Thứ bảy tuần 5 mùa chay

Đăng lúc: Thứ bảy - 28/03/2015 02:09 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY TUẦN 5 MÙA CHAY.
"Ðể quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối".
 
Lời Chúa: Ga 11, 45-56
Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta". Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.
Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.

 
SUY NIỆM 1: Người công chính
Tác giả thánh vịnh 58 đã có lời cầu nguyện như sau:
Lạy Thiên Chúa của con
Xin cứu con khỏi kẻ địch thù
Bênh đỡ con chống lại kẻ tấn công
Cứu vớt con khỏi vòng gian ác,
Giải thoát con khỏi bọn giết người.
Kìa mạng con, chúng rình hãm hại,
Lũ cường quyền xúm lại chống con.
Ðây là tâm trạng của một người công chính bị kẻ gian ác hùa nhau mưu hại. Tâm trạng này phù hợp với tâm trạng của Chúa Giêsu trong những ngày cuối cùng của Người ở trần gian. Sau ba năm vất vả để rao giảng Tin Mừng Cứu Ðộ và thi ân giáng phúc, Chúa Giêsu phải đối diện với một thực trạng đáng buồn. Những cố gắng của Người chỉ được những kẻ thành tâm thiện chí đón nhận, mà đa số thuộc thành phần nghèo khổ, bất hạnh. Còn những kẻ có vai vế, những kẻ tự xưng là đạo đức, là có học vấn thì lại chống đối Người. Nếu chỉ xét về bên ngoài thì công lao của Chúa ví như muối bỏ biển. Nhìn từ góc độ con người thì góc độ cứu độ của Chúa Cha dường như chẳng mang lại kết quả bao nhiêu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa bị những người Do Thái tìm cách khử trừ, vì Chúa không những không đáp ứng nguyện vọng của họ mà lại còn tạo nên xáo trộn bất lợi cho cuộc sống của họ nữa. Họ mong chờ một vị cứu tinh, nhưng vị cứu tinh này phải phù hợp với sở thích của họ, phải mang lại cho họ thấy được những quyền lợi trước mắt, phải làm cho cuộc sống trần thế của họ trở nên thoải mái hơn. Chúa làm cho họ thất vọng thế là họ loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống. Ngày hôm nay, hai mươi thế kỷ sau ngày Chúa chịu chết và sống lại, Chúa vẫn tiếp tục bị tẩy chay, bị loại trừ và điều đáng buồn nhất là Chúa bị loại trừ bởi chính những người mang danh hiệu là người Kitô, trong số đó có con. Con loại trừ Chúa khi con không sống theo tinh thần Tám mối phúc thật; con loại trừ Chúa khi con chạy theo những thú vui vật chất, khi con tôn vinh những gì thỏa mãn ước mơ trần thế của con. Con xưng mình là người có đạo, nhưng con lại đi tìm một cứu Chúa không phải là Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương cứu con khỏi những ràng buộc hư ảo ấy. Xin cho con luôn luôn tôn thờ và tin yêu Chúa là Cứu Chúa duy nhất chân thật của con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Chết thay người khác.
Cha Maximilien Kolbe, người Ba Lan, là một tu sĩ Phanxicô rất hăng say hoạt động. Cha đã tình nguyện sang truyền giáo tại Nhật trong ngành ấn loát. Nhưng sau vì bệnh lao phổi, cha phải về Ba Lan điều trị. Vào thế chiến thứ hai, vì thấy cha có ảnh hưởng mạnh trên quân chúng. Đức quốc xã đã bắt cha và giam vào tù, tại đây cha đã tình nguyện chết thay cho một người bạn đồng tù.
Phải chết thay người khác có thể là một hành động do hận thù bất công, nhưng với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho người khác. Chính Chúa Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này: những người Do Thái không tin đã bắt Chúa phải chết thay để người Rôma khỏi hủy diệt dân tộc Do Thái, nhưng trong chương trình cứu độ, Ngài đã chấp nhận hiến mạng sống mình để mọi người được sống.
Những người Do Thái đã nhìn hành động của Chúa theo mầu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc: “Ta phải làm gì? Vì con người ấy làm nhiều sự lạ. Nếu cứ để như vậy, mọi người sẽ tin vào ông ta và quân Rôma sẽ đến hủy diệt nơi thánh và dân tộc ta”. Lý luận của người Do Thái không tin thật lộn xộn: Dân chúng tin theo Chúa là việc tôn giáo, quân Rôma đến phá hủy là việc chính trị, làm sao việc tôn giáo lại kéo theo hậu quả chính trị như thế được. Vả lại chính quyền Rôma lúc đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, và chính Tổng trấn Philatô sau này cũng đâu muốn kết án Chúa vì lý do tôn giáo. Người Do Thái đã phải tố cáo Chúa về tội chính trị: xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Hoàng đế César. Thật là trớ trêu, nhưng Chúa đã không phản đối. Ngài chấp nhận một cái chết bất công để biến nó thành cái chết hy sinh cứu chuộc nhiều người.
Tác giả tập sách Đường Hy vọng khuyên: “Đây là bằng chứng để biết được lòng mến, đó là Đấng ấy đã thí mạng vì ta và ta cũng phải thí mạng vì anh em. Con hỏi cha: đâu là mức độ dấn thân? Hãy làm như Chúa Giêsu… Cuộc đời con phải hiến dâng để bắt nhịp cầu hy vọng đưa người khác đến với Chúa là cùng đích, là tình yêu, là tất cả. Nơi Chúa, nhân loại không còn ai xa lạ, nhưng tất cả là anh em. Con nắm vững một đường lối Tông đồ thí mạng vì anh em, con hao mòn từng giây phút và sẵn sàng tiêu hao để chinh phục người khác về với Chúa”.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 3: Đồng thuyền đồng hội
Trong một số người Do-thái đến thăm Ma-ri-a và được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng Cai-pha một người trong thượng hội đồng nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”. (Ga. 11, 45-49b-52)
Lý do người ta quy định với nhau là giống nhau, như câu châm ngôn: “Đồng thuyền, đồng hội”. Nhiều người Kitô không còn cảm nhận được hương vị tình thương của Thiên Chúa và cộng đồng dân Chúa đã làm cho họ nên giống nhau, và cần phải quy tụ lại với nhau, nhất là trong Thánh lễ ngày Chúa nhật. Nhưng hơn bao giờ hết, họ sống cô độc, chỉ vì họ khó chịu khi mang nhãn hiệu Kitô giáo. Nhiều kẻ bị thuyết phục theo chủ trương rằng: Tôn giáo là việc bản thân mỗi người, chỉ cần liên lạc chặt chẽ giữa Thiên Chúa với cá nhân thôi.
Chúng ta bỏ mất lãnh vực sống cộng đồng đức tin là chúng ta vi phạm nghiêm trọng đến kế hoạch cứu độ cộng đồng rất quý của Thiên Chúa: Ngài quy tụ chúng ta thành một gia đình trong an bình và tình yêu, để mọi người là anh em với nhau chung quanh một người Cha duy nhất của chúng ta là Thiên Chúa hằng sống.
Trước thời đại Tân ước của chúng ta, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch này rồi. Qua miệng ngôn sứ Ê-giê-ki-en, Thiên Chúa đã nói với con cái Ít-ra-en rằng: “Ta sẽ quy tụ các ngươi khắp nơi vào một xứ sở. Ta sẽ làm nên một dân tộc độc nhất trong xứ sở đó … và chỉ có một vua là vua tất cả”. Điều Thiên Chúa nói thì Ngài đã làm: “Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”. Thánh Gio-an đã nhắc nhở chúng ta như vậy.
Để đạt tới sự đồng hội này, chúng ta có nhiều tác nhân giúp đỡ: “Chỉ một Thiên Chúa, chỉ một đức tin, chỉ một phép Rửa, chỉ một Thiên Chúa là Cha tất cả chúng ta” (Eph. 4, 5).
Cho nên hơn bao giờ hết, những từ: tình huynh đệ, hòa bình và hợp nhất đang vắng vẻ bên tai những người đồng thời chúng ta. Nhưng cũng hơn bao giờ hết vẫn có sự hiểu lầm, chiến tranh và chia rẽ.
Có lẽ thời đại của chúng ta rất lo lắng thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng niềm hy vọng thực hiện tình huynh đệ cũng khó khăn và xa lạ hơn mọi thời khác. Chúng ta mong hòa bình mà chỉ thấy tái võ trang, mong hợp nhất mà chỉ thấy chia rẽ trước mắt chúng ta. “Ai gieo giống nào thì gặt giống ấy” (Gal. 6, 7).
J.M

SUY NIỆM 4:
Chúng ta thường nghĩ, khi nhìn thấy dấu lạ, thì chắc chắn sẽ tin. Nhưng bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay cho chúng ta thấy, trong thực tế tương quan giữa thấy và tin phức tạp hơn chúng ta tưởng; và cũng là như thế ở mọi nơi và mọi thời, mỗi khi có dấu lạ. Thật vậy,
Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây?” (c. 45-47)
Như thế, chứng kiến hoặc nghe kể lại phép lạ chưa từng thấy: anh Ladarô được Đức Giê-su cho sống lại sau khi đã chôn táng trong mồ bốn ngày, có những người tin nơi Người, nhưng lại có những người xem ra “vô cảm” đi kể lại với người không có thiện cảm với Đức Giê-su, đó là các thượng tế, những người Pha-ri sêu và cả Thượng Hội Đồng Do Thái giáo; và sau khi hội họp, họ quyết định loại trừ Đức Giê-su!
1. Những người tin
Chứng kiến hay nghe nói về phép lạ lớn lao ông Ladarô đã chết, được chôn táng trong mồ bốn ngày, nhưng lại hồi sinh bởi lời của Đức Giê-su, có những người tin nơi Đức Giêsu. Nhưng tin là gì? Đâu là những hệ quả của lòng tin trong cuộc sống, trong những lựa chọn, trong hướng đi, trong cách sống, trong tương quan với Chúa và với người khác? Chúng ta cũng đã nhận ra bao “dấu lạ” Chúa làm trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta có tin không? Nếu có tin, thì đức tin đó là đức tin nào? Có biến đổi sâu xa tương quan của chúng ta với Chúa và với “mọi sự khác” không? Thiên Chúa đối với chúng ta là ai, Đức Ki-tô là ai? Niềm tin này có trở thành lẽ sống của chúng ta không?
Như thế, dấu lạ thì chỉ có một lần hay một vài lần thôi, nhưng tin là một hành trình kéo dài suốt đời và đầy khó khăn. Cũng tương tự như hai người trẻ nam nữ, giống như mỗi người chúng ta và Hội Dòng, sau một thời gian tìm hiểu và đến một thời điểm xác định nào đó, được mời gọi trao ban lòng tin cho nhau, nhưng phải sống niềm tin trọn đời. Và đó là một hành trình không dễ dàng và đòi hỏi phải làm mới lại lòng tin yêu không ngừng.
2. Những người không tin
Trước hết, đó là « những người đi gặp nhóm người Phariseu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm ». Về những người này, chúng ta chẳng có thể phán đoán gì được về niềm tin của họ nơi Đức Giê-su : họ có tin hay không ? Tin Mừng chỉ kể lại hành động khách quan của họ, là họ đi báo cáo với những người không có thiện cảm với Đức Giê-su !
Nhóm người còn lại là cả một « Thượng Hội Đồng », đại diện cho quyền bính tôn giáo và xã hội ; họ nhìn các dấu lạ Đức Giê-su đã làm với con mắt khác hẳn :
Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta. (c. 47-48)
Nhận định này chắc là đúng, về phương diện xã hội và chính trị ; nhưng người ta đã lựa chọn sự an toàn của mình, của địa vị, của quyền bính, hơn là đặt những câu hỏi liên quan đến đức tin, hơn là « nhận định thiêng liêng » : Đức Giê-su là ai ? Ngài có đến từ Thiên Chúa không ? Thiên Chúa muốn nói gì với tôi, với dân tộc tôi qua ngôi vị và cung cách hành xử của Ngài ? Chính vì thế, họ đã coi Đức Giê-su là « tên quấy rối » phải tiêu diệt ! Thật vậy, « từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su » (c. 53)!
Lựa chọn sự an toàn của mình, địa vị của mình, quyền lợi của mình, tài sản của mình, thì tất yếu sẽ đi đến hành vi của thú tính, đó là loại trừ bằng sức mạnh, bằng sự gian trá và bằng bạo lực. Có lẽ, nhóm người này nói về con người thời nay, và về chính chúng ta nhiều nhất.
Đức Giê-su làm những dấu lạ để cứu sự sống, nhưng khi làm thế, Ngài lại mang vào mình nguy cơ mất sự sống. Tuy nhiên, Sự Dữ mà con người làm cho Ngài không làm thất bại kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Ngài dùng chính hành động tiêu diệt Ngài,
- để cho sự dữ hiện nguyên hình và qua đó, giải thoát loài người chúng ta khỏi sự dữ,
- để bày tỏ khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, là tình yêu và chì là tình yêu bao dung và thương xót vô hạn,
- để trao ban sự công chính và sự sống của Ngài cho chúng ta,
- và để « qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối ».
3. « Dấu lạ Thập Giá »
Trong cuộc Thương Khó có điểm tới là « Dấu lạ Thập Giá », với thân xác mỏng manh của Con Thiên Chúa nhập thể, Đức Giê-su được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Ngời của Thiên Chúa Cha, một khuôn mặt đã bị hiểu lệch lạc, bị bóp méo, ngay từ nguồn gốc sự sống (x. St 3, 1-7), nhưng không phải bằng những kì công lớn lao, hay những phép lạ cả thể; bởi vì lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, ngoài ra còn bị Sự Dữ xen vào khơi dậy những cách hiểu và hành động lệch lạc[1].
Vì thế, theo ý Cha, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Ngời của Thiên Chúa Cha theo một cách khác, “một cách điên rồ”, nhưng là sự điên rồ của tình yêu và khôn ngoan thần linh, qua việc:
- nhận hết vào mình thân phận của loài người chúng ta,
- đảm nhận mọi số phận đầy tai họa của con người,
- gánh lấy mọi tội lỗi của loài người,
- và đối diện với chính Sự Dữ biểu dương ở mức độ tuyệt đối.
Như thế, không phải một cách trực tiếp tội của tôi làm cho Chúa bị bắt, bị phản bội, bị bắt, bị lên án, chịu khổ hình và chịu chết. Chúa chết vì những con người cụ thể như thế trong một hoàn cảnh lịch sử như thế; nhưng cả nhân loại và từng người, kể cả chúng ta, được mời gọi thấy mình trong cách hành xử của họ. Chúa chết vì tội lỗi nhân loại là như thế. Khi nhìn ngắm Chúa, là chân lý và là sự sống, dường như bị chìm ngập trong bầu khí gian trá và thú tính, xin cho chúng ta cảm được sự kinh khủng, không thể chấp nhận của tội, và xin Chúa tha thứ và chữa lành nhân loại, chữa lành từng người chúng ta.
Và đồng thời, Chúa tự nguyện chịu khổ hình, bởi những con người cụ thể trong cuộc Thương Khó, chính là để bày tỏ cho tôi tình yêu đến cùng của Chúa dành cho tôi, dù tôi là ai và đang ở trong tình trạng nào. Tôi được mời gọi tôi nhận ra nơi những gì Đức Giê-su mang lấy trong cuộc Thương Khó, có chính bản thân tôi, như tôi là, nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối, tội lỗi; tôi hiện diện cách trọn vẹn, được đón nhận cách trọn vẹn và được bao dung cách trọn vẹn trên đôi vai của Đức Giê-su, trong ánh mắt của Đức Giê-su, trong trái tim của Đức Giê-su.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ sẽ dẫn những hệ quả nghiêm trọng: (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có là ơn huệ Thiên Chúa không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Không chấp nhận thân phận con người và không liên đới với thận phận của người khác. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (x. St 3, 1-7) và trong Lịch Sử Cứu Độ (x. Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.
 
Suy niệm 5
A- Phân tích (Hạt giống...)
1. Bài trích Phúc Âm: các thượng tế và biệt phái hạ quyết tâm giết Chúa Giêsu. Thượng tế Caipha nói: “Thà một người chết thay cho dân…” Thánh Gioan hiểu lời này, tuy Caipha nói ra một cách vô ý thức, nhưng thực sự diễn tả rất đúng ý nghĩa và giá trị cái chết của Chúa Giêsu: “Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”.
2. Lời tiên tri trên chính là lời của Giêrêmia, được thuật lại trong Bài Đọc 1: “Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ. Từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương”. Giêrêmia chỉ mới hiểu những kẻ mà Thiên Chúa quy tụ là dân Israel mà thôi. Thực sự dân mới của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu dùng cái chết của mình để quy tụ không chỉ là những người Israel, mà còn là tất cả những ai tin vào Ngài.
B- Suy gẫm (...Nẩy mầm)
1. “…Với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối.” trong số những người được Chúa chết thay, có tôi nữa.
2. Chúa Giêsu đã chịu chết thay cho người khác. Ngài nêu lên cho chúng ta một lý tưởng rất đẹp mà sự khôn ngoan của chúng ta không bao giờ nghĩ tới được. Nếu hôm nay tôi chưa chết thay cho người khác được, thì ít ra hãy tập những hành vi nho nhỏ chịu cực khổ vì người khác, cho người khác và thay cho người khác.
3. Một nông dân đi xe ngựa ra phố. Đến một cửa tiệm, ông dừng xe lại vào mua đồ. Ông vừa tới cửa thì con ngựa hí lên và bỏ chạy, ông vội vàng chạy ra túm lấy dây cương và siết chặt. Con ngựa càng hoảng sợ hơn và chạy tứ tung trên đường, kéo theo người nông dân tội nghiệp. Dân chúng đổ xô ra xem. Đến khi dừng được ngựa thì người nông dân đã bê bết máu và thoi thóp thở. Một người hỏi: “Sao mà ông dại dột hy sinh đời mình vì con ngựa và chiếc xe như thế?” Ông thều thào: “Cứ nhìn vào trong xe thì biết!” Họ nhìn vào và thấy đứa con nhỏ của ông còn đang ngủ. (Góp nhặt).
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Mùa Chay luôn mời gọi chúng con cùng vác thập giá đi theo Chúa. Xin Mình Máu Thánh Chúa thêm sức mạnh để chúng con can đảm vượt qua những chông gai trên đường đời.
Lạy Chúa, cuộc đời có đau khổ và hạnh phúc. Có những nụ cười và có cả những giọt nước mắt. Có những thành công và thất bại. Chúng con cám ơn Chúa đã chia sẻ phận người với chúng con. Chúa đã sống trọn kiếp người ba chìm bảy nổi và đầy sóng gió nguy nan. Chúa đã trải qua những năm tháng hồn nhiên của tuổi thơ. Chúa âm thầm sống theo từng lừa tuổi để yêu thương và cảm thông với chúng con. Cuộc đời Chúa không thiếu những lời khen và cũng không ít những lời chê. Chúa đã từng làm ơn để rồi bị mắc oán. Chúa cũng cảm nghiệm nỗi đau của sự vong ân bội nghĩa của tha nhân. Nhưng Chúa đã vượt qua tất cả nhờ sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng con cũng biết tìm kiếm ý Chúa trong từng biến cố cuộc đời. Xin giúp chúng con luôn quảng đại gieo vãi tình yêu thương mà không mong đền đáp.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đi theo Chúa trên con đường thập gia hy sinh. Xin giúp chúng con biết mục nát đời mình nên nguồn sống cho anh em. Xin giúp chúng con biết chấp nhận thực tại cuộc sống: có vui, có buồn, có đau khổ và có hạnh phúc, nhưng điều quan yếu là dầu trong hoàn cảnh nào chúng con cũng luôn có Chúa bên mình. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận