Thứ Năm Tuần 2 MV

Đăng lúc: Thứ năm - 11/12/2014 01:48 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ NĂM TUẦN 2 MV: Th. Đa-ma-sô I, giáo hoàng

Bài đọc (Is 41, 13-20)
Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta cầm tay ngươi và nói cùng ngươi: Ðừng sợ gì, đã có Ta giúp. Hỡi con sâu Giacóp, hỡi dân Israel, đừng sợ chi, Ta sẽ đến giúp ngươi, đó là lời Chúa phán, Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi. Ta sẽ đặt ngươi như chiếc bừa mới tinh và có răng nhọn, ngươi sẽ băm các đồi ra như rơm rác. Ngươi sẽ sàng chúng và gió sẽ cuốn chúng đi, và cơn lốc sẽ làm chúng tan tác. Còn ngươi, ngươi sẽ vui mừng trong Thiên Chúa, sẽ hân hoan trong Ðấng Thánh của Israel. Những kẻ thiếu thốn nghèo nàn tìm nước, nhưng luống công, lưỡi chúng đã khô đi vì khát nước. Ta là Chúa, Ta sẽ nhậm lời chúng. Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ chúng. Ta khiến sông chảy trên đỉnh núi trọc, và suối nước tràn giữa thung lũng. Ta sẽ biến hoang địa thành ao hồ và đất khô thành suối nước. Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này.

Tin Mừng (Mt 11, 11-15)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!”


Thánh Damasô I, Giáo hoàng (305?-384)

Đối với thư ký của ngài là Thánh Giêrônimô, Thánh Damasô là “người vô song, hiểu biết Kinh Thánh, Tiến sĩ Giáo hội, và yêu quý đức khiết tịnh”.
Thánh Damasô hiếm khi nghe những lời khen như vậy. Ngài đấu tranh với chính trị, các tà thuyết, không được lòng các giám mục và Giáo hội Đông phương muốn phá triều đại giáo hoàng của ngài.
Ngài là con của một linh mục Công giáo La Mã, có thể là người Tây Ban Nha, ngài bắt đầu với cương vị phó tế tại nhà thờ của người cha, rồi làm linh mục ở một nơi mà sau đó là đền thờ San Lorenzo (Thánh Lôrensô) ở Rôma. Ngài phục vụ giáo hoàng Liberiô (352-366) và theo ngài đi đày.
Khi ĐGH Liberiô qua đời, Thánh Damasô được chọn làm giám mục thành Rôma, nhưng ít người đồng ý bầu chọn phó tế Ursinô làm giáo hoàng. Cuộc tranh luận giữa Thánh Damasô và ngụy giáo hoàng (antipope) nổ ra chiến tranh dữ dội giữa hai giáo phái, xúc phạm đến các giám mục Ý. Tại công nghị, Thánh Damasô kêu gọi mọi người chấp nhận hành động của ngài nhân dịp sinh nhật. Các giám mục trả lời: “Chúng tôi quy tụ đến đây vì sinh nhật của ngài,chứ không kết án một người chưa biết”. Những người ủng hộ ngụy giáo hoàng còn kết án ngài phạm trọng tội, có thể liên quan tình dục, hồi cuối năm 378. Ngài phải tự thanh minh trước tòa án dân sự và công nghị giáo hội.
Khi làm giáo hoàng, ngài sống giản dị, tương phản với các giáo sĩ Rôma, và ngài cương quyết tố cáo và chống lại tà thuyết Arian (*) và các tà thuyết khác. Sự hiểu sai về thuật ngữ Tam vị Nhất thể (Chúa Ba Ngôi) của Rôma đã đe dọa mối giao hảo với Giáo hội Đông phương, ĐGH Damasô là người tương đối thành công trong việc xử lý tình huống này.
Trong triều đại giáo hoàng của ngài, Kitô giáo được công bố là tôn giáo chính của quốc gia Rôma (năm 380), và tiếng Latin là ngôn ngữ phụng vụ. Ngài khuyến khích Thánh Giêrônimô nghiên cứu Kinh Thánh nên mới có bản Vulgate (bản phổ thông), bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Latin được Công đồng Trentô (12 thế kỷ sau) tuyên bố là “xác thực khi đọc chung, khi thảo luận và giảng dạy”.
———————–
(*) Arianism: Thuyết của Arius, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Thuyết này từ chối thiên tính của Chúa Giêsu. Công đồng Nicaea (AD 325) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Thuyết Arian được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rome Gratian và Theodosius lên ngôi. Công đồng Constantinople đầu tiên (năm 381) phê chuẩn Tín điều của Công đồng Nicê và cấm thuyết Arian. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức Nhân chứng của Giavê (Jehovah’s Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism), tương tự Tam Vị Nhất Thể, tức là Một Chúa Ba Ngôi.

Suy niệm 1: GIOAN TẨY GIẢ LÀ NGƯỜI CAO TRỌNG

Trong các cuộc diễn nguyện, lời dẫn phải đi sâu vào nội dung, và người dẫn chương trình phải là người biết truyền cảm hứng cho thính giả thì nội dung mới được toát lên và hấp dẫn. Nhưng điều quan trọng là làm sao cho người tham dự rút ra được bài học từ những cuộc diễn xuất đó mới là điều đáng nói!
Thánh Gioan Tẩy Giả đã xuất sắc trong vai trò này khi ngài trở thành người tiền hô loan báo về Đấng Cứu Thế và ngài cũng thành công trong việc truyền cảm cho những người đương thời về tinh thần sám hối, chuẩn bị cho giáo huấn của Đức Giêsu. Ngoài những lý do trên, ngài còn là tiên tri cuối cùng của thời Cựu Ước, là người loan báo trực tiếp về Đức Giêsu. Cuối cùng Gioan đã thực hiện thành công xuất sắc sứ mạng của mình bằng cái chết để làm chứng cho sự thật. Như vậy, ngài xứng đáng được Đức Giêsu khen ngợi: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy noi gương Gioan Tẩy Giả: sẵn sàng lên tiếng loan báo Đức Giêsu cho mọi người, dù thuận tiện hay không thuận tiện. Sẵn sàng sống sự khiêm tốn để cho nội dung lời loan báo trở thành có hồn và vui lòng nhường lại sân khấu cho diễn viên chính…là Đức Giêsu. Có thế, chúng ta mới được hy vọng Đức Giêsu khen ngợi là người có phúc như Gioan Tẩy Giả khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, thánh Gioan khi xưa đã hết lòng vì sứ vụ và đã sống chết cho sự thật. Xin Chúa cũng ban cho chúng con hôm nay biết làm chứng cho Chúa bằng sự khiêm tốn, can đảm và trung thành như Gioan khi xưa. Amen.

Suy niệm 2

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho dân chúng vị tiền hô. Điều này phải chăng là một nghịch lý, vì tiền hô phải là người đi trước, nói trước, giới thiệu cho người khác. Đằng này chính Đấng được giới thiệu lại giới thiệu vị tiền hô? Thưa không phải là một nghịch lý, vì khi dân chúng đến với Gioan thì sẽ biết rõ hơn vị cứu tinh là ai, sẽ có thái độ đúng đắn trong khi trông chờ Ngài đến
Chúa Giêsu muốn dân chúng đến với Gioan vì “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”.
Gioan Tẩy Giả cao trọng là vì ông được Chúa viếng thăm ngay khi còn trong lòng mẹ.
Gioan Tẩy Giả cao trọng là vì ông thực hiện hoàn toàn chương trình của Chúa.
Gioan Tẩy Giả cao trọng là vì ông có một lối sống nhiệm nhặt, không dính bén đến trần gian.
Gioan Tẩy Giả cao trọng là vì ông trung thành rao giảng về Đấng Cứu Thế.
Gioan Tẩy Giả muốn cho dân chúng thấy Đấng đến sau ông còn cao trọng hơn ông vì Ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha đến nỗi chấp nhận thân thận người phàm. Lối sống của Chúa là lối sống đơn sơ, khó nghèo: Sinh ra trong hang bò lừa, sống lang thang rày đây mai đó, chết trần trụi trên cây thập giá… để cho thấy trần gian này không khống chế được Ngài. Sứ mạng của Ngài là loan báo Nước Thiên Chúa mà chính Ngài đã thành lập.
Để chuẩn bị đón Chúa đến, mỗi người chúng ta cũng phải bắt chước Gioan Tẩy Giả để trở thành ngôn sứ của Chúa, “mở lối cho Người” đến với tâm hồn của mỗi người chúng ta.
Chúa đã đến viếng thăm tôi và đang chờ đợi tôi từng giây phút nơi Bí tích Thánh Thể, nơi nhà chầu. Những giây phút ở bên Chúa, tôi trở nên cao trọng. Cao trọng không phải vì việc đạo đức tôi làm, mà vì quyền năng và sự thánh thiêng của Chúa bao trùm tôi.
Chúa đã trao phó cho tôi một bậc sống, tôi phải sống tốt trong bậc sống của mình. Lúc đó tôi trở nên cao trọng vì tôi đã hoàn tất công trình mà Chúa đã đặt nên móng nơi bản thân tôi. Cố gắng hoàn thành bản vẽ của Chúa dành cho riêng mình chứ đừng muốn làm những công trình theo ý riêng của mình.
Chọn lối sống đơn sơ, thanh thoát để thanh thản với những danh lợi thú của trần gian. Nhất là phải ý thức sứ mạng thông truyền đức tin. Sứ mạng đó được thể hiện qua niềm vui đón nhận Tin Mừng, để trở thành ánh sáng cho những người xung quanh.
Lạy Chúa, Mùa Vọng cho con chiêm ngắm khuôn mặt của Gioan Tẩy Giả. Khuôn mặt này có lẽ không hấp dẫn con vì vẻ khắc khổ, lạ lùng… nhưng lôi kéo con vì lối sống đơn sơ, thanh thản; luôn thực hiện chương trình của Chúa và trung thành để loan báo Chúa.
Xin cho con biết chọn lối sống như Ngài để tỏa rạng khuôn mặt của Đức Kitô nơi cuộc đời con.

Suy niệm 3: TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGÔN SỨ

“Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.” (Mt 11,11)
Suy niệm: Tại sao Gio-an Tẩy Giả quan trọng như thế trong thời gian trông đợi Chúa đến? Thánh Kinh cho biết, Gio-an Tẩy Giả là tiên tri sau cùng thời Cựu Ước tiên báo Đấng Cứu Thế đến. Ông cũng là người mở đầu cho một thời đại ngôn sứ mới trong Tân Ước, thời đại của những người biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế và được mời gọi làm chứng cho Chúa Giê-su qua những lời họ loan báo và cuộc sống của họ. Nói tóm lại, những gì được loan báo trong Cựu ước, Gio-an Tẩy Giả làm chứng chúng đã được hoàn tất trong Chúa Giê-su Ki-tô và những gì hoàn tất nơi Chúa Giê-su, những ngôn sứ mới phải công bố như Gio-an Tẩy Giả đã thực thi. Vì thế, khi đề cập đến vai trò quan trọng của Gio-an Tẩy Giả trong mùa Vọng, Hội Thánh nhắc nhở cho mỗi chúng ta rằng, chúng ta là những ngôn sứ của thời đại mới, những người tiếp tục những gì Gio-an Tẩy Giả đã bắt đầu để loan báo Chúa Giê-su. Cuộc sống, lời nói và hành động của chúng ta phải làm chứng cho sự kiện siêu việt Chúa Giê-su vẫn đang đến với thế giới hôm nay. Qua đời sống đức tin, chúng ta là những Gio-an Tẩy Giả hôm nay. Mọi việc chúng ta làm, việc lớn, việc nhỏ, từ những việc công khai hay âm thầm, đều phải có sức lôi cuốn người khác đến với Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Bạn nhận thức được vai trò ngôn sứ của bạn chưa? Đừng quên bạn cũng có vai trò quan trọng, vì bạn là ngôn sứ, là người loan báo và làm chứng cho Chúa trong xã hội hôm nay.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nói về Chúa một lần cho người khác.
Cầu nguyện: Hát: “Trời cao hãy đổ sương xuống…”.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa đã hứa ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa viếng thăm từng cuộc đời chúng con, Chúa giáng sinh từng ngày trong đời sống chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết thanh tẩy mình mỗi ngày để xứng đáng là máng cỏ thơm ngát cho Chúa giáng sinh ngự trị.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, vì chúng con là người yếu đuối. Chúng con còn ngủ vùi trong đam mê tật xấu. Chúng con còn thiếu can đảm chống trả chước cám dỗ. Chúng con chưa mạnh mẽ để nói không với tội lỗi. Chúng con còn mang nặng những yếu đuối và tật xấu. Xin nâng đỡ chúng con bằng cánh tay mạnh mẽ, bằng sức mạnh và quyền năng của Chúa. Xin quyền năng Chúa hiển trị trên sự yếu hèn của chúng con, để chúng con vượt thắng những cám dỗ tội lỗi. Xin giúp chúng con luôn đứng vững trước những trào lưu của xã hội đang loại trừ Thiên Chúa, đang cuốn hút trong đời sống hưởng thủ. Xin cho những ai đang mê ngủ trong danh vọng trần gian được thức tỉnh mà quay trở về với Chúa. Xin Chúa giúp họ biết thức tỉnh trước những cạm bẫy của thế gian và ma quỷ. Xin cho họ biết hoán cải để thực tâm quay trở về với Chúa tình thương.
Lạy Chúa, xin cho chúng con là người cao trọng trong Nước Trời khi chúng con luôn trung tín theo lề luật của Chúa. Xin Chúa giáng sinh mang phước lành xuống trên cuộc đời chúng con, để chúng con luôn an bình sống trong sự che chở của Chúa. Amen.

Suy Niệm 4: Người Ðược Chúa Khen

Nhìn vào các chi tiết đã xảy ra cho Gioan Tẩy Giả mà Thiên Chúa đã làm, chúng ta thấy cũng là một chuyện lạ lùng. Zacharia, cha của Gioan Tẩy Giả, là người thuộc ban Abina, tức là một tư tế phục dịch trong Ðền Thờ; và Elizabeth, mẹ của ngài, thuộc dòng dõi Aaron. Cả hai ông bà là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở tuân giữ mọi giới răn và lề luật của Ngài. Nhưng cả hai người không có con và tuổi đã già cả. Zacharia đến phiên mình vào dâng hương trong Ðền Thờ khi trúng thăm. Khi vào Ðền Thờ dâng hương, ông thấy thiên thần Gabriel hiện ra bên phải hương án và cho ông biết: Bạn ông sẽ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Gioan Tẩy Giả, và con trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa, ngài sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Và thiên thần Gabriel còn cho biết thêm: Con trẻ là người đi trước dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến.
Rồi khi Mẹ Maria đến thăm bà Elizabeth, lúc ấy bà đang mang thai Gioan Tẩy Giả được sáu tháng thì con trẻ trong lòng bà cũng đã nhảy mừng và được khỏi tội tổ tông.
Sau khi Gioan Tẩy Giả sinh ra, cả hai ông bà muốn đặt tên cho con trẻ là Gioan Tẩy Giả, nhưng bấy giờ Zacharia đang bị câm không nói được nên ông ra hiệu là đặt tên cho con trẻ là Gioan Tẩy Giả. Mặc dù mọi người trong dòng họ đều không bằng lòng, vì không ai trong họ hàng có tên đó.
Từ những sự kiện trên cho ta thấy Gioan Tẩy Giả được sinh ra một cách khác thường và khắp các miền núi phía Giuđêa lúc bấy giờ đều nghĩ thầm rằng: Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực bàn tay Thiên Chúa đã ở với con trẻ này.
Ðiều đó đã được Chúa Giêsu xác nhận trong bài Tin Mừng hôm nay: "Thật, Ta bảo các ngươi hay, trong con cái do người nữ sinh ra chưa có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả". Con người có lẽ ai cũng mong ước được như Gioan Tẩy Giả. Chúng ta cũng thấy trong một đoạn Tin Mừng khác, lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy thì có một người đàn bà buột miệng nói rằng: "Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng::Ai nghe và giữ lời Chúa thì còn có phúc hơn nhiều". Hoặc chúng ta cũng thấy trong lúc Chúa Giêsu đang thi hành sứ mệnh công khai của Ngài, Mẹ Maria và các người thân thuộc tìm đến nghe, nhưng vì dân chúng quá đông không chen vào được, có mấy người thấy thế nói với Chúa Giêsu: "Kìa Mẹ và anh em Thầy đến tìm Thầy", Chúa Giêsu liền trả lời: "Ai là Mẹ Ta, ai là anh em Ta? Ðó là những kẻ nghe và giữ lời Ta".
Qua những lời trên, Chúa Giêsu cho chúng ta một cái nhìn mới, một ý nghĩa mới: thân thuộc, bà con bằng máu mủ không quan trọng cho bằng thân thuộc bà con thiêng liêng: "Ai theo Ta mà không từ bỏ cha mẹ anh em thì chưa xứng đáng là môn đệ Ta". Nói thế không phải chúng ta không tôn kính hay không yêu mến cha mẹ chúng ta, vì giới răn thứ tư trong Mười Ðiều Răn, Ðức Kitô dạy rằng: "Hãy thảo kính cha mẹ". Giới răn này nằm sau giới răn thứ nhất: "Thờ phượng Ðức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự".
Chúng ta đừng đặt nặng vấn đề gia đình, vấn đề tình thân thuộc máu huyết mà chúng ta quên mất việc thờ Thiên Chúa. Chúng ta cũng đừng tìm danh giá, giàu sang bên ngoài mà quên mất lương thực Thần Linh nuôi sống chúng ta, đó là Mình và Máu Chúa. Mình Máu Chúa nuôi sống phần hồn, lương thực Lời Chúa nuôi sống tinh thần chúng ta.
Từ Gioan Tẩy Giả trở về sau, tức là từ khi Chúa Giêsu Kitô đem ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho nhân loại thì Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm lấy được và kẻ nào mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Trước Chúa Kitô chưa ai có được ơn cứu rỗi cho đến khi Chúa Kitô chết trên Thánh Giá Ngài mới kéo tất cả mọi sự lên cùng Ngài. Ai muốn nhận được ơn cứu rỗi đó phải qua cửa hẹp, phải vác thập giá mình mà theo Chúa mới vào được Nước Trời, vì ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy.
Theo Chúa để vào Nước Trời, chúng ta phải chiến đấu với chính bản thân mình, phải từ bỏ những đam mê, những thói quen không tốt, những việc làm không chính đáng, phải hy sinh cho người thân quen thuộc trong gia đình, cho tha nhân và làm tất cả những gì khi có thể để giúp đỡ người khác mới thực sự là dấn thân thi hành giới răn "Mến Chúa Yêu Người".
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn hiểu rõ được giá trị của sự yêu thương, tránh tìm những gì hào nhoáng bên ngoài nhưng thực sự sống cảm thông, yêu thương nhau và tha thứ khoan dung hơn để mong chờ Ðấng Cứu Thế đến. Amen.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
 
Suy Niệm 5: Gioan Tẩy giả.

Lustiger là người Do Thái đã từng chứng kiến cảnh phân biệt chủng tộc và việc Đức quốc xã tiêu diệt người Do Thái. Là người Do Thái, nhưng có bạn là người Công giáo, một hôm theo bạn đến nhà thờ và từ đó muốn trở lại Công giáo. Anh muốn thuộc về Chúa và dâng hiến cuộc đời cho Chúa. Mặc dù ông bố không chấp thuận, nhưng anh nhất quyết đi tu để phục vụ người nghèo khổ, yếu đuối. Năm 1954, thụ phong linh mục. Năm 1964 được chọn làm Giám mục và được đề cử về làm Tổng Giám mục Paris. Bị một số người bất bình phản đối, nhưng ngài vẫn kiên vững trong đức tin và quan tâm phục vụ mọi người.
Bài Tin Mừng hôm nay nói đến một con người đặc biệt, có sứ mệnh chuẩn bị tâm hồn người Do Thái đón nhận Chúa, con người ấy là Gioan Tẩy giả. Kể từ khi gặp Chúa Giêsu, nhất là từ khi bị Hêrôđê tống ngục, cố gắng quan trọng của Gioan là làm sao cho môn đệ của ông nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai. Dù tống giam Gioan, nhưng Hêrôđê vẫn còn nể Gioan, nên cho ngài được liên lạc với bên ngoài, bằng chứng là các việc Chúa Giêsu làm đều đến được tai Gioan và các môn đệ vẫn được tiếp xúc với ngài. Chúa Giêsu cũng đã từng ca tụng Gioan với dân chúng đi theo và nghe Ngài giảng dạy. Bằng lối văn đặt câu hỏi dồn dập, Ngài nhấn mạnh đến một số đức tính của Gioan. Trước hết, là thái độ cứng rắn không chịu thua sự dữ: “Các người đi ra sa mạc để coi cái gì? Cây sậy rung trước gió ư?” Gioan không phải là cây sậy. Gioan đã dám đương đầu với sự xấu. Gioan không nể vua Hêrôđê khi khuyến cáo vua không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình là Philip. Thứ đến là việc từ bỏ mọi sự để sống nghèo khó. Gioan không ăn mặc mịn màng và sống xa hoa. Gioan chỉ vận tấm da thú, ăn những thức ăn đơn sơ tìm được nơi rừng hoang, như châu chấu, mật ong. Sau cùng Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sứ mệnh của Gioan: “Các người đi xem một tiên tri ư? Ta bảo các người: và còn hơn một tiên tri nữa”. Về ông đã có viết: “Này Ta sai sứ thần đi trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi”.
Tuy nhiên, nếu vai trò của Gioan cao trọng, thì Nước Trời còn cao trọng hơn, vì người nhỏ nhất trong Nước Trời còn lớn hơn Gioan. Sở dĩ Nước Trời có giá trị lớn lao vì có sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô. Nước Trời được mô tả như vương quốc của sức mạnh và chỉ những kẻ mạnh mới dành được phần thắng.
Ước gì chúng ta biết sống trọn vẹn ơn gọi của chúng ta và tìm gặp được Đức Giêsu là Đấng cứu độ và niềm vui của chúng ta nơi trần gian này.
 
Suy Niệm 6: Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả

 “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì sẽ chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Ê-li-a, người phải đến. Ai có tai thì nghe. (Mt. 11, 11-12)
Trong mùa vọng, hình ảnh Gioan tẩy giả nổi bật, ông là nhân vật tích cực hoạt động: rao giảng, loan báo, làm phép rửa, kêu gọi ăn năn trở lại. Người ta cảm thấy ông rất lo lắng, rất vội vã thúc bách khẩn trương: “Có Đấng đang đến, đang ở giữa các anh chị em, anh chị em hãy cải thiện con tim gấp lên … Chiếc rìu đã kề gốc cây”.
Gioan tẩy giả là ngôn sứ cuối cùng. Mọi người kéo đến với ông, đến với sứ điệp của ông. Quả thực suốt dòng lịch sử dân Ít-ra-en, những lời tiên tri đã lan sâu rộng và được tập trung vào một Đấng. Tất cả mọi hy vọng đều đổ dồn vào một Đấng: Đấng thực hiện lời giao ước. Ngày nay, chúng ta suy nghĩ và tự hỏi xem thời hạn của Gioan đã chấm dứt chưa?
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói kẻ bé mọn nhất trong nước trời còn cao trọng hơn Gioan. Nghĩa là, một đàng, sứ mệnh của Gioan đã kết thúc vì có Đấng đã đến phục hưng nước Thiên Chúa. Nhưng đàng khác, nước trời còn chịu nhiều bạo lực, nước trời này chưa đến thời toàn hảo, Đức Kitô chưa được hoàn toàn biểu lộ. “Từ thời Gioan tới chúng ta ngày nay, nước trời phải chịu đau khổ vì bạo hành”. Chính vì thế, Gioan tẩy giả đã sát nhập với tất cả những ai khẩn cấp kêu gọi đổi mới tâm can trong thế giới đang chịu đau khổ vì bạo lực, như: chiến tranh do chủng tộc, chiến tranh do chủ thuyết, chiến tranh do nội chiến, chiến tranh do phân hóa quốc tế.
Gioan tẩy giả, một lần nữa, sát nhập với những người hô hào cần phải ăn năn trở lại với Đấng đến giải phóng, chỉ có Người mới có thể xây dựng công trình hòa bình toàn hảo thôi.
Còn chúng ta, dâng tế lễ Thánh Thể là tiếp tục vai trò của Gioan, vì tế lễ Thánh Thể là tuyên xưng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cộng đoàn tụ họp để chia sẻ với Người trong công trình cứu độ cho tới khi Người đến hoàn tất thế giới.
Cử hành Thánh lễ, chính là tuyên xưng quyền phép ban hòa bình của Đức Kitô, là loan báo hoàng tử hòa bình và nước trời bình an.
J.Y.G


Suy Niệm 7:

1. Ngôn sứ Elia, ông Gioan và Đức Giê-su
Theo sách Các Vua quyển thứ II, ngôn sứ Elia không chết, nhưng được đem lên trời: “Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc” (2V 2, 11). Chính vì thế mà, người đời sau tin rằng, một ngày kia, ông Elia sẽ trở lại; đơn giản là vì ông vẫn chưa chết! Và chính Đức Giê-su cũng đón nhận truyền thống này và nhận ra hình ảnh Elia nơi con người, ơn gọi và sứ vụ của thánh Gioan Tẩy Giả:
Và nếu anh em chịu tin lời tôi,
thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến. (c. 14)
Tương quan đồng nhất này được Tin Mừng Mát-thêu đặc biệt nhấn mạnh, nhưng vẫn kín đáo, khi mô tả cách ăn mặc của ông Gioan theo “mô-đen” của ngôn sứ Elia:
Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. (Mt 3, 4)[1]
Vua hỏi họ: “Người đã lên gặp các ngươi và nói với các ngươi những lời đó, ăn mặc thế nào?” Họ trả lời: “Đó là một người mặc áo da lông, đóng khố da.” Vua nói: “Đó là ông Ê-li-a người Tít-be!” (2V 1, 7-8).
Chúng ta có thể đọc thêm về cách ăn mặc truyền thống của các ngôn sứ trong Dcr 13, 4. Như thế, ngang qua ngôn sứ Elia, toàn bộ truyền thống ngôn sứ được hội tụ nơi thánh Gioan, và đến lượt thánh Gioan, ngài loan báo Đức Ki-tô, bằng sự sinh ra, cuộc đời, sứ vụ và nhất là bằng cái chết của mình. Ngôn sứ Elia chưa chết, vì thế ông phải trở lại để đi đến cùng thân phận con người và nhất là thân phận ngôn sứ, nơi Gioan. Mối phúc của ngôn sứ Elia chính là được trở nên một Đức Ki-tô chịu đóng, ngang qua cái chết của Gioan. Thật vậy, lúc Đức Giê-su nói những lời này về Gioan, thì ông đang bị giam trong tù chờ bị xử trảm (x. Mt 11, 2).
Chúng ta còn có thể nhận ra tương quan hiệp nhất giữa ngôn sứ Elia và Đức Giê-su lúc Ngài chịu đóng đinh. Thật vậy, trên Thập Giá, những kẻ nhạo báng nói đùa với nhau: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” (Mt 27, 49 và Mc 15, 36). Đó là lời nhạo báng, nhưng Thiên Chúa lại dùng như là cơ hội Người ban cho ngôn sứ Elia, để ông nói lên sứ điệp cuối cùng của mình ngang qua lời đáp là thinh lặng và không làm gì hết để cứu Đức Giê-su đang hấp hối trên Thập Giá. Như thế ngôn Elia và Đức Giê-su đã trở nên một, vì Người cũng sẽ “thinh lặng không làm gì hết” đến cùng.
Như thế, Đức Ki-tô là “Vị Ngôn Sứ” tuyệt hảo, nơi Ngài, hội tụ và hoàn tất thân phận và nhất là niềm hi vọng của tất cả các ngôn sứ thuộc mọi thời. 
2. Những tương phản
Thánh Gioan đang ngồi trong tù chờ bị xử trảm, nhưng Đức Giê-su lại tuyên bố về địa vị của ông cách long trọng:
Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. (c. 11a)
Chúng ta đã có thể nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua ở đây rồi, vì chính vào lúc thánh Gioan ở trong hoàn cảnh thử thách nhất, bế tắc nhất, vào lúc cận kề cái chết và mất hết tất cả, kể cả mạng sống của mình, Đức Giê-su bằng Lời Hằng Sống của mình, tôn vinh Gioan ở mức độ toàn nhân loại, nghĩa là tất cả mọi người, trong đó có chính Đức Giê-su, với tư cách Ngôi Lời Nhập Thể. Bởi vì, loài người chúng ta, ai cũng phải sinh ra từ mẹ, và Gioan là người lớn nhất trước mặt Thiên Chúa! Đó là tương phản thứ nhất. Nhưng vẫn còn một tương phản nữa. Thật vậy, Đức Giê-su nói tiếp:
Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời
còn cao trọng hơn ông! (c. 11b)
Người nhỏ nhất trong Nước Trời đã lớn hơn Gioan rồi, vậy những người còn lại sẽ còn lớn hơn biết bao! Đây là một cách nói của Đức Giê-su nhằm phá đổ cái thú thích xếp hạng, xếp loại hay xếp bậc của loài người chúng ta và đồng thời mặc khải cho chúng ta một giá trị mới và một tương quan mới trong Nước Trời. Để có mặt trên đời chúng ta phải sinh ra, và để có mặt trong Nước Trời, chúng ta cũng phải sinh ra, sinh ra một lần nữa, hay nói cách khác, chúng ta phải tái sinh cho giá trị mới và tương quan mới (x. Ga 3, 3). Cũng như việc cưu mang và sinh ra thể lí, việc cưu mang và tái sinh trong Nước Trời cũng dài lâu và khó khăn , nhưng niềm hi vọng và niềm vui bền vững cũng rất lớn. 
3. Nước Trời và bạo lực
Để nói về Nước Trời, Đức Giê-su so sánh với bạo lực. Bản dịch tiếng Việt hiểu là “sức mạnh”, nhưng cũng có thể hiểu là “bạo lực”, vì từ ngữ hi lạp biastai luôn luôn được dùng để chỉ những kẻ thù địch, những kẻ tấn công. Đức Giê-su nói:
Từ thời ông Gioan cho tới bây giờ, Nước Trời phải hứng chịu bạo lực, và những kẻ bạo lực tìm cách chiếm lấy Nước Trời. (c. 12)
Có lẽ, đây là cách tốt nhất để nói về Nước Trời, vì Nước Trời là điều ngược lại: ngược lại với bạo lực và những gì thuộc về bạo lực (ghen tị, nghi ngờ, dò xét, lên án…), là hiền lành và tất cả những gì thuộc về hiền lành (ra khỏi mình, lắng nghe, chia vui, tin tưởng, bao dung, tha thứ…).
Đức Giê-su mời gọi chúng ta trở nên “em bé” để được vào Nước Trời. Thế mà, em bé đâu có sức mạnh và cũng không thể bạo lực. Trên Thập Giá, Đức Giê-su sẽ hoàn tất sứ mạng của em bé, theo lời loan báo của Tv 8:
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

Bởi vì, trẻ em là hiện thân của sự hiền lành; và Thiên Chúa thì hiền lành, bởi vì Ngài là tình yêu; và nơi Đức Giê-su, Người còn tỏ mình ra như là Đấng Khiêm Nhường nữa (bài Tin Mừng hôm qua: Mt 11, 28-30), vì hiền lành luôn đi đôi với khiêm nhường, cả hai xuất phát từ tình yêu và diễn tả tình yêu.
Và không ở nơi đâu hơn hơn nơi mầu nhiệm Giáng Sinh, nơi mầu nhiệm Thánh Thể và trên Thập Giá, khuôn mặt hiền lành và khiêm nhường của Đức Giê-su, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, trở nên rạng ngời nhất.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
__________
[1] Bản văn Tin Mừng này được công bố trong Thánh Lễ Chúa Nhật II, Mùa Vọng, năm A.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận