Thứ ba tuần 5 mùa chay

Đăng lúc: Thứ ba - 24/03/2015 01:54 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 5 MÙA CHAY.
"Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai".
 
Lời Chúa: Ga 8, 21-30
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: "Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được".
Người Do-thái nói với nhau rằng: "Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói "Nơi Ta đi các ông không thể tới được"?"
Chúa Giêsu nói tiếp: "Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông".
Vậy họ liền hỏi: "Ông là ai?" Chúa Giêsu trả lời: "Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Ðấng đã sai Ta là Ðấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài".
Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: "Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài". Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.

 
SUY NIỆM 1: Vai Trò Của Ðấng Messia
Bài Tin Mừng trên đây là đoạn tiếp nối cuộc tranh luận về lời chứng của Chúa Giêsu đối với bản thân Người. Trong đoạn đầu của cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu đã nhắc đến Cha mình, nhưng những người pharisiêu không hiểu là Người nói đến Thiên Chúa Cha. Trong đoạn chúng ta nghe đọc hôm nay, Chúa Giêsu lại nói về nguồn gốc thượng giới của Người và lại nhắc đến Cha Người. Chúa Giêsu đứng trên quan điểm của Ðấng Mêssia để rao giảng sứ điệp cứu thế, trong đó Người nói lên nguồn gốc thần linh của mình và giới thiệu chương trình cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người thực hiện ở trần gian.
Kể từ khi công khai ra đi rao giảng, tất cả những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu đều tập trung vào việc phổ biến ý định cứu thế của Thiên Chúa Cha. Từ việc kêu gọi mọi người ăn năn sám hối đến việc thi ân giáng phúc cho những người thành tâm thiện chí và cảnh cáo phê bình những kẻ lầm lạc cố chấp, Chúa Giêsu cho thấy Người luôn luôn làm theo thánh ý Chúa Cha. Những người Pharisiêu thì đứng trên quan điểm phe nhóm họ. Họ cũng nói về vai trò của Ðấng Mêssia, nhưng là một Ðấng Mêssia phù hợp với lối nghĩ lối sống đã bị tục hóa của họ. Bị chi phối mạnh mẽ bởi cách nhìn này, họ đọc nhưng không hiểu được những lời Kinh Thánh tiên báo về sự xuất hiện của Ðấng Kitô. Trong cách hiểu của họ, Ðấng Kitô có lai lịch và diện mạo khác hẳn với con người và tự xưng là Cứu Chúa này. Bởi thế, càng nghe những lời Chúa Giêsu giảng, càng thấy các việc Chúa Giêsu làm, họ càng tìm cách chống đối quyết liệt. Họ muốn chứng minh cho dân chúng thấy rằng Chúa Cha và Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng chỉ là một trò bịp bợm mà thôi.
Khi tự xưng mình là Ðấng Hằng Hữu, Chúa Giêsu có ý nhắc cho họ nhớ lại lời Giavê Thiên Chúa đã tỏ danh tánh Ngài ra cho ông Môisen trước khi giao cho ông sứ mạng giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ của người Ai Cập. Kể từ đó, danh xưng Giavê Thiên Chúa là Ðấng Hiện Hữu trở thành một danh xưng tối thượng đối với người Do Thái. Nhắc đến danh xưng này là nhắc đến chính Ðấng Tối Cao. Trong lịch sử Israel chưa hề có một ngôn sứ nào dám dùng danh xưng này để nói về chính bản thân mình, vậy mà Chúa Giêsu dùng đến danh xưng tối thượng ấy, ắt hẳn Người phải có một lý do cực kỳ trọng đại. Những người pharisiêu không hiểu và cũng chẳng muốn hiểu lời Chúa Giêsu nói. Lắm lúc chúng ta cũng sống theo cách nghĩ của những người pharisiêu trên đây. Trong lúc Chúa Giêsu phục sinh đang nỗ lực tác động trên mọi lãnh vực của thế giới hôm nay để kéo con người lên cùng Thiên Chúa, Người tác động qua Giáo Hội, qua Lời Chúa, qua các bí tích, các công việc phục vụ của người Kitô. Người cũng tác động các tập thể thành tâm thiện chí của nhân loại, các hệ thống tư tưởng quảng bá chân thiện mỹ, các mối quan hệ xây dựng hòa bình và hạnh phúc cho con người, các công cuộc giúp thăng tiến đời sống đích thực và toàn diện của con người. Trong khi Chúa Giêsu làm như vậy, thì chúng ta, chúng ta lại làm theo hướng ngược lại, chúng ta dần dần phàm tục hóa đời sống của chính mình và của những người chung quanh bằng những suy nghĩ và hành động chỉ dựa trên những loài thú vật mà thôi. Con người và vũ trụ có nguồn gốc từ Thiên Chúa Hằng Hữu và sẽ trở về với cội nguồn Hằng Hữu ấy. Nhưng đôi khi chúng ta cứ muốn giữ tất cả nằm lại trong thế giới thụ tạo hữu hạn này mà thôi.
Lạy Thiên Chúa là Ðấng hằng có đời đời và là nguồn gốc của mọi sự. Xin ban cho con ơn biết cộng tác với Chúa và với anh chị em trong việc thăng tiến con người và thế giới, góp phần đưa con người và thế giới về với Chúa, về với nguyên thủy nguồn gốc của mọi loài mọi vật.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Tin Nhận Chúa.
Cụ Alexis đã viết thư cho mình 35 năm trước. Đúng ngày được 60 tuổi, cụ mở thư ra đọc: “Bạn thân mến, mừng kỷ niệm 60 năm sinh nhật của bạn, kể từ hôm nay, bạn bắt đầu bước đi trên một đoạn đường mới. 60 năm đã qua và kể như đời bạn đã xế chiều, dù bạn vẫn còn khỏe, nhưng sức dẻo dai đã kém hơn trước nhiều. Bạn hãy bảo vệ sức khỏe để còn đóng góp sức lực vào phúc lợi chung. Bạn hãy biết ra đi, biết rút lui cách nhẹ nhàng và nhường chỗ cho đàn em có khả năng thể xác và tinh thần hơn bạn. Nhưng không phải rút lui để tìm nhàn hạ. Bạn hãy chia sẽ kinh nghiệm của 60 năm đầy nụ cười và nước mặt của bạn cho đàn em, và bạn hãy sung sướng khi thấy họ thành công hơn bạn, vì nhờ họ Thiên Chúa được vinh danh hơn. Bạn hãy tiếp tục dấn thân cho đến hơi thở cuối cùng theo sức bạn, theo tuổi bạn. Bạn hãy chuộc lại những thời gian bạn đã lãng phí trong suốt 60 năm qua. Hãy kiểm điểm trước mặt Chúa, hãy rút kinh nghiệm từ quá khứ, hãy cảm tạ Chúa và sám hối trước mặt Ngài. Bạn hãy dành quãng đời còn lại để làm một việc gì cho Chúa, một việc mà giờ đây Chúa đang mời gọi bạn cộng tác. Bạn đừng quên rằng bạn đang tiến về Nhà Cha mỗi phút một gần hơn. Bạn hãy sẵn sàng thoát ly địa vị và của cải trần gian. Hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của đời bạn. Hãy sống đẹp lòng Chúa, vui lòng gia đình và bạn bè. Hãy quyết tâm mãnh liệt, hãy thực hiện nghiêm túc, hãy kết hiệp với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Ân sủng và bình an của Chúa ở cùng bạn”.
Thành tâm thiện chí của cụ Alexis đáng chúng ta suy nghĩ. Thực hiện thánh ý Chúa từng giây phút hiện tại là gì, nếu không phải là tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, để đừng chết trong tội lỗi.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Đấng “Ta là”, đồng thời mạc khải mầu nhiệm Tử nạn của Ngài để lôi kéo mọi người lên cùng Thiên Chúa. Mạc khải chính mình cho con người, Chúa Giêsu cũng mạc khải mối tương quan giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Tin nhận Chúa Giêsu, thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa, Đấng đã sai Con Một Ngài xuống trần, để cứu rỗi chúng ta. Đây là mầu nhiệm mà chúng ta cần phải chiêm ngắm và dâng lời cảm tạ để nhờ đó đời sống chúng ta được canh tân đổi mới.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 3: Nếu các ông không tin
Đức Giêsu lại nói với họ:
“Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi,
và các ông sẽ mang tội mình mà chết.
Nơi tôi đi các ông không thể đến được.”
Người Do-thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: (Nơi tôi đi các ông không thể đến được)? Người bảo họ:
“Các ông bởi hạ giới;
còn tôi, tôi bởi thượng giới.
Các ông thuộc về thế gian này;
Còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. (Ga. 8, 21-23)
Một Tin mừng đầy nghịch lý đối với bản chất loài người như trong đoạn văn của Thánh lễ hôm nay.
Một lần nữa, Đức Kitô thử giúp những người biệt phái cố chấp cứng lòng tin hiểu về Người.
Người là ai? Người đang bị họ tìm cách loại trừ bằng bất cứ giá nào, nhưng Người sẽ ra đi theo ý Người, khi Người muốn. Người bị họ tố cáo là kẻ tội lỗi, nhưng Người không khó chịu gì về lời họ, còn họ sẽ bị chết vì lời họ. Người sẽ về trời, còn họ vẫn ở dưới đất. Người sẽ bị họ treo trên thập giá, họ tưởng thế là đã trừ diệt được Người mãi mãi, trái lại khi họ treo Người lên, Người lại vinh quang đời đời.
Đức Kitô nói: “Nếu các ông không tin, các ông sẽ chết trong tội của các ông”. Họ không tin. Họ không tin Đấng không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy Người điều gì Người nói như vậy, vì Người là Thiên Chúa như Chúa Cha.
“Nếu các ông không tin …”. Vậy chỉ cần tin vào Thiên Chúa này thì được cứu độ, dù có vẻ nghịch lý đối với các ông. Hoàn toàn là thế. Chỉ cần chúng ta biết tiếp nhận một chút ánh sáng, thì sẽ được Người soi sáng cho ta thấy tỏ tường về Người. Chỉ cần chúng ta biết tiếp nhận Người, dù không thể giải nghĩa và thực hiện được theo nhãn quan con người. Chỉ cần chúng ta đừng bỏ qua những lời yêu sách của sứ điệp Phúc âm, dù có trái nghịch với bản chất con người chúng ta. Chỉ cần chúng ta bắt lý trí con người bái phục chân lý đức tin. Chỉ cần chúng ta biết cảm nghiệm sâu xa mầu nhiệm Đức Kitô bằng con tim trong đau khổ thập giá cũng như vinh quang phục sinh.
Nói khác đi, nếu chúng ta không tin Người, thì cũng không còn tin vào Thiên Chúa. Người trở nên một hữu thể vô danh vô tích sự mà thế giới ngày nay cho rằng Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô đã chết rồi.
Nếu chúng ta không tin vào Đức Giêsu Kitô của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ đúc ra thần tượng khác để thờ vì người ta không thể sống vô thần được, dù người ta nói mình sống không cần thần thánh nào cả. Chúng ta sẽ giống như nhiều dân tộc, qua lịch sử của loài người, chế tạo ra những thần tượng. Họ thờ nhân vật thay Thiên Chúa của mặc khải, thờ những minh tinh màn ảnh, bóng đá, ca sĩ thay Đức Giêsu Kitô. Thật quá trớn.
G.F

 SUY NIỆM 4
Tất cả các bài Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta nghe trong tuần này, trong đó có bài Tin Mừng hôm nay, kể lại cuộc trao đổi giữa Đức Giê-su và người Do Thái. Cuộc trao đổi càng ngày càng quyết liệt này làm bộc lộ bóng tối và sự chết có nơi người Do Thái và sẽ đi đến cùng là dự án giết Đức Giê-su mà chúng ta sẽ nghe kể lại trong bài Thương Khó vào Chúa Nhật Lễ Lá sắp đến.
Tuy nhiên, cuộc trao đổi này cũng làm sáng tỏ căn tính đích thật của Đức Kitô: “Các ông bởi hạ giới, còn tôi, tôi bởi thượng giới”. Và điều này sẽ đạt tới đỉnh cao nơi Thập Giá:
Khi các ông dương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ là Tôi Hằng Hữu. (c. 28)
Như thế, điều tồi tệ nhất loài người dành cho Đức Giêsu, nhưng lại được Ngài dùng để bày tỏ căn tính đích thật của mình trong tương quan với Thiên Chúa. Bài đọc I của Thánh Lễ hôm nay, trích sách Dân Số, ngang qua hình ảnh Con Rắn, còn giúp chúng ta hiểu sâu rộng hơn về mầu nhiệm “Con Người được giương cao” trên Thập Giá trong tương quan toàn bộ lịch sử cứu độ.
1. Nghi ngờ Thiên Chúa
Đi trong sa mạc trong một thời gian dài, thiếu ăn thiếu uống. Đó là một thử thách rất thật và rất lớn, vì của ăn của uống là nhu cầu thiết yếu cho sự sống. Tuy nhiên, vấn đề là lòng họ hướng về đâu ? Họ tìm gì khi bỏ Ai Cập ra đi theo tiếng gọi của Đức Chúa dưới sự hướng dẫn của Mô-sê ? Nếu con tim của họ chỉ hướng về việc thỏa mãn những nhu cầu của mình thôi, thì tất yếu đến một lúc nào đó, họ sẽ mất kiên nhẫn. Bởi vì nhu cầu thì không có cùng tận.
Trước hết là nhu cầu của cái nhìn, họ đi theo Chúa dưới sự hướng dẫn của Môsê là nhằm để thỏa mãn cái nhìn. Vì thế, họ nhìn thấy bao dấu lạ, nhất là dấu lạ vượt qua Biển Đỏ khô chân, nhưng họ vẫn không chịu tín thác vào Đức Chúa (x. Tv 106). Chẳng lẽ Chúa lại phải làm cho họ dấu lạ mỗi ngày ? Ngang qua một vài dấu lạ, họ được mời gọi trao ban lòng tin, lên đường và đi đến cùng. Giống như, những người cùng thời với Đức Giêsu, chứng kiến bao dấu lạ Ngài làm, và chính ngôi vị của Ngài là một dấu lạ, thế mà vẫn cứ đòi dấu lạ từ trời. Lúc Đức Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá, họ vẫn đòi dấu lạ: “xuống khỏi Thập Giá đi để chúng ta thấy, chúng ta tin” (Mt 27, 39-44). Họ cứ nghĩ là thấy thì tin, đó là ảo tưởng. Bởi vì thấy, thì thấy một lần trong một thời điểm và nơi chốn nhất định; trong khi tin là tin vào một ngôi vị, tin suốt đời ở mọi nơi mọi lúc. Tin lúc Chúa ban dấu lạ ; và tin cả lúc Chúa không ban dấu lạ, như tác giả Thánh Vịnh nói: “tôi đã tin, cả khi mình đã nói: ôi nhục nhã ê chề” (Tv 116, 10). Trong thực tế cuộc sống, như mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm, và chính Dân được Đức Chúa tuyển chọn cũng có cùng một kinh nghiệm, những ngày không có dấu lạ gì mới là nhiều ; và có những ngày, những giai đoạn đầy đau khổ và thử thách :
Tôi tự bảo : điều làm tôi đau đớn,
là Đấng tối cao chẳng còn ra tay nữa. (Tv 77, 11)
Hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta cũng thế, chúng ta nhận ra dấu lạ nào đó Chúa ban cho mình và chúng ta được mời gọi tin vào tình yêu trung tín của Chúa và chúng ta đáp lại suốt đời ngang qua đời sống hàng ngày, những ngày rất đỗi bình thường cũng như những ngày đầy thách đố, khó khăn. Nhưng chúng ta cũng có kinh nghiệm này: khi tin rồi, chúng ta sẽ thấy mọi sự đều lạ.
Mà ham muốn nhìn cũng chính là ham muốn ăn: đói thì Chúa cho ăn; ăn manna một hồi thì thèm thịt, Chúa cho ăn thịt chim cút; ăn chim cút một hồi, rồi thì cũng chán: “Chúng tôi chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này”. Nhất là khi chứng kiến dân ngoại, họ ăn uống cao lương mĩ vị, dân sẽ càng thèm muốn hơn nữa. Những chuyện như vậy cứ lập đi lập lại nhiều lần : điều Ngài đã làm hôm qua, Ngài sẽ làm hôm nay không ? Đức Chúa có ở giữa chúng ta hay không ? (Xh 17, 7) Làm sao “biết” được đây ? Ham muốn của cái nhìn, ham muốn của cái bụng, ham muốn của cái biết gặp gỡ nhau. Và cuối cùng, thái độ của con người được hình thành, khi kêu trách: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống?” À ra như thế, Thiên Chúa muốn chúng ta chết, Mô-sê muốn chúng ta chết. Đó chính là thái độ “thử thách”.
Trong Kinh Thánh, câu nói “thử thách Thiên Chúa” mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là không tin Thiên Chúa: trong sa mạc, Dân Chúa thử thách Thiên Chúa đến 10 lần, nghĩa là lúc nào cũng thử thách Thiên Chúa, cũng không tín thác nơi Thiên Chúa (Ds 14, 22: thử thách 10 lần; Tv 106, 14); và tội nguyên tổ cũng là một dạng của hành vi thử thách Thiên Chúa, nghĩa là không tin Thiên Chúa không tín thác nơi Chúa trong thực tế cuộc sống. Vì thế, yếu tính của tội nguyên tổ, nghĩa là của mọi tội, là không tin nơi Thiên Chúa, không tín thác nơi ngài trong thiếu thốn, trong gian nan khổ đau của thân phận con người. Hành vi vi phạm giới răn chỉ là hệ quả của một thái độ nội tâm, quên ơn huệ và vì thế nghi ngờ Thiên Chúa.
Như thế, tất cả mọi sự Thiên Chúa đã làm cho họ trở thành vô nghĩa, thậm chí trở thành kế hoạch giết chết. Chúng ta hãy dừng lại đây thật lâu để nghiệm được hết mức độ nghiêm trọng của những lời dân Israen thốt ra đây. Đó là chính là thái độ nghi ngờ Thiên Chúa, và tội nghi ngờ Thiên Chúa tất yếu dẫn đến những hành vi gây chết chóc, gây chết chóc cho chính mình và cho người khác. Nghi ngờ Thiên Chúa, nên họ quay ra thờ ngẫu tượng, vì ngẫu tượng có vẻ “linh” hơn; “linh” có nghĩa là có khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, phát xuất từ lòng ham muốn ; ham muốn nhìn, ăn và biết của họ. Và vì nghĩ rằng mình được dẫn vào sa mạc là để bị bỏ mặc cho chết (trong khi mục đích của hành trình là Đất Hứa, nghĩa là Miền Đất Sự Sống trong Đức Chúa), nên họ nổi loạn ném đá toan giết chết Môsê (x. Xh 17).
2. Con Rắn
Trong trình thuật về Tội Nguyên Tổ (St 3, 1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho bà Evà và ông Adam nghi ngờ Thiên Chúa : Thiên Chúa nói rằng, ăn trái cây đó thì chắc chắn sẽ chết, nhưng con rắn nói: “chẳng chết chóc gì đâu !” Tin vào lời con rắn, đồng nghĩa với việc cho rằng Thiên Chúa nói dối ! Đó là cho rằng, Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình ; đó là nghĩ rằng, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc đọc vào người. Và hậu quả là tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người bị phá vỡ. Hậu quả tất yếu là chết chóc, như Thiên Chúa đã báo trước : “Ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi sẽ phải chếhắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2, 17). Mười một chương đầu của sách Sáng Thế cho thấy rõ, Lời Chúa là chân thật.
Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến, chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết. Nghi ngờ Thiên Chúa, đó là để cho mình bị rắn cắn, đó là mang nọc độc vào người.
Chắc chắc chúng ta cũng có kinh nghiệm nghi ngờ Thiên Chúa, nghi ngờ ý định tốt lành của Thiên Chúa, khi cho chúng ta được làm người và sống trong một ơn gọi : Tại sao Chúa lại sinh ra con như thế này: thiếu đủ thứ, kém cỏi đủ thứ, thua thiệt đủ thứ ? Sao con không như anh kia, chị nọ? Tại sao con lại ra nông nỗi này, rơi vào tình cảnh khổ sở như thế này, Chúa dẫn vào đây để làm gì? Những lúc khủng khoảng như thế, chúng ta cũng kinh nghiệm được những hậu qủa tại hại của thái độ nghi ngờ. Trong khi đó, mỗi người chúng ta, theo Tv 139, là một tuyệt tác, mà nhiều khi chúng ta lại mù quáng không nhận ra:
Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!
Hồn con đây biết rõ mười mươi. 
(Tv 139, 13-14)
3. “Khi các ông giương cao Con Người lên”
Đức Giê su nói với người Do Thái : “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là tôi hằng hữu”. Khi nói lời này, chắc chắn Chúa muốn gợi lại điều mà Ngài đã từng nói với một bậc thầy Do Thái khác : “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3, 14-15). Hơn nữa, phụng vụ Lời Chúa của Ngày Lễ Suy Tôn Thánh Giá (ngày 14/9) nối kết bài đọc Dân Số hôm nay với bài Tin Mừng này (Ga 3, 13-17). Theo lời của Đức Giê su, như con rắn đồng được giương cao trong sa mạc, Ngài cũng sẽ được giương cao như vậy.
Như thế, Lời Chúa trong sách Dân Số và trong Tin Mừng Gioan, qua hình ảnh “Con Rắn”, đưa chúng ta đi xuyên suốt lịch sử cứu độ, khởi đi từ kinh nghiệm phạm tội trong sa mạc (Ds 21, 6), trở về với thời điểm khởi đầu của sự sống (St 2-3), sau đó đi đến ngôi vị của Đức Ki-tô (Ga 3, 14) và vươn xa tới tận thời cánh chung (Kh 12, 7-10). Nhưng tại sao Con Người cũng sẽ phải được giương cao, như con rắn đồng trong sa mạc ? Nếu chúng ta hình dung ra (hay tốt hơn là vẽ ra : một bên là con rắn đồng treo lên cây cột, và bên kia là Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá), chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào sự “ô nhục và điên rồ” mà thánh Phaolô nói tới (1Cr 1, 23). Tại sao lại như vậy ? Tại sao Đức Giêsu Kitô lại so sánh chính mình với con rắn ? Đây là câu hỏi lớn nhất và sẽ mãi mãi là một câu hỏi không có câu trả lời thỏa đáng, vì đó là mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa như thánh Phaolô nói :
Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào !
Quyết định của Người ai dò cho thấu !
Đường lối của Người, ai theo dõi được ! 
(Rm 11, 33)
Một bên là “Con Rắn” bị giương cao trên cây gỗ, một bên là Đức Ki-tô được giương cao trên cây thập giá, thay vì là Sự Dữ, là Sa-tan, bởi vì theo luật, chỗ trên cây thập giá phải là chỗ của tử tội, của chính Tội, của Con Rắn. Như thế, Đức Kitô trong Cuộc Thương Khó, sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn. Thực vậy, thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) ; và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7, 13). Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su dạy, chứ không phải báo trước, các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (x. Mc 8, 31). Vì, thế, chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để nhìn thấy:
- Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối.
- Đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị.
- Chân tay của Người bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính.
- Và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt (x. Dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”). Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!
Theo lời của Đức Chúa, Mô-sê khi đó đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên nguyên nhân gây ra cái chết được phô bày ra đó, thì đã được chữa lành. Nếu hình phạt bị rắn độc cắn là nặng nề, để cho thấy rằng, thái độ nghi ngờ và kêu trách tự nó mang nọc độc giết người, thì ơn chữa lành thật nhẹ nhàng và nhưng không: “Ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”. Cũng giống như khi người ta chữa bệnh: trước tiên phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh; và khi tìm được, thì hoặc dùng thuốc hóa giải nó đi, hoặc phải cắt bỏ ra khỏi cơ thể.
Như Dân Chúa trong sa mạc nhìn lên con rắn đồng, chúng ta được mời gọi ngước nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37). Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.
Ơn tha thứ. Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế.
Ơn chữa lành. Đúng là Thập Giá mặc khải cho con người bản chất của Tội, nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống con người. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời chữa lành, bằng cách làm cho con người nhìn ra hình ảnh thật sự của Tội, của Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ.
Chữa lành khỏi hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Và Thập Giá con mặc khải cho chúng ta rằng thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết. Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng (Ph 2, 5-11), để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử thách và lên án, và thân phân con người, dù có như thế nào, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống, như Thánh Phao-lô xác tín:
Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 39)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 5
A- Phân tích (Hạt giống...)
1. Bài đọc 1 kể chuyện con rắn đồng: Khi đó dân Do Thái đang đi trong sa mạc. Vì khổ cực và thiếu thốn, họ luôn miệng trách Môsê và còn trách cả Chúa. Chúa cho những con rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Khi đó họ kêu cầu Môsê. Chúa bảo Môsê đúc một con rắn bằng đồng treo lên cây, kẻ nào bị rắn lửa cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được cứu sống.
2. Bài Phúc Âm: Chúa Giêsu chính là Đấng mà con rắn đồng là hình ảnh tiên báo. Ngài nói với những người Do Thái: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế, việc Chúa Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu rỗi cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Chính khi Chúa Giêsu “bị” giết chết trên thập giá là lúc Ngài “được” tôn vinh và là nguồn ơn cứu rỗi cho loài người. Khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng biết nhìn lên Thánh giá Chúa Giêsu là lúc chúng ta “được” cứu rỗi.
Nhìn ngược lại ngày xưa, khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Chúa thì lại “bị” đuổi khỏi vườn địa đàng. Hãy suy nghĩ thêm về cái nghịch lý “bị” và “được” này.
2. Nhìn lên Thập giá, ta có thể thấy được rất nhiều điều:
- Thấy tội lỗi của mình
- Thấy tình thương của Chúa
- Thấy giá trị của đau khổ
- Thấy ơn cứu rỗi
- Thấy giải pháp cho vấn đề sự dữ.v.v...
3. Một bà goá đến xin cha sở chứng nhận để bà xin trợ cấp, vì con trai bà đi lính và đang phục vụ ở nước ngoài. Cha sở chợt nhớ đến sứ điệp Thánh Kinh nên nói với bà:
- Có phải công lao của bà đáng lãnh số tiền đó?
- Không ạ. Đó là công của con trai con. Cháu muốn con được hưởng. Con chỉ việc kí tên và lãnh tiền.
- Phải, cũng như không phải công lao của bà mà bà được cứu rỗi, mà là công lao của Con Thiên Chúa trên núi Canvê. Ngài muốn bà hưởng công lao đó. Bà chỉ việc kí tên và lãnh nhận. (Góp nhặt)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, Là Ðấng Emmanuel ở cùng chúng con. Chúng con tin rằng Chúa hằng ở cùng chúng con. Khởi đầu bằng việc nhập thể làm người. Chúa thực sự hòa nhâp với lịch sử nhân loại. Hai ngàn năm trôi qua, là quãng thời gian Chúa cùng đồng hành với vũ trụ và lịch sử. Chúa đi vào trần gian để ghi dấu tình yêu thủy chung và không phôi phai nơi trần thế. Biểu tượng tột đỉnh của tình yêu chính là tình yêu tự hiến. Chúa hiến mình chịu chết trên thập tự giá để cứu rỗi trần gian. Chúa còn tự hiến chính Máu Thịt mình nên của ăn và của uống nuôi dưỡng chúng con. Chúng con xin tri ân và cảm tạ Chúa.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Lời tâm huyết mà Chúa hằng mong muốn nơi chúng con: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Lời đó không chỉ là lời mời gọi mà còn là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Nếu chúng con là môn đệ của Chúa mà không diễn tả được tình yêu trong ngôn ngữ, hành động của mình thì chúng con chỉ là kẻ dối gian.
Theo Chúa là trở nên giống Chúa. Theo Chúa là quên đi bản thân mình mà hòa nhịp với trái tim yêu thương của Chúa. Như thế, theo Chúa là chọn con đường tình yêu để đến với tha nhân, là chọn cung cách yêu thương để đối xử với tha nhân. Là hoạ lại hình ảnh yêu thương của Chúa giữa thế gian.
Lạy Chúa, chúng con muốn được theo Chúa cho đến cùng. Xin ban cho chúng con trái tim của Chúa, để chúng con luôn nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân.
Xin ban cho chúng con tấm lòng của Chúa để chúng con yêu thương phục vụ mọi người. Sống bao dung. Sống độ lượng. Sống vâng phục để ý Chúa được nên trọn. Lấy nhân nghiã làm nền tảng để cư xử tốt với mọi người. Chọn sống thanh bần mà hòa mình với tha nhân. Xem chữ tín như mối dây liên kết với đồng loại.
Xin ban cho chúng con ánh mắt của Chúa, để chúng con biết cảm thông trước những cảnh đời bất hạnh của tha nhân. Cảm thông cả những yếu đuối tội lỗi của họ.
Xin ban cho chúng con đôi tay của Chúa để chúng con xoa dịu những đau thương khốn cùng của anh em. Vực dậy những tâm hồn đang ngã qụy trước những thất bại, đắng cay. Xin cho đôi tay chúng con luôn rộng mở để thi ân cho kẻ cơ hàn.
Xin ban cho chúng con đôi chân của Chúa để chúng con dám đến với tha nhân trong yêu thương phục vụ. Xin giúp chúng con đừng bao giờ chùn bước trước gian nguy thử thách. Một lòng tín trung bước theo Chúa cho đến cùng.
Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Xin cho chúng con biết dùng tình yêu làm biểu tượng cho cuộc sống của mình. Xin cho chúng con biết sống và yêu như Chúa đã sống để yêu thương chúng con. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận