Thứ hai tuần 5 mùa chay

Đăng lúc: Thứ hai - 23/03/2015 02:53 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ HAI TUẦN 5 MÙA CHAY.
"Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi".
 
Lời Chúa: Ga 8, 1-11
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".
 
SUY NIỆM 1: Khả năng chinh phục
Đức cha Bossuet là một văn hào và một nhà hùng biện Pháp đã tuyên bố: “Ai muốn tranh luận giáo lý, hãy đến với tôi, tôi sẽ làm cho họ thua lý”. Còn Đức cha Salêsiô thì lại chinh phục những người lạc giáo bằng cách đón tiếp, lắng nghe, tìm hiểu và giải quyết những thắc mắc của họ.
Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cho thấy Ngài có khả năng chinh phục lạ thường. Không ai có uy quyền như Ngài để làm những việc kỳ diệu, để chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến; những lời Ngài nói có sức hấp dẫn đến độ dân chúng nghe Ngài đã nhận xét: “Không ai ăn nói được như Ngài”. Tuy nhiên, quyền năng chinh phục của Ngài không hủy diệt sự tự do của con người. Trước thái độ không tin và bắt bẻ của người Biệt phái, Ngài đã dùng ngôn ngữ của con người để mặc khải sự thật cao cả của Thiên Chúa, sự thật có sức cứu rỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta xét lại thái độ sống đức tin của chúng ta: biết bao lần Chúa Giêsu đã thực hiện những dấu lạ trong đời sống cá nhân chúng ta cũng như trong sinh hoạt cộng đoàn để nhắc nhở chúng ta rằng Ngài là Đấng Cứu Thế, là Ánh Sáng, là Chân lý, nhưng chúng ta đã nhìn nhận ánh sáng và chân lý Ngài đem đến với tất cả chân thành và khiêm tốn chưa? Tác giả tập sách Đường Hy vọng đã viết:
“Đối với người kitô hữu tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương. Chúa không phải là Đấng bắt con kính mến, nhưng đúng hơn Ngài là Đấng con phải để cho Ngài yêu thương. Nhân loại cảm thấy mình làm được mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống, mình đi về đâu, tương lại thế nào. Nhân loại đang trải qua cơn khủng hoảng hy vọng, nhưng có thể chính cá nhân chúng ta cũng đang gặp cơn khủng hoảng đó, vì chúng ta không có đức tin trọn vẹn, không chấp nhận sự thật mà Chúa mạc khải… Ta là Ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống. Đó là bí quyết của niềm hy vọng”.
Xin Chúa gia tăng đức tin và hướng dẫn chúng ta theo ánh sáng chân lý để cuộc đời chúng ta trổ sinh hoa trái làm vinh danh Chúa và phục vụ anh em.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Tôi không kết án chị.
Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ để chị ta đứng giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. (Ga. 8, 2-5)
Nếu chúng ta còn hồ nghi lòng thương xót của Thiên Chúa, thì hãy suy niệm cảnh chưa từng nghe về người phụ nữ ngoại tình này trong Tin mừng thánh Gio-an để trừ khử mọi nỗi lo sợ của chúng ta.
Một phiên tòa tiểu hình diễn tả năm màn, đối kháng giữa lòng bao dung đại lượng của Đức Giêsu và sự bỉ ổi hẹp hòi của loài người.
Cảnh một: Màn tố cáo – Một phụ nữ bị chộp quả tang phạm tội ngoại tình bị điệu đến trước mặt Đức Kitô, giữa chốn công cộng. “Thưa Ngài Giêsu, Ngài nghĩ sao? Cần phải làm gì đối với trọng tội này? Theo luật Mô-sê tất nhiên phải ném đá. Còn Ngài thì sao …”.
Cảnh hai: Màn cúi xuống đất – Đức Kitô,Vị quan tòa lặng thinh, thong thả vẽ những hình nguệch ngoạc nực cười, không nói một tiếng.
Cảnh ba: Những kẻ tố cáo bắt đầu khó chịu, bực bội, đứng trước vị ngôn sứ im lìm nặng nề – Đức Kitô đã biết rõ mục đích của họ đã sốt sắng nại đến việc giữ luật Mô-sê để thúc giục Người mắc vào cạm bẫy này: Nếu Người chống lại luật ném đá, họ tố cáo Người phá luật Mô-sê. Nếu Người ra lệnh ném đá, Người mất hết danh tiếng tốt lành và nhân từ thương xót. Đức Kitô ngước mắt nhìn hạng người mưu mô đáng ghét đó luôn luôn bới lông tìm vết bắt bẻ Người. Người nhìn họ với lòng thương hại, nhưng bình tĩnh trả lời họ: “Ai trong các ông không có tội, hãy ném đá chị này trước”.
Cảnh bốn: Màn bối rối và kinh ngạc, bất lực trả lời trước lời đề nghị của vị quan tòa đang xét xử các ông - Các ông rất lúng túng, từng người bỏ đi, bắt đầu từ người già nhất, chứng tỏ họ quá khôn, lo tự vệ mình trước hay đúng hơn có thể họ lại bị kết án đồng phạm với chị.
Cảnh năm: Đức Giêsu còn lại một mình, thanh thản, trong sáng, trước người nữ bị hạ nhục, mắng nhiếc, bôi nhọ trước công chúng.
Không một lời than trách, không một cử chỉ khinh chê, không một vẻ làm cao hay thương hại. Nhã nhặn, lịch lãm biết bao, Giêsu ơi! Đối nghịch lại với lối cư xử của chúng ta quen làm đến tàn nhẫn, chôn vùi lương tâm mình để buộc người khác phải xưng thú những sai lỗi nhỏ mọn đến từng chi tiết.
Còn Đức Giêsu, Người chỉ tuyên bố một câu ngắn gọn: “Không ai kết án chị ư? Tôi cũng thế, Tôi không kết án chị”. Đó là câu đầy tình thương yêu.
G.M

 SUY NIỆM 3:
Trong trình thuật thường được gọi là “Người Phụ Nữ Ngoại Tình”, chúng ta thường chỉ chú ý đến người phụ nữ, như tựa đề của trình thuật định hướng. Đúng là người phụ nữ sẽ đối diện với Đức Giê-su và Đức Giê-su sẽ đối diện với người phụ nữ trong một khung cảnh và bầu khi mãi mãi làm chúng ta xúc động. Tuy nhiên, trình thuật lại kể nhiều nhất về những người vừa muốn lên án người phụ nữ và vừa nhân cơ hội, muốn thử hay gài bẫy Đức Giê-su, để cũng tố cáo và lên án Ngài (c. 6). Bởi vì, rốt cuộc, những người này mới “đụng chạm” chúng ta nhiều nhất. Hơn thế nữa, chỉ khi chúng ta chú ý đến họ, tầm mức mầu nhiệm Thập Giá của trình thuật mới bừng sáng. Chính vì thế, chúng ta nêu cả “những kẻ tố cáo” ra trong tựa đề của bài suy niệm.
Chúng ta cũng đừng quên khung cảnh của hành vi tố cáo là Đền Thờ. Đền Thờ là “Nhà của Chúa Cha” (Ga 2, 15), là “Nhà Cầu Nguyện”, nghĩa là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân của Người, là nơi Lời hằng sống của Thiên Chúa vang vọng, như chính Đức Giê-su nhắc nhở: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Mc 11, 17). Nhưng ở đây, người ta đã biến Đền Thờ và cả Lời Chúa nữa, dưới hình thức Lề Luật, thành phương tiện tố cáo nhau, và tố cáo cả Con Thiên Chúa nữa! Và tố cáo, cũng là điểm đặc trưng của sào huyệt! 
1. Người phụ nữ “đứng ở giữa” (c. 1-3)
Chúng ta hãy hình dung ra người phụ nữ, bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, bị lôi ra “đứng ở giữa” (c. 3 và 9), không chỉ ở giữa Đức Giê-su và các kinh sư và Pha-ri-sêu, nhưng ở giữa toàn dân (c. 2)!
Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa. (c. 2-3)
Chúng ta hãy tự hỏi và dừng lại để suy gẫm không phải để lên án nhưng để hiểu sâu sa và cảm thông: đâu là tâm trạng của người phụ nữ? Tại sao bà phạm tội? Tôi nhìn bà với đôi mắt nào, của đám đông, của những người lên án, của Đức Giê-su, hay của riêng tôi?
Một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, chắc chắn là một hành vi rất kín đáo. Nhưng tại sao các đấng bậc như là các kinh sư và Pha-ri-sêu lại bắt được quả tang? Cũng giống như khi họ bắt quả tang các môn đệ của Đức Giê-su bứt lúa ăn vào ngày Sa-bát ở giữa cánh đồng mênh mông! Chúng ta cứ tưởng tượng một chút (chỉ một chút thôi, vì về “chuyện này” không nên tưởng tượng nhiều quá!) quá trình kiên nhẫn theo dõi và rình chờ nhiều ngày nhiều đêm, và rốt cuộc cũng “bắt được quả tang” người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Chỉ cần tưởng tưởng “một chút” như thế, là quá đủ, để có thể nhận ra có cái gì đó không ổn rồi. Và ai trong chúng ta cũng biết rằng, hành vi loại này tự nó có sức lôi cuốn người rình mò[1]! Dường như lẽ sống của họ là đi rình mò, nhòm ngó và dò xét người khác. Họ đi tìm sự dữ nơi người khác (qua việc vi phạm Lề Luật), nhưng sự dữ đã có ngay trong lòng họ rồi; và Đức Giê-su sẽ làm bật ra sự thật này.
Đúng là lúc nào cũng có người phạm luật, nhất là khi đi vào chi tiết, nhưng có những người thích thú với chuyện bắt quả tang người khác phạm luật, để vạch trần, kết án và giết chết. Có cái gì đó không ổn, nơi ý hướng đen tối trong lòng họ, đó là năng động hướng về sự chết. Nhưng không ai làm gì được, vì xét theo vẻ bề ngoài họ giữ luật đến từng chi tiết, họ có trong tay văn bản Lề Luật và họ “bắt quả tang” hay có những chứng cớ hiển nhiên, những người vi phạm Lề Luật. Và chỉ có Đức Giê-su mới làm lộ ra khuynh hướng chết chóc này, khi Người để cho mình bị lên án nhân danh Lề Luật. Bởi vì Ngài là Đấng Vô Tội tuyệt đối; còn chúng ta, người ta rình mò chúng ta một hồi, là tìm ra tội ra lỗi!
Và “kinh nghiệm rình mò” mách bảo cho họ rằng, chẳng ai có thể tránh được việc phạm luật; vì thế, dù đứng trước một người mà họ chưa bao giờ thấy phạm luật, họ không tin là người này không thể không phạm; mọi người trong mắt họ, đều là tội phạm thực sự hay “tiềm năng”; trong khi “Tội” nằm trong chính tâm hồn họ. Vậy mà, có lúc chúng ta nghĩ Thiên Chúa nhìn loài người, từng người chúng ta như thế đó. Và họ sẽ chứng minh người khác phạm tội, bằng cách “gài bẫy”, bằng cách “thử thách”; và nếu vẫn chưa ra tội, họ vẫn còn một cách, đó là “dựng chuyện”! Nhưng chính lúc đó, bộ mặt Sự Dữ của họ đã lộ nguyên hình; bị lộ mà chính họ lại không biết là đã bị lộ!
Đó chính là mầu nhiệm Thập Giá, mà trình thuật “Người Phụ Nữ Ngoại Tình” đã loan báo cho chúng ta rồi. Bởi vì, nơi cuộc Thương Khó, họ đã lên án cả người chưa phạm tội, lên án cả người vô tội tuyệt đối là Đức Giê-su; và họ không chỉ lên án, những còn đóng đinh Đấng Vô Tội trên thập giá. Sự Dữ có ở nơi họ và bị lộ ra giữa thanh thiêng bạch nhật, trong khi miệng họ hô hào sự dữ có nơi người khác. Sự Dữ bị lộ, nhưng trong cùng một biến cố, Sự Thiện cũng được tỏ bày cho chúng ta. Như thế, với mầu nhiệm Thập Giá, Đức Ki-tô vừa chữa lành chúng ta hỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ và vừa bày tỏ cho chúng ta Dung Nhan Rạng Ngời của Người, là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi, là Sự Thiện mạnh hơn Sự Dữ, là Sự Sống mạnh hơn Sự Chết. 
2 . Đức Giê-su và những kẻ tố cáo (c. 4-9a)
Đức Giê-su làm như không nghe lời tố cáo rất bài bản (dựa vào luật), có căn cứ (bắt quả tang) và rất hùng hồn của họ: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (c. 4-5) Bởi vì, không phải họ muốn bảo vệ Lề Luật, nhưng dùng Lề Luật “nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (c. 6).
Như thế, họ hành động giống Con Rắn, khi nó dựa vào lệnh truyền của Đức Chúa để thử bà E-và: “Có thật Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (St 3, 1); hay giống như Tội mà thánh Phao-lô nói tới như là một nhân vật: “Lề Luật là thánh, và điều răn cũng là thánh, đúng và tốt. Vậy phải chăng điều tốt lại đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải thế! Nhưng chính tội đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi: như vậy, tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó.” (Rm 7, 12-13). Con Rắn và Tội, chính là Satan, vì dựa vào Lề Luật để rình mò, gài bẫy, thử và tố cáo, là hành vi đặc trưng của Satan. Vì thế “Kẻ Tố Cáo” là một tên gọi khác của Satan:
Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,
giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,
và Đức Ki-tô của Người
giờ đây cũng biểu dương quyền bính,
vì Kẻ Tố Cáo (
danh từ trong tiếng Hi-lạp) anh em của ta,
ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài. (Kh 12, 10)
Ẩn núp nơi Lề Luật để thử vào tố cáo, Đức Giê-su nhận ra Satan đang hành động nơi những con người cụ thể hay những con người cụ thể tự biến mình thành tay sai của Satan mà chính họ cũng không ý thức. Vì thế, Ngài không quan tâm, không thích nghe người ta kể tội nhau (x. Lc 18, 9-14) và làm chuyện khác: Ngài viết trên đất. Chúng ta hãy đoán xem, Ngài đã viết gì? Sự thật quả là chị có hành vi vi phạm điều luật cấm, nhưng Đức Giê-su nhìn ra một sự thật lớn hơn, đó là một con người đang đau khổ, cần được nâng đỡ, một bệnh nhân cần được chữa lành, một nạn nhân, cần được giải thoát. Hơn nữa, Người còn biết, và chỉ có mình Người biết mà thôi, đau thương nào, quá khứ nào, tình cảnh nào, gia cảnh nào, sức mạnh đen tối nào… đã dẫn chị đến hành vi này. Chỉ mình Ngài mới thấu suốt con tim và cuộc đời của chị; vì thế, Ngài cảm thương chị, Ngài thấu hiểu những điều sâu kín đã dẫn chị đến hành vi đó. Còn chúng ta, chúng ta chỉ nhìn thấy hành vi bên ngoài đã vội vã lên án rồi. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn không biết tại sao chị lại có hành vi như thế, bởi khó khăn nào, bị chi phối bởi quá khứ nào, vết thương nào, đau thương nào, tình cảnh nào, gia cảnh nào, hành trình nào, những dấu ấn nào, những khổ đau nào, những biến cố đau buồn nào, những sức mạnh đen tối nào…
Và chính khi Ngài im lặng, giống như sự im lặng trong cuộc Thương Khó, mà ý muốn chết chóc lại được bộc lộ ra mỗi lúc một rõ hơn: họ không chỉ muốn kết án người phụ nữ, nhưng còn muốn kết án chính Chúa; bằng cách buộc Chúa phải lên tiếng. Nhưng thay vì đưa ra câu trả lời mà họ muốn, Ngài mời gọi họ nhìn lại mình, không chỉ ở vẻ bề ngoài, nghĩa là những hành vi, nhưng là những chuyển động sâu kín của con tim: ở nơi đây, ai đã chưa từng phạm tội “ngoại tình” bởi lòng ham muốn (x. Mt 5, 28)?
3. Đức Giê-su và người phụ nữ (c. 9b-11)
Họ bỏ đi hết, bởi vì chính khi họ lên án người khác, là họ lên án chính mình:
Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su,
và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (c. 9b)
Và Ngài nói với người phụ nữ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị”; nên dịch là “Tôi, tôi không lên án chị”, vì hành động không lên án của Đức Giê-su hoàn toàn khác hẳn với quyết định bỏ đi của những người muốn lên án; và chắc chắn họ vẫn còn muốn lên án và phải lên án cho bằng được, để chứng minh mình đúng.
Chỉ mình Ngài mới có thể lên án, và đây là lúc Ngài lên án tốt nhất và đúng nhất, giống như trên Thập Giá. Nhưng Ngài không lên án. Vì nếu lên án, Ngài cũng chẳng khác gì những kinh sư và luật sĩ. Và nhất là bởi vì lên án không thuộc về bản chất của Sự Thiện và Tình Yêu, vốn là chính Ngài; miệng khô khi vì không ngừng tố cáo và lên án loài người hoàn toàn không phù hợp với khuôn mặt hiền lành của Thiên Chúa. Và lên án không có khả năng chữa lành tận gốc rễ tội lỗi. Chỉ có Lòng Thương Xót mới có thể mà thôi; vì thế, Người nói với người phụ nữ: “Từ nay đừng phạm tội nữa!” Người không chỉ tha thứ, nhưng còn muốn chữa lành chị, giải thoát chị bằng lòng thương xót, bằng tình yêu và lòng biết ơn mà Người muốn hơi dậy nơi con tim của chị. 
*  *  *
Xin cho chúng ta kinh nghiệm sâu thẳm lòng thương xót vô biên của Chúa dành cho mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta không thể biết hết và nhớ hết tất cả những gì thuộc về mình. Hơn nữa, tội đúng nghĩa, đâu phải là hành vi bề ngoài, nhưng còn những chuyển động sâu kín của con tim, của ý thức, của vô thức, như lời nguyện của Thánh Vịnh:
Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.
(Tv 19, 13)
Như người con hoang đàng trở về và thưa với người cha : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Chúng ta nên bắt chước xưng tội như người con thứ : thay vì cố gắng làm bản thống kê : làm gì, chi bao nhiêu, cho ai, bao nhiêu lần, ở đâu. Một bản thống kê như thế, dù có đúng và đủ, nhưng làm sao đúng và đủ được, xem ra không có ích lợi thiêng liêng gì, và chắc chắn, đó cũng không phải là điều người cha muốn nghe, là điều Chúa muốn nghe. Vấn để là nhận ra gốc rễ, nhận ra thái độ vô ơn, nhận ra những hình ảnh những ý nghĩ sai lầm… đã dẫn đến những hành vi như thế. Thay vì, làm bản thông kê, chúng ta hãy để cho Lòng Thương Xót của Chúa lôi cuốn chúng ta, làm cho trái tim chúng ta bừng cháy lửa yêu mến Chúa, tái sinh chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và thay đổi tương quan của chúng ta đối với mọi sự, trong đó có chính bản thân chúng ta, như trường hợp người phụ nữ tội lỗi, trong Tin Mừng theo thánh Luca : tội nhiều, được tha nhiều, nên yêu mến nhiều (x. Lc 7, 36-50) ; và chắc chắn đó cũng là kinh nghiệm thiêng liêng của « người phụ nữ ngoại tình ».
Với tình yêu đến cùng, được diễn tả trong bí tích Thánh Thể và được hoàn tất trên Thập Giá, chúng ta đã được Chúa bao dung và ôm ấp trọn vẹn, để chinh phục con tim của chúng ta, và để khơi dậy lòng ước ao dâng hiến cuộc đời còn lại cho Chúa, với lòng biết ơn và tình yêu lớn, và cũng để chúng ta biết bao dung và thương xót nhau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Người dạy và học luân lí chuyên biệt cũng có thể rơi vào cài bẫy này của ma quỉ.

 Suy niệm 4

A- Phân tích (hạt giống...)

1. Bài đọc 1: thuật lại chuyện bà Susanna bị hai kỳ lão vu khống là phạm tội ngoại tình nên kết án xử tử. May có cậu bé Đaniel khôn ngoan cứu thoát bà.

2. Bài Phúc Âm: cũng tường thuật chuyện một phụ nữ sắp bị kết án tử. So sánh hai chuyện ta thấy được vài điểm đáng chú ý sau:

- Bà Susanna vô tội, còn người phụ nữ này phạm tội bị bắt quả tang.

- Đaniel cứu người vô tội, còn Chúa Giêsu cứu người có tội.

- Những người muốn xử tử hai người này đều là những bậc “đạo đức” mẫu mực.

- Câu chuyện trong bài Phúc Âm này kết thúc bằng câu nói rất hiền từ của Chúa Giêsu “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

B- Suy gẫm (..nẩy mầm)

1. Những bậc “đạo đức” trong hai câu chuyện trên đều muốn giết người. Những người trong bài đọc Cựu Ước muốn giết người vì lòng họ gian ác rõ ràng: chính họ là kẻ có tội nhưng họ lên án kẻ khác để che dấu tội lỗi của mình. Còn những người trong bài trích Phúc Âm này muốn giết người để tỏ ra mình nghiêm chỉnh tuân thủ lề luật. Những người này còn lợi dụng mạng sống của nạn nhân để gài bẫy Chúa Giêsu. Thì ra, người ta có thể tô vẽ bộ mặt đạo đức của mình bằng chính những mưu toan tội lỗi.

2. Chúa Giêsu buồn vì những người đạo đức giả dối đó. Ngài nhắc họ “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Tôi có đang hay sắp ném đá ai không? Hãy trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu.

3. “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa không kết án ta, ta hãy cảm mến lòng khoan dung của Ngài. Nhưng không nên lơi dụng lòng khoan dung ấy “Từ nay đừng phạm tội nữa”. Cảm mến tình Chúa thì đừng làm Chúa buồn nữa.

4. Chú giải đoạn trích Phúc Âm này, một nhà nghiên cứu Thánh Kinh viết: “Luôn có rủi ro khi ta tha thứ”, nghĩa là nhiều khi người được tha lại đi phạm tội nữa. Chính vì muốn bảo đảm, tránh rủi ro đó mà nhiều người không tha thứ. Nhưng Chúa Giêsu dám chấp nhận rủi ro. Phần tôi thì sao?

5. Đọc chuyện này dưới góc cạnh tâm lý, ta còn thấy thêm rằng xét đoán người khác là một cám dỗ thường xuyên và kết án người khác nhiều khi cũng là một thứ khoái lạc. Bởi đó nhiều người rất thích xét đoán và kết án.

6. Thánh vịnh 32 có thể giúp chúng ta hiểu được tâm trạng của người phụ nữ ngoại tình, và của chính chúng ta: “Phúc cho ai có tội mà được tha, có lỗi lầm mà được khỏa lấp” (Tv 32,1).

7. Một Mục Sư giảng về chiếc thang Giacóp. Cậu con trai ông rất cảm động. Mấy ngày sau, cậu nói với cha là mình vừa mơ về câu chuyện đó.

- Sao, con mơ thấy gì?
- Con mơ thấy một chiếc thang lên tới tầng mây. Ở dưới chân thang có rất nhiều phấn, và mỗi người phải lấy phấn viết hết tất cả các tội của mình ở trên đó thì mới lên được.
- Hay thật! Rồi con thấy gì nữa?
- Con thấy con leo lên, nhưng chưa được bao xa thì con thấy có người leo xuống.
- Ai vậy?
- Ba chứ ai!
- Ba? Thế ba leo xuống để làm gì?
- Ba lấy thêm phấn! (Winnder, London)

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa là bánh trường sinh. Bánh Thánh Thể của Chúa sẽ mang lại cho chúng con sự sống đời đời. Xin Chúa thương giải cứu linh hồn chúng con khỏi bóng tối của tội lỗi và sự chết. Xin Chúa hãy đánh thức tâm hồn chúng con đang chìm đắm trong những đam mê, tội lỗi.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin ban cho chúng con lòng mến yêu vào Chúa. Xin ban cho chúng con đức tin vững vàng để chúng con buông mình trong sự quan phòng của Chúa. Đức tin sẽ nâng chúng con dậy sau những lần vấp ngã. Đức tin sẽ giúp cho lòng cậy trông của chúng con thêm vững vàng hơn. Đức tin sẽ xé tan bức màng tang tóc, buồn đau để chúng con luôn hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Dù lòng chúng con còn ngổn ngang trăm chiều. Dù tâm trí chúng con còn bấn loạn hoang mang. Dù thân xác yếu đuối ươn hèn, nhưng chúng con tin Chúa sẽ luôn nâng đỡ chúng con. Chúa mãi mãi là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa là Đấng đầy quyền năng, Chúa đã phán một lời để phục sinh sự sống cho Ladarô. Chúa đã tháo cởi ràng buộc sự chết cho Ladarô. Xin Chúa cũng cứu lấy linh hồn chúng con. Xin ân sủng Chúa gột rửa linh hồn chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin ban lại cho chúng con một tâm hồn tinh tuyền, trong trắng để xứng đáng là đền thờ của Chúa. Amen

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận