi khen Chúa Cha trong Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu. Hơn nữa, Mẹ nhắc đến những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa hứa cho cha ông (cf. Lc 1,55) từ xa xưa, mà nay được thực hiện qua biến cố Ngôi Lời nhập thể nơi cung lòng Mẹ. Ngoài ra Mẹ còn ngợi ca lòng Thiên Chúa thương xót đến thân phận bé nhỏ nghèo hèn, khi Ngài ra tay cứu vớt những kẻ mọn hèn kính sợ Chúa và quật ngã những người giàu có trong thế gian (Ecclesia de Eucharistica, 58). Tâm tình tạ ơn chính là thái độ mà Mẹ đã thực thi đối với Thánh Thể. Mẹ đi bước trước trong việc sống Hy Tế Thánh Thể. Nhờ biết kết hiệp với Hy Tế Thánh mà cuộc đời Mẹ cho dẫu phải chạm trán với bao thăng trầm cũng đủ sức vượt qua.

3.    Đức Maria sống Hy Tế Thánh Thể trong cuộc đời (Stabat)

Khi Đức Maria và thánh Giuse đem con trẻ Giêsu vào trong đền thờ Giêrusalem “để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22), Mẹ đã nghe cụ già tiên báo rằng con trẻ sẽ là “duyên cớ và dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2,34); còn Mẹ sẽ bị “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn” (Lc 2,35). Đây là dấu chỉ tiên báo về cuộc khổ nạn của người Con mà Mẹ đã cưu mang, đồng thời cũng là điều báo trước tấn bi kịch cảnh Mẹ đứng dưới chân thập giá (stabat Mater), để chứng kiến cái chết tức tưởi bi thương của người Con dấu yêu. Mẹ chẳng hạnh phúc và sung sướng khi nghe tin “giật gân” rằng Con mình sẽ chết khổ giá. Phải tưởng tượng như thế nào về tâm trạng của Mẹ khi nghe những lời vọng lại từ bữa Tiệc Ly: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19). Chính thân mình được dâng hiến làm lễ tế qua dấu chỉ bí tích, cũng là thân mình của người Con mà Mẹ đã đứt ruột sinh ra. Một khi đón nhận bí tích Thánh Thể vào trong lòng, ta được mời gọi sống lại những cảm nghiệm đớn đau, mà Mẹ đã chứng kiến dưới chân thập giá trên đồi Canvê năm nào (cf. Ecclesia de Eucharistica, 56 ). Mẹ hiến dâng những thập giá cuộc đời và kết hợp sâu xa với Hy Tế Thập Giá Chúa Giêsu, nhờ đó tất cả trở thành thánh giá mang ơn phúc cứu rỗi. Cuộc đời Mẹ đã sống Hy Tế Thánh Thể cách rốt ráo, đồng thời Mẹ “lấy chiều kích Hy Tế của bí tích Thánh Thể làm của mình” (Ecclesia de Eucharistica, 56).

Tóm lại, Mẹ là gương mẫu cho tất cả mỗi tín hữu về lòng tin vào Thiên Chúa. Hơn nữa, khi nhận ra hồng ân lớn lao Thiên Chúa dành cho, Mẹ không ngớt lời tôn vinh chúc tụng. Cuối cùng, Mẹ đã ôm trọn lấy Thánh Thể và cố gắng uốn nắn đời mình như một của lễ hy sinh để tiến dâng. Cuộc đời mỗi người được đan xen nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi gian truân khốn khó. Tuy nhiên tất cả sẽ trở nên ân phúc khi ta biết kết hợp với Hy Tế Thánh Thể trong mỗi lễ dâng hằng ngày. Hãy khiêm tốn học dưới mái trường Đức Maria, chắn chắn Mẹ sẽ dạy ta nhiều điều bổ ích cho cuộc hành trình đức tin. Mỗi người cần noi gương Mẹ sống niềm tín thác vào Thiên Chúa và học nơi Mẹ cất cao lời cảm tạ tri ân.

Hướng Dương
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận