Thứ ba tuần thánh

Đăng lúc: Thứ ba - 31/03/2015 02:19 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN THÁNH.
"Một người trong các con sẽ nộp Thầy... Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần".
 
Lời Chúa: Ga 13, 21-33. 36-38
Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: "Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy". Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: "Hỏi xem Thầy nói về ai đó". Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: "Thưa Thầy, ai vậy?" Chúa Giêsu trả lời: "Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó". Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: "Con tính làm gì thì làm mau đi". Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: "Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được", nay Thầy cũng nói với các con như vậy".
Simon Phêrô hỏi Người: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu?" Chúa Giêsu trả lời: "Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy".
Phêrô thưa lại: "Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy". Chúa Giêsu nói: "Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần".

 
SUY NIỆM 1: Bóng đêm tội lỗi.
Bóng đêm đồng lõa với tội ác: Bao nhiêu cuộc hôi họp để toan tính những hành vi hắc ám thường được tổ chức về đêm: nương theo đêm tối, những tên hành nghề trộm cướp mới mạnh tay hành động; những cuộc vui chơi trác táng, những mối tình vụng trộm cũng thường xẩy ra vào đêm. Bóng đêm cũng đã chứng kiến một cuộc bán Thày phản bạn được Tin Mừng thuật lại: Khi ấy, Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ, tâm hồn Ngài xao xuyến… Giuđa nhận chiếc bánh từ tay Chúa Giêsu trao, ăn xong, y đứng dậy ra đi, bấy giờ là đêm tối.
Dưới ngòi bút của Gioan, ánh sáng và bóng tối mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Nhưng ở đây bóng tối được sử dụng để diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng của Giuđa trong âm mưu đen tối của y nơi đoạn Tin Mừng hôm nay. Bóng đêm luôn ngự trị khi con người chủ ý quay lưng lại với Chúa Giêsu, bóng đêm luôn xâm chiếm tâm hồn khi con người nghe theo sự xúi giục của sự dữ hơn là lời mời gọi của Thiên Chúa. Bóng đêm luôn giữ phần thắng khi hận thù, gian tham bóp chết sức mạnh của tình yêu. Bóng đêm xâm chiếm cõi lòng khi con người khước từ tình yêu Thiên Chúa như trường hợp của Giuđa. Trước khi Giuđa đứng dậy bỏ bàn tiệc thân hữu để đi vào bóng đêm, Chúa Giêsu đã dùng mọi phương thế để cảnh tỉnh Giuđa: trước tiên là lời tiên báo công khai: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: một trong các ngươi sẽ nộp Ta”, nhưng Giuđa giả điếc làm ngơ không nghe lời cảnh tỉnh ấy. Tiếp đến, Chúa Giêsu chấm bánh trao cho Giuđa, đó là một cử chỉ thân tình, nhưng Giuđa đã ăn miếng bánh ấy không chút rung động, đến độ thánh Gioan diễn tả hậu quả trái ngược: “Ăn miếng bánh rồi, Satan đã nhập vào y”. Sau cùng, Chúa Giêsu dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cuối cùng qua câu nói: “Ngươi tính làm gì, thì làm mau đi”, câu này ngụ ý rằng âm mưu của ngươi, Ta đã biết, làm sao một môn đệ lại có thể âm mưu phản Thày”. Tuy nhiên, những lời nói và cử chỉ thân tình ấy đã không cầm chân được Giuđa khỏi tiến vào bóng đêm tội lỗi.
Ngày thứ ba tuần thánh, khi đưa ra một Giuđa cứng lòng bướng bỉnh, tiến vào bóng đêm của phản bội, của tội lỗi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để chấp nhận lời cảnh tỉnh và nhất là đón nhận những cử chỉ thân tình yêu thương của Chúa Giêsu, để bừng sống dậy nhập đoàn những người đã và đang thực hiện một cuộc cách mạng tình thương mà Ngài đã khởi xướng khi tuyên bố: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống vì bạn hữu”, “Ta ban cho các con một điều răn mới là hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con”.
Ước gì sự hiến thân chết vì tình yêu trên Thập giá của Chúa dẫn chúng ta từng bước thoát khỏi bóng đêm của tội lỗi để tiến vào ánh sáng của Chúa Nhật Phục Sinh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Sự vấp ngã của Giuđa và Phêrô
Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu và đi sâu vào tâm tư Chúa trong giây phút quan trọng này, có hai đặc điểm quan trọng được nêu bật ở đây: Ngài là một vị Thiên Chúa nhập thể làm người như chúng ta; là con người, Chúa Giêsu xúc động mạnh mẽ, tâm hồn xao xuyến sâu xa trước cuộc Thương Khó sắp trải qua, trước sự không hiểu và sắp phản bội của các đồ đệ, của Giuđa phản bội và của Phêrô tự phụ chối Chúa. Là một vị Thiên Chúa, Chúa Giêsu ý thức rõ ràng điều sắp xảy ra cho mình và gọi đó là việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ tử nạn là giờ tôn vinh, Thiên Chúa được tôn vinh, chính Chúa được tôn vinh và con người được tôn vinh, được hòa giải với Thiên Chúa, được lãnh nhận sự sống đời đời.
Nơi chương17 sau đó, Chúa Giêsu nói rõ ra nội dung chính của việc tôn vinh này như sau: "Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh con Cha để con Cha tôn vinh Cha theo quyền năng Cha đã ban cho Người trên mọi phàm nhân, để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời, đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Ðấng Cha sai đến là Giêsu Kitô. Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm". Chúa Giêsu ý thức rõ ràng về chương trình Thiên Chúa Cha muốn thực hiện, Chúa muốn thực hiện điều đó cách hoàn hảo, nhưng đồng thời ý thức rõ ràng điều tệ hại mà các môn đệ của Ngài đang liều sa vào. Giuđa sắp phản bội, Phêrô sắp chối bỏ Ngài, nên Chúa xao xuyến sâu xa.
Nhưng tội lỗi của con người không thể làm hư chương trình của Thiên Chúa. Cho đến tận cùng, Chúa làm những gì có thể làm được để thức tỉnh người tội lỗi. Chúa hành xử với mỗi người một cách khác nhau, ngấm ngầm, âm thầm với Giuđa và công khai với Phêrô. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là quyết định tự do của con người. Giuđa mở tâm hồn, đón nhận Satan, từ bỏ ánh sáng, tự ý bước vào trong tối tăm và càng ngày càng lún sâu vào đó cho đến mức tuyệt vọng, vì trong tâm hồn ông không còn chút tình yêu nào đối với Chúa nữa. Phêrô cũng sẽ sa ngã, nhưng tình yêu Chúa nơi ông giúp ông ăn năn trở lại, bắt gặp cái nhìn của Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp con trở về cùng Chúa, đừng bao giờ thất vọng về những lỗi lầm đã phạm, nhưng biết học lấy bài học của sự sa ngã để tiến lên mãi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 3: Khổ đau của Đức Giêsu
Đức Giêsu nói thế rồi, tâm thần Người xao xuyến. Người tuyên bố:
“Thật, Thầy bảo thật anh em:
có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. (Ga. 13, 21)
Đức Giêsu chịu nhiều đau khổ, nhưng người ta tự hỏi, đau khổ lớn nhất có phải là đòn đánh, mạo gai, cơn hấp hối hay bị đóng đinh trên thập giá? vì còn nhiều thứ đau khổ khác nữa.
Thứ đau khổ con tim và linh hồn mới thực sự cực khổ hơn bất cứ đau khổ thể xác nào. Người ta đau khổ thể xác mà trái tim vẫn có thể hạnh phúc, như các thánh tử đạo, bị cực hình thân xác, nhưng tâm hồn vẫn hân hoan. Khi bị đau khổ tâm hồn và tâm tư, thì không còn cách nào được sung sướng.
Đức Giêsu đã bị một ông tông đồ bán: đó là Giu-đa. Người cũng bị tông đồ cả là Phê-rô chối bỏ. Người còn bị tất cả các môn đệ bỏ trốn. Đó không phải là những lúc đau khổ lớn nhất sao?
Đau khổ cực dữ nhất không phải là thứ đau khổ làm cho kêu la lớn nhất. Đau khổ thấm thía sâu sắc không phải là thứ đau khổ kêu gào trên mái nhà. Đau khổ lớn nhất cũng như niềm vui to nhất thường là câm lặng.
Đức Giêsu biết một bạn thân nộp Người. Người đã không vạch mặt chỉ tên. Trái lại, Người đã rất kín đáo bảo Giu-đa đi làm công việc như thường để không một môn đệ nào biết. Những đau khổ đó càng dằn vặt dữ tợn khi người ta muốn đối diện với chúng một mình.
Bị Giu-đa bán nộp, tiếp theo đó Đức Giêsu còn phải đối diện với sự phản bội của Phê-rô. Người biết rõ thế. Phê-rô lại chẳng biết gì, ông không thể tưởng tượng mình sa ngã xuống hố sâu đến thế. Đức Giêsu không phiền trách ông chút nào. Người sẵn sàng chịu đau khổ do những bạn nghĩa thiết của Người và tất cả mọi người, dù họ đầy những yếu đuối. Còn chúng ta có noi gương Người không?
Khi người ta chịu đau khổ vì những người thân yêu, thì chính là dấu người ta yêu chân thật.
J.Y.G

SUY NIỆM 4
1. Phản bội
Trong bài Tin Mừng theo Thánh Gioan của Thứ Ba Tuần Thánh, Đức Giê-su tiên báo về hành vi phản bội của ông Giu-đa, bởi vì đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc Thương Khó của Người:
Thật, Thầy bảo thật anh em: “có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (c. 21)
Ngay trước đó, trình thuật kể lại việc rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13, 1-20), mà chúng ta sẽ nghe lại trong Thánh Lễ Tiệc Ly vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, cũng được đánh dấu rõ nét bởi hành vi phản bội này: ở phần đầu (c. 2), phần cuối (c 18) và phần giữa (c. 11).
- “Ma quỉ đã gieo vào lòng Giu-đa…” (c. 2 và 27), ở đây Giuđa được nhìn như là nạn nhân của Sự Dữ.
- “Người biết ai sẽ nộp Người” (c. 11), trong lời tường thuật này của thánh sử Gioan, Giuđa được nhìn như là tác nhân.
- “Nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (c. 18; trích Tv 41, 10). Trong lời nói này của chính Đức Giê-su, Giuđa được nhìn trong Kế Hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Vậy tại sao Giu-đa phản bội? Về hành động của Giuda, nếu chúng ta so sánh bốn Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mỗi Tin Mừng nói về ông một cách khác nhau. Điều này, cho thấy, hành động của ông phức tạp hơn chúng ta tưởng, nhất là chúng ta chỉ biết hành vi thôi, chứ không thấy được những động lực phức tạp của nội tâm. Tin Mừng theo thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến lí do tiền bạc: “Tôi nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26, 15). Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó, cho thấy Giu-đa không phải hành động vì tiền: ông đã hội hận và trả lại tiền; nhưng ông đã không mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót, nhưng tự làm quan tòa của chính mình. Lời loan báo của Đức Giê-su về Giu-đa ẩn dấu nhiều bí ẩn:
- Lời loan báo hướng tới một người, nhưng ai cũng buồn rầu và thấy mình có liên quan: “Chẳng lẽ con sao?” (Mc 14, 19). Về chuyện này, không ai chắc chắn về mình cả. Có sức mạnh nào đó vượt quá các tông đồ, các môn đệ, vượt quá Giuđa, vượt quá mỗi người chúng ta.
 – Đức Giêsu biết trước, nhưng tại sao Ngài như vẫn chấp nhận và thậm chí đón nhận Giuđa, ít nhất là trong bữa ăn này? “Nhóm Mười Hai” cùng tới đầy đủ, cùng vào bàn, cùng ăn (Mc 14, 17); và lời nói này có nguồn gốc từ một Thánh Vịnh, Tv 41, 10. Và sự bao dung này vẫn diễn ra hằng ngày trong Thánh Lễ.
- Lời của Đức Giê-su về Giu-đa là một lời than, chứ không phải chúc dữ: “Bất hạnh cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”. Nhưng dù sao, lời này cũng quá nghiêm trọng. Biến cố hoài thai, vốn là một ân huệ, một công trình tạo dựng kì diệu (x. Tv 139, 13), trở nên không đáng có. Chúng ta cũng có thể, liên kết tội của Giu-đa với tội nguyên tổ: vô ơn, ham muốn, nghi ngờ. Nếu là như thế, tội của Giu-đa, là nơi hội tụ của mọi tội. Tội này có nguyên nhân là Con Rắn, và Tội này cũng dẫn đến ơn cứu độ là Thập Giá Đức Giê-su.
- Nhưng đó lại là kế hoạch của Thiên Chúa: “như lời đã chép về Người”; như vậy là làm sao? Đây là mầu nhiệm trên hết mọi mầu nhiệm. Câu chuyện của Giuse trong sách Sáng Thế giúp chúng hiểu được phần nào mầu nhiệm này: “Ông Giu-se nói với họ: Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50, 19-20).
Như thế, bản chất đích thực của hành vi phản bội phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỉ (x. Ga 13, 2 và 27; Lc 22, 3) và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giuđa, và cùng với Giu-đa là Satan, không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giêsu, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy trở nên tuyệt đối và đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho các môn đệ, trong đó có Giuđa, cho từng người chúng ta.
 2. Thất hứa
Khi Chúa báo trước rằng mọi người sẽ vấp ngã vì Chúa, ông Phê-rô đã làm cho mình được nổi bật, với những lời cam kết trung tín: “Ngay cả khi mọi người vấp ngã vì Thầy, phần con, con sẽ không bao giờ vấp ngã”; và khi Chúa nói một cách chính xác với Phêrô rằng ông sẽ chối Chúa đến ba lần ngay đêm hôm ấy trước khi gà gáy, Phêrô nói với Chúa: “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”.
Và ông Phê-rô đã thực sự thực hiện lời hứa của mình : một mình ông dám đi theo Chúa đang bị giải đi, và vào tận dinh Thượng Tế, dám trà trộn với bọn người làm để theo dõi sự việc (c. 58 và 69a). Chúng ta hãy thán phục sự can đảm của ông. Hơn nữa, ông đã từ bỏ rất nhiều, nhất là quan niệm riêng của ông về Đấng Ki-tô (c. Mt 16, 22)
Dù ở bên ngoài, ông Phê-rô đã có mặt trong cuộc xét xử Đức Giê-su bởi Thượng Hội Đồng từ đầu đến cuối; nếu ông không thấy, có thể nghe nói hoặc hỏi thăm người ta. Ông đã cảm nghĩ như thế nào, nhất là về cách người ta tố cáo, xét xử, lên án và hành hạ Thầy của mình ? Chắc ông đã biết hết ; điều này giải thích tại sao ông chối Chúa, vì đã nghe biết cách người ta xử án và kết quả cuộc xử án, và cũng giải thích tại sao ông đau đớn đến như thế.
*  *  *
Như Tin Mừng theo thánh Mát-thêu kể lại (x. Mt 26, 69-75), ba lần từ chối tương quan với Đức Giê-su, và càng ngày càng từ chối rõ ràng và mạnh mẽ hơn :
Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?” Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!”
Đây là câu trả lời tránh né câu hỏi. Hoặc đó là câu trả lời có hai nghĩa : phủ nhận nhưng không hẳn là phủ nhận ; vì thế, người ta có thể yên tâm, không áy náy. Nhưng đó chỉ là hình thức thôi, vì ý muốn phủ nhận là có thật, nhưng được diễn tả bẳng cách nói nước đôi. Cũng giống như chúng ta từ chối khéo, thay vì nói thẳng ra. Nhưng hai lần sau, thì rõ ràng và lần thứ ba quyết liệt hơn lần thứ hai :
Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: “Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy.” Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy.”
Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay.” Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy.”
Năng động của tội là như thế, sinh sôi nảy nở và càng ngày càng nghiêm trọng, và trở nên rõ nhất trong cuộc Thương Khó. Năng động của tình yêu cũng thế, nhưng theo chiều ngược lại. Có thể vì tình huống nguy kịch, nên ông Phê-rô chối bỏ tương quan với Chúa cho xong chuyện thôi, chứ trong lòng, ông đâu có đoạn tuyệt với Chúa. Trong cuộc sống, trong nhiều trường hợp, chúng ta không cần phải nói sự thật với bất cứ ai. Nhưng vấn đề ở đây là Chúa đang bị nguy hiểm, còn ông Phê-rô thì tìm cách tránh né nguy hiểm ; hơn nữa, làm như thế là không đúng với điều ông đã hứa : “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”. Nếu ông không hứa, thì đâu có sao !
Còn chúng ta, chúng ta có chối Chúa hay không ? Có lẽ chúng ta không chối như thế, nghĩa là có người hỏi về tương quan thuộc về Đức Ki-tô của chúng ta, và chúng ta công khai phủ nhận, để được an thân. Nhưng nếu chúng ta xem xét việc chối Thầy của ông Phê-rô không dưới khía cạnh nội dung cụ thể, nhưng dưới khía cạnh hình thức : là đưa ra lời hứa, nhưng không giữ lời hứa của mình, không trung thành với lựa chọn của mình, thì chúng ta đã “chối Chúa” rất nhiều, thậm chí hàng ngày.
Chúng ta hãy nhận ra con người thật của chúng ta nơi hành vi thất hứa và nơi lời nói chối bỏ “tương quan thuộc về” Đức Ki-tô của ông Phê-rô. Chúng ta cũng có thể sống, ý thức hay không ý thức, như người không biết Chúa, không thuộc về Chúa, qua một ánh mắt, một cử chỉ, một hành động, một lối sống trong một giai đoạn nào đó, qua tương quan lệch lạc của chúng ta với người khác hay với “những sự khác”.
3. Thức tỉnh
Chúng ta có thể tự hỏi : điều gì đã làm cho ông Phê-rô thức tỉnh ? Có hai yếu tố. Trước hết là Tiếng gà gáy. Tại sao hành động chối bỏ tương quan thuộc về Đức Giê-su lại gắn liền với tiếng gà gáy ? Cách các thánh sử Mát-thêu, Lu-ca và Gioan kể lại đều giống nhau ở chi tiết này : có tiếng gà gáy, sau ba lần chối. Nhưng thánh Lu-ca thêm một chi tiết thú vị : ông đang chối lần ba, thì gà gáy. Thánh sử Mác-cô kể lại hơi khác một chút : sau lần chối thứ nhất, gà gáy ; sau lần chối thứ hai và thứ ba, gà gáy lần nữa.
Đức Giê-su đã nói với ông Phê-rô : “nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối thầy 3 lần”, ngay trong đêm Đức Giê-su bị bắt, trước khi trời sáng. Như thế, bối cảnh “chối Thầy” là những hình ảnh thiên nhiên mang đầy ý nghĩa : hành động từ chối tương quan thuộc về xẩy ra rất mau ; và đó là hành động thuộc về ban đêm, thuộc về đêm tối, trước khi trời sáng ; thế mà ánh sáng là biểu tượng của sự sống và tương quan thuộc về ánh sáng Đức Ki-tô.
Tiếng gà gáy báo cho người ta thức dậy, sau giấc ngủ. Hành động từ chối thuộc về Thẩy của mình, đến ba lần, đủ nhiều để chúng ta hiểu đó là một giấc ngủ, và là một giấc ngủ mê. Tiếng gà gáy đánh thức ông Phê-rô. Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, ông Phê-rô cần tới hai lần gà gáy. Còn chúng ta, chúng ta cần mấy lần ? Và tiếng “gà gáy”, mà chúng ta cần để thức tỉnh là gì ?
Tuy nhiên, tiếng gà gáy, xét như hiện tượng tự nhiên vẫn chưa đủ. Bởi vì, sau tiếng gà gáy, ông nhớ lại lời Đức Giê-su. Đi đôi với hiện tượng thiên nhiên, cần phải có Lời Chúa nữa. Đó là yếu tố thứ hai. Ông Phêrô nhớ lại lời Chúa đã nói với mình. Đó là chìa khoá của hoán cải: trở về với Lời đã ngỏ cho tôi cách đích thân. Chúa là Tình yêu, và trong tình yêu không có chỗ cho việc chối từ sự trở về, mà chỉ có đón nhận mà thôi.
Bản văn của Tin Mừng theo thánh Luca, còn nói đến một chi tiết rất đánh động : Chúa quay lại nhìn ông (x. Lc 22, 61). Như vậy Phê-rô chối Thầy của mình trong tầm nhìn của Ngài. Như chính chúng ta, mỗi khi chúng ta cách nào đó chối Chúa, chúng ta cũng thực hiện trong tầm nhìn của Chúa, bởi vì Ngài “bao bọc chúng ta cả sau lẫn trước”. Hãy hình dung ra cái nhìn của Chúa đối với ông Phê-rô và đối với chúng ta : Đó là ánh mắt nào ? Giận dữ, trách móc, hay bao dung và tha thứ ? Chúng ta hãy đi vào tâm tình của Chúa mỗi khi chúng ta, cách nào đó chối Chúa.
Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của ông Phê-rô và đi vào tâm tư của ông. Chúng ta có bao giờ khóc như thế chưa ? Hay một tâm tình tương tự mỗi khi chúng ta không giữ lời hứa với Chúa ?
*  *  *
Cần phải cương quyết như thánh Phê-rô, nhưng trong trường hợp này, ông Phê-rô như đụng đến giới hạn của mình mà không biết, nhưng Chúa lại biết rõ. Để theo Chúa đến cùng trên con đường của Chúa, chúng ta không thể duy ý chí và dựa vào sức mình được, nhưng còn phải dựa vào lòng trung tín và lòng thương xót của Chúa. Giáo Hội được xây dựng “Đá Tảng Phê-rô”, nhưng “Tảng Đá Phê-rô” lại dựa vào lòng thương xót.
Phê-rô vẫn đáng thương hơn đáng trách. Chúng ta cũng thế, dưới mắt Chúa, chúng ta vẫn đáng thương hơn đáng trách. Nhìn ngắm sự yếu đuối của ông Phê-rô, chúng ta sẽ được an ủi nhiều : một đàng Chúa biết hết, biết tình yêu mỏng dòn của chúng ta dành cho Chúa, nhưng Chúa vẫn bao dung, tin tưởng và không lên án.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 
 Giu-đa phạm tội gì ?


Đây đó đọc sách báo ta thấy tình trạng con giết cha, trò đánh Thầy, bạn bè gạt nhau… Bỗng hiện lên trong ta một con người đã từng làm hoen ố trang Tin Mừng: Giuđa.
Nhắc đến Giuđa, ta lại tự hỏi, trong vụ án Chúa Giêsu, Giuđa phạm tội gì?
Phản thầy dối bạn. Người ta vẫn thường nói thế.
Phản thầy dối bạn. Đúng nhưng chưa đủ.
Đúng, người xưa đã từng nói: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”, và lời giáo huấn khác rằng: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Thế thì, phản thầy đúng là tội nghịch luân thường đạo lý! Lại nhớ lời Thánh Vịnh:
“Khi nền móng cương thường đổ nát
Người công chính còn làm được chuyện gì?
" (Tv 11,3).
Chưa đủ, vì hành động phản thầy, dối bạn của Giuđa xem ra cũng chỉ là hệ luận tất yếu phải có của một lối sống, một chọn lựa đã ẩn chứa nơi ông từ lâu.
***
Trong một chiều khi hoàng hôn buông xuống, dọc con đường đầy gai và cỏ dại của miền đất cằn cỗi cày lên sỏi đá, Thầy trò Giêsu thả những bước vội vàng trên đường về Giêrusalem; sau khi nghe Thầy tiên báo về cuộc thương khó sắp xảy đến, Phêrô đã không quan ngại đứng ra can gián Thầy không nên liều lĩnh như thế. Liền sau đó Thánh nhân đã bị hứng chịu một trận quở mắng: “Satan, kẻ cản đường Thiên Chúa, hãy lui ra phía sau!”(Mt 16,21–23).
Rồi lần khác cũng trên đường chiều tiến về Giêrusalem, sau khi nghe Thầy tiên báo về cuộc thương khó, anh em con nhà Giêbêđê, vẫn không màng lưu tâm để ý đến chương trình của Thiên Chúa. Song lại vẫn nhờ mẹ là “chỗ quen biết” đến xin cho được quyền cao chức trọng một khi Thầy đã nắm trọn quyền trong tay (x. Mc 10,32-45).
Giuđa cũng thế, ông theo Thầy Giêsu vẫn không ngoài mục đích tìm lợi lộc trần gian. Song cũng chẳng riêng gì một Phêrô, một Gioan, Giacôbê, Giuđa, mà có thể nói đó là tâm tính chung của tất cả những ai đã từng theo Thầy Giêsu. Bảy mươi hai môn đệ, mười hai Tông đồ… cũng chẳng khá hơn là mấy. Họ theo Chúa Giêsu với mộng ước một ngày kia sẽ được Ngài đứng lên dẹp tan ách thống trị của Đế quốc Rôma… Đoạn Tin Mừng về hai môn đệ đi đường Emmau (x. Lc 24,13– 35) đã chứng minh điều đó.
Ở điểm này, Miguel Otero Silva, một nhà văn lớn của châu Mỹ Latinh, từng tham gia thành lập Đảng Cộng Sản Venezuela (1931), đã thật chí lý khi đặt trên môi miệng của Baraba, một nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc, trong một cuộc đối thoại với Chúa Giêsu, khi hai người cùng chịu giam chung ngục thất trước lúc bị điệu ra pháp trường: “Thưa Rabbi, họ không lầm đâu (những người cầm cành lá tung hô Chúa Giêsu trong ngày Ngài vào Thành Thánh). Dân chúng đi theo Thầy là để chờ Thầy chỉ cho họ phương cách tiêu diệt những kẻ áp bức họ, và đối với mọi người Thầy là vua Đavít mới, Thầy sẽ lặp lại phép mầu của vua Đavít và giải phóng Israel. Nhưng họ đã bỏ Thầy đi khi nghe Thầy rao giảng về sự hoà hợp và nhẫn nhục. Chính tôi cũng đã muốn trở thành học trò của Thầy, nhưng sau lần nghe Thầy nói trên một ngọn núi ở Galilêa rằng đáp lại một cái tát của kẻ thù vào một má cần chìa cả má bên kia ra, tôi đã bỏ đàn chiên của Thầy mà đi” .
Giuđa đã can đảm và kiên trì hơn nhiều! Ông đã không bỏ Chúa mà đi. Ông đã theo sát bên Chúa rong ruổi trong suốt ba năm trời dọc ngang bốn miền quê hương. Dẫu nghe hoài điệp khúc yêu thương tha thứ của Thầy, ông vẫn không lơi mộng lớn…
Tình hình đất nước một ngày một rối ren, Thầy Giêsu vẫn cứ “bình chân như vại”, lại còn rao giảng yêu thương cả kẻ thù, thế mới nghiệt!
Giuđa đã có kế: không gì hơn là dồn Thầy vào chân tường. Quả nhiên, tư tưởng điều khiển hành vi. Ông đã nghĩ, và ông đã làm.
Khi biết rằng giới lãnh đạo tôn giáo, Thượng tế, Luật sĩ… không có quyền xử tử bất kỳ một ai (x. Ga 19, 31), mà quyền ấy chỉ nằm gọn trong tay giới cầm quyền Rôma đô hộ, Giuđa đã dàn dựng một cuộc “đối đầu bất đắc dĩ”. Phen này dầu muốn dầu không, đàng nào Thầy cũng phải ra tay cho “phỉ chí tang bồng”, chứ không thể cứ ngồi yên ngắm nhìn thế sự dần trôi thế này mãi được! Có như thế mới xứng với một bậc anh tài trong thiên hạ! Ấy là Giuđa đã nộp Thầy cho giới lãnh đạo tôn giáo, với hy vọng, để chính tay những người này sẽ nộp Thầy cho phe đối phương. Vô tình ông đã đẩy Thầy vào chân tường, biến Thầy thành “con chốt thí” trong một ván cờ chính trị mà ông là người bài trận.
Nhưng thế sự đã không xảy ra như dự tính đầy dụng ý của ông. Chúa Giêsu đã một quyết thực hiện cho nên trọn chương trình của Chúa Cha như Ngài đã từng thâm tín: “Lạy Cha…, chính giờ này mà con đã đến trong thế gian” (Ga 12,27b).
Cục diện đã khác, sự việc đã không tiến triển như mộng ước ban đầu. Tâm thần suy sụp như một cây chuối đổ, lòng hối hận trào dâng, ông đã tự kết liễu đời mình trong vòng dây oan khiên, giữa một đêm tĩnh mịch đau thương (x. Mt 27,3-10). Ba mươi đồng bạc chẳng còn ý nghĩa gì đối với ông. Nhưng giá máu ấy cũng đáng giá một cái nghĩa trang chôn ngoại kiều.
Có phải vì không có ý định bán Thầy để lấy 30 đồng bạc, ứng với một tháng tiền công (x. Mt 20,1-16), nên trong đêm tiệc ly, khi nghe Thầy tiên báo về kẻ sẽ nộp Thầy, Giuđa vẫn bình an cõi lòng mà thưa: “Lạy Thầy có phải con không?”! (Mt 26,25)
Phêrô khi bị quở mắng đã biết lùi lại phía sau.
Giuđa được cảnh tỉnh, nhưng vẫn một mực hành động theo lối suy nghĩ riêng của mình. Đã rõ, tội Giuđa nằm ở chỗ, là dám vạch chương trình cho Thiên Chúa, và muốn Thiên Chúa thực hiện theo đường lối của mình . Nhưng ông có ngờ đâu, đường lối Thiên Chúa không giống đường lối con người: “Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi như vậy!” (Is 55,9). Và “Thần khí Đức Chúa, ai đo cho nổi? Ai làm quân sư chỉ vẽ cho Ngài? Ngài đã thỉnh ý ai để giúp Ngài thông hiểu, bảo cho Ngài biết lối công minh, dạy cho Ngài mở mang kiến thức, chỉ cho Ngài con đường trí tuệ?” (Is 40,13-14).
Giuđa đã qua rồi. Phần rỗi của ông thuộc quyền Thiên Chúa, kẻ hậu sinh không có quyền phân xử. Nhưng ta tin chắc một điều, không còn hình phạt nào nặng hơn cho ông, là tiếng tăm mà ông vẫn hằng phải gánh chịu, mỗi khi người đời nhắc đến vụ án Chúa Giêsu, là mỗi lần họ đều nhắc đến tên ông!
Giuđa trong vụ án Chúa Giêsu đã qua. Ông đã “an giấc ngàn thu”. Tuy nhiên, ngày nay Giuđa vẫn còn đó. Nhắc đến Giuđa là ta nói đến chính mình đó vậy!
Trong thực tế đời thường, thiếu gì lúc ta đã chẳng tìm một cậy dựa đảm bảo nào khác ngoài Thiên Chúa. Cũng thiếu gì lúc ta đã chẳng cầu xin ơn này phúc nọ bắt Chúa phải thực thi! Thiếu gì lúc ta đã chẳng đòi Chúa hành động theo ý riêng ta, nếu không được ta đã chẳng mất lòng tin; thậm chí cũng thiếu gì người đã bất mãn bỏ Chúa đi tìm một thứ cậy dựa nào khác!
Thế đấy, vô hình dung, ta đã chẳng biến Thiên Chúa thành đối tượng để sai khiến, thành ông chủ để vòi vĩnh?!
Ngày xưa, Giuđa đã muốn vạch đường cho Thiên Chúa. Ông đã thất bại trước một Thiên Chúa làm người. Và ngày nay vẫn còn đó một “tôn giáo của Thiên Chúa làm người đang phải đối diện với tôn giáo của con người muốn làm Thiên Chúa” . Đời nào vẫn thế. Đấy vẫn luôn là một điệp khúc dai dẳng của lòng tham, ích kỷ của những con người mang “xác phàm nhân, thân cát bụi yếu hèn”.
Trong đó có bạn và có tôi.
Đan-Lê
---------------------------------------------
1.  M. Otero Silva, Đấng Cứu Thế, (dịch giả Đoàn Tử Huyến), Nxb Văn Học, tr 213. (Tiểu thuyết, hư cấu dựa trên bốn cuốn Tin Mừng).
2. Câu trả lời chỉ là lập luận của tác giả, không nhất thiết phản ánh lập trường của Giáo Hội.
3.  Đức Phaolô VI, Diễn văn ngày 07.12.1965.
 
Từ khóa:

ăn không, vì sao

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận