Thứ ba tuần 4 mùa chay

Đăng lúc: Thứ ba - 17/03/2015 02:44 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 4 MÙA CHAY.
"Tức khắc người ấy được lành bệnh".
 
Lời Chúa: Ga 5, 1-3a. 5-16
Hôm đó là ngày lễ của người Do-thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần cửa "Chiên", có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm. Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: "Anh muốn được lành bệnh không?" Người đó thưa: "Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi". Chúa Giêsu nói: "Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về". Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do-thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: "Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng". Anh ta trả lời: "Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: "Vác chõng mà đi". Họ hỏi: "Ai là người đã bảo anh "Vác chõng mà đi?" Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.
Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: "Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước". Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh.
Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.

 
SUY NIỆM 1: Chữa Người Bất Toại
Cuốn phim Mỹ với tựa đề: “Cái chết của một thiên thần” mang một ý nghĩa sâu sắc. Tại một vùng quê hẻo lánh bên Nam Mỹ, nơi mà lòng đạo đức bình dân thường pha trộn những mê tín dị đoan, một thanh niên nọ đã ngụy tạo ra một phép lạ thu hút được rất nhiều người. Anh lén rạch da lấy máu mình và cho vào tượng Thánh giá mà chỉ anh mới biết cách tháo ráp. Mỗi lần anh ôm Thánh giá vào lòng thì máu từ mão gai của tượng chảy ra. Dân chúng từ khắp nơi, nhất là những kẻ tàn tật, mù lòa đổ vào để chứng kiến phép lạ. Đoàn người làm thành một đám rước Thánh giá lên trên một ngọn đồi, tại đó người thanh niên quỳ cầu nguyện bên cạnh Thánh giá và máu lại chảy ra từ mão gai trên đầu Chúa.
Trong khi phép lạ ngụy tạo này diễn ra mỗi ngày, thì một đám người bất lương muốn lợi dụng cơ hội để làm tiền. Họ biết chắc đây chỉ là một sự lừa bịp, nhưng họ chưa khám phá được bí quyết của người thanh niên. Sau một thời gian theo dõi, họ đã bắt giữ người thanh niên và tra khảo anh khai ra bí mật ấy. Không chịu nổi cuộc tra tấn, người thanh niên đành thú nhận sự thật và đó cũng là lúc khởi đầu của những hình ảnh đẹp nhất trong cuộc đời anh. Trước đám đông đang chuẩn bị cuộc rước, người thanh niên tháo gỡ tượng Chúa Giêsu khỏi Thánh giá và cho mọi người thấy sự lường gạt của anh từ bao năm qua. Với tất cả thành tâm thống hối, anh vác Thánh giá tiến lên đồi. Đám người bất lương bắn xối xả vào người anh, anh ngã gục, nhưng đoàn người lại tiếp tục vác Thánh giá lên đồi, nhiều người tàn tật, mù lòa bỗng cảm thấy được chữa lành.
Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta nhận ra phần nào sứ điệp mà Mẹ Giáo Hội muốn gửi đến chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay. Đám đông trong câu chuyện trên chờ đợi những dấu lạ từ pho tượng của Chúa Giêsu, nhưng dấu lạ lại chỉ xảy đến chính lúc họ biết khước từ những hiện tượng bên ngoài ấy để nhận ra khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu trên Thánh giá và thông hiệp vào chính cuộc khổ nạn của Ngài.
Phép lạ xảy ra cho người bất toại trong Tin Mừng hôm nay có thể là hình ảnh của lòng tin cần được thanh luyện. Từ 38 năm qua, con người tàn tật này chờ một phép lạ, nhưng một phép lạ gắn liền với một hiện tượng bên ngoài là nước hồ lay động đã không bao giờ xảy đến. Chỉ khi người tàn tật này gặp gỡ Chúa Giêsu, xưng thú nỗi bất lực của mình, và tin tưởng ở lời Ngài, thì lúc đó phép lạ mới thực sự được thực hiện.
Ngày nay, để cảm nhận được phép lạ của Thiên Chúa, chúng ta cũng cần vượt qua não trạng chỉ chờ đợi những hiện tượng khác lạ trong thiên nhiên. Người ta thích đổ xô tới nơi có hiện tượng lạ thường. Dĩ nhiên, trong một số trường hợp. Thiên Chúa đã thực hiện điều đó. Thế nhưng điều quan trọng cho đức tin chúng ta không phải là những hiện tượng khác thường ấy, mà là chính sự gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu. Gặp gỡ Ngài, tin ở lời Ngài, kết hiệp với Ngài nhất là trong mầu nhiệm khổ nạn, con người mới cảm nhận được tác động của Ngài.
Mùa chay là mùa của thanh luyện. Giáo Hội mời gọi tín hữu kết hiệp với Đức Kitô Tử nạn bằng cách sống tâm tình tin tưởng phó thác của Ngài, nhờ đó niềm tin của họ được thanh luyện và họ sẽ cảm nhận được tình yêu của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Ðừng phạm tội nữa
Việc Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát là một trong những nguyên nhân khiến cho người Do Thái tức tối. Họ chống đối Chúa ra mặt. Thậm chí còn muốn trừ khử Ngài cho rảnh mắt.
Trong bài Tin Mừng trên đây, chúng ta thấy có ba tuyến nhân vật: một là Chúa Giêsu, hai là người mắc bệnh nan y và ba là những người Do Thái.
Hôm nay chúng ta đặc biệt lưu ý đến thái độ của người Do Thái và thái độ của Chúa Giêsu. Nhìn vào thái độ của người Do Thái, chúng ta hãy xét mình xem chúng ta có quá cứng nhắc trong các nguyên tắc, các luật lệ, đến độ vô cảm trước những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh hay không, chúng ta có lên án những người vì phục vụ lợi ích của anh chị em đồng loại mà làm những việc có vẻ như bất chấp luật lệ hay không. Phản ứng nông cạn của những người Do Thái trong bài đọc trên đây là một lời nhắc nhở để chúng ta nhớ lại cung cách sống của mình trong các tương quan với kẻ khác. Chúng ta đừng để mình rơi vào trường hợp đáng buồn như những người Do Thái.
Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể xét mình theo thái độ của mình đối với anh chị em. Chung quanh chúng ta không bao giờ thiếu những người bất hạnh. Họ đau khổ trước nỗi bất hạnh của mình và chờ mong một ai đó chia sẻ nỗi khổ với họ. Con tim chúng ta có đủ can đảm để nhận ra tình cảnh khốn khổ của anh chị em mình hay không? Lời và việc làm của chúng ta có mang theo đủ tình thương để xoa dịu nỗi đau khổ của họ hay không? Chúng ta có đủ can đảm và quảng đại vượt qua những trở ngại bên ngoài để giúp đỡ người ấy ra khỏi tình cảnh khốn khó của họ hay không? Hình ảnh Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta can đảm dấn thân chia sẻ nỗi đau khổ với anh chị em chung quanh.
Lạy Chúa, xin cho con học được những bài học thiết thực khi suy niệm bài Tin Mừng của ngày hôm nay. Xin cho con biết kiên trì hy vọng lúc gặp đau khổ, biết lưu tâm chia sẻ những nỗi đau khổ của những người khác và biết uyển chuyển linh động khi đáp ứng những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 3: Người hay chữa bệnh ngày sa-bát
Đức Giêsu bảo: “Anh hãy chỗi dậy, vác chõng và bước đi!” Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và bước đi.
Hôm đó lại là ngày sa-bát. Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!” (Ga. 5, 8-10)
Một lần nữa chứng tỏ một điều chắc chắn này: Xưa kia luật lệ con người rất khó thay đổi, và hầu như không cải tiến được, vì nó ăn sâu vào bản tính nhân loại. Ngay cả ngày nay cũng vậy, người ta gắn bó với nhiều luật lệ từng chi tiết và trở thành một thứ hình thức cực đoan, đến nỗi bị tiêu diệt vì luật lệ. Chúng ta có dám phản đối lối giữ luật nô lệ đó không? Chừng nào chúng ta mới được soi sáng, chừng nào chúng ta mới sống theo tinh thần của luật và không theo lối từ chương lệ cổ, ước chi lòng thành tâm làm cho chúng ta phải sống thế nào cho cân xứng. Sự gắn bó với những điều phụ thuộc làm cho chúng ta mù quáng về những điều cốt yếu. Những người Do thái giữ ngày Sa-bát thời Đức Kitô cũng vậy.
Đây trong một ngày Sa-bát, họ thấy người vác chõng. Mọi người đều biết anh là kẻ bị tê liệt lâu năm nằm ở hành lang hồ Bết-đa-tha. Người ta không biết ngạc nhiên, trong chốc lát, anh đã đi được. Sự lạ lùng nào đã xảy ra cho anh, sao anh đã được khỏi? Nhưng người ta chỉ chú ý đến việc anh vác chõng xúc phạm đến luật nghỉ lễ ngày Sa-bát: một gương mù quá tệ, bất trung chừng nào, ai dám xúc phạm lề luật? Chính ông Giêsu đó, loại người Na-gia-rét chẳng có gì tốt cả, nhưng dám làm nổ tung luật lệ, dám cho mình là Con Thiên Chúa, cho mình bằng Thiên Chúa, còn gọi Thiên Chúa là Cha riêng của mình.
Người Do thái không quan tâm tìm hiểu chân lý đó, mặc kệ chân lý! Họ chỉ biết có luật và mù quáng trung thành giữ luật thôi.
Kêu gọi chúng ta đừng bỏ ngày Chúa nhật để đi tìm thú vui bỉ ổi, chúng ta phải thấy rõ sự cần thiết làm vinh danh Chúa. Còn một cách giữ ngày Sa-bát nữa là yêu thương người lân cận, tuy luật không nói tới, nhưng tình yêu tha nhân là bằng chứng lòng yêu mến Thiên Chúa, đức thờ phượng và lời cầu nguyện của chúng ta.
Đoạn Tin mừng này kêu gọi chúng ta về trách nhiệm đối với anh em mình, họ đang cần chúng ta. Thường người ta tự hỏi sao ngày Chúa nhật không được sống thoải mái! Nhưng ta lại không tự hỏi: Tại sao không dùng ngày Chúa nhật để thực hiện tình bác ái, giúp đỡ bệnh nhân và kẻ nghèo khó, đi dâng lễ. Đó là những cách nhỏ bé chúng ta có thể để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày của Ngài.
J.M

SUY NIỆM 4
Bài Tin Mừng chúng ta vừa được nghe công bố, nêu ra ít nhất ba vấn đề lớn, và cả ba vấn đề này vẫn còn là lớn đối với chúng ta hôm nay:
§  Vấn đề mạnh được yếu thua, có mặt trong mọi lãnh vực của đời sống con người, và dưới những hình thức khác nhau.
§  Vấn đề tương quan giữa sự sống và Lề Luật. Luật được ban khởi đi từ ơn huệ sự sống và để phục vụ cho sự sống, nhưng trong thực tế, trở thành phương tiện của Sự Chết!
§  Vấn đề tội lỗi và bệnh tật: phải chăng bệnh tật, những thất bại, những tai họa, những bất lực, thậm chí thân phận con người như nó là, là một hình phạt Thiên Chúa giáng trên con người, vì con người đã phạm tội?
Ba vấn đề quá lớn của con người đến từ kinh nghiệm sống, mà mỗi người chúng ta gần như phải đối diện mỗi ngày. Và vì cả ba đều có liên quan đến Sự Dữ ở chiều sâu, nên Đức Giê-su không thể không đối diện với những vấn đề này, từ đó, làm cho Sự Dữ hiện ra nguyên hình, để chữa lành và mở đường cho chúng ta đi, ngang qua ngôi vị, hành động, lời nói hướng tới và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua của Người.
1. Mạnh được yếu thua
Có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Đức Giê-su “biết và thấy” anh ta, Người chủ động đến hỏi: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Người bệnh trả lời:
Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi! (c. 7)
Đó chính là qui luật mạnh được yếu thua, nhanh thì còn chậm thì hết, hiện diện ngay trong nơi thánh thiêng nhất, nghĩa là nơi xẩy ra ơn chữa lành cách lạ lùng. Đức Giê-su muốn giải thoát anh cách nhưng không, nhưng anh chỉ nghĩ đến sự thua kém của mình so với những người bệnh khác. Giữa những người bệnh, cũng có sự ganh đua hơn kém, về khả năng, phương tiện hay thân thế. Bất hạnh lại càng bất hạnh.
Nhưng nếu chúng ta để tâm suy nghĩ cho kĩ, qui luật này ít nhân tính nhất, vì là qui luật đặc trưng của loài vật. Tuy nhiên, qui luật này lại ngày càng chi phối đời sống của con người hôm nay ở mọi lãnh vực, vì ở đâu người ta cũng đòi hỏi “chất lượng cao”: học tập, làm ăn, các trò chơi trên màn ảnh truyền hình; và người ta đưa nguyên tắc này vào cả trong giáo dục và huấn luyện nữa, huấn luyện đức tin và huấn luyện đời tu. Đúng là, qua qui luật “mạnh được yếu thua”, người ta khuyến khích rèn luyện và nỗ lực và tìm được những người ưu tú. Nhưng, trong thực tế, cách làm này đã để lại những hậu quả rất tai hại về mặt nhân linh cho gia đình, nhóm, xã hội và thế giới con người, vì người ta sẽ loại ra ngoài bằng cơ chế hay bằng cung cách ứng xử biết bao người yếu kém, ít khả năng, giới hạn, già nua, bệnh tật, khuyết tật, kém may mắn, những người nghèo, những người chịu thiệt thòi vì thân phận… Và họ sẽ phải sống trong mặc cảm thua thiệt, than thân trách phận, kêu trách người khác, kêu trách cuộc đời, kêu trách Thiên Chúa, kêu trách Ông Trời hay Đấng Tạo Hóa, bị sự nghi ngờ, lòng ham muốn và ghen tị dày vò; từ đó sẽ tất yếu phát sinh bạo lực dưới mọi hình thức.
Đức Giê-su phá vỡ qui luật này, khi Ngài hành động bằng tình thương nhưng không và nhất là bằng lòng thương xót: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Khỏi bệnh mà không cần chạy đua với người ta, chỉ cần anh ước ao thôi. Đời sống Ki-tô hữu và nhất là đời sống dâng hiến, hơn bao giờ hết, được mời gọi làm chứng cho “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) được đón nhận tình thương và lòng thương xót nhưng không của Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta. Chính vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta chú ý đến người người bé nhỏ, và trở thành những người bé nhỏ. Và chính Ngài cũng ứng xử như người bé nhỏ (phục vụ thay vì được phục vụ), tự biến mình thành người “bé nhỏ” trên Thập Giá và mãi mãi đồng hóa mình với những người bé nhỏ (x. Mt 25). Và Người không ngăn cản được niềm vui trào ra từ con tim:
Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”. (Lc 10, 21)
2. Tương quan giữa Sự Sống và Lề Luật
Một người đau ốm, nằm liệt một chỗ suốt ba mươi tám năm, nay trở nên lành mạnh và có lại sức khỏe đến độ vác được chõng của mình mà đi. Thay vì chúc mừng và chia vui với anh và cùng nhau ca tụng Chúa, người ta dựa vào luật Sa-bát để bắt bẻ anh và điều tra ra Đức Giê-su để chống đối Ngài[1]. Sự chống đối này là khởi đầu của cả một dự án giết chết, nhân danh Lề Luật: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết!” (Ga 19, 7)
Luật Sa-bát là luật được đặt ra để tưởng nhớ sự sống đã được trao ban nhưng không và hướng đến sự sống viên mãn nơi Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, luật này đã biến thành phương tiện để dò xét, để buộc tội và lên án, nghĩa là để cản trở sự sống và hủy diệt sự sống. Đức Giê-su cố ý chữa bệnh ngày Sa-bát, để làm lộ ra khuynh hướng chết chóc này nơi con người (x. Mc 3, 1-6).
Đây chính là một trong những điều xấu lớn nhất của con người và có mặt ở khắp nơi, nhưng không ai làm gì được; thậm chí, người hành động như thế, cũng tự cho mình là đúng. Bởi vì, một đàng là có luật, và đàng khác, có người phạm lỗi: phạm lỗi công khai, hay tôi dò xét người khác một hồi là ra lỗi. Người phạm lỗi bị kết án đúng người đúng tội, nhưng trước khi người khác phạm lỗi hay trước khi thấy người khác phạm lỗi, người kết án đã có ý đồ hại người khác rồi, hay ít nhất không tin người khác và vì thế, coi người khác là một tội nhân “tiềm năng”, từ đó tìm đủ cách chứng minh mình là đúng! Vì thế, mọi người bất lực trong việc phơi bầy ý đồ hại người của người đã dựa vào luật để lên án.
Chúng ta là những người bất toàn, nên bình thường bị dò xét một hồi là ra lỗi. Chỉ với Đức Giê-su, người ta mới không thể tìm ra lỗi; vì thế, người ta sẽ gài bẫy để Người phạm lỗi; và khi gài bẫy, Người cũng không sa bẫy, nên cuối cùng người ta sẽ vu cáo. Bởi vì, ý đồ hại người là có trước, nhưng người ta phải tìm đủ cách, nhất là gian dối, để dựa vào Luật nhằm thực hiện ý đồ. Để hại người mà mình vẫn được an toàn, thì không có cách nào khác, là phải dựa vào Luật.
Có thể nói, Lề Luật là nơi ẩn nấp kín đáo nhất của Sự Dữ; và chỉ có Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó, mới làm bật tung Sự Dữ và tất cả những ai hành động theo Sự Dữ, ra khỏi nơi ẩn nấp là Lề Luật. Như thánh Phao-lô nói:
Lề Luật là thánh, và điều răn cũng là thánh, đúng và tốt. Vậy phải chăng điều tốt lại đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải thế! Nhưng chính tội đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi: như vậy, tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó(Rm 7, 12)
3. Tội lỗi và bệnh tật
Khi Đức Giê-su gặp lại người đã được Ngài chữa cho khỏi bệnh, Ngài nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” Khi nghe lời này của Đức Giê-su, chúng ta thường hiểu, bệnh tật của anh là một hình phạt của tội. Cũng như các môn đệ, khi đối diện với người mù từ thủa mới sinh, các ông nghĩ ngay đến tội, và đi đôi với tội là hình phạt theo qui định của lề luật: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9, 2)
Loài người chúng ta ở mọi thời, ít nhất ở mức độ vô thức, luôn nhìn thấy tội lỗi trong mọi thất bại, mọi tai họa, và mọi bất lực; chẳng hạn, có người nói bệnh si-đa là một hình phạt Thiên Chúa giáng trên loài người tội lỗi. Nếu như thế, thì Thiên Chúa hành động giống y như những nhóm khủng bố, giáng phạt không phân biệt kẻ tốt người xấu! Thậm chí, có người còn cho rằng, thân phận con người như nó là (sinh lão bệnh tử), là một hình phạt của tội!
Thập Giá của Đức Ki-tô đã phá vỡ kết nối tự phát tội lỗi với tai họa hay với thân phận con người, bởi vì Đức Ki-tô hoàn toàn vô tội, nhưng vẫn sống thân phận con người đến cùng và đã phải hứng chịu tai họa lớn đến như vậy. Vì thế, Thập Giá của Đức Ki-tô còn mặc khải cho chúng ta biết rằng, thân phận con người dù có như thế nào, là một ơn huệ và là con đường dẫn đến sự sống nơi Thiên Chúa, thậm chí tôn vinh Thiên Chúa, như trường hợp người mù bẩm sinh (x. Ga 4, 3).
Người đau ốm được Đức Giê-su chữa lành ; nhưng một ngày kia, anh lại bị đau ốm trở lại, anh nằm xuống và lần này sẽ mãi mãi không thể đứng dậy được. Chữa lành thể lí đúng là việc khẩn cấp, mọi người đều muốn và gây ấn tượng. Con người thời nay cũng vậy, hay chạy theo những cách chữa bệnh lạ lùng. Được lành bệnh, phục hồi sức khỏe, cho dù là quan trọng cho cuộc sống, nhưng đâu có thể giải quyết hết được mọi vấn để của cuộc sống, nhất là những vấn đề sâu xa như những vết thương lòng, cảm thức tội lỗi, không bình an và bị « bại liệt » với bản thân, với người khác và nhất là với Thiên Chúa. Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu không chỉ muốn giải phóng người bệnh khỏi bệnh tật, ơn huệ này tuy đặc biệt, nhưng rất chóng qua và không giải quyết tận căn vấn đề sự sống, nhưng còn muốn “chữa lành” anh khỏi Sự Dữ bằng lòng bao dung tha thứ, khi mời gọi anh: “Đừng phạm tội nữa” (x. Mc 2, 1-12).
*  *  *
Và như chúng ta có kinh nghiệm, ơn tha thứ không thể là « tự động » được, nhưng liên quan đến tự do của ngôi vị, liên quan đến ơn chữa lành con tim, chữa lành tâm hồn, được giải thoát khỏi sự dữ. Để được « hoàn tất », ơn tha thứ cần được đón nhận và thể hiện trong cuộc sống như là ơn tái sinh : « Con ta đã chết, nay sống lại » (Lc 15, 24).
Đó là một việc lâu dài và rất khó khăn. Thật vậy, chúng ta có thật sự xác tín mình được bao dung tha thứ hay không bởi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô, vì « Đức Ki-tô chết cho chúng ta, ngay khi chúng ta còn ở trong tội » ? Chúng ta có nhận ra gốc rễ của tội chưa ? Chúng ta đón nhận ơn chữa lành khỏi sự dữ chưa ? Chúng ta đã sống ơn tha thứ đã nhận được chưa, nhất là diễn tả tình yêu và lòng biết ơn của chúng ta dành cho Chúa và lòng bao dung chúng ta dành cho nhau ?
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
_____________
[1] Một cô bưng dùm cho cộng đoàn mâm cơm lên cầu thang, cha Bề Trên tình cờ đi xuống và đứng ngay ở đầu cầu thang. Thay vì cha “ca tụng” cô, cha đã ra lệnh cho cô nhân danh “lề luật”: “Chị không được phép lên lầu!” Từ đó, cô không còn vào Nhà Dòng để phụ giúp nữa.


DÒNG NƯỚC MANG SỰ SỐNG

Lời Chúa trích sách Tiên tri Edekiel nói đến một dòng nước chảy ra từ đền thờ. Có một điều đặc biệt là dòng nước này chảy đến đâu thì đem lại sự tươi mát cho sinh vật ở đó. Và cũng vậy, dòng nước này chảy tới đâu thì đất đai màu mỡ, vạn vật đơm bông kết trái.
Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu Chúa Giêsu chính là dòng nước mang lại sự sống, mang ơn cứu độ cho con người. Thật vậy, khi đi đến đâu, mỗi khi gặp người đau khổ bệnh tật, Chúa Giêsu đã chữa lành và đem đến cho con người ở đó niềm vui và bình an. Hôm nay cũng vậy, khi thấy người bất toại nằm bên bờ hồ không ai giúp đỡ, Chúa Giêsu đã đến chữa lành cho anh. Chúa Giêsu đã ban cho anh niềm vui và sự sống.
Tôi cũng có những khuyết điểm, giới hạn, thiếu xót, lỗi lầm làm cho đời sống của tôi trở nên cằn cỗi và bất toại trong tương quan với Chúa và tha nhân. Chúa Giêsu cũng chính là dòng nước mang đến cho tôi niềm vui và sự sống.
Mong sao, với những việc làm trong đời sống, tôi cũng đem lại niềm vui cho tha nhân.
Lạy Chúa, xin cho con biết đến với Chúa Giêsu, như dòng nước ban sự sống, trong thánh lễ, trong các bí tích và trong cầu nguyện để đời sống của con được chữa lành, tâm hồn của con trở nên tươi mát và sinh hoa kết quả tốt lành. Amen.
 
Từ khóa:

tức khắc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận