Thứ Ba Tuần 23 TN

Đăng lúc: Thứ ba - 09/09/2014 03:42 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 23 TN: Th. Phê-rô Cla-ve, linh mục

Bài đọc (1 Cr 6, 1-11)
Anh em thân mến, làm sao trong anh em có người dám đem việc bất bình với kẻ khác ra thưa kiện trước mặt kẻ gian ác, chứ không trước mặt các thánh? Hay anh em lại không biết các thánh sẽ phán xét thế gian này sao? Và nếu anh em có quyền phán xét thế gian, thì anh em không xứng đáng xét xử những việc rất nhỏ mọn như thế sao? Anh em lại không biết chúng ta sẽ phán xét các thiên thần sao, phương chi là các việc đời này?
Vậy nếu anh em phải kiện cáo nhau về những việc đời này, anh em lại cắt đặt những người không đáng kể trong Hội thánh mà xét xử sao? Thật là một điều nhục cho anh em mà tôi phải nói như vậy. Chớ thì trong anh em không có người nào khôn ngoan có thể xét xử giữa anh em sao? Nhưng khi có việc kiện cáo giữa anh em với nhau mà lại đem đến trước mặt người ngoại ư? Nguyên việc anh em kiện tụng nhau, cũng đã là một lỗi rồi. Tại sao anh em không đành chịu một chút bất công? Tại sao anh em không đành chịu một chút thiệt thòi? Trái lại chính anh em ăn ở bất công và lừa đảo, mà lại xử như thế với chính anh em mình. Hay anh em lại không biết rằng: những kẻ gian ác sẽ không được hưởng nước Thiên Chúa sao? Anh em chớ lầm tưởng: những kẻ gian dâm, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, xấu nết, loạn dâm, trộm cắp, tham lam, say sưa, vu khống hay bóc lột đều không được hưởng nước Thiên Chúa đâu.

Xưa kia trong anh em đã có ít người như vậy. Nhưng anh em đã được rửa sạch, đã được thánh hoá, đã được công chính hoá, nhân danh Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và trong Thánh Thần của Thiên Chúa chúng ta.

Tin Mừng (Lc 6, 12-19)
Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Đó là Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.
Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.


Thánh Phêrô Clave Linh Mục (1581-1654)

Là người gốc Tây Ban Nha, Phêrô Claver – một người trẻ thuộc dòng Tên – đã từ bỏ quê nhà vĩnh viễn vào năm 1610 để trở nên nhà truyền giáo ở Tân Thế Giới. Ngài đi thuyền đến Cartagena (bây giờ thuộc Colombia), là một hải cảng sầm uất ở bờ biển Caribbean. Ngài thụ phong linh mục ở đây vào năm 1615.
Vào lúc đó, việc buôn bán nô lệ đã được thịnh hành ở Mỹ Châu khoảng 100 năm, và Cartagena là trung tâm. Hàng năm, có đến mười ngàn người nô lệ từ Tây Phi Châu đổ về hải cảng này sau khi vượt biển Atlantic trong những điều kiện tệ hại và bất nhân đến nỗi có đến một phần ba đã chết trong cuộc hành trình. Mặc dù việc buôn bán nô lệ bị Ðức Giáo Hoàng Phaolô III lên án và sau này Ðức Piô IX gọi là “hành động vô cùng ghê tởm”, nhưng nó vẫn phát đạt.
Cha Alfonso de Sandoval, là một linh mục dòng Tên đã hy sinh cuộc đời để phục vụ người nô lệ ở đây trước khi Cha Phêrô Claver đến để tiếp tục công việc của ngài, và cha tự nhận mình là “người nô lệ muôn đời của người da đen.”
Ngay sau khi thuyền chở người nô lệ cập bến, Cha Phêrô Claver đi xuống khoang thuyền hôi hám để giúp đỡ những người đau yếu và những hành khách khốn cùng. Sau khi người nô lệ bị lùa ra khỏi tầu và bị xích với nhau như đàn vật trong một khu đất có hàng rào để người ta chọn lựa, Cha Claver lại lẩn quẩn trong bọn họ để cung cấp thuốc men, thực phẩm, rượu, chanh và thuốc lá. Với sự giúp đỡ của thông dịch viên, ngài nói về giáo lý căn bản và đảm bảo các anh chị em của ngài về nhân phẩm và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Trong 40 năm phục vụ, Cha Claver đã giảng dạy và rửa tội cho khoảng 300,000 người nô lệ.
Sứ vụ tông đồ của ngài không chỉ hạn hẹp trong việc săn sóc người nô lệ, ngài trở nên một người có uy quyền về luân lý, quả thật, ngài là tông đồ của Cartagena. Ngài rao giảng trong trung tâm thành phố, truyền giáo cho các thủy thủ và thương gia, và nếu có thể, ngài cố tránh né lòng quý mến của các nông gia và chủ nhân mà chỉ muốn sống trong các khu dành riêng cho người nô lệ.
Sau bốn năm bị bệnh khiến thánh nhân ngừng hoạt động và hầu như bị lãng quên, ngài chết ngày 8-9-1654. Ông toà của thành phố, trước đây rất khó chịu vì sự quan tâm của ngài đối với người da đen thấp hèn, đã ra lệnh chôn cất ngài với công quỹ và với nghi thức long trọng.
Ngài được phong thánh năm 1888, và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII tuyên xưng ngài là quan thầy công việc truyền giáo cho người nô lệ da đen ở khắp nơi trên thế giới.
Lời Bàn
Quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã thể hiện trong hành động đáng khâm phục của Cha Phêrô Claver. Quyết định từ bỏ quê nhà không bao giờ trở lại cho thấy một ý chí phi thường thật khó cho người thời nay tưởng tượng nổi. Quyết tâm phục vụ những người bị bạc đãi, thấp hèn nhất trong xã hội là một hành động cực kỳ anh hùng của Thánh Phêrô Claver. Khi so sánh cuộc đời chúng ta với cuộc đời của một người như vậy, chúng ta mới thấy sự ích kỷ và sự hẹp hòi của chúng ta trước những nhu cầu của người khác, và chúng ta cần mở lòng ra cho sự tác động của quyền năng vô cùng của Thần Khí Ðức Giêsu.
Lời Trích
Thánh Phêrô Claver hiểu rằng việc phục vụ cụ thể như phân phát thuốc men, thực phẩm cho anh chị em da đen thì cũng hữu hiệu để loan truyền lời Chúa như rao giảng bằng lời nói. Như Thánh Phêrô Claver thường nói, “Chúng ta phải nói với họ bằng đôi tay trước khi nói với họ bằng miệng lưỡi của chúng ta.”


Suy niệm 1: CẦU NGUYỆN ĐỂ TÌM THÁNH Ý THIÊN CHÚA

Cầu nguyện là bản chất của người Công Giáo. Không cầu nguyện, chúng ta khó lòng nhận ra đâu là ý Chúa và đâu là thiển ý của ta. Khi cầu nguyện, ta như được kín múc nguồn năng lượng từ Trên để mọi lời nói, hành động của ta được Thiên Chúa soi dẫn và chúc lành hầu ta chu toàn bổn phận mình một cách tốt đẹp.
Hôm nay, Tin Mừng nhắc lại việc Đức Giêsu thức suốt đêm cầu nguyện trước khi gọi và chọn 12 người và gọi là Tông Đồ.
Khi Đức Giêsu cầu nguyện như vậy, Ngài muốn cho chúng ta thấy rằng sứ vụ của Ngài luôn gắn bó với Chúa Cha, và những người được gọi và chọn cũng phải gắn bó với Ngài như vậy.
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên ngôn sứ của Chúa, có trách nhiệm loan truyền tình yêu của Ngài cho mọi người. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể thành công khi biết gắn bó với Đức Giêsu và đón nhận thánh ý của Ngài để thi hành.
Thật vậy, để lời mời gọi của Đức Giêsu thực sự trở thành hữu hiệu, và sứ vụ chúng ta đón nhận được thi hành cách tốt đẹp theo ý hướng của Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ được phép bỏ qua việc cầu nguyện.
Chính Đức Giêsu đã làm gương về chuyện này.
Ví dụ như khi sắp ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã ăn chay cầu nguyện 40 ngày trong sa mạc; khi chọn các môn đệ, Ngài thức suốt đêm; khi sắp chịu nạn chịu chết, Ngài đã lên núi Cây Dầu cầu nguyện …
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt để mọi công việc của mình dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Vì nhờ cầu nguyện với Chúa, chúng ta biết được thánh ý Ngài. Cầu nguyện để biết được phương cách thi hành tốt đẹp nhất. Cầu nguyện để phó thác nơi Chúa mọi sự.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức được giá trị của lời cầu nguyện và luôn biết gắn bó với Chúa như Chúa luôn kết hợp với Thiên Chúa Cha. Amen.


Suy niệm 2: CHÚA CHỌN CỘNG SỰ VIÊN

Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. (Lc 6,12)
Suy niệm: Chúa Giê-su không muốn một mình rao giảng Tin Mừng, nhưng muốn có các cộng sự viên cùng hợp tác với mình. Chọn các tông đồ là điều quan trọng, việc sống còn để tiếp tục công trình cứu độ trên trần gian trong kế hoạch của Chúa Cha. Vì lẽ đó, Chúa đã cầu nguyện suốt đêm trước ngày chọn các tông đồ. Vị Thiên-Chúa-làm-người đã phải thức suốt đêm cầu nguyện cho thấy ưu tư lớn lao của Ngài trong việc chọn các cộng sự viên, cũng như tầm quan trọng của việc loan báo Tin Mừng. Chọn lựa chính xác, loại bỏ những suy đoán đầy cảm tính, thiên vị, là điều không dễ dàng chút nào, đòi hỏi sự can đảm, mạo hiểm và cả đến sự từ bỏ ý riêng cũng như những toan tính vụ lợi về sau. Cầu nguyện sẽ giúp ta nhận ra ý muốn của Thiên Chúa để thi hành.
Mời Bạn: Dù vậy, Chúa không tránh khỏi những “thất bại” thường thấy. Một số môn đệ ham địa vị, chức quyền; một số nóng nảy; thậm chí có người chối bỏ hay tệ hơn, phản bội Thầy mình… Nhưng đây không phải là cớ biện minh cho việc chọn lựa sai lầm những người phục vụ trong Giáo Hội do thiếu cầu nguyện nghiêm túc và chân thành. Bạn cũng được mời gọi là cộng sự viên của Chúa trong việc tiếp tục loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay. Bạn đã quan tâm đến việc cầu nguyện chưa?
Sống Lời Chúa: Tôi cầu nguyện mỗi ngày, nhất là trước một công việc quan trọng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi con cầu nguyện để chọn lựa điều gì, thì xin cho con chọn điều Chúa muốn chứ không phải điều con muốn. Amen.


Suy niệm 3: ĐẾN GẦN ĐỨC GIÊSU

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa đọc làm nổi bật lên động từ “đến gần” Chúa Giêsu: “Người kêu các môn đệ lại” và “đám đông tìm cách sờ vào Người”.
Các môn đệ đến gần Chúa Giêsu
Chắc chắn lời giảng dạy, cách sống và quyền năng của Chúa Giêsu đã thu hút được nhiều người. Chính từ đám đông bị hấp dẫn, Ngài chọn một “ê-kíp”; “để họ ở với Ngài và Ngài sai họ đi”. Ơn gọi làm Tông đồ luôn luôn đến từ hai phía: Thiên Chúa kêu gọi và con người đến với Người: Các ông đã đến khi nghe tiếng Chúa gọi và Ngài chọn các ông làm Tông đồ để ra đi với quyền năng của Ngài. Ngài sai họ đi như chính Ngài được Chúa Cha sai. Họ nên giống Ngài trong cương vị và hành vi.
Các Tông đồ vốn là những người dốt nát và quê mùa, nhưng nhờ “đến gần” Chúa Giêsu mà các ông được dạy dỗ và được huấn luyện để trở thành thầy dạy muôn dân; thành những nhà thông thái, khôn ngoan đến nỗi các đối thủ phải ngạc nhiên sửng sốt: “Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa lại thuộc giới bình dân” (Cv 4,13).
Điều quan trọng là phải đến với Chúa, đến gần Chúa. Khi đến với Chúa, đến gần Chúa, chúng ta mới được biến đổi nên tốt hơn; mới nên giống Ngài.
Đám đông đến gần Đức Giêsu
Tiếp nối nhóm Mười Hai, đám đông dân chúng cũng chen nhau đến gần Chúa Giêsu, với mục đích “Nghe Người giảng và để được chữa lành. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người”. Tắt một lời, họ đến gần Ngài để được chữa lành.
Chúa đã từng phán dạy: “Hãy đến với Ta hỡi tất cả những ai khó nhọc và mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các Ngươi” (Mt 11,18). Đám đông chen lấn trong bài Tin Mừng hôm nay nói cho ta biết Chúa Giêsu quan tâm và chia sẻ nỗi đau yếu bệnh tật của con người. Điều cần làm là phải đến gần Ngài, cho Ngài đụng chạm đến nỗi đau của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, tấm lòng của Chúa bao la như trời bể. Chúa không đòi hỏi chúng con làm gì lớn lao. Chúa chỉ muốn chúng con đến gần Chúa. Gần Chúa để được Chúa đổi đời; gần Chúa để được giống Chúa. Đời chúng con khổ cực đã nhiều vì chúng con còn sợ đến gần Chúa. Ước gì từ giờ phút này chúng con xác tín rằng Chúa vẫn rộng lòng đón nhận chúng con. Xin Chúa ban ơn để chúng con biết đến gần Chúa, để nhẹ gánh lo âu, để nên giống Chúa ngày một hơn. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là nguồn suối tình yêu. Chúng con luôn được tắm mát trong hồng ân của Chúa. Tình thương Chúa như mưa sa luôn thẩm thấu vào cuộc đời chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết đền đáp tình yêu của Chúa qua đời sống làm chứng nhân cho Tin mừng của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.
Lạy Chúa, vì yêu thương, Chúa không ngừng chọn gọi những cộng tác viên để mang tình yêu của Chúa đến cho nhân trần. Chúa đã chọn gọi Abraham. Chúa đã chọn gọi Đavit. Chúa đã chọn gọi các ngôn sứ và các tông đồ. Ở mọi thời. Ở mọi nơi, dường như Chúa vẫn đang tìm kiếm những con người thích hợp để làm việc cho Chúa. Chúa vẫn đang cần nhiều tâm hồn dám làm chứng cho Chúa. Nhưng Chúa ơi! Sao chúng con thích đón nhận ân ban của Chúa mà lại ngại hy sinh vì Chúa. Chúng con thích xòe đôi bàn tay để nhận lãnh nhưng lại ngại trao ban. Chúng con thích cầm giữ hơn là bố thí ban ơn. Chúng con toan tính thiệt hơn. Chúng con vụ lợi. Xin tha thứ vì thói ích kỷ của chúng con. Xin giúp chúng con sống quảng đại với Chúa và với tha nhân.
Lạy Chúa, xin sai chúng con đi vào đời rắc gieo tình yêu Chúa cho nhân thế. Xin Chúa đồng hành và chúc lành cho những ước nguyện của chúng con. Amen.
 
Suy Niệm 4: Chọn Nhóm Mười Hai

Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Ở khởi đầu lịch sử này, từ trong đám dân du mục vô danh tại miền Lưỡng hà địa, Thiên Chúa đã chọn Abraham; trong những người con của ông, Ngài chỉ chọn Isaac; và trong những người con của Isaac, Ngài chỉ chọn Yacob làm người cha của mười hai chi tộc Israel. Ðể thực hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môsê làm thủ lãnh. Sau khi Israel đã được Ngài chọn làm dân riêng và qua đó thực thi chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa cũng tiếp tục một đường hướng: Ngài chọn lựa một số người và trao cho họ một trách vụ đặc biệt: Ngài đã chọn Ðavít làm vua, thay thế cho Saul; Ngài đã chọn một số người làm ngôn sứ cho Ngài.
Tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người. Từ Abraham qua Môsê, đến các ngôn sứ và Ðavít, tất cả đều được chọn lựa không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Môsê chỉ là một người ăn nói ngọng nghịu; Ðavít là cậu bé kém cỏi nhất trong số anh em mình, Yêrêmia, Isaia đều nhận ra nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ.
Tiếp tục đường lối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm cột trụ Giáo Hội, không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê; có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế tức là hạng người thường bị khinh bỉ.
Thánh Luca đã ghi lại một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Không ai biết rõ nội dung, nhưng sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn đúng không dựa vào tài đức của con người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện, bởi vì Ngài biết rằng tự sức riêng, con người không thể làm được gì. Phêrô đã cảm nghiệm thế nào là sức riêng của con người khi ông chối Chúa ba lần; sự đào thoát của các môn đệ trong những giờ phút nguy ngập nhất của cuộc đời Chúa, và nhất là sự phản bội của Yuđa, là bằng chứng hùng hồn nhất của sức riêng con người. Bỏ mặc một mình, con người chỉ chìm sâu trong vũng lầy của yếu đuối và phản bội.
Từ mười hai người dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo Hội ấy đứng vững đến độ sức mạnh của hỏa ngục không làm lay chuyển nổi. Thánh Phaolô, người đã từng là kẻ thù số một của Giáo Hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", hoặc "Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà thôi, vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh".
Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để chúng ta nương tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó, thì dù phải trải qua lao đao thử thách, chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại những điều thiện hảo cho chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Giáo Hội Mới Của Chúa

Trong đoạn Phúc Âm trên thánh sử Luca đã trình bày cho chúng ta một cộng đoàn quanh Chúa Giêsu. Cộng đoàn này là hình ảnh loan báo trước trong cộng đoàn Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ thành lập và trao phó cho sứ mạng sau khi Người đã phục sinh từ cõi chết. Tất cả mọi thành phần của cộng đoàn này đều quy về một trung tâm duy nhất là Chúa Giêsu, lắng nghe lời Người giảng dạy và được quyền năng Người chữa lành khỏi bệnh tật cũng như được bảo vệ khỏi những quyền lực của ma qủy. Chúng ta nhìn thấy rõ ràng những thành phần của cộng đoàn quanh Chúa Giêsu lúc đó. Trước hết là nhóm Mười Hai tông đồ vừa được tuyển chọn sau một đêm dài cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, rồi đến các môn đệ và cuối cùng là đám đông dân chúng từ nhiều nơi trong và ngoài lãnh thổ dân Israel. Từ Giuđêa, Giêrusalem, nằm trong lãnh thổ của dân Chúa, và từ miền duyên hải Tia và Xiđon là miền nằm ngoài lãnh thổ của Do Thái Giáo.
Ðọc lại đoạn văn, chúng ta có thể lưu ý đến hai đặc điểm chính của cộng đoàn quanh Chúa Giêsu, tiêu biểu cho cộng đoàn Giáo Hội Chúa trong tương lai. Trước hết, có thể nói đây là một cộng đoàn phổ quát, vượt ra bên ngoài ranh giới của dân tộc Do Thái. Sự độc quyền nhờ ân sủng Chúa nơi một dân tộc đã chấm dứt. Mọi người, mọi dân Chúa đã mời gọi gia nhập vào cộng đoàn này.
Ðặc tính thứ hai là trật tự mới của cộng đoàn được thiết lập qui về Chúa là trung tâm và có mười hai tông đồ được Chúa Giêsu chọn riêng ra, được Người huấn luyện và trao cho sứ mạng, chăm sóc, hướng dẫn cộng đoàn mới.
Tông đồ Phêrô được nhắc đến trong đoạn văn là kẻ đứng đầu nhóm Mười Hai: "Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con". Các tông đồ và cộng đoàn theo Chúa đã nghe lời Ngài nhiều hơn sau những biến cố vượt qua của Chúa, khi Giáo Hội được khai sinh. Chúa Giêsu đã chuẩn bị để nhóm Mười Hai tông đồ này trở thành nền tảng cho toàn thể Giáo Hội mới của Chúa. Hơn nữa, con số mười hai tông đồ là biểu hiện thứ nhất có ý nghĩa nhắc đến mười hai chi tộc của toàn dân Do Thái trong thời Cựu Ước. Dân mới của Chúa thời Tân Ước được mở rộng đón nhận toàn thể nhân loại không ai bị loại ra khỏi chương trình cứu rỗi của Chúa.
Lạy Chúa,
Chúng con tin và cảm tạ Chúa vì đã thiết lập Giáo Hội như một cộng đoàn qui tụ dân Chúa, một cộng đoàn có tổ chức được các tông đồ hướng dẫn qua mọi thời đại. Chúa không ngừng tuyển chọn những con người mới trong dòng lịch sử để tiếp tục sứ mạng của Chúa trên trần gian này. Sự yếu đuối của con người có thể xảy ra như đã xảy ra với Giuđa Ítcariốt, kẻ phản bội Chúa, nhưng chương trình cứu rỗi của Chúa không vì thế mà bị hư mất. Xin thương qui tụ chúng con lại trong tình yêu Chúa và củng cố đức tin chúng con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Chọn mười hai tông đồ

Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ. (Lc. 6, 12-13)
Đây là một ngày đặc biệt với Đức Kitô. Đã đến giờ Người nghĩ phải tiến lên. Người sẽ phải ra đi, ngày đó không còn xa lắm. Cần phải bảo đảm tiếp tục công việc của Người. Cần cho lời Người được loan truyền đến tận cùng thế giới. Cần cho sứ điệp cứu độ đến chúc phúc cho mọi người. Vậy cần có những sứ giả đem giao ước Tin Mừng được Thiên Chúa quyết định hoàn tất cho loài người. Một giao ước mới vượt trên mọi giao ước đã có từ trước đến lúc này.
Ai có thể bảo đảm lãnh trách nhiệm này? ai xứng đáng trong những chàng thanh niên đang đi theo Người? Người biết những giới hạn và lòng quảng đại của họ. Người lên núi cầu nguyện suốt đêm cùng Thiên Chúa để biết rõ chọn lựa chắc chắn. Tin Mừng Thánh Lu-ca kể Đức Giêsu cầu nguyện mười một lần, những lần đó luôn luôn là những lần quan trọng trong cuộc đời của Chúa: ở sông Gióc-đan trước lúc Thánh Thần ngự xuống trên Người, khi đông đảo dân chúng đến nghe Người giảng, trước khi Phê-rô tuyên xưng đức tin, lúc Chúa biến hình, trước khi loan báo về cái chết của Người, lúc các môn đệ đi truyền giáo lần thứ nhất về, lúc dạy kinh lạy cha, trước khi chịu thương khó, cầu cho đức tin của Phê-rô đứng vững, lúc hấp hối trong vườn cây dầu, trong lúc treo trên thánh giá, lúc phó linh hồn trong tay Chúa Cha.
Khi chọn muời hai tông đồ, Người hướng về Đấng đã sai Người mà cầu nguyện xin ơn soi sáng và sức mạnh. Rồi xuống với các môn đệ và chọn mười hai người, ai sẽ chối Người và ai sẽ phản bội Người. Một đội quân biệt động! vô học thức, vô giáo dục, vô trường lớp, chẳng ai biết tiếng tăm họ. Họ thuộc loại phó thường dân, quá tầm thường, phần đông là dân chài. Chính trên đó Đức Giêsu xây Giáo Hội. Thật nghịch lý! một ông thầy sau khi đã dạy như điên về thập giá, sẽ chịu đóng đinh treo trên thập giá. Và các tông đồ cũng chẳng có vẻ gì nổi, họ tiếp tục cuộc mạo hiểm mâu thuẫn, vẫn kéo dài và sẽ kéo dài vô cùng.
GF


SUY NIỆM 7:

1. Đức Giê-su lên núi
“Đức Giêsu đi lên núi cầu nguyện”. Bởi vì, trong lịch sử cứu độ, núi là biểu tượng của nơi Thiên Chúa hiện diện:
Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong Nhà Chúa,
được ở trên núi thánh của Ngài.
(Tv 15)

Con yêu mến Ngài Lạy Chúa, là sức mạnh của con,
Lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con.
(Tv 18)

Với câu Thánh Vịnh được trích dẫn ở trên, núi còn là một tên gọi của Đức Chúa: “Người là Núi Đá”. Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần một nơi diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa.
Trước đó, Đức Giêsu ở trong hội đường giảng dạy và chữa bệnh; bây giờ Ngài lên núi để cầu nguyện. Đó chính là hai chiều kích làm nên chính cách sống của Đức Giê-su, chiều kích hoạt động (hay làm việc) và chiều kích cầu nguyện. Và đó cũng là hai chiều kích làm nên đời sống của tất cả những ai đi theo Đức Giê-su trong ơn gọi gia đình, và nhất là trong ơn gọi dâng hiến, dù đan tu hay tông đồ. Và quả thực, hàng ngày chúng ta vẫn sống theo nhịp sống của Đức Giê-su: hoạt động và cầu nguyện đan xen nhau mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi giai đoạn huấn luyện và cả đời sống Ki-tô hữu và đời sống dâng hiến của chúng ta.
Đôi khi, nhịp sống này đối với chúng ta trở thành nặng nề, nhất là cầu nguyện. Nhưng dưới ánh sáng cuộc đời của Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là một ơn huệ, ơn huệ được trở nên giống Chúa ở mức độ đơn sơ nhưng thiết yếu nhất. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng đi vào tâm tình tạ ơn và làm trổ sinh hoa trái trong đời sống của chúng ta.
2. Đức Giêsu chọn các tông đồ
Mỗi lần Đức Giê-su lên núi cầu nguyện và cầu nguyện suốt đêm, chính là để chuẩn bị làm một việc hệ trọng. Giống như chúng ta đi tĩnh tâm, trong những thời điểm quan trọng trong hành trình làm người và nhất là trong hành trình ơn gọi.Trước khi Đức Giê-su chọn mười hai vị mà Ngài gọi là Tông Đồ, có thể nói Người đã “tĩnh tâm” tĩnh tâm trước. Điều này có nghĩa là, ơn gọi của các tông đồ và ơn gọi của chính chúng ta, không phải là một chuyện may rủi, hay do nỗ lực “trụ lại bằng mọi giá”, nhưng là một việc hệ trọng đối với Chúa, Chúa phải chuẩn bị bằng một đêm cầu nguyện trên núi với Thiên Chúa Cha.
« Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông ». Như thế, ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của Chúa. Và ơn gọi của chúng ta cũng vậy, cho dù chúng ta đã đến với đời sống ơn gọi của chúng ta như thế nào, bởi những động lực hay lí do nào. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời sống ơn gọi của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đỗ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.
Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời ; nhưng theo Thánh Phao-lô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời. Xác tín này giúp chúng ta nhận ra rằng, ơn gọi là một ơn hoàn toàn nhưng không, chúng ta được Chúa tạo dựng là để sống ơn gọi mà chúng ta đang sống (Tv 139; Gl 1, 15).
Và Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng gọi tên từng người chúng ta. Chúng ta hãy hình dung từng khuôn mặt ngang qua tên gọi : ngoại hình, nguồn gốc, tương quan, khuynh hướng, nghề nghiệp, thao thức… Như thế, các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đầy giới hạn, bất toàn như chúng ta. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa là nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người được gọi. Ghi nhớ lòng tin « muôn ngàn đời » của Chúa đặt để nơi chúng ta, khi chúng ta chưa là gì và khi đã « là gì », thì là gì một cách rất bất xứng và sẽ mãi mãi « là gì » rất bất xứng, sẽ khởi dậy nơi chúng ta lòng khát khao đáp trả cách quảng đại và nhưng không.
3. Đức Giêsu và các tông đồ xuống núi
Các tông đồ được chọn ở trên núi, nhưng chính là để theo Đức Giê-su xuống núi, vì cả một nhân loại đông đúc đang mong chờ để nghe lời Đức Giê-su và để được chữa lành. Nhưng các ông chưa phải làm gì cả, chỉ lắng nghe Đức Giê-su giảng và nhìn ngắm Ngài chữa lành bệnh tật, nhất là nhìn ngắm sự kiện: “Tất cả đám đông tìm cách đụng vào Ngài, vì có một năng lực tự nơi Ngài phát ra, chữa lành hết mọi người”.
Các tông đồ và cả chúng ta nữa, sẽ được Đức Giê-su tin tưởng trao ban sứ mạng thực hiện cùng những gì mà Ngài đã làm, nghĩa là rao giảng Lời Chúa và phục vụ sự sống của nhiều người. Nhưng dù chúng ta làm việc gì, có chức vụ gì, sứ mạng của chúng ta vẫn là giúp người ta “đụng chạm” cho được Đức Ki-tô. Nhưng thật ra, Ngài vẫn đến “đụng chạm” chúng ta hằng ngày ngang qua Lời của Ngài và Thánh Thể của Ngài. Xin cho chúng ta biết để cho Chúa “đụng chạm”, như khi chúng ta còn nằm trong bụng mẹ (x. Tv 139, 13-16) và cảm nhận được, từ nơi Ngài, xuất phát một sức mạnh chữa lành tất cả và tái sinh chúng ta cho sự sống và cho Gia Đình Nhân Loại mới của Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận