Thứ Ba tuần 2 mùa vọng.

Đăng lúc: Thứ ba - 06/12/2016 01:22 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Ba tuần 2 mùa vọng.

"Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ phải hư đi".

 

LỜI CHÚA: Mt 18, 12-14

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, thì quả thật, Thầy bảo các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con ở trên trời không muốn để một trong những kẻ bé nhỏ này phải hư đi".

 

 

 

Suy Niệm 1: Phải tha thứ luôn luôn

Sống ở trên đời, ai cũng mong ước mình gặp được nhiều sung túc, hạnh phúc và nhất là gặp được nhiều may mắn thành công. Ai cũng muốn là mình gặp được mối tình thông cảm cho đến đỉnh cao của tiền tài, danh vọng. Ai cũng sợ thất bại, sợ gian khổ cùng cực cất đầu không lên được với những người xung quanh. Dù rằng ai cũng tự an ủi mình bằng câu: "Thất bại là mẹ thành công". Ðau khổ nhiều, con người mới thấy giá trị đích thực của hạnh phúc. Có gian nan vất vả nhiều, con người mới cảm thấy giá trị của đau khổ, mới đánh giá chính xác về sự thành công từ những nhẫn nhục, chịu đựng, âm thầm làm việc sau bao nhiêu ngày tháng. Nếu như con người từ nhỏ đến lớn sống hoàn hảo như một vị thánh, người ấy chưa chắc đã cảm thấy mình hạnh phúc nếu không phải là người đặc biệt Thiên Chúa gìn giữ. Vì thế theo thông thường chúng ta không ai thoát khỏi những lầm lỗi, không khía cạnh này thì vướng mắc khía cạnh khác, không nặng thì nhẹ, không phải khuyết điểm lầm lỗi nặng hay nhẹ, cố tình hay vô tình nhưng quan trọng là chúng ta có nhận ra được khuyết điểm sai lỗi của chính mình hay không? Và khi nhận ra được khuyết điểm sai lỗi ấy, chúng ta có sửa đổi, rút kinh nghiệm cho lần sau hay không?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Nếu ai trong các ngươi có một trăm con chiên mà bị lạc mất một con thì người đó không bỏ chín mươi chín con trên núi để đi tìm con chiên lạc ấy sao?" Ðó là điều an ủi cho chúng ta, vì khi lầm lỗi, con người thường ít khi tha thứ hoặc có tha thứ cho nhau thì vẫn có thành kiến không tốt về người đó, nghĩa là chúng ta có ý nghĩ không tốt, bớt sự niềm nở tự nhiên trước đó.

Từ thái độ đó thường làm cho người có lỗi mang một tâm trạng tự ti mặc cảm, vì dù sao đi nữa thì trong tâm trạng đó con người cũng không có cái nhìn hồn nhiên, vui vẻ lạc quan yêu đời như trước khi họ chưa lầm lỗi. Khi đã sống trong tình trạng nghi kỵ lẫn nhau, nhìn nhau không thân thiện, chúng ta sẽ mắc vào một câu nói của một triết gia nọ: "Tha nhân là hỏa ngục của tôi". Ai cũng nhìn nhau bằng cặp mắt hận thù, ganh tị, hững hờ, chê bai lẫn nhau. Bao nhiêu cặp mắt hận thù, ganh tị, hững hờ, chê bai lẫn nhau. Bao nhiêu cặp mắt hình như cứ soi mói vào chúng ta, xét xem để rồi bắt lỗi chúng ta thì chẳng hỏa ngục là gì? Có bị như thế chúng ta mới cảm nghiệm được tình yêu bao la dung thứ của Thiên Chúa đối với chúng ta hôm nay: "Người chăn chiên sẽ bỏ chín mươi chín con trên núi để đi tìm con chiên lạc, khi tìm được rồi người chăn chiên sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không bị lạc".

Thiên Chúa đã dạy chúng ta không những phải tha thứ cho nhau bảy lần mà là bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn. Và trong một đoạn Tin Mừng khác Chúa Giêsu nói: "Nếu trong một ngày người anh em con phạm đến con bảy lần và bảy lần người ấy đến nói với con rằng tôi hối hận thì con cũng phải tha cho nó". Khi thấy điều đó khó thực hiện được nên người môn đệ của Chúa đã thưa: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Ðó là Lời Chúa nhắn nhủ dạy bảo chúng ta, còn đối với Thiên Chúa Ngài càng phải khoan dung tha thứ hơn, yêu thương chúng ta nhiều hơn nữa bằng một tình thương tha thứ vô cùng.

Trong dụ ngôn "Người Con Hoang Ðàng Trở Về" sau những tháng ngày ăn chơi trác táng thì bấy giờ nó suy nghĩ và thành tâm ăn năn thống hối trở về để xin cha tha thứ. Nhưng khi nhìn thấy con từ đàng xa, chưa kịp nghe con nói lên lời xin lỗi thì người cha đã bảo gia nhân đem áo mặc cho cậu, lấy nhẫn đeo vào tay cậu. Qua những cử chỉ yêu thương mặn nồng như thế đã nói lên tình thương của cha vẫn luôn luôn yêu thương con cái và người cha vẫn coi cậu như người con trong nhà. Vì thế, ông nói với gia nhân hãy làm thịt con bê béo để mừng con đã chết nay được sống lại. Tình thương của người cha bao la đã bỏ qua tất cả mọi lỗi lầm của đứa con hoang đàng trở về.

Trong đoạn Tin Mừng nói về một người mắc nợ ông vua như sau: Có một người mắc nợ ông vua kia đến mười ngàn nén bạc nhưng anh không có gì để trả nợ. Chủ ra lệnh bán anh và vợ con cùng tất cả gia sản anh để trả nợ. Anh liền sấp mình xuống dưới chân chủ mà van lơn: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn rồi tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương trả tự do và tha nợ cho anh ta. Khi ra về anh ta gặp một người bạn mắc nợ anh ta một trăm nén bạc, anh ta tóm lấy bóp cổ người ấy mà nói:Hãy trả nợ cho ta, khi ấy người bạn sấp mình dưới chân và nói: Cho tôi khất một kỳ hạn. Nhưng anh ta không nghe, bắt người bạn đó tống giam vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Người xung quanh thấy cảnh tượng thương tâm đó thuật lại với người chủ và người chủ đã bắt trao anh cho lý hình hành hạ cho đến khi trả hết nợ một ngàn nén bạc của anh.

Chúng ta đôi khi cũng thế, lòng Chúa khoan dung yêu thương, tha thứ cho chúng ta không biết bao nhiêu, vậy mà đối với anh em ta lại xét nét, chê bai, xử tệ, không tha thứ cho nhau dù chỉ là những lầm lỗi không đáng kể gì trước mặt Chúa là người Cha đầy tình thương dung thứ.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cảm nhận được lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa để chúng con đáp lại tình thương nhỏ bé của chúng con đối với Ngài. Xin Chúa cho chúng con biết tha thứ cho nhau không những bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ cho nhau luôn luôn trong suốt cuộc sống. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 2: Chiên lạc

Một nhà truyền giáo trong vùng Thái bình dương có kể lại sự kiện như sau: Ngày nọ có một người đàn bà bước vào lều của Ngìa với đôi bàn tay nắm chặt cát ướt. Bà hỏi ngài:

- Cha có biết cái gì trong tay con không?

Vị linh mục đáp:

- Hình như chị đang cầm cát trong tay thì phải?

Người đàn bà lại hỏi tiếp:

- Cha có biết tại sao con mang cát ấy đến đây không?

Nhà truyền giáo lắc đầu.

Người đàn bà liền giải thích:

- Thưa cha, đây là tội lỗi của con, tội con nhiều như cát biển, làm sao con có thể được tha thứ?

Lúc bấy giờ vị linh mục mới an ủi:

- Có phải chị lấy cát từ bờ biển không, vậy chị hãy quay trở lại bờ biển và giống như các em bé vẫn thường làm, chị hãy xây một núi cát, rồi chị ngồi đó và ngắm những đợt sóng biển, sóng biển sẽ vỗ vào bờ và cuốn đi ngọn núi cát của chị. Ơn tha thứ của Chúa cũng giống như thế, lòng nhân từ của Ngài bao la như đại dương, chị hãy thành tâm thống hối và Chúa sẽ tha thứ cho chị.

Một lần nữa, Giáo Hội lại tha thiết kêu gọi chúng ta quay trở về với Chúa. Với hình ảnh người mục tử bỏ 99 con chiên khỏe mạnh về tìm một con chiên lạc, trước hết Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta về lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa đối với con người. Chúng ta chỉ có thể tin tưởng quay về với Chúa, nếu chúng ta ý thức được tình yêu và lòng tha thứ của Ngài.

Tuy nhiên, con người chỉ có thể cảm nhận được lòng tha thứ của Thiên Chúa khi biết tha thứ cho anh em mình mà thôi. Đó là điều Chúa Giêsu muôn nêu bật trong Tin Mừng hôm nay. Thật thế, dụ ngôn người mục tử bỏ 99 con chiên khỏe mạnh để tìm một con chiên lạc được nhắm trước tiên đến những người biệt phái. Họ khó chịu khi thấy Chúa Giêsu kết thân với những người tội lỗi. Đề ra những khoản luật nghiêm nhặt về sự thanh tẩy, đặc biệt là thanh tẩy trước khi ăn, những biệt phái đã loại trừ nhiều tội nhân và những người thu thuế. Qua cử chỉ này, Ngài không những muốn nói với các tội nhân rằng Thiên Chúa yêu thương họ, Thiên Chúa đi tìm kiếm họ, Thiên Chúa tha thứ cho họ, nhưng Ngài còn mời gọi chính những người biệt phái, tức là những kẻ tự cho mình là lành thánh cũng phải hoán cải. Hoán cải trong quan niệm của họ về lòng nhân từ của Thiên Chúa, nhất là hoán cải trong cái nhìn của họ đối với người tội lỗi. Con người chỉ cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa khi họ biết cảm thông và tha thứ cho tha nhân. Điều đó cũng có nghĩa là lòng nhân từ của Thiên Chúa không hề làm cho con người ra vong thân, nhưng biến nó trở thành người hơn, có trách nhiệm và dấn thân hơn. Con người chỉ thực sự thống hối khi nó biết thực thi lòng nhân ái với tha nhân.

Mỗi lần bước ra khỏi tòa giải tội ai trong chúng ta cũng cảm thấy như trút được một gánh nặng và tìm được bình an và niềm vui. Quả thực, như đại dương, lòng nhân từ Chúa sẽ xóa sạch tội lỗi chúng ta. Tuy nhiên để được tắm gội trong đại dương của lòng nhân từ ấy, chúng ta được mời gọi sống lòng nhân từ đối với tha nhân. “Con hãy về và đừng phạm tội nữa”. Lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình cũng được lặp lại cho mỗi người chúng ta. Bước ra khỏi tòa giải tội là được sai đi để thể hiện lòng nhân từ với tha nhân. Và đó là món quà cao đẹp và ý nghĩa mà chúng ta có thể gửi cho nhau trong mùa vọng này.

 

Suy Niệm 3: Đón rước Đấng Cứu Thế là đón kẻ bé mọn

 “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất. (Mt. 18, 12-14)

Nếu người ta đọc lại đầu chương 18 Tin mừng theo thánh Mát-thêu, người ta thấy rằng dụ ngôn chiên lạc được tiếp sau câu hỏi của các môn đệ: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong nước trời?” (18, 1). Đức Giêsu không trả lời ngay mà lần lượt trả lời theo ba nhịp độ sau:

1) Câu 2-5: Theo kiểu các ngôn sứ xưa, Đức Giêsu trả lời trước hết bằng một cử chỉ tượng trưng: “Người gọi một em bé đến, đặt giữa các ông và bảo: Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại nên như trẻ em, thì chẳng sẽ được vào nước trời” (c. 3). Qua cử chỉ này, Đức Giêsu đảo lộn thứ bậc theo quan niệm của môn đệ. Tiếp theo, Người tự giới thiệu mình như trẻ nhỏ trước mặt Chúa Cha, môn đệ cũng phải trở nên nhỏ bé như em này, thì mới là người lớn nhất trong tình yêu của Chúa Cha.

2) Câu 6-9: Vì thánh ý của Chúa Cha là muốn cho mỗi người lớn lên trong tình yêu của Ngài, cho nên điều quan trọng là phải chăm lo săn sóc những bé nhỏ này, bằng cách tránh mọi gương mù và mọi khinh thường có thể làm chúng sa ngã.

3) Câu 10-14: Dụ ngôn chiên lạc nói đến kẻ bé mọn và gương mù (c. 6) hay cảm thấy bị khinh bỉ (c. 10) và hậu quả là dần dần xa cộng đồng vì cộng đồng không tiếp nhận nó vào cuộc sống cụ thể hằng ngày, và ngăn cản nó lớn lên trong tình yêu của Chúa Cha. Chính ra mỗi phần tử trong cộng đồng đều được đón nhận thánh ý của Chúa Cha đã muốn cho tất cả đều lớn lên trong tình yêu của Ngài, để không còn thấy mình bị xa lạc nữa, nhưng luôn luôn được đón tiếp, được tôn trọng như một nhân vị độc nhất.

Chúng ta cũng theo gương các môn đệ, cần thiết phải thanh tẩy óc địa vị của mình. Chúng ta có luôn luôn ý thức mình phải hoạt động theo tiếng gọi của Chúa Cha để thi hành trách nhiệm, mà Ngài đã trao phó cho chúng ta với danh nghĩa là môn đệ của Chúa Con và là phần tử của nước trời không?

Trong đời sống thực tế cụ thể hằng ngày, chúng ta có biết tránh mọi gương mù, gương xấu cho những kẻ bé mọn không? Có giúp chúng khám phá và lớn lên trong tình yêu của Chúa Cha không?

Hãy nhớ rằng Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình với những kẻ bé mọn: “Ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (c. 5).

J.M.R
 

SUY NIỆM:

1. Những người tội lỗi

Dụ ngôn nhỏ « một trăm con chiên », trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của Thánh Lễ hôm nay, cũng được kể trong Tin Mừng của thánh Luca, nhưng trong một bối cảnh khác, đó là Đức Giê-su đón tiếp những người tội lỗi ; như tất cả chúng ta đều biết, một trong những chương được biết đến nhiều nhất trong Tin Mừng Luca, là chương 15 gồm ba dụ ngôn : dụ ngôn một trăm con chiên, dụ ngôn mười đồng bạc và dụ ngôn người cha có hai người con. Các dụ ngôn này mặc khải cho chúng ta về lòng bao dung thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su, đối với những người tội lỗi.

Cũng cùng dụ ngôn « một trăm con chiên » nhưng được kể ở đây, trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, với bối cảnh một bài giảng dài của Đức Giê-su, gồm những giáo huấn liên quan đến đời sống cộng đoàn, đặc biệt là cung cách ứng xử đối với « những người bé nhỏ », như chính Chúa kết luận, sau khi kể dụ ngôn này:

Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất. (c. 14)

Như thế, thái độ yêu thương bao dung của Thiên Chúa, theo Đức Giê-su và nhất là được thể hiện một cách sống động và cụ thể nơi Đức Giê-su (thái độ của Ngài đối với những người tội lỗi và những em bé), được mở rộng hơn nữa, không chỉ dành cho những người tội lỗi, nhưng còn cho tất cả « những người bé nhỏ » nữa.

2. Những người bé nhỏ

Nhưng ai là những người bé nhỏ ? Bé nhỏ ở đây có thể được hiểu theo nhiều nghĩa : tuổi tác, nguyên quán, thân thế, vóc dáng, tài năng, địa vị, sức khỏe, sự trưởng thành, học thức, của cải… Và điều này phải đánh động chúng ta, vì đụng chạm đến chúng ta ở chiều sâu ; bởi lẽ ai trong chúng ta cũng « bé nhỏ » trước mặt Chúa và cả trước mặt nhau nữa về một phương diện nào đó. Nhưng thật ra, con người tự bản chất là bé nhỏ rồi, như lời Thánh Vịnh diễn tả : « Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm ? (Tv 8).

Cũng như, ai trong chúng ta cũng là « tội nhân », trước mặt Chúa và trước mặt nhau. Cảm nghiệm được điều này sẽ chữa lành cách bền vững những tương quan lệch lạc giữa chúng ta với nhau, nhất là thái độ tôn vinh bản thân và coi thường người khác. Và nếu chúng ta cảm thấy mình « lớn lao », thì Chúa mời gọi chúng ta trở nên « bé nhỏ », hay đúng hơn, nhận ra sự thật về mình là bé nhỏ và sống sự thật này trong tương quan với mình, với Chúa và với nhau. Nếu không, sẽ không được vào Nước Trời !

3. Con chiên lạc và tình yêu Thiên Chúa

Tuy nhiên, dụ ngôn bé nhỏ của chúng ta không chỉ có chiều rộng như thế, nghĩa là áp dụng cả cho những người tội lỗi lẫn những người bé nhỏ trong nhóm, gia đình hay cộng đồng, nhưng còn có một chiều sâu khôn dò nữa, vì diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

  • Chính người chăn chiên ra đi để tìm con chiên lạc, chứ không phải ngồi chờ cho con chiên lầm lạc tự ý trở về. Chúng ta hãy nhớ lại cách Thiên Chúa đi tìm con người trong Sáng Tạo, trong lịch sử cứu độ, và nhất là nơi Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể nơi mầu nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta đang hướng về trong những ngày ngày của Mùa Vọng.
  • Người mục tử bỏ lại chín mươi chín con kia ở lại trên núi trong tình trạng không an toàn, như thể con chiên lạc là duy nhất, là con chiên yêu thương duy nhất đối với mình. Có lẽ trong thực tế, không người chăn chiên lại hành động như thế. Nhưng điều này lại diễn tả cho chúng ta chính yếu tính của tình yêu, là tương quan duy nhất giữa một ngôi vị và một ngôi vị. Thiên Chúa cũng muốn đi vào tương quan tình yêu với từng người trong chúng ta, dù chúng ta ở trong tình trạng nào, tội lỗi hay bé nhỏ.
  • Và khi Thiên Chúa chọn yêu thương một dân tộc hay một người, đó là để bày tỏ cho mọi dân tộc và mọi người biết thế nào là tình yêu Thiên Chúa, và Người cũng ước ao đi vào tương quan duy nhất với từng dân tộc và từng người như thế. Bởi vì tình yêu chỉ có thể được bày tỏ và được hiểu trong tương quan duy nhất giữa một người và một người.
  • Và niềm vui thật lớn lao, khi người mục tử tìm lại được con chiên lạc của mình. Tin Mừng Luca mở rộng niềm vui này tới tận mức vĩnh hằng : « Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng ».

Chính kinh nghiệm được tìm kiếm, được tha thứ và được tiếp nhận, khi mà chúng ta vẫn là những người tội lỗi, bé nhỏ lạc lối, sẽ giúp chúng ta cũng có thể đi tìm kiếm, tha thứ và tiếp nhận anh em, chị em của chúng ta, dù họ đang trong tình trạng nào. Kinh nghiệm này cũng giúp chúng ta có thể đi vào trong niềm vui lớn lao của Thiên Chúa Cha trên trời và các thiên thần của Người.

*  *  *

Nơi bí tích Thánh Thể, Đức Giê-su vẫn luôn tìm kiếm, tha thứ và tiếp nhận từng người trong chúng ta một cách duy nhất trong tương quan một- một, bằng cách trao ban Lời của Ngài và chính bản thân mình cho chúng ta làm của ăn. Xin cho chúng ta biết thả mình vào tình yêu bao dung của Đức Ki-tô mỗi ngày và suốt đời, để hành trình đi theo Người trong một ơn gọi của chúng ta trở thành lời tạ ơn, lời ca tụng và lời loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

môn đệ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận