Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo

Đăng lúc: Thứ hai - 12/12/2016 23:48 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Ba tuần 3 mùa vọng – Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

"Gioan đến và những kẻ tội lỗi tin ngài".
 

Thánh LUCIA 
đồng trinh, tử vì đạo
(Thế kỷ IV)

Theo lịch sử, chắc chắn là đã có một thánh nữ tử vì đạo tên là Lucia và mộ Ngài được tìm thấy trong hang toại đạo của các Kitô hữu Syracusa. Sau đây là câu chuyện về cuộc tử vì đạo của Ngài.

Lucia là một thiếu nữ quí phái người Syracusa tại thủ đô miền Sicily. Mẹ Ngài gốc người Hy Lạp tên là Eutychia, có nghĩa là hạnh phúc. Sớm thành goá phụ, bà đã gắng chuẩn bị cho Lucia một điạ vị cao bằng cách dưỡng dục thánh nữ theo tinh thần Kitô giáo. Bà thường nói với con gái mình về lòng can đảm của các vị tử vì đạo đã tưới máu trên đế quốc hai thế kỷ qua. Như ở Sicily, tại hải cảng Catana, nửa thế kỷ trước thánh nữ Agatha thay vì chối bỏ đức tin, đã khước từ tình yêu của quan cầm quyền và trung thành với Chúa Kitô giữa các cực hình.

Mẫu gương đáng phục này đã ám ảnh Lucia và khi Eutychia nhận lời cầu hôn cho con gái mình, Lucia khẩn cầu Chúa cất xa những cuộc cưới hỏi trần thế để dâng hồn xác phụng sự một mình Ngài thôi. Bỗng Eutychia ngã bệnh, Lucia lấy cớ này để đình hôn. Dầu vậy, Ngài thấy buồn vì mẹ khổ lâu, nên khuyên bà kêu cầu với thánh nữ Agatha, Ngài đưa mẹ đi Cathana để dưỡng bệnh. Khi đó, Ngài xem thường những sắc lệnh bách hại đạo của Điôclêtianô, khấn hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa. Ngài đòi phân gia tài để phân phát cho người ghèo. Ngài nói: "Dâng cho Chúa điều người ta không mang theo sau khi chết thì cũng không có gì là nhiều."

Nhưng người theo đuổi Lucia thấy Ngài bán nữ trang và ruộng đất rồi phát cho người khổ cực, liền nổi giận và tố cáo với Paschse là người cầm quyền ở Syracusa. Lucia bị cầm tù. Trước tòa, Ngài đã trả lời cách đáng phục :

"Giờ thì tôi chẳng còn gì nữa để dâng, tôi dâng chính mình như bánh thánh lên Thiên Chúa tôi cao. Ông run rẩy trước mặt Thiên Chúa, còn tôi, tôi kính sợ Thiên Chúa. Ông muốn làm đẹp lòng họ, còn tôi, tôi chỉ có một ước vọng là làm đẹp lòng Chúa Kitô thôi. Những người thiêu huỷ thân xác là những người bỏ niềm vui mau qua để đổi lấy những niềm vui đời đời. Thánh Phaolô tông đồ đã nói: Ai sống trong sạch và đạo đức là đền thờ Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần ở trong họ. Thân thể chỉ ra nhơ uế nếu linh hồn đồng tình với nó".

Nhà cầm quyền truyền trao Lucia cho bọn đâm đãng để làm nhục cho đến chết. Nhưng Ngài đã thành một sức mạnh khủng khiếp khiến bao sức lực của họ cũng không thể kéo Ngài đi được. Người ta kêu các phù thủy, đưa bò đến kéo nhưng không nghĩa lý gì đối với sự bất động của trinh nữ.

Người ta đốt lửa cũng không chạm tới Ngài. Sau cùng, người ta dùng giáo đâm cổ Ngài, nhưng Ngài còn tiên báo một cách lạ lùng: "Tôi báo cho các ngươi biết rằng, Giáo hội Chúa được ơn bình an vì hôm nay Điôclêtiano bị đuổi khỏi đế quốc, Maximianô phải chết. Và như Catana vui sướng được chị tôi là Agatha bảo trợ, thành Syracusa được Chúa ban cho tôi, nếu các ngươi hết lòng thực hiện thánh ý Chúa".

Và dân Sicily thấy Paschase bị xiềng. César biết được rằng ông ta sẽ chiếm thành. Lucia trước khi chết đã được rước Mình Chúa do các linh mục đem đến.

Lucia là tên do từ ngữ Lux, nghĩa là ánh sáng. Như ánh sáng, gương mẫu đời Ngài dẫn các linh hồn lên trời. Tên Ngài khiến những ai đau mắt thường kêu cầu Ngài.

 

Nguồn: 
 Theo vết chân Người

 

Có lẽ thánh nữ đã chịu chết ở Xyracuxa, thời hoàng đế Điôlêxianô bách hại đạo (340). Ngay từ thời xa xưa, hầu như cả Hội Thánh Rôma đã tôn kính rồi ghi tên người vào Kinh Tạ Ơn.

 

LỜI CHÚA: Mt 21, 28-32

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất". Chúa Giêsu bảo họ: "Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".

 

 

 

Suy Niệm 1: Ví dụ hai người con

Mùa đông năm 1982, một phản lực cơ Hoa kỳ bi chết máy đã đâm nhào xuống một dòng sông. Nhiều hành khách sống sót chơi vơi giữa đòng sông giá lạnh. Giữa những người bộ hành chứng kiến, một thanh niên bất chấp dòng nước lạnh đã phóng người xuống sông cứu vớt một thiếu phụ đang chới với trên sóng nước. Hành động này khiến Tổng thống Reagan tuyên dương anh là anh hùng dân tộc. Khi được hỏi lý do việc liều mạng sống, anh trả lời: “tôi đã làm điều tôi phải làm”.

“Tôi đã làm điều tôi phải làm”, lời giải thích trên cũng có thể là lời tuyên tín sống động của những người không hề mang danh hiệu Kitô, nhưng có lẽ lại sống tinh thần Kitô một  cách sâu xa hơn những người vỗ ngực xưng mình là môn đệ Đức Kitô, nhưng cuộc sống lại hoàn toàn là một phản chứng.

Trong Tin mừng, Chúa Giêsu có lẽ muốn đề cao những tín hữu vô danh ấy. Họ có thể là người chưa một lần nghe nói đến tên Chúa. Chưa hề được chịu phép rửa, chưa hề đặt chân đến Nhà thờ; họ cũng có thể là người ngoại đạo, vô thần, nguội lạnh, chống đạo, nhưng đời sống của họ được dệt bằng những hy sinh, quên mình, phục vụ, tử tế, công bình; tôn giáo của họ, nói như Đức Đạt lai Lạt Ma, chính là lòng tử tế.

Lời Chúa hôn nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống mình: có lẽ chúng ta cũng giống như người con thứ hai: miệng thưa vâng, nhưng tay chân chúng ta không muốn thực thi ý Chúa, miệng chúng ta cầu kinh, nhưng lòng trí và cuộc sống lại xa  Chúa.

Thiên Chúa đang đến trong từng phút giây cuộc sống, đó phải là xác tín của chúng ta trong Mùa Vọng này. Và bởi vì Thiên Chúa là Đấng đang có mặt và đang đến, cho nên mỗi phút giây, mỗi biến cố, mỗi gặp gỡ đều phải dẫn tới mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Và như thế cả cuộc sống chúng ta sẽ là lời kinh triền miên dâng lên Chúa.

Hãy để cho lời kinh chúng ta biến thành hành động của phục vụ, hy sinh, liên đới, chia sẻ, và lúc đó trọn cuộc sống chúng ta sẽ là tiếng xin vâng bất tận dâng lên Chúa.

 

SUY NIỆM 2

Hôm nay Chúa Giêsu kể cho các thựng tế và kỳ mục “dụ ngôn hai người con”. Trước ý muốn của người cha trong dụ ngôn, hai người con có hai lời đáp trả: một ở hiện tại, một hướng về tương lai.

-     Người con thứ nhất nghe mệnh lệnh của cha, ngay phút hiện tại anh đã trả lời “không làm theo ý cha”. Nhưng anh ta “hối hận” và sau phút hiện tại không đẹp lòng cha đó anh đã thay đổi, rồi làm theo ý cha.

-     Người con thứ hai nghe mệnh lệnh của cha, anh đã tặng cha câu trả lời vừa ý. Nhưng đó chỉ là câu trả lời đầu môi. Liền sau đó anh ta nuốt lời, quên ngay ý muốn của cha. Tát nhiên việc ấy khiến cha buồn.

-     Chắc hẳn là cha già luôn mong muốn các con mau mắn vâng lời trong hiện tại và sẽ thực thi ngay cả trong tương lai. Nếu người con nào làm được điều này, ắt là cha sẽ vui lòng và thương mến người con đó lắm.

Chúa Giêsu hỏi, ai trong hai người con sẽ làm cho cha và người nghe hài lòng. Các thượng tế và kỳ mục chọn người con thứ nhất. Khi chọn người con thứ nhất, nghĩa là chúng ta đồng ý: chấp nhận thân phận con người hèn yếu trong hiện tại, nhưng biết nhìn lại chính mình hoán cải và thay đổi trong tương lai; biết can đảm phục thiện, biết sửa đổi khiếm khuyết của mình. Khi không đồng ý chọn người con thứ hai, nghĩa là chúng ta chẳng thích “người chỉ mau mồm miệng”, chỉ dạ dạ vâng vâng, nói một đàng làm một nẻo.

Tiến trình của người con thứ nhất đi từ yếu đuối, nhưng can đảm sửa sai, hoán cải và canh tân; tiến trình này đưa dẫn anh đến hoàn thiện. Con đường của người con thứ hai, con đường đi xuống, chỉ biết nói mà không làm, phản bội một lời xin vâng, thay lòng đổi dạ. Con đường này lạc xa chân lý.

Chúa Giêsu nói: những người gái điếm và thu thuế sẽ vào nước trời trước thượng tế và kỳ mục. Nghĩa là, những người chọn hành trình một (1) đi từ yếu đuối, chấp nhận sửa sai tiến đến hoàn thiện là những người sẽ vào Nước Trời. Những ai đi ngược lại, môi miệng, giả tạo, phản bội, là những người chọn hành trình hai (2)…

Chúa Giêsu còn cho rằng những người không chấp nhận yếu đuối phục thiện là những người thiếu đức tin. Như vậy, hành trình dâng hiến, là hành trình chọn hoán cải, chọn phục thiện để đi lên. Hành trình dâng hiến không chấp nhận “giả tạo, môi miệng” và ù lì phản bội.

Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta một con đường. Chúa chấp nhận chúng ta yếu đuối, Chúa hài lòng vì chúng ta biết hoán cải.

Ước gì trong mỗi ngày sống, chúng ta nhận biết mình yếu đuối trong hiện tại, cầu xin Chúa giúp sức để sẽ tốt hơn trong tương lai. Ước gì chúng ta đừng sống đức tin trên môi miệng, ù lì và không chịu hoán cải.

Lạy Chúa, Chúa đón nhận chúng con yếu đuối cả hiện tại lẫn trong tương lai. Xin Chúa thương tha thứ và nâng đỡ con. Xin cho con biết “dừng lại suy nghĩ và hối hận” vì đã không tuân théo ý Chúa, để con làm đẹp lòng Chúa trong suốt cuộc đời con. Amen
 

MInh Thùy

Suy nim 3 

Dụ ngôn hôm nay là một dụ ngôn đặc biệt, với nội dung đơn sơ. 
Đức Giêsu nói dụ ngôn này cho các thượng tế và kỳ mục. 
Một người cha có hai con trai. 
Ông sai đứa con thứ nhất đi làm vườn nho. 
Lúc đầu anh ta từ chối, nhưng sau đó hối hận nên lại đi (c. 29). 
Ông gặp đứa con thứ hai và kêu anh làm cùng một việc. 
Anh mau mắn nhận lời, nhưng rốt cuộc lại không đi (c. 30). 
Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng việc hỏi họ một câu khá dễ: 
“Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của cha?” 
Không mấy khó khăn, các thượng tế và kỳ mục đã trả lời đúng. 
Nhưng họ không ngờ mình mắc bẫy của Ngài 
như xưa vua Đavít đã mắc bẫy của ngôn sứ Nathan (2 Sm 12, 5). 
Bởi chính họ là đứa con thứ hai, nhận lời, nhưng rồi lại không đi, 
chính họ là những người không thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Hẳn giới lãnh đạo ở Giêrusalem sẽ tức điên lên vì nhục nhã 
khi nghe Đức Giêsu nói đứa con thứ nhất 
chính là những kẻ thu thuế và các cô gái điếm (c. 31). 
Theo Đức Giêsu, những người tội lỗi này sẽ vào Nước Trời 
trước cả giới lãnh đạo tôn giáo đầy uy tín, đạo đức, oai phong. 
Tại sao lại có chuyện oái oăm đó? 
Chính thái độ tin hay không tin ông Gioan tạo ra sự khác biệt này. 
Gioan xuất hiện như một hiện tượng nổi bật, ai cũng thấy. 
Các vị chức sắc tôn giáo cũng thấy, 
nhưng sau đó họ không hối hận mà tin (c. 32). 
Còn những người tội lỗi, giống đứa con thứ nhất, 
lúc đầu từ chối cha, nhưng sau đó đã hối hận và vâng lời (c. 29). 
Họ đã tin Gioan và bước vào đường công chính (c. 32).

Từ chỗ nói: “Thưa cha, con đây”, đến chỗ thực sự đi làm vườn nho, 
có một khoảng cách khá lớn, khiến nhiều người ngần ngại. 
Chấp nhận tin là chấp nhận lên đường, bước vào cuộc phiêu lưu. 
Con đường công chính đầy thách đố, bấp bênh và bất trắc. 
Tin vào Gioan đòi hỏi sám hối, để đón Đấng Thiên Sai. 
Nhưng ít người muốn nhận mình có lỗi. 
Có khi cô gái điếm lại dễ hối hận hơn một người công chính. 
Có khi anh thu thuế lại dễ ăn năn hơn một người đạo hạnh. 
Dù sao tin vào Gioan khiến mọi người không được sống như xưa. 
Hơn nữa, niềm tin ấy thế nào cũng dẫn đến tin vào Đức Giêsu. 
Tin vào Đức Giêsu là chấp nhận mất đi những chỗ dựa ổn định. 
Không dám mất thì cũng chẳng dám tin.

Nhiều Kitô hữu hôm nay gặp khó khăn không nhỏ về đức tin, 
vì sống đức tin đòi họ phải trả một giá quá lớn. 
Nếu chúng ta đã có lần nói: Con không muốn đi!
thì chúng ta luôn có thời gian suy nghĩ lại, để tự điều chỉnh, 
và sau đó nói: “Này con đây, xin hãy sai con.”

Cầu nguyn 

Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Suy niệm 4:

  1. Ngôn ngữ “dụ ngôn”

Đức Giêsu nói chuyện với các thượng tế và kì mục. Vị thượng tế thuộc hàng giáo sĩ và là vị đứng đầu Do Thái giáo; họ được vua bổ nhiệm hoặc truất phế. Các kì mục thuộc giới lãnh đạo trong dân, họ là các trưởng thôn làng hay là những người giàu có. Như vậy, các thượng tế là những người lãnh đạo tôn giáo, còn các kì mục là những người lãnh đạo dân sự; cả hai đều có điểm chung là có quyền bình và đi đôi với quyền bính là quyền lợi.

Quyền bính và quyền lợi, dưới mọi hình thức, là những “giá trị” quyến rũ mọi người thuộc mọi thời, trong đạo cũng như ngoài đời. Nhưng như mọi người đều có kinh nghiệm, chúng thường làm tổn hại đến tương quan giữa con người với nhau. Thực vậy, thánh sử Mát-thêu đã kể lại chuyện hai tông đồ Gioan và Giacôbê nhờ mẹ của mình đến xin Đức Giê-su chia sẻ quyền bính trong Nước của Người, và “Khi nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó” (Mt 20, 24). Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu sẽ làm bật lên một sự thật khác nữa, đó quyền bính và quyền lợi còn là những vật cản trở để đón nhận Tin Mừng Ngài loan báo.

Và để giúp các thượng tế và kì mục nhận ra sự thật về mình, Đức Giêsu kể một câu chuyện, hay còn gọi là một dụ ngôn. Kể chuyện là cách giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu: “Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn” (Mc 4, 34). Những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm sống hằng ngày, nhưng lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời. Chúng ta có thể nhớ lại các dụ ngôn mà các Tin Mừng kể lại cho chúng ta.

Ngoài ra, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của mỗi người, dù người đó là ai.

 

  1. Dụ ngôn « Người kia có hai con trai »

Chúng ta quen thuộc nhiều hơn với dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (x. Lc 15, 11-32). Và dụ ngôn “Người kia có hai con trai” trong bài Tin Mừng chúng ta vửa nghe, tuy thật ngắn và ít được nhớ đến, nhưng cũng trình bày cho chúng ta một hình ảnh về người cha nhân hậu không kém : người cha dường như không bắt các con đi làm hàng ngày; người cha mời gọi hơn là ra lệnh; lời người cha thật dịu dàng: “Này con” và ông nói với hai con như nhau; người cha tôn trọng tự do của hai con trong câu trả lời lẫn trong việc thực hành. Dụ ngôn không nói gì về phản ứng sau cùng của người cha ; ông chỉ mời gọi hai con thực hiện ý muốn của mình và ông chờ đợi, chờ đợi trong kiên nhẫn, giống như người cha trong dụ ngôn « Người Cha Nhân Hậu » của sách Tin Mừng theo thánh Luca. Và tình yêu là như thế đó : tôn trọng tự do, mời gọi tự do và chờ đợi tự do.

Đức Giêsu mời gọi các thượng tế và kì mục phán đoán về câu nguyện Ngài vừa kể; và họ phán đoán rất đúng : trong hai người con, người thứ nhất đã thi hành ý muốn của người cha.

Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? Họ trả lời: “Người thứ nhất.”

(c. 31)

Và nếu Chúa hỏi chúng ta, chúng ta cũng phán đoán như thế. Nhưng, nếu Đức Giê-su kể dụ ngôn để cho người nghe phán đoán đúng, thì chính là để giúp họ nhận ra cái gì đó không đúng trong cách họ đón nhận Thiên Chúa, đón nhận những dấu chỉ Thiên Chúa ban, đón nhận sứ điệp, lời gọi của Thiên Chúa, đón nhận Lời Chúa.

Và trong thời của Đức Giê-su, đó là đón nhận dấu chỉ, lời mời gọi của Gioan Tầy Giả. Nhưng dấu chỉ và lời gọi của Gioan lại dẫn người nghe đến với chính Dấu Chỉ « Giê-su », như lời của ông rao giảng : « Phần tôi, tôi rửa cho các anh bằng nước để dục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa » (Mt 3, 11).

  1. Vẻ bề ngoài

Dụ ngôn còn dẫn chúng ta đi xa hơn, đó là Thiên Chúa không xét đoán theo vẻ bề ngoài. Thực vậy, người con thứ nhất, xét theo bề ngoài, anh có vẻ ương ngạnh và ngỗ nghịch, còn người con thứ hai có vẻ ngoan ngoãn và tuân phục. Cũng như những người thu thuế và những cô gái điếm, họ bị người ta xếp loại là những người tội lỗi, không ra gì trong cộng đồng ; nhưng một số khác lại được coi là công chính và đáng kính, đó là các thượng tế, kì mục, luật sĩ, pharisiêu… Trong xã hội, và cả trong Giáo Hội hay cộng đoàn, đôi khi vẫn còn hiện tượng xếp loại người ta như thế.

Nhưng điều Thiên Chúa cần là lòng tin, một niềm tin dấn thân trọn ven, một niềm làm thay đổi con tim và nếp sống. Tin vào những dấu chỉ Chúa ban trong cuộc sống, trong ơn gọi, tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến, là Đức Giê-su Ki-tô. Và tin không phải là việc làm, nhưng còn hơn cả việc làm, và thiết yếu cũng không phải là việc làm của chúng ta, nhưng tin là « công trình » của Thiên Chúa :

Đây là công trình của Thiên Chúa,
là các ông tin vào Đấng Người đã sai
[1].

(Ga 6, 29)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận