Thứ Sáu Tuần Thánh

Đăng lúc: Thứ năm - 02/04/2015 16:32 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Sáu Tuần Thánh

Suy tôn Thánh Giá và hôn chân Chúa

Trong Nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, có hai phần chính: Suy Tôn Thánh Giá và Hôn Chân. Xin được chia sẻ đôi chút về ý nghĩa của hai cử hành này.
1. Nghi thức Suy Tôn Thánh Giá
Thiên Chúa đã định cho con mình phải chết để cứu độ nhân loại, nhưng không phải là bất cứ cái chết nào mà là cái chết trên Thánh Giá. Nói khác đi, Thánh Giá là phương thế kỳ diệu nhất mà Thiên Chúa đã chọn để biểu lộ tình yêu của Ngài.
Ta cứ tưởng tượng nếu Chúa Giêsu nhập thể vào thời đại hôm nay và bị người đời kết án tử bằng một viên đạn, hay một cái ghế điện… thì nay ta lấy gì làm biểu tượng cho tình yêu đây! Lấy hình viên đạn hoặc lấy cái ghế điện chăng! Chẳng lẽ trên nóc tháp nhà thờ hay trên cung thánh để một cái đầu đạn, hay một cái ghế điện. Kỳ cục!
Chúa Giêsu đã nhập thể vào thời đại cách đây hai ngàn năm, thời đại mà người ta có những hình thức xử tử khác: ném đá, hoặc đóng đinh vào Thập giá... Thế nhưng việc Chúa Giêsu bị xử tử trên thập giá cũng là một huyền nhiệm. Bởi vì ta biết rằng người Do Thái chỉ tử hình tội nhân bằng hình thức ném đá hoặc cột cối đá vào cổ thả xuống biển. Đóng đinh là sáng kiến của người Rôma dùng để xử tử các phạm nhân đáng tội chết. Vậy tại sao Chúa Giêsu là công dân Do Thái mà lại bị đóng đinh trên thập giá?
Thật ra, lúc này người Do Thái bị Đế quốc Rôma đô hộ nên bên cạnh hình phạt ném đá và cột cối đá, hình phạt đóng đinh thập giá cũng được áp dụng. Bên cạnh tội phạm thượng, tức xưng mình là Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn bị qui tội về chính trị (dấy loạn và xưng mình là vua), nên Ngài bị xử tử theo hình phạt của người Rôma, tức là treo trên Thập giá. Cũng là một điều kỳ diệu. Giả như Chúa Giêsu chỉ bị kết tội phạm thượng không thôi, có lẽ Ngài sẽ bị xử ném đá, vốn là hình phạt đặc thù của người Do Thái. Và hậu thế sẽ phải lấy “viên đá” làm biểu tượng tình yêu chăng? Trên nóc nhà thờ hay trên cung thánh sẽ có cục đá treo tòng teng chăng? Nếu thế thì hơi vô duyên!   
Rõ ràng, Thánh Giá là lựa chọn tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa dùng làm phương thế biểu lộ tình yêu cứu độ nhân loại. Chúng ta suy tôn Thánh Giá là vậy! Và giờ đây ta thấy thật đẹp thay ở đâu có người Kitô giáo, ở đó có bóng dáng Thánh Giá! Ở đâu có nhà thờ, nhà nguyện, ở đó Thánh Giá được dựng lên. Mỗi nhà thờ ít là có ba cây Thánh Giá: trên nóc nhà thờ, trên nơi cung thánh và trong phòng áo. Thánh Giá cũng còn là trang sức đẹp của nhiều bạn trẻ, với đủ kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu, v.v…
2. Nghi thức Hôn Chân
Ta biết rằng cứ thường tình thì hôn là một cử chỉ biểu lộ tình yêu. Hai người có yêu thương nhau thì mới hôn nhau. Dĩ nhiên, hôn có khi trở thành một cử chỉ phản bội, như cái hôn của Giuđa Iscariốt. Ta hôn Chúa không phải có ý để nộp Chúa như Giuđa, nhưng là để bày tỏ tình yêu của ta đối với Chúa.
Vậy thì có khi nào ta tự hỏi tại sao không hôn má hay hôn môi Chúa, mà lại là hôn chân. Tại sao thế?
“Để hiểu thêm ý nghĩa, ta cùng trở lại với nụ hôn của Giuđa và nụ hôn của người đàn bà tội lỗi trong Tin Mừng thánh Luca, ở chương 7 câu 37. Giuđa hôn Chúa ở đâu? Cô Maria hôn Chúa ở đâu? Giuđa chọn điểm đến của nụ hôn là má của Chúa Giêsu để chứng tỏ ông đang đứng ở một khoảng cách gần trong quan hệ với Chúa Giêsu, nhưng thực ra lòng dạ của ông đang nghìn trùng xa cách với Chúa. Trong khi đó người phụ nữ tội lỗi lại chọn điểm rơi là chân Chúa để đặt một nụ hôn biểu lộ tình yêu, nghĩa là bà tự đặt mình ở khoảng cách rất xa trong tương quan với Chúa. Bà nhận mình tội lỗi bất xứng vạn lần, trong khi Thiên Chúa lại là Đấng ngàn trùng chí thánh. Bà chỉ dám đụng chạm vào bàn chân của Chúa mà thôi. Ngay cả việc làm một một cử chỉ để biểu lộ tình yêu đối với Chúa đi nữa.
Chân nằm ở vị trí thấp nhất trong cơ thể, cũng là phần ít được tôn trọng nhất. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cũng đã chọn chân để rửa cho các môn đệ. Chọn chân để rửa, Chúa Giêsu muốn chứng minh tình yêu khiêm hạ của Ngài, đồng thời Ngài cũng muốn để cho các môn sinh của mình noi gương bắt chước.

Chọn chân để hôn, người hôn muốn nói lên sự bất tương xứng trong tình yêu của mình. Mình có yêu Chúa nhiều đi nữa thì cũng không cùng một cung bậc với tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mình” (x. “Khi hôn chân Chúa bạn nghĩ về điều gì?”, Gioan Tuấn Anh, http://ofmvn.org).

Bởi vậy khi hôn chân Chúa, điều quan trọng nhất không nằm ở việc: quỳ, cúi rạp người xuống, chạm môi vào chân Chúa, rồi đứng lên… mà hệ tại ở tình yêu mà ta muốn dành cho Chúa. Và nhất là qua hành vi hôn chân Chúa, ta biết chuyển tình yêu đối với Chúa sang tình yêu đối với anh chị em mình. Cốt lõi của hành vi hôn chân thiết nghĩ là ở điểm này.
Điểm lại một vài ý nghĩa như thế của việc Suy Tôn Thánh Giá và việc Hôn Chân để giúp chúng ta ý thức hơn mỗi khi suy tôn Thánh Giá và Hôn Chân Chúa. Nhờ đó mà ta có thêm tâm tình trân trọng và yêu mến đối với Chúa và Thánh Giá Chúa. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ
Chuyện kể rằng: có một tâm hồn đạo đức nọ, một hôm đến xin Chúa cho mình đổi cây thập giá mà Chúa đã trao cho anh vì anh không thích và cho rằng nó không hợp với mình. Chúa đồng ý và đưa người đó đến nơi có đủ loại thập giá để chọn. Nhìn bên phải thấy có cây thập giá ngắn gọn, người ấy vội vàng cầm lên để vác thử. Nhìn sang trái, tâm hồn đạo đức đó lại thấy một cây thập giá có vẻ dễ vác hơn vì thân nó tròn và bóng, không có các cạnh vuông. Người đạo đức mỉm cười và nghĩ mình sẽ chọn cây thập giá tròn kia để vác cho êm vai hơn. Nhưng khi đặt nó lên vai thì cảm thấy khó vác, vì nó trơn trượt nên cứ tuột ra ngoài, vác đi rất bất tiện.
Thế là người đạo đức nọ xin đổi cây thập giá khác. Lần này kỹ càng hơn, người đạo đức này rảo mắt nhìn qua tất cả các cây thập giá được trưng bày và thấy một cây thập giá bỏ trong góc phòng. Có lẽ nó đã bị bỏ rơi lâu rồi vì không được ai vác. Đặt thập giá này lên vai, người đạo đức cảm thấy nhẹ nhàng, tiện lợi và dễ vác hơn. Cuối cùng, tâm hồn đạo đức này đã quyết định vác lấy cây thập giá đó. Chúa mỉm cười và nói: “Con hãy nhìn kỹ coi, cây thập giá này Cha đã xếp đặt cho con vác ngay từ đầu mà con đã than phiền muốn đổi cây thập giá khác”.
Bạn thân mến, nhìn vào thái độ của người đạo đức trong câu chuyện vui kể trên, chúng ta thấy rằng: nếu cứ bận tâm mãi với cây thập giá phải vác thì có lẽ chúng ta sẽ phải so sánh lựa chọn thay đổi mãi.
Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta hiểu rằng, giả như có hai người cùng thực hiện một công việc giống nhau. Một người làm vì coi đó là trách nhiệm và bổn phận phải làm; còn người kia thì làm việc với cả nhiệt tâm và lòng yêu mến thì người thứ hai sẽ hạnh phúc hơn người thứ nhất và hẳn rằng tình yêu sẽ làm cho gánh nặng vơi bớt.
Cũng thế, chúng ta cần xác tín rằng: trọng tâm của đời sống Kitô hữu không phải là “thập giá” mà là “tình yêu”, là tương quan tình yêu của người môn đệ với Chúa Giêsu Kitô - Thầy của mình. Tình yêu đó sẽ làm cho cây thập giá nhẹ đi, vừa sức vác mỗi người.
Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng: Chúa Giêsu muốn nhắc cho người môn đệ hiểu được giá trị cao quý của tình yêu đối với Ngài. Tình yêu ấy cao quý khi người môn đệ biết đặt Chúa vào chỗ đứng thứ nhất trong cuộc đời mình. Hay nói một cách khác: Ai muốn trở nên người môn đệ đích thực của Chúa thì phải yêu mến Chúa nhiều hơn, nhiều hơn mọi thứ tình yêu khác, hơn cả thứ tình yêu nhân bản phải có như tình yêu đối với cha mẹ, anh chị em thân thuộc của mình.
Bạn thân mến, kinh nghiệm thiêng liêng cho chúng ta thấy rằng: nếu chúng ta yêu mến Chúa hơn hết mọi sự, hơn hết mọi người thì trong chính tình yêu cao độ đó, chúng ta có thể chu toàn giới răn yêu thương đối với anh chị em xung quanh. Đó là kinh nghiệm của những vị thánh. Các thánh là những người yêu mến Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhất, yêu mến Chúa trên hết mọi sự  và trên hết mọi người. Đồng thời, các thánh cũng là những người yêu thương phục vụ mọi người cách thiết thực nhất.
Lời Chúa còn cho chúng ta một cái nhìn thiết thực hơn về tình yêu Chúa, không phải tình yêu trừu tượng trên môi miệng hay thứ tình cảm hời hợt thoáng qua. Nhưng tình yêu thiết thực đối với Chúa cần được thể hiện qua những việc làm cụ thể: chấp nhận thập giá, chấp nhận những đau khổ thập giá, chấp nhận bị khinh dể, bị chà đạp như một tử tội, phải chịu tử hình, vác chính thập giá của mình đến nơi bị hành quyết... Vác thập giá như thế là sẵn sàng chịu mất mạng sống mình.
Chúng ta chịu mang án tử không phải như một tội nhân bởi vì chúng ta không làm điều chi sai quấy. Chúng ta sẵn sàng chịu thử thách, chịu đau khổ nhục nhã, chịu hy sinh thiệt thòi… và chịu mất mạng sống mình chỉ vì tình yêu Chúa mà thôi.
Được như vậy, chúng ta mới được đồng hoá như Chúa, giống như Chúa - Người là Đấng vô tội chỉ biết yêu thương, nhưng bị ghét bỏ và bị đóng đinh trên Thập giá. Chỉ có như thế, chúng ta mới phản ánh dung mạo của Chúa Kitô trong môi trường chúng ta đang sống. Lúc đó, chúng ta thực hiện được điều Chúa nói: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). Danh dự này là một danh dự đòi hỏi người môn đệ phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Chính vì tình yêu Chúa mà người môn đệ vui lòng vác lấy thập giá và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình.
Chúng ta cần nhớ rằng, mọi hy sinh vì tình yêu Chúa đều trở nên hữu ích cho những ai tin cậy nơi Ngài. Đức Giêsu đã khẳng định: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).
Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ Chúa vì Chúa lại ban cho con được hưởng thêm một Mùa Chay Thánh nữa. Nhìn lại bao tháng ngày đã qua, con thấy mình còn nhiều bất xứng với tình yêu Chúa. Biết bao lần, con đã đoan hứa sẽ trở về và sống với Chúa luôn mãi cho trọn tình con thảo. Thế nhưng, những đam mê, yếu đuối… đã làm con lãng quên tình Chúa. Chúa đã phải cô đơn, tủi buồn vì sự vô ân bội nghĩa của con.
Chúa ơi, con thành tâm xin lỗi Chúa vì con đã để Chúa phải chờ đợi quá lâu! Giờ đây con thành tâm thống hối. Xin Chúa giúp con có đủ quyết tâm và nghị lực để trở về cùng Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 26,24). Xin Chúa hãy biến đổi con nên giống Chúa hơn và luôn sẵn sàng vác lấy thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa cho đến cùng. Amen.
 

Văn Phi, OP

Tại sao gọi là Tuần Thương Khó?
 
Chúa nhật lễ lá, bắt đầu Tuần thánh. Lịch Phụng vụ cũng ghi là Chúa nhật tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa. Trước đây, mùa thương khó bắt đầu hai tuần trước lễ Chúa Phục sinh, tại sao bây giờ rút còn một tuần?
 
Trước cuộc cải tổ lịch phụng vụ năm 1969, thì mùa thương khó bắt đầu từ Chúa nhật thứ năm mùa chay, và như vậy kéo dài hai tuần. Mùa thương khó gây một ấn tượng khá lớn cho các tín hữu. Tất cả các tượng ảnh trong nhà thờ đều bị phủ bởi màn tím cho đến lễ Vọng Phục sinh. Nhiều nhà thờ còn căng một bức màn lớn che khuất tất cả gian thánh. Có người giải thích là Chúa Giêsu đi trốn, bởi vì dựa trên bài Phúc âm thuật lại việc Chúa lánh mình khi dân chúng mưu toan ném đá Người. Thế nhưng với cuộc canh tân sau công đồng Vaticanô II, thì lịch phụng vụ không còn nói đến mùa thương khó nữa, mà chỉ còn Mùa Chay kéo dài cho tới lễ Phục sinh. Tuần lễ trước Phục sinh không phải là tuần Thương khó, nhưng từ ngữ “tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa” chỉ còn được gắn cho hai ngày: Chúa Nhật lễ lá (Dominica in Palmis de Passione Domini) và Thứ Sáu Tuần Thánh (Feria VI in passione Domini). Vào hai dịp đó, phụng vụ đọc bài Thương khó: ngày Chúa nhật thì dựa theo Phúc âm nhất lãm thay đổi tùy theo chu kỳ ABC; còn ngày thứ Sáu thì luôn luôn đọc Phúc âm theo thánh Gioan.
 
Tại sao cuộc cải tổ phụng vụ lại bỏ mùa Thương khó?
 
Thực ra thì không phải là bỏ, nhưng mà muốn trở lại với truyền thống cổ xưa thôi. Từ thời xưa, các Kitô hữu dành 40 ngày để chuẩn bị mừng Lễ Chúa Phục sinh. Vì thế thời gian đó được gọi là Mùa 40 (trong tiếng La-tinh là Quadragesima), chứ không phải là mùa thương khó. Trong thời gian này, các dự tòng được chuẩn bị qua chương trình huấn giáo sâu đậm để lãnh các bí tích khai tâm. Còn những người đã được rửa tội rồi thì được mời gọi xét mình về cuộc sống đức tin, xem mình đã trung thành thế nào đối với lời cam kết. Dĩ nhiên, đây cũng là thời gian để thực hành công cuộc cải hoán, qua việc cầu nguyện, hãm mình, bác ái. Vào thời Trung cổ, khi mà con số dự tòng không còn đáng kể nữa, thì công cuộc huấn giáo cũng bớt phần quan trọng. Từ đó, người ta chuyển sang việc suy gẫm cuộc Thương khó của Chúa.
 
Thương khó là gì?
 
Chúng ta có thể khảo sát ý nghĩa của từ này theo tiếng Hán Việt cũng như theo nguyên gốc La-tinh. “Thương” ở đây không có nghĩa là “yêu”, nhưng có nghĩa là “đau xót, đau đớn xót xa”, chẳng hạn như khi nói “thương tâm, đau thương, thảm thương, sầu thương”. Còn “khó” không phải trái nghịch với dễ; nhưng “khó” ở đây có nghĩa là “khổ”, chẳng hạn như “khốn khó, khốn khổ”. Nói tóm lại “thương khó” cũng tương tự như là “đau khổ”. Trên thực tế, nhiều bản dịch Việt ngữ dùng những từ “Tử nạn, Khổ nạn, Chịu nạn, Chịu khổ hình”. Đó là nói đến từ ngữ Hán Việt. Đến khi bước sang nguyên bản La-tinh, ta sẽ còn thấy nhiều ý nghĩa khác nữa. Từ “thương khó” dùng để dịch từ “passio” trong tiếng La-tinh (sang tiếng Pháp và tiếng Anh thì thêm chữ “n”: passion). Thế nhưng từ passio có tới ít là bốn nghĩa.
1/ Thường thì người ta giải thích rằng passio bởi động từ “patior, pati” (có nghĩa: chịu đau khổ).
 
2/ Một ý kiến khác hiểu tiếng passio theo nghĩa triết học, tức là “thụ động” (bị động), nhận hành động từ một chủ động khác. Như vậy “passio” đối ngược với “actio”.
 
3/ Một ý kiến thứ ba cho rằng passio bắt nguồn từ pathos trong tiếng Hy-lạp, và như vậy có nghĩa là cảm xúc, xúc động. Cũng theo chiều hướng đó, mà trong tâm lý học, passio thường được dịch là “đam mê, say mê, mê man”.
 
4/ Sau cùng, có người tán giải passio (passus) theo nghĩa là đi ngang qua, để nói đến cuộc vượt qua của Đức Giêsu: người trải qua sự khổ và cái chết để tiến vào vinh quang Phục sinh.
 
Trong 4 nghĩa vừa nói, nghĩa nào đúng hơn cả?
 
Trong bối cảnh của phụng vụ, thì nghĩa thứ nhất sát hơn nữa: passio có nghĩa là chịu đau khổ. Nói một cách cụ thể hơn, trong buổi cử hành phụng vụ, Hội thánh đọc lại các bài trình thuật Phúc âm thuật lại cuộc “khổ nạn” của Chúa Giêsu, từ lúc dùng bữa tiệc Vượt qua với các môn đệ (hoặc là từ khi vào Vườn Cây dầu, theo thánh Gioan), rồi bị bắt, bị xử án, bị đánh đòn, vác thánh giá lên núi Calvariô, nơi chịu tử hình. Chúng ta có thể đọc trình thuật này trong Phúc âm theo thánh Marcô chương.14-15; thánh Mattêu chương 26-27; thánh Luca chương 22-23; thánh Gioan chương 18-19. Cũng nên biết, là trong tiếng La-tinh, từ “passio” cũng được áp dụng cho trình thuật kể lại cuộc tử đạo của các Kitô hữu cổ thời.
 
Phụng vụ chỉ tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu qua việc đọc bài Phúc âm nói về cuộc Thương khó của Chúa mà thôi hay sao?
 
Không chỉ có vậy mà thôi. Lòng đạo đức của các tín hữu còn tìm những hình thức khác để tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa qua các việc đạo đức cũng như qua cuộc sống. Xét về các hình thức đạo đức, thì các sử gia thường trưng dẫn những chứng tích bắt đầu từ thế kỷ IV (khoảng năm 380) bên Thánh địa, do một thiếu nữ tên là Egeria kể lại. Vào Chúa nhật lễ Lá, các tín hữu tại Giêrusalem tụ họp ở núi Cây dầu, rồi từ đó rước lá tiến vào thành thánh. Nhưng nhất là kể từ tối Thứ Năm Tuần Thánh trở đi, các tín hữu họp nhau tại một nhà thờ tên là Eleona trên núi Cây dầu để tham dự buổi canh thức đầu tiên, từ 7 giờ tối cho đến 11 giờ. Đến nửa đêm, bắt đầu buổi canh thức thứ hai, tại một nhà thờ gần đó, và nghe đọc bài Sách thánh về cuộc hấp hối của Chúa. Đến sáng thứ 6, thì đám rước di chuyển lên núi Calvariô, để nghe đọc bài tường thuật về cuộc Thương khó và cử hành việc suy tôn Thánh Giá. Và suốt ngày thứ sáu, nhiều cuộc suy gẫm lời Chúa được tổ chức bên cạnh nhà thờ kính nhớ mộ Chúa. Có thể nói được là từ đó trở đi, các tín hữu tìm cách diễn lại cảnh thương khó của Chúa theo gương các tín hữu Giêrusalem, không những là vào ngày thứ năm thứ sáu tuần thánh, mà còn kéo dài quanh năm nữa. Một hình thức khá quen thuộc đối với các tín hữu Việt Nam là ngắm 14 chặng đường thánh giá, đi theo Chúa Giêsu từ lúc bị xử án, rồi vác thập giá lên núi Calvariô, nơi Người chịu đóng đinh, chịu chết và mai táng. Nên biết là hình thức 14 chặng như hiện thời chỉ mới thành cố định từ thế kỷ XVII, chứ trước đây nó linh động hơn, chẳng hạn có nơi tính đến 7 lần ngã xuống đất, hoặc bắt đầu từ vườn Cây dầu, rồi bị bắt, bị điệu qua toà Anna, Caipha, vv.
 
Ở Việt Nam còn có hình thức ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu nữa, phải không?
 
Có nhiều hình thức để suy gẫm sự thương khó của Chúa. Một hình thức đơn giản hơn cả là suy gẫm 5 dấu thánh: hai dấu nơi bàn tay; hai dấu nơi bàn chân, và một dấu nơi cạnh sườn. Một hình thức nữa là suy gẫm 7 lời của Chúa Giêsu trên thập giá. Hình thức ngắm 15 sự thương khó của Chúa thì dựa trên một căn bản khác. Tại sao lại có 15 ngắm? Tại vì nó hoạ theo giờ kinh Phụng vụ. Trong ba ngày cuối Tuần thánh, tại các đan viện hay nhà thờ chánh toà, người ta cử hành phụng vụ giờ kinh cách long trọng. Ở chính giữa nhà thờ người ta thắp một giá đèn hình tam giác, với 15 ngọn nến. Tại sao 15 ngọn nến? Có người gỉai thích là tượng trưng cho Chúa Giêsu với 12 tông đồ và 2 môn đệ. Sự thực thì 15 ngọn nến tương đương với 9 thánh vịnh giờ kinh Đêm (nay gọi là kinh Sách) và 5 thánh vịnh giờ Kinh sáng, cộng với thánh ca Tin mừng Benedictus. Cứ sau mỗi thánh vịnh thì người ta tắt đi một ngọn đèn. Tại sao vậy? Có người giải thích là nó tượng trưng cho các tông đồ và môn đệ lần lượt rút lui, bỏ Chúa một mình. Nhưng cũng có người giải thích cách đơn giản là đời xưa khi chưa có đèn điện thì tất nhiên là phải thắp nhiều đèn để đọc sách. Tuy nhiên, trời càng lúc càng về sáng tỏ, cho nên có thể tắt bớt dần dần các ngọn nến đi. Cho dù giải thích nguồn gốc lịch sử như thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải khâm phục các vị thừa sai trước đây đã tìm cách để giáo dân tham gia vào phụng vụ Giờ kinh của Giáo hội, dĩ nhiên không phải bằng việc hát các thánh vịnh La-tinh (mà họ chẳng hiểu gì) nhưng qua việc suy gẫm các sự thương khó của Chúa.
 
Việc tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa chỉ dừng lại ở việc suy gẫm mà thôi hay sao?
 
Còn nhiều hình thức khác nữa. Một hình thức khá phổ thông bên Âu châu trước đây là diễn tuồng Thương khó, mà Đức Cha Nguyễn bá Tòng cũng đã thích ứng sang tiếng Việt. Nên biết là tuồng Thương khó không phải chỉ diễn ra trên sân khấu, nhưng còn trở thành hoạt cảnh, nhiều khi biến thành một cuộc rước kiệu. Dù là suy niệm bài thương khó dựa theo Phúc âm, dù là đi đàng Thánh giá hay ngắm các sự thương khó, hoặc tham dự tuồng Thương khó, người tín hữu muốn nhớ đến Chúa Giêsu đã chịu đau khổ vì tội chúng ta; từ đó ta muốn tỏ lòng biết ơn bằng cách thông dự vào sứ mạng cứu độ của Người. Thánh Phaolô đã viết rằng tôi muốn chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, muốn hoàn toàn sống cho Đấng đã yêu mến và hiến mạng vì ta (Gal 2,19-20). Thánh Phaolô cũng muốn lãnh nhận mọi đau khổ để góp phần vào cuộc khổ nạn của Chúa hầu giúp ích cho Hội thánh (Col 1,24). Thánh Phêrô tông đồ, trong bài thánh thi đọc vào kinh chiều Chúa nhật mùa Chay, cũng nhắc cho các tín hữu hãy coi cuộc thương khó của Chúa như một gương mẫu để dõi bước theo Người: “bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1Pr 2,23). Thiết tưởng đó là ý nghĩa chính của các việc cử hành cuộc Thương khó của Chúa từ những thế kỷ đầu tiên tại Giêrusalem cho đến chặng đường thánh giá ngày nay: đó là chúng ta muốn đi theo Chúa.
 
Lm. Giuse Phan Tấn Thành

 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận