Thứ Sáu Tuần 30 TN

Đăng lúc: Thứ sáu - 31/10/2014 00:52 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ SÁU TUẦN 30 TN

Bài đọc (Pl 1, 1-11)
Phaolô và Timôthêu, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, kính gửi tất cả các thánh trong Đức Giêsu Kitô ở thành Philípphê, cùng với các chủ tịch giáo đoàn và các phụ tá. Nguyện chúc ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô, ở cùng anh em!
Tôi luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa của tôi mỗi khi nhớ tới anh em, trong mọi kinh nguyện mà tôi hân hoan cầu xin cho anh em, vì anh em đã góp phần rao giảng Tin Mừng ngay từ ngày đầu tiên cho tới bây giờ.

Tôi tin tưởng điều này là Đấng đã khởi sự trong anh em công việc tốt lành đó, sẽ làm hoàn tất cho đến ngày của Đức Giêsu Kitô. Mà tôi tưởng nghĩ về mọi người anh em như thế thì chính đáng: vì tôi tích để anh em trong lòng tôi, dù khi tôi mang xiềng xích, dù lúc tôi biện hộ hay củng cố Tin Mừng, mọi người anh em đều thông phần vào sự vui mừng của tôi. Thực, có Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: Tôi trìu mến tất cả anh em trong lòng Đức Giêsu Kitô là dường nào. Điều tôi khẩn nguyện là lòng yêu mến của anh em mỗi ngày một thêm chan chứa hơn, trong sự thông biết và mọi sự suy hiểu, để anh em biết xác định những điều tốt lành hơn, hầu giữ mình trong sạch và không gì đáng trách trong ngày của Đức Kitô, dư đầy hoa quả công chính, nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Tin Mừng (Lc 14, 1-6)
Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật sĩ và biệt phái rằng: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?” Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Đoạn Người bảo các ông rằng: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?” Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy.


Suy niệm 1: LUẬT PHẢI ĐƯỢC CHI PHỐI BỞI TÌNH YÊU

Có một câu chuyện kể rằng: khi đang đi trên đường vào chiều tối, một cô gái bị nhóm thanh niên lạ mặt vây hãm. Đang thực hiện hành vi cướp giật và đồi bại… bất thình lình, có một chàng trai bảnh bao, võ nghệ thuộc loại giỏi, nên anh ta đã tung ra những tuyệt chiêu để đánh đuổi bọn cướp và bảo vệ cô gái. Thấy không chống trả lại được, bọn cướp đã bỏ đi cách nhanh chóng, để lại cô gái cũng như chiếc xe hàng hiệu của cô trong sự tiếc nuối. Còn cô gái thì sợ hãi sau một cơn ác mộng. Tuy nhiên, với nghĩa cử hào hiệp, cộng thêm bề ngoài bảnh trai… cô gái đã nhanh chóng lấy lại tinh thần thán phục và tôn trọng. Trong tâm hồn cô, chàng trai này đã chiếm được một vị trí đặc biệt. Thấy được cô gái đã siêu lòng, chàng trai tỏ vẻ yêu thương và hứa hẹn đủ điều. Tuy nhiên, lợi dụng lúc cô gái không để ý, hắn ta đã nhanh chóng lên xe và tẩu thoát, để lại cô gái một mình trong sự bàng hoàng… Như vậy, thực chất chàng trai đã làm mờ mắt và siêu lòng cô gái trên đây chính là một tên lừa siêu hạng.
Hôm nay, ngang qua việc người đàn bà mắc bệnh phù thũng đến với Đức Giêsu đúng vào ngày Sabbat, và các người Luật Sĩ tỏ ra khó chịu, nhân cơ hội này, Đức Giêsu dạy cho những người Luật Sĩ bài học tình thương phải phát xuất từ tấm lòng chân thật chứ không phải vì giả bộ bề ngoài.
Khởi đi từ câu hỏi: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?”, tiếp theo sau đó, Ngài lại đặt ra một tình huống và yêu cầu họ trả lời: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?”. Tuy nhiên, họ đã cứng họng và không thể trả lời được bất cứ câu hỏi nào của Đức Giêsu. Lý do những Luật Sĩ không thể trả lời được các câu hỏi của Đức Giêsu chỉ vì họ sống vụ luật, hình thức, giả tạo, nên gặp phải Đấng là nguồn gốc của chân lý, tình thương thì đương nhiên họ đã câm miệng, bởi vì họ thuộc hạng người: luôn chất những gánh nặng không thể vác nổi lên vai người ta, còn họ, họ không đụng một ngón ta mà lay thử.
Thật vậy, nếu luật mà không có tình thương thực sự thì hẳn sẽ chỉ là trò bịt bợm, dối lừa và lợi dụng mà thôi. Câu chuyện trên cho thấy rõ bản chất của chàng trai kia: hắn giữ luật là bảo vệ người thấp cổ bé họng, chân yếu tay mền trước sự tấn công của kẻ mạnh, nhưng những hành vi, nghĩa cử đó của hắn đâu phải vì tình thương, mà là một chiêu thức tinh vi, một trò bỉ ổi để lừa gạt mà thôi.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy tránh cho xa thói chuyên nghề bịt bợm, lưu manh nhân danh đạo đức, nhân danh công lý… như những người Luật Sĩ khi xưa. Đừng vì cái mác đạo đức bên ngoài mà bất nhân đến độ loại bỏ tiếng Lương Tâm để đi đến hành vi vu oan cho người khác, chỉ vì người ta dám nói lên sự thật, hay vì người ta dễ thương khi sống cốt lõi của Tin Mừng là tình thương…
Lạy Chúa Giêsu, Luật của Chúa là luật tình thương, Luật vì con người. Xin cho mỗi chúng con biết yêu mến Luật Chúa, và khi thi hành, xin cho chúng con biết đem tình yêu lồng vào trong Luật đó. Có thế, Luật của Chúa mới giải thoát chúng con mà thôi. Amen.

Suy niệm 2

Thiếu bác ái, việc thực thi lề luật chỉ còn là cái xác không hồn và là những hành động mù quáng.
Tin mừng hôm nay, kêu gọi chúng ta ý thức trách nhiệm đối với nhau trong cuộc sống, bằng việc thực thi tình bác ái, qua việc giúp đỡ những người nghèo khổ và bất hạnh. Đó là cách thức ta thể hiện tâm tình tôn vinh Chúa.
Anh chàng trong bài Tin mừng hôm nay bị bệnh phù thủng. Chắc hẳn anh gặp rất nhiều khó khăn và đau khổ:
- Khó khăn trong việc đi lại.
- Khó khăn mỗi khi tiếp xúc với người khác.
- Đau khổ vì bệnh tật hành hạ.
- Đau khổ vì bỏ rơi, không ai ngó tới.
- Đau khổ vì bị mọi người khinh ghét, bị xã hội xem thường.
Nhưng trên hết có lẽ là nỗi đau mặc cảm vì bị mọi người xem là người tội lỗi.
Nỗi khát khao lớn nhất của anh là được làm người bình thường như bao người. Được xã hội tôn trọng; được mọi người quan tâm, yêu mến; được tự do đi lại; nhất là được khẳng định giá trị và phẩm giá làm người của mình.
Hôm nay Chúa Giêsu đã trao ban cho anh món quà vô giá mà anh hằng khao khát đêm ngày, đó là chữa anh khỏi căn bệnh phù thủng. Quả là niềm vui lớn lao, niềm vui chính đáng. Ấy vậy mà niềm vui đó lại bị chống đối bởi giới lãnh đạo Do thái: “Hôm nay là ngày Sabát không được phép”. Không những chống đối quyền làm người của anh, mà họ còn chống đối cả Chúa Giêsu vì đã cho rằng Ngài đã vi phạm ngày Sabát.
Lòng ích kỷ và luật lệ vô hồn, quả là một gánh nặng, một rào cản đáng sợ đẩy con người đến chỗ vô cảm và cư xử bất nhân với nhau, khiến người khác không thể vươn lên sống xứng đáng là con người.
Họ không hiểu rằng: “Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống”. Bất cứ nơi nào phẩm giá con người được nhìn nhận, bất cứ một con người nào được tôn trọng và hạnh phúc, thì nơi đó Thiên Chúa được tôn vinh.
Xin cho chúng ta ý thức rằng: khi chối bỏ và khước từ thể hiện lòng nhân ái đối với người khác, là chúng ta đã xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Yêu thương và thực thi bác ái đối với người khác cũng là cách chúng ta đền bù tội lỗi trong mùa báo hiếu tháng 11 này.

Suy niệm 3: CHÚA NHẬT LÀ NGÀY THÁNH

“Ai trong các ông có đứa con trai hay con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?” (Lc 14,5)
Suy niệm: Người ta bảo rằng ngày sa-bát là món quà mà đạo Do Thái đóng góp cho nền văn minh nhân loại. Con người đã lao nhọc, vất vả suốt sáu ngày, thân xác họ cần một ngày nghỉ ngơi, tinh thần họ cần một ngày thư giãn. Trong ngày ấy, con người dành thời gian, năng lực để phụng thờ Đấng Tạo Hóa và phục vụ người lân cận. Vậy mà chính những người Do Thái vào thời Đức Giê-su lại quên mục đích của ngày sa-bát, lên án Ngài vi phạm những qui định cấm đoán tỉ mỉ trong ngày nghỉ ấy. Bất chấp những ánh mắt dò xét, Đức Giê-su vẫn chữa bệnh cho người phù thũng, cho họ thấy nghỉ làm việc không có nghĩa là nghỉ làm việc lành, việc cứu chữa.
Mời Bạn: “Giữ ngày sa-bát không chỉ là nghỉ ngơi thể lý, nhưng liên hệ đến việc đổi mới tinh thần và việc thờ phượng” (J. Faust). Cũng vậy, thánh hóa ngày Chúa Nhật không chỉ là nghỉ lao động, nhưng là ưu tiên cho việc phụng thờ Thiên Chúa qua việc tham dự thánh lễ, đọc Lời Chúa… cũng như cho việc chăm sóc gia đình và những người đau ốm, bệnh tật… Con người được tạo dựng để sống vui, ngày Chúa Nhật giúp ta cảm nếm niềm vui ấy.
Sống Lời Chúa: Tôi xem lại cách sử dụng thời gian trong ngày Chúa Nhật và điều chỉnh cho thích hợp với giáo huấn của Hội Thánh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con nghỉ ngày Chúa Nhật để cử hành việc Chúa sống lại. Xin cho chúng con biết làm cho Chúa Nhật trở thành ngày thánh, ngày dành đặc biệt cho việc thờ phượng, hiểu biết Chúa, cũng như ngày thánh vì sống cho nhau. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con cám ơn Chúa đã yêu thương chúng con. Chúa yêu chúng con bằng một tình yêu vô bờ bến. Chúa luôn tôn trọng tự do của chúng con. Qua bí tích Thánh Thể Chúa trở nên tấm bánh nuôi dưỡng chúng con. Chúa hòa tan chính mình trong cuộc đời chúng con. Chúa chỉ mong chúng con ở mãi trong tình yêu của Chúa. Xin giúp chúng con biết dùng tự do Chúa ban để quy hướng về Chúa, về sự thiện toàn mỹ, để phẩm giá làm người chúng con luôn thanh cao xứng đáng là họa ảnh của Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Ở đời người ta thường yêu kẻ yêu mình, dửng dưng với người dưng nước lã, và ghét kẻ làm hại mình. Tình yêu của con người thường có điều kiện. Tình yêu con người thường có những toan tính vụ lợi. Nhưng Chúa mời gọi chúng con phải có một tình yêu không toan tính thiệt hơn. Một tình yêu có thể cho đi tất cả, tha thứ tất cả. Một tình yêu sẵn lòng cho đi đến cả giọt máu cuối.
Lạy Chúa là suối nguồn tình yêu, xin giúp chúng con yêu mến nhau trong tình mến chân thành. Xin loại trừ nơi chúng con những đố kỵ, ghen ghét tầm thường. Xin cho chúng con luôn sống nhân ái và bao dung như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.
 
Suy Niệm 4: Linh Hồn Của Lề Luật

Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: "Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel". Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai mầu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay.
Gilgal Zamir có thể là hiện thân của những Biệt phái thời Chúa Giêsu, nghĩa là luôn miệng nhân danh Chúa và lề luật. Cũng như những người Biệt phái, anh tin tưởng nơi Chúa, anh trung thành với lề luật, anh yêu tổ quốc. Nhưng anh thiếu một điều hệ trọng nhất để có thể sống như một con người, đó là một trái tim, một trái tim để biết yêu thương, để biết rung động trước nỗi khổ đau của người khác. Khi con người không có một trái tim, thì họ sẽ mù quáng: mù quáng vì không những không còn nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người khác, mà nhất là không còn biết hối hận vì đã xúc phạm đến người khác.
Nhân danh lề luật, những người Biệt phái thời Chúa Giêsu không ngừng dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có liên quan đến việc tuân giữ ngày Hưu lễ như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Nhưng đối với Chúa Giêsu, linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương. Tất cả vụ án của Chúa Giêsu đều bắt nguồn và xoay quanh những cuộc đối đầu về lề luật. Ðối đầu với những người Biệt phái cho đến cùng bằng cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho con người thấy rằng chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho, đó là tình yêu.
Giáo dục con người sống cho ra người có nghĩa là giáo dục cho con người biết sống yêu thương. Thông minh đĩnh đạc, mà không có trái tim để yêu thương, thì đó là một tai họa cho bản thân cũng như cho xã hội. Có tất cả mà không có một trái tim để yêu thương, thì đó là nỗi bất hạnh lớn nhất đối với con người. Cách mạng mà không xây dựng trên tình yêu thương, thì đó chỉ là phá hoại. Ðạo đức mà không có yêu thương, thì chỉ là một trò lừa bịp.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã mạc khải cho chúng ta chân lý về con người. Mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho chúng ta luôn ý thức rằng chúng ta chỉ đạt được định mệnh của mình bằng cuộc sống yêu thương mà thôi. Là môn đệ của Ðấng đã chết trên Thập giá để nêu gương yêu thương cho chúng ta, xin cho chúng ta ý thức rằng cốt lõi của đạo là giới răn yêu thương mà Ngài đã để lại cho chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Quyết Tâm Chiến Thắng

Một trong những lực sĩ được chú ý trong kỳ thế vận hội dành cho người khuyết tật lần thứ 11 vào tháng 10 năm 2000 là anh Gabriel, vận động viên bơi lội duy nhất của Chilê. Sinh ra chỉ với một chân và lại là một chân không bình thường, còn hai cánh tay thì cụt gần sát nách, vậy mà trong hồ bơi anh sải người lướt tới trong nước chẳng khác nào bất cứ một vận động viên bình thường nào. Tuy không đạt được một huy chương nào nhưng ý chí phấn đấu của người lực sĩ tàn tật ba mươi hai tuổi này đã biến anh thành một ngôi sao sáng chiếm lĩnh được sự ngưỡng mộ, khâm phục và nhất là lòng quí mến của khán giả.
Trong một lá thư gởi cho khán giả, anh đã nói đến ý chí phấn đấu của mình. Sinh ra trong một gia đình đông con, lại tàn tật, Gabriel đã vượt qua được mọi giới hạn để thành đạt. Hiện nay, anh làm kế toán viên trong một công ty. Thời gian nhàn rỗi anh đi bơi. Qua anh, người ta thấy được chiến thắng của sự quyết tâm của con người. Nhưng Gabriel không chỉ nói đến chiến thắng của sự quyết tâm, anh còn đề cao sự nâng đỡ mà những người chung quanh dành cho anh. Trong lá thư gửi cho khán giả, anh viết như sau:
"Tôi đến đây với niềm hy vọng và với chút tham vọng là đạt được một huy chương. Tôi quả tình mong muốn điều đó. Nhưng tình yêu mà quí vị dành cho tôi làm cho tôi cũng cảm thấy như đã đạt được chiến thắng rồi. Tôi sẽ mãi mãi trân trọng tình yêu của quí vị. Nếu có một thiên đàng thì thiên đàng chính là nơi đây".
Tâm tình trên đây của một người lực sĩ khuyết tật cũng có thể là tâm tình của bất cứ một kẻ bị đẩy ra bên lề của xã hội hay một tâm tình đau khổ nào, khi họ gặp được một sự nâng đỡ, một lời nói an ủi, một cử chỉ thương mến, hay bất cứ một sự tôn trọng nào dành cho họ.
Trong Tin Mừng hôm nay, một lần nữa chúng ta bắt gặp cử chỉ quen thuộc của Chúa Giêsu. Ngài vượt qua mọi rào cản trong cuộc sống để tìm đến với những người tàn tật và bất cứ ai đang gặp đau khổ trong thể xác và tâm hồn. Những người biệt phái và luật sĩ đã đưa ra không biết bao nhiêu là hàng rào để đẩy những con người khốn khổ ra bên lề xã hội. Chúa Giêsu đến để qui tụ mọi người không trừ một ai. Ngài đạp đổ mọi thứ rào cản của cuộc sống. Có mặt trong những bữa tiệc linh đình của những người biệt phái giàu sang, Ngài cũng không ngần ngại ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những người bị xã hội gán cho nhãn hiệu là hạng người bất chính, ngay cả những cô gái điếm.
Là trái tim của một Thiên Chúa nhân từ, là tình yêu nhập thể, Chúa Giêsu muốn thể hiện tình yêu với tất cả mọi người trong xã hội. Nhưng một cách đặc biệt, Ngài dành ưu ái cho những người khốn khổ, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Chữa bệnh cho một người bị mắc bệnh phù thủng trong nhà một người biệt phái và ngay trong ngày sabát, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các biệt phái rằng chỉ có một luật duy nhất tóm kết mọi thứ Lề Luật, luật ấy chính là luật yêu thương.
Một lần nữa, Tin Mừng hôm nay nhắc nhở các tín hữu Kitô chúng ta về cốt lõi của đạo là Tình Thương. Trong bài ca bác ái được ghi lại trong đoạn 13 của thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã khẳng định:
"Giá như tôi có đem hết gia tài mà bố thí hay nộp cả thân xác tôi để bị thiêu đốt mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi".
Ước gì bất cứ ai chúng ta gặp gỡ trong ngày hôm nay, nhất là những người cần sự giúp đỡ, đều tìm được thiên đàng của cuộc sống qua tình yêu của các tín hữu Kitô chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: TÌNH YÊU TRÊN MỌI LỀ LUẬT

Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sa bát hay không? Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về.” (Lc. 14, 3-4)
Ngày Sa-bát là ngày người ta mời bạn bè thân quen đến dùng bữa. Đức Giêsu lợi dụng những dịp này để dạy tinh thần giữ luật Sa-bát cho những biệt phái và chuyên gia về luật. Trước sự khước từ trả lời câu hỏi của Đức Giêsu. Người đã chữa người phù thũng để cho các tiến sĩ luật hiểu rằng ngày Sa-bát được đặt ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sa-bát, Đức Giêsu nhiều lần chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Bây giờ Người vẫn tự do chữa bệnh như vậy. Trên đường Người đi chịu khổ nạn để cho người ta thấy rõ rằng ngày Sa-bát phải lo cứu giúp mọi người khốn khổ.
Chữa bệnh là giải thoát
“Họ cố dò xét Người” để xem Người xưng mình là Con Thiên Chúa, có giữ đầy đủ luật thánh ngày Sa-bát không. Và kìa một người phù thũng, không được mời xuất hiện trước mặt Đức Giêsu. Do tình cờ hay cố ý? Đức Giêsu không sợ mắc bẫy. Trái lại, Người biết người ta coi bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Chữa khỏi bệnh chính là giải thoát khỏi bệnh và tội lỗi một trật và như vậy chữa bệnh là lý do rất chí lý để ca tụng và tôn thờ Thiên Chúa trong ngày Sa-bát.
Trước hàng rào con mắt rình dò Đức Giêsu không làm Người thất đảm, Người hỏi các nhà thông luật và những người biệt phái: “Có được phép chữa bệnh ngày Sa-bát hay không?”. Người biết rõ câu trả lời và sự im lặng của các người khách đó.
Theo thái độ của họ, Đức Giêsu tỏ cho họ thấy tình yêu và quyền phép của Thiên Chúa. “Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về”. Một kinh nghiệm quý báu cho họ, nhưng họ vẫn cố chấp không hiểu gì về tình yêu và quyền phép Thiên Chúa.
Ngày Sa-bát là ngày giải thoát
Để mở trí thông minh cho họ, Đức Giêsu đã đặt một câu hỏi để làm cho họ phải suy nghĩ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sa-bát?”. Vậy ngày Sa-bát sao không được kéo người đau ra khỏi hố sâu của bệnh tật? Thiên Chúa yêu thương con cái của Ngài, và đặc biệt hơn nữa đối với người tội lỗi và đau khổ. Cho nên ngày của Chúa là ngày giải thoát họ khỏi mọi xiềng xích tội lỗi và bệnh tật, đó là ngày tốt nhất đối với Thiên Chúa và bày tỏ tình yêu của Ngài. Những ông khách đó đã không thể trả lời vì họ không nhận: Tình yêu trên mọi lề luật. Họ chỉ nhận luật lệ trên tình yêu và lòng thương xót.
RC
 
Có được chữa bệnh ngày sabat không
 
Ngươi Do thái quan niệm bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Khi chữa bệnh, Chúa Giêsu không những chỉ chữa lành phần xác của bệnh nhân, mà Người còn giải thoát họ khỏi căn nguyên của bệnh tật là tội lỗi. Đó là lý do mà Chúa thực hiện việc chữa bệnh ngay cả trong ngày sabat. Sự giải thoát là điều quan trọng đối với Chúa và đối với bệnh nhân. Nếu người ta có thể giải cứu một người, thậm chí là một con bò lên khỏi giếng trong ngày sabat, thì tại sao lại không được phép giải thoát con người khỏi tội lỗi và bệnh tật trong ngày đó. Những người thông luật và Pharisêu đã bị cứng họng và không thể trả lời trước cách đặt vấn đề của Chúa Giêsu. Trong một trường hợp tương tự, Chúa Giêsu giải thích cho hành động của mình là ngày sabat được lập ra vì con người, chứ không phải con người được tạo thành vì ngày sabat.
Tất cả cố gắng của Hội Thánh trong các công việc mục vụ là để chăm sóc con người tốt hơn, hiệu quả hơn, để họ được giải thoát và cảm nhận được niềm vui làm con Thiên Chúa, hầu có thể tôn vinh Ngài.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thông
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận