Thứ Tư Tuần 29 TN

Đăng lúc: Thứ tư - 22/10/2014 02:27 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ TƯ TUẦN 29 TN

Bài đọc (Ep 3, 2-12)
Anh em thân mến, anh em đã nghe biết Thiên Chúa ban phát ân sủng để cho tôi mưu ích cho anh em: vì nhờ ơn mạc khải mà tôi biết được sự mầu nhiệm, như tôi vừa mới viết ra trong ít lời trên kia. Đọc những lời đó, anh em có thể nhận thức được sự am hiểu của tôi trong mầu nhiệm Đức Kitô. Mầu nhiệm đó chưa hề tỏ ra cho con cái loài người ở các thế hệ khác được biết, nhưng hiện nay, đã được mạc khải cho các thánh Tông đồ và các tiên tri của Người, trong Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các Dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.

Tôi đã được nên người phục vụ Tin Mừng đó, do ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, bằng cách thi thố sức mạnh của Người. Tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật: khiến các chủ thần và quyền thần thiên quốc đều phải nhờ Hội Thánh mới biết được sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, thể theo dự định từ trước muôn đời mà Ngài đã thi hành trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Người, chúng ta được cậy trông và nhờ lòng tin vào Ngài, chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài.

Tin Mừng (Lc 12, 39-48)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: ‘Chủ tôi về muộn’, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.


Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng (1920-2005)

Tên cúng cơm của ngài là Karol Józef Wojtyła (tên thánh là Giuse). Ngài sinh ngày 18-5-1920, mất ngày 2-4-2005. Ngài được mệnh danh là Sứ giả Hòa bình. Chứng nhân thứ nhất của Lòng Thương Xót Chúa là Thánh nữ Faustina (1905-1938), Thánh Gioan Phaolô II là nhân chứng thứ nhì, với Thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót” (Dives in Misericordia, 30-11-1980). Ngài cai quản Giáo hội Công giáo La Mã trên cương vị Giáo hoàng gần 27 năm (1978-2005).
Ngài thụ phong linh mục ngày 1-11-1946, lúc 26 tuổi, do Đức TGM Adam Stefan Sapiehagiáo phận Kraków chủ phong. Sau đó, ngài dâng lễ tạ ơn tại nhà thờ chính tòa Kraków. Rồi ngài được đi Rôma học tiến sĩ ở Viện Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas (Pontifical Athenaeum of St. Thomas Aquinas), thường gọi là “Angelicum”. Ở đó ngài học thêm về thần học và chính trị. Ngài nghiên cứu các bài viết của ĐGH Grêgôriô II, các giáo huấn của Thánh Gioan Thánh giá, hiện tượng học (phenomenology) của Max Scheler. Ngài còn nghiên cứu cả Yves Congar, một nhà lý luận quan trọng về đại kết (ecumenism). Ngài học 2 năm tại Đại học Bỉ ở Rôma. Đại học này chỉ có 22 sinh viên là linh mục và chủng sinh, trong đó có 5 người Mỹ. Trong môi trường đa ngữ này, LM Wojtyła trau dồi thêm tiếng Pháp và tiếng Đức, đồng thời bắt đầu học tiếng Ý và tiếng Anh. Trong luận án tiến sĩ “Doctrina de fide apud S. Ioannem a Cruce” (Học thuyết Đức tin theo Thánh Gioan Thánh Giá), ngài nhấn mạnh bản chất gặp gỡ riêng với Thiên Chúa. Mặc dù luận án tiến sĩ của ngài được chấp thuận hồi tháng 6-1948, ngài vẫn không được nhận bằng tốt nghiệp vì ngài không có văn bản luận án (đó là luật của Angelicum). Ngày 16-12-1948, ban giảng huấn thần học tại ĐH Jagiellonian ở Kraków xem xét lại luận án của ngài, và Lm Wojtyła được cấp bằng.
Trở về Ba Lan vào mùa hè năm 1948, ngài được bổ nhiệm mục vụ tại giáo xứ Niegowić, cách Kraków 15 dặm. Đến Niegowić vào mùa thu hoạch, việc đầu tiên của ngài là quỳ xuống và hôn đất – một “thói quen tốt” mà ngài vẫn làm khi làm giáo hoàng. Động thái này trở thành “thương hiệu” của ngài, nhưng không phải của chính ngài, vì ngài nói rằng ngài bắt chước vị thánh người Pháp của thế kỷ 19 là Lm Gioan Maria Vianney, cha sở xứ Ars (Curé d’Ars).
TGM Eugeniusz Baziak qua đời tháng 6-1962, và ngày 16-7-1962, GM Karol Wojtyła được bổ nhiệm làm giám quản (Vicar Capitular) của tổng giáo phận cho đến khi bổ nhiệm TGM. Ngày 5-10-1962, ĐGM Karol Wojtyła đi Rôma tham dự Công đồng Vatican II. Là một giám mục trẻ và có chức vụ tương đối thấp trong hàng giáo phẩm, ĐGM Wojtyła ngồi ở cạnh cửa Đền thờ Thánh Phêrô. Trước khi tới Công đồng, ĐGM Wojtyła đã gởi một tiểu luận cho các ủy viên để chuẩn bị Công đồng, ngài đề nghị rằng thế giới muốn biết giáo hội phải nói gì về con người và tình trạng con người.
Ngài góp 2 tài liệu ảnh hưởng nhất và mang tính lịch sử nhất của Công đồng là “Decree on Religious Freedom” (Sắc lệnh về Tự do Tôn giáo – bản Latin là Dignitatis Humanae) và “Pastoral Constitution on the Church in the Modern World” (Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại – bản Latin là Gaudium et Spes).
Ngày 30-12-1963, ĐGH Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm TGM của TGP Kraków. Năm 1960, TGM Wojtyła xuất bản cuốn “Tình yêu và Trách nhiệm” (Love and Responsibility), đó là lời biện hộ các giáo huấn truyền thống của giáo hội về giới tính và hôn nhân quan điểm thần học mới. Năm 1967, ngài có công trong việc công thức hóa Tông thư “Humanae Vitae” (Sự sống Con người) – tông thư này giải quyết các vấn đề tương tự, cấm phá thai và kế hoạch hóa gia đình vì nhân tạo. Năm 1967, ĐGH Phaolô VI bổ nhiệm TGM Wojtyła làm hồng y.
Tháng 8-1978, sau khi ĐGH Phaolô VI qua đời, ĐHY Wojtyła được vào Mật viện Giáo hoàng (Papal Conclave). Khi đó, các hồng y bầu chọn ĐHY Albino Luciani, TGM Venice, với tông hiệu Gioan-Phaolô I. Ngày 16-10-1978, ĐHY Karol Wojtyła được bầu làm giáo hoàng, trở thành đấng kế vị Gioan Phaolô I, với tông hiệu Gioan-Phaolô II. huy hiệu giáo hoàng của ĐGH Gioan-Phaolô II có chữ M, đó là viết tắt chữ Maria. Điều đó cho thấy Đức Mẹ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của ngài.
Ngày 13-5-1981, ĐGH Gioan Phaolô II vào Quảng trường Thánh Phêrô, ngài bị Mehmet Ali Ağca bắn bị thương nặng, hắn là tay súng chuyên nghiệp thuộc nhóm Sói Xám (Grey Wolves). Hắn dùng súng lục 9 ly bán tự động bắn ngài vào bụng, xuyên qua đại tràng ruột non vài phát. Ngài được đưa ngay vào bệnh viện Gemelli. Ngài bất tỉnh trên đường đến bệnh viện. Dù không bị đứt động mạch nhưng ngài bị mất 3/4 lượng máu trong cơ thể. Cuộc phẫu thuật kéo dài 5 giờ. Khi tỉnh lại, trước khi phẫu thuật tiếp, ngài nói các bác sĩ đừng gỡ bỏ Dây Quàng Vai (Brown Scapular, dây các phép) khi phẫu thuật. Ngài nói rằngĐức Mẹ Fatima đã cứu ngài. Sau đó, chính ngài đã tới nhà tù trực tiếp tha thứ cho Ağca.
Thứ Bảy, 2-4-2005 (khoảng 15:30 CEST), ngài nói bằng tiếng Ba Lan: “Pozwólcie mi odejść do domu Ojca” – nghĩa là “Hãy để tôi về Nhà Cha”. Theo Lm Jarek Cielecki, lời cuối của ngài trước khi qua đời là tiếng “Amen”, rồi ngài nhắm mắt lại. Tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày an táng ĐGH Gioan Phaolô II, người ta đã hô vang: “Santo subito!” – nghĩa là “Hãy phong thánh ngay!”. Và ước mong đó của mọi người đã thành hiện thực. Ngài được ĐGH Phanxicô tuyên thánh cùng với ĐGH Gioan XXIII ngày 27-4-2014.

Suy niệm 1: HÃY QUẢN LÝ CÁCH TRUNG TÍN

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối hôm qua. Tuy nhiên, cùng một đề tài về sự tỉnh thức, nhưng nếu hôm qua, Đức Giêsu nhắm đến đối tượng chính là các môn đệ nói chung, thì hôm nay, Ngài trực tiếp để ý đến những người quản lý, hay nói đúng hơn là những người lãnh đạo.
Thật vậy, qua dụ ngôn này, Đức Giêsu nhắm đến sự trung thành, tận tụy với công việc được giao. Ngài nói: không được chè chén say sưa, ngược đãi người khác. Nếu không làm được điều này thì ắt sẽ bị đòn nhiều: “Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.
Mỗi người chúng ta, một cách nào đó, hẳn đều là những người lãnh đạo. Có thể là chủ công ty, xí nghiệp, trưởng hội này, nhóm kia, hoặc ít ra là cha là mẹ trong gia đình. Nhìn rộng ra thì hết thảy ai ai cũng đều được Chúa trao cho những nén bạc như: sự sống, tài năng, sức lực….Khi được trao ban như thế, ấy là lúc Chúa tin tưởng và trao phó trách nhiệm cho chúng ta, để trong mọi hoàn cảnh, môi trường, chức nghiệp, chúng ta phải làm vinh danh Chúa và lợi ích cho phần rỗi của mình cũng như anh chị em.
Làm được điều đó, chúng ta được Chúa ví như một quản gia trung thành và khôn ngoan.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng để chu toàn bổn phận được trao. Hãy luôn nghĩ đến giờ chết của mình để chuẩn bị sẵn sàng trong tư thế của người môn đệ là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Cần nhạy bén với ơn Chúa và các dấu chỉ để ý thức chu toàn bổn phận.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng, để biết chu toàn bổn phận của mình cách trung thành. Xin cho chúng con luôn biết ý thức mình sẽ chết, để từ đó biết sám hối và canh tân đời sống ngay trong giây phút hiện tại. Amen.

Suy niệm 2: LẠI LÀ LỜI GỌI SẴN SÀNG

“Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12,40)
Suy niệm: Lại một lần nữa Chúa Giê-su đưa ra lời kêu gọi “hãy sẵn sàng”, nhưng lần này không phải là sẵn sàng cho sự bất ngờ đầy hứng thú khi ông chủ trở về với phần thưởng trọng hậu cho người đầy tớ trung thành. Chúa đưa ra hình ảnh rất thực tế về một sự bất ngờ khó chịu: hình ảnh tên trộm luôn rình rập, chỉ cần một giây phút chủ nhà sơ hở mất cảnh giác là tên trộm chớp nhoáng ra tay. Chắc chắn rằng Ngài không có ý hù doạ chúng ta khi sánh ví việc “Con Người đến” với việc “kẻ trộm viếng nhà”. Ngài muốn nhấn mạnh rằng Lời của Chúa luôn là lời mời gọi cấp bách, đòi hỏi chúng ta đáp trả cách mau mắn và quảng đại. Hơn nữa, Ngài muốn chúng ta phải sẵn sàng ở mức cao nhất, không được phép lơ là một đường tơ kẽ tóc nào khiến cho chúng ta vuột mất hạnh phúc Chúa dành cho những “tôi tớ trung thành và khôn ngoan”.
Mời Bạn: Người tôi tớ trung thành mẫu mực là Đức Ma-ri-a tỉnh thức sẵn sàng để đón nhận lời thiên sứ truyền tin, và Mẹ cũng mau mắn, quảng đại trước lời kêu mời của Chúa“vội vã lên đường” thăm viếng phục vụ người chị là Ê-li-sa-bét (Lc 1,39-40). Hãy noi gương Mẹ.
Sống Lời Chúa: Thời gian là “tên trộm bất ngờ” thoắt đến rồi đi, và đã đi thì không bắt lại được. Tôi sẵn sàng bằng cách mau mắn quảng đại chu toàn các việc bổn phận hằng ngày của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời của Chúa như ngọn lửa bùng cháy, sưởi ấm con người. Xin cho con mỗi khi nghe Lời Chúa, tâm hồn con được hấp thu sức nóng của Lời, và xin giúp con mau mắn thi hành Lời Chúa. Amen.

Suy niệm 3

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối bài Tin Mừng hôm qua là việc Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống tỉnh thức và sẵn sàng như người đầy tớ trung tín. Tại sao Chúa mời gọi chúng ta như vậy? Bởi vì Ngài muốn chúng ta được hưởng bình an, hạnh phúc và không muốn một ai trong chúng ta bị mất hay hư hại điều gì.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy có hai nhóm đầy tớ: Trung tín và bất trung. Điều này làm tôi liên tưởng đến các mối phúc và những mối họa trong Tin Mừng Luca (Lc 6,20-26). Ngoài ra trong Tin Mừng Matthêu (25,31-46) khi nói về ngày quang lâm, Chúa Giêsu tách biệt chiên và dê – người được thưởng và kẻ bị phạt.
Dựa theo nội dung của đoạn Tin Mừng trên, tỉnh thức và sẵn sàng nghĩa là sống bác ái, yêu thương nhất là nhận ra sự hiện diện của Chúa qua tha nhân: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước… (Mt 25,34-36).
Ngược lại, những đầy tớ không tỉnh thức nghĩa là không nhận ra Chúa qua tha nhân, không sống bác ái yêu thương nên Chúa Giêsu nói: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta và vào lửa đời đời… vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát các ngươi đã không cho uống… Ta đau yếu ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom.’ (Mt 25,41-43)
Vậy, sự khác biệt ở hiện tại và tương lai giữa hai nhóm người ở trên là ‘làm’ và ‘không làm’ – hưởng hạnh phúc và bất hạnh như Chúa Giêsu nói rõ trong Tin Mừng: ‘Thật Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25,40). Ngược lại, Chúa Giêsu cũng nói với những người bất hạnh: ‘Thật Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi khônglàm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25,45).
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Ngài không những hướng dẫn mà còn mời gọi chúng con sống tĩnh thức và sẵn sàng để được hạnh phúc hiện tại và tương lai. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống theo lời Chúa dạy là giữ tâm hồn trong sạch cùng với những việc làm bác ái yêu thương dù là những việc làm nhỏ bé nhất.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con xin tạ ơn Chúa vì biết bao ân huệ Chúa ban xuống trên cuộc đời chúng con. Chúa muốn chúng con dùng ân huệ Chúa ban để tôn vinh và ngợi khen Chúa. Xin Mình Máu Thánh Chúa nâng đỡ, bổ sức để chúng con biết phát triển những khả năng Chúa ban và dùng chúng để phục vụ tha nhân.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa yêu thương chúng con vô ngần. Chúa còn tặng ban cho chúng con thật nhiều ân huệ nhưng không của Chúa. Xin cho chúng con biết sử dụng ân huệ theo thánh ý Chúa. Xin giúp chúng con biết đền đáp tình thương Chúa bằng những việc lành phúc đức, bằng sự chu toàn bổn phận hằng ngày. Xin giúp chúng con thắng vượt tính lười biếng, bê trễ trong bổn phận. Xin canh chừng hồn xác chúng con khỏi những thói hư tật xấu.
Lạy Chúa, xin ngự đến linh hồn chúng con và thánh hiến chúng con nên người tông đồ của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết trung tín trong bổn phận, để chúng con được xếp vào hàng ngũ những người khôn ngoan của Nước Trời. Amen.
 
Suy Niệm 4: Tỉnh Thức Trong Phục Vụ

Danh họa Ý Leonard de Vinci có kể một dụ ngôn: Giữa một ngôi vườn xinh tươi, có một cây sồi cao, chung quanh là một rừng cây. Cây sồi ngày một lên cao ngạo nghễ. Một hôm, từ trên nhìn xuống, nó ra lệnh cho người làm vườn đốn những cây chung quanh, vì chúng làm vướng víu, quấy rầy và che bóng của nó. Và như thế, cây sồi loại hết mọi cây cỏ để chỉ còn một mình bá chủ ngôi vườn. Thế nhưng một ngày kia, một trận cuồng phong nổi lên, không còn cây cối chung quanh chống đỡ cho bớt gió, cây sồi ngả rạp giữa vườn và chết một cách thê thảm.
Số phận của những người chà đạp người khác để tiến thân cũng giống như cây sồi trong dụ ngôn trên đây. Người ta thường nói: "Trèo cao, té nặng", bởi vì để lên cao, họ đã đạp đổ tất cả người khác, đến độ khi trượt chân té ngã, họ không còn ai nâng đỡ họ.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.
Do phép Rửa, người Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô, chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại khước từ phục vụ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì "cho thì có phúc hơn là nhận". Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng

Với thắc mắc của tông đồ Phêrô: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay chỉ về cho mọi người", Chúa Giêsu khai triển thêm về chủ đề tỉnh thức và sẵn sàng, và có vẻ như trong lần khai triển này Ngài nhắm đến những người có trách nhiệm trong cộng đồng.
Chủ đề tỉnh thức và sẵn sàng được nối tiếp với những giáo huấn của Chúa Giêsu dành cho giới có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa. Và dĩ nhiên trước tiên là những người có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa, họ phải gương mẫu trong thái độ tỉnh thức và sẵn sàng vì không những là sự tỉnh thức, sẵn sàng cần thiết cho ơn cứu độ của bản thân họ mà họ còn phải tỉnh thức và sẵn sàng để người khác có được ân sủng của Chúa nữa.
Công việc của một người có trách nhiệm trong dân Chúa thì muôn vẻ, muôn mặt và thường là những công việc không tên, không tuổi. Họ sống cho dân Chúa và ở giữa dân Chúa để mọi người có thể thấy Chúa qua họ. Trong cuộc sống rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài liên tục kiếm tìm, khuyên lơn, an ủi, thánh hóa và giải cứu cho con người. Ngài không có thời khóa biểu cho công việc của mình mà trọn vẹn Ngài sống là cho đi, là trao ban, là sứ mệnh. Dĩ nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi những người có trách nhiệm của chúng ta làm như Chúa Giêsu được, nhưng đòi hỏi phải tỉnh thức và sẵn sàng hơn những người khác để xứng đáng là môn đệ, xứng đáng là những người gần Chúa hơn, hầu có thể đem Chúa đến cho mọi người, vì dù sao đi nữa thì các vị ấy cũng được gọi và bản thân của họ tình nguyện để đi theo Chúa.
Anh chàng thanh niên khi nghe Chúa nói: "Anh hãy về bán của cải cho người nghèo rồi hãy đến theo Ta". Anh đã lẳng lặng bỏ đi vì anh không thể làm được chuyện ấy. Chúa Giêsu có buồn đôi chút nhưng Ngài tôn trọng tự do của anh, nếu anh vẫn sống trọn vẹn các giới răn như anh đã thưa với Chúa thì anh vẫn là người rất tuyệt. Thế nhưng, theo rồi mà không dành tất cả cho Chúa và cho anh chị em của mình như Chúa dạy thì thế nào cũng bị Chúa khiển trách. Thỉnh thoảng, có những vị phân bua: "Là gì đi chăng nữa thì cũng phải có những khoản riêng cho mình chứ, có những thứ thuộc đời tư của mình chứ". Không đâu, quí vị không còn đời tư nữa, quí vị không còn gì là riêng rẽ nữa. Tất cả đã là của Chúa và của anh chị em mình, ban cho ai nhiều thì đòi kẻ ấy nhiều; giao phó cho ai nhiều thì đòi kẻ ấy nhiều hơn.
Lạy Cha,
Tất cả chúng con đều là những đầy tớ phải biết thức tỉnh và sẵn sàng, nhưng hôm nay thì Chúa Giêsu, Con Cha, nói về những vị đầy tớ đặc biệt. Ðiều đó quá đúng, vì dù sao thì trong một tổ chức, một cơ cấu, cũng có nhiều công tác khác nhau, và mỗi người đều có một cách phục vụ tùy theo chỗ đứng, tùy theo công việc được giao phó. Chúng con cầu nguyện cho những người được giao cho những trách nhiệm đặc biệt ấy, để các ngài năng giống Con Cha hơn, không có thời khóa biểu cho riêng mình nhưng có thời khóa biểu để phục vụ Cha nơi những anh chị em được trao phó.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Đầy Tớ Chè Chén Say Sưa

“Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc. 12, 39-40)
Đức Giêsu tiếp tục khuyên nhủ các môn đệ phải luôn luôn tỉnh thức chờ ngày Chúa trở lại. Điều chắc chắn: Đức Giêsu sẽ trở lại. Nhưng khi nào? “Vào giờ các bạn không ngờ”, không được thông báo trên đài phát thanh. Thông báo được người ta chờ đợi rất vắn và là tin cuối cùng, nếu người ta không luôn luôn lắng nghe, người ta sẽ bỏ lỡ.
Đầy tớ trung tín:
Phê-rô và phần lớn Kitô hữu, được rửa tội, giữ đạo đều đều, không làm hại ai. Vậy họ sẽ được bảo đảm ơn cứu độ. Thế mà tại sao Đức Giêsu vẫn liên tục nhắc nhở họ phải tỉnh thức chờ Người trở lại một cách bất ngờ? Như đài ra-đa luôn luôn chờ nghe những tin báo khẩn cấp. Thế thì việc gì Đức Giêsu phải nói: “Hỡi đoàn chiên nhỏ, đừng sợ, Cha các con hảo tâm ban cho các con nước trời rồi”.
Nếu Thầy chí thánh trao cho chúng ta nhiệm vụ quản gia, chúng ta phải có trách nhiệm lo phân phát của ăn thiêng liêng cũng như lương thực tạm thời. Chúng ta càng nhận biết thánh ý Chúa, chúng ta càng phải có trách nhiệm hướng dẫn gia đình sao cho mọi sự được trật tự, không bị một trục trặc sai trái nào, để bất kỳ lúc nào chủ về xem xét và thấy hài lòng trọn vẹn. Lúc đó, chủ an tâm về chúng ta đã được Ngài chọn lựa tốt và cho chúng ta được đời sống phong phú đời đời.
Không tha cho kẻ chè chén say sưa:
Nếu chúng ta không lo tỉnh thức, lại lạm dụng địa vị để say sưa chè chén lãng phí, chủ bất ngờ trở về, chúng ta sẽ bị băm ra trăm miếng, như tập tục của người Ba-tư đối với đầy tớ bất trung. Sự tuyển chọn ban đầu không che chở chúng ta khỏi những xét xử đó, vì chúng ta đã sống vô trách nhiệm, nên hoàn toàn phải chịu tội. Mức độ bị xử phạt tùy theo sự hiểu biết về thánh ý Chúa và chức quyền đã được trao phó. Lỗi của chúng ta là thiếu đức tin, đức cậy, đức mến đối với lời kêu gọi liên tục mà Chúa rất nhân từ quảng đại ban cho chúng ta được phúc sống trước tôn nhan Chúa.
RC
 
SUY NIỆM 7:

1. Lời Chúa là thần khí
Lời Chúa trong những ngày vừa qua có một lời mời gọi có lẽ sẽ luôn gây khó khăn cho chúng ta; đó là:
Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó. (c. 33-34).
Chúng ta có thể thoái thác lời mời gọi này của Đức Giê-su, bằng cách cho rằng lời này không nói với mình, nhưng chỉ ngỏ với một số ít người mà thôi. Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng, Chúa nói những lời này với các môn đệ, chứ không nói với đám đông, mặc dù đám đông đang có ở đó. Thế mà, với tư cách là Ki-tô hữu, nếu chúng ta có mặt, chúng ta sẽ thuộc nhóm các môn đệ, chứ không thể ở trong đám đông. Bởi vì chúng ta là Ki-tô hữu, nghĩa là những người thuộc về Đức Ki-tô, là những người tin và đi theo Ngài, trong đời sống hôn nhân hay trong đời sống tu trì, vì Ngài là Đường Đi, là Sự Thật và là Sự Sống của chúng ta.
Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, Lời này của Chúa thật khó thực hành, nếu không muốn nói, là không thể thực hành: làm sao tôi có thể bán hết tài sản rồi đem đi bố thí được; tu sĩ, linh mục, các Nhà Dòng cũng không thể làm được! Và Đức Giê-su cũng có những lời mời gọi triệt để khác tương tự: “Nếu mắt phải của anh em làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi… Nếu tay phải của anh em làm cớ cho anh em sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi” (Mt 5, 29-30). Nếu phải thực hành những lời này của Chúa, thì chắc chắn mọi người sẽ trở nên đui mù và cụt tay hết!
Tuy nhiên, khó khăn mà Lời Chúa gây ra cho chúng ta, lại giúp chúng ta hiểu được bản chất của Lời Chúa: Lời Chúa không phải là chữ viết của Lề Luật, cứ như thế mà đem ra áp dụng; nhưng Lời Chúa là tinh thần, là thần khí. Khi nghe Lời Chúa, chúng ta cần hiểu ở mức độ tinh thần, và tinh thần này có khả năng làm cho con tim chúng ta bừng cháy, như hai môn đệ Emmau (x. Lc 24), có sức mạnh làm cho chúng ta sống, và có năng lực hướng dẫn, thôi thúc và biến đổi chúng ta luôn mãi và hơn nữa, tùy theo hoàn cảnh, khả năng, mức độ lớn lên trong đức tin và sự sẵn sàng của người mỗi người. Giống như khi Đức Giê-su giải thích dụ ngôn Người Gieo Giống: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13, 23). Như thế, cần phải hiểu Lời Chúa, trước khi sống, thì mới đem lại nhiều hoa trái.
2. Từ bỏ quyền làm chủ
“Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí”. Để giúp chúng ta hiểu lời mời gọi này, Chúa dùng nhiều lần hình ảnh nói về mối tương quan giữa người chủ nhà và người quản gia. Vì thế, ở đây Chúa mời gọi chúng ta không phải bán những gì mình có, nhưng là từ bỏ quyền làm chủ, và sống như người quản gia hay tôi tớ:
- “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay”.
- Đức Giê-su còn nói: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?”
Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy rằng, chúng ta sẽ bình an hơn, hòa thuận và hạnh phúc hơn, nếu chúng ta biết sống tâm tình của người tôi tớ, hay nói như Đức Maria, tâm tình của người “Nữ Tì”: đó là đón nhận như là ơn huệ Chúa ban, không chỉ tài sản, nhưng là tất cả mọi sự: gia đình, con cái, những người thân yêu, cộng đoàn, anh em, chị em và cả sự sống của chúng ta nữa. Điều lạ lùng là, khi chúng ta từ bỏ quyền làm chủ, để làm điều Chúa chờ đợi, thì chúng ta không chỉ không bị mất mát, nhưng còn được gấp trăm, như Abraham đối với con của mình là Isaac. Ngược lại, mỗi khi chúng ta tự biến mình thành bà chủ hay ông chủ, nhất là trong tương quan với những người thân yêu và người khác, trong bổn phận hay sứ vụ, khi đó sẽ là tai họa, tai họa cho mình và cho người người khác, nhất là chúng ta sẽ đánh mất người khác và chính khi chúng ta đánh mất người khác, là chúng ta đánh mất chính mình.
*  *  *
Nhưng điều gì có sức lôi cuốn chúng ta mạnh mẽ đến độ khiến chúng ta có thể từ bỏ quyền làm chủ mọi sự, nếu đó không phải là Ngôi vị của Chúa, tình yêu của Ngài, lòng thương xót của Ngài và những gì thuộc về Ngài. Tình yêu và lòng thương xót của Chúa thật nhưng không và vượt quá sự chờ đợi của chúng ta, như chính Chúa nói trong bài Tin Mừng:
- “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.”
- “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.”
Trên thế gian này không có người chủ nào hành động như “ông chủ Giêsu” của chúng ta: “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. Có thể nói, người chủ tự hạ mình thành tôi tớ để phục vụ. Thế mà Đức Giê-su vẫn làm như thế hàng ngày đối với từng người trong chúng ta: Ngài ban cho chúng ta sự sống và tất cả những gì để sống mỗi ngày, cho dù ngày sống đó như thế nào, Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng cách trao ban cách quảng đại Lời của Ngài, mình và máu Ngài trong Thánh Lễ, và Ngài đã hạ mình thấp hơn cả người tôi tớ, khi rửa chân cho các môn đệ, để báo trước rằng, mình sẽ bị chà đạp và bị giết chết trên Thập Giá hầu bày tỏ cho loài người chúng ta lòng bao dung và thương xót vô hạn của Thiên Chúa.
Chúa nói: “Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó”. Vậy lòng chúng ta đang hướng về kho tàng nào? Kho tàng tất yếu sẽ qua đi hay kho tàng sẽ vững bền mãi mãi, là tình yêu bao dung chúng ta dành cho nhau, còn sống cũng như đã qua đời, như là tình yêu bao dung Chúa vẫn luôn dành cho mỗi người chúng ta?
3. “Hãy sẵn sàng”
Và để sống tâm tình của người tôi tớ, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng; vì tư thế sẵn sàng nói lên yếu tính của người tôi tớ. Hơn nữa, chúng ta phải sẵn sàng, như Lời của Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng, vì chúng ta không biết ngày nào Chúa của chúng ta sẽ đến. Ngày Chúa của chúng ta sẽ đến là ngày Quang Lâm, nghĩa là thời điểm tận cùng của thời gian và của lịch sử loài người; ngày này chắc chắn sẽ đến, vì chúng ta không sống trong vĩnh cửu, nhưng đang sống trong thời gian có thủy có chung. Nhưng thời điểm tận cùng của thời gian chắc là còn lâu[1].
Nhưng nếu chúng ta hiểu ngày của Chúa chúng ta sẽ đến là thời điểm tận cùng, không phải của loài người, nhưng của chính mỗi người chúng ta, thì thời điểm này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, dù chúng ta ở trong độ tuổi nào. Ai còn trẻ, thì người đó hi vọng sống được nhiều năm nữa; nhưng đâu có chắc chắn, chỉ hi vọng thôi. Hơn nữa, môi trường chúng ta đang sống, có quá nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe và cá tính mạng nữa.
Vì thế, lời Chúa nhắc nhớ chúng ta hãy canh thức, là đưa chúng ta trở về với sự thật của cuộc sống, đó là chúng ta phải luôn sẵn sàng, để trả lại cho Chúa sự sống của chúng ta. Đó là một sự thật hay bị quên lãng, vì chúng ta quá bận rộn, quá bận tâm và quá gắn bó với những gì trong cuộc đời này. Tuy nhiên, mọi sự không tồn tại mãi, nhưng sẽ qua đi, chúng ta cũng không tồn tại mãi, nhưng có một ngày chúng ta sẽ qua đi, và có thể qua đi bất cứ lúc nào.
Và trong khi chờ đợi và canh thức, Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan: người tôi tớ khôn ngoan là người hiểu ra rằng Chúa có thể đến bất cứ lúc nào; và vì thế, người này lúc nào cũng trung tín với Chúa, ngang qua việc khiêm tốn và kiên nhẫn “đúng giờ và đúng lúc”, thi hành sứ mạng được giao. Và như thế, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào và ban phúc cho người tôi tớ. Và lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng trở thành người tôi tớ bất trung và ngu dại: đó là người tôi tớ nghĩ trong lòng một cách sai lầm rằng: còn lâu chủ ta mới về! Và vì thế, anh ta tự biến mình thành chủ nhân, chiều theo lòng ham muốn, sống một cuộc sống bạo lực, lệch lạc và bê tha.
Vậy, chúng ta được mời gọi canh thức, để chờ đợi ngày Chúa đến. Nhưng thực ra Chúa vẫn đến với chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, qua những ân huệ và biến cố của từng ngày sống. Do đó, chúng ta có thể thực tập đón Chúa đến mỗi ngày, để cho lúc Chúa thực sự đến, chúng ta không còn bị bất chợt và sợ hãi; nhưng chúng ta đón mừng Chúa đến trong niềm vui của đợi chờ, giống như niềm vui được lập lại hằng năm của thời gian chờ đợi Chúa đến lần thứ nhất, trong đêm Giáng Sinh.
*  *  *
Và để có thể nhận ra Chúa đến và hiện diện, không có cách nào tốt hơn là cầu nguyện, cầu nguyện với Lời Chúa và cầu nguyện với ngày sống hay một giai đoạn sống của chúng ta.
- Cầu nguyện trong những giờ dành riêng cho việc cầu nguyện.
- Và chúng ta cũng được mời gọi sống ngày sống của chúng ta như là một lời cầu nguyện.
Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống cầu nguyện hằng ngày. Không có cách nào khác, là chính chúng ta phải tự tìm ra cho riêng mình những phương cách để vượt qua khó khăn và duy trì đời sống cầu nguyện. Có hai tâm tình có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong việc cầu nguyện:
- Cầu nguyện là để sống tương quan với Chúa trong mọi sự; thay vì đối diện với “mọi sự” một mình và tự mình.
- Cầu nguyện là dâng lại cho Chúa một ít thời gian của chúng ta một cách nhưng không.
- Và cầu nguyện là lời tạ ơn và ca tụng Chúa, về “những điều cao cả” Chúa làm cho chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong từng ngày sống.
 
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Hiện nay có những người đi qui tụ người ta để chờ ngày tận thế! Nhưng hình như đó là cớ để lừa gạt.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận