Thánh Simon và Giuđa, tông đồ

Đăng lúc: Thứ ba - 28/10/2014 03:02 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
 

Thánh Simon và thánh Giuđa Tông Đồ

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long


Sau một thời gian công khai rao giảng Tin Mừng, giờ đây Chúa Giêsu bắt đầu quyết định tuyển chọn những cộng sự viên cho sứ vụ của mình. Cách thức mà Chúa Giêsu thực hiện có giống với cách thức của con người khi tuyển chọn nhân sự hay không? Chúng ta thấy các công ty xí nghiệp trước khi chọn người, họ thường phỏng vấn và sơ tuyển, còn Chúa Giêsu không làm như thế. Thánh Luca cho biết trước khi bắt đầu tuyển chọn nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu không xem bằng cấp học vị, không coi lý lịch lý sự của họ,… Ngài âm thầm lên núi cầu nguyện một mình. Không phải cầu nguyện một chốc một lát, mà là thức trắng đêm để cầu nguyện cùng Chúa Cha.
Việc Chúa Giêsu thức trắng đêm để cầu nguyện trước khi tuyển chọn nhóm 12 Tông đồ nói lên điều gì? Nói lên rằng việc tuyển chọn nhóm 12 là một việc khó khăn. Sẽ chọn ai đây? Tiêu chuẩn nào để chọn? Gốc gác là “Bắc Kỳ Galilêa” hay “Nam Kỳ Giuđêa”, tỉ lệ bao nhiêu? Thân thế ra sao? Sang hay hèn, giàu hay nghèo, có học hay ít học…? Nghề nghiệp thế nào? Nông gia, ngư dân, thu thuế, Biệt phái hay luật sĩ…? Và còn mối liên hệ giữa họ nữa thì sao? Chọn hai anh em ruột có được không? Bao nhiêu cặp như vậy là vừa? Bao nhiêu người đã có gia đình, bao nhiêu người đang còn thong dong, v.v… Rất nhiều vấn đề khó khăn. Bởi đó, Chúa Giêsu cần phải cầu nguyện lâu giờ để xin Chúa Cha trợ giúp.
Hơn nữa, việc tuyển chọn nhóm 12 là một việc hết sức hệ trọng. Không hệ trọng sao được khi họ sẽ là những người sống với Chúa Giêsu và gắn bó với Ngài suốt cả cuộc đời. Không hệ trọng sao được khi họ sẽ là những người tiếp nối công trình mà Đấng Cứu Thế đã khởi sự là đem Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Không hệ trọng sao được khi họ sẽ là những chứng nhân trực tiếp cho cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Không hệ trọng sao được khi họ sẽ là những người nắm giữ vận mệnh và là cột trụ cho Giáo hội sơ khai mà Thầy mình đã thiết lập. Chính vì hệ trọng nên trước khi tuyển chọn, Chúa Giêsu đã phải thức suốt đêm cầu nguyện là vậy.
Nói cách khác, Chúa Giêsu đã trải qua 12 giờ đồng hồ để thỉnh vấn Cha mình trong việc tuyển chọn các môn đệ. Nếu tính bình quân thì cứ mỗi giờ, Chúa Giêsu chọn được một vị, và 12 giờ ứng với 12 vị. Trong số đó có thánh Simon và Giuđa Thađêô mà Giáo Hội mừng kính hôm nay.
Trong danh sách nhóm 12, Simon Nhiệt Thành được xếp vị trí thứ 10 (con số 10 tròn trịa). Gọi là Simon Nhiệt Thành để phân biệt với Simon Đá Tảng, tức là Simon Phêrô, vị Tông Đồ Cả. Còn Giuđa Thađêô được xếp thứ 11, nghĩa là gần cuối. Hai vị Tông Đồ này luôn luôn được xếp gần sát nhau. Có lẽ vì thế mà các ngài được Giáo Hội mừng chung một ngày, 28.10.
Có điều là Kinh Thánh lại nói rất ít về hai vị Tông Đồ này. Đặc biệt đối với thánh Simon Nhiệt Thành, dường như ngài đã bị các Thánh Sử lãng quên. Ngài chỉ được nhắc đến vài ba lần, khi liệt kê danh sách các Tông Đồ. Theo Thánh Truyền thì Simon Nhiệt Thành chính là người phụ rể tại tiệc cưới Cana (Cana cũng chính là quê quán của ngài), và sau khi chứng kiến phép lạ nước hoá thành rượu, ngài đã đi theo Chúa Giêsu. Ngài cũng là người được mệnh danh là nhiệt thành, nhiệt thành  đến độ cực đoan (Zêlot). Dĩ nhiên là nhiệt thành cho sứ mạng giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma. Ngài thấy Chúa Giêsu có những phẩm chất của một vị lãnh tụ đáng tin cậy, có khả năng đánh đuổi đế quốc Rôma đô hộ và tái lập vương quốc Israel hùng cường. Chúa Giêsu không ngần ngại chọn gọi ngài và hướng sự nhiệt thành của ngài, thay vì lo kiến tạo một vương quốc trần thế, thì lo xây dựng một vương quốc trời cao, vương quốc mà chính Chúa Giêsu sẽ thiết lập sau này. Quả vậy sau này chính ngài đã hết mình cho Tin Mừng Nước Trời đến độ hiến dâng cả mạng sống mình. Truyền thuyết cho biết ngài đã chết trên thập giá, cái chết giống Thầy mình. Một tình yêu đối với tổ quốc, với đồng bào được Chúa Giêsu nâng lên thành tình yêu phổ quát, tình yêu đối với mọi dân, mọi nước. Một mộng tưởng phục vụ cho một quốc gia Do Thái bé nhỏ được Chúa Giêsu nâng lên thành lý tưởng phụng sự cho một quốc gia không biên giới, đó chính là Nước Trời.
Còn thánh Giuđa Thađêô thì sao? Chúng ta cũng không biết gì nhiều ngoại trừ chi tiết ngài là em của thánh Giacôbê hậu, và là bà con của Đức Giêsu. Cha của ngài là ông Clêôpha, và mẹ của ngài cũng có tên là Maria. Bà này đã đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu lúc Người chịu chết, rồi sau đó đã ra mồ để xức xác Chúa bằng dầu thơm.
Nếu thánh Simon được gọi với cái tên là Simon “nhiệt thành” thì có lẽ thánh Giuđa phải được gọi là Giuđa “trung thành”. Ngài đã trung thành trong tình yêu mến, để bù lại cho một Giuđa khác, Giuđa Isacriôt, kẻ bất trung bội phản trong tình yêu. Tin Mừng cho thấy có lần ngài đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy lại tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian” (Ga 14,22). Chúa Giêsu trả lời ngài rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14,23). Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu muốn gián tiếp nói với Giuđa Thađêô rằng khi các con yêu mến Thầy, các con sẽ hiểu được câu hỏi tại sao. Và khi các con yêu mến Thầy, các con sẽ hiểu được các mạc khải cao trọng hơn thế nữa. Có “Cha Thầy và Thầy ở cùng” lẽ nào lại không hiểu được! Quả thật, sau này ngài đã hiểu, vì ngài đã yêu mến Thầy mình thực sự. Ngài đã yêu mến Thầy mình cho đến cùng. Dù có trải qua bao phong ba bão tố của cuộc đời, ngài vẫn không bỏ cuộc, không bội phản như Giuđa Iscariôt. Tương truyền cho biết ngài cùng với thánh Simon Nhiệt Thành hăng say rao giảng Tin Mừng đến tận miền Ba Tư và trung kiên làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng.
Ở Việt Nam, người ta ít biết về ngài, và cũng ít người chọn ngài làm thánh Quan Thầy. Thế nhưng ở Mỹ, ngài là một vị thánh rất được sùng kính. Rất nhiều nhà thờ ở Mỹ đặt bàn thờ dâng kính ngài. Lý do thánh Giuđa được sùng kính ở Mỹ như thế là vì ngài nổi tiếng là một vị thánh hay cứu giúp người ta, cả những người lương dân, trong những trường hợp khó khăn, trong hoàn cảnh hầu như tuyệt vọng. 
Chuyện kể rằng có một người phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Bà đã đến một nhà thờ ở New York làm tuần Cửu Nhật cầu khấn thánh Giuđa, xin ngài giúp cho bà một số tiền là 10.000 đôla để bà giải quyết một vấn đề quan trọng. Mỗi ngày bà đến cầu nguyện trước toà kính thánh nhân. Sang đến ngày thứ chín, bà thấy trên bàn thờ vị thánh có một chiếc phong bì, mở ra thì bà thấy trong đó có 10.000 đôla, đúng với số tiền mà bà xin. Bà mừng quá, chạy vào nhà xứ kể cho cha xứ nghe sự việc, tin rằng đây là tiền của thánh Giuđa cho bà. Tuy nhiên, cha xứ cho biết ngài vừa nhận được cú điện thoại của một người báo tin cho hay ông ta cũng vừa được thánh Giuđa ban cho một ơn như ý, và để tỏ lòng biết ơn, ông có dâng kính thánh nhân 10.000 đôla. Nhưng vì không gặp được cha xứ, nên ông ta đặt số tiền đó trên bàn thờ thánh nhân, trong một phong bì, và xin cha ra lấy và cất giữ. Như vậy, theo cha xứ, số tiền kia là của giáo xứ, bà ta phải đưa lại cho giáo xứ; còn người đàn bà thì lại quả quyết tiền đó là của thánh Giuđa giúp bà. Vì vậy, để phân xử, hai người quyết định đưa nhau ra toà.
Người ta theo dõi vụ kiện qua báo chí và lấy làm thú vị về sự việc hi hữu này. Họ không biết toà sẽ phải giải quyết bằng cách nào trước một sự việc vừa mang tính pháp lý vừa mang tính thiêng liêng như thế này? Đột nhiên, cha xứ tuyên bố rút đơn kiện, đồng ý để số tiền cho bà kia. Bà ta bình thản nói rằng bà đã biết chắc chắn số tiền sẽ thuộc về bà, vì thánh Giuđa sẽ giúp bà cho đến cùng.
Thiết nghĩ thánh Giuđa không làm một phép lạ tỏ tường, nhưng ngài đã muốn dùng số tiền người ta dâng kính ngài, để tặng lại cho người phụ nữ trong lúc gặp sự khốn khó đã hết lòng tin tưởng chạy đến cùng ngài.
Chúng ta có thêm một địa chỉ nữa để chạy đến kêu xin sự trợ giúp, khi ta gặp gian nan khốn khó. Câu chuyện vừa kể giúp ta có thêm niềm xác tín. Dĩ nhiên không chỉ đơn thuần là xin ngài giúp tháo gỡ những khó khăn về cuộc sống vật chất, mà còn là những khó khăn về đời sống đức tin, đời sống đạo. Đặc biệc xin ngài giúp chúng ta có được lòng nhiệt thành và trung thành như ngài: nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, đồng thời trung thành bền chí đi theo Đức Kitô đến cùng. Amen. 


 
Thánh Simon và Giuđa, tông đồ

 
 

Ngày 28-10:

Thánh SIMON và GIUĐA

1. Đôi hàng lịch sử.

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng kính hai thánh Simon và Giuđa Tông Đồ. Chúng ta không có được những tài liệu lịch sử chính xác khách quan về các ngài. Việc các ngài được mừng kính cùng một ngày là vì có sự trùng hợp giữa các ngài về cuộc đời truyền giáo cũng như khi tuyên xưng đức tin.

Thánh Simon được gọi là Simon người Cana, hay Simon Nhiệt Thành có họ hàng với Chúa Giêsu.

Thánh Giuđa, có biệt danh là Tađêô, con của Giacôbê, là cháu của Đức Mẹ và thánh cả Giuse, và là bà con của Đức Giêsu. Ngài là anh của thánh tông đồ Giacôbê hậu. Cha của ngài là ông Clêôpha, và mẹ của ngài cũng có tên là Maria. Bà này đã đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu lúc Chúa chịu chết, rồi sau đó đã ra mồ để xức xác Chúa bằng dầu thơm.

Theo Thánh Truyền thì hai ngài đi giảng Tin Mừng ở hai nơi khác nhau. Thánh Simon giảng tại Ai Cập, còn thánh Giuđa tại Mésopotamia. Sau khi đã thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp, thì hai ngài như được ơn Chúa thôi thúc để cùng nhau đi sang Ba Tư. Chính tại nơi đây, hai ngài đã đem Tin Mừng tới và cũng chính tại nơi đây mà các ngài được diễm phúc lãnh nhận cái chết để tôn vinh Ðức Kitô như các anh em tông đồ khác.

Truyền thuyết kể lại khi đến thành Suamyr một trung tâm lớn của Ba Tư, hai thánh tông đồ Giuđa và Simon đã đến trọ nơi nhà ông Semme, đồ đệ của các ngài. Ngay sáng sớm hôm sau, các tư tế ngoại giáo của thành phố, bị thấm nhiễm độc dược của Zaroes và Arfexat, đã hô hào dân chúng đến bao vây nhà ông Semme. Họ gào thét:

- Hỡi ông Semme, hãy giao nộp hai kẻ thù các thần linh cho chúng tôi. Nếu không, chúng tôi sẽ đốt cháy nhà ông!

Nghe lời dọa nạt độc dữ ấy, hai Thánh Tông Đồ Giuđa và Simon đã quyết định tự nộp mình. Họ buộc các ngài phải thờ lạy các thần linh ngoại giáo. Dĩ nhiên các ngài từ chối. Họ tàn nhẫn đánh đập các ngài. Giữa máu đào, trong giây phút linh thiêng cuối đời, Thánh Giuđa còn lấy chút nghị lực cuối cùng, nhìn thẳng vào thánh Simon và nói:

- Hiền huynh dấu ái, tôi trông thấy Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Ngài gọi chúng ta về với Ngài!

2. Bài học

Bài Tin Mừng được Giáo Hội chọn đọc trong thánh lễ hôm nay nói về việc Chúa tuyển chọn những người để cộng tác với Chúa mà Ngài đặt tên cho họ là "Tông Đồ", chúng ta thấy:

* Trước khi chọn, Chúa đã cầu nguyện

Theo Tin Mừng Luca, Đức Giêsu thường cầu nguyện vào những thời điểm quan trọng. Ngài cầu nguyện khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả (Lc 3,21). Ngài cầu nguyện một mình trước khi loan báo cuộc khổ nạn (Lc 9,18). Ngài cầu nguyện khi ở trên núi, trước khi Ngài được hiển dung (Lc 9,29). Ngài cầu nguyện trong xao xuyến khi đứng trước cái chết gần kề (Lc 22,41). Lúc bị treo trên thập giá, Ngài cũng cầu nguyện cho kẻ giết mình (Lc 23,34).

Cầu nguyện đối với Chúa đơn giản là một cuộc gặp gỡ Cha. Ngài muốn gặp Thiên Chúa là Cha của Ngài để hỏi ý.  Việc tìm ý Chúa Cha, không phải lúc nào cũng là việc dễ dàng. Chính vì thế mà có những lần Chúa đã phải thức thâu đêm để cầu nguyện, để tìm xem ý Cha muốn gì. Thí dụ hôm nay Chúa cầu nguyện để xem Chúa Cha muốn chọn ai trong số những môn đệ ở đây để họ trở thành những người mà Ngài gọi là tông đồ.

“Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con… Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con…” (Ga 17, 6)

Sau một đêm cầu nguyện, đến sáng Đức Giêsu mới quyết định. Ngài gọi và chọn nhóm Mười Hai tông đồ theo ý Cha.

* Tiêu chuẩn để được Chúa chọn là tông đồ

Ðọc lại tiểu sử của các thánh, chúng ta thấy khi chọn gọi ai, Chúa không dựa trên những tiêu chuẩn của người đời. Người đời khi tuyển chọn ai thì thường người ta phải dựa trên những tiêu chuẩn như thế giá, học thức, địa vị xã hội, trải nghiệm vễ cuộc sống vv.

Còn Chúa thì Ngài hoàn toàn khác. Nhìn vào danh sách những người được tuyển chọn làm tông đồ hôm nay, chúng ta thấy họ chỉ là những con người bình thường. Bình thường chứ không tầm thường như nhiều người nghĩ. Họ không phải là những người xuất chúng, giàu có, có học thức, có chỗ đứng cao trong xã hội. Chúa Giêsu lựa chọn họ không phải vì họ xuất chúng. Dĩ nhiên là Chúa có sự khôn ngoan của Ngài. Khi chọn những người như thế, hẳn Chúa đã nhìn thấy ở nơi họ những phẩm chất cần cho một người được trao cho một nhiệm vụ phải hoàn thành.

* Chúa gọi họ là tông đồ nghĩa là những người được sai đi

Đây là những lời rất cảm động của Chúa Giêsu:

Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."(Ga 20,21).

Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một (Mc 6,7).

Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi (Ga 13,16).  

Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu (MT 11,16).

Rồi Người nói với các ông : "Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không ?" Các ông đáp : "Thưa không."(Lc 22,35)

Như vậy công việc của các tông đồ là tiếp nối công việc của chính Chúa Giêsu, tiếp nối mãi cho đến ngày tận thế.

Bao lâu còn con người trên trần thế thì bấy lâu Chúa còn sai các sứ giả tức là các tông đồ của Ngài đến với con người.

Đây là một câu chuyện tưởng tượng nhưng nó cũng có một ý nghĩa của nó:

Khi Đức Giêsu hoàn tất sứ mạng dưới thế, người trở về trời và được thiên thần Gabriel đón tiếp. Gặp Chúa, thiên thần lên tiếng hỏi ngay:

- Xin Chúa cho biết công trình của Chúa sẽ được tiếp tục như thế nào ở dưới thế?

- Ta đã chọn mười hai tông đồ, một nhóm môn đệ và một vài người phụ nữ - Chúa đáp -. Ta đã giao cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

Nghe Chúa trả lời như thế, thiên thần Gabriel hình như chưa hoàn toàn thoả mãn nên hỏi tiếp:

- Nhưng nếu số môn đệ ít ỏi đó thất bại thì Chúa có dự tính chương trình nào khác không?

Chúa Giêsu mỉm cười và dường như muốn biểu đồng tình là thiên thần Gabriel đã có lý khi nghi ngờ, tuy nhiên người vẫn quả quyết:

- Ta không dự tính một chương trình nào khác cả, ta tin vào họ!

Vâng mỗi người chúng ta hãy cố gắng để trở nên tông đồ của Chúa. Amen.
 

Bài đọc (Ep 2, 19-22)

Anh em thân mến, anh em không còn là khách trọ và là khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ và Tiên tri, và chính Đức Kitô làm đá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa, trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.

Tin Mừng (Lc 6, 12-19)

Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Đó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội. Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.
 

Thánh Simon và Giuđa, Tông đồ

I. Thánh Simon

Tân ước ngoài việc đặt thánh Simon vào danh sách nhóm 12, đã không cung ứng một chỉ dẫn trực tiếp nào liên quan đến vị tông đồ này. Ngài được phân biệt với Simon Phêrô bằng danh hiệu “nhiệt thành” (Lc 6,15; Cv 1,13), một danh hiệu không có ý nói rằng: Ngài là phần tử thuộc nhóm quá khích Do Thái mang tên này, nhưng chỉ cho biết nhiệt tâm của Ngài đối với lề luật. Theo tiếng Aram, nhiệt thành là “Cana”. Điều này giải thích tại sao các thánh sử nhất lãm gọi Ngài là người xứ Cana (Mt 10,4; Mc 3,18). Có người cho rằng sinh quán của người là Galilêa. Một truyền thống còn nói thánh Simon là chàng rể phụ trong tiệc cưới tại Cana (Ga 2,1-12). Sách các thánh tử đạo kể rằng Simon sau khi chứng kiến phép lạ của Chúa Kitô, đã “bỏ rượu”, bỏ lễ cưới để theo Chúa Kitô và được liệt vào số các tông đồ. Thực sự, chẳng có chứng cớ lịch sử nào nói tới việc này.

Cũng như thánh Giacôbê Hậu, có lẽ thánh Simon là một trong các “anh em của Chúa” (Mc 6,3). Nhưng người ta không thể đồng hóa thánh tông đồ với thánh Simon mà theo truyền thống là Đấng kế vị anh mình làm Giám mục Giêrusalem.

Chúng ta không thu lượm được chi nhiều về hoạt động và cái chết của vị tông đồ. Có những tường thuật cho rằng: Ngài đi truyền giáo ở Phi Châu và các đảo Britania.

Những tường thuật này không có nền tảng. Một truyền thống khác cho rằng Ngài đi truyền giáo ở Ai Cập và cuối cùng ở Ba Tư. Truyền thống này đáng tin hơn. Nhiều nguồn tài liệu đồng ý cho rằng Ngài chịu tử đạo ở Ba Tư. Một số ít hơn nói rằng Ngài cùng chịu tử đạo với thánh Giuđa. Dầu vậy, vì không có tài liệu nào đủ tính cách cổ kính nên khó nói rõ về nơi chốn và hoàn cảnh thánh nhân qua đời.

II. Thánh Giuđa

Vị tông đồ này mang nhiều tên khác nhau như Tađêô (Mt 10,3; Mc 3,18) hay Giuđa (Lc 6,16; Cv 1,13).

Chính Ngài là vị tông đồ trong cuộc đàm luận sau bữa tiệc ly đã hỏi Chúa Giêsu:

- Thưa Thầy, tại sao Thầy tỏ mình ra cho chúng con mà không cho thế gian?

Chúng ta có thể đồng hóa Ngài với tác giả bức thư, trong đó có trình bày Ngài là : “Giuđa, nô lệ của Đức Giêsu Kitô, anh em với Giacôbê” (Gl 1) không? Thực sự tiếng Hy Lạp phải đọc câu văn này như ở Lc 6,16 là: “Giuđa, con của Giacôbê”. Hơn nữa câu 17 của bức thư, tác giả như tách mình ra khỏi số 12. Dĩ nhiên, điều này không làm giảm giá sự chính lục của bức thư. Có thể nói, tác giả “anh em với Chúa” (Mc 6,3) không phải là tông đồ nhưng có thể giá trong Giáo Hội sơ khai như Giacôbê (Cv 15,13).

Thánh Giuđa tông đồ, theo truyền thống, đã đi rao giảng Tin Mừng ở Mesopotamin và chịu tử đạo ở đó. Một thời Ngài được tôn kính như đấng bảo trợ cho các trường hợp “vô vọng”. Lòng sùng kính này bị quên lãng, có lẽ vì Ngài trùng tên với Giuđa phản bội.

Suy niệm 1

Để thực thi sứ mạng rao giảng Tin mừng, đem ơn cứu độ đến cho con người, một mình Chúa Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa. Nhưng Chúa lại không dùng cách thế đó. Trái lại, Chúa muốn mời gọi con người cộng tác.

Cụ thể bài Tin mừng hôm nay liệt kê bảng danh sách 12 Tông đồ. Thánh Kinh ít khi nhắc đến hai vị Tông đồ này, ngoại trừ bảng liệt kê danh sách các Tông đồ hôm nay. Được biết trong số 12 tông đồ có tới hai vị mang tên là Simon. Để phân biệt, Thánh kinh gọi thánh Simon mừng kính hôm nay là Simon Nhiệt Thành, khác với Simon Phêrô. Cũng vậy, có hai vị mang tên là Giuđa trong danh sách 12 Tông đồ. Nên để phân biệt, Thánh kinh gọi Giuđa mừng kính hôm nay là Giuđa Tađêô khác với Giuđa Iscariôt (Phản bội). Cả hai vị không có tài năng nào nổi trội ngoại trừ lòng Nhiệt Thành và sự Tín Trung, theo ý nghĩa biệt danh của hai ngài.

Như vậy, để tuyển chọn những người tiếp nối sứ mạng loan báo Tin mừng mang ơn cứu độ đến vớđược Chúa Giêsu tuyển chọn để cộng tác với Ngài trong sứ mạng hết sức cao cả là loan báo Tin mừng. Để tuyển chọn và trao phó cho con người sứ mạng hết sức cao quý này, Chúa Giêsu đã không làm theo cảm tính cá nhân, hay theo cái nhìn chủ quan. Trái lại Ngài đã thận trọng tìm hiểu và bàn hỏi với Chúa Cha bằng cách suốt đêm cầu nguyện.

Nhìn vào danh sách 12 Tông đồ mà Chúa Giêsu tuyển chọn sau một đêm dài cầu nguyện, chúng ta nhận thấy đa số các ngài là những người quê mùa, ít học, nghèo khổ, tính tình lại rất người, chẳng tài ba lỗi lạc gì. Trong đó có hai vị Tông đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay: Giuđa và Simon.

Xin cho chúng ta ý thức rằng: Ý Chúa luôn tốt hơn ý của ta, sự chỉ dạy của Ngài luôn mang lại lợi ích tốt nhất cho phần phúc chúng ta. Vì thế mỗi khi làm bất cứ việc gì, nhất là khi quyết định những việc quan trọng trong đời, chúng ta cần dành thời giờ để cầu nguyện, xin ơn soi sáng của Chúa; đồng thời cũng nên bàn hỏi với bề trên là những người có kinh nghiệm và có trách nhiệm hướng dẫn đời sống đức tin của chúng ta. Xin cho chúng ta hằng biết noi gương hai vị thánh Tông đồ Simon và Giuđa luôn nhiệt thành trong bổn phận và hằng trung tín với niềm tin.

Suy niệm 2: CẦU NGUYỆN LÀ LẼ SỐNG

“… và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc 6,12)

Suy niệm: Trong suốt cuộc đời rao giảng của Đức Giê-su, người ta thấy Ngài luôn dành cho việc cầu nguyện một vị trí quan trọng. Người ta thấy Ngài cầu nguyện mọi nơi: trong hội đường, trên núi, ngoài bãi biển… và mọi lúc: lúc sáng sớm, khi đêm về, sau một ngày giảng dạy hay trước một việc làm quan trọng, như hôm nay, trước khi chọn và gọi các tông đồ. Với Đức Giê-su cầu nguyện là lẽ sống của đời mình, nơi đó Ngài gặp Chúa Cha, nhận ra ý Ngài để thực hiện. Ngày cũng dạy các tông đồ và những ai đi theo Ngài phải biết cầu nguyện luôn; “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ” (Lc 18,1); hoặc “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5). Nhờ cầu nguyện mà chúng ta biết mình phải làm gì và công việc của chúng ta cũng nhờ đó mà thực sự là công việc của Chúa và để làm vinh danh Chúa.

Mời Bạn: Đức HY. Ph. Xav. Nguyễn Văn Thuận viết: “Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản bội Hội Thánh? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính: họ bỏ cầu nguyện từ lâu” (ĐHV 125). Bạn có thấy việc cầu nguyện thực sự quan trọng hơn các việc làm khác trong đời sống của mình không?

Chia sẻ: Bạn đang thực hành việc cầu nguyện trong đời sống của mình như thế nào?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ luôn nhắc lại lời này: “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết siêng năng tìm đến Chúa trong những giờ cầu nguyện, để chúng con thực sự tìn được sức mạnh và lòng yêu mến cho cuộc đời của chúng con. Amen.

***

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Hạt lúa gieo vào lòng đất có mục nát mới trổ sinh hoa trái. Chúa đã chấp nhận là hạt lúa chịu mục nát để làm trổ sinh sự sống phục sinh nơi chúng con. Chúng con thật hạnh phúc vì được nuôi dưỡng bằng chính sức sống phục sinh của Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, sức sống của Chúa luôn đổi mới hồn xác chúng con theo tinh thần của Chúa. Xin cho chúng con cũng trở nên hạt giống gieo trồng cây yêu thương, cây hạnh phúc vào trong nhân thế.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, giữa cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những phận người đơn côi, sống thiếu vắng tình yêu, vẫn còn đó những phận ngưới đói rách lầm than. Họ đang cần chúng con gieo vào trong tim họ tình yêu thương giữa người với người. Họ đang cần chúng con gieo vào trong cuộc đời họ niềm vui và hạnh phúc, qua những nghĩa cử yêu thương và cảm thông của chúng con. Xin Chúa cho chúng con được tham dự vào sứ mạng của Chúa. Xin cho chúng con được mục nát đời mình qua những hy sinh, những nghĩa cử bác ái thắm đượm tình Chúa tình người. Xin cho chúng con biết ở lại trong Chúa và mang Chúa đến cho mọi người mà chúng con gặp gỡ trong cuộc sống thường ngày.

Lạy Chúa, là tình yêu bất diệt. Xin cho chúng con biết say mê tình Chúa và trở nên dấu chứng cho tình yêu của Chúa giữa cuộc đời hôm nay. Amen.
 

SUY NIỆM 3: Chọn Lựa Của Chúa

Chúng ta nên nhớ thánh Simon này khác với Simon được Chúa Giêsu đặt tên là Phêrô và thánh Giuđa này khác với Giuđa Iscariốt. Phụng vụ trong ngày lễ mừng hai thánh Simon và Giuđa hôm nay, Chúa muốn cho chúng ta chứng kiến lại việc chọn các tông đồ.

Simon nhiệt thành và Giuđa mà chúng ta mừng kính hôm nay, không có những nét nổi bật như Simon Phêrô, Giacôbê và Gioan, và ngay cả Philipphê hay Batôlômêô mà cũng còn được nhắc đến thêm đôi ba lần nữa trong sách Tin Mừng, nhưng hai vị này thì chỉ nhìn thấy trong Nhóm Mười Hai, được Chúa Giêsu chọn sau khi Ngài đã trải qua một đêm cầu nguyện với Chúa Cha. Tuy nhiên cuộc sống và cái chết chứng tá của thánh Simon và thánh Giuđa sau này đủ để nói lên rằng các ngài đã sống trọn vẹn trong cung cách tông đồ của mình và xứng đáng với sự lựa chọn của Chúa.

Trọn vẹn trong phong cách tông đồ và xứng đáng với sự lựa chọn của Chúa, đó là điều mà ai ai cũng thế, khi đã theo Chúa thì chỉ ước mơ được như vậy. Ðã ước mơ thì phải cố gắng mà vươn tới để ước mơ được thành hiện thực. Mặc dù các sách Tin Mừng không nói nhiều về Simon nhiệt thành và Giuđa, nhưng chúng ta cứ nhìn vào các vị kia thì cũng biết được đôi chút về tính tình, về mong muốn, về cách sống của hai ông là bộc trực, tham vọng và cùng ăn cùng ở với Chúa Giêsu với hy vọng tìm được một địa vị xứng đáng hơn trong cuộc đời làm môn đệ.

Chúa Giêsu không chỉ nhìn thấy cái hiện trạng bất toàn đó của cả nhóm mà Ngài biết rằng với thời gian huấn luyện, với ơn Chúa Thánh Thần thì những con người ấy biết dùng ngay những bất toàn của mình vào trong công cuộc loan báo Tin Mừng và sẽ thành công. Vấn đề là làm sao để cho các ông nhận chân được mục đích của con đường mà các ông quyết định. Cũng với sự bộc trực ấy, cũng với những tham vọng ấy, cũng với những tình huynh đệ keo sơn ấy nhưng các ông không còn chỉ ước mơ danh vọng, địa vị tầm thường nữa mà khát vọng lan rộng biên giới Nước Trời, khát vọng cho mọi người nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ. Nỗi niềm khát vọng ấy mãnh liệt đến độ đưa các ông là những con người sợ sóng gió, sợ quyền lực, sợ đủ mọi thứ đến chỗ gan dạ tột cùng của sự làm chứng, bằng lòng để bị treo như Thầy.

Lạy Cha,

Công trình của Cha vẫn nối tiếp cho đến thời sau hết với những con người mong manh thân phận nhưng kiên cường lập trường. Chúng con cảm tạ Cha vì gương sáng của hai vị tông đồ Simon nhiệt thành và Giuđa. Mừng kính hai ngài hôm nay, chúng con cũng muốn nói với chính mình rằng bởi sức riêng chúng con thật là vô ích, nhưng cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần chúng con có thể làm được mọi sự. Giáo Hội đang nặng trĩu ưu tư cho công cuộc truyền giáo tại lục địa Á Châu to lớn, hai thánh tông đồ Simon và Giuđa sẽ là những khích lệ tuyệt vời cho những bước chân truyền giáo trên đất nước chúng con và trên lục địa Á Châu này.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Thánh Simon và Giuđa.

Bí quyết cầu nguyện mà thánh Luca tường thuật lại mỗi khi có biến cố quan trọng xảy ra trên con đường truyền đạo của Đức Giêsu cho chúng ta thấy cuộc linh thao của Người đi sâu vào tình liên kết với Chúa Cha, một bí quyết liên kết độc nhất và siêu việt để cho chúng ta được thông hiệp với Người: “Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử khiến chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi”. Rm 8, 15. Nhưng lời cầu đó chẳng đáng gì vì lời cầu của Đức Giêsu bao bọc và gói gém mọi lời cầu của mọi người. Chỉ có Người mới có thể nói được: “Cha chúng con” với toàn diện sự thật. Chỉ có Người biết được Chúa Cha vì Người bởi Cha mà ra. Chỉ có Người sở hữu được thần khí vô lượng vô biên”. Ga 3, 34

Cầu nguyện

Sự liên kết độc nhất giữa Chúa Con với Chúa Cha là một sự cầu nguyện huyền nhiệm đã trở nên nền tảng cho mọi cầu nguyện khác. Chúng ta được nối kết với sự cầu nguyện ấy khi Đức Giêsu dạy chúng ta thưa: Lạy Cha! chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Chúa Cha, hay lại cầu nguyện sai lầm. Chúng ta phải nhớ rằng trung tâm của sự cầu nguyện chân chính là chính Đức Giêsu chứ không phải chúng ta. Chính Người đem lại ý nghĩa cầu nguyện cho chúng ta. Chính Con Người thâu nhận mọi lời than van kêu khấn của mọi người. Không phải vì độc đoán tự phụ cho riêng Người, nhưng là đem lời cầu nguyện của Đức Giêsu vào trong lòng chúng ta để chúng ta tiếp tục lời cầu nguyện của Người. Được như thế là vượt lên mọi cảm tình cá nhân, là từ bỏ mọi sự mà gắn bó với đức tin.

Tin

Tin là điều kiện độc nhất của lời cầu nguyện có giá trị. Chúa không đòi chúng ta phải lên hoàn hảo, Người chỉ đòi chúng ta tin vào Người. Nhiều người cầu nguyện nhiều, tuy không có gì trách mình, nhưng họ tưởng xin còn ít nên lời cầu của họ hình như không được nhận lơi. Họ tưởng họ tin nhiều, thực ra họ còn thiếu đức tin. Chúng ta tưởng chính ra phải được nếm thử sự đời đời trong lời cầu nguyện của chúng ta thì lại chỉ được nếm sự nghèo khó.

Hãy xem những người tội lỗi trong Tin Mừng đã được Chúa đoái thương vì họ có lòng tin. Niềm tin đó cho họ thấy họ chẳng đáng giá gì dưới đôi mắt của Đức Giêsu, nhưng họ chỉ tin vào giá máu của Người.

J.M

 

SUY NIỆM 5: Hai môn đệ trung kiên của Chúa

Ơn gọi là một cái gì huyền nhiệm. Bất cứ ai sinh ra trên thế giới này, một cách nào đó đều nghe được một tiếng mời gọi âm thầm nào đó trong cuộc đời của mình và rồi, con người đi theo tiếng gọi. Chúa Giêsu không chọn bất cứ ai mà không cầu nguyện lâu giờ và không đi vào cõi thâm sâu để hỏi ý Thiên Chúa Cha. Chúa cầu nguyện, chúng ta không biết Chúa nói gì, không biết Chúa trao đổi, bàn luận gì với Đức Chúa Cha, nhưng có một điều chúng ta nhận thấy Chúa luôn luôn làm theo ý Cha của Ngài. Thánh Simon và thánh Giuđa, tông đồ không nằm ngoài dự định của Chúa Giêsu. Ơn gọi của các Ngài cũng na ná trường hợp của các tông đồ khác. Chúa đi ngang nơi nào đó, Ngài kêu gọi, các tông đồ nhận ra tiếng gọi của Chúa và họ bỏ mọi sự để theo Đức Kitô.

Chúa tuyển chọn các Ngài và gọi các Ngài là “ Apostoloi “, nghĩa là người được sai đi. Nhưng, trước khi gọi các Ngài là Apostoloi, Chúa Giêsu đã cầu nguyện thâu đêm với Chúa Cha. Ngài chọn các tông đồ là do sự nhưng không, do ân huệ tuyệt vời của Ngài. Chúa không dựa trên những tiêu chuẩn mà người đời thường dùng để chọn hoặc cất nhắc một nhân vật nào đó như trình độ, tri thức, vóc dáng bề ngoài, cao, lớn, mập, gầy vv…Chúa tuyển chọn các tông đồ hoàn toàn do ý định của Ngài, không ai có quyền đòi Ngài phải chọn hay không chọn, Ngài tuyển chọn là do tình thương của Ngài.

Thánh Simon còn có biệt hiệu Simon người Cana, hay Simon nhiệt thành. Thánh Giuđa, có biệt danh là Tađêô, con của Giacôbê, anh em với Chúa Giêsu. Sở dĩ Hội Thánh mừng thánh Simon và Giuđa cùng một ngày là vì có sự trùng hợp trong việc loan báo Tin Mừng và trong việc tuyên xưng đức tin, đổ máu đào để làm chứng cho Chúa Giêsu. Và thực tế, thánh Simon người Cana hoàn toàn khác với thánh Simon Phêrô, vị tông đồ trưởng và là người làm đầu Giáo Hội tiên khởi. Theo thánh truyền, thánh Simon và thánh Giuđa đi truyền giáo ở hai nơi hoàn toàn khác nhau. Thánh Simon rao giảng, loan báo Đức Kitô tại Ai Cập, còn thánh Giuđa tại miền Mésopotamia. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, sau khi gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong việc rao giảng, hai thánh Simon và Giuđa đã cùng sang giảng đạo tại xứ Ba Tư. Chính tại nước Ba Tư, hai vị thánh này đã được phúc tử đạo làm chứng cho Chúa như các tông đồ khác.Thánh Giuđa rất trung thành với lời rao giảng, với lời Chúa nên Ngài không sợ hãi mà luôn chống lại những kẻ có thái độ khích bác Tin Mừng.

Hai thánh tông đồ Simon và Giuđa đã hiên ngang làm chứng cho Chúa phục sinh. Các Ngài đã lãnh triều thiên vinh quang Chúa dành cho những kẻ trung tín với Ngài.

Lạy thánh Simon và thánh Giuđa tông đồ, xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con để chúng con luôn hiên ngang làm chứng cho Chúa Kitô chịu đóng đinh thập giá và vinh quang sống lại. Amen.

 

SUY NIỆM 6: Có Chúa Giêsu mới sống thực

Hôm nay Hội Thánh kính hai thánh Tông Đồ Si-mon và Giu-đa. Ông Si-mon có biệt danh là Nhiệt Thành, có lẽ ông là người thuộc nhóm cực đoan, muốn dùng vũ lực chống Roma, còn ông Giu-đa cũng có tên là Ta-đê-ô, là tác giả thư cuối cùng trong bảy Thư Công Giáo. Ông là người hỏi Đức Giêsu trong bữa ăn tối:  “Thưa Thầy, tại sao Thầy tỏ mình cho chúng con mà không tỏ cho thế gian”, và ông đã nhận được Lời Chúa hứa:  “Ai yêu mến Thầy, thì Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,22-23).

Chưa bao giờ Đức Giêsu phải thức suốt đêm để cầu nguyện, ngoại trừ lúc Ngài chọn các môn đệ, để sai họ đi tiếp nối sứ mệnh của Ngài, hầu thâu họp muôn người về cho Chúa. Vì “ai có Chúa Giêsu thì sống, kẻ không có Chúa Giêsu là chết!” (1Ga 5,12). Do đó:

- Con người chỉ tồn tại nhờ được Chúa gọi tên (x Kn 11,25:  Bản dịch Lm Nguyễn Thế Thuấn).

- Đụng chạm vào Chúa Giêsu chính là hiệp thông với Hội Thánh.

1/ Con người chỉ tồn tại nhờ được Chúa gọi tên (x Kn 11,25).

Thực vậy, trong danh sách 12 môn đệ Đức Giêsu chọn, họ là những người bình thường như bao người khác, thế nên danh sách Nhóm Mười Hai có tới ba cặp tên trùng nhau :

- Simon em của An-rê và Simon Nhiệt Thành.

- Giacôbê anh của Gioan và Giacôbê con của An-phê.

- Giuđa Nhiệt Thành và Giuđa Iscariot.

Sau khi Đức Giêsu cầu nguyện, sáng sớm Ngài gọi những người muốn chọn, họ có tên bình thường như bao người khác Xoài, Ổi, Mít, Chanh, Cam (x Lc 6,12-16)… Nếu Đức Giêsu không chọn gọi họ, thì nay “họ đã qua đi như không bao giờ có họ trên đời, bởi không người nào trên đời còn nhớ đến họ, họ xong đời là xong hẳn, và cả con cái họ sau này cũng thế thôi!” (Hc 44,9)  Nhưng danh tính, sự nghiệp các môn đệ Đức Giêsu chọn vẫn còn lưu danh  muôn thuở, chỉ vì Đức Giêsu đã gọi họ từ trong thế gian và họ không còn thuộc về thế gian nữa (x Ga 17,6.15), để rồi đi tập họp mọi sự về cho Chúa, như lời thánh Phao-lô nói:  “Mọi sự thuộc về anh em, anh em thuộc về Chúa Ki-tô, Chúa Ki-tô thuộc về Chúa Cha” (1Cr 3,22-23).

2/ Đụng chạm vào Chúa Giêsu chính là hiệp thông với Hội Thánh.

Sau khi Đức Giêsu cầu nguyện để chọn các môn đệ và từ trên núi xuống, có cả đoàn lũ dân Do Thái miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cùng với dân ngoại miền Tia và Xi-đôn, cả các bệnh nhân cũng lũ lượt kéo đến nghe Lời Đức Giêsu, và các bệnh nhân được chữa lành ; cả đến các người bị thần ô uế nhập, cũng tìm cách sờ vào Đức Giêsu, thì họ được lành mạnh ngay (x Lc 6,17-19:  Tin Mừng). Hình ảnh này đã tiên báo về đời sống Hội Thánh Chúa Ki-tô, bởi vì từ núi Sọ, nơi Đức Giêsu bị đóng đinh, Ngài đã cầu nguyện cho cả kẻ hại Ngài được cứu độ, và từ cạnh sườn Ngài bị đâm, nước và máu đổ xuống phát sinh các Bí tích, đó chính là giờ phút Adam cuối cùng sinh Hội Thánh (x Ga 19). Như thế hình ảnh từ trên núi đi xuống trở thành dấu chỉ Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, trước khi Ngài lên Trời, Ngài sai các môn đệ đi tập họp muôn dân bằng hai việc:  ban Thánh Tẩy và dạy dân những Lời Đức Giêsu truyền (x Mt 28,19-20). Ai gia nhập Hội Thánh là người đó được Đức Giêsu chộp lấy (x Pl 3,12). Những ai thuộc về Hội Thánh Chúa Ki-tô thì thánh Tông Đồ nói:  “Anh em không còn phải là người xa lạ, hay là người tạm trú, nhưng là người đồng hương với những người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng  trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Chúa Ki-tô Giêsu. Trong Người toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2,19-20:  Bài đọc).

Trong đoạn thư này thánh Phao-lô nhấn mạnh:  người được Chúa chọn là người đồng hương, là người nhà của Thiên Chúa, là ông muốn cho các tín hữu hiểu rằng:  Chúa sẽ ra sức bảo vệ mạng sống họ, đến nỗi sợi tóc trên đầu của họ cũng không bị mất! (x Mt 10,30) Điều này quan trọng hơn ông Phao-lô vốn dĩ là người Do Thái, nhưng để việc rao giảng Tin Mừng tránh người Do Thái trù dập tối đa, Phao-lô đã lấy được quốc tịch Roma để bảo vệ ông. Vì ai thuộc về công dân Roma, thì không người nào được quyền đánh họ trên 39 roi! Chính vì vậy mà năm lần ông bị người đồng chủng đánh không quá 39 trượng! Nhiều người Do Thái thấy thế thèm, nên hỏi ông Phao-lô:  “Phải tốn bao nhiêu tiền mới có quốc tịch ấy?” (x Cv 22,28 ; 2Cr 11,24-25). Còn người Công Giáo chẳng mất xu nào mà có quốc tịch Nước Trời, để cùng với muôn tạo vật diễn tả vinh quang Thiên Chúa, đúng với lời kinh:  “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu”


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận