Thứ Sáu tuần 3 mùa vọng.

Đăng lúc: Thứ sáu - 16/12/2016 01:53 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Sáu tuần 3 mùa vọng.

"Gioan là đèn cháy sáng".

 

 

LỜI CHÚA: Ga 5, 33-36

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do Thái rằng: Các ngươi đã sai người đến hỏi Gioan và ông đã làm chứng cho sự thật. Còn Ta, Ta không ỷ vào lời chứng của một người, nhưng Ta nói thế là để các ngươi được cứu thoát.

Gioan là đèn cháy sáng, và các ngươi trong một lúc đã vui mừng vì ánh sáng đó.

Nhưng phần Ta, Ta có chứng cao trọng hơn chứng của Gioan: đó là những việc Cha Ta đã giao cho Ta thực hiện, chính các việc mà Ta đang làm minh chứng rằng Cha đã sai Ta.

 

 

 

Suy Niệm 1: Sức mạnh và giới hạn của chứng tá

Lời Đức Kitô hôm nay làm ta suy nghĩ về sức mạnh và giới hạn của chứng tá.

Từ đâu phát sinh sức mạnh của chứng tá cho Đức Giêsu? Sức mạnh ấy phát sinh từ phẩm chất của giáo thuyết, từ uy quyền của phép lạ, từ những dấu hiệu của lòng nhân từ, đại độ. Chúa Giêsu nói: những công việc Người làm chứng tỏ rằng chính Chúa Cha đã sai Người đến, vì chỉ có Chúa Cha mới có thể ban quyền năng để làm các điều đó. Quả thực, công việc Chúa Giêsu đã thu hút sự chú ý của người Do Thái, nhưng tại sao họ không biết đọc cái chứng tá mà công việc kia mang lại? Vì, trong trật tự đức tin, chứng tá tự giới hạn lại để tôn trọng tự do. Nó đòi hỏi được đón nhận cách tự do bởi những tâm hồn ngay thẳng, những cõi lòng tự do, những trí khôn lương thiện.

Mà Do Thái thì chất đầy những đam mê chính trị và quốc gia, những thành kiến, tư lợi và hẹp hòi trong việc hiểu biết Lề Luật. Trong những điều kiện như thế, họ đóng kín trước chứng tá do các việc Chúa Giêsu làm. Trí khôn con người là thế đó: họ còn đi đến chỗ dùng ngay các việc của Chúa mà đả lại Người.

Ta có dám quả quyết rằng hiện tượng đó là một chuyện của quá khứ, không liên quan gì tới ta nữa chăng? Hiện nay một số người dùng Phúc Âm chống lại Phúc Âm. Mà họ lại được nhiều người nghe theo. Phần ta, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp ta đọc Phúc Âm, nghĩa là nghe chứng từ của Đức Giêsu với một tâm hồn ngay thẳng, một cõi lòng tự do, một trí khôn lương thiện. Bởi vì không ai đến với Chúa Giêsu nếu không được Chúa Cha lôi kéo, nên ta hãy cầu nguyện cùng Chúa Cha đừng bao giờ để tình trạng mơ hồ, nước đôi ngăn cản con mắt ta đọc chứng tá mà Chúa Thánh Thần đang đem tới về Đức Kitô hôm nay.

(Trích trong ‘Lương Thực Hàng Ngày’)

 

Suy niệm 2

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nhiều lần nói về mình:
“Tôi là Ánh sáng thế gian” (8,12; 9,5; 12,46).
Ngài là Ngôi Lời, là Ánh sáng thật đến trong thế gian này
để chiếu soi mọi người chẳng trừ ai (Ga 1,9).
Tiếc thay có những người đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng,
vì các việc họ làm thì dối trá và xấu xa (3,19-21).
Người ta né tránh ánh sáng vì sợ việc mình làm bị bại lộ.
Nhưng ai sống theo sự thật sẽ bị thu hút bởi ánh sáng của Đức Giêsu.
Ai theo Ngài sẽ không phải đi trong bóng tối, không sợ vấp ngã (11,10),
nhưng sẽ có ánh sáng đem lại sự sống (8,12).
Ai tin vào Ngài sẽ không sẽ không ở lại trong bóng tối (12,46),
nhưng sẽ trở nên con cái ánh sáng (12,36).

Gioan Tẩy giả là người được Thiên Chúa sai đến
để làm chứng cho Ánh sáng là Đức Giêsu (1,7-8).
Ông là nhịp cầu để mọi người nhờ ông mà tin vào Ánh sáng.
Gioan không phải là Ánh sáng, dù ông đến trước Đức Giêsu.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài gọi ông là ngọn đèn cháy sáng (c.35).
Đức Giêsu còn nhắc lại chuyện người Do thái đã cử người đến gặp Gioan.
Và ông đã làm chứng cho sự thật (c.33 ; x. 1,19-28).
Sự thật là : Đức Giêsu, Đấng đến sau ông thì cao trọng hơn ông nhiều.
Ông chỉ là ngọn đèn, còn Đức Giêsu là Ánh sáng.
Đám đông đã nhờ ngọn đèn ấy mà đến với Ánh sáng.
Ngọn đèn của Gioan rực sáng giữa lúc dân Do-thái chờ mong,
và họ đã vui sướng kéo đến với Gioan để hưởng ánh sáng ấy.
Tiếc thay điều ấy chỉ kéo dài một thời gian, rồi tàn lụi.
Vì nhiều người không tin Đấng là Ánh sáng mà Gioan làm chứng.

Chúng ta đã gần đến ngày mừng Lễ Chúa Giáng Sinh.
Lễ Giáng Sinh là lễ mừng Ánh sáng đi vào thế gian tối tăm này.
Thế giới hôm nay đã được điện khí hóa, và sáng hơn xưa,
nhưng bóng tối của tội lỗi và sự chết vẫn còn đó.
Con người luôn có tự do để đón nhận hay từ khước ánh sáng.
Bóng tối sẽ bủa vây khi tôi đóng cửa lòng mình.
Thực sự mừng lễ Giáng sinh là dám mở ra trước Ánh sáng,
không dấu diếm tình trạng tăm tối, lạc hướng của mình,
nhìn nhận mình đã rời xa sự thật, sự thiện và sự sống.
Chỉ khi khiêm hạ nhận mình đang bị tối tăm đè bẹp,
ta mới đẩy lui được sự thống trị của bóng tối nơi ta.

Mừng Giáng Sinh bằng trang trí nhiều đèn màu, không đủ.
Chỉ mong tôi để Ánh sáng Chúa đi vào bóng tối đời mình,
biến tôi thành một ngọn đèn cháy sáng như Gioan
để đem lại niềm vui sống cho thế giới hôm nay.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa là Ánh sáng thân thương,
giữa những bủa vây của u sầu ảm đạm,
xin Chúa dẫn con đi.

Đêm thì tối, đường còn xa,
xin Chúa dẫn con đi,

xin giữ bước chân con.

Con đâu dám xin thấy tương lai xa xôi,
chỉ thấy một bước trước mặt cũng đủ rồi.

Chưa bao giờ con như bây giờ,
cũng chưa bao giờ con xin Chúa dẫn.

Con đã quen chọn và thấy con đường của mình.
Nhưng giờ đây,
xin Chúa dẫn con đi.

 

Chân phước John Henry Newman

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Suy niệm 3

  1. Tôi, tôi không phải nhận lời chứng của một người »

Thánh Gioan Tẩy Giả có tương quan đặc biệt và có thể nói là duy nhất với Đức Kitô. Thực vậy, Đức Giêsu nói rằng, Gioan còn hơn cả một ngôn sứ, « Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng : này ta sai sứ giả của ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho con đến » (Lc 7, 27) ; « trong số phàm nhân lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn Gioan ».

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nhìn nhận vai trò của thánh Gioan : « Ông Gioan làm chứng cho sự thật », sự thật ở đây không chỉ là sự kiện có thật, nhưng còn là một Ngôi Vị, vì Sự Thật là chính Đức Kitô ; và Đức Giêsu còn nói : « Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng ».

Tuy nhiên, câu nói sau đây của Đức Giêsu chắc chắn sẽ làm cho chúng ta ngặc nhiên : « Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân » ! Hay dịch lại sát nghĩa theo bản văn Hy Lạp : « tôi, tôi không phải nhận lời chứng của một người ». Câu nói của Đức Giêsu có nhẹ đi một chút, nhưng vẫn gây bối rối. Phải chăng, Đức Giêsu không cần đến lời chứng của Gioan, không cần đến lời chứng của con người, không cần đến lời chứng của chính chúng ta ?

 

  1. Lời chứng và Sự Thật

Lời của Đức Giêsu về thánh Gioan mời gọi chúng ta nhận ra khoảng cách tất yếu và không thể lấp đầy giữa lời chứng và Sự Thật, vốn là chính Ngôi Vị Đức Giêsu. Lời chứng dù cuốn hút, uyên bác hay có sức thuyết phục mấy đi nữa, cũng không thể nào thay thế cho chính Sự Thật ; và Sự Thật chỉ có thể được đón nhận bằng kinh nghiệm gặp gỡ trực tiếp mà thôi.

Chúng ta hãy nhớ lại cuộc đối thoại giữa Philiphê và Nathanael. Ông Philípphê đi tìm gặp ông Nathanael và nói : « Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp : đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét. ». Nhưng Nathanael không được đánh động và cũng chẳng bị thuyết phục , ông trả lời: « Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? » Qua hai lời đối đáp rất ngắn này, chúng ta có rút ra những kết luận rất thực tế và cũng rất « nghiêm trọng » liên quan đến giá trị thật của lời chứng:

  • Chứng nhân thì chắc chắn về điều mình nói ; đó là điều kiện thiết yếu để trở thành chứng nhân.
  • Chắc chắn về điều mình nói, nhưng chứng nhân lại không thể thuyết phục được nguời khác. Bởi lẽ, kinh nghiệm của chứng nhân luôn luôn mạnh hơn và tận căn hơn lời chứng và những giải thích!

Chính vì thế, Philipphê nói với Nathanael : « Hãy đến và xem ». Lời chứng chỉ hiệu quả khi nó thúc đẩy người nghe, không phải cúi mình trước lời chứng, nhưng là đến lượt mình, đích thân thực hiện một kinh nghiệm. Bởi vì, chân lí, nhất là chân lí nhân linh và thần linh (khác với chân lí vật lí) không có bằng chứng nào khác, ngoài chính mình (tương tự như lời giới thiệu về trái soài và kinh nghiệm thưởng thức trái soài). Chính vì thế, Đức Giê-su nói : « tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan : đó là những việc Chúa Cha đã trao cho tôi để tôi hoàn thành ; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi ».

Lời chứng của chúng ta về Đức Kitô, Đấng là Sự Thật, sẽ phải là như thế đó : tuyệt đối không thể thay thế cho Sự Thật, và chỉ có giá trị trong mức độ là lời mời gọi người khác đến gặp gỡ trực tiếp Sự Thật. Điều này làm cho chúng ta thật an ủi, nhất là khi mình không có khiếu ăn nói, không nhiều tài năng, không thông minh hơn người, không được học nhiều, và có được học cũng không học giỏi lắm ! Tài cao học rộng là một lợi thế, nhưng cũng là một nguy cơ, nguy cơ rất lớn và rất nghiêm trọng, khi tự biến mình thành Sự Thật !

Bởi vì Đức Ki-tô, từ Thiên Chúa mà đến, nên Ngài chỉ có thể được làm chứng bởi chính Thiên Chúa mà thôi : « Chúa Cha Đấng đã sai tôi cũng đã làm chứng cho tôi » (c. 37). Chỉ cóĐấng hoàn hảo mới có thể làm chứng và mặc khải Đấng hoàn hảo mà thôi (x. Ga 1, 18). Vì thế, chính khi chúng ta ước ao Thiên Chúa, khi đọc Kinh Thánh và đọc đời mình, chúng ta sẽ được dẫn đến với Đức Kitô ; bời vì Kinh Thánh kể về lịch sử cứu độ, nghĩa là một lịch sử trong đó Thiên Chúa hiện diện và dẫn đưa tới sự sống mới trong Đức Ki-tô ; vì thế Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng : « chính Kinh Thánh làm chứng về tôi » (c. 39). Và dưới ánh sáng của Kinh Thánh, chúng ta được mời gọi nhận ra và xác tín rằng, cuộc đời của chúng ta cũng là « một lịch sử thánh ». Vậy, chính khi chúng ta say mê Tuyệt Đối và những gì cao quí, hướng về Tuyệt Đối, chúng ta sẽ nhận ra sự Tuyệt Đối nơi Đức Ki-tô. Điều này đúng cho tất cả mọi người thuộc mọi tín ngưỡng, chẳng hạn Ba Đạo Sĩ.

Đức Ki-tô dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa và Thiên Chúa dẫn chúng ta đến với Đức Ki-tô ! Như có lần Đức Giê-su nói, chỉ có con cái sự khôn ngoan mới nhận ra Đấng Khôn Ngoan mà thôi. Điều này, có vẻ « luẩn quẩn », nhưng trong những gì liên quan đến Thiên Chúa, chúng ta không có cách nào khác. Như vị hiền sĩ xác tín trong sách Huấn Ca :

Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng,
để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người.

(Hc 17, 8)

 

  1. « Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng »

Như Gioan, chúng ta được mời gọi tự nhận mình chỉ là một « tiếng kêu » mà thôi ; giống như Đức Mẹ, người ta ban tặng đủ mọi tước hiệu cho Mẹ, nhưng Mẹ chỉ tự nhận cho mình một « tước » mà thôi : « Nữ Tì của Thiên Chúa ».

Hình ảnh mà Đức Giêsu dùng để nói về Gioan thật đẹp và thật đúng : Gioan là ngọn đèn cháy sáng. Ông không phải là sánh sáng, và ánh sáng có ở nơi ông là ánh sáng của chính Đức Kitô. Chúng ta hãy là cái đèn để đón nhận và tỏa sáng chính :

« Ánh Sáng Ngôi Lời, Con Thiên Chúa »,
« Ánh Sáng Đức Ki-tô chịu đóng đinh »,
« Ánh Sáng Đức Ki-tô, là Chân Lý
và là hiện thân sự Quan Phòng của Thiên Chúa ».

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Song ngữ

nha cau nguyen

Friday (December 16): “I will make them joyful in my house of prayer for all peoples”

 

Gospel Reading:  John 5:33-36 

33 You sent to John, and he has borne witness to the truth. 34 Not that the testimony which I receive is from man; but I say this that you may be saved. 35 He was a burning and shining lamp, and you were willing to rejoice for a while in his light. 36 But the testimony which I have is greater than that of John; for the works which the Father has granted me to accomplish, these very works which I am doing, bear me witness that the Father has sent me. 

Thứ Sáu :    (16-12)     “Ta sẽ làm cho họ vui mừng trong nhà cầu nguyện của Ta dành cho mọi người”

 

Ga 5,33-36

33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.35Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.

Meditation: Do you know the joy of the Gospel – the good news that the Father in heaven sent his only begotten Son, the Lord Jesus Christ, to set us free from the kingdom of darkness, death, and Satan? Jesus’ opponents refused to accept his authority to speak and act in the name of God. And they refused to believe that he was sent from the Father in heaven. They demanded evidence for his claim to be the Anointed Messiah and divine Son of the eternal Father. Jesus answered their charges with the supporting evidence of witnesses. The law of Moses had laid down the principle that the unsupported evidence of one person shall not prevail against a man for any charge of wrongdoing (see Deuteronomy 17:6). At least two or three witnesses were needed.

John was a burning and shining lamp

 

Jesus began his defense by citing John the Baptist as his witness, since John publicly pointed to Jesus as the Messiah and had repeatedly borne witness to him (see John 1:19, 20, 26, 29, 35, 36). Jesus called John a burning and shining lamp that illuminated the minds and hearts of those who were ready to hear the prophetic message he spoke in God’s name. A lamp cannot light itself – it must be lit from a borrowed source. The function of a lamp is to illumine the darkness and to guide people. John pointed to the coming of the Messiah, the Lord Jesus Christ who is the true source of light which comes from God. Jesus came to open the eyes of the blind and to free people from the blindness of sin, deception, and ignorance. Jesus proclaimed, “I am the light of the world – he who follows me will not walk in darkness, but will have the light of life” (John 8:12).

Jesus’ mighty signs witness to the coming of God’s kingdom in his person
Jesus asserted that a second and greater witness to his claim to be the Messiah were the mighty signs and miracles which he performed. He cites his own miraculous works, not to point to himself but to point to the power of God the Father working in and through him. He cited God the Father as his supreme witness. 

Jesus also asserted that the word of God in the Old Testament Scriptures, including the first five books of Moses, pointed to him as the promised Messiah and  Savior. The problem with the scribes and Pharisees was that they did not fully believe what Moses had written. They desired the praise of their own people and since they were so focused on themselves, they became blind-sighted to God and to the truth of his word. They were so preoccupied with their own position as authorities and interpreters of the law that they became hardened and unable to understand the word of God. Their pride made them deaf to God’s voice.

God reveals his light and truth to the humble of heart 

Scripture tells us that God reveals himself to the lowly of heart, to those who trust not in themselves but in God alone (Matthew 11:25-27,29 and Luke 10:21-22). The lowly of heart listen to God’s word with an eagerness to learn and to obey. The Lord Jesus reveals to us the very mind and heart of God. Through the gift of the Holy Spirit he opens our ears so that we may hear his voice and he fills our hearts and minds with the love and knowledge of God. Do you believe that God’s word has power to set you free from the blindness of sin and deception? If you believe in his word you will know the truth and the truth will make you free to walk in his way of love and righteousness (John 8:32).

“Lord Jesus, fill me with your Holy Spirit that I may listen to your word attentively, obey it fully, and live it joyfully.”

 

Suy niệm:  Bạn có biết niềm vui của Tin mừng – Tin mừng mà Cha trên trời sai Con một yêu dấu của Người đến là Chúa Giêsu Kitô để giải thoát chúng ta khỏi vương quốc của bóng tối, sự chết, và Satan không? Các đối thủ của Đức Giêsu đã khước từ tiếp nhận linh quyền của Người và lời tuyên bố là Con Một đến từ Cha. Họ bực tức đòi hỏi bằng chứng cho lời tuyên bố là Đấng Mêsia của Người và quyền ngang bằng với Thiên Chúa. Đức Giêsu trả lời những chất vấn của họ với tính rõ rệt ủng hộ của các chứng từ. Lề luật Môisen đã đưa ra nguyên tắc bằng chứng không có sự ủng hộ của một người sẽ không thể chống lại người khác vì bất kỳ tội phạm hay điều sai trái nào trong sự liên kết với bất kỳ tội phạm nào mà họ đã phạm (Đnl 17,6). Ít nhất hai hay ba nhân chứng được nại đến.

 

Gioan là ngọn đèn cháy sáng

Đức Giêsu bắt đầu sự biện hộ của mình bằng việc trích dẫn Gioan tẩy giả như là một chứng nhân, vì Gioan công khai chỉ Đức Giêsu là Đấng Mêsia và đã ủng hộ Người (Ga 1,19.20.26.29.35.36). Đức Giêsu gọi Gioan là ngọn đèn cháy sáng chiếu tỏa cho những tâm trí những ai sẵn sàng lắng nghe sứ điệp tiên tri mà ông nói nhân danh Thiên Chúa. Ngọn đèn không thể tự cháy – nó phải được thắp từ một nguồn khác. Chức năng của đèn là chiếu sáng bóng tối và dẫn dắt người ta. Gioan chỉ cho thấy việc Đấng Mêsia đến, Chúa Giêsu Kitô, Đấng là nguồn ánh sáng đích thật đến từ Thiên Chúa. Đức Giêsu đến mở mắt cho người mù và giải thoát con người khỏi bóng tối của tội lỗi, sự lừa dối, và ngu dốt. Đức Giêsu tuyên bố “Ta là ánh sáng thế gian – ai theo Ta sẽ không đi trong đêm tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống” (Ga 8,12).

Các dấu lạ vĩ đại của Đức Giêsu làm chứng cho vương quốc Thiên Chúa đến nơi chính Người

Đức Giêsu cũng thêm rằng bằng chứng thứ hai lớn hơn cho căn tính của Người là những dấu lạ Người đã làm. Người trích dẫn về những công việc của mình, không nhắm đến chính mình, nhưng nhắm đến quyền năng của Thiên Chúa đang thực hiện trong Người và qua Người. Người trích dẫn Thiên Chúa là bằng chứng lớn nhất của mình.

Đức Giêsu quả quyết rằng Lời Chúa trong Cựu ước, bao gồm năm sách đầu tiên của Môisen, đều nói đến Người là Đấng Mêsia và là Đấng cứu độ theo lời hứa. Vấn đề với các luật sĩ và người Pharisêu là họ không tin những gì Môisen đã viết. Họ muốn được người khác khen ngợi và vì họ quá quy chiếu về mình, họ trở nên mù quáng trước Thiên Chúa và trước chân lý của Lời Người. Họ quá chú trọng đến chức vụ của họ là nhà cầm quyền và là người giải thích luật đến nỗi họ trở nên chai đá và không thể hiểu được Lời Chúa. Sự kiêu ngạo của họ đã làm cho họ nên câm điếc trước tiếng nói của Thiên Chúa.

Thiên Chúa bày tỏ ánh sáng và chân lý của Người cho những kẻ khiêm hạ trong lòng

Kinh thánh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa bày tỏ mình cho những ai có lòng khiêm nhường, những người không tin cậy vào bản thân nhưng tin cậy vào một mình Thiên Chúa (Mt 11,25-27.29 và Lc 10,21-22). Người khiêm nhường lắng nghe Lời Chúa với lòng nao nức học hỏi và vâng phục. Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta tâm trí đích thật của Thiên Chúa. Ngang qua hồng ân của Chúa Thánh Thần, Người mở tai chúng ta để chúng ta có thể lắng nghe tiếng của Người và Người sẽ lấp đầy lòng trí chúng ta với tình yêu và sự hiểu biết về Thiên Chúa. Bạn có tin rằng Lời Chúa có sức mạnh giải thoát bạn khỏi sự mù quáng của tội lỗi và sự lừa dối không? Nếu bạn tin vào Lời Người, bạn sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giúp bạn tự do bước đi trong đường lối tình yêu và công chính của Người (Ga 8,32).

Lạy Chúa, xin lấp đầy nơi con Thánh Thần của Chúa, để con có thể lắng nghe Lời Chúa cách chăm chú và vâng phục nó trong hân hoan.”

 

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu chuyển ngữ

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộ
 

Từ khóa:

thế là

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận